Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi: Chương II – Một Tin Vui

Phần 2

Tôi còn nhớ một cô nữ y tá quân đội trẻ đẹp, hành nghề ở Việt Nam trong một bệnh viện, nơi tôi làm tuyên uý. Lúc mới đến, cô đầy sức sống và hy vọng, nhưng dần dần nụ cười tắt hẳn trên môi cô. Cô không thể chịu được cảnh tượng những quân lính trẻ tuổi bị trọng thương người ta khiêng về từ chiến trường. Cô thường đến văn phòng tôi tâm sự. Một hôm cô hỏi tôi:

–  Làm sao có thể nghĩ rằng Chúa thương con người khi thấy bao khổ đau như vậy?

–  Cô nên giải bày cho Chúa tất cả những lo âu của cô về các bệnh nhân và tin chắc rằng Chúa lo cho họ. Chúa thương yêu những anh lính này hơn là tôi và cô có thể thương họ.

Cô nữ y tá lắc đầu.

–  Thưa cha, con không thể làm thế được. Có lẽ một ngày kia con làm được, nhưng bây giờ thì chưa được. Lòng con bị xé tan trước những đau khổ này. Con không thể cám ơn Chúa được.

Cô ít lai vãng đến văn phòng tôi hơn. Nét mặt vui vẻ của cô nhuộm vẻ u sầu và tôi có thể đoán là cô phải uống thuốc để chống cơn khủng hoảng tinh thần. Cô không còn thiết tha gì với sự vật bên ngoài. Cô được đổi đi nơi khác và tôi mất liên lạc với cô. Gần đây tôi nhận được một bức thơ của một phụ nữ đang ở tù tại miền tây nước Mỹ.

“Thưa cha tuyên uý. Sau khi con gặp cha lần chót ở Việt Nam, con đã lang thang trên những nẻo đường, và trên những quãng đường đó, con đã đánh mất những gì tốt đẹp nhất trong con. Khi ở Việt Nam về, con không tìm được bình an trong tâm hồn và con đã xuống dốc”.

“Câu chuyện bắt đầu khi ở bệnh viện con đã phải chứng kiến. Những cái chết phi lý hay những cuộc cắt xẻo trên cơ thể những quân nhân trẻ tuổi. Con lên án Chúa và bây giờ con hiểu rằng những oán trách của con chỉ tách biệt con xa Chúa và huỷ diệt chính con mà thôi. Hiện nay con không đủ nghị lực để tha thiết với bất cứ ai và bất cứ cái gì. Con sống một cuộc đời buồn tẻ, bất hạnh và rỗng tuếch”.

“Con biết rằng, Chúa là lời giải đáp”.

“Con không muốn chấp nhận điều này từ mấy năm nay, nhưng bây giờ thì con thấy rõ. Con muốn viết thư cho cha từ lâu, nhưng con hổ thẹn. Con hồi tưởng những lần đến thăm cha tại văn phòng tuyên úy. Lúc đó, con không muốn chấp nhận giải đáp. Con hy vọng rằng đã không quá muộn. Xin cha cầu nguyện cho con …”

Cô nữ y tá trẻ này đã từ chối món quà Chúa gởi cho cô. Bây giờ cô thấy hậu quả của thái độ đó. Bạn có thể thấy cô đã khổ sở chừng nào!

Đón nhận món quà của cuộc sống vĩnh cửu, đó là một trong những việc làm dễ nhất bạn có thể làm trong đời bạn. Có gì khó đâu. Đâu cần phải tốt lành hay thông minh. Một đứa trẻ thơ cũng còn làm được!

Thánh Phaolô viết: “Ơn cứu rỗi là do tin vào Đức Kitô … Chúng ta có thể đạt tới ơn cứu rỗi rất dễ dàng. “Vì lời gần bên ngươi, nơi miệng ngươi, và trong lòng ngươi”. Vì nếu ngươi tuyên xưng nơi miệng ngươi: Giêsu là Chúa! Và nếu ngươi tin trong lòng ngươi: “Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết, ngươi sẽ được cứu!” (Rom 10,8-9). Vậy thì sao có những người ngần ngại? Tại sao họ lại sợ? Cô nữ y tá kia sợ đặt niềm tin vào một Đức Chúa có thể để cho những binh lính phải chết trên chiến trường hoặc trở thành phế binh. Cô không tin vào tình thương của Chúa. “Nơi lòng mến, không có sợ hãi. Trái lại, lòng mến trọn lành thì xua sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt và kẻ sợ hãi ắt không được thành toàn trong lòng mến” (1Gioan 4,18). Thiên Chúa là tình yêu. Tất cả những gì Chúa làm là hoạt động của tình yêu.

Vấn đề là chúng ta có một cái nhìn rất hạn hẹp về tình yêu. Chúng ta đã bị phản bội và mang thương tích do những tình yêu con người gây ra. Một tình yêu biết tán thưởng khi chúng ta làm điều tốt, còn lại trừng phạt khi chúng ta làm điều quấy. Nhưng tình yêu của Chúa thì khác hẳn.

Trong bản văn Hy Lạp, Phúc Âm dùng hai từ khác nhau mà chúng ta đều dịch bằng chữ yêu.

–  Từ Philie: tình yêu huynh đệ có nghĩa là một lòng cảm mến sâu xa, riêng biệt và tự nhiên.

–  Từ Agapè: tình yêu Thiên Chúa.

Thánh Phaolô dùng chữ Agapè khi ông diễn tả tình vợ chồng. Đó là một sự trao hiến có ý thức, có quyết tâm, tự do và thiêng liêng không tuỳ thuộc vào xúc cảm nhất thời. Đó là một động tác yêu thương hữu ý, bắt nguồn trong ý chí. Tình yêu này không đổi thay, người ta có thể tin được. Người được yêu không phải lo mình đáng được yêu hay không.

Đó là cách Chúa yêu chúng ta. Chúa yêu chúng ta khi chúng ta phụ tình Người; khi chúng ta bất tuân; khi chúng ta nghèo khổ. Chúa yêu chúng ta khi chúng ta đã phí phạm cuộc sống, và Người luôn luôn sẵn sàng đón tiếp, tha thứ và ban cho chúng ta dư đầy niềm vui và sự  an bình của Người.

Món quà vô giá của Chúa là đời sống vĩnh cửu trong Đức Giêsu Kitô, và cuộc sống này gần kề chúng ta như môi miệng hay trái tim của chúng ta. Chúng ta chỉ cần đón nhận những gì Chúa Giêsu làm cho chúng ta. Tin trong lòng rằng Chúa đang sống và loan tin đó cho người khác. Có gì khó đâu. Nhưng vẫn có người không làm được, cho dù họ biết giá trị của món quà.

Ông Nicôđêmô, một người Do-Thái ngoan đạo đến gặp Chúa Giêsu vào một buổi tối để hỏi Người làm sao vào được Nuớc Trời. Ông biết rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến và Người có câu trả lời. Chúa Giêsu phán: “Quả thật, tôi bảo ông: ai không bởi Trên sinh ra thì không thể thấy được Nước Thiên Chúa”.

–  Làm sao một người đã già rồi, lại có thể tái sinh? Há lại có thể vào lòng mẹ lại lần nữa mà sinh ra ư?

–  Quả thật, tôi bảo ông: ai không sinh ra bởi nước và thần khí thì không thể được vào Nước Thiên Chúa. Sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, và sự gì sinh bởi Thần Khí là Thần Khí (Gioan 3,1-6).

Ông Nicôđêmô biết Chúa Giêsu là ai rồi, nhưng điều này chưa đủ. Chúng ta phải hành động theo những điều chúng ta hiểu biết: đón nhận Đức Giêsu Kitô như Đấng Cứu Thế và mỗi người vào cuộc đời mình. Khi Người đến qua Thánh Linh, chúng ta được tái sinh. Chúng ta chỉ thông hiệp được với Chúa trong tinh thần. Vậy chúng ta có tái sinh mới biết được Thiên Chúa. Nếu chưa tái sinh chúng ta là những người chết về mặt thiêng liêng.

Phaolô viết: “Tôi đã cùng bị đóng đinh thập giá với Đức Kitô. Tôi sống, nhưng không phải tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Đời sống của tôi lúc này trong thân xác, tôi sống nó trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và phó nộp mình vì tôi” (Gal 2,20).

Phaolô khuyên giáo hữu thành Côrintô: “Anh em hãy nghiệm xét chính mình. Xem anh em còn trong lòng tin không. Hãy hạch khảo chính mình! Hay là anh em không nhận thấy có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em. Hay anh em giả vờ là Kitô hữu trong khi anh em không sống như thế” (2Cor 13,5).

Bạn có thật là Kitô hữu không?

Bạn đã tái sinh chưa?

Trong các nhà thờ có nhiều Nicôđêmô lắm. Họ học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện hằng giờ. Họ tham gia các nhóm học hỏi Kinh Thánh và các nhóm cầu nguyện. Họ là giáo lý viên. Có người là giảng viên nữa. Nhiều người đã sinh ra, lớn lên trong Giáo Hội và tự xưng là đạo gốc, là Tin Lành, v.v …

Họ đều biết đạo công giáo là gì.

Họ biết rằng Chúa Kitô đã chịu chết vì tội lỗi họ.

Họ biết rằng Chúa đã sống lại, nhưng họ chưa bao giờ phó cuộc sống họ cho Chúa, xin Người trở nên Đức Chúa và vị Cứu Thế của họ. Cả ngàn người đã đi lễ hàng ngày, chu toàn tất cả các bổn phận bề ngoài của đạo. Nhưng chưa bao giờ kinh nghiệm tự bên trong Chúa Kitô trong đời họ.

Món quà cứu độ và đời sống vĩnh cửu hoàn toàn nhưng không. Bạn không làm gì để xứng đáng được món quà đó đâu; nhưng bạn chỉ ngửa tay đón nhận để nó trở thành sở hữu của bạn. Trong tình yêu của Người, Chúa đã tiền định và thu xếp mọi hoàn cảnh để chúng ta cảm thấy cần đến Người, và do đó để cho người thu hút chúng ta.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment