Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi: Chương III – Một Quyền Năng Vô Giới Hạn

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương III – Phần 3

Một mục sư kia có một yếu đuối mà ông không thể thắng được, mặc dù đã cố gắng nhiều. Cuối cùng ông đã vào tù, vì những lầm lỗi đó và vì sử dụng của gian. Mục sư này là một Kitô hữu mới. Bị thất bại vì sự sai lầm của mình, ông thành thật hối lỗi. Ông tin rằng Chúa đã tha thứ cho ông nhưng ông nghĩ rằng Chúa có thể dùng ông để đưa những người khác đến ơn cứu độ.

Một hôm, một người bạn của ông gởi cho ông quyển sách “Từ ngục tù đến ca ngợi”. Trong sách ấy, ông thấy Chúa dùng mọi sự để biến cải nên tốt, ngay cả những tội lỗi của chúng ta. Phấn khởi bởi một niềm hy vọng mới mẻ, ông dám cám ơn Chúa vì những tội lỗi của mình và cuộc tù đày của mình. Và ông viết cho tôi: “Tạ ơn Chúa, cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi! Những hối tiếc xưa kia, những ân huệ và tội lỗi đã từng dày vò tôi, nay đã biến mất. Tôi có thể ca ngợi và cám ơn Chúa cho bất cứ một chi tiết nhỏ nhặt nào trong đời tôi. Tôi chưa bao giờ ý thức sự cao cả và thâm sâu của lòng nhân từ nơi Chúa. Tôi nghĩ rằng mình khá tốt để phục vụ Chúa. Bây giờ thật vui sướng cho tôi biết bao, khi con người cũ đầy kiêu ngạo chết đi, nhường chỗ cho Đức Kitô sống trong tôi và chỉ một mình Chúa thôi”.

Phòng giam của ông mục sư trở thành ngôi nhà tán tạ hồng ân của Thiên Chúa, và nhiều người tù khác đã được ơn trở lại và chấp nhận Đức Kitô.

Nếu chúng ta nghĩ rằng, do chúng ta hoặc do người khác mà chúng ta “khá tốt” hoặc “chưa tốt đủ để phụng sự Chúa” thì chúng ta rơi vào một cạm bẫy rất nguy hiểm. Chính Chúa Giêsu đã bảo trước cho những người theo Chúa: “Đừng phán đoán, đừng phê bình, đừng ghép tội người khác để cho con khỏi bị phán đoán, phê bình và ghép tội”.

Chỉ có Chúa mới có thể phán đoán và Chúa đã nói rằng chúng ta thánh thiện và vô trách cứ trước mặt Chúa, nếu chúng ta được bao bọc trong tình thương của Chúa.

Như thế, làm sao ta còn có thể đặt ra những tiêu chuẩn để phán đoán bản thân ta hoặc phán đoán kẻ khác? Chỉ có Chúa mới có thể lên án những lỗi lầm của chúng ta thôi. Dù lỗi của chúng ta hoặc lỗi của người khác có ra sao đi nữa, thì điều đó chỉ liên hệ đến một mình Chúa mà thôi.

Khi chúng ta bắt đầu phán đoán nhau thì thường là chúng ta đã đi lầm đường. Chúng ta nói: “Anh ấy hút thuốc; cô ấy đánh phấn bôi son; họ uống rượu; họ đi xem phim nọ phim kia; …”

Bạn hãy nói cho tôi, bạn sẽ chọn một người dạy giáo lý, hoặc một người huấn luyện viên ngày chúa nhật như thế nào đây? Hãy tưởng tượng bạn sẽ phải chọn giữa hai người. Người thứ nhất cân nặng vừa phải, có một thân hình cân đối và bạn biết là ông ấy hút thuốc. Người thứ hai cân nặng ít nhất là 150 ký. Đó là một đống thịt, nhưng ông ta có một nụ cười hiền hậu, hay đi nhà thờ và đọc Kinh Thánh. Bây giờ, giữa hai người, bạn sẽ chọn người nào để biếu một bài học về vấn đề: Làm thế nào phát triển đức tự chủ, hoa quả của Thánh Linh? Hút sách là một thói quen rất xấu, rất có hại cho sức khoẻ và đó là dấu hiệu của một sự vô kỷ luật cá nhân. Nhưng ta sẽ lo nghĩ gì về người quá to mập kia? Kinh Thánh xếp những người ăn uống quá độ với những người say sưa và tuyên bố rằng cả hai đều đáng chết ( ĐNL 21,20-21) Người tham ăn đi nhanh đến cái chết, và người hút sách cũng vậy.

Tôi không khuyên các bạn lên án những người hút và những người phát phì đâu. Không có trường hợp nào mà ta có thể phán đoán cả.

Khi người ta đem đến cho Chúa Giêsu người đàn bà bị bắt quả tang về tội ngoại tình, những vị Thượng Tế và Pharisiêu đặt câu hỏi: “Thưa Thầy, luật Maisen truyền phải xử tử người này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Đồng ý. Chúa Giêsu trả lời: Hãy ném đá bà ta. Nhưng người nào không bao giờ có lỗi thì hãy ném đá trước. (Ga 8,7)

Ai trong chúng ta xứng đáng để ném viên đá phê bình, phán đoán và buộc tội? Đo lường độ “tốt” và độ “xấu” của chúng ta, đó là một cách tự bào chữa trước mặt Chúa, dựa trên những việc lành chớ không phải do đức tin. Khi người ta nói đến đức tin và việc lành, người ta thường dẫn câu: “Chúng ta là công nghiệp của Chúa được tạo thành trong Đức Kitô, hầu làm các việc lành, như trước kia Thiên Chúa đã dự bị cho ta thi hành” (Ep 2,10).

Điều đó không chứng tỏ rõ ràng rằng chúng ta được tái sinh lại để làm việc lành cho Chúa sao?

Nhưng hãy nhìn những dòng trước: “Nhờ hồng ân của Chúa mà ta được cứu độ, do đức tin. Ơn cứu độ này, không do ta, mà là một hồng ân của Chúa. Nó không phải là kết quả của những cố gắng nơi chúng ta. Và do đó, không ai có thể tự phụ” (Ep 2,8-9).

Thánh Phaolô muốn nói rằng, chúng ta được cứu rỗi nhờ đức tin và sau đó chúng ta phải lo liệu một mình sao? Điều ấy không có nghĩa gì cả phải không?

Phía trên của bức thơ, Phaolô đã nói chúng ta được thánh hoá và vô tì tích trước mắt Chúa và Chúa đã ban cho chúng ta mọi phước lộc trên trời.

Hãy đọc Thánh Giacôbê: “Hỡi anh em, nếu ai nói tôi có “đức tin” mà lại không có việc làm thì điều ấy chứng tỏ gì? Đức tin đó có cứu người ấy không? Tổ phụ Abraham đã chẳng trở nên công chính – trở nên có thể chấp nhận trước mặt Chúa – nhờ việc lành, khi ông dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao?” (Giacôbê 2,14-21).

Việc ấy thuộc loại việc lành nào? Tại sao lên núi dâng đứa con duy nhất trên bàn thờ vì Thiên Chúa đã ra lệnh, và chính đó là đứa con mà Chúa đã hứa cho Abraham để ban phúc lành và cho tổ phụ ta một miêu duệ đông đảo?

Thánh Giacôbê tiếp: “Nơi Abraham, đức tin và việc làm đi song song. Đức tin trở nên thiết thực nhờ việc làm. Vậy ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã nói: “Abraham tin kính Thiên Chúa nên được kể là công chính và được gọi là bạn của Thiên Chúa” (Giacôbê 2,22-23).

Vậy thì chúng ta phải làm những việc lành nào? Một ngày nọ, các môn đệ cũng đã đặt cho Chúa Giêsu một câu hỏi tương tự: “Chúng con phải làm gì để thực hiện công trình của Thiên Chúa? Chúng con phải làm gì để đáp lại những đòi hỏi của Thiên Chúa? Chúa Giêsu trả lời: “ Việc mà Thiên Chúa đòi hỏi là các con phải tin vào Đấng mà Thiên Chúa đã phái đến – các con phải gắn bó với sứ vụ của Người và các con phải đặt niềm tin tưởng và cậy trông vào Người” (Giacôbê 6,28-29).

Đó chính là điều mà Abraham đã làm. Việc lành của Abraham là gì? Chính là tin rằng Thiên Chúa sẽ giữ lời hứa. Không bao giờ Abraham yếu lòng tin. Chính vì thế, Thiên Chúa đã quyết định đặt Abraham làm tổ phụ của Israel dân Người.

Chúa Giêsu đã hứa với những kẻ theo Ngài rằng: “Họ sẽ làm nhiều việc vĩ đại hơn cả Ngài”. Và chúng ta biết rằng, sau khi đã lãnh nhận phép thánh tẩy trong Thánh Linh, các môn đệ đã rao giảng Nước Chúa với quyền năng và làm nhiều phép lạ.

Trong các việc này, phần đóng góp của các môn đệ là đức tin. Quyền làm phép lạ không thuộc về các ông. Quyền đó từ Thiên Chúa mà đến và đã diễn ra bên ngoài qua các ông vì các ông đã tin.

Chúng ta sẽ tự lừa gạt mình hoàn toàn khi nghĩ rằng, việc thanh tẩy trong Thánh Linh cho chúng ta một quyền phép. Nó làm cho chúng ta mạnh thêm, tăng khả năng và khuynh hướng làm việc lành cho Chúa; và việc thanh tẩy này biến chúng ta thành những người hoàn hảo về mặt thiêng liêng. Nghĩ như thế là điều sai lầm trầm trọng.

Vậy thì tại sao lại có việc thanh tẩy trong Thánh Linh? Do phép thanh tẩy này, các tội của chúng ta sẽ giảm bớt đi để cho sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa có thể ngự trị trong chúng ta và được tự do diễn tả ra bên ngoài qua chúng ta.

Thánh Phaolô viết: “Kính chúc Đấng vạn năng trên mọi sự, làm được cho ta hơn ngàn trùng những điều ta cầu xin hay nghĩ tưởng, chiếu theo quyền phép kiến hiệu của Người nơi ta” (Ep 3,20).

Chính Thiên Chúa làm việc trong chúng ta. Rõ ràng là nếu chúng ta càng tin cậy vào Chúa và càng ít lệ thuộc vào chúng ta thì Chúa càng hoạt động dễ dàng.

Vậy cuộc thanh tẩy của Thánh Linh là gì? Chúa Giêsu thường nói đến Thánh Linh như là Thần Chân Lý. “Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ đưa các con đi vào sự thật” (Gal 16,13).

Thần Chân Lý sống trong mỗi tín hữu và dìu dắt họ. Nhưng được thanh tẩy trong Thần Chân Lý còn có nhiều nghĩa khác nữa. Chữ mà chúng ta dịch là “thanh tẩy” (rửa tội) trong Kinh Thánh có nghĩa là “nhận chìm” (vào nước) hoặc làm bảo hoà (no ứ). Trong ngôn ngữ Hy-Lạp, người ta cũng dùng chữ ấy để nói lên “thấm ướt).

Như thế thì xin Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta trong Thánh Linh có nghĩa là chúng ta tự đưa mình ra để được tràn đầy, no ứ, hoàn toàn thấm ướt bởi chân lý.

Chúa Giêsu cầu nguyện Cha Người cho chúng ta: “Xin thánh hoá chúng”. Nói cách khác, xin thanh tẩy chúng. Xin để chúng riêng cho Cha. Xin tác thánh chúng nhờ chân lý (Gal 17,17).

Phép thanh tẩy trong Chúa Thánh Linh gột rửa, lau sạch tất cả. Đó là một cuộc triển lãm mọi góc cạnh, xó xỉnh của đời ta dưới ánh sáng thấu suốt của Chân Lý của Thiên Chúa. Đó là một sự tẩy rửa hoàn toàn để ta thoát khỏi sự tự mãn, sự kiêu ngạo, những bóng mờ của sự dối trá, những sự bào chữa giả trá mà ta cứ bám vào. Tất cả những gì cản trở đức tin và luồng sinh khí của sự hiện diện đầy quyền năng của Thiên Chúa trong đời ta.

Việc thanh tẩy của Chúa Thánh Linh trong Chúa Thánh Linh có hai mục đích: thanh lọc và chuẩn bị cho cái bình, nghĩa là chúng ta chứa đựng quyền lực Thiên Chúa và đổ tràn đầy sức mạnh của Thiên Chúa vào. Hai việc này cùng xảy ra một lúc: Khi Thần Chân lý bắt đầu thấm nhuần bản thân ta, thì cũng cho ta thấy những sự già cỗi và cặn bã bên trong con người của ta để tống chúng ra bên ngoài. “Các con sẽ lãnh nhận một sức mạnh, Chúa Giêsu đã nói, một khả năng, một quyền lực, một hiệu quả khi Chúa Thánh Thần xuống trên các con” (TĐCV 1,8).

Chúa không có ý nói rằng cái quyền lực này thuộc về chúng ta, nhưng nó sẽ xuống tràn đầy trên chúng ta và hoạt động qua chúng ta. Mỗi người chúng ta là một cái bình chứa đựng, là con sông cho dòng nước chảy. Dù chúng ta có cố gắng đến mức độ nào đi nữa, thì chúng ta cũng không thể là sức mạnh đó. Chúng ta giống như những cái ly đựng nước mát, nước có thể xoa dịu cổ họng rát bỏng vì khát, nhưng cái ly thì không thể làm cho ai bớt khát được cả.

Thánh Phaolô viết: “Những bảo vật đó, ánh sáng và quyền lực đang chiếu rạng trong chúng tôi bây giờ. Chúng tôi đựng trong những chiếc bình sành, nghĩa là trong những thân xác đầy yếu đuối. Mỗi người có thể nhận thấy rằng quyền lực cao trọng ấy nơi chúng tôi là do Thiên Chúa, chứ không tự chúng tôi mà có được” (2Cor 4,7).

Nếu chúng ta cho rằng chúng ta không cần được thanh tẩy trong Thánh Linh thì cũng như nói rằng chúng ta không cần được rửa sạch để lãnh nhận ánh sáng chân lý của Chúa. Và chúng ta cũng không cần quyền năng của Chúa hoạt động dồi dào nơi chúng ta và qua chúng ta.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con là phụ thân, nếu con cái các con xin bánh mà người cha lại cho hòn đá sao? Hoặc xin cá mà lại cho con rắn? Hay là xin trứng mà lại cho bọ hung? Dĩ nhiên là không? Đó, các con vốn chẳng tốt gì còn biết cho con cái mình của lành, có lẽ nào Cha các con trên trời lại không làm được như thế và Người lại không ban Chúa Thánh Linh cho những ai xin Người sao? (Luc 11,11-12).

Vì thế chúng ta có thể xin Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta trong Chúa Thánh Linh và biết chắc chắn rằng Chúa sẽ nhậm lời.

Mỗi tuần lễ tôi nhận được những thơ tờ kể cho tôi biết rằng những người này đã xin Thiên Chúa thanh tẩy họ trong Thánh Linh, nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Tại sao có sự trục trặc đó? Sự sai lầm của những người này chỉ chú ý đến những cảm giác của họ, Thay vì chăm chú nghe những gì Chúa đã phán ra. Sự trở ngại luôn luôn do tình cảm.

Phép thánh tẩy trong Thánh Linh cũng như tất cả mọi ân huệ khác của Thiên Chúa phải được lãnh nhận trong đức tin, nghĩa là ta có thể không cảm thấy gì cả ngay lúc ấy. Đức tin là một sự vận dụng của ý chí, nó không lệ thuộc vào tình cảm.

Nhưng thật ra cũng có một số người có những cảm giác lạ lùng khi họ lãnh nhận phép thanh tẩy trong Thánh Linh, cũng như những người khác gặp Chúa Giêsu với một xúc động mạnh mẽ, khi mà lần đầu tiên trong đời họ, họ chấp nhận Chúa như vị cứu tinh của họ.

Nhưng chúng ta không được cứu rỗi bởi tình cảm và cũng không phải như thế là chúng ta được thanh tẩy trong Chúa Thánh Linh. Những cảm giác không làm nên cuộc thanh tẩy. Phép thánh tẩy do Thánh Linh là một sự biến đổi từ bên trong.

Và sau đó Thánh Linh mới cho thấy những dấu hiệu bên ngoài như là kết quả của sự biến đổi này trong chúng ta: một sức mạnh và một uy tín mới để làm chứng cho Đức Kitô. Sự biểu hiệu của những ơn Chúa Thánh Thần nơi ta và sự phát triển của những ơn đó tức là tình thương, niềm vui và sự bình an.

Những điểm này giác quan của chúng ta cảm nghiệm được, nhưng thật ra đó chỉ là kết quả của sự chấp nhận để Chúa làm việc nơi ta. Và điều đó, không thể đo lường bằng tình cảm được.

Chính ta phải quyết định chấp nhận lời Chúa nhờ đức tin, và nhất quyết không chú ý đến những cảm giác nữa. Nếu không, chẳng bao giờ chúng ta đưa đức tin của mình đến hành động cả.

Hãy nói với Chúa rằng, bạn muốn nắm chắc lời Chúa, và muốn tin rằng Chúa Giêsu thanh tẩy bạn trong Thánh Linh ngay từ khi bạn xin Chúa. Hãy vững vàng trong đức tin và tin chắc rằng mọi sự sẽ hoàn thành.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment