Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Hết Than Vãn

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương VI – Phần 1

 

Gặp buổi sáng đẹp trời, bạn đi chơi, chắc bạn đã hít một hơi không khí mát mẻ và cám ơn Chúa vì sự tạo dựng tuyệt trần của Ngài.

Nhưng bạn đã làm gì khi ngày mai nhìn qua cửa sổ bạn thấy bầu trời xám xịt và mưa rơi? Bạn có cảm thấy xuống tinh thần ngay không? Có lẽ bạn không nói lớn ra nhưng thực tình, bạn đã cảm thấy gì nào?

Có phải bạn có thói quen chỉ cám ơn Chúa vì những gì bạn thích và lẩm bẩm, dù chỉ có tí xíu thôi, khi mọi sự không như ý bạn không? Thật sự, than vãn một chút có hại gì đâu ? Điều này không quan trọng lắm. Nó có thay đổi gì đâu!

Có chứ! Nó thay đổi tất cả. Mọi sự đều tùy thuộc cách ta phản ứng đối với những việc nhỏ trong cuộc sống.

Những cố vấn hôn nhân sẽ nói với bạn rằng sự đổ vỡ của một gia đình thường do những chuyện ba láp. Chỉ cần có một cái đinh nhỏ cũng đủ để chọc thủng một lốp xe. Một lỗi kỹ thuật nhỏ có thể làm tan một chiếc máy bay khổng lồ. Một hiểu lầm đơn giản có thể gây nên một chiến tranh. Một lời tức giận có thể gây một cuộc bắn giết lẫn nhau. Những điều nhỏ nhặt quan trọng lắm: chính những sự nhỏ nhặt ấy quyết định cuộc sống hằng ngày của ta: tính gắt gỏng của ta khi ăn sáng và tính nóng nẩy của ta lúc xếp hàng ở quầy siêu thị, chiều thứ  sáu ….

Ta dễ càu nhàu đến nỗi thường ta không ý thức là ta đang càu nhàu. Nhưng than vãn là ngược lại với cảm tạ. Những lời ta thán trái ngược với đức cậy trông. Trách móc vợ bạn vừa để cho miếng thịt cháy là ngược lại với một thái độ âu yếm.

Theo tự điển,  than vãn là một sự đổ lỗi . Kỳ thực, bởi các lời lẩm bẩm ta thán của chúng ta, chúng ta đổ lỗi cho Chúa không biết điều khiển các chi tiết trong ngày của chúng ta. Một thái độ ngợi khen giải tỏa quyền năng của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta: một thái độ lẩm bẩm và than vãn làm cho quyền năng đó bị kẹt.

“Anh em chớ kêu ca, như  ít người trong họ đã kêu ca, và đã bị tiêu hủy do tay thần tru diệt; các điều ấy đã xảy ra cho họ để làm gương và đã được viết lại để sửa dạy ta ….”(1 Cor 10, 10- 11).

Phaolô nói về thái độ dân Israel trong cuộc hành trình về đất hứa. Họ đã làm gì vậy ? Hậu quả khủng khiếp của thái độ của họ ra sao?

“Dân chúng ta thán lên tận tai Đấng Tối Cao, rồi cơn thịnh nộ của Đấng tối Cao đã giáng lên họ ….” (Dân Số 11,1).

Maisen đã dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập, và Thiên Chúa đã ban cho họ những dấu đặc biệt về sự hiện diện và chăm sóc của Ngài. Ngài đã rẽ đôi biển đỏ cho họ chân ráo đi qua. Rồi Ngài đã cho nước tràn ngập đạo binh Ai Cập đuổi theo họ. Thiên Chúa đã hứa dẫn đưa dân Ngài đến đất hứa. Ngài đã hứa nuôi nấng họ trong sa mạc và xua đuổi kẻ thù trước mặt họ, với điều kiện duy nhất là họ cậy trông nơi Ngài! Để chứng tỏ sự hiện diện của Ngài, một đám mây đi với họ ban ngày và một cột lửa ban đêm.

Nhưng dân Israel không cậy trông nơi Thiên Chúa. Họ kêu ca một cách chua cay, trước hết vì thiếu nước và lương thực; rồi vì họ không thích nước Chúa ban và chán thức ăn Chúa ban cho họ, họ cằn nhằn, thổi phồng những chuyện nhỏ nhặt nhất …. Và hậu quả ra sao?

Thiên chúa đã kiên nhẫn chiều theo những đòi hỏi của con cái khó tính của Ngài. Ngài chiều nữa, chiều mãi, Ngài thỏa mãn các nhu cầu của họ…. Cho đến lúc rành rành rằng họ là bất trị! Khi họ chán Manna và xin thịt, Chúa đã trả lời là Ngài sẽ ban thịt cho họ, không những một hay hai ngày mà cả một tháng, “cho đến nỗi các ngươi chán ngấy, bởi vì các ngươi đã từ bỏ và khinh chê Đấng Tối Cao” (Dân số 11,20).

Trong bốn mươi năm dân Do thái đã lang thang trong sa mạc và mỗi khi gặp khó khăn họ đã kêu ca chua chát và đòi trở về với các nồi thịt ở Ai Cập.

Tại sao họ phải trải qua bốn mươi năm để đi không đầy 300 cây số? Dù có đàn bà, trẻ con và súc vật, họ vẫn có thể làm cuộc hành trình đó trong vài tuần thôi. Nhưng họ bị giữ lại trong sa mạc đó vì những sự lẩm bẩm của họ và sự từ chối của họ không chịu tin rằng Thiên Chúa giữ lời hứa và đáp lại mỗi một nhu cầu của họ.

Trong số những người đã trông thấy những người khổng lồ và các thành trì kiên cố, chỉ mình Giôduê và Calép là vẫn tin tưởng ở lời Thiên Chúa hứa ban nước này cho dân Israel thôi. Nhưng chẳng ai chịu nghe Giôduê và Calép cả. Thiên chúa chịu đựng hết nổi, Ngài thề để cho dân Israel chết ngạt trong các lời kêu ca của họ. Không một ai trong những người đã than vãn được đặt chân lên đất hứa. Trái lại toàn thể dân Israel sẽ lang thang trong sa mạc trong 40 năm cho đến lúc một thế hệ khác lớn lên, thế hệ này sẽ vào Đất hứa dưới sự hướng dẫn của Giôduê và Calép, hai người sống sót trong cuộc hành trình trong sa mạc.

“Thiên Chúa đã kiên nhẫn với họ trong 40 năm mặc dầu họ đã hạch sách và thách đố Ngài; Ngài vẫn tiếp tục làm những phép lạ cho họ. Chúa phán: Ta đã ngán lớp người này, luôn luôn lòng dạ chúng sai lạc, chúng không biết đường lối của Ta” (He 3,9-10).

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment