Sách Tự Thú của Thánh Augustinô: Phần I Chương 3 – Thời gian quyết định ở Milan

Lúc đó mẹ Augustin theo ngài đến Milan. Không thể phóng đại ảnh hưởng của người phụ nữ kỳ diệu này trên đứa con xuất sắc. Cũng rất quan trọng là ảnh hưởng của Ambrose, mà những bài giảng kinh thánh tiếp tục gây ấn tượng nơi Augustin nhất là cho ngài sự kính trọng đối với Cựu ước.

Tuy nhiên trong lòng ngài là cả một trận chiến tâm trí và luân lý. Những người trí thức ở Roma đã tiêm cho ngài cái ý nghĩ bi quan không thể minh chứng một sự gì và tin vào điều gì. Bác bỏ những tín điều Manichee ngài lại do dự khi phải chấp nhận những tín điều Công giáo. Và thế là ngài do dự giữa thuyết bi quan và niềm tin, tuy vẫn là người luôn tìm kiếm.

Tuy nhiên có thể là vấn đề luân lý quan trọng hơn vấn đề trí thức trong lương tâm ngài. Ngài biết cuộc sống của ngài không giống như cuộc sống của người tìm kiếm chân lý tinh thần. Ðàng khác sự khoái lạc buông thả dần dần biến đi. Ngài thấy mình không phải là một thánh nhân tin tưởng cũng chẳng là tội nhân thoả mãn. Cần phải thay đổi một cái gì.

13. Nhận sửa chữa

Mẹ tôi theo tôi đến Milan nên tôi có thể cho bà hay tôi đã bỏ tà thuyết (điều này mẹ đã khuyên nhủ tôi từ lâu) nhưng chưa quay về với niềm tin mẹ hằng cung kính theo đuổi. Tôi biết bà hài lòng nhưng bà khôn ngoan không cho đó là một chuyện lớn lao. Chỉ vì bà có niềm tin rằng Chúa, lạy Chúa, đã hứa sẽ xảy ra như thế, không phải tôi chỉ từ bỏ lầm lạc mà còn chấp nhận chân lý. Ðiều bà nói với tôi là “mẹ chỉ hi vọng trong Chúa Kitô là mẹ sẽ thấy con là một người Công giáo chân thành trước khi mẹ nhắm mắt”.

Dĩ nhiên mẹ còn thưa chuyện nhiều với Chúa. Tôi biết bà còn cầu cho tôi trở lại một cách sốt sắng hơn cũng như mau mắn đến nhà thờ nghe giám mục Ambrose giảng. Bà cũng cảm phục thánh nhân như thiên sứ Chúa dùng để mang tôi đến tình trạng cởi mở tinh thần như một người tân tòng.

Trong những ngày ở Milan mẹ tôi đã có một kinh nghiệm cho hay bà là người phụ nữ kỳ diệu.
Tại Bắc phi nhiều người có đạo có thói quen mang bánh ngọt bánh mì và rượu tới những mồ của các vị thánh đã qua đời và mẹ tôi thích phong tục đó lắm, và ăn uống với những người đến đó viếng mộ. Ðây là dấu hiệu kính trọng thân hữu với những người đã chết trong Chúa Kitô.

Khi đến Milan bà cũng muốn tôn kính các thánh theo phong tục đó và mang giỏ nhỏ đựng bánh và rượu. Khi vào nghĩa trang bà được ông từ cho hay giám mục Ambrose cấm chỉ phong tục đó. Dĩ nhiên mẹ tôi bất ngờ nhưng khi nghe những lý lẽ của vị giám mục bà chấp nhận ngay. Ngài cảm thấy phong tục đó sẽ trở thành những biến cố xã hội mất trật tự dễ làm cho người ta say sưa. Hơn nữa phong tục có nhiều yếu tố ngoại đạo.

Tôi rất xúc động khi thấy cách thế mẹ tôi sẵn sàng từ bỏ một phong tục mẹ rất tha thiết và vui vẻ chứ không buồn bực từ bỏ một khi đã nghe được những chứng cứ được giải thích cho bà. Thế là thay vì mang bánh rượu vào bà đã mang cả tâm hồn và lời cầu nguyện vào và đã phân phát rượu bánh cho người nghèo.

Ðây là bài học cụ thể cho tôi về đức khiêm nhường thực sự: sẵn sàng của người trưởng thành chấp nhận sửa chữa và không những thay đổi ý kiến mà cả cách hành động. Thái độ của bà làm cho thánh Ambrose cảm động. Khi gặp ngài, ngài đã khen mẹ tôi và chúc tụng tôi đã có một bà mẹ như thế. Ðáng thương cho bà lúc đó lại có một đứa con không thể tìm ra kiểu sống đó và niềm tin rất có ý nghĩa đối với bà.

14. Những vấn đề của tôi với chứng cớ

Tôi thích tranh luận những vấn đề trí thức và linh thiêng với giám mục Ambrose: ngài là hạng người mà ai cũng sung sướng khi nói chuyện với. Nhưng đáng tiếc ngài ít có giờ rảnh. Ðám đông luôn đến bên ngài và khi ở một mình thì ngài lại học hỏi. Ngài không bao giờ để cho mình bị cô đơn, cửa ngài vẫn mở và cũng không có thư ký để ngăn người ta đến gặp. Nhưng tôi thấy ngài bận việc mục vụ và với nhiều người tùy thuộc vào ngài.

Tôi muốn hỏi người tại sao người bình thản, ngài sống độc thân ra sao (một điều tôi không thể quan niệm được) ngài hi vọng gì và bị cám dỗ ra sao, ngài thấy niềm vui nào khi chịu bí tích, và ngài có được sức mạnh ở đâu với những vấn đề, những chống đối và thất vọng. Nhưng tôi không thể làm điều ấy dù tôi sống với ngài trong thời gian dài. Thực ra những sóng gió trong lòng tôi đòi hỏi nhiều nhờ nhiều khi nhiều ngày của ngài nhưng điều đó không thể nào có được.

Tôi chỉ còn nghe ngài giảng mỗi Chủ nhật và tôi theo lời ngài, ít ra ngài thuyết phục tôi về điều này là những ai cười nhạo Thánh Kinh là hoàn toàn sai lầm.
Ngài cũng giúp tôi khi chứng minh là nhiều thứ tin tưởng của người Công giáo mà tôi thấy không thể tin được hay vô lý thực ra chỉ là những sai lạc từ những giáo thuyết Kitô giáo. Một trong những tin tưởng đó là nhiều người Công giáo chủ trương là vì “Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa” nên Chúa cũng có xác như người ta. Thực là nhẹ mình khi tôi thấy mình thay vì chống đối chân lý thật thực ra chỉ là chống đối những chân lý sai lạc.

Vấn đề vẫn chưa giải quyết. Nếu như Ambrose nói và kinh thánh dậy Chúa là Thần Linh, và không thể tưởng tượng ngài có mang cơ thể con người, thì làm sao con người từ đầu đến chân mang một cơ thể lại có thể giống hình ảnh ngài được. Lúc đó tôi không thấy có giải đáp. Nhưng ít ra tôi có quan niệm về Thiên Chúa Ðấng Sáng tạo mọi loài, làm đầy vạn vật, không bị không gian và thời gian hạn chế, hay bị hạn chế trong vật chất. Chỉ quan niệm ấy làm cho tôi bắt đầu tin rằng (chỉ có tôi tìm ra) giáo thuyết ấy của Giáo Hội.

Tôi lo âu vì tôi không thể chấp nhận điều gì tôi không thể chứng minh được. Tôi muốn chắc chắn cả về những chuyện vô hình và xác tín về những điều phải tin như bảy với ba thành 10.

Tôi nghĩ đã tìm ra những tin tưởng trong phái Manichee mà tôi đã theo từ lâu là sai lạc nhưng tôi lại như xiêu lòng muốn quay trở lại. Tôi như người mới được một bác sĩ dốt chữa bịnh lại muốn như tin vào ông ta dù cho có bác sĩ khác giỏi hơn. Tôi chỉ được chữa khỏi do niềm tin. Nhưng tin lại là chuyện tôi không thể làm được.

15. Không khoái lạc trong tội lỗi

Nghề nghiệp thì thăng tiến nhưng hình như sự thế lại áp lực tôi. Tôi muốn danh dự giàu có và tình dục nhưng Chúa hình như chê bai những tham vọng đó của tôi. Ngài làm cho tôi không thích thú gì những chuyện đó. Nếu ngài không ngăn được tôi phạm tội mà không vi phạm tự do của tôi, thì ngài có thể ngăn ngừa việc tôi thích phạm tội.

Tôi rất thích khi được đọc diễn văn ca ngợi hoàng đế. Trong ngày phải đọc diễn văn tôi bị bối rối trong lòng khi biết mình sẽ nói nhiều chuyện giả dối nịnh bợ, lại được người ta hoan nghênh và họ là những người biết rằng mình giả dối.

Khi tôi đi đến chỗ tụ họp trên đường phố Milan tôi thấy có một ông hành khất. Ông hình như hơi say nhưng chắc chắn là ông rất vui. Nhưng điều đó làm cho tôi xúc động. Trên đường đi đến nơi hội họp tôi là người lo âu và khốn khổ. Còn ông ta không có gì để làm và không có ai để gây ảnh hưởng thì lại hạnh phúc trong sáng.
Tôi nhận xét như thế với bạn tôi và cho hay những tham vọng và ao ước phức tạp của chúng ta rút cục chỉ thêm gánh nặng cho ta. Ta cố gắng để được hạnh phúc, thoả mãn, và thành công nhưng rút cục ta chỉ thấy nặng nề và bất hạnh. Người ăn mày thực sự không tìm kiếm gì chỉ một vài xu mua rượu ông cũng thoả mãn rồi.

Họ cũng cho hay niềm vui của họ chỉ là giả dối. Tôi trả lời niềm vui của tôi cũng thế, còn chán chường hơn thế nữa. Dĩ nhiên tôi có mang giày hơn ông ta nhưng hình như đây chỉ là sự lựa chọn vô lý. Tôi giỏi hơn ông nhưng không hạnh phúc hơn ông.

Bạn bè tôi lại bảo điều quan trọng không phải là niềm vui mà căn bản của niềm vui. Người ăn mày vui vì rượu, còn tôi vui vì muốn được vinh quang. Nhưng vinh quang nào? Nội tâm tôi phản đối. Chắc chắn không phải vinh quang cao quí và chân thật cũng chẳng phải vinh quang cho Chúa. Nếu niềm vui của ông hành khất không là niềm vui thực thì vinh quang của tôi cũng không là vinh quang đích thực. Ông có rượu khi chúc tụng mọi người qua lại được may mắn còn vinh quang của tôi dựa trên nịnh bợ những điều giả trá. Ông ta có thể ngủ mà không say nữa nhưng tôi vẫn mang tội lỗi lên giường với tôi và cũng tỉnh giấc với tội lỗi nữa.

Tôi tiếp tục tranh luận với bạn bè như thế. Dĩ nhiên họ không đồng ý nhưng lúc đó họ cố phỉnh tôi lại càng chứng minh là tôi nói đúng. Nhưng tôi vẫn không hết lo âu. Kinh nghiệm của tôi lúc đó khi tôi chống lại lời mời gọi của Chúa, là thấy rõ tôi đang trên con đường tự hủy. Công nhận điều ấy làm cho tôi khốn khổ. Còn tệ hơn khi trong chốc lát tôi thấy có gì vui và thoả mãn, tôi lại không được hưởng thụ. Mỗi lần tôi giơ tay đón lấy niềm vui thì niềm vui xa chạy cao bay.

Chia sẻ Bài này:

Related posts