- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi: Chương III – Một Quyền Năng Vô Giới Hạn

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương III – Phần 1

Việc gì sẽ xảy ra khi chúng ta đặt niềm tin cậy nơi Đức Kitô?

“Chúa đã chúc phúc và ban tặng cho ta muôn phúc lộc Thánh Linh trên trời khi cho ta kết hợp cùng Đức Kitô (Ep 1,3).

Chính vì chúng ta kết hiệp cùng Đức Kitô mà chúng ta là con cái Thiên Chúa. Chúng ta đã vào Nước Chúa. Tất cả mọi năng lực, ưu đãi, quyền lợi dành riêng cho con cái Chúa đều thuộc về chúng ta ngay từ đời này.

Hãy nhìn sự phong phú mà Cha trên trời đã chuẩn bị cho chúng ta.

“Muôn phúc lộc Thánh Linh trên trời” Chúa ban cho chúng ta không phải vì công nghiệp của chúng ta, mà vì chúng ta kết hợp cùng Đức Giêsu Kitô, thuộc về Đức Kitô.

Một đứa bé không thể lớn lên vì ráng sức cố gắng trườn mình ra. Nó cũng không tìm cho xứng đáng lãnh nhận sự săn sóc mà người ta lo cho nó hằng ngày. Nó được nuôi nấng, được ăn mặc, được thương yêu. Cha mẹ nó bao bọc, chăm lo cho nó rất chu đáo, chỉ vì nó là đứa con của họ. Họ đáp ứng mọi nhu cầu của nó. Nó lớn lên một cách tự nhiên, không một chút cố gắng, bao lâu nó ăn đầy đủ, ngủ và sinh hoạt đều đặn. Hãy tưởng tượng một đứa bé từ chối ăn, ngủ và nói với mẹ nó: Thưa mẹ con chưa sẵn sàng. Con đang kéo người ra cho lớn lên, khì nào con lớn lên được mười phân thì con sẽ ăn.

Nhưng đó lại chính là điều mà rất nhiều Kitô hữu đã làm. Chúa đã chuẩn bị cho họ đủ mọi thứ để lớn lên: Của ăn, giấc ngủ, tình thương và sự chăm sóc. Nhưng họ đứng ì một chỗ. Để xứng đáng với những ân huệ đó, họ cố tự mình lớn lên … một cách vô hiệu quả!

Chúa đã chuẩn bị tất cả cho chúng ta từ lâu rồi, trước cả khi các bạn và tôi ra đời. “Từ lâu, trước cả khi tạo dựng vũ trụ, Chúa đã chọn ta để ta thuộc về Người; nhờ công nghiệp Đức Kitô, Chúa đã quyết định thánh hoá chúng ta” (Ep 1,4).

Ai là người mà Chúa muốn thánh hoá?

Bạn có biết một người nào được thánh hoá chưa? Nếu không, thì có lẽ Chúa đã trễ nãi trong chương trình của Ngài lắm sao? Chúa đã bắt đầu thánh hoá bản thân của bạn chưa?

Hãy đọc tiếp: “Không vương tì tích tội lỗi …” có lẽ nào Chúa đã quyết định làm cho các Kitô hữu trở nên trọn hảo, không ai trách cứ vào đâu được, và Ngài đã thất bại nặng nề với tất cả những người mà chúng ta quen biết?

Nhưng ta hãy đọc tiếp: “ … trước mắt Nguời”. Chúa đã cho chúng ta nên thánh, không vương một tội lỗi nào trước mặt Chúa. Chúa đã làm cho chúng ta một điều rất lớn lao; Chúa biến đổi chúng ta “trước mắt Chúa”. Chính Chúa đang nhìn chúng ta bây giờ, một cách khác. Chỉ một mình Chúa mới nhìn thấy con người mới nơi chúng ta thôi. Ai có thể nhìn với con mắt của Chúa? Không ai cả, trừ một mình Chúa. Chúa đã tạo dựng con người mới để ca ngợi vinh quang của Chúa.

Khi các người khác nhìn bạn, họ luôn luôn chỉ thấy một con người đó mà thôi. Nhưng họ không phải là Chúa. Chính bạn, bạn có thể nhìn vào một tấm gương, và tự thuyết phục mình là bạn chưa nên thánh, cũng chưa trọn hảo. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, bạn không phải là Chúa.

Bạn dám nói rằng Chúa không thể nhìn thấy điều Chúa muốn nhìn sao? Cái gì quan trọng đối với bạn hơn: để Chúa nhìn thấy bạn thánh thiện hay là tự nhìn thấy bạn thánh thiện?

Hàng nghìn và có lẽ hàng triệu Kitô hữu cố gắng uốn mình vào một cái khuôn toàn hảo mà chính họ hoặc những người khác có thể chiêm ngưỡng – khi họ thất bại – và đó là điều không thể tránh được – họ chán nản và thất vọng ê chề. Tôi đã nhìn thấy khắp nơi những khuôn mặt đau khổ này. Tôi đã nghe những câu tự thú thất bại, nhiều đến nỗi tôi có thể hiểu hết trước cả khi người ta kể lại cho tôi.

Nhưng làm sao Chúa đã thực hiện những điều diệu kỳ này là cho chúng ta nên thánh trước mặt Chúa? Thánh Phaolô nói: “Chúa đã bao bọc chúng ta bằng tình thương” (Ep 1,4). Chúa đã ấp ủ chúng ta trong tình thương của Ngài. Rồi sau đó, Ngài đã lùi lại để nhìn và Chúa thấy gì? Chính tình thương của Ngài nơi ta.

Bạn và những người khác sẽ nhìn thấy chính bạn. Còn Chúa, Chúa nhìn thấy chính tình yêu của Chúa. Bấy nhiêu chưa đủ để gióng lên hồi chuông vui mừng trong tâm hồn bạn và làm cho đời bạn tràn đầy lòng tri ân và lời ca ngợi sao?

Và tại sao Chúa đã thực hiện cho chúng ta một phép mầu nhiệm như thế? Tại sao? Phaolô tiết lộ: “Ngài đã làm vì Ngài muốn ta thuộc về Ngài” (Ep 1,5). Chúa đã muốn bao bọc chúng ta bằng tình thương của Ngài. Bạn không nghĩ rằng Ngài có quyền và khả năng để cho chúng ta tất cả những gì Ngài muốn. Tất cả phúc lộc trên trời và những món quà quý giá sao?

Tại sao Chúa đã chọn tự mình làm việc đó. Tôi nghĩ rằng là vì, đối với Chúa, đó là điều duy nhất để chắc chắn rằng công việc ấy sẽ được hoàn toàn tốt đẹp. Vì nếu việc ấy do bạn hay là tôi, thì Chúa sẽ không bao giờ có một chương trình đúng đắn để trình bày cho Chúa con. Và mục đích cuối cùng là gì? Ấy là vì vinh quang của Thiên Chúa chứ không phải của con người.

Thánh Phaolô viết: “Mục đích của Chúa là nhờ thế ta sẽ ca ngợi vinh quang Chúa vì những việc kỳ diệu Người sẽ làm cho ta” (Ep 1,12).

Kết quả sẽ vẻ vang khi ta đặt trọn niềm tin vào những gì Chúa làm cho ta! “Chúng ta có thể đến trước mặt Chúa không sợ hãi vì chúng ta tin chắc rằng Chúa đón chúng ta, với đôi tay giang rộng, khi chúng ta đầy lòng tin tưởng, đến với Chúa nhờ Đức Kitô” (Ep 3,12).

Có quá nhiều lời cầu nguyện phát xuất từ lời than thở và một sự khiêm nhu giả dối. Chúng ta không cần tự bào chữa trước mặt Chúa. Chúa biết chúng ta quá nhiều. Chúa đã quan sát hàng triệu triệu con người và Chúa biết rõ tất cả những sự yếu đuối của chúng ta.

Nhưng bây giờ Chúa muốn chúng ta tin chắc rằng nhờ trung gian của Đức Kitô, chúng ta có quyền đến gần Chúa và xin những ơn chúng ta cần. Chúa muốn ban cho ta những sự tốt lành: Chúa muốn ta sung sướng. Người Kitô hữu đôi khi khó mà ý thức rõ điều đó.

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương III – Phần 2

Gia đình chúng tôi không giàu, và thường chúng tôi phải sống nhờ lòng bác ái của người khác. Tôi lớn lên mang trong lòng một mối uất hận đối với những người muốn làm ơn cho tôi hoặc muốn cho tôi một cái gì, bởi vì tôi không tin đó là do lòng ước muốn chân thành của họ.

Tôi thích làm ra tiền hoặc xứng đáng với những gì tôi sắm được. Và tôi đã giữ thói xấu này trong mối liên hệ với Chúa. Tôi không thể tin rằng Chúa muốn cho tôi nhiều hơn là những điều tôi cần dùng. Vả chăng Chúa lại làm như vậy, tôi lý luận như thế. Cái nhìn của tôi đối với một Thiên Chúa đầy tình yêu và chỉ muốn tại sao điều tốt lành nhất cho tôi, rất có giới hạn.

Rồi một hôm, lúc ấy tôi làm tuyên uý ở Fort Benning. Tôi đang ở một tiểu bang khá xa Georgie. Tôi không thể trở về căn cứ đúng giờ để làm việc. Chuyến bay mà tôi định đi đã bị hủy bỏ vì thời tiết xấu quá, và chuyến bay sau thì sẽ quá trễ. Không có cách nào đi xe hơi. Tôi đứng sững, rất bực mình.. Trong suốt thời gian làm công tác tuyên uý, tôi không bao giờ nhận làm một việc gì có thể cản trở công việc thường xuyên của tôi trong đơn vị. Vậy mà bây giờ tôi phải bỏ công việc bổn phận. Tôi cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa biết rằng, suốt giai đoạn công tác của con, con không bao giờ đi trễ. Vậy con xin đặt hoàn cảnh này vào tay Chúa. Con biết rằng, Chúa có một chương trình hoàn hảo cho con. Con xin cám ơn Chúa và con tin chắc rằng Chúa sẽ giúp con giải quyết tình thế”.

Vào buổi họp mà tôi phải diễn thuyết, tôi gặp một phi công quân đội. Anh ta đến từ một căn cứ gần đó và khi nghe trường hợp của tôi, anh tuyên bố: “Tôi đi diện thoại cho ông đại tá của tôi để xem thử có thể làm gì cho tuyên uý không.”

Ông đại tá trả lời ngay: “Dĩ nhiên là được. Việc ấy cũng giúp tôi. Chính tôi đang cần bay. Tôi rất sung sướng đưa tuyên uý đến Fort Benning. Xin anh mời tuyên úy đến đây, sáng mai lúc 6 giờ”.

Tôi được mời đến nghỉ đêm ở nhà anh phi công và sáng hôm sau lúc 6 giờ, chúng tôi cùng đi vào phi trường. Tôi cảm thấy phấn khởi và rất vui, vì Chúa đã trả lời tôi. Nhưng tôi chưa thể ý thức được với cách nào và đến mức độ nào Chúa đã trả lời.

Tôi ngước mắt nhìn chiếc máy bay mà tôi sẽ đi. Ở đây có một dãy những chiếc bốn động cơ khổng lồ, song tôi không thể nghĩ rằng một chiếc nào trong số đó sẽ bay một chuyến ngắn để chở tôi.

Tôi tưởng tượng đến một chiếc máy bay nhỏ, ít tiện nghi. Một chiếc vừa đủ để chở tôi về đơn vị cho kịp giờ. Tôi tự nghĩ đó là tất cả những gì tôi cần.

Ông bạn phi công ngừng lại và nói với tôi: “Thưa tuyên úy đây rồi. Xin mời tuyên úy lên”. Tôi ngửng nhìn. Trước mắt tôi là chiếc máy bay to nhất của sân bay. To gần bằng một cái nhà đồ sộ. “Lạy Chúa, chiếc ấy không thể để chở con đi”, tôi kêu lên trong lòng. Rồi, như một giấc mộng, tôi bước lên máy bay, theo sau một nhân viên của phi hành đoàn. Người ấy dẫn tôi đến một chiếc ghế bành êm ái, trong một phòng khách rộng lớn. Tôi là người hành khách duy nhất và chiếc máy bay được trang bị đầy đủ tiện nghi. Ông đại tá đến chào tôi và nói rằng ông mong tôi sẽ hài lòng về chuyến bay nầy. Tôi chỉ có thể ấp úng mấy câu cám ơn mơ hồ. Tôi còn đang quá ngạc nhiên. Tôi biết rằng Chúa đã chuẩn bị một chiếc máy bay để đưa tôi đến Fort Benning đúng giờ đã định, nhưng tại sao chiếc máy bay khổng lồ và sang trọng này? Tại sao Chúa không chọn một chiếc tầm thường hơn? Quả thật, tôi cảm thấy mình không xứng đáng! Và bỗng trong trí tôi thoáng qua ý nghĩ: chiếc máy bay khổng lồ này dành cho một mình tôi là một điều phí phạm. Tôi choáng váng hỏi: “Lạy Chúa, tại sao vậy?” Câu trả lời đến ngay và rất ngắn gọn:

– “ Chỉ vì Ta thương con. Ta muốn chỉ cho con thấy đó là cách Ta ban tặng cho con cái Ta và đáp lại lòng tin tưởng của chúng”.

– Thưa Chúa, con bắt đầu hiểu.

Và niềm vui tỏa sáng trong tôi trong lúc cuộc đối thoại bên trong tiếp tục.

– “Ta muốn con nói với tất cả những ai muốn nghe rằng, họ phải cảm tạ Ta vì từng chi tiết nhỏ trong đời sống của họ, và Ta sẽ mở cửa trời đổ xuống trên họ bao nhiêu ân huệ quá mức họ xin hay ao ước”.

– “Cám ơn Chúa”, tôi suýt bật cười.

– “Và con hãy nhớ rằng, tiếng nói trong tôi tiếp tục, không bao giờ con có thể xứng đáng với những ân huệ của Ta. Chính Ta ban cho con như một món quà do lòng nhân ái của Ta. Đó là điều con phải hiểu và chấp nhận”.

Những lần trước, mỗi lần phải đi đâu, tôi đều mượn máy bay quân đội và tôi đổ xuống cách chỗ làm việc khoảng 15 cây số. Lần này chiếc máy bay khổng lồ bốn động cơ đổ tôi ở Fort Benning cách chỗ tôi phải đến chỉ vài trăm thước. Khi đến nơi, tôi nhìn đồng hồ: tôi đến vừa đúng giờ, không một phút sớm hơn, cũng không một phút chậm trễ.

Chúa thật sự cung cấp cho chúng ta những điều ta cần, và Chúa ban cho một cách nhưng không mà rất quảng đại.

Điều chúng ta phải làm chỉ là cầu xin mà thôi. Và món quà đầu tiên Chúa muốn ban cho con cái mình là phép thánh tẩy trong Chúa Thánh Linh, là bình sữa đầu tiên của những người mới sinh ra trong ân thánh. Họ cần cái đó để lớn lên.

Chúa Thánh Linh đến ngự trong người mới có đức tin khi người này chấp nhận Đức Kitô là Đấng Cứu Thế của mình. Chúa Giêsu cũng đã truyền cho các môn đệ hãy đợi được thanh tẩy trong Chúa Thánh Thần trước khi có thể thành chứng nhân cho Ngài và đi rao giảng Tin Mừng với quyền năng và uy tín.

Các môn đệ đợi ở Giêrusalem như Chúa Giêsu đã dặn họ. Và ngày lễ Ngũ Tuần: “Bỗng dưng có tiếng từ trời đến ào ào tựa gió thổi khắp nhà các đấng ấy đang ngồi. Lại thấy có như hình lưỡi lửa tản ra đổ trên từng người một: mọi người liền được tràn đầy Thánh Linh và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau tùy Thánh Linh cho nói” (TĐCV 2,2-4).

Và từ đó Giáo Hội Công Giáo hình thành. Vốn là những người nhút nhát, các môn đệ của Chúa Kitô bây giờ trở nên những chứng nhân mạnh bạo và can đảm. Lập tức họ bắt đầu rao giảng Tin Mừng với quyền năng và uy tín. Và Chúa Giêsu thực hiện những phép lạ đi kèm theo lời giảng dạy của các môn đệ. Chúa Giêsu đã từng nói với họ: “Thầy nói thật với các con, hễ ai tin Thầy, sẽ làm các việc Thầy đã làm và còn làm được những việc lớn lao hơn nữa” (Gioan 14,12).

Hàng triệu người tân tòng đã gia nhập Giáo Hội tiên khởi. Đọc sách “Tông Đồ Công Vụ”, chúng ta nhận thấy rằng, thường thường những kinh nghiệm được thanh tẩy trong Thánh Linh đi theo sau các cuộc trở lại đạo. Khi Phêrô, ở Cêdarê (Césarée) giảng cho cả nhà Corneille, thì Chúa Thánh Thần đã đổ tràn ơn xuống cho người nghe vì họ đã chấp nhận những điều Chúa Giêsu làm cho họ” (TĐCV 10,44). Lúc Tin Mừng được rao giảng ở Samarie, rất nhiều người Samaritanô nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và được thanh tẩy trong nước.

Người ta liền phái Phêrô và Gioan, khi ấy đang ở Giêrusalem đến. “Vừa tới nơi, hai ông liền cầu nguyện cho những người tân tòng để họ được lãnh nhận Thánh Linh” (TĐCV 8,15). Phêrô và Gioan không bảo họ chờ đợi hay học hỏi Kinh Thánh, hoặc cầu nguyện hay chuẩn bị. Các môn đệ từ Giêrusalem xuống chỉ lo một điều là Chúa Thánh Thần chưa xuống trên những người tân tòng và lập tức “Phêrô và Gioan đặt tay trên đầu họ và họ lãnh nhận Chúa Thánh Linh” (TĐCV 8,17).

Cuộc thanh tẩy trong Chúa Thánh Linh đã được hứa ban cho những người tin vào Đức Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai khát, hãy đến cùng Ta và hãy uống! Kẻ nào tin kính Ta, sóng nước hằng sống sẽ tràn ra bởi lòng người ấy như lời Kinh Thánh chép vậy. Ngài phán điều ấy chỉ về Thánh Linh mà những kẻ tin kính Ngài sẽ lãnh nhận” (Gioan 14,16-17).

Được thanh tẩy trong Chúa Thánh Thần là một ân huệ nhưng không của Chúa. Chúng ta không thể tự tạo ra. Chúa Giêsu đã ban cho ta ơn cứu độ và Chúa Thánh Thần: “Ta cầu xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi. Đấng ấy sẽ không bỏ các con bao giờ. Đó là Chúa Thánh Linh” (Gioan 14,16-17).

Chúa Giêsu là Đấng sẽ gởi Chúa Thánh Thần đến. Chính Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta trong Chúa Thánh Thần.

Thiên Chúa phán cùng Gioan Tẩy Giả khi ông làm phép rửa trên sông Giođan: “Con sẽ thấy Chúa Thánh Thần xuống trên một người: đó là người mà con đang tìm kiếm. Chính người ấy sẽ thanh tẩy trong Chúa Thánh Thần” (Gioan 1,33).

Tại sao nhiều Kitô hữu đã lãnh nhận phép thánh tẩy trong Chúa Thánh Linh, đã phải đấu tranh trong tuyệt vọng? Tôi đã thấy ở khắp nơi những khuôn mặt buồn bã và thất vọng này! Họ tự hỏi: “ Có cái gì không suông sẻ nơi tôi. Có phải là tôi không xứng đáng hay là vì tôi quá yếu? Tôi quá cần đến quyền năng của Thiên Chúa trong đời tôi kia mà”.

Một huấn luyện viên ngày chúa nhật viết cho tôi: “Tôi cần đến quyền năng của Chúa Thánh Linh nơi tôi. Tôi cố gắng về mọi phương diện để biết vâng lời hơn và giống Chúa Kitô hơn. Tôi nghĩ rằng, tôi đã ít đọc Thánh Kinh, nên tôi cố dậy sớm buổi sáng để đọc trong một tiếng đồng hồ và cầu nguyện thêm nửa tiếng nữa. Nhưng tôi vẫn không thấy một sức mạnh mới nào trong đời tôi và tôi vẫn chưa được lãnh phép thánh tẩy trong Chúa Thánh Linh. Tôi đã xưng tất cả mọi tội lỗi mà tôi nhớ. Tôi là Kitô hữu từ 20 năm nay nhưng tôi quá ít đức hạnh và tôi tự hỏi không biết tôi có được cứu độ không?

Những người này giống như những đứa trẻ muốn trườn người ra để lớn lên hầu có thể ăn bữa ngon lành mà người ta đã dọn sẵn cho họ từ lâu. Đói, nhưng họ từ chối ăn uống, vì muốn vượt qua mọi vấn đề riêng tư của họ trước đã.

Một số tín hữu của Giáo Hội tiên khởi cũng đã gặp những khó khăn đó: Họ nghĩ rằng, họ phải đạt tới một mức thánh thiện nào đó để có thể lãnh nhận những ân huệ của Thiên Chúa.

Phaolô viết: “Hỡi người Galata gàn dở! Ai đã mê hoặc anh em không tuân theo chân lý được bày giãi ra trước mặt Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vì anh em! Tôi chỉ muốn anh em điều này: “Anh em đã lãnh nhận Thánh Linh bởi thực hành luật pháp hay bởi nghe giảng đức tin? Anh em ngây ngô đến thế ư? Lúc khởi sự nhờ Thánh Linh, khi hoàn thành lại do xác thịt sao?”

Những tín hữu Galata đã lãnh nhận Chúa Thánh Linh, bởi đã tin vào Chúa Giêsu Kitô, nhưng họ bị cám dỗ vì tưởng rằng chính họ có trách nhiệm trong mức trưởng thành thiêng liêng của mình. Do đó, họ đã đi đến chỗ không dựa trên đức tin mà sống.

Lòng kiêu ngạo và khuynh hướng tự cảm thấy chính mình là tác giả của những sự tiến bộ thiêng liêng rình rập người tín hữu trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Satan cám dỗ chúng ta qua hai cách: hoặc là nó đến to nhỏ bên lỗ tai chúng ta: “Chà, mày đã quá tiến bộ trên con đường thiêng liêng. Hãy cố gắng thêm một chút và mày sẽ trở thành rất mạnh”. Hoặc nó nói: “Hãy nhìn xem, mày yếu và bất lực đến chừng nào. Tao không ngạc nhiên gì khi thấy Chúa không tin ở mày và không ban ơn cho mày nữa”.

Bạn có thể tự khen những tiến bộ thiêng liêng của mình hoặc chê trách những thất bại của mình, đàng nào cũng thế. Bạn đã đặt trách nhiệm và công nghiệp nơi bạn chứ không phải nơi Chúa; mà thật ra chính Chúa mới có quyền lãnh trách nhiệm và có công nghiệp.

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương III – Phần 3

Một mục sư kia có một yếu đuối mà ông không thể thắng được, mặc dù đã cố gắng nhiều. Cuối cùng ông đã vào tù, vì những lầm lỗi đó và vì sử dụng của gian. Mục sư này là một Kitô hữu mới. Bị thất bại vì sự sai lầm của mình, ông thành thật hối lỗi. Ông tin rằng Chúa đã tha thứ cho ông nhưng ông nghĩ rằng Chúa có thể dùng ông để đưa những người khác đến ơn cứu độ.

Một hôm, một người bạn của ông gởi cho ông quyển sách “Từ ngục tù đến ca ngợi”. Trong sách ấy, ông thấy Chúa dùng mọi sự để biến cải nên tốt, ngay cả những tội lỗi của chúng ta. Phấn khởi bởi một niềm hy vọng mới mẻ, ông dám cám ơn Chúa vì những tội lỗi của mình và cuộc tù đày của mình. Và ông viết cho tôi: “Tạ ơn Chúa, cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi! Những hối tiếc xưa kia, những ân huệ và tội lỗi đã từng dày vò tôi, nay đã biến mất. Tôi có thể ca ngợi và cám ơn Chúa cho bất cứ một chi tiết nhỏ nhặt nào trong đời tôi. Tôi chưa bao giờ ý thức sự cao cả và thâm sâu của lòng nhân từ nơi Chúa. Tôi nghĩ rằng mình khá tốt để phục vụ Chúa. Bây giờ thật vui sướng cho tôi biết bao, khi con người cũ đầy kiêu ngạo chết đi, nhường chỗ cho Đức Kitô sống trong tôi và chỉ một mình Chúa thôi”.

Phòng giam của ông mục sư trở thành ngôi nhà tán tạ hồng ân của Thiên Chúa, và nhiều người tù khác đã được ơn trở lại và chấp nhận Đức Kitô.

Nếu chúng ta nghĩ rằng, do chúng ta hoặc do người khác mà chúng ta “khá tốt” hoặc “chưa tốt đủ để phụng sự Chúa” thì chúng ta rơi vào một cạm bẫy rất nguy hiểm. Chính Chúa Giêsu đã bảo trước cho những người theo Chúa: “Đừng phán đoán, đừng phê bình, đừng ghép tội người khác để cho con khỏi bị phán đoán, phê bình và ghép tội”.

Chỉ có Chúa mới có thể phán đoán và Chúa đã nói rằng chúng ta thánh thiện và vô trách cứ trước mặt Chúa, nếu chúng ta được bao bọc trong tình thương của Chúa.

Như thế, làm sao ta còn có thể đặt ra những tiêu chuẩn để phán đoán bản thân ta hoặc phán đoán kẻ khác? Chỉ có Chúa mới có thể lên án những lỗi lầm của chúng ta thôi. Dù lỗi của chúng ta hoặc lỗi của người khác có ra sao đi nữa, thì điều đó chỉ liên hệ đến một mình Chúa mà thôi.

Khi chúng ta bắt đầu phán đoán nhau thì thường là chúng ta đã đi lầm đường. Chúng ta nói: “Anh ấy hút thuốc; cô ấy đánh phấn bôi son; họ uống rượu; họ đi xem phim nọ phim kia; …”

Bạn hãy nói cho tôi, bạn sẽ chọn một người dạy giáo lý, hoặc một người huấn luyện viên ngày chúa nhật như thế nào đây? Hãy tưởng tượng bạn sẽ phải chọn giữa hai người. Người thứ nhất cân nặng vừa phải, có một thân hình cân đối và bạn biết là ông ấy hút thuốc. Người thứ hai cân nặng ít nhất là 150 ký. Đó là một đống thịt, nhưng ông ta có một nụ cười hiền hậu, hay đi nhà thờ và đọc Kinh Thánh. Bây giờ, giữa hai người, bạn sẽ chọn người nào để biếu một bài học về vấn đề: Làm thế nào phát triển đức tự chủ, hoa quả của Thánh Linh? Hút sách là một thói quen rất xấu, rất có hại cho sức khoẻ và đó là dấu hiệu của một sự vô kỷ luật cá nhân. Nhưng ta sẽ lo nghĩ gì về người quá to mập kia? Kinh Thánh xếp những người ăn uống quá độ với những người say sưa và tuyên bố rằng cả hai đều đáng chết ( ĐNL 21,20-21) Người tham ăn đi nhanh đến cái chết, và người hút sách cũng vậy.

Tôi không khuyên các bạn lên án những người hút và những người phát phì đâu. Không có trường hợp nào mà ta có thể phán đoán cả.

Khi người ta đem đến cho Chúa Giêsu người đàn bà bị bắt quả tang về tội ngoại tình, những vị Thượng Tế và Pharisiêu đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, luật Maisen truyền phải xử tử người này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Đồng ý. Chúa Giêsu trả lời: Hãy ném đá bà ta. Nhưng người nào không bao giờ có lỗi thì hãy ném đá trước. (Ga 8,7)

Ai trong chúng ta xứng đáng để ném viên đá phê bình, phán đoán và buộc tội? Đo lường độ “tốt” và độ “xấu” của chúng ta, đó là một cách tự bào chữa trước mặt Chúa, dựa trên những việc lành chớ không phải do đức tin. Khi người ta nói đến đức tin và việc lành, người ta thường dẫn câu: “Chúng ta là công nghiệp của Chúa được tạo thành trong Đức Kitô, hầu làm các việc lành, như trước kia Thiên Chúa đã dự bị cho ta thi hành” (Ep 2,10).

Điều đó không chứng tỏ rõ ràng rằng chúng ta được tái sinh lại để làm việc lành cho Chúa sao?

Nhưng hãy nhìn những dòng trước: “Nhờ hồng ân của Chúa mà ta được cứu độ, do đức tin. Ơn cứu độ này, không do ta, mà là một hồng ân của Chúa. Nó không phải là kết quả của những cố gắng nơi chúng ta. Và do đó, không ai có thể tự phụ” (Ep 2,8-9).

Thánh Phaolô muốn nói rằng, chúng ta được cứu rỗi nhờ đức tin và sau đó chúng ta phải lo liệu một mình sao? Điều ấy không có nghĩa gì cả phải không?

Phía trên của bức thơ, Phaolô đã nói chúng ta được thánh hoá và vô tì tích trước mắt Chúa và Chúa đã ban cho chúng ta mọi phước lộc trên trời.

Hãy đọc Thánh Giacôbê: “Hỡi anh em, nếu ai nói tôi có “đức tin” mà lại không có việc làm thì điều ấy chứng tỏ gì? Đức tin đó có cứu người ấy không? Tổ phụ Abraham đã chẳng trở nên công chính – trở nên có thể chấp nhận trước mặt Chúa – nhờ việc lành, khi ông dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao?” (Giacôbê 2,14-21).

Việc ấy thuộc loại việc lành nào? Tại sao lên núi dâng đứa con duy nhất trên bàn thờ vì Thiên Chúa đã ra lệnh, và chính đó là đứa con mà Chúa đã hứa cho Abraham để ban phúc lành và cho tổ phụ ta một miêu duệ đông đảo?

Thánh Giacôbê tiếp: “Nơi Abraham, đức tin và việc làm đi song song. Đức tin trở nên thiết thực nhờ việc làm. Vậy ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã nói: “Abraham tin kính Thiên Chúa nên được kể là công chính và được gọi là bạn của Thiên Chúa” (Giacôbê 2,22-23).

Vậy thì chúng ta phải làm những việc lành nào? Một ngày nọ, các môn đệ cũng đã đặt cho Chúa Giêsu một câu hỏi tương tự: “Chúng con phải làm gì để thực hiện công trình của Thiên Chúa? Chúng con phải làm gì để đáp lại những đòi hỏi của Thiên Chúa? Chúa Giêsu trả lời: “ Việc mà Thiên Chúa đòi hỏi là các con phải tin vào Đấng mà Thiên Chúa đã phái đến – các con phải gắn bó với sứ vụ của Người và các con phải đặt niềm tin tưởng và cậy trông vào Người” (Giacôbê 6,28-29).

Đó chính là điều mà Abraham đã làm. Việc lành của Abraham là gì? Chính là tin rằng Thiên Chúa sẽ giữ lời hứa. Không bao giờ Abraham yếu lòng tin. Chính vì thế, Thiên Chúa đã quyết định đặt Abraham làm tổ phụ của Israel dân Người.

Chúa Giêsu đã hứa với những kẻ theo Ngài rằng: “Họ sẽ làm nhiều việc vĩ đại hơn cả Ngài”. Và chúng ta biết rằng, sau khi đã lãnh nhận phép thánh tẩy trong Thánh Linh, các môn đệ đã rao giảng Nước Chúa với quyền năng và làm nhiều phép lạ.

Trong các việc này, phần đóng góp của các môn đệ là đức tin. Quyền làm phép lạ không thuộc về các ông. Quyền đó từ Thiên Chúa mà đến và đã diễn ra bên ngoài qua các ông vì các ông đã tin.

Chúng ta sẽ tự lừa gạt mình hoàn toàn khi nghĩ rằng, việc thanh tẩy trong Thánh Linh cho chúng ta một quyền phép. Nó làm cho chúng ta mạnh thêm, tăng khả năng và khuynh hướng làm việc lành cho Chúa; và việc thanh tẩy này biến chúng ta thành những người hoàn hảo về mặt thiêng liêng. Nghĩ như thế là điều sai lầm trầm trọng.

Vậy thì tại sao lại có việc thanh tẩy trong Thánh Linh? Do phép thanh tẩy này, các tội của chúng ta sẽ giảm bớt đi để cho sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa có thể ngự trị trong chúng ta và được tự do diễn tả ra bên ngoài qua chúng ta.

Thánh Phaolô viết: “Kính chúc Đấng vạn năng trên mọi sự, làm được cho ta hơn ngàn trùng những điều ta cầu xin hay nghĩ tưởng, chiếu theo quyền phép kiến hiệu của Người nơi ta” (Ep 3,20).

Chính Thiên Chúa làm việc trong chúng ta. Rõ ràng là nếu chúng ta càng tin cậy vào Chúa và càng ít lệ thuộc vào chúng ta thì Chúa càng hoạt động dễ dàng.

Vậy cuộc thanh tẩy của Thánh Linh là gì? Chúa Giêsu thường nói đến Thánh Linh như là Thần Chân Lý. “Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ đưa các con đi vào sự thật” (Gal 16,13).

Thần Chân Lý sống trong mỗi tín hữu và dìu dắt họ. Nhưng được thanh tẩy trong Thần Chân Lý còn có nhiều nghĩa khác nữa. Chữ mà chúng ta dịch là “thanh tẩy” (rửa tội) trong Kinh Thánh có nghĩa là “nhận chìm” (vào nước) hoặc làm bảo hoà (no ứ). Trong ngôn ngữ Hy-Lạp, người ta cũng dùng chữ ấy để nói lên “thấm ướt).

Như thế thì xin Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta trong Thánh Linh có nghĩa là chúng ta tự đưa mình ra để được tràn đầy, no ứ, hoàn toàn thấm ướt bởi chân lý.

Chúa Giêsu cầu nguyện Cha Người cho chúng ta: “Xin thánh hoá chúng”. Nói cách khác, xin thanh tẩy chúng. Xin để chúng riêng cho Cha. Xin tác thánh chúng nhờ chân lý (Gal 17,17).

Phép thanh tẩy trong Chúa Thánh Linh gột rửa, lau sạch tất cả. Đó là một cuộc triển lãm mọi góc cạnh, xó xỉnh của đời ta dưới ánh sáng thấu suốt của Chân Lý của Thiên Chúa. Đó là một sự tẩy rửa hoàn toàn để ta thoát khỏi sự tự mãn, sự kiêu ngạo, những bóng mờ của sự dối trá, những sự bào chữa giả trá mà ta cứ bám vào. Tất cả những gì cản trở đức tin và luồng sinh khí của sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa trong đời ta.

Việc thanh tẩy của Chúa Thánh Linh trong Chúa Thánh Linh có hai mục đích: thanh lọc và chuẩn bị cho cái bình, nghĩa là chúng ta chứa đựng quyền lực Thiên Chúa và đổ tràn đầy sức mạnh của Thiên Chúa vào. Hai việc này cùng xảy ra một lúc: Khi Thần Chân lý bắt đầu thấm nhuần bản thân ta, thì cũng cho ta thấy những sự già cỗi và cặn bã bên trong con người của ta để tống chúng ra bên ngoài. “Các con sẽ lãnh nhận một sức mạnh, Chúa Giêsu đã nói, một khả năng, một quyền lực, một hiệu quả khi Chúa Thánh Thần xuống trên các con” (TĐCV 1,8).

Chúa không có ý nói rằng cái quyền lực này thuộc về chúng ta, nhưng nó sẽ xuống tràn đầy trên chúng ta và hoạt động qua chúng ta. Mỗi người chúng ta là một cái bình chứa đựng, là con sông cho dòng nước chảy. Dù chúng ta có cố gắng đến mức độ nào đi nữa, thì chúng ta cũng không thể là sức mạnh đó. Chúng ta giống như những cái ly đựng nước mát, nước có thể xoa dịu cổ họng rát bỏng vì khát, nhưng cái ly thì không thể làm cho ai bớt khát được cả.

Thánh Phaolô viết: “Những bảo vật đó, ánh sáng và quyền lực đang chiếu rạng trong chúng tôi bây giờ. Chúng tôi đựng trong những chiếc bình sành, nghĩa là trong những thân xác đầy yếu đuối. Mỗi người có thể nhận thấy rằng quyền lực cao trọng ấy nơi chúng tôi là do Thiên Chúa, chứ không tự chúng tôi mà có được” (2Cor 4,7).

Nếu chúng ta cho rằng chúng ta không cần được thanh tẩy trong Thánh Linh thì cũng như nói rằng chúng ta không cần được rửa sạch để lãnh nhận ánh sáng chân lý của Chúa. Và chúng ta cũng không cần quyền năng của Chúa hoạt động dồi dào nơi chúng ta và qua chúng ta.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con là phụ thân, nếu con cái các con xin bánh mà người cha lại cho hòn đá sao? Hoặc xin cá mà lại cho con rắn? Hay là xin trứng mà lại cho bọ hung? Dĩ nhiên là không? Đó, các con vốn chẳng tốt gì còn biết cho con cái mình của lành, có lẽ nào Cha các con trên trời lại không làm được như thế và Người lại không ban Chúa Thánh Linh cho những ai xin Người sao? (Luc 11,11-12).

Vì thế chúng ta có thể xin Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta trong Chúa Thánh Linh và biết chắc chắn rằng Chúa sẽ nhậm lời.

Mỗi tuần lễ tôi nhận được những thơ tờ kể cho tôi biết rằng những người này đã xin Thiên Chúa thanh tẩy họ trong Thánh Linh, nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Tại sao có sự trục trặc đó? Sự sai lầm của những người này chỉ chú ý đến những cảm giác của họ, Thay vì chăm chú nghe những gì Chúa đã phán ra. Sự trở ngại luôn luôn do tình cảm.

Phép thánh tẩy trong Thánh Linh cũng như tất cả mọi ân huệ khác của Thiên Chúa phải được lãnh nhận trong đức tin, nghĩa là ta có thể không cảm thấy gì cả ngay lúc ấy. Đức tin là một sự vận dụng của ý chí, nó không lệ thuộc vào tình cảm.

Nhưng thật ra cũng có một số người có những cảm giác lạ lùng khi họ lãnh nhận phép thanh tẩy trong Thánh Linh, cũng như những người khác gặp Chúa Giêsu với một xúc động mạnh mẽ, khi mà lần đầu tiên trong đời họ, họ chấp nhận Chúa như vị cứu tinh của họ.

Nhưng chúng ta không được cứu rỗi bởi tình cảm và cũng không phải như thế là chúng ta được thanh tẩy trong Chúa Thánh Linh. Những cảm giác không làm nên cuộc thanh tẩy. Phép thánh tẩy do Thánh Linh là một sự biến đổi từ bên trong.

Và sau đó Thánh Linh mới cho thấy những dấu hiệu bên ngoài như là kết quả của sự biến đổi này trong chúng ta: một sức mạnh và một uy tín mới để làm chứng cho Đức Kitô. Sự biểu hiệu của những ơn Chúa Thánh Thần nơi ta và sự phát triển của những ơn đó tức là tình thương, niềm vui và sự bình an.

Những điểm này giác quan của chúng ta cảm nghiệm được, nhưng thật ra đó chỉ là kết quả của sự chấp nhận để Chúa làm việc nơi ta. Và điều đó, không thể đo lường bằng tình cảm được.

Chính ta phải quyết định chấp nhận lời Chúa nhờ đức tin, và nhất quyết không chú ý đến những cảm giác nữa. Nếu không, chẳng bao giờ chúng ta đưa đức tin của mình đến hành động cả.

Hãy nói với Chúa rằng, bạn muốn nắm chắc lời Chúa, và muốn tin rằng Chúa Giêsu thanh tẩy bạn trong Thánh Linh ngay từ khi bạn xin Chúa. Hãy vững vàng trong đức tin và tin chắc rằng mọi sự sẽ hoàn thành.

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương III – Phần 4

Một thanh niên viết cho tôi: “Tôi định xin vào chủng viện, nhưng đời sống đạo của tôi còn yếu. Tôi liên hệ với những giáo hữu đã lãnh nhận ơn thanh tẩy của Thánh Linh. Họ cầu nguyện và nói nhiều thứ tiếng và cũng có kinh nghiệm làm phép lạ và chữa bệnh. Tôi tin rằng tất cả những điều đó hợp với Thánh Kinh. Tôi cũng cầu nguyện để xin ơn Thánh Linh. Nhưng những lý do mà tôi không biết được, tôi chưa lãnh nhận được gì cả. Tôi biết rằng ơn Chúa Thánh Thần không ban phát cho ai để thoả mãn cá nhân họ, nhưng là để cho người đó được chuẩn bị để làm công việc mà Chúa sẽ giao phó cho. Nhưng Chúa cũng chưa cho tôi cái kinh nghiệm đó. Tại sao? Tôi tự hỏi tôi còn thiếu điều gì nữa? Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ tôi và với tất cả tâm hồn, tôi muốn theo Ngài. Tôi đã nói với Chúa như thế nhiều lần. Tôi xưng tội tôi ở nhà thờ và trong lúc tôi cầu nguyện riêng. Tôi biết rằng tôi đã được tha thứ và thanh lọc. Tôi muốn phục vụ Đức Giêsu và tôi cần được thanh tẩy trong Thánh Linh hầu có thể phục vụ hữu hiệu. Vậy thì tại sao không có gì xảy ra cả? Tôi đã làm điều gì sai đến nỗi Chúa không nhận lời tôi?”

“Hôm qua trong lúc chúng tôi đọc kinh, tôi đã quỳ xuống và xin ơn thanh tẩy trong Chúa Thánh Linh. Các bạn tôi đặt tay trên đầu tôi và cầu nguyện cho tôi, nhưng tôi chẳng thấy gì cả. Mục sư có vui lòng cầu nguyện cho tôi không?”

Điều quan trọng nhất không phải do nơi bạn ở, hay những lời bạn dùng để xin ơn Thánh Linh. Cũng không phải do bạn cầu nguyện một mình hay có nhiều người đặt tay trên đầu bạn. Việc thanh tẩy trong Chúa Thánh Linh là một vấn đề chỉ liên hệ đến bạn và người làm phép thanh tẩy cho bạn là Chúa Kitô mà thôi.

Bạn chỉ cần xin một lần là đủ, rồi cám ơn Chúa đã nghe lời bạn kêu xin và nhận lời bạn. Nếu bạn đã cầu nguyện tuần trước và theo bạn, hình như không có gì xảy ra thì bạn hãy trút bỏ những cảm giác lừa dối đó đi. Chúa Giêsu đã làm phần Ngài, còn phần bạn, bây giờ bạn phải tin rằng mọi sự đã hoàn tất.

Bạn có thể không cảm thấy gì cả, nhưng có một dấu hiệu rất dễ dàng mà bạn có thể xin ngay để rút kinh nghiệm: đó là ơn ngôn ngữ. Trong sách “Tông Đồ Công Vụ”, ơn nói các thứ tiếng lạ là một hậu quả của phép thanh tẩy trong Thánh Linh. Ngày lễ Ngũ Tuần, đó là dấu hiệu thứ nhất của những ơn thiêng liêng nơi người có đức tin.

Khi tôi xin Chúa Giêsu thanh tẩy tôi trong Thánh Linh thì tôi không cảm thấy gì cả. Một bà đã đặt tay lên đầu tôi và cầu nguyện bằng một thứ ngôn ngữ cho tôi. Tôi không có một cảm giác gì cả và tôi nghĩ rằng không có gì xảy ra. Nhưng bà ấy bảo tôi phải tin rằng mình đã lãnh nhận ơn thanh tẩy và đừng dựa vào giác quan mà suy đoán, song hãy cảm tạ Chúa vì đã được ơn. Tôi làm theo lời bà, nhưng tôi cảm thấy mình lố bịch. Bà ta còn nói rằng, tôi có thể nói tiếng lạ, nếu tôi chỉ mở miệng ra cho ngôn ngữ có thể phát âm ra ngoài. Tôi ngần ngại, nghĩ rằng tôi trở thành ngớ ngẩn. Nhưng tôi biết Kinh Thánh đã xác quyết rằng ơn nói tiếng lạ là ơn của Chúa Thánh Linh, và bởi vì hiện nay tôi đầy ơn Thánh Linh, dù tôi có cảm thấy hay không, cho nên tôi phải chờ đợi ơn Chúa để biểu hiệu ra bên ngoài qua tôi và bởi tôi. Quả nhiên tôi thấy có những chữ lạ hình thành trong đầu tôi. Tôi mở miệng ra và tôi nói to lên, những tiếng ấy có thể không có nghĩa gì cả và phản ứng đầu tiên của tôi là nghĩ rằng: “Đó là một sự lừa bịp. M. Chính mày đã tạo ra những tiếng líu lo đó”. Nhưng tôi cũng ý thức được rằng ta không thể đưa vào những cảm giác để phê phán những việc gì đã xảy ra khi ta nói bởi đức tin. Tôi quyết định chấp nhận lời Chúa mà không để ý tới những lời mà tôi, M. đã nghĩ lúc nãy.

Tôi vẫn không cảm thấy gì cả, nhưng tôi đã quyết định tin. Dấu hiệu đầu tiên rõ ràng, mà tình cảm tôi có thể nhận ra, đó là một ý thức rất chắc chắn rằng chính Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ tôi và Người là Chúa tôi.

Qua lời Chúa, tôi biết rằng Chúa Thánh Linh đã được ban cho ta là để làm chứng về Chúa Giêsu; và bỗng nhiên tôi ý thức rõ ràng, chưa bao giờ tôi ý thức như vậy, Giêsu là ai, và Chúa Giêsu tượng trưng cái gì cho tôi.

Dấu hiệu thứ hai mà tôi cảm thấy một cách rõ ràng nữa là một tình thương sâu sắc đối với người khác. Điều đó cũng được loan báo trong lời Chúa: Tình thương là kết quả của Chúa Thánh Linh.

Từ đó, tôi xác nhận một số ơn của Chúa Thánh Linh nơi tôi và qua tôi – không phải là tôi có ơn chữa bệnh hoặc làm phép lạ, hoặc nói tiên tri. Tôi tin giản dị rằng Thiên Chúa đã tỏ hiện qua tôi, bởi quyền năng của Chúa Thánh Linh, khi tôi tin và chờ đợi sự can thiệp của Ngài.

Nếu có người nào được lành bệnh vì tôi đã cầu nguyện và đặt tay lên đầu thì đó không phải là tôi đã trở thành siêu thánh. Tôi chỉ là một con sông để cho dòng ân sủng chảy qua. Khi tôi cầu nguyện, đôi khi tôi cảm nghiệm được năng lực chữa trị của Thiên Chúa, đôi khi tôi không cảm thấy gì cả.

Thành quả hoàn toàn không do những cảm quan của chúng ta nhưng chỉ do đức tin mà thôi. Một khi chúng ta đã xác quyết rằng chính Thiên Chúa hành động.

Khi do đức tin, bạn mở miệng để nói tiếng lạ, có lẽ bạn sẽ bị cám dỗ mà nghĩ như tôi đã nghĩ là chính bạn đã đặt những tiếng đó ra.

Bạn đừng để cho những ý tưởng ấy lừa dối bạn và ngăn cản bạn tiếp tục. Nếu bạn đã thành thực giao phó trót người bạn cho Thiên Chúa, kể cả ngôn ngữ, nếu bạn đã xin Chúa Thánh Linh cho bạn những lời cần thiết để cầu nguyện, thì bạn có thể xác tín rằng Chúa nhận lời bạn dù những lời bạn thốt ra chỉ là những tiếng líu lo, ú ớ do chính bạn tạo thành. Dù sao những tiếng ấy không quan trọng bằng chính sự kiện Chúa Thánh Linh, qua con người bạn, đang cầu nguyện Thiên Chúa.

Nhưng suy cho cùng, tại sao phải cầu nguyện trong ngôn ngữ mẹ đẻ hay một ngôn ngữ cảm hứng, nếu Chúa đã biết trước những gì chúng ta cần, trước khi chúng ta cầu xin?

Chúng ta cầu nguyện, vì việc cầu nguyện nằm trong chương trình của Chúa dành cho con cái Người. Và đó cũng là huấn lệnh của Chúa: “Hãy cầu nguyện luôn” (1Th 5,17).

Hãy để thì giờ mỗi ngày để cầu nguyện bằng ngôn ngữ cảm hứng. Đó là điều quan trọng. Vì nó có nghĩa rằng: Thánh Thần Chân lý đang nói thông qua chúng ta. Chúa Giêsu đã hứa: “Kẻ nào tin kính Ta, sóng nước hằng sống sẽ tràn ra bởi lòng người ấy” (G 7,38). Chúa nói về mạch nước chân lý sẽ chảy ra từ chúng ta nếu tất cả con người chúng ta được chìm ngập trong Chúa Thánh Thần và thấm nhuần bởi Thánh Linh.

Chúng ta thường nghĩ đến chân lý đi từ chúng ta đến những người khác. Nhưng bây giờ hãy nghĩ đến những gì chân lý đó phải thể hiện trong ta. Đó là một sức mạnh để giải phóng nội tâm chúng ta. Nó đem ra ánh sáng những sự dối trá che đậy lỗi lầm và sợ hãi, tất cả những xó xỉnh tối tăm của quá khứ chìm trong những kỷ niệm hoặc tiềm thức của ta. Chúng ta không thể nói với Chúa ngay với trí khôn của ta. Đó là một trong những lý do khiến Chúa đã chuẩn bị khía cạnh này trong lời cầu nguyện. Khi chúng ta nói tiếng lạ trí khôn của ta trực tiếp liên hệ với Chúa. Thánh Linh cầu nguyện thay cho ta và óc phê phán của ta không thể kiểm nghiệm được. Chúng ta nói những chữ mà ta không hiểu. Thần Chân Lý dò tận đáy sâu thẳm của con người chúng ta. Vì thế, nói tiếng lạ là một khí cụ để chữa bệnh rất kỳ diệu trong đời ta. Sau đó, chúng ta khám phá ra rằng khi chúng ta cầu nguyện bằng tiếng lạ cho người khác thì chúng ta cầu nguyện trực tiếp cho những nhu cầu của họ, mà nếu chỉ với trí khôn chúng ta không thể hiểu được, và rất nhiều khi, những người mà ta cầu nguyện cho không hề ý thức về gốc rễ của những việc đó.

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương III – Phần 5

Một bà mẹ bị chứng bệnh thần kinh và tâm lý từ lúc còn là một thiếu nữ. Bà nhận Chúa Kitô như là Đấng Cứu Độ riêng cho bà, nhưng bà vẫn không thoát khỏi những căng thẳng sâu kín trong con người bà. Bà bèn đọc Kinh Thánh về vấn đề thanh tẩy trong Thánh Linh, và bà quả quyết rằng Chúa muốn ban cho bà cái kinh nghiệm đó.

Một ngày nọ, bà quỳ trong nhà mình và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con xin dâng trọn người con cho Chúa. Xin hãy rửa con sạch tất cả những gì không phải là Chúa và thanh tẩy con trong Thánh Linh. Con xin cảm tạ ơn Chúa và con tin rằng Chúa làm điều ấy cho con”.

Lúc ấy bà không cảm thấy gì đặc biệt. Bà chỗi dậy và tiếp tục công việc nội trợ. Nhưng trong suốt ba tuần sau, bà cảm thấy có một cái gì bất thường đã xảy ra trong bà. Bà khóc thường xuyên và bà cảm thấy sống lại những năm đau khổ của thời thơ ấu..

Những việc xảy ra từ xưa, đã quên từ lâu, nay trở lại trong trí nhớ: nỗi khổ cực mà bà đã phải chịu đựng và đã để lại nơi bà dấu vết của một vết thương lòng, và của sự sợ hãi; những nỗi đau khổ, mà đến phiền bà, bà đã gây ra cho người khác. Mỗi kỷ niệm lại làm bà khóc nức nở vì hối hận và bà đã xin Chúa tha thứ cho bà và cho những người đã làm bà đau khổ, và bà xin Chúa xoa dịu, chữa lành những nỗi đau khổ này, nhờ tình thương của Chúa. Bà chỉ có thể cắt nghĩa những giọt nước mắt của mình bằng lời Kinh Thánh: “Để đáp lại đức tin của ta, Chúa Thánh Linh giúp ta trong những vấn đề hằng ngày và trong lời cầu nguyện của chúng ta. Bởi vì chúng ta không biết phải cầu nguyện sao cho đúng nên Thánh Linh sẽ dùng những lời than thở khôn tả mà cầu thay cho chúng ta” (Rom 8,26). Khi bà ngừng khóc, bà cảm thấy nhẹ nhõm và một chiều nọ, vào cuối tuần lễ thứ ba, bà lại khóc nức nở, thảm thiết. Về sau bà kể: “Tiếng nức nở phát xuất tự đáy lòng tôi. Rồi bỗng tôi trở lại bình tĩnh, giống như một cơn giông tố nhường chỗ cho một sự bình an tuyệt hảo. Tôi chìm ngập trong sự an bình này, rồi bỗng nhiên tôi hiểu rằng có một luồng ánh sáng đang chiếu dịu dàng ở trên tôi. Tôi cảm nghiệm hơn là tôi thấy và tôi biết đó là tình thương của Thiên Chúa đang ấp ủ tôi”. Mọi căng thẳng của bà hầu như đã biến hết, tuy cũng còn chút đỉnh. Những ngày sau đó bà cảm thấy nhẹ nhõm, chưa từng có. Dù đang làm việc trong nhà hay đi ngoài phố, bà lẩm bẩm hát câu giản dị này: “Chao ôi, tôi yêu Chúa Giêsu quá”. Câu hát này mang một ý nghĩa mới làm bà sung sướng vô cùng. Một buổi chiều, đang ngồi trên xe ra phố, bà sực thấy mình đang tìm chữ để phổ vào một bản nhạc.

Sau đó bà thú nhận rằng: “Lúc ấy tôi chả hiểu gì cả. Tôi không hề chú ý đến những đoạn Kinh Thánh bàn về việc nói các tiếng lạ. Nhưng tôi đang hát trong một tiếng khác và tôi bỗng ý thức rằng những chữ ấy không phải tôi đặt ra mà nó có liên hệ đến việc thanh tẩy trong Thánh Linh.”

Bà tiếp tục hát trong tiếng lạ mỗi ngày và dần dần, qua nhiều tuần, nhiều tháng, chứng bệnh tâm lý của bà biến hẳn. Bà nói: “Bác sĩ bảo tôi chỉ còn một cách là chấp nhận bị suy kém. Tôi đã được chữa bằng các bài hát, hát trong tiếng lạ.”

Nếu bạn đã cầu nguyện để được xin thanh tẩy trong Thánh Linh, bạn có thể tin chắc là đã được nhận lời. Bạn có thể mở miệng ngay bây giờ nói ra những chữ, những âm vừa xuất hiện trong trí bạn với niềm tin rằng những chữ, những âm đó là do Thánh Linh. Chúa không bắt bạn phải nói tiếng lạ. Với phép thanh tẩy trong Thánh Linh, Chúa cho bạn khả năng để nói tiếng lạ với điều kiện là bạn muốn. Để nói, bạn dùng miệng, lưỡi, thanh đối của bạn. Bạn bắt đầu nói và bạn ngừng khi bạn muốn. Nếu bạn không cảm thấy một xúc động hay một cảm giác gì thì hãy cám ơn Chúa mà thôi. Một ngày kia bạn sẽ cảm thấy một cái gì, nhưng ngay bây giờ Chúa ban cho bạn một ơn đặc biệt đểø lớn lên trong đức tin.

Hãy đọc trong Kinh Thánh tất cả những gì Chúa Giêsu nói về Thánh Linh. Hãy đọc trong “Tông Đồ Công Vụ” và những bức thơ gởi cho các giáo đoàn tiên khởi nói về Thánh Linh và những ơn của Thánh Linh. Tất cả những điều đó, bây giờ đều có liên hệ đến bạn.

Hãy chờ đợi những việc này xảy ra trong chính cuộc đời của bạn. Hãy nói với Thiên Chúa rằng bạn muốn được dùng như một dòng sông để tình yêu của Chúa chảy đến những người khác, và bạn sẵn sàng chấp nhận mọi yêu sách của đức tin.

Hãy cảm tạ Chúa trong mọi trường hợp, dù thuận lợi hay không. Và hãy tin rằng Chúa dùng mọi hoàn cảnh để thực hiện chương trình tuyệt diệu của Chúa trên cuộc đời bạn.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]