- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi: Chương I

Phần 1

 

Jim có một người cha uống rượu từ 30 năm nay. Trong suốt những năm đó, mẹ của Jim và sau này chính anh ta cùng với vợ anh đã cầu xin Chúa chữa lành cha mình, nhưng vô hiệu. Cha anh không chịu thú nhận mình say mê rượu chè, và vùng vẫy khi nghe nói đến tôn giáo.

Một hôm Jim nghe tôi nói về năng lực được phóng thích khi chúng ta ca ngợi Chúa trước mỗi biến cố trong cuộc sống chúng ta, thay vì năn nỉ nài xin Chúa thay đổi những gì gây khó chịu cho mình.

Jim mang về nhà bản ghi âm cuộc họp và cho các bạn nghe lại. Rồi một ngày kia nảy ra một ý kiến: Chưa bao giờ anh đã thử ca ngợi Chúa vì hoàn cảnh cha anh đang sống. Vui mừng quá, anh chia sẻ với vợ anh.

–        Em à, chúng ta hãy cám ơn Chúa cho người cha say rượu của chúng ta, vì đó cũng là trong chương trình tuyệt diệu của Chúa đã hoạch định cho cuộc sống của cha.

Và trong ngày hôm đó, cả hai vợ chồng cảm tạ và ca ngợi Chúa về tất cả mọi mặt của hoàn cảnh. Chiều đến, cả hai cảm thấy một niền vui và hy vọng mới.

Ngay hôm sau, cha mẹ của Jim đến thăm các con như thường lệ mỗi trưa chúa nhật. Thường ngày cha của Jim không thích ở lâu và xong bữa là ra về, nhưng lần này, trong khi uống cà phê, ông đột nhiên hỏi:

–        Con nghĩ sao về cái gọi là “Cách Mạng của Đức Giêsu?” Quay về phía Jim ông tiếp: hôm qua, truyền hình đã chiếu vài đoạn. Có phải đó là mốt mới không? Hay thật sự những đám trẻ hút ma túy đã được chinh phục và đã đổi lòng?

Câu hỏi đó là khởi điểm cho một cuộc tranh luận dài và chân thật về Kitô giáo, Và cha mẹ của Jim ở lại đến chiều.

Sau vài tuần, cha Jim chấp nhận là ông uống rượu. Ông ta trở về với Đức Giêsu Kitô và ngừng hẳn rượu; cùng với gia đình, ông ta kể cho tất cả mọi người chung quanh nghe những điều Chúa có thể làm khi chúng ta biết ca ngợi. Jim nói với tôi:

– Thế mà chúng con đã cầu xin Chúa trong 30 năm, xin Ngài thay đổi cha chúng con, trong khi chúng con chỉ ca ngợi Chúa vì hoàn cảnh của ba con trong có một ngày mà đã thu hoạch biết bao nhiêu.

Chúng ta dễ nói một cách máy móc: “Vinh danh Chúa” và “Tạ ơn Chúa”, nên chúng ta cũng dễ quên ý nghĩa thật của những chữ đó.

Ca ngợi, theo tự điển có nghĩa là: ca tụng một người nào đó, đề cao họ, làm cho họ vẻ vang, tuyên bố công nghiệp và hoan hô người đó. Vậy ca tụng là góp phần mình, để tán đồng về một điều nào đó. Tán đồng nghĩa là chấp thuận, là thỏa thuận về điều đó. Như thế, ca tụng Chúa trước một hoàn cảnh khó khăn, một bệnh tật hay một tai họa, có nghĩa là chúng ta chấp thuận, chúng ta đồng ý coi những trường hợp đó như ở trong chương trình Chúa định cho cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta không thể thật sự ca ngợi Chúa về một điểm nào mà lại không đồng thời cảm tạ Chúa về điểm đó. Và chúng ta không thể thật sự cảm tạ mà lại không vui sướng về điều mà chúng ta cảm tạ Chúa. Vậy ca ngợi đòi hỏi sự biết ơn và niềm hoan lạc.

Khi chúng ta ca ngợi Chúa, chứ không phải ca ngợi một ông thần vô danh của định mệnh, có nghĩa là chúng ta chấp nhận rằng Chúa có một trách nhiệm trong việc xảy đến cho chúng ta, nếu không thì cảm tạ Ngài nào có nghĩa gì?

“ Hãy vui mừng luôn

Và đừng ngớt cầu nguyện

Hãy tạ ơn trong mọi dịp,

Và đó là thánh ý Thiên Chúa

về anh em trong Đức Kitô Giêsu”

(1 Thes 5,16-18)

 

Tôi được biết nhiều người có thể ca ngợi Chúa vì tất cả những gì xảy đến cho họ, chỉ vì họ chấp nhận cách đối nhân xử thế trong Kinh Thánh.

Khi ca ngợi, họ thường nhận ra ngay kết quả của một thái độ cương quyết tạ ơn và hoan hỉû. Đức tin của họ vững mạnh hơn, và họ bắt đầu một nếp sống mới.

Có người thì khó thuyết phục hơn. Họ nói: “Tôi không thể hiểu được. Tôi cố gắng tạ ơn Chúa, nhưng tôi không thể hiểu được là Chúa đã nhúng tay trong những tai ương đến với tôi”.

Chúng ta nói chúng ta không hiểu được rồi chúng ta ngừng ở đó. Cách lý luận của chúng ta làm cản trở sự tiếp xúc với Chúa. Nhưng Chúa cũng có một chương trình tuyệt diệu cho khả năng lý luận của chúng ta, và khi chúng ta sử dụng khả năng này theo như Chúa muốn, thì nó không còn là một cản trở mà là một điểm tựa quý báu cho đức tin.

“ Vì Chúa là vua khắp hoàn vũ.

Hãy ca tụng Người

Với tất cả trí thông minh” (TV 47,8)

Chúng ta không cắn răng rồi bắp ép trí tuệ chúng ta nói: “Điều này vô nghĩa đối với tôi, nhưng vì đó là lối thoát duy nhất, tôi sẽ ca ngợi Chúa với bất cứ giá nào”.

Như vậy không phải là ca ngợi mà là mặc cả. Ai trong chúng ta cũng đã mặc cả với Chúa, và một điều tuyệt diệu là Chúa quá yêu chúng ta nên chiều lòng chúng ta. Chúng ta phải ca ngợi Chúa với tất cả trí thông minh của chúng ta chứ  không phải chỉ miễn cưỡng mà thôi.

Chúng ta bắt đầu gặp khó khăn khi đặt câu hỏi: “tại sao” và “làm thế nào được” trước những biến cố xảy đến trong cuộc sống mình. Chúng ta sẽ không hiểu lý do cũng như không hiểu được cách làm của Chúa, nhưng Chúa muốn lý trí chúng ta chấp nhận rằng Chúa là tác giả các sự việc đó. Đó là nền tảng của sự ca ngợi. Chúa muốn chúng ta hiểu rằng Chúa yêu chúng ta và có một kế hoạch cho chúng ta.

“Ta biết rằng: Với những ai yêu mến Thiên Chúa thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành, tức là những ai đã được Người kêu gọi theo ý định của Người”. (Rom 8,28).

Bạn đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn ư?

Bạn đang nặn óc để giải thích vì sao lại có điều đó. Hãy cố gắng tìm hiểu rằng: Chúa thương bạn, và Ngài cho phép những điều đó xảy tới vì Ngài biết là có ích cho bạn.

Hãy ca ngợi Chúa, vì những gì đã xảy ra trong đời bạn: Hãy cố làm điều đó và để cho trí tuệ của bạn có phần trong đó.

*

*        *

Một hôm, một cặp vợ chồng nghe tôi nói về nguyên tắc ca ngợi Chúa trong mọi sự. Họ trở về nhà, lòng trí bối rối. Trong suốt mấy tháng, họ đã khóc than vì đứa con gái của họ đã phải vào nhà thương tâm trí, và đã nghe tuyên bố bệnh thần kinh của con họ vô phương cứu chữa.

Nhiều nhóm đã đến cầu nguyện để xin Chúa đoái thương, và cha mẹ cô gái đó đã mỗi ngày xin Chúa chữa lành con mình. Nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Họ quá bị thử thách khi phải ca ngợi Chúa vì bệnh tình con gái họ: điều này làm cho họ đau lòng và ngỡ ngàng.

Bà mẹ phản ứng: “Thật phạm thượng! Cảm tạ Chúa về một điều bỉ ổi như vậy! Phải chăng là kết án Chúa đã cố tình làm hại con mình! Điều này khác xa với những gì tôi nghĩ về Thiên Chúa tình yêu”.

Và người cha cũng họa thêm:

– “Không, điều này không có vẻ hợp lý. Nhưng giả sử như giảng viên có lý”.

Người vợ ngơ ngác nhìn chồng:

–        “Tôi không hiểu được”.

–        Dù sao đi nữa, chúng ta đâu có mất mát gì, nếu chúng ta thử. Vậy chúng ta hãy thử xem.

Và hai người quỳ xuống. Người chồng bắt đầu:

–  Lạy Chúa, chúng con biết rằng Chúa yêu chúng con, và Chúa yêu đứa con này hơn cả chúng con yêu nó. Chúng con đặt niềm tin vào Chúa, và chúng con tin rằng Chúa cho phép xảy ra cho nó là điều tốt nhất cho nó. Chúng con cảm tạ Chúa vì bệnh tình của nó. Cám ơn Chúa vì nay con gái chúng con đang ở nhà thương. Cám ơn Chúa vì các bác sĩ đã chưa tìm được cách trị bệnh. Chúng con ca ngợi Chúa vì sự khôn ngoan và tình yêu Chúa đối với chúng con .……..”

Trong khi họ cầu nguyện, họ còn xác tín rằng điều đã xảy ra đó là điều tốt nhất cho họ.

Sáng hôm sau, họ được một cú điện thoại của bác sĩ nhà thương tâm trí.

–        “Thưa ông, một việc lạ lùng vừa xảy ra cho con ông. Mời ông đến chứng kiến.”

Chưa đầy hai tuần sau, cô con gái ra khỏi viện tâm trí. Một năm sau, một chàng thanh niên đến gặp tôi trong một buổi họp, tự giới thiệu là anh của cô đó, cho tôi hay rằng cô đã lập gia đình và đang mang thai. Cô hiện nay là một người phụ nữ hạnh phúc nhất đời …

 

Phần 2

Một bà mẹ đến xin tôi cầu nguyện cho con gái bà là vũ nữ trong một hộp đêm. Tôi trả lời rằng: tôi rất vui mừng và tạ ơn Chúa vì con bà đang sống như vậy.

Bà nhìn tôi kinh ngạc.

–  Cha đừng nói rằng con phải cám ơn Chúa vì đứa con gái đã quên hết thuần phong mỹ tục và chỉ còn biết nhạo báng tôn giáo. Con phải cám ơn ma quỷ thì có, chớ không nên cám ơn Thiên Chúa tình yêu.

Người mẹ này bị đặt trước một lựa chọn cam go. Suốt cả đời, bà chỉ biết cám ơn Chúa vì những điều tốt lành, còn bao nhiêu điều dữ bà cho là ma quỷ bày đặt ra. Chúng tôi cùng tìm lại trong Thánh Kinh những đoạn nói rằng Chúa có thể biến mọi sự nên lành với những ai yêu Người và tin cậy nơi Người; và những đoạn nói rằng: chúng ta phải biết ơn Chúa, dù gặp cảnh gian nan nào đi nữa. Tôi nói với bà:

– “Bà vẫn có thể nghĩ rằng: con bà đang ở dưới quyền kiểm soát của ma quỷ – nhưng vì bà thiếu tin vào uy quyền vô tận của Thiên Chúa, Chúa cũng khó thực hiện kế hoạch tuyệt hảo của Người trên con bà.

Nhưng trái lại, bà cũng có thể tin rằng chính Chúa đang hoạt động và cảm tạ Chúa về mọi sự. Nhờ vậy bà để cho uy quyền của Chúa có dịp can thiệp và hoạt động trong cuộc sống con gái bà”.

Cuối cùng, bà mẹ đau khổ thưa tiếp:

– Con không hiểu được, nhưng con muốn tin rằng Chúa biết rõ điều Chúa làm và con sẽ cám ơn Người.

Sau một lúc cầu nguyện chung, bà ra về với một sự bình an mới trong lòng.

Bà thú nhận với một nét mặt hân hoan:

– “Đây là lần đầu tiên mà con không lo lắng cho đứa con gái của con”.

Sau đó, bà kể cho tôi nghe điều đã xảy ra.

Ngay trong đêm chúng tôi đã cầu nguyện chung thì con gái bà, như mỗi tối, đang khiêu vũ hầu như khỏa thân trên cái bục nhỏ, thì một chàng thanh niên bước vào vũ trường. Anh lại gần cô, nhìn thẳng vào mặt và nói:

–  “Chúa Giêsu yêu cô!”

Cô vũ nữ này đã quen nghe đủ mọi thứ ngôn ngữ của đàn ông, nhưng cô chưa bao giờ nghe một câu như vậy. Cô bước xuống khỏi sân khấu và lại ngồi gần chàng trai. Cô hỏi:

–  “Tại sao anh lại nói như vậy?”

Anh ta thuật lại là đang khi đi ngoài đường, anh cảm thấy Chúa thúc giục anh đi vào nơi này để nói cho cô vũ nữ rằng Chúa Giêsu đang muốn tặng cô ân huệ nhưng-không của cuộc sống vĩnh cửu.

Như bị sét đánh ngang tai, cô ấy nhìn anh ta và rưng rưng nước mắt. Cô bình tĩnh nói:

–  “ Tôi muốn được sự sống ấy”.

Và ngay tại bàn ăn của hộp đêm đó, cô đã lãnh nhận sự sống.

Ca ngợi Chúa không phải là một liều thuốc, một thần dược luôn luôn hiệu nghiệm làm phép lạ. Đó là một cách sống đặt nền tảng vững chắc trên lời Chúa.

Chúng ta ca ngợi Chúa vì hoàn cảnh đang có, chứ không phải chỉ ca ngợi Chúa khi thấy kết quả.

Khi nào chúng ta chỉ ca ngợi Chúa với hy vọng, chúng ta tự lừa dối mình, và chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta đang được đổi mới và hoàn cảnh cũng không được đổi mới.

Nền tảng của sự ca ngợi là chấp nhận toàn diện hiện tại một cách vui vẻ. Coi hiện tại đó như ở trong chương trình ý định hoàn hảo của Thiên Chúa tình yêu. Ca ngợi không căn cứ trên điều chúng ta suy nghĩ hay hy vọng sẽ xảy đến trong tương lai.

Đó là một định luật cụ thể của ca ngợi.

Chúng ta ca ngợi Chúa, không phải vì những gì chúng ta hy vọng sẽ xảy đến cho chúng ta và chung quanh chúng ta, nhưng vì Chúa là Chúa, ngay ở chỗ chúng ta đang đứng.

Một điều chắc chắn là khi chúng ta thật tình ca ngợi thì đang xảy ra một sự gì đó. Uy quyền của Chúa, xuất hiện trong hoàn cảnh chúng ta đang sống, và chúng ta nhận ra, không chóng thì chầy, một sự thay đổi trong ta và nơi người khác. Sự thay đổi đó tạo nên niềm vui và một hạnh phúc ngay chính giữa một hoàn cảnh bế tắc; hoặc là chính hoàn cảnh cũng sẽ đổi thay. Và sự thay đổi đó luôn luôn là hậu quả của sự ca ngợi, chứ không phải là lý do để ca ngợi. Ca ngợi không phải là mặc cả. Chúng ta không nói: “Lạy Chúa, con ca ngợi Chúa, sau đó Chúa chúc lành cho con nhé!”

Ca ngợi Chúa là tìm hạnh phúc của chúng ta nơi Chúa như tác giả của Thánh Vịnh đã viết:

“ Hãy tìm niềm vui trong Chúa,

Dâng cho Chúa trọn cả con đường,

Mọi ước vọng để Ngài chỉ huy hướng dẫn”   (TV 37,4)

Hãy chú ý đến thứ tự trong câu này, chúng ta không bắt đầu lập danh sách tất cả các ước muốn của chúng ta rồi mới tìm cách vui trong Chúa, với mục đích được toại nguyện. Nhưng chúng ta bắt đầu tìm khoái lạc nơi một mình Chúa mà thôi, và một khi chúng ta được sung mãn và hỷ hoan trong Chúa, chúng ta sẽ dần dần khám phá ra rằng: tất cả chỉ là thứ yếu. Nhưng Chúa vẫn muốn ban cho ta những gì lòng ta ao ước. Đó là tất cả ý định của Người và kế hoạch của Người trên ta.

 

Phần 3

Một gia đình công giáo kia có hai người con. Một người là sự hạnh diện và niềm vui của gia đình. Nó sống trong nhà, chia sẻ đức tin sống động và nồng nhiệt của cha mẹ nó.

Một hôm trong bữa cơm tối, họ tâm sự với tôi rằng, đứa con trai đầu đã bất mãn và bỏ nhà ra đi. Nó học hành rất giỏi. Để phản đối cha mẹ và xã hội, nó trở thành hippy, chạy rong lang thang khắp xứ, hầu như không mục đích, không lý tưởng. Cha mẹ nó không biết phải làm sao nên xin tôi giúp ý kiến. Tôi trả lời rằng: ông bà phải tin rằng Chúa đã ban cho một đứa con như vậy, và Chúa đáp lời ông bà cầu khẩn để đứa con được cứu rỗi.

–  Nếu ông bà chân thành cầu khẩn, ông bà nên chắc chắn rằng cuộc sống mà anh ta đang sống hiện nay ở trong chương trình Chúa đã hoạch định cho anh và cho ông bà.

Ông bố trả lời:

–  Tôi hiểu lắm chứ, chúng tôi muốn điều thiện cho con chúng tôi, và Chúa cũng chỉ muốn điều tốt lành cho mỗi người chúng ta.

Sau khi chấp tay ngồi quanh bàn ăn, chúng tôi cảm tạ Chúa đã thực hiện chương trình của Ngài theo ý Ngài. Đọc kinh xong, hai bậc cha mẹ cảm thấy nhẹ nhõm và an bình hơn.

Sau đó ít lâu, họ viết thơ cho tôi.

Từ ngày chúng tôi gặp nhau, họ vẫn tiếp tục kiên trì ca ngợi Chúa vì cuộc sống của con họ, mặc dầu họ không hiểu nổi. Nhưng rồi một ngày kia, đứa con trai đầu lòng đó bị tai nạn xe hơi và bị thương nặng ở chân. Bị què quặt nên nó đã quyết định trở về nhà. Nó tuyên bố với cha mẹ là nó còn rất nhiều hóa đơn chưa trả. Cha mẹ nó cầu nguyện và kết luận rằng nếu Chúa hoạt động trong cuộc sống của con ông bà thì Chúa cũng đã thấy trước đống hóa đơn phải thanh toán đó. Hai ông bà cám ơn Chúa cho mỗi hóa đơn và lần lượt trả hết.

Người con thấy vậy, ngã ngửa! Anh ta nghĩ rằng: thế nào cũng sẽ bị khiển trách và cha mẹ sẽ từ chối trả thay cho anh. Nhưng mọi sự lại trái ngược: cha mẹ rất thoải mái và âu yếm anh. Ông bà có vẻ chấp nhận cách anh ăn mặc, chải tóc mà không phê bình chỉ trích.

Một buổi tối nọ, một nhóm nhỏ đến thăm người em. Anh cả tỏ vẻ bực bội, nhưng vì đau chân nên phải ngồi nhà.

Đám thanh niên này hăng hái nói lên Đức Giêsu đã hoạt động thế nào trong đời họ. Lúc đầu, người anh cả ngão nghễ, phê bình quan niệm ngây thơ và không thực thế của đám trẻ trước cuộc sống. Nhưng dần dần anh lắng tai nghe họ và đặt câu hỏi. Trước khi trời tối, người anh cả đã dâng trọn cuộc sống cho Đức Kitô.

Trong một bức thơ tràn đầy niềm vui, cha mẹ anh kể cho tôi nghe sự thay đổi toàn diện của đứa con: anh đã quyết định theo Chúa Giêsu và phục vụ Ngài. Anh say sưa đọc Kinh Thánh và ngay hôm sau, xin được rửa tội trong Thánh Linh, như các Tông Đồ đã lãnh nhận ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lần đầu tiên, sau khi Chúa chết và sống lại. Sau đó ít lâu, anh đã gặp một thiếu nữ công giáo và hai tuần sau đã đính hôn với cô.

Bao nhiêu tháng cầu nguyện trong lo âu và vất vả đã không mang lại một thay đổi nào nơi chàng trai này. Nhưng khi cha mẹ anh đã trở lại với Chúa, chấp nhận hiện trạng của con mình, Chúa đã can thiệp và đã thực hiện được dự án tuyệt hảo của Chúa trên mọi người.

Chúa thật có một dự  án tuyệt hảo trên cuộc sống của bạn và của tôi.

Nếu chúng ta cứu xét những cảnh sống của mình, chúng ta thấy những hoàn cảnh bi đát và khó gỡ.

Càng cầu nguyện, càng xin Chúa giúp, các khó khăn đã không thay đổi mà chỉ càng tăng thêm. Cuộc thay đổi chỉ xảy ra khi chúng ta ca ngợi Chúa vì hoàn cảnh đó, thay vì xin Chúa cất hoàn cảnh đó đi.

 

Phần 4

 

Một thiếu phụ viết thơ cho tôi và nói rằng cô ta xuống tinh thần quá mức. Cô ta đã gặp nhiều khó khăn và quên hết tự trọng. Cô bắt đầu ăn mặc lôi thôi lếch thếch.

–  “ Tôi đã tìm trong sự ăn uống một sự bù trừ, và tôi đã lên cân đến nỗi giống như một cái thùng tô nô. Chồng tôi đi tìm đàn bà khác và một ngày kia bỏ nhà ra đi, làm đơn ly dị”.

Các hóa đơn dồn dập đến. Thiếu phụ này sống căng thẳng và lại càng hay nghĩ đến tự tử.

–  “ Trong suốt thời gian này tôi không ngừng cầu nguyện. Tôi đọc sách thánh, đi nhà thờ, xin bạn bè cầu nguyện cho tôi. Các bạn công giáo của tôi khuyên nhủ: “Hãy giữ vững đức tin. Đừng nản lòng. Ngày mai sẽ khá hơn. Một hôm, một người bạn cho tôi quyển sách “ Từ ngục tù đến ca ngợi”. Tôi đọc qua, nhưng tôi không thể tin được rằng những điều nói trong đó đều nghiêm túc đáng tin. Một người biết suy nghĩ thì không thể lại đi cám ơn Chúa khi gặp tai họa. Nhưng càng đọc quyển sách ấy, tôi lại càng khóc”.

–  “Dần dần tôi thấy những điều ghi chép trong ấy đều đúng. Những đoạn văn trích trong Kinh Thánh đều nói là phải cảm tạ Chúa. Tôi đã đọc đi đọc lại Kinh Thánh mà không bao giờ hiểu cả”.

Cô đã nhất định bắt đầu cám ơn Chúa. Nghĩ cho cùng, cô có mất mát gì đâu. Cô đã mập đến nỗi cô biết rằng bệnh đau tim có thể phát ra bất cứ lúc nào. Với một niềm hy vọng yếu ớt, cô quỳ xuống cầu nguyện: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì cuộc sống của con hôm nay. Chúa đã để cho hoàn cảnh đưa đẩy con đến đây. Chúa đã không để cho mọi sự xảy ra như vậy nếu không phải vì một lợi ích lớn nhất cho con. Lạy Chúa, con yêu Chúa thật sự! Con biết rằng Chúa yêu con”.

Trong khi cô đang đọc kinh thì có tiếng chó sủa ông phát thư. Mỗi khi có khách đến, chó sủa inh ỏi. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho cô ta bực mình. Cô đứng lên mắng chó như thường lệ, nhưng sực nhớ rằng: “Mình nên tạ ơn Chúa trong mọi sự! Vậy lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì con chó của con sủa không ngừng”.

Ông phát thư trao cho cô một lá thư. Cô nhận ra được tuồng chữ. Thật không tưởng tượng được, đã mấy tháng nay chồng cô không viết thơ cho cô! Chúa có thể trả lời mau như vậy được chăng? Tay run lẩy bẩy, cô bóc thơ và đọc: “ Nếu em muốn, chúng ta còn có thể tìm được một giải đáp cho vấn đề của chúng ta”.

Chúa thật sự đã canh giờ một cách tuyệt diệu. Người phụ nữ này đang ý thức được rằng tất cả có thể đổi thành sự lành. Cô xuống bớt cân. Người cô gọn lại và các bạn khen cô.

–  “ Lúc này chị trông khá lắm! Có chuyện gì vui vậy. Chị khác hẳn lúc trước”.

Cô còn giống như trước không? Có và không. Cô vẫn là con người đó, nhưng hiện nay đang sống trong một vũ trụ của đức tin. Cô biết rằng mỗi chi tiết của cuộc sống cô đều có ích lợi cho cô cả. Chồng cô đã trở về gia đình và họ đã sống hòa thuận với nhau. Cô viết cho tôi: “ Có những buổi sáng con thức dậy và thấy mình đang thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa cho ngày tốt đẹp này. Con yêu Chúa”.

Sự thay đổi đã bắt đầu trong cuộc sống khi cô chấp nhận với lòng tri ân tất cả những hoàn cảnh cô đã gặp.  Nơi đây đã được minh họa trong thực tế nguyên tắc thiêng liêng này là Chúa có một kế hoạch tuyệt diệu trên cuộc sống chúng ta. Nhưng Ngài chỉ có thể tiến hành các dự định của Ngài nếu chúng ta vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh hiện tại của chúng ta như nằm trong kế hoạch đó. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra nữa? Đó là việc của Ngài chứ không phải là việc của chúng ta.

Có những người không chấp nhận nguyên tắc ấy. Thấy có những biến chuyển trong cuộc đời của những người bắt đầu cảm tạ Chúa về mọi sự, thì họ cho rằng cũng dễ hiểu thôi. Họ chủ trương rằng: “một thay đổi thái độ là một nguyên nhân thay đổi hoàn cảnh. Đó là tâm lý thô sơ nhất. Khi bạn không còn than vãn nữa, bạn cảm thấy dễ chịu hơn; bạn vui cười và người chung quanh đối xử với bạn khác khi trước. Tất cả cuộc sống của bạn biến chuyển theo chiều tích cực”. Tôi đồng ý với câu: “ Hãy cười lên và người ta sẽ vui cười với bạn; cứ khóc đi và bạn sẽ khóc một mình”. Câu đó đúng đến một mức độ nào đó.

Ca ngợi Chúa còn đi xa hơn là thay đổi một thái độ. Quyền năng của sự ca ngợi Chúa không chỉ hệ tại trong những câu ngợi khen của chúng ta, cũng không thể hệ tại trong thái độ tri ân hay vui mừng của ta. Tất cả quyền năng mà chúng ta chứng kiến phát xuất từ Thiên Chúa. Chúng ta nên luôn nhớ điều này: chúng ta dễ rơi vào cạm bẫy tin rằng chúng ta có một quyền thế trên hoàn cảnh khi đã đọc vài kinh.

Khi chúng ta thật tình chấp nhận hoàn cảnh chúng ta đang phải sống, và khi chúng ta chân thành cảm tạ Chúa trong sự xác tín rằng những điều đó là do Chúa cho phép xảy tới, thì một sức lực thần thiêng biến đổi các biến cố đó khác hẳn với cách diễn tiến bình thường và tự nhiên của chúng ta.

Phần 5

 

Lúc tôi còn làm tuyên úy ở Fort Benning bên Georgie, một anh lính trẻ và người vợ đến gặp tôi và xin tôi giúp đỡ. Vợ anh trước kia đã nghiện ma túy và hiện nay đang còn phải chịu hậu quả của việc hút sách này. Các bác sĩ đã chuyên trị nhưng không hiệu quả mấy. trước kia cô ta xinh đẹp bao nhiêu thì nay nét mặt bị dày vò bởi sự sợ hãi và đau thương bấy nhiêu.

Cô nói: “ Con không ngủ được. Mỗi khi nhắm mắt, con toàn thấy những con thú dữ khủng khiếp xuất hiện và nhảy chồm lên con”.

Chồng cô cắt nghĩa cho tôi rằng: vợ anh cứ la hét thất thanh mỗi khi vừa chợp mắt sau khi đã mệt đừ. “ Con cố gắng đánh thức vợ con dậy, nhưng phải đến 10 phút nhà con mới tỉnh và trong suốt lúc đó cứ la hét khiếp đảm làm cho con cũng tuyệt vọng luôn”.

Tôi nghe hết câu chuyện bi đát này rồi kết luận: “Tôi chỉ có một điều khuyên anh chị: Chúng ta cùng quỳ xuống và cảm tạ Chúa vì hoàn cảnh anh chị đang phải sống”.

Hai vợ chồng nhìn tôi bàng hoàng, nghĩ rằng chắc tôi không muốn nói điều đó. Tôi cắt nghĩa cho họ một cách tỉ mỉ điều tôi đã hiểu rõ: Chúa muốn chúng ta tạ ơn Người trong hết mọi sự.

—  Tất cả những gì đã xảy ra, đưa đẩy anh chị có ngày hôm nay, tôi chắc rằng: Chúa yêu thương anh chị, và Ngài sẽ làm một việc lạ lùng cho anh chị. Bây giờ Ngài muốn anh chị cám ơn Ngài vì tất cả những gì, những biến cố đã đưa anh chị đến với Ngài.

Tôi giở sách Kinh Thánh và cho họ xem những đoạn tôi đã gạch sẵn. Cả hai đều chấp nhận, quỳ xuống và cảm tạ Chúa vì tất cả những gì đã xảy đến cho họ, đặc biệt những hậu quả của ma túy. Tôi cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong căn phòng. Tôi nói với họ: “Chúa Thánh Linh hiện diện nơi đây và Ngài sẽ chữa lành cho chị”.

Tôi đặt tay trên đầu chị và cầu nguyện: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đang chữa lành cho chị ngay lúc này”.

Chị ấy ngạc nhiên mở mắt nhìn tôi.

—  Thưa cha! có chuyện lạ vừa xảy ra. Lần đầu tiên con nhắm mắt được và con không thấy gì.

— Chúa Giêsu đã chữa lành con, và bây giờ Ngài muốn trở thành Đấng Cứu Độ cho con. Con có muốn không?

Hai vợ chồng quỳ gối xuống ngay và họ xin Chúa Giêsu đi vào cuộc sống của họ. Họ rời văn phòng tôi, lòng đầy hân hoan.

Người thiếu phụ này hoàn toàn khỏi bệnh. Cô không còn bị những hình ảnh quái gở ám ảnh nữa. Uy lực của Thiên Chúa đã bẻ gãy uy lực của ma túy.

Các người có thẩm quyền trong giới y khoa đều công nhận họ bất lực, không trục xuất được các chất độc do ma túy để lại trong cơ thể. Nhưng họ đã chứng kiến những trường hợp lành bệnh sau 10, 20 và cả 30 năm hút ma túy. Điều này đã xảy ra vì có một sự can thiệp linh thiêng của Thiên Chúa.

Không có ai có thể tự mình thay đổi chỉ vì tự cho mình một thái độ mới hoặc có quyết tâm cao. Đó chính là do sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống chúng ta.

Những lời cầu nguyện chân thành giải phóng và để cho uy lực của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống chúng ta. Và lời tạ ơn hữu hiệu hơn mọi hình thức cầu xin khác mà Thánh Kinh cho ta thấy nhiều ví dụ chứng minh điều này.

Trong Thánh Vịnh 22,4 chúng ta đọc: “Ngài là Đấng Thánh ngự giữa lời ca tụng Israel”. Vậy Chúa ở nơi đây và uy quyền của Ngài hoạt động khi chúng ta ca ngợi Ngài. Ngài lưu lại, Ngài ở ngay giữa lời ca ngợi của chúng ta.

 

Phần 6

 

Trong sách Ký Sự, chương 20, chúng ta có một ví dụ xuất sắc về những điều Chúa có thể làm khi chúng ta ca ngợi Người.

Giôsaphát là vua xứ Giuđa. Một ngày kia, ông khám phá rằng vương quốc bé nhỏ của ông đang bị các địch thù liên minh bao vây: đó là con cháu Moab, con cháu Am-môn. Biết rằng mình không có hy vọng nào thắng trận cả, Giôsaphát kêu lên cùng Chúa:

— Chúng tôi đâu đủ lực lượng mà chống cự với quân số đông đảo dường ấy đương tràn lẫn chúng tôi được?

–  “Chúng con đâu đủ sức địch nổi đám dân đông đảo đến tấn công chúng con đâu. Chúng con chỉ biết ngước mắt nhìn lên Ngài”. (2Ký Sự 20,12).

Khi chúng ta ca ngợi Chúa, điều tiên quyết là không nhìn vào tình hình và ngoại cảnh mà chỉ chăm chú nhìn Chúa.

Hãy để ý rằng: Giôsaphát không nhắm mắt trước các nguy co đang bao vây vương quốc của ông như thế là không có thù địch nào ngay bên cạnh. Trái lại, ông thấy rõ tình thế, nhận định được sự bất lực của mình và hướng về Chúa xin cứu trợ.

Chúng ta không thể cố ý làm ngơ trước sự dữ đang quanh quẩn xung quanh ta, và chúng ta phải đánh giá cho đúng. Điều này khiến chúng ta gia tăng lời ca ngợi Chúa, cảm tạ Người can thiệp và hoàn toàn làm chủ sự dữ. Chúng ta không được để cho nguy cơ đang rình chúng ta trong bóng tối đánh bại chúng ta, nhưng hãy nhìn thẳng vào nó, đo lường được sự bất lực của chúng ta và quay mặt về phía Chúa. Chúa nói với Giôsaphát: “ Các ngươi đừng sợ, đừng khiếp đảm trước đám dân đông đảo này, vì cuộc chiến này không phải của các ngươi, nhưng là của Thiên Chúa”. (2 Ký Sự 20,15).

Đối với tôi, đây là một lời tuyên bố kỳ diệu. Chúng ta không có khả năng kiềm chế hoàn cảnh sống của chúng ta. Như vậy, cuộc tranh đấu này không phải là của chúng ta mà là của Chúa! “ Trong trận này, các ngươi không phải chiến đấu, cứ án binh bất động mà xem Đức Chúa, Đấng ở với các ngươi, sẽ giải thoát các ngươi như thế nào. Sớm mai hãy ra đón chúng rồi Chúa sẽ phù hộ anh em”. (2 Ký Sự 20,17)

Thật là một lời hứa lạ lùng! Nhưng Chúa muốn cho Giôsaphát đứng tư thế nào trong khi chờ đợi và quan sát Chúa hành động?

Sáng hôm sau, Giôsaphát ra lệnh cho quân đội ông … Vua cắt đặt những người ca hát ngợi khen Đức Chúa. Họ mặc phẩm phục thánh, vừa đi trước quân binh vừa hát: “ Hãy ngợi khen Đức Chúa, vì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (2Ký Sự 20,21).

Giôsaphát dàn cảnh như thế đó, đối diện với đội binh đối phương sẵn sàng xông ra trận để thanh toán Giuđa. Bạn có thể hình dung được phản ứng của quân địch khi thấy đám ca sĩ tiến về phía họ để giao chiến không?

Tôi là tuyên úy quân đội trong nhiều năm đã chứng kiến nhiều lần ra trận. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy một ông tướng ngồi yên chờ quân địch trong khi một nhóm ca sĩ tấn công xông ra chiến trường.

Đó hẳn là một ý kiến kỳ quặc phải không? Và trong một hoàn cảnh tương tự, lý trí của chúng ta phải đầu hàng.

Có người sẽ nói: “Khi gặp đường cùng thì cũng nên ca ngợi Chúa vậy.” Nhưng chúng ta cũng đừng lố bịch. Châm ngôn có câu: “Điều tối thiểu là phải chiến đấu trước đã. Phải anh dũng chiến đấu. Rồi Chúa sẽ hoàn tất công việc”.

Nhưng còn Giôsaphát và quân của ông thì sao?

–  “Khi họ cất tiếng reo mừng và ca ngợi, thì Đức Chúa gây mâu thuẫn giữa hàng ngũ quân Am-mon, quân Mô-áp và dân vùng núi Xê-ia đang tiến đánh Giuđa. Thế là chúng bị thảm bại. Con cái Am-mon và Mô-áp nổi lên chống lại dân cư vùng núi Xê-ia để tru diệt và quét sạch đám dân này. Thanh toán đám này xong, con cái Am-mon và Mô-áp giúp nhau tự hủy diệt”. (2 Sử Ký 20,22-23)

Một điều hiển nhiên là nếu Giôsaphát đã nói: “Mình phải cầu may” và nếu ông đã ra lệnh tiến quân thì chắc chắn kết quả sẽ khác!

Nhiều người trong chúng ta để cho các biến cố đánh bại là vì họ không chịu chấp nhận để Chúa chiến đấu mà chỉ dùng sức họ mà thôi. Cả khi thấy mình bất lực trước địch thù, chúng ta còn sợ trao tất cả cho Chúa, sợ dựa vào quyền uy của Ngài. Chúng ta để cho lý trí chúng ta choán một chỗ quá rộng khi chúng ta tuyên bố: “Tôi không hiểu được, vậy tôi không tin”.

Về điểm này, lời của Chúa rất rõ ràng. Chúng ta chỉ có thể giải quyết được vấn đề trong đức tin. Nhận ra rằng lời Chúa hứa là đúng. Chấp nhận đúng và dám tin sẽ đưa chúng ta đến sự hiểu biết. Nguyên tắc mà trong Kinh Thánh đã nhiều lần chứng minh: Phải chấp nhận và vâng phục trước khi hiểu biết tại sao.

Lý do cũng dễ hiểu thôi. Tầm hiểu biết của chúng ta hạn hẹp làm sao thấu suốt được kế hoạch cao vời của Chúa dành cho mỗi thụ tạo của Ngài. Và nếu chúng ta chỉ hiểu rồi mới chấp nhận thì chúng ta chả chấp nhận bao nhiêu.

Giôsaphát sẽ không bao giờ dám giao trận theo kiểu của Chúa, nếu ông đã muốn hiểu rõ. Việc Chúa đề nghị và hứa hẹn quả không mấy hợp lý. Nhưng ông đã tin và ông phó thác cho Chúa. Lý trí của ông hạ mình. Ông đã tin và trao phó tất cả cho Chúa.

 

Phần 7

 

Ông Giôsaphát cũng là một vị lãnh đạo đã nhận chỉ thị của Chúa. Ông đã được lệnh ra trận. Cách thức Chúa chỉ cho ông giao chiến chắc khác hẳn với những điều ông quen nghĩ và xếp đặt, và có thể là một số đông người có mặt ở đó đã ngạo cười ông.

Chúng ta đều biết cầu nguyện như câu chuyện sau đây: “ Giôsuê đã giao chiến với thành Giêricô và thành lũy đã sụp đổ”.

Thành Giêricô là một pháo đài có thành lũy kiên cố bao quanh và dân Do-thái sau 40 năm du hành trong sa mạc chắc đã không đủ sức lực và vũ khí để tấn công thành này. Nhưng ông Giôsuê đã tin vào Chúa thì Ngài hứa sẽ trao thành vào tay Israel.

Chúa nói với Giôsuê đi quanh thành Giêricô trong 6 ngày. Đến ngày thứ bảy, họ phải thổi kèn và ca hát. “Các tường thành liền đổ xuống bình địa, mọi người theo chỗ mình đang đứng mà ùa vào!” (Giôsuê 6,5)

Ông Giôsuê tin vào Chúa. Nhưng tôi tự hỏi nếu bạn hoặc tôi là một quân lính của ông, bạn và tôi sẽ nghĩ gì?

Có lẽ chúng ta đã phản đối và từ chối tuân theo một mệnh lệnh điên cuồng và phi lý như vậy. Tôi tự hỏi dân thành Giêricô nghĩ gì khi đứng bên kia tường thành kiên cố nhìn thấy đám dân Israel rước kiệu khám giao ước đi quanh thành của họ.

Trong một thời gian rất lâu, tôi vẫn nghĩ rằng câu chuyện ông Giôsuê và cuộc chiến Giêricô là một thần thoại. Nhưng nay các nhà khảo cổ đã tìm thấy tàn tích của một cổ thành và có nhiều vết chứng minh rằng đá tường thành quả thật có bị sụp đổ vào một thời kỳ lịch sử ăn khớp với thời đại mà Kinh Thánh đã ghi chép.

Chúa ra tay uy quyền trong khi người Do-thái chứng minh đức tin và lòng trông cậy của họ. Tường thành Giêricô đã thực sự sụp đổ.

Câu chuyện của Giôsaphát và của Giôsuê chứng minh một cách hiển nhiên là Chúa thắng trận nhờ những phương tiện và dựa trên những nguyên tắc hầu như bất hợp lý và ngược hẳn với sự khôn ngoan và chiến lược của chúng ta.

Chúng ta được kêu mời tin lời Chúa phán. Ca ngợi Ngài và sau đó nhìn Ngài hành động. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu Kitô đã làm trong suốt cuộc đời Ngài. Ngài đã nói rõ ràng rằng: tự Ngài, Ngài không thể làm nên sự gì. Phần của Ngài là làm theo ý Cha Ngài, trong tuân phục, vững lòng cậy trông và tin yêu để cho quyền lực của Thiên Chúa đáp ứng nguyện vọng của con người.

Chúng ta hãy đọc lại hai lời nguyện của Chúa trước một hoàn cảnh khó khăn.

Năm ngàn người đã theo nghe Ngài giảng dạy. Họ đói lả. Chỉ có một cậu bé con mang theo đồ ăn: 5 cái bánh và 2 con cá.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện như thế nào? Ngài có xin Chúa làm một phép lạ không? Không.

“ Ngài ngẩng mặt lên trời và chúc tụng. Đoạn bẻ bánh và cứ ban tiếp cho môn đồ để họ thiết đại người ta. Và 2 con cá, Ngài cũng biết chia cho mọi người. Ai nấy đều ăn và ăn no nê. Và họ đã cất được 12 giỏ đầy mảnh vụn”. (Marc 6,41-43)

Có người trong chúng ta sẽ phản đối: Chúa Giêsu làm điều đó là phải vì Chúa biết điều Chúa làm! Còn chúng ta thì khác.

Nhưng Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: “ Quả thật! Ta bảo các ngươi, kẻ tin vào Ta thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa, vì Ta đi đến cùng Cha. Và điều gì các ngươi xin nhân danh Ta, Ta sẽ làm ngõ hầu Cha được tôn vinh nơi Con. Và nếu các ngươi xin gì với Cha nhân danh Ta, Ta sẽ làm cho”. (Gioan 14,12-13)

Chúa Giêsu đã tuyên bố:  chúng ta sẽ làm những điều lớn lao hơn nữa. Thế có phải nghĩa là Chúa có một kế hoạch cho nạn đói trong thế giới, giải quyết vấn đề thiếu lương thực mà các chuyên viên về môi trường sống và các chuyên gia nông sản đã nghiêm nghị tiên báo chăng?

Tôi nghĩ rằng có thể có. Tôi biết có những trường hợp có những người đã thẳng ro tin lời Chúa, ngợi khen Ngài trước một chút lương thực và họ có thể đủ để nuôi một số người lớn hơn trù định.

Khi Chúa Giêsu đứng trước mồ của Lazarô, Ngài đã đọc một lời tạ ơn. Khi người ta mở cửa mồ đã chôn cất Lazarô từ bốn ngày qua, Chúa Giêsu ngước mắt lên nói: “Lạy Cha, Con tạ ơn Cha, vì Cha đã nhận lời con”. (Gioan 11,41)

Rồi Ngài ra lệnh cho Lazarô ra khỏi mồ. Liền khi ấy, Lazarô chết từ 4 ngày rồi bước ra khỏi mồ.

Thánh Kinh ghi chép rằng Đức Giêsu đã xuống thế để dạy chúng ta ca ngợi Chúa. Isaia, vị tiên tri đã loan báo rằng Đức Giêsu đến “để đem Tin Mừng, chữa những người tan nát cõi lòng, rao ân xá cho tù nhân (tù nhân trong thể xác và trong tinh thần) và mở trói cho kẻ bị tù đày, mở mắt cho những người ở trong đêm tối … yên ủi những kẻ buồn sầu và khóc lóc … xức dầu vui mừng trong cảnh tang chế, choàng áo hoan hỷ cho tâm hồn thảo não”. (Isaia 61,1-3)

Bạn có thấy tên mình trên danh sách đó không? Lòng bạn có bị tan nát không? Bạn có bị tê liệt, bệnh hoạn trong thân thể hay trong tâm thần không? Bạn có bị giam cầm trong một nhà tù hay bạn có là nạn nhân của một sự mù quáng thiêng liêng không? Có phải bạn đang khóc lóc không và không thể nào vui lên được để tạ ơn và ngợi khen Chúa? Tâm thần bạn đang ủ dột nặng nề đó không?

Có lẽ vì bạn chưa hiểu rõ Tin Mừng Chúa Giêsu mang đến cho bạn đó.

Khi Chúa vén màn cho ta thấy điều Chúa đã làm và đang còn làm cho ta và cho thế giới, qua trung gian Đức Giêsu và trong Thánh Linh, chúng ta chỉ có thể ca ngợi Ngài mà thôi. Nhưng nếu chúng ta nghi ngờ việc Chúa làm, thì chúng ta cũng khó lòng mà ca ngợi Chúa.

Chúng ta sẽ luôn gặp cản trở khi ca ngợi Chúa nếu chúng ta nghi ngờ Tin Mừng. Chúng ta đừng nghi ngờ và cũng đừng lưỡng lự thì mới có thể ca ngợi Chúa trong mọi hoàn cảnh được.

 

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]