Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi: Chương I

Phần 7

 

Ông Giôsaphát cũng là một vị lãnh đạo đã nhận chỉ thị của Chúa. Ông đã được lệnh ra trận. Cách thức Chúa chỉ cho ông giao chiến chắc khác hẳn với những điều ông quen nghĩ và xếp đặt, và có thể là một số đông người có mặt ở đó đã ngạo cười ông.

Chúng ta đều biết cầu nguyện như câu chuyện sau đây: “ Giôsuê đã giao chiến với thành Giêricô và thành lũy đã sụp đổ”.

Thành Giêricô là một pháo đài có thành lũy kiên cố bao quanh và dân Do-thái sau 40 năm du hành trong sa mạc chắc đã không đủ sức lực và vũ khí để tấn công thành này. Nhưng ông Giôsuê đã tin vào Chúa thì Ngài hứa sẽ trao thành vào tay Israel.

Chúa nói với Giôsuê đi quanh thành Giêricô trong 6 ngày. Đến ngày thứ bảy, họ phải thổi kèn và ca hát. “Các tường thành liền đổ xuống bình địa, mọi người theo chỗ mình đang đứng mà ùa vào!” (Giôsuê 6,5)

Ông Giôsuê tin vào Chúa. Nhưng tôi tự hỏi nếu bạn hoặc tôi là một quân lính của ông, bạn và tôi sẽ nghĩ gì?

Có lẽ chúng ta đã phản đối và từ chối tuân theo một mệnh lệnh điên cuồng và phi lý như vậy. Tôi tự hỏi dân thành Giêricô nghĩ gì khi đứng bên kia tường thành kiên cố nhìn thấy đám dân Israel rước kiệu khám giao ước đi quanh thành của họ.

Trong một thời gian rất lâu, tôi vẫn nghĩ rằng câu chuyện ông Giôsuê và cuộc chiến Giêricô là một thần thoại. Nhưng nay các nhà khảo cổ đã tìm thấy tàn tích của một cổ thành và có nhiều vết chứng minh rằng đá tường thành quả thật có bị sụp đổ vào một thời kỳ lịch sử ăn khớp với thời đại mà Kinh Thánh đã ghi chép.

Chúa ra tay uy quyền trong khi người Do-thái chứng minh đức tin và lòng trông cậy của họ. Tường thành Giêricô đã thực sự sụp đổ.

Câu chuyện của Giôsaphát và của Giôsuê chứng minh một cách hiển nhiên là Chúa thắng trận nhờ những phương tiện và dựa trên những nguyên tắc hầu như bất hợp lý và ngược hẳn với sự khôn ngoan và chiến lược của chúng ta.

Chúng ta được kêu mời tin lời Chúa phán. Ca ngợi Ngài và sau đó nhìn Ngài hành động. Đó chính là điều mà Chúa Giêsu Kitô đã làm trong suốt cuộc đời Ngài. Ngài đã nói rõ ràng rằng: tự Ngài, Ngài không thể làm nên sự gì. Phần của Ngài là làm theo ý Cha Ngài, trong tuân phục, vững lòng cậy trông và tin yêu để cho quyền lực của Thiên Chúa đáp ứng nguyện vọng của con người.

Chúng ta hãy đọc lại hai lời nguyện của Chúa trước một hoàn cảnh khó khăn.

Năm ngàn người đã theo nghe Ngài giảng dạy. Họ đói lả. Chỉ có một cậu bé con mang theo đồ ăn: 5 cái bánh và 2 con cá.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện như thế nào? Ngài có xin Chúa làm một phép lạ không? Không.

“ Ngài ngẩng mặt lên trời và chúc tụng. Đoạn bẻ bánh và cứ ban tiếp cho môn đồ để họ thiết đại người ta. Và 2 con cá, Ngài cũng biết chia cho mọi người. Ai nấy đều ăn và ăn no nê. Và họ đã cất được 12 giỏ đầy mảnh vụn”. (Marc 6,41-43)

Có người trong chúng ta sẽ phản đối: Chúa Giêsu làm điều đó là phải vì Chúa biết điều Chúa làm! Còn chúng ta thì khác.

Nhưng Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: “ Quả thật! Ta bảo các ngươi, kẻ tin vào Ta thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa, vì Ta đi đến cùng Cha. Và điều gì các ngươi xin nhân danh Ta, Ta sẽ làm ngõ hầu Cha được tôn vinh nơi Con. Và nếu các ngươi xin gì với Cha nhân danh Ta, Ta sẽ làm cho”. (Gioan 14,12-13)

Chúa Giêsu đã tuyên bố:  chúng ta sẽ làm những điều lớn lao hơn nữa. Thế có phải nghĩa là Chúa có một kế hoạch cho nạn đói trong thế giới, giải quyết vấn đề thiếu lương thực mà các chuyên viên về môi trường sống và các chuyên gia nông sản đã nghiêm nghị tiên báo chăng?

Tôi nghĩ rằng có thể có. Tôi biết có những trường hợp có những người đã thẳng ro tin lời Chúa, ngợi khen Ngài trước một chút lương thực và họ có thể đủ để nuôi một số người lớn hơn trù định.

Khi Chúa Giêsu đứng trước mồ của Lazarô, Ngài đã đọc một lời tạ ơn. Khi người ta mở cửa mồ đã chôn cất Lazarô từ bốn ngày qua, Chúa Giêsu ngước mắt lên nói: “Lạy Cha, Con tạ ơn Cha, vì Cha đã nhận lời con”. (Gioan 11,41)

Rồi Ngài ra lệnh cho Lazarô ra khỏi mồ. Liền khi ấy, Lazarô chết từ 4 ngày rồi bước ra khỏi mồ.

Thánh Kinh ghi chép rằng Đức Giêsu đã xuống thế để dạy chúng ta ca ngợi Chúa. Isaia, vị tiên tri đã loan báo rằng Đức Giêsu đến “để đem Tin Mừng, chữa những người tan nát cõi lòng, rao ân xá cho tù nhân (tù nhân trong thể xác và trong tinh thần) và mở trói cho kẻ bị tù đày, mở mắt cho những người ở trong đêm tối … yên ủi những kẻ buồn sầu và khóc lóc … xức dầu vui mừng trong cảnh tang chế, choàng áo hoan hỷ cho tâm hồn thảo não”. (Isaia 61,1-3)

Bạn có thấy tên mình trên danh sách đó không? Lòng bạn có bị tan nát không? Bạn có bị tê liệt, bệnh hoạn trong thân thể hay trong tâm thần không? Bạn có bị giam cầm trong một nhà tù hay bạn có là nạn nhân của một sự mù quáng thiêng liêng không? Có phải bạn đang khóc lóc không và không thể nào vui lên được để tạ ơn và ngợi khen Chúa? Tâm thần bạn đang ủ dột nặng nề đó không?

Có lẽ vì bạn chưa hiểu rõ Tin Mừng Chúa Giêsu mang đến cho bạn đó.

Khi Chúa vén màn cho ta thấy điều Chúa đã làm và đang còn làm cho ta và cho thế giới, qua trung gian Đức Giêsu và trong Thánh Linh, chúng ta chỉ có thể ca ngợi Ngài mà thôi. Nhưng nếu chúng ta nghi ngờ việc Chúa làm, thì chúng ta cũng khó lòng mà ca ngợi Chúa.

Chúng ta sẽ luôn gặp cản trở khi ca ngợi Chúa nếu chúng ta nghi ngờ Tin Mừng. Chúng ta đừng nghi ngờ và cũng đừng lưỡng lự thì mới có thể ca ngợi Chúa trong mọi hoàn cảnh được.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment