- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Hết Than Vãn

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 1

 

Gặp buổi sáng đẹp trời, bạn đi chơi, chắc bạn đã hít một hơi không khí mát mẻ và cám ơn Chúa vì sự tạo dựng tuyệt trần của Ngài.

Nhưng bạn đã làm gì khi ngày mai nhìn qua cửa sổ bạn thấy bầu trời xám xịt và mưa rơi? Bạn có cảm thấy xuống tinh thần ngay không? Có lẽ bạn không nói lớn ra nhưng thực tình, bạn đã cảm thấy gì nào?

Có phải bạn có thói quen chỉ cám ơn Chúa vì những gì bạn thích và lẩm bẩm, dù chỉ có tí xíu thôi, khi mọi sự không như ý bạn không? Thật sự, than vãn một chút có hại gì đâu ? Điều này không quan trọng lắm. Nó có thay đổi gì đâu!

Có chứ! Nó thay đổi tất cả. Mọi sự đều tùy thuộc cách ta phản ứng đối với những việc nhỏ trong cuộc sống.

Những cố vấn hôn nhân sẽ nói với bạn rằng sự đổ vỡ của một gia đình thường do những chuyện ba láp. Chỉ cần có một cái đinh nhỏ cũng đủ để chọc thủng một lốp xe. Một lỗi kỹ thuật nhỏ có thể làm tan một chiếc máy bay khổng lồ. Một hiểu lầm đơn giản có thể gây nên một chiến tranh. Một lời tức giận có thể gây một cuộc bắn giết lẫn nhau. Những điều nhỏ nhặt quan trọng lắm: chính những sự nhỏ nhặt ấy quyết định cuộc sống hằng ngày của ta: tính gắt gỏng của ta khi ăn sáng và tính nóng nẩy của ta lúc xếp hàng ở quầy siêu thị, chiều thứ  sáu ….

Ta dễ càu nhàu đến nỗi thường ta không ý thức là ta đang càu nhàu. Nhưng than vãn là ngược lại với cảm tạ. Những lời ta thán trái ngược với đức cậy trông. Trách móc vợ bạn vừa để cho miếng thịt cháy là ngược lại với một thái độ âu yếm.

Theo tự điển,  than vãn là một sự đổ lỗi . Kỳ thực, bởi các lời lẩm bẩm ta thán của chúng ta, chúng ta đổ lỗi cho Chúa không biết điều khiển các chi tiết trong ngày của chúng ta. Một thái độ ngợi khen giải tỏa quyền năng của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta: một thái độ lẩm bẩm và than vãn làm cho quyền năng đó bị kẹt.

“Anh em chớ kêu ca, như  ít người trong họ đã kêu ca, và đã bị tiêu hủy do tay thần tru diệt; các điều ấy đã xảy ra cho họ để làm gương và đã được viết lại để sửa dạy ta ….”(1 Cor 10, 10- 11).

Phaolô nói về thái độ dân Israel trong cuộc hành trình về đất hứa. Họ đã làm gì vậy ? Hậu quả khủng khiếp của thái độ của họ ra sao?

“Dân chúng ta thán lên tận tai Đấng Tối Cao, rồi cơn thịnh nộ của Đấng tối Cao đã giáng lên họ ….” (Dân Số 11,1).

Maisen đã dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập, và Thiên Chúa đã ban cho họ những dấu đặc biệt về sự hiện diện và chăm sóc của Ngài. Ngài đã rẽ đôi biển đỏ cho họ chân ráo đi qua. Rồi Ngài đã cho nước tràn ngập đạo binh Ai Cập đuổi theo họ. Thiên Chúa đã hứa dẫn đưa dân Ngài đến đất hứa. Ngài đã hứa nuôi nấng họ trong sa mạc và xua đuổi kẻ thù trước mặt họ, với điều kiện duy nhất là họ cậy trông nơi Ngài! Để chứng tỏ sự hiện diện của Ngài, một đám mây đi với họ ban ngày và một cột lửa ban đêm.

Nhưng dân Israel không cậy trông nơi Thiên Chúa. Họ kêu ca một cách chua cay, trước hết vì thiếu nước và lương thực; rồi vì họ không thích nước Chúa ban và chán thức ăn Chúa ban cho họ, họ cằn nhằn, thổi phồng những chuyện nhỏ nhặt nhất …. Và hậu quả ra sao?

Thiên chúa đã kiên nhẫn chiều theo những đòi hỏi của con cái khó tính của Ngài. Ngài chiều nữa, chiều mãi, Ngài thỏa mãn các nhu cầu của họ…. Cho đến lúc rành rành rằng họ là bất trị! Khi họ chán Manna và xin thịt, Chúa đã trả lời là Ngài sẽ ban thịt cho họ, không những một hay hai ngày mà cả một tháng, “cho đến nỗi các ngươi chán ngấy, bởi vì các ngươi đã từ bỏ và khinh chê Đấng Tối Cao” (Dân số 11,20).

Trong bốn mươi năm dân Do thái đã lang thang trong sa mạc và mỗi khi gặp khó khăn họ đã kêu ca chua chát và đòi trở về với các nồi thịt ở Ai Cập.

Tại sao họ phải trải qua bốn mươi năm để đi không đầy 300 cây số? Dù có đàn bà, trẻ con và súc vật, họ vẫn có thể làm cuộc hành trình đó trong vài tuần thôi. Nhưng họ bị giữ lại trong sa mạc đó vì những sự lẩm bẩm của họ và sự từ chối của họ không chịu tin rằng Thiên Chúa giữ lời hứa và đáp lại mỗi một nhu cầu của họ.

Trong số những người đã trông thấy những người khổng lồ và các thành trì kiên cố, chỉ mình Giôduê và Calép là vẫn tin tưởng ở lời Thiên Chúa hứa ban nước này cho dân Israel thôi. Nhưng chẳng ai chịu nghe Giôduê và Calép cả. Thiên chúa chịu đựng hết nổi, Ngài thề để cho dân Israel chết ngạt trong các lời kêu ca của họ. Không một ai trong những người đã than vãn được đặt chân lên đất hứa. Trái lại toàn thể dân Israel sẽ lang thang trong sa mạc trong 40 năm cho đến lúc một thế hệ khác lớn lên, thế hệ này sẽ vào Đất hứa dưới sự hướng dẫn của Giôduê và Calép, hai người sống sót trong cuộc hành trình trong sa mạc.

“Thiên Chúa đã kiên nhẫn với họ trong 40 năm mặc dầu họ đã hạch sách và thách đố Ngài; Ngài vẫn tiếp tục làm những phép lạ cho họ. Chúa phán: Ta đã ngán lớp người này, luôn luôn lòng dạ chúng sai lạc, chúng không biết đường lối của Ta” (He 3,9-10).

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 2

 

Chính những lẩm bẩm nhỏ nhen của họ đã làm cho họ không vào được đất hứa.

Cũng vậïy những sự than vãn và kêu ca của chúng ta chống Chúa trong những điều nhỏ nhặt có thể làm cho chúng ta không hiểu được dự định tuyệt hảo của Thiên Chúa đối với đời sống chúng ta .

“Hỡi anh em, hãy coi chừng kẻo người nào trong anh em có lòng xấu xa bất tín mà phản bội xa Thiên Chúa hằng sống” (Hipri 3,12).

Dân Israel đã lẩm bẩm vì bất tín: chính sự bất tín này là cội rễ tất cả các sự than vãn nho nhỏ của chúng ta. Kỳ thực, chính sự bất tín đã ngăn cản dân Israel vào đất Canaan. Thiên Chúa đã có những dự tính to tát hơn nhiều cho họ, không phải Ngài chỉ muốn đưa họ vào một nơi nào đó thôi đâu. Đất hứa cũng là một nơi an nghỉ trọn vẹn – một thái độ cậy trông và bình an nội tâm hoàn hảo. “Vậy ta phải sợ là trong khi lời hứa được vào nơi an nghỉ của Người còn lưu tồn, có ai trong chúng ta lại nghĩ rằng mình đã hỏng dịp.” “Vì ta cũng đã được lãnh lấy Tin Mừng như những người kia. Những lời họ đã nghe chẳng sinh ích gì cho họ, bởi không dùng lòng tin chung hợp với những kẻ đã nghe. Quả thật, ta, những kẻ tin, ta được vào nơi an nghỉ, chiếu theo điều đã phán.”

Như ta đã thịnh nộ mà thề:

“Không bao giờ chúng sẽ được vào nơi an nghỉ của Ta, dẫu rằng công việc Thiên Chúa đã hoàn tất từ lúc tạo thiên lập địa” (Hr 4,1-3). Thiên Chúa có một nơi an nghỉ hoàn toàn cho ta ngay từ bây giờ. Không phải sau cái chết, nhưng là ngay bây giờ. Đó là thái độ cậy trông hoàn toàn cậïy nơi Người mà hết thảy chúng ta đều có thể có được bởi lòng tin. Nhưng muốn được vậy, ta phải từ bỏ tội bất tín của ta, các sự lẩm bẩm và cằn nhằn của ta. Bất tín là một lỗi nặng đối với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu phán : Tội của thế gian là đã không tin nơi Ta” (Gn 16,9).

Bất tín, cũng như mọi tội khác đều là một hành động dụng ý phản nghịch đối với Thiên Chúa; chúng ta lựa chọn tin hoặc không tin.

Theo tự điển, bất tín là từ chối không chịu tin, nghi ngờ, phủ nhận điều đã được xác quyết.

Nếu bất tín là cố ý không chịu tin, thì chúng ta chịu trách nhiệm về thái độ của chúng ta và phải sửa lỗi. Cũng như đối với các tội khác, việc đầu tiên ta phải làm là xưng thú nó ra.

Trong nhiều năm tôi đã tự hào vì không cằn nhằn – nghĩa là tôi không nói lớn lên sự bất bình của tôi. Tôi luôn luôn giữ một bộ mặt tươi cười. Nhưng bên trong, tôi là một con người hay cằn nhằn. Mà bao lâu tôi không tự coi là có lỗi đó, chẳng có gì thay đổi trong lãnh vực ấy.

Tôi nghĩ rằng những sự than vãn của tôi đều chính đáng cả. Tôi cằn nhằn khi tôi ngủ chưa đủ và phải dậy sớm mà thấy mình không khoan khoái dễ chịu. Tôi cằn nhằn bên trong khi tôi trông thấy phòng tắm lộn xộn; tôi lại cằn nhằn nữa khi tôi phải ăn sáng thật nhanh. Tôi cằn nhằn khi có điều gì trục trặc ở văn phòng và người ta không làm công việc tôi đã giao. Tôi cằn nhằn vì các hoá đơn phải thanh toán, vì xe hơi của tôi không nóng máy và vì các đèn đỏ trên lộ trình của tôi . Tôi cằn nhằn khi tôi phải thức khuya để làm việc… và sáng hôm sau tôi lại cằn nhằn nữa. Mãi cho đến ngày Chúa Thánh Linh chỉ cho tôi thấy điều Thánh Kinh nói về việc cám ơn Chúa trong mọi trường hợp. Lúc đó tôi mới ý thức được rằng trong bao nhiêu năm, tôi đã làm ngược hẳn với điều đó mà không thấy tội vạ gì cả.

Bước đầu tiên của tôi trên con đường thay đổi thái độ là nhìn nhận rằng tôi cằn nhằn suốt ngày.

Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta muốn cởi bỏ tội lỗi chúng ta, chúng ta trị chúng một cách cương quyết và tận gốc; trước hết, nhìn nhận chúng, xưng thú ra, xin lỗi Chúa, và dốc quyết không sa ngã nữa. Đoạn, xin Chúa cho ta thoát khỏi các tội đó và thêm đức tin, sức mạnh để chống trả mọi cám dỗ. Cuối cùng, cám ơn Chúa và mạnh dạn tiến bước, tin rằng Chúa đã làm như ta xin.

Sau khi quyết định trước mặt Chúa rằng ta không cằn nhằn nữa và hứa cám ơn Chúa về tất cả những gì thường gây bất bình cho ta, ta có thể mong chờ Ngài hành động.

Ta không thể tự mình biến đổi từ thái độ bất tín, hay cằn nhằn của chúng ta thành những tín hữu đầy lòng biết ơn và vui mừng được. Chỉ mình Chúa mới có thể thay đổi ta như thế thôi. Về phần ta, ta chỉ biết quyết định không kêu ca nữa và ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa. Phần ta là đăm đăm nhìn Chúa Giêsu và cám ơn Thiên Chúa về những gì Ngài làm nơi ta. Thực ra chúng ta khám phá rằng Chúa đưa đến trong đời sống chúng ta những hoàn cảnh, mà đến nay, đã gây những sự than vãn của chúng ta, nhưng khi ta thấy những hoàn cảnh đó, ta có thể cảm tạ và ngợi khen Chúa, bởi vì Chúa đã dùng chính những việc trái ý nhỏ nhặt ấy để biến đổi chúng ta. Trước kia những việc đó làm cho ta trượt bước, bây giờ chúng ta nhận biết quyền năng của Thiên Chúa; Chúa dùng chúng để làm cho đức tin của ta lớn lên.

Việc chấp nhận một cách vui vẻ và biết ơn mỗi sự trái ý nhỏ nhặt xảy đến sẽ giải tỏa quyền năng của Thiên Chúa nơi ta và qua ta. Và rồi ta sẽ cảm thấy vui thực sự. Nhưng ta đừng tìm kiếm cảm giác đó như một dấu chỉ thiết yếu, lời ngợi khen và tạ ơn của ta phải dựa trên đức tin nơi lời Chúa chứ không dựa trên các tình cảm của ta .

Một trong những điều mà tôi bực mình trong bao nhiêu năm là tôi không có khiếu nhạc, mỗi khi tôi nghe nhạc hay tôi không thưởng thức trọn vẹn được vì tôi cứ tiếc nuối không biết đàn hay hát đơn ca giỏi .

Một hôm đang dự buổi hòa tấu, một câu hỏi bỗng thoáng qua trí tôi: – Con có biết ơn Chúa vì đã không biết chơi đàn nào cả không? Tôi biết rằng câu hỏi này từ chính Thánh Linh đến và tôi cảm thấy khó chịu trong ghế bành của tôi.

–  Lạy Chúa, không, con không nghĩ rằng con biết ơn Chúa .

–  Vậy con có muốn biết ơn Ta không ?

–  Lạy Chúa, có . Con muốn và con hiểu rằng đó là điều Chúa muốn cho con. Chúa có thể ban cho con năng khiếu nhạc và cho phép con phát triển tài năng đó, nếu đó là ý Chúa. Con cám ơn Chúa đã làm ra con như  ý Chúa muốn .

Nói thế, tôi tràn ngập một niềm bằng an sâu xa và tôi ý thức rằng tôi thật sự sung sướng với con người thật của tôi.

–  Đó chính là điều Ta muốn con hiểu, Chúa Thánh Linh lại nói trong tôi; nếu con đàn hát tuyệt vời, con sẽ làm cho một số người thích thú, nhưng khi con ngợi khen Thiên Chúa, con làm đẹp lòng chính Ngài.

Đối với Thiên Chúa việc tôi không có khiếu nhạc không bao giờ là một khuyết điểm, nó chỉ là một khuyết điểm đối với tôi thôi. Chính tôi là người không hài lòng về cách Chúa đã tạo dựng nên tôi. Ngài bao giờ cũng hài lòng về công trình của Ngài.

Một số người mất cả đời để tiếc nuối không có tài này tài nọ hoặc không có dịp phát triển nó. Họ phàn nàn và than thở trong lòng tin chắc rằng nếu hoàn cảnh cho phép, thì họ đã trở thành minh tinh màn bạc, vô địch thể thao, đại doanh thương hoặc bác sĩ.

Riêng bạn có một đề tài kêu ca đặc biệt không? Bạn có thể nhủ nếu có thể làm lại, bạn sẽ chọn một nghề khác, một chỗ ở khác, một người bạn đường khác không?

Bạn có thể chấp nhận rằng bạn ở đúng chỗ mà Thiên Chúa muốn cho bạn không? Rằng Ngài không bỏ qua một chi tiết nào không? Rằng Ngài rất có thể can thiệp khi bạn đã làm điều bạn xem là “điều ngu xuẩn của đời bạn” không?

Dĩ nhiên có những sự lựa chọn sai lầm, chúng ta đã bàn về trách nhiệm của chúng ta trong các sự lựa chọn của chúng ta  và hậu quả của chúng, nhưng Thiên Chúa hứa làm cho mọi sự điều gây ích cho ta – kể cả những lầm lạc của ta – nếu ta tin tưởng nơi Ngài .

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 3

 

Có thể rằng Thiên Chúa muốn kéo bạn ra khỏi địa vị hoặc công việc hiện tại của bạn. Điều cốt yếu, bây giờ là bạn vui vẻ chấp nhận điều đó và cảm ơn Chúa. Thật vậy, nếu ta cám ơn Chúa vì mọi khó khăn, tuân theo Thánh ý Ngài mỗi bước, lúc đó Chúa có thể đặt ta nơi Ngài muốn.

Bạn hãy nhớ lại rằng: Ngài đã khiến Cyrus, một ông vua ngoại giáo dấy lên đúng nơi và đúng lúc Ngài muốn, trong lúc chính ông ta cũng chưa biết Chúa. Nếu Chúa muốn hôm nay bạn ở một nơi khác, bạn hãy biết chắc rằng Ngài đã đặt bạn tại đó rồi! Bạn hãy cảm tạ Ngài về hoàn cảnh của bạn đi

Nếu Thiên Chúa dùng Thánh Linh của Ngài mà chỉ cho bạn thấy sự lầm lạc bạn đã làm cách đây 15 năm, khi bạn cố ý chọn điều trái ngược với ý của Ngài về đời bạn, thì bây giờ bạn hãy xưng thú lỗi của bạn đi, hãy xin lỗi Chúa, cám ơn Ngài và cầu xin Ngài hướng dẫn bạn để đền bù lại sự thiệt hại bạn có thể gây cho kẻ khác. Rồi bạn hãy hoàn toàn phó thác cuộc đời còn lại của bạn vào trong tay Chúa. Bạn hãy tin rằng ngay từ bây giờ, chính chúa lo cho bạn. Và bạn hãy ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa vì các hoàn cảnh hiện tại của đời bạn – hoàn cảnh cụ thể thực có – trong các chi tiết nhỏ nhất.

Có lẽ bạn sẽ khám phá ra rằng, rất nhanh chóng, quyền năng của thiên chúa kéo bạn ra khỏi hoàn cảnh hiện tại của bạn – hoặc là bạn sẽ nhận thấy rằng quyền năng của Ngài biến đổi bạn ngay trong các hoàn cảnh đó. Dù xảïy ra điều gì nữa, bạn cũng hãy tiếp tục cảm tạ Chúa đi. Chính Ngài nắm giữ mọi sự.

– Một ngày nọ, một thương gia công giáo hiến dâng đời mình cho Chúa Kitô một cách sâu xa hơn và ít lâu sau, ông bị mất chỗ quản lý – một địa vị quan trọng và được lương cao. Ông ta đi tìm một công việc khác, nhưng việc hạn chế nhân viên gây nhiều thất nghiệp trong ngành kỹ nghệ. Gia đình ông gặp nhiều khó khăn về tài chính và trong lúc các hoá đơn chồng chất lên nhau và dường như những lời cầu xin không được chấp nhận, ông càng lo lắng. Ông ta thất nghiệp được một năm, thì một chiều thứ bảy, ông ta nghe tôi nói chuyện về sự cần thiết phải cảm tạ Chúa về mọi sự. Bỗng dưng ông ta hiểu rằng Thiên chúa có những lý do của Ngài để không tìm ra việc làm cho ông ta và ông ta cám ơn Chúa vì sự thất nghiệp và vì mỗi sự khó khăn xảy đến cho ông và gia đình ông vì sự thất nghiệp đó .

Suốt ngày chủ nhật, ông vẫn tiếp tục ngợi khen Chúa và ông nhận thấy tất cả các lo âu và bực tức của ông về địa vị của ông giảm đi, nhường chỗ cho một niềm vui thật sự.

Sáng thứ hai, thật sớm, điện thọai reo. Một ông giám đốc cao cấp hỏi ông có thể đến làm việc với ông ta không.

– Thưa vâng, tôi sẵn sàng, người Kitô hữu trả lời .

– Khi nào ông có thể bắt đầu được?

– Thưa ngày mai.

– Vậy ông hãy đến văn phòng tôi lúc 9 giờ sẵn sàng bắt tay vào việc nhé!

Công việc mới của ông được lương cao và hơn nữa cho ông có việc tiếp xúc thường xuyên với các thương gia. Như vậy ông có thể làm chứng cho Chúa và đưa họ đến với Chúa Kitô, nhìn nhận Ngài là vị Cứu Tinh của họ.

Chính  ông ta đã kể cho tôi .

–  Bao lâu tôi còn lo sợ và chua xót về địa vị của tôi, bấy lâu tôi ngăn cản Chúa thể hiện điều Ngài đã dự định cho tôi. Nhưng hễ tôi tin tưởng nơi Ngài và ngợi khen Ngài vì đời sống hiện tại của tôi, Ngài có thể làm chủ đời tôi và đặt tôi ở nơi Ngài muốn.

Một cô giáo trẻ tuổi nghỉ hè ở miền núi khi văn phòng hiệu trưởng gởi giấy mời cô đi dự buổi họp phân công tác cho năm học mới. Nhưng cô không nhận được tấm giấy đó, vậy nên không đến họp – và chỗ của cô được giao cho một người khác.

Nghỉ hè về, cô mất chỗ làm.

Phản ứng đầu tiên của cô là hoảng hốt trở về nhà cha mẹ cô ở một tiểu bang khác. Hai tuần sau là nhập học và không có thêm chân giáo viên nào trong vùng; cô lại còn phải thanh toán tiền học phí khá nặng.

Nhưng cô vừa đọc quyển “Từ ngục tù đến ca ngợi” và cô hiểu rằng hoàn cảnh của cô cho cô dịp thực hành điều cô đã học. Cô trấn an được phản ứng hốt hoảng của cô và cô cám ơn Chúa đã cho phép cô mất chỗ làm và đã có một kế hoạch hoàn hảo cho đời cô .

Trong hai ngày, cô ca tụng Chúa. Trong lúc trấn áp mọi cám dỗ tuyệt vọng – ngày thứ ba, một bà láng giềng gọi cô từ bên kia bờ rào vườn cô:

–  Cô phải dạy trong một trường công giáo, bà ấy nói với cô. Sao cô không điện thoại cho ông hiệu trưởng trường con trai tôi?

Cô liền điện thoại và rất ngạc nhiên biết rằng chỗ dạy trẻ con sáu tuổi bỗng dưng còn trống. Cô đến trình diện và được nhận .

“Tôi ý thức rằng Chúa có thể can thiệp vì tôi đã tin tưởng Chúa đến nỗi ngợi khen Ngài”. Cô kể cho tôi như vậy.“Nếu tôi nghe theo bản năng sợ hãi của tôi và chạy đến gặp cha mẹ tôi, có lẽ tôi còn thất nghiệp và sẽ trách Chúa là không lo cho tôi”.

Công việc mới của cô thích hợp với cô hơn chỗ cũ nhiều. Bây giờ, trong lớp của cô, cô có thể làm chứng tá cho đức tin của cô và cầu nguyện một cách tự do với những đứa trẻ có vấn đề.

Thiên Chúa có một kế hoạch và một nơi hoàn hảo cho cô giáo trẻ tuổi cũng như cho nhà thương gia công giáo. Ngài đã đóng cửa những chỗ làm cũ của họ, mà họ gắn bó và Ngài đã mở cửa tốt đẹp khi họ tin tưởng nơi Ngài và ngợi khen Ngài vì sự thất nghiệp của họ.

Sự lo sợ, chua xót, than vãn, oán trách làm trì trệ việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa trên chúng ta. Kế hoạch của Chúa được đo đúng từng phút,  từng giây một cách hoàn hảo, nhưng ta phải hiểu rằng nó không luôn luôn trùng hợp với kế hoạch của ta đâu.

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 4

 

Tôi luôn rất tự hào về sự đúng giờ giấc của tôi và về khả năng quản lý tốt “thời giờ của Chúa”. Tuy vậy, một hôm, tôi ở trên chuyến máy bay đi El Pasô (tiểu bang  Texas)  nơi tôi phải nói chuyện với một nhóm thương gia . Tôi nôn nóng nhìn kim đồng hồ của tôi; kim gần 14 giờ 30 trong lúc tôi dự trù đến nơi vào lúc 14 giờ. Tôi tự hỏi xem điều tốt lành nào có thể bắt nguồn từ việc tôi đến trễ buổi hẹn đó chăng .

–  Lạy chúa, tại sao Chúa cho phép như vậy? Tôi hỏi một cách hơi bực tức.

Thay vì trả lời, Chúa hỏi tôi:

–  Con có biết ơn vì đi trễ không?

–  Vấn đề không nằm ở đó, tôi trả lời. Chính những người lương thiện này mời con đến, họ đài thọ phí tổn cho con, và trông mong con đến đúng giờ, và chính họ sẽ phải học biết ơn.

– Mà con có biết ơn không? Tư tưởng vẫn kiên trì.

Bỗng chốc sự thực đánh động tôi. Thật ra tôi không lo lắng bao nhiêu cho những người tham dự buổi họp đó. Chính bản thân tôi cảm thấy phật ý. Chính tôi không tin rằng Thiên chúa làm chủ hoàn cảnh. Chính tôi lo lắng và kỳ kèo về cách Chúa quản lý “thì giờ” của tôi.

–  Con xin lỗi Chúa, tôi thì thầm. Con tin thật Chúa biết quản lý thì giờ của con hay hơn chính mình con. Nếu Chúa cho phép con phải đến trễ, tức là điều đó nằm trong kế hoạch hoàn hảo của Chúa, và con cám ơn Chúa về điều đó. Con phó thác cho Chúa việc quản lý thì giờ của con và con tin cậy Chúa về kết quả .

Tôi ngả lưng trên ghế máy bay và thở phào một cái . Đồng hồ của tôi chỉ 14g45, nhưng tôi hoàn toàn bình an. Cùng lúc đó, cô chiêu đãi viên đi ngang qua … đồng hồ của cô ngay trước mắt tôi: nó chỉ 13g45 . Tôi chồm dậy.

–  Thưa cô, đồng hồ cô 13g45 . Cô có chắc chắn là đúng giờ không?

– Thưa ông đúng ạ. Chúng ta mới vào một tuyến giờ khác và bây giờ là 13g45 !

Tôi reo mừng trong lòng:

–  Cám ơn chúa đã dạy con không nên lo giờ.

Máy bay tiếp tục bay. Khi đến 14 giờ tôi lại cảm thấy lo lắng nữa. Đến 14g15 chúng tôi sắp sửa hạ cánh xuống El Pasô và dường như tôi sẽ trễ vài phút.

– Lạy chúa con tiếc đã nóng nẩy, tôi thì thầm. Nhưng con chưa bao giờ đi trễ một cuộc họp nào và con không hiểu được tại sao Chúa cho phép điều ấy xảy ra cho con hôm nay.

– Con có biết ơn không?

– Thưa Chúa chắc rồi! Con muốn biết ơn. Cám ơn Chúa vì bây giờ 14g20 và cám ơn vì nơi con đến.

Khi tôi ra khỏi máy bay, đồng hồ tôi chỉ 14g25. Tôi móc chương trình buổi họp trong túi ra để xem lại  địa chỉ và măùt tôi rơi vào giờ họp :14g30.

Tôi lao vào bến taxi gần nhất. “Lạy Chúa, hay quá ! Tôi kêu lên trong lòng, Chúa đã biết dạy con trông cậy vào Chúa về cách quản lý thì giờ của con mà khỏi thiệt thòi cho ai cả”. (Thật ra Chúa luôn luôn hành động như thế. Ta tưởng rằng có lẽ người khác sẽ chịu hậu quả của lỗi lầm chúng ta, nhưng Chúa cũng điều khiển hoàn toàn đời sống của họ nữa, và Ngài cũng thương yêu họ như Ngài thương yêu chúng ta).

Người lái xe nhìn tôi như thể hỏi:

–  Thưa ông muốn đi đâu?

Đến El Paso Hilton, tôi trả lời còn hổn hển. Lái xe cho tôi đến đó nhanh nhất.

Ông ta bật cười và chỉ phía bên kia đường.

– Ở đấy, ngay trước mặt ông ạ.

Khi ngang qua cửa phòng đại hội, tôi liếc nhìn đồng hồ; đúng 14g30. Người ta đang hướng về phía đài các (thuyết trình viên) diễn giả và tôi lủi sau họ về phía ghế của tôi.

Thời khoá biểu của Chúa chính xác một cách không thể sai chạy được! Êm dịu thay được biết rằng chúng ta được ở trong đó .

Bạn hãy phó thác cho Chúa việc tổ chức thì giờ của bạn. Chúa sẽ lo liệu cho bạn đến đúng nơi và đúng lúc Chúa muốn, nếu bạn tin tưởng nơi Chúa. Chương trình của Chúa hoàn toàn, –  cho mỗi buổi hẹn cũng như cho mỗi giờ phút trong đời ta. Chúa không áp đặt thời khoá biểu của Chúa trên ta đâu, nhưng nếu chúng ta cho Chúa các ngày giờ của chúng ta, Chúa sẽ biết làm cho chúng ta đến nơi Chúa muốn, theo giờ của Chúa.

Điều này không muốn nói rằng ta có thể ngồi nghỉ trong ghế bành của ta và nói: “Nếu Chúa muốn cho tôi đến đó, thì Ngài cứ lo sao cho tôi đến đó. Tôi cứ việc ở đây, ngủ yên cho đến lúc Chúa chở tôi đi nơi khác!

Chúng ta có phần việc của chúng ta, nhưng không nên lo lắng tính toán từng giây thì giờ của chúng ta. Chúng ta làm hết sức mình: dậy đúng giờ buổi sáng, chuẩn bị đúng giờ đến các buổi hẹn, rồi cám ơn Chúa vì tất cả những gì có thể xảy đến ngoài ý muốn của ta – dù cho có thể xảy ra là ta không nghe đồng hồ đánh thức sáng, ta trễ vì một sự bất ngờ hoặc bị giữ lâu giờ bởi mộ đứa con cần đến sự săn sóc cuả ta hoặc một người láng giềng nói chuyện lâu .

Khi Chúa dạy ta cậïy trông vào Chúa và ngợi khen Chúa trong tất cả mọi sự,  Ngài theo đuổi hai mục đích : tỏ bày quyền năng của Ngài trong hoàn cảnh đó, và dùng chúng ta để thu hút những kẻ khác đến với Chúa.

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 5

 

Trong một thời gian, tôi làm việc với một nhạc trưởng chuông sự hoàn hảo. Mỗi c hi tiết của mỗi bài hát trong phụng vụ đều được sắp đặt trước và thực  hiện một cách chính xác, nhưng vị nhạc trưởng đó làm việc trong một sự căng thẳng đến nỗi ông ta truyền nó cho tất cả các ca sĩ. Họ hát rất hay nhưng không có niềm vui .

Một hôm người ấy đến bàn giấy tôi để nói chuyện.

– Anh Bob  à, tôi nói với ông ta, tôi thiết tưởng anh sẽ thoải mái hơn và vui vẻ dạy cho ca đòan anh hát nếu anh cám ơn Chúa vì tất cả mọi sự xảy đến cho anh.

Ông ta nhìn tôi một lát rồi thú thật với tôi:

– Đã sáu tháng nay con quan sát cha. Ban đầu con tưởng rằng cha muốn tỏ ra bộ mặt vui vẻ bên ngoài. Không ai có thể vui tươi liên lỉ như vậy được. Ông ấy mỉm cười và nói tiếp:

– Đôi khi con phạm lỗi trong lúc điều khiển, nhưng bao giờ cha cũng phản ứng một cách vui vẻ…. Con không hiểu được cha làm thế nào, nhưng con ao ước được như cha.

Chúng tôi đã nói chuyện như vậy cho đến giờ tập hát: Và Bob nhanh nhẹn ra khỏi bàn giấy của tôi. Anh ta không có thời giờ chuẩn bị và tôi tự hỏi anh ấy sẽ phản ứng thế nào đây trước hoàn cảnh bất ngờ đó.

Sau này anh kể với tôi: “Con bắt đầu căng thẳng khi nghĩ đến các dụng cụ và nhạc mà con đã không chuẩn bị, nhưng bỗng nghĩ ra đó chính là thứ hoàn cảnh mà chúng ta đã bàn về vấn đề ngợi khen; con liền ngợi khen Chúa. Ngay lúc đó, bốn ca sĩ đến. Họ đến sớm trước giờ tập hát và hỏi có thể làn gì giúp con. Đó là lần đầu tiên từ bao nhiêu tháng con điều khiển ca đoàn này”.

Tôi sửng sốt. “Cám ơn Chúa, tôi thốt lên trong lòng –  Chúa lo liệu thật nhanh chóng!”

Sau buổi đó, Bob lơ lửng trên chín tầng mây. Anh ta chưa bao giờ ý thức rằng Chúa thân hành lo lắng cho các chi tiết của đời anh, và quyền năng của Chúa tỏ hiện ngay, khi anh, Bob, hết căng thẳng và nói cám ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Cuộc khám phá đó đã biến đổi hẳn Bob trong việc dạy hát của anh.

Chẳng bao lâu sau đó, đơn ca, anh vấp nhiều chỗ, thường việc đó làm anh tuyệt vọng. Nhưng thay vì gồng lên ở mỗi nốt sai, anh ta ngợi khen Chúa đã cho phép những khuyết điểm đó. Kết quả là anh cảm thấy niềm vui của anh lớn lên mỗi khi anh hát; và đối với chúng tôi, những kẻ nghe anh, gương mặt của anh chiếu toả hạnh phúc và giọng hát của anh diễn tả một chiều kích mới của niềm vui.

Liên hệ của anh Bob đối với cộng đoàn cũng thay đổi nhiều . Thường anh chào với một tiếng “chào các bạn” buồn bã, bây giờ anh rộng miệng cười và nói vui vẻ: “Chào các em ! Ngày đẹp quá nhỉ?”

Buồn bã không phải là một tội cho đến lúc ta ý thức rằng đó là cách diễn tả trái ngược với một đức tin, hạnh phúc và đầy hy vọng, tức là một thái độ bất tín.

Ai trong chúng ta cũng biết những câu nói sau đây: “Vâng, chúng ta hết thảy đều có những ngày xui, những lúc thăng trầm”. Chúng ta nói mà không suy nghĩ, nhưng nguy hiểm lắm vì như vậy có nghĩa là những “thăng trầm” đó là đời sống Kitô hữu bình thường. Thánh Kinh nói rằng hoàn cảnh bên ngoài có thay đổi, có thể tốt hay xấu, nhưng thái độ bên trong (nội tâm) của chúng ta phải là một thái độ hoan lạc liên lỉ trong Đức Kitô.

Thánh Pholô ở trong tù đã viết: “Tôi đã học cho biết đành lòng với phận mình gặp phải. Tôi đã biết cảnh nghèo hèn, mà dư dật tôi cũng biết. Trong mọi cơ hội và về mọi sự, tôi đã được quen với nó; với đói, với dư, với thiếu. tôi có sức chịu mọi sự, trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Phil 4,11-13).

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 6

 

Chúng ta không luôn luôn trông thấy lỗi của chúng ta khi chúng ta thiếu lòng biết ơn trong những điều nhỏ nhặt. Nhưng một hôm, tôi phải học một bài học đích đáng.

Buổi sáng ấy, chúng tôi rất bận việc tại văn phòng tuyên úy ở Fort Benning và mọi công việc đều không chạy. Người phụ trách không đến và những người kia có vẻ không biết phải làm gì. Điện thoại reng, giấy tờ chất đống, và tôi bắt đầu bực tức đối với người vắng mặt. Dĩ nhiên, điều đó không làm cho anh ta đến và cũng không làm cho hoàn cảnh tốt hơn. Tôi càu nhàu trong lòng phần lớn ngày hôm đó.

Hôm sau,  người ấy trở lại kể cho chúng tôi anh đã phải đi bệnh việïn để khám nghiệm và ở đấy họ báo cho anh biết anh có một nhọt ung thư trong sống mũi; khiếp đảm bởi tin đó, anh về nhà và đi nằm (mà cũng không lo lắng xem anh có thể dậïy nổi không).

Tôi bị lương tâm cắn rứt. Tôi đã làm to chuyện vì một chút trễ nải, không quan trọng trong công việc của tôi, thay vì cám ơn Chúa cho người đã vắng mặt. Hôm đó, những sự lẩm bẩm của tôi đã ngăn cản tôi làm nhiệm vụ dẫn tình yêu và quyền năng của Chúa hành động nơi người bệnh đó.

Điều quan trọng là ta phải tập phản ứng bằng đức tin, và lời ngợi khen trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù hậu quả có trông thấy được hay không. Ta càng tập nhấn nút ngợi khen thay vì nút hoảng hốt, đời sống và thái độ của ta càng bởi đó mà biến đổi, dù nguyên nhân bên ngoài có bi đát hay không quan trọng.

Một hôm, một người đi làm về và lái xe trên con đường đóng băng cứng. Không biết rõ tình hình của lòng đường, anh ấy đã trượt ngã ba và đụng một chiếc xe khác. Không hai bị thương, nhưng hai chiếc xe bị hư nặng. Người lái xe gây ra tai nạn đó rất bực mình về sự thiếu ý tứ của mình. Đoạn, anh ta nhớ lại những gì anh ta đã đọc gần đây về việc ngợi khen Chúa vì mọi sự.

– Cám ơn Chúa về tai nạn ấy, anh tự nhủ.

Tức thì anh ta nghe một tiếng nhỏ khác thì thầm trong dầu anh ta:

– Đừng ngu! Mày vừa phạm một lỗi lớn; mày còn muốn làm nặng thêm bằng cách giả đò hài lòng về việc đó ư?

– Chúa đã hứa làm cho mọi sự gây ích lợi cho tôi, anh ấy trả lời.

– Mày chẳng bao giờ xem thấy được gì tốt từ một chuyện như vậy đâu!

Nhưng anh ấy vẫn kiên trì:

– Có mà. Bao lâu tôi cám ơn Chúa về việc ấy!

Anh ta tiếp tục cám ơn Chúa về tai nạn mặc dù chẳng có gì thay đổi cả. Người lái chiếc xe kia không được dẫn đến Chúa Kitô và đến gara, không ai có vẻ chú ý đến bộ mặt vui tươi của anh cả.

Vậy anh có lợi gì mà cư xử như thế không?

Trong chính ngày đó, một cái gì lạ lùng  bắt đầu xảy đến nơi người ấy. Anh ta càng cám ơn Chúa, anh lại càng cảm thấy đầy một niềm bình an chưa từng có. Vào khoảng 12 giờ trưa anh thấy vui khác thường, muốn cười dòn lên. Và mỗi lần anh nói lên lòng tri ân đối với Chúa vì tai nạn, anh cảm thấy giải toả được một cái gì:  như thế những nút thắt được gỡ ra trong nội tâm anh .

Trước kia anh là một Kitô hữu bình thường nhưng từ ngày đó, đời sống của anh đã biến đổi. Anh đã đi sâu vào một chiều kích mới của đời sống khải hoàn trong Đức Kitô – và điều ấy nhờ quyết tâm của anh muốn nhìn bàn tay Chúa trong cái mà thoạt tiên anh tưởng là một sự nhầm lẫn ngu xuẩn và rủi ro.

Một người khác đã nghe tôi nói về sự ngợi khen về mọi sự và đã hứa với Chúa sẽ cám ơn Chúa về mọi sự xảy đến cho anh, kể từ  lúc đó.

Anh cùng với gia đình đi họp về dưới một trận bão tuyết và nhiệt độ dưới không độ. Anh về đến nhà lúc khuya khoắt và khi họ bước qua cửa, họ ý thức rằng có gì trục trặc đây: nhà lạnh ngắt và hệ thống sưởi không chạy nữa.

Tấùt cả gia đình leo lên thang gác, còn người cha chạy xuống hầm nhà để kiểm lại máy đun nước. Ông ta không biết gì về hệ thống sưởi cả và không biết nguyên nhân của việc hỏng máy đó.

Ông ta đứng ngây ra đó, đăm đăm nhìn máy đun nước lạnh ngắt và im bặt, và phản ứng đầu tiên của ông ta là cầu xin Chúa giúp ông làm cho nó chạy lại được. Với trời lạnh như thế, chắc ông phải đưa gia đình đi nơi khác trong đêm nay ….

Rồi thì ý nghĩ này đến với ông:

– Con có biết ơn bây giờ không?

Ông phải thú nhận rằng, trước tình hình giá lạnh của căn nhà, và nghĩ đến gia đình của ông run lên vì rét, ông quá xúc động khiến ông không thể biết ơn về hoàn cảnh đó.

“Lạy chúa con rất tiếc, con đã quên biết ơn”, ông cầu nguyện vậy . “Nhưng con biết Chúa đã định trước điều này; vậy con cám ơn Chúa vì máy đun nước này trong tình trạng hiện tại của nó”.

Lúc đó ông nghe rất rõ gợi ý này trong trí ông.

– Con hãy xem cái quạt!

– Cái quạt ? Con không biết nó nằm đâu nữa!

– Con hãy nhìn sau tấm kim khí, phía tay phải, có tiếng trả lời như thế.

Anh ta tìm thấy một cái vặn ốc và bắt đầu tháo ốc của tấm lắc. Bỗng chốc cảnh tượng có vẻ lố bịch đối với anh. Nếu đây chỉ là do trí tưởng tượng của anh ta? Cái quạt có thật ở đằng sau tấm lắc này không? Anh nghĩ nếu Chúa đang giúp trực tiếp như vậy thì anh phải tiếp tục làm.

Các ngón tay anh cóng lên vì rét, nhưng tấm lắc đã bật ra – và trông thấy cái quạt.

– Rồi bây giờ phải làm gì nữa đây? Anh suy nghĩ.

– Con hãy tìm dây chì của cái quạt, nó đã bị cháy.

Trời tối quá không sao trông thấy được gì bên trong lò đun nước. Anh kiếm một cây đèn và rọi ở lỗ lò. Anh phân biệt được dây chì của cái quạt đang lơ lửng trên không. Anh đưa nó vào trục chánh của quạt và rút tay ra. Lò đun nước vẫn im lìm.

– Rồi làm gì nữa đây?

– Con hãy bật nút lên, anh nghe nói trong người anh . Anh vừa mới bật nút xong thì lò đun nước đỏ rực; anh ta chạy xộc lên cầu thang kể lại cho gia đình nghe Chúa vừa mới chúc lành cho họ ra sao qua kinh nghiệm lò đun nước bị hỏng đó.

Nếu anh không ngợi khen Chúa trong trường hợp éo le đó, thì anh và cả gia đình anh phải khốn đốn nhiều. Bởi vì cái lò đun nước bị tắt đó, Chúa đã cho anh cơ hội học biết một cách cụ thể rằng lời khen ngợi gây nên quyền năng và sự điều khiển của Thiên Chúa.

Câu chuyện cái lò đun nước ấy đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời người ấy. Anh bắt đầu từ đó nghe tiếng Chúa trong mọi hoàn cảnh và ngày nay anh có một sự nhạy cảm hiếm có đối với các cảm hứng của Chúa Thánh Linh. Một lỗ tai lắng nghe tiếng Chúa đã làm cho anh ta trở thành dụng cụ ơn Chúa.

Mà bước đầu của anh là một động tác đức tin: tin rằng một lò đun bị tắt vào một tối bão tuyết là một cách diễn tả sự chăm sóc của Chúa đối với anh và gia đình anh. Anh có thể lỡ dịp đầu tiên đó, nhưng chắc chắn Chúa sẽ ban cho anh những dịp khác. Tất cả chúng ta đây đều có nhiều dịp nhận ra bàn tay của Chúa trong các hoàn cảnh đời sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng chúng ta đã bỏ mất bao nhiêu dịp rồi?

Kết quả các phản ứng của chúng ta dồn dập lên nhau và giúp nhau lớn lên. Càng tin ta càng dễ tin hơn. Cũng vậy, mỗi khi ta để cho sự bất tín phủ nhận sự hiện diện và tình yêu của thiên Chúa trong một hoàn cảnh khó khăn, các hậu quả tiêu cực chồng chất lên nhau và ta càng khó huy động ý chí của ta để tin, dù là một chút thôi. Ta càng lẩm bẩm và kỳ kèo, ta càng lún sâu trong lưới thất bại. Các sự kêu ca nhỏ của ta thêm dồn đến nỗi trở thành một hòn núi than vãn.

Một cô y tá Thiên Chúa Giáo vừa trải qua những năm khổ sở. Cô ấy viết cho tôi : “Khi nào cũng là những chuyện không đâu đã làm cho con bực tức và chán nản. Đời sống của con càng ngày càng khổ sở.

Con xin Chúa giúp con, nhưng chẳng thấy gì cả. Con bắt đầu uống thuốc để có sức buổi sáng và uống thuốc để ngủ buổi tối. Mỗi ngày của con bắt đầu trong lo âu phải thức dậy. Con không còn quét dọn nhà cửa được nữa, ở bệnh viện, con bị đè bẹp dưới sức nặng của dịch vụ đối với bệnh nhân.

“Mỗi ngày lại tệ hơn ngày trước. Rốt cuộc con không làm được những việc nhỏ nhặt nhất mà con làm thật dễ dàng mấy tháng trước đây. Con lâm vào một sự chán nản tuyệt vọng đến nỗi con xin Chúa cho con chết đi cho rảnh. Cuộc sống đã trở thành địa ngục thật sự đối với con”.

Rồi, một hôm, cô ấy đọc quyển “Từ ngục tù đến ca ngợi”. Cô viết cho tôi: “Thật như là một tia hy vọng đã bừng lên trong con”. Cô ấy quyết định ngợi khen Chúa vì mọi sự và kê một danh sách dài những đề tài tạ ơn, bắt đầu bằng những gì gây căng thẳng tinh thần cô. Chẳng bao lâu cô đã trông thấy kết quả.

“Từ ngày Chúa Giêasu đi vào trong lòng con, có sự thay đổi kỳ diệu biết bao trong đời con.” Đó là tất cả những gì con có thể nói lên bây giờ. Hết liên lỉ sợ thất bại rồi! Con không để cho mình bị bực tức và bối rối như trước nữa. Khi điều gì có vẻ không xuôi chảy, con chỉ ngước mắt lên và thưa: “Lạy chúa, cám ơn Chúa” và điều ấy làm cho lòng con vui lên.

Bạn có bị bao vây bởi điều tưởng như là những núi lầm than hoặc những hang chuột chù khó chịu, cách giải quyết vẫn thế thôi. Bạn hãy xưng thú các các sự lẩm bẩm ta thán của bạn như là một tội và hứa với Chúa sẽ biết ơn Chúa bắt đầu từ lúc đó.

Nếu bạn dốc quyết như vậy và quyết tâm kiên trì trong đức tin, Chúa sẽ cho bạn thực hiện điều đó. Một khi đã dấn thân, các cơ hội tạ ơn Chúa sẽ chắc chắn đến bất chấp ít nhiều.

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 7

 

Trong một cuộc tĩnh tâm gần Fort Benning, vài người lính trẻ hứa cảm tạ Chúa về mọi sự. Ngày hôm sau, một người trong nhóm họ được tin người bác anh ta thương yêu nhất, là nông dân, đã mất vì tai nạn máy kéo. Ý nghĩ đầu tiên của anh là : “Kìa mày hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra! Mày đã quyết định ngu xuẩn ngợi khen Chúa. Và bác mày cũng không được trở lại nữa!

Nhưng ngay đó người lính trẻ ý thức được tư tưởng ấy từ đâu đến và chống lại cơn cám dỗ kêu ca Chúa về cái chết của bác anh ta. Và thay vì kêu ca anh đã cầu nguyện : “Lạy chúa, Chúa biết con yêu bác con đến mức nào rồi, nhưng Chúa còn yêu bác con nhiều hơn nữa. Chắc Chúa có lý do đích đáng để chop phép bác con chết. Con cám ơn Chúa và con ca ngợi Chúa đã làm điều tốt nhất cho bác con”. Sau khi đã cầu nguyện, anh được an tâm vì cái chết của bác anh, nhưng anh không thể không lo lắng cho anh họ của anh mới đây đã nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu Chuộc. Anh ta sẽ phản ứng thế nào đây trước cái chết của cha anh? Người lính trẻ xin phép nghỉ để đi đưa đám hầu nâng đỡ tinh thần anh họ mình nhưng anh không được giấy phép.

– Lạy Chúa, con chấp nhận! Anh thưa. Chúa biết rất rõ anh họ con; vậy con cám ơn Chúa vì không đi được.

Anh định điện thoại cho cha mẹ anh để nhờ nhắn anh họ anh và đến phòng điện thoại, anh ngạc nhiên làm sao khi nhận ra chính giọng của anh họ mình bên kia đường giây .

– Anh mạnh khoẻ thế nào? Anh ngớ ngẩn lên trong sự ngạc nhiên của anh.

– Anh ca ngợi Chúa! Cả nhà đều quá sung sướng vì ba đã chấp nhận Chúa Kitô vài ngày trước khi xảy ra tai nạn! Ba có thời giờ tuyên xưng với mọi người những gì Chúa đã làm cho ba. Chúng tôi chắc chắn rằng ý Chúa muốn cho ba lên thiên đàng bây giờ đây.

Người lính này trở về kể lại cho những người khác điều đã xảy ra. Một trong những người tham dự buổi họp mặt ấy, vợ mục sư tuyên úy, hứa với Chúa sẽ ngợi khen Ngài vì tất cả những gì xảy đến trong đời bà.

Ngay tối hôm đó trên xe về nhà bà có cơ hội đầu tiên để ngợi khen Chúa. Từ 18 năm bà lái xe, bà chưa bao giờ bị phạt cả. Lần này, một cảnh sát lưu thông bắt bà đậu xe và lập biên bản vì bà đã băng qua ngã tư không đúng phép.

Bà đã tốn công giải thích cho ông cảnh sát là ông lầm. Một chiếc xe khác, giống xe của bà đã không chịu ngừng và qua mặêt bà trong lúc chính bà đã ngừng lại. Ông cảnh sát không chịu tin bà và bà sắp giận và ta thán về nỗi bất công bà gặp phải. Đoạn bà nhớ đến lời hứa của bà sẽ biết ơn trong mọi sự.

– Lạy  Chúa, bà cầu nguyện, con tin đó là ý Chúa. Con cám ơn Chúa vì kinh nghiệm đó.

Bà liền ý thức rằng cả người bà tràn ngập niềm vui. Ngày hôm sau  bà trở lại  kể câu chuyện ấy cho chúng tôi nghe .

– Kỳ diệu thay, phải không ạ? Bà nhận xét. Chúng ta không còn phải lo sợ người ta lợi dụng mình hoặc,  đối xử bất công với mình nữa. Ngay cả những trường hợp đó nữa cũng có thể trở thành một nguồn vui và sức mạnh khi chúng ta nhìn thấy trong đó bàn tay của Chúa và ta cám ơn Chúa.

Vâng, nhưng nhiều người khác được thu hút đến cùng Chúa Kitô khi chúng ta chúc tụng Chúa. Nếu chúng ta càu nhàu và nếu ta phàn nàn một cách chua cay về muôn nghìn sự trái ý trong cuộc sống hàng ngày, như các bạn chưa biết Chúa thì họ sẽ kết luận rằng có đức tin hay không cũng chẳng khác nhau gì cả. Nếu họ không thể trông thấy trong cuộc sống tầm thường mỗi ngày của chúng ta, rằng sự hiện diện của Chúa Kitô gây nên một sự khác biệt thật sự, làm sao ta có thể hy vọng rằng họ tin chúng ta khi ta nói với họ rằng họ cần đến Chúa Giêsu ?

Không phải những gì ta nói, nhưng con người của chúng ta và việc làm của ta thu hút kẻ khác đến với đời sống của Chúa Kitô mà chúng ta được sở hữu. Không gì mặc khải rõ về chúng ta cho bằng cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ta đã phản ứng thế nào trước các chậm trễ và khó khăn trong công tác, những sự khẩn cấp, những cuộc gặp gỡ tình cờ mỗi ngày. Ta có hành động cách thế nào mà không ai thấy được là ta khác ư? Hay là cách phản ứng của chúng ta khiến họ suy nghĩ, và nhận xét : “Người này không giống các người khác. Họ có cái gì đó mà tôi không có?

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 8

 

Hai ông bà nọ đọc quyển “Từ ngục tù đến ca ngợi” và cả hai đều xác tín rằng chúa muốn thật sự họ biết tạ ơn về mọi sự. Một hôm, khoảng hai giờ rưỡi sáng, họ bị đánh thức bởi một tiếng kính vỡ rất lớn. Ông ta nhìn ra cửa sổ trông thấy tất cả các kính trong xe hơi của ông đều bị vỡ tan do một băng thanh niên vừa chạy trốn qua góc phố. Hai ông bà đều đồng ý nghĩ rằng Chúa đã ban cho họ một dịp ngợi khen Ngài. Họ quỳ gối gần giường của họ và tạ ơn về điều mới xảy ra.

Sáng hôm sau, người chồng lái xe ra gara và giải thích đầu đuôi câu chuyện.

– Vinh danh Chúa, ông ấy nói . Tôi chắc chắn Chúa có một kế hoạch kỳ diệu với cớ sự này.

Ông chủ gara lắc đầu:

– Nếu việc đó xảy ra cho tôi, tôi làm đến cùng để bọn ăn cướp ranh con đó phải bồi thường cho tôi!

Người thân chủ mỉm cười và đáp lại :

– Không cần thiết, ông  bạn ạ, chính Chúa lo việc này; tôi không cần lo lắng

Ông chủ gara trố mắt nhìn và nói:

– Tôi có đạo đã bao năm nay nhưng chưa bao giờ tôi nghe nói phải ca ngợi  Chúa về sự phá hoại này !

Họ tiếp tục bàn cãi như vậy và người thân chủ bàn đến việc chịu phép rửa trong Thánh Linh và quyền năng của Thiên Chúa được thi thố bởi lời ngợi khen .

– Xin ông đừng nói nữa ! Ông chủ gara hét lên, người ta nói với tôi nhiều về phép rửa trong thánh Linh đến nỗi tôi phát ngán. Một thân chủ của tôi chỉ nói toàn điều đó thôi . Nhưng xin ông tiếp tục nói với tôi về việc ngợi khen. Điều này xem chừng hấp dẫn đấy!

Người thân chủ giải thích rằng theo ý ông, hai đề tài này chỉ là một thôi, vì cả hai đều liên quan đến sự phó thác tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Cuối cùng người chủ gara bằng lòng đến dự một buổi họp của những thương gia đã chịu phép rửa trong Thánh Linh và tại buổi họp đó, chính ông ta cũng đã lãnh phép rửa của Thánh Linh .

Sau đó, ông ta quyết định ngợi khen Chúa vì mọi sự và dẫn đầu danh sách là cái gara của ông. Thật vậy, từ hai năm nay việc làm của ông sa sút.

Chiều hôm sau, một trong những người làm công với ông ấy đưa tin xấu. Ông vừa bị tai nạn và xe vận tải của họ bị hỏng. Điều này có thể làm cho cơ nghiệp của ông bị suy đổ. Ông chủ gara bèn nhìn người làm công trẻ tuổi của ông, xanh xao và run rẩy đang chờ đợi ông chủ nổi trận lôi đình. Nhưng ông chủ lại nhoẻn một nụ cười tươi tắn, ôm vai người thanh niên và nói với anh ấy:

– Ta hãy ngợi khen Chúa vì tai nạn này và ta hãy tin rằng Chúa sẽ làm cho nó sinh ích cho chúng ta!

Người ta làm thủ tục thông thường nơi công ty bảo hiểm và ông chủ gara ngạc nhiên thấy số tiền bồi thường đã giúp ông thanh toán cả các hoá đơn khẩn cấp nữa. Tai nạn trên đây đã đánh dấu một bước ngoặt trong diễn tiến của cơ nghiệp ông ta; ông thu lợi nhiều. Trong chính đời sống của ông chủ gara, sự thay đổi lại còn rõ hơn nữa: bây giờ ông được hưởng một niềm vui và bình an càng ngày càng lớn trong mọi lãnh vực đời ông. Dần dần nhiều thân chủ trông thấy niềm vui chiếu tỏa của ông cũng được biết Chúa Giêsu Kitô nữa.

Khi niềm vui của Đức Kitô được giải tỏa trong đời sống chúng ta, nó thu hút kẻ khác đến với Chúa .

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 9

 

Một tối, sau một buổi họp khuya khoắt, tôi vào một quán ăn để gọi một ly sữa . Tươi cười, cô hầu bàn biến mất sau nhà bếp và một lúc sau trở về, vẻ phật ý.

– Thưa ông rất tiếc những cửa tủ lạnh đã khoá và tôi không thể dọn sữa cho ông được.

– Phản ứng hồn nhiên của tôi là: Lạy Chúa, con cám ơn Chúa .

Cô hầu bàn nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Tại sao ông nói vậy?

– Tôi đã tập cám ơn Chúa về mọi sự, vì tôi nghĩ rằng Chúa làm cho mọi sự gây ích cho ta nếu ta để Chúa hành động.

– Ông theo tôn giáo nào? Cô hỏi có vẻ không tin.

– Giáo phái Wesley (Méthodiste)

– Tôi, tôi theo giáo phái Baptiste, nhưng chưa bao giờ họ dạy tôi cám ơn Chúa về những chuyện này cả.

– Cô có phải là một tín đồ Baptiste chân chính không?

Cô ngần ngại :

– Ừ …. Tôi nghĩ vậy, nhưng tôi không chắc lắm.

– Cô có thể hoàn toàn chắc chắn điều đó. Đức Giêsu đã đến trong thế gian để ban sự sống vĩnh cửu cho chúng ta. Tất cả những gì ta phải làm là xin Ngài tha thứ tội lỗi chúng ta và tin rằng Chúa đã thứ tha. Tôi muốn cầu nguyện với cô để xin Chúa ban cho cô ơn đó nếu cô thật lòng muốn.

– Ồ thưa ông, tôi thật lòng muốn! Cô vồn vã trả lời.

Lúc đó chúng tôi cúi đầu, tôi đặt tay trên vai cô và ở đó, trong quán ăn bây giờ vắng khách, sau nửa đêm một chút, tôi đã xin Chúa giải tỏa đức tin nơi cô và cho cô niềm chắc chắn về đời sống vĩnh cửu bởi Đức Giêsu Kitô.

Nước mắt chảy trên mặt cô.

– Cô nói: đây là lần đầu tiên trong đời mà tôi cảm thấy như thế này. Giống như thể một gánh nặng lớn vừa trút khỏi vai tôi. Tôi chắc chắn tôi là môn đệ của Đức Kitô bây giờ đây.

Muốn cám ơn chúa vì đã không mua được một ly sữa có thể xem như không quan trọng. Tuy nhiên, khi chúng ta tập quen ngợi khen Chúa vì một điều nhỏ nhặt, Chúa dùng lời ca tụng của ta để thu hút những người mệt mỏi và cùng cực đến với Ngài . Và Ngài có thể biến đổi những lo âu lớn như núi của họ thành một dòng hoan lạc và bình an.

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 10

 

Một hôm tôi ngồi trong phòng đợi của một sân bay chờ lên máy bay, một người lạ bỗng đụng cặp sách mà tôi đã để bên cạnh tôi, trên một cái bàn thấp. Vì tôi để mở cặp ra nên các thứ trong đó đều rơi xuống đất; giấy tờ bay tứ phía, và bàn chải đánh răng của tôi, ra khỏi hộp, nằm dưới đất đầy bụi .

Tôi dẹp ngay được ý muốn nói những lời tức giận với anh chàng vụng về kia và tôi thì thầm trong lòng: “Vâng lạy Chúa, con cám ơn Chúa vì điều mới xảy đến;  con biết Chúa có lý do chính đáng để cho phép điều ấy”.

Rất lúng túng, người lạ mặt xin lỗi và vội vã nhặt các đồ đạc của tôi đã đổ tung ra. Khi tôi nhặt giúp ông ta, ông ấy ngửng đầu lên và vừa nhìn tôi vừa nói:

– Ông không nhớ tôi sao?

– Thưa ông có lẽ không ạ.

Ông ấy giải thích cho tôi rằng chúng tôi đã gặp nhau trong chốc lát cách đây mấy tháng, và bây giờ ông ấy vừa mới đi qua sân bay, mệt nhọc và chán nản, xin Chúa dẫn ông đến với một người có thể giúp ông ta.

– Tôi đã trông thấy ông và tôi muốn dời chỗ cặp sách của ông để có thời giờ gần ông, ông ấy nói tiếp. Bây giờ tôi chắc chắn là chính Chúa đã dẫn tôi đến với ông. Ông có thể giải thích cho tôi nghe làm sao ông đã có thể bình tĩnh như vậy khi tất cả các đồ đạc của ông rơi xuống đất không?

Tôi vui mừng biết bao được nói với ông ấy rằng nếu chúng ta mến yêu Thiên Chúa. Ngài có thể làm cho mọi sự gây ích cho chúng ta, và những dịp như vừa rồi là những dịp để cảm tạ Chúa và trông thấy Chúa hành động.

Người ấy rất đỗi ngạc nhiên và đặt nhiều câu hỏi nữa. Khi đến giờ tôi phải lên máy bay, ông ấy đề nghị với tôi:

Tôi có thể mời ông đến thăm tôi ở Fort Landerdale bao giờ ông rảnh không?

Bây giờ đến lượt tôi phải ngạc nhiên, vì tôi đã xin Chúa cho tôi có dịp đi Fort Landerdale; vì tôi đã nghe nói nhiều về công trình Chúa thực hiện ở đấy trong đời sống của nhiều Kitô hữu.

Ngày xưa Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu thành Philipphê:

“Anh em hãy thi hành mọi sự, đừng kêu ca, đừng tranh luận, để anh em vô phương trách cứ và tinh toàn, nên những con cái Thiên Chúa, sống vô tì tích giữa một thế hệ ngang trái và tà vậy. Giữa họ, anh em chiếu rạng như đuốc sáng trên thế gian, bày tỏ lời sự sống …”

“Ngoài ra, hỡi anh em, hãy vui mừng trong Chúa ! Viết đi viết lại cũng những điều này, tôi không lấy làm nhàm và là một sự đề phòng cho anh em!” (Phil 2,14-16; 3,1).

Chính nhờ không than vãn và bởi niềm vui của chúng ta trong Đức Kitô mà chúng ta có thể chiếu rạng như đuốc sáng và bày tỏ lời sự sống trong thế gian đen tối và lạnh lẽo này. Điều ấy đúng ở thành Philipphê ngày trước và còn đúng hiện nay nữa. Vậy ta hãy ngừng than vãn và hãy ca tụng Chúa vì sự tối tăm và sự dữ đang bao vây chúng ta! Ta hãy làm như thế và ta sẽ thấy ánh sáng của Thiên Chúa chọc thủng tối tăm!

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]