- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Hạnh Phúc – Chương 1

            MỤC LỤC

Tính Hay Bằng Lòng – Trang 2 [1]

Đức Khiêm Tốn – Trang 3 [2]

Tính Vị Kỷ – Trang 4 [3]

Niềm Vui – Trang 5 [4]

Phải chăng con người hiện đại còn lâu mới được bình an? – Trang 6 [5]

Cái tôi và lề luật luân lý – Trang 7 [6]

Siêu Thoát – Trang 8 [7]

Trở về với hư không – Trang 9 [8]

Điều bí ẩn – Trang 10 [9]

Cần đổi mới toàn diện – Trang 11 [10]

Niềm vui từ nội tâm – Trang 12 [11]

Tình yêu vô biên – Trang 13 [12]

Triết lý về lạc thú – Trang 14 [13]

 

TÍNH HAY BẰNG LÒNG

Tính hay bằng lòng chẳng phải là một nhân đức bẩm sinh. Người ta sở dĩ có được nó là nhờ sự chuyên cần dốc quyết to lớn trong việc chế ngự những ước muốn hỗn loạn; vì thế đây quả là một nghệ thuật mà ít người chịu học hỏi. Bởi vì có đến cả hàng triệu tâm hồn bất mãn trong thế giới hôm nay cho nên việc phân tích bốn nguyên nhân chính gây ra bất mãn cũng như đề ra những phương cách đem lại sự bằng lòng quả là hữu ích cho họ.

Nguyên nhân căn bản thường gây ra sự bất mãn là tính vị kỷ hay còn gọi là ích kỷ tức là đặt cái ngã của mình vào trung tâm điểm và bắt mọi kẻ khác quay vòng chung quanh. Nguyên nhân kế tiếp gây bất mãn là lòng ganh tị. Tính xấu này khiến chúng ta nhìn của cải và tài năng của kẻ khác như thể là họ ăn cắp của chúng ta vậy. Nguyên nhân thứ ba là lòng ham muốn hay còn gọi là ước muốn không chừng mực trong việc đòi cho có thêm nữa nhằm bù đắp sự trống rỗng nơi tâm hồn. Nguyên nhân thứ tư gây bất mãn là lòng ghen tuông, khi thì biểu lộ qua sự sầu muộn, khi thì qua sự căm ghét những người có được những cái chúng ta ao ước cho chính mình.

Một trong những lầm lẫn to tát nhất là nghĩ rằng sự bằng lòng phát xuất từ một sự việc gì đó bên ngoài chúng ta chứ không do từ một đặc tính nơi tâm hồn. Một chú bé nọ từng chỉ ước muốn có được một viên bi, khi đã có viên bi rồi chú lại mong ước một quả banh, khi có banh rồi chú lại mong ước một con quay, có con quay rồi lại mong ước một cái diều và sau khi đã có được viên bi, quả banh, con quay và cái diều, chú bé cũng vẫn chưa cảm thấy hạnh phúc. Cố gắng làm cho một kẻ luôn bất mãn được hạnh phúc khác nào cố gắng đổ đầy nước vào một cái rổ. Dù đổ cho nhiều mấy vào đó thì nó cũng chạy tuốt hết đừng hòng giữ lại được.

Cũng không phải hễ thay đổi nơi chốn là có được sự bằng lòng. Có một số người tin rằng giả như họ ở vào một nơi chốn khác trên mặt đất hẳn họ sẽ có được sự bình an tâm hồn nhiều hơn. Vào một ngày oi bức nọ, chú cá vàng trong bầu nước và chị hoàng yến trong lồng bắt đầu chuyện vãn. Chú cá vàng nói: “Hoàng yến ơi! Ước gì tôi biết bay như chị, ước gì tôi được lên ở trên chiếc lồng ấy”. Còn chị hoàng yến nọ thì nói: “Cá ôi! Được dìm mình trong làn nước mát lạnh như chú thì thú vị biết bao! Này chú cá, hãy lên ở trên chiếc lồng này đi”. Lập tức chúng thay đổi vị trí cho nhau nhưng rồi cả hai đều không hạnh phúc vì tự nguồn căn, Thiên Chúa đã ban cho mỗi con vật một vị trí tuỳ theo khả năng của từng con, phù hợp nhất với bản chất riêng của chúng.

Điều kiện để giúp chúng ta có được sự bằng lòng là chúng ta phải biết kiềm chế, biết nhận thức được các giới hạn. Bất cứ điều gì nằm bên trong tầm giới hạn thì chắc chắn được yên tĩnh. Một khu vườn có tường chắc hẳn là một trong những chỗ yên tĩnh nhất trên trần gian; thế giới bên ngoài bị đóng lại, và xuyên qua các cánh cổng, người ta có thể nhìn ra thế gian với lòng trìu mến có khoảng cách, dù vẫn say mê nó. Cũng thế, nếu người ta biết giữ tâm hồn mình nằm trong các giới hạn (nghĩa là không tham lam, ham hố, không vượt quá tầm tay hoặc ích kỷ) thì tâm hồn con người cũng sẽ được đóng khung trong sự bằng lòng an tĩnh, vui tươi. Con người biết bằng lòng thì dù bị giới hạn cũng như bị vây bọc bởi các hoàn cảnh, người ấy cũng sẽ làm cho những giới hạn này trở thành liều thuốc chữa trị cho sự áy náy âu lo của mình. Điều quan trọng chẳng phải là khu vườn rộng một hay ba mẫu, có tường rào hay không, mà điều quan trọng là chúng ta biết sống bên trong vòng đai của nó, dù vòng đai này rộng hay hẹp ngõ hầu chúng ta có thể có được một tinh thần an tĩnh và một trái tim hạnh phúc.

Vì thế, sự bằng lòng một phần đến do đức tin – nghĩa là do sự nhận biết được mục đích của đời sống và xác tín rằng dù cho những thử thách có thế nào đi nữa thì chúng cũng đều phát xuất từ bàn tay của người Cha Từ Ái. Thứ đến, để có được sự bằng lòng người ta cũng cần phải có một lương tâm tốt lành. Nếu bản ngã nội tâm không hạnh phúc vì những vấp ngã thuộc bình diện đạo đức cũng như vì lỗi lầm chưa được đền bù, thì lúc đó không một sự vật ngoại tại nào có thể đem lại an tĩnh cho tinh thần được. Điều cần thiết thứ ba và cũng là sau cùng chính là biết hãm dẹp các ước muốn, biết giới hạn các khoái cảm. Cái gì chúng ta say đắm quá, thì thường chúng ta sẽ phải lắm luỵ phiền. Sự bằng lòng làm gia tăng niềm thích thú đồng thời làm giảm nhẹ nỗi cơ cực của chúng ta. Mọi truân chuyên sẽ nhẹ bớt nếu chúng ta biết kiên nhẫn chịu đựng chúng và những ân huệ to tát nhất cũng có thể bị tổn thương do lòng bất mãn. Những cơ cực của cuộc sống cũng đủ sâu, đủ mạnh rồi cần gì chúng ta lại góp phần gia tăng một cách không cần thiết như thế!

Bằng lòng với điều kiện hiện tại của chúng ta không có nghĩa là cứ khăng khăng không muốn cải tiến. Đối với những người nghèo khổ nhất, Kitô Giáo không chỉ bảo họ hãy bằng lòng mà còn bảo phải siêng năng làm việc. Tuy nhiên phải biết bằng lòng ngay trong tình trạng hiện tại của mình, nghĩa là ngày hôm nay bị nghèo khổ, thì trong khoảng thời gian này đức tin truyền bảo ta hãy biết hài lòng; tuy nhiên điều tốt nhất cho ngày hôm sau là ta phải rán giải phóng mình ra khỏi cái nghèo và vì thế ta sẽ cố làm việc để gia tăng sự thịnh vượng cho mình. Có thể ta sẽ không gặp được thành công, tuy vậy nếu qua thêm ngày nữa mà vẫn còn nghèo khổ, thì ta vẫn cứ chấp nhận nó và rồi cố gắng thêm cho đến khi nào đỡ khổ hơn. Như thế, sự bằng lòng liên hệ đến tình trạng hiện thời của chúng ta chứ không tuyệt đối liên quan đến toàn bộ các nhu cầu thuộc bản thể chúng ta. Một con người biết bằng lòng thì không bao giờ nghèo dù anh ta có rất ít ỏi. Còn người luôn bất mãn thì chẳng bao giờ giàu cả dù cho anh ta có rất nhiều…

>> Mục Lục [14]

ĐỨC KHIÊM TỐN

Nguyên nhân chính khiến người ta không được hạnh phúc trong nội tâm là tính vị kỷ hay còn gọi là ích kỷ. Kẻ nào tự cho mình là quan trọng bằng cách khoe khoang thì thực sự kẻ ấy đang phô bày bằng cứ cho thấy hắn thuộc loại người vô giá trị. Tính kiêu ngạo là một nỗ lực gây ra ấn tượng về những gì thực ra chúng ta không hề có.

Người ta hẳn sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu thay vì tán dương cái ngã của mình đến vô tận thì lại biết đẩy lùi cái ngã ấy vào con số không. Lúc đó họ sẽ gặp được cái vô biên đích thực nhờ vào nhân đức quý hiếm nhất trong các nhân đức của thời hiện đại này đó là đức khiêm tốn. Khiêm tốn là đưa ra sự thực về chính mình. Một người cao 1,8m mà lại nói: “Tôi chỉ cao 1,5m” thì chẳng phải là khiêm tốn đâu. Một văn sĩ giỏi sẽ không được xem là khiêm tốn nếu ông ta nói: “Tôi là một nhà văn bất tài”. Những xác quyết như thế được nói ra chỉ nhằm mục đích từ chối hầu để được khen ngợi nhiều hơn. Tốt hơn ông ta nên khiêm tốn nói rằng: “Vâng, bất cứ tài năng nào tôi có được đều là quà tặng của Chúa và tôi xin cảm ơn Ngài về điều ấy”. Toà nhà càng cao thì nền móng càng sâu; chúng ta mong đạt đến những chiều cao luân lý càng to lớn thì chúng ta càng phải khiêm tốn nhiều hơn. Như thánh Gioan Tẩy giả đã nói khi ngài trong thấy Chúa chúng ta: “Tôi phải nhỏ xuống, Ngài phải lớn lên”. Vào mùa đông những bông hoa khiêm tốn rời khỏi cành để trở về với mẹ gốc. Chúng có vẻ như đã héo úa trước mặt thế gian vì chúng khiêm tốn nằm dưới lòng đất chẳng ai trông thấy. Nhưng nhờ khiêm tốn nên chúng được tán dương và ca tụng khi mùa xuân mới sẽ đến.

Chiếc hộp có trống rỗng mới có thể được chất đầy. Chỉ khi nào cái tôi xẹp đi thì Thiên Chúa mới có thể đổ vào ân phúc của Ngài. Một số người nhồi nhét đầy nghẹt cái ngã riêng của họ đến mức tình yêu mến Chúa và đồng loại chẳng thể nào lọt vào được. Vì cứ mải miết tìm kiếm cho riêng mình nên cuối cùng mọi người đều từ bỏ họ. Ngược lại lòng khiêm tốn khiến chúng ta tiếp nhận sự ban tặng của kẻ khác. Bạn không thể cho nếu như tổi chả lấy. Chính vì có kẻ nhận nên mới có kẻ cho. Cũng thế, trước khi Thiên Chúa muốn làm người ban phát thì Ngài phải tìm được kẻ muốn nhận đã. Tuy nhiên, nếu người ta không đủ khiêm tốn để nhận lãnh ân phúc của Chúa thì người ta sẽ chẳng nhận được gì hết. Một người bị quỉ ám nọ được mang đến cho một vị ẩn sĩ trong sa mạc, khi vị thánh truyền lệnh cho con quỷ rời bỏ người ấy, con quỷ liền hỏi: “Đâu là sự khác biệt giữa chiên và dê mà Chúa xếp ở bên phải và bên trái Ngài trong ngày phán xét?” Vị thánh trả lời: “Tôi là một trong những con dê”. Con quỉ đáp lại: “Vì đức khiêm tốn của ngài, tôi xin rời khỏi người này”. Nhiều người nói rằng: “Tôi đã khổ nhọc bao năm trời cho kẻ khác và ngay cả cho Chúa, thế mà tôi được gì đâu? Tôi vẫn không là gì hết”. Xin trả lời là họ đã có gặt hái chứ, họ đã gặt hái chân lý về sự nhỏ bé của họ và dĩ nhiên, cả công trạng lớn lao trong cuộc sống mai sau. Ngày nọ có hai người muốn vào trong một cỗ xe, một người bảo: “Chẳng đủ chỗ cho bạn ngồi đây đâu?” Người kia nói: “Chúng ta hãy yêu nhau thêm một chút nữa và lúc ấy sẽ có đủ chỗ mà!” Người nọ hỏi tiếp: “Bạn là một vị thánh à?” Nếu người này trả lời là phải thì bạn có thể tin chắc chắn anh ta chẳng phải là vị thánh đâu.

Người khiêm tốn chú tâm đến lầm lỗi riêng mình chứ không chú ý lầm lỗi kẻ khác, người ấy chỉ nhìn thấy nơi tha nhân những gì tốt đẹp và nhân đức, người ấy không mang lầm lỗi riêng mình trên phía sau lưng mà là mang chúng đằng trước mặt. Còn những khiếm khuyết của tha nhân thì anh ta mang nơi một túi xách trên lưng mình. Vì thế, anh ta sẽ không nhìn thấy những khiếm khuyết ấy. Ngược lại, người kiêu căng thì luôn phàn nàn về mọi người và tin rằng anh ta bị xử tệ hoặc không được đối xử cho xứng đáng. Khi bị xử tệ người khiêm tốn không phàn nàn vì anh ta biết mình còn đáng bị xử tệ hơn thế!

Đứng về quan điểm thiêng liêng mà xét, người luôn kiêu hãnh về trí thông minh, về tài năng hay ảnh hưởng của mình mà chẳng bao giờ biết cảm tạ Chúa về những điều ấy, thì anh ta là một kẻ cướp, anh ta đã nhận lấy những quà tặng của Chúa mà chẳng bao giờ nhận biết Đấng trao tặng. Những gié lúa mạch mang nhiều hạt nhất luôn luôn trĩu xuống thấp nhất. Người khiêm tốn không bao giờ ngã lòng, còn người kiêu ngạo thường rơi vào nỗi tuyệt vọng. Người khiêm tốn vẫn luôn có Chúa để kêu cầu, còn người kiêu ngạo thì chỉ có cái ngã riêng của mình là cái thường sụp đổ.

Một trong những lời nguyện đẹp nhất xin cho có được lòng khiêm tốn là lời nguyện của thánh Phanxicô: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem tin kính vào nơi nghi nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng, đem ánh sáng vào chốn tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu. Lạy Thầy chí thánh, xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

>> Mục Lục [14]

TÍNH VỊ KỶ

Là một người dối trá sống động, tính vị kỷ đặt mọi ham muốn nông nổi, mọi dục vọng và những ưa thích thuộc bản năng của chủ nhân nó lên trên lề luật luân lý, trên tình bằng hữu với tha nhân và trên cả ý muốn của chính Thiên Chúa. Kẻ ích kỷ được ví như quả lắc đòi quyền chống lại cái đồng hồ, hoặc như đám mây nổi loạn chống bầu trời, hoặc như là một cánh tay muốn phớt lờ toàn thân thể đang khi nó chỉ là một chi thể của thân thể ấy. Vì chỉ làm điều mà bản ngã ích kỷ đâm ra ghét tất cả mọi thứ hắn làm. Hắn giống như đứa bé than van trong một trường tiên tiến nọ: “Tôi có luôn luôn phải làm điều tôi muốn không?”

Chẳng chóng thì chầy tính bo bo cố chấp sẽ dẫn đến sự căm ghét chính bản ngã của mình. Một chú bé sau khi ăn tuốt hết mọi phần kem dành cho toàn thể gia đình, thì hẳn sẽ căm ghét mỗi lần nhìn thấy loại kem ấy: không chỉ mang tính cách thú vật, sự căm ghét “bị điều kiện hoá” đối với loại thức ăn này còn trở thành sự ghê tởm xét về mặt luân lý đối với chính bản thân sau khi đã phạm tội ham ăn hổ uống như thế. Lòng tự căm ghét mình như thế là hình phạt luân lý chúng ta phải trả cho tính háu ăn giống như sự chán ngấy món kem là hậu quả thể lý mang tính thú vật của chính sự vi phạm ấy.

Những người bị rơi vào tình trạng ngán ngẩm chính mình thì theo bản năng họ sẽ cảm thấy lồng ngực bị đá đè tựa như phải xua đuổi một điều xấu xa ra khỏi thâm cung linh hồn vậy. Người vô thần thường dễ rơi vào tình trạng nhờm tởm mình hơn người có tôn giáo: lý do là vì họ không nhận biết Lòng Xót Thương và Tình yêu của Chúa, Đấng sẽ chữa lành chúng ta khỏi nỗi tự nhờm tởm mình và rồi có lẽ họ sẽ đem nỗi tuyệt vọng về cho chính bản thân mình và cuối cùng đành phải tự sát. Tự huỷ mình là một phóng chiếu, một sự rập bóng mặt ngoài của bi kịch bên trong nơi đây cái ngõ nhỏ bé thách thức lại tất cả những gì cao cả hơn nó và rồi khổ đau vì các hậu quả của cuộc nổi loạn này, cái ngã ấy rơi vào nỗi căm ghét tàn nhẫn với chính sự sống của nó. Cả Phêrô lẫn Giuđa đều đã nổi loạn chống lại Sự Sống khi họ chối bỏ Chúa, cả hai đều đã được cảnh cáo trước về sự nổi loạn như thế, cả hai đều đã từng bị gọi là “quỷ sứ” bởi vì sự vi phạm của họ, và cả hai đều đã ân hận. Tuy nhiên Giuđa “đã ân hận đối với chính mình”, đã hướng cái tôi riêng của mình vào chính mình trong cơn hấp hối tuyệt vọng vô ích. Còn Phêrô thì biết ân hận đối với Chúa, biết giải phóng mình khỏi điều xấu xa nhờ vào lòng khiêm tốn và rồi ngài đã tìm lại được niềm vui.

Chỉ khi nào biết khuất phục cái ngã trước một điều gì cao cả hơn nó mới có thể chữa lành được nỗi tuyệt vọng, bởi vì một sự khiêm tốn như thế sẽ làm cho tâm hồn thoát khỏi sự kiêu ngạo cũng như sự tự kết án mình đồng thời tạo nên khoảng trống cho ân sủng của Chân lý và Tình yêu của Chúa tuôn vào. “Ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên, kẻ nào tự nâng lên thì sẽ bị hạ xuống… tuy nhiên sự tự căm ghét mình lại là sự nâng cái ngã mình lên thành vị phán quan tối hậu đầy chua chát. Cho đến khi nào tấm biển đề “rao bán” được treo lên trên một tâm hồn đã giải thoát khỏi nỗi âu lo về bản ngã riêng mình thì vị KHÁCH THUÊ THẦN LINH mới có thể bước vào được.

Để trắc nghiệm về đức khiêm tốn thực sự là thái độ của chúng ta đối với lời tán tụng. Bất cứ ai yêu thích sự quảng cáo đều là người kiêu ngạo, vì người ấy tìm cách biện minh mình trước mặt kẻ khác, còn kẻ khiêm tốn thì qui mọi lời tán tụng về cho Chúa. Nếu người ấy có tài năng, thì người ấy cũng nhận biết rằng đó là do Chúa ban cho và chúng phải được dùng để phụng sự Chủ nhân đích thực của chúng. Kẻ khiêm tốn tự cho mình giống như cánh cửa sổ bằng lòng cho ánh sáng của Chúa dọi xuyên qua mà không hề dám nghĩ rằng mình chế tạo ra ánh sáng ấy. Người khiêm tốn chấp nhận cả lời khen lẫn lời trách móc như là quà Chúa tặng: cả nỗi cay đắng lẫn ngọt ngào đều được gởi đến do một Đấng duy nhất là Đấng yêu mến mình. Như Gióp đã nói: “Chúa ban cho, Chúa lại lấy đi, xin tán tạ Ngài”.

Còn người kiêu ngạo thì không thể quên chính mình, mặc dù người ấy ngờ vực và căm ghét sự nhỏ bé của mình: hắn nghĩ rằng hắn có thể che dấu sự thấp kém bằng cách luôn luôn tự khoe mình. Người khiêm tốn thì qui phục Chúa, và không hề tuyệt vọng vì người ấy biết rằng mình được yêu mến bởi Đấng tự thân là Tình yêu. Kẻ ích kỷ thì liên lỉ phàn nàn là kẻ khác không yêu mình đủ, hắn ta không nhận thấy rằng đây chính là hậu quả của việc hắn chỉ biết bo bo lo chú tâm đến cái ngã của riêng mình. Giống như mọi hình thức bất hạnh khác, nỗi cơ cực của hắn phát xuất do sự khăng khăng từ chối không chịu từ bỏ ý riêng của chính mình.

Những lúc chúng ta hạnh phúc nhất là những lúc chúng ta tự quên mình, để thường xuyên ân cần với một ai đó. Thời gian hiến mình ngắn ngủi ấy chính là một hành vi khiêm tốn đích thực vì ai biết đánh mất chính mình thì sẽ gặp lại chính mình kèm theo nỗi hạnh phúc của mình.

Tự căm ghét và tuyệt vọng là những căn bệnh mà chỉ những kẻ ích kỷ mới thường hay bị rơi vào. Muốn chữa lành chúng thì luôn luôn chỉ có một phương thế là đức khiêm tốn. Và điều đó có nghĩa là yêu mến Chúa nhiều hơn yêu chính mình.

>> Mục Lục [14]

NIỀM VUI

Niềm vui là kinh nghiệm thú vị về một điều tốt lành đã gặt hái được và hiện nay đang hưởng nếm, hoặc niềm vui là viễn tượng về một điều tốt mà người ta có đủ hy vọng đạt được. Có cả niềm vui tự nhiên lẫn thiêng liêng. Niềm vui tự nhiên bao gồm niềm vui thiêng liêng gia tăng và được ban cho một nền tảng bền vững hơn. Chẳng có niềm hạnh phúc trần thế nào trường tồn và tròn đủ nếu nó không được kết hợp với một lương tâm tốt lành.

Niềm vui thiêng liêng ngự trị nơi một tâm hồn lúc nào cũng bình thản ngay giữa những đổi thay của cuộc sống tựa như sự bình thản của ngọn núi khi có cơn bão tạt qua. Một người chưa bao giờ gắn chặt linh hồn vào Thiên Chúa thì mọi trắc trở của y đều bị phóng đại thêm lên. Người ấy không thể dùng toàn lực chế ngự bất cứ một sự gì vì đã bối rối âu lo về quá nhiều sự.

Niềm vui không đồng nghĩa với sự xem nhẹ. Xem nhẹ là một hành vi còn niềm vui là một tập quán. Sự cười đùa ví như sao băng, còn sự vui vẻ ví như sao sáng, sự cười đùa giống những cọng gai nổ tách tách còn niềm vui tựa ngọn lửa bùng. Niềm vui bền bỉ hơn, nó khiến cho các hành động khó khăn trở nên dễ dàng hơn. Sau một ngày dài bước đều, đám lính hầu như sẽ không bước được gọn gàng nếu như không bước theo tiếng nhạc. Một trái tim vui vẻ thì luôn luôn tìm được sự hài hước dễ dàng và làm cho gánh nặng trở thành nhẹ.

Chắc chắn chẳng một cô y tá nào nhiệt tình giúp đỡ các bệnh nhân nơi phòng bệnh nếu cô ta không có tinh thần vui vẻ. Mỗi vị y tá thực sự phải có được hai điều này trước khi bước vào phòng bệnh nhân: đó là vết thương đau và ý thức hài hước. Vết thương đau để cô ta có thể biết được giá trị của sự đau đớn; ý thức hài hước để cô biết cách toả lan niềm hạnh phúc. Không nhất thiết đây là vết đau thể lý nhưng ít nhất nó cũng mang tính cách tượng trưng với ý nghĩa là cô rất trân trọng những nỗi đớn đau của kẻ khác. Không gì làm cho cơn bệnh kéo dài thêm cho bằng một khuôn mặt dài thườn thượt.

Niềm vui quan hệ đến sự âu yếm hơn là đến lý trí. Đối với một người đàn ông có gia đình thì vợ và con ông ta sẽ đem lại niềm vui thích cho ông ta nhiều hơn so với những gì trí não ông ta có thể đem lại. Đứng trước chiếc nôi, một người cha xem ra như trực tiếp đối diện với các thuộc tính của Hữu thể trường tồn, Đấng đã tuôn tràn sự Dịu Dàng và Tình yêu của Ngài cho đứa bé. Khả năng hoan hỷ luôn luôn là bản trắc nghiệm vô tư nhất về tình trạng luân lý của một người. không người nào có thể toả lộ hạnh phúc ra bên ngoài nếu như bên trong người ấy không hạnh phúc. Nếu ý thức tội lỗi đang đè nặng trên tâm hồn thì hàng đống lạc thú bên ngoài cũng chẳng thể bù đắp cho sự mất mát niềm vui nội tâm. Sự phiền muộn phò tá cho tội lỗi thế nào thì niềm vui là bè bạn với sự thánh thiện y như thế.

Người ta có thể cảm nhận được niềm vui cả trong lúc thịnh cũng như lúc nghịch. Trong lúc thịnh vượng niềm vui không hệ tại những của cải chúng ta vui hưởng mà hệ tại những gì chúng ta hy vọng, không hệ tại những lạc thú chúng ta cảm nghiệm mà hệ tại lời hứa về những lạc thú mà chúng ta tin vào dù chẳng trông thấy. Của cải có thể dẫy đầy nhưng những thứ mà chúng ta hy vọng thì thuộc loại mối mọt không ăn, rỉ sét không huỷ, trộm cắp không đột nhập lấy đi được. Và ngay cả trong nghịch cảnh chúng ta vẫn có thể vui vẻ vì chúng ta tin chắc rằng chính Vị Thầy Thần Linh của chúng ta đã qua cái chết trên thập giá để đi đến cuộc phục sinh của Ngài.

Nếu ngày hôm nay ít thấy có niềm vui là bởi vì nhiều tâm hồn nhút nhát không dám can đảm quên đi chính mình để hy sinh cho láng giềng của họ, hoặc là vì có những thiện chí muốn làm cho thế giới tương lai sáng sủa hơn lại bị xem là phù phiếm. Niềm thôi thúc tin vào Chúa cũng như vào sự cứu rỗi của linh hồn đã bị xoá nhoà khỏi cuộc sống, vì thế niềm vui bị tan biến và người ta lại trở về với nỗi tuyệt vọng của đám dân ngoại. Dân Hy Lạp và La Mã xưa kia luôn luôn bị ám ảnh có bóng ma đi theo họ, giống như bộ xương người luôn dõi theo bước chân họ. Nên không ngạc nhiên khi vào một ngày nọ, một gã Roma không còn lý do gì để sống, để hy vọng, đã bước vào phòng tắm, cắt đứt mạch máu rồi lặng lẽ êm đềm để máu tuôn ra cho đến chết.

Một thi sĩ Hy Lạp nổi tiếng từng nói về cuộc sống: “Tốt hơn đừng nên sinh ra, và điều tốt nhất tiếp theo là rời bỏ cuộc sống càng sớm càng tốt”. Tất cả điều này quả là hoàn toàn đối nghịch với điều thánh Phaolô từng nói: “Hãy luôn luôn vui lên trong Chúa, tôi nói lại lần nữa: Hãy vui lên”.

>> Mục Lục [14]

PHẢI CHĂNG CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI CÒN LÂU MỚI ĐƯỢC BÌNH AN?

Không ai thực sự là bất hạnh nếu như hiểu được hạnh phúc là gì. Cuộc sống chỉ trở thành không thể chịu đựng nổi đối với những kẻ chẳng biết lý do tại sao họ lại sống. Trong trạng thái tâm hồn như thế người ta thường đồng hoá hạnh phúc với khoái lạc (lẽ ra đó là một vấn đề khác hẳn) và đồng hoá niềm vui với sự rung động của các mấu dây thần kinh (cũng là điều khác hẳn). Thế nhưng sự vật bên ngoài chúng ta lại chẳng bao giờ mang lại cho chúng ta bình an nội tâm. Càng cố tìm thoả mãn và nhắm mắt đạt đến một điều gì ngoài tầm kiểm soát của mình, người ta càng cảm thấy điều đó bấp bênh và càng dễ rơi vào thất vọng.

Có hai hành trình dẫn đến hạnh phúc. Thứ nhất là rút lui khỏi thế giới bên ngoài… khỏi sự quá đắm chìm vào những sự vật trần thế. Hành trình thứ hai sâu sắc hơn nhiều đó là thăng hoa những gì thấp kém trong chúng ta từ sự bo bo giữ cho chính mình trở thành sự hiến dâng cho Chúa. Con người hiện đại đã từng cảm nghiệm được hành trình thứ nhất, các sự vật bên ngoài từng trở nên bao nguồn khổ sở cho hắn. Chiến tranh phiền muộn, bất an và trống rỗng của cuộc sống từng làm con người kinh hãi đến mức họ cố gắng cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài và bắt đầu tìm kiếm sự thoả mãn nơi bản ngã giới hạn của họ. Điều đó khiến cho khoa phân tâm nở rộ: tâm hồn con người hiện đại, hoảng hốt với sự vật bên ngoài, vội chui vào vỏ ốc của mình và bắt đầu tìm thoả mãn trong việc phân tích tiềm thức, với các nỗi âu lo, sợ hãi, cũng như các trạng thái buồn bã và thất vọng của mình.

Nhưng như thế khác nào tự nhốt mình vào một nhà tù, bởi vì người ta đã tự cô lập mình với cái ngã riêng mình như thế. Không có sự giam hãm nào mãnh liệt hơn trên trần gian này cho bằng sự giam hãm do chính mình tự cô lập mình. Không bao giờ được dùng mũi dao phân tâm mổ sẻ cục ung luân lý nội tâm để nhìn nó xì ra, làm thế là gây tác hại trầm trọng cho cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc. Đúng hơn, muốn chữa trị, người ta cần phải khám phá ra cho được tại sao con người bị cô đơn, sợ lẻ loi – bởi vì hầu như người ta đều sợ ở một mình mà chẳng biết tại sao viễn tượng ấy làm họ sợ hãi.

Vấn đề của chúng ta hôm nay là tìm cho được an bình nội tâm, và đây là điểm mà thế kỷ 20 được đánh dấu là tách biệt với thế kỷ 19. Một trăm năm trước đây con người nhìn vào thế giới bên ngoài để tìm câu trả lời cho những vấn đề của họ: họ tôn thờ khoa học hoặc thiên nhiên, hy vọng hạnh phúc sẽ đến nhờ vào tiến bộ về mặt chính trị hoặc lợi nhuận. Con người của thế kỷ 20 âu lo về chính mình: họ còn quan tâm về vấn đề tính dục hơn là đam mê chính tính dục – họ chú trọng đến thái độ tinh thần cần có đối với tính dục hơn là sự thoả mãn thể lý cũng như sự sinh con đẻ cái. Giá trị, tâm thức, cũng như thái độ của họ chiếm hết toàn bộ ưu tư của họ.

Dù có khá nhiều điều phi lý được viết ra về cuộc sống nội tâm của con người thời đại chúng ta, tuy nhiên thế kỷ 20 thực sự gần gũi Thiên Chúa hơn thế kỷ 19. Chúng ta đang sống vào ngày áp của một trong những cuộc canh tân tinh thần vĩ đại của lịch sử nhân loại. Đôi khi các tâm hồn lại gần gũi Chúa hơn bao giờ hết ngay cả khi mà họ cảm thấy xa cách Ngài nhất trong cơn tuyệt vọng. Bởi vì đối với một tâm hồn trống rỗng, Thiên Chúa có thể lấp đầy; một tâm hồn âu lo, Đấng Vô Biên có thể mang lại bình an. Còn một tâm hồn vị kỷ, kiêu ngạo thì không thể nào đến được với ÂN SỦNG.

Con người hiện đại đã bị bẽ bàng: những kỳ vọng đầy kiêu hãnh về sự tiến bộ cũng như về khoa học không thành tựu như họ từng hy vọng. Tuy nhiên họ vẫn chưa biết tự khiêm. Họ vẫn đóng khuôn giam mình trong bản ngã nên có thể chẳng thấy điều gì khác nữa. Các nhà phân tâm có thể được phép đào bới những tư tưởng của mình thêm vài năm nữa, nhưng rồi không bao lâu con người hiện đại sẽ phải thốt ra lời kêu gọi cuống cuồng xin Chúa nâng họ lên khỏi bồn nước trống rỗng của bản ngã. Thánh Augustinô biết rõ điều ấy. ngài nói: “Tâm hồn chúng con sẽ còn xao xuyến mãi cho đến khi nào được yên nghỉ trong CHÚA”.

Đó là lý do tại sao – dù cho chiến tranh thảm khốc đe doạ chúng ta – thời gian hiện tại vẫn không được xem là quá tồi tệ. Con người hiện đại tuy chưa trở về với Chúa, nhưng ít là đã trở về với chính mình. Sau này con người sẽ vượt qua và sẽ thăng hoa chính mình nhờ vào ân sủng của Chúa mà hiện con người đang tìm kiếm. Chẳng ai lại đi tìm kiếm cái gì mà mình biết là không hiện hữu; ngày hôm nay tâm hồn thất vọng đang tìm kiếm Chúa với niềm hồi tưởng về một danh xưng mà họ đã từng biết.

Khác biệt giữa những kẻ đã gặp được Chúa trong đức tin và những kẻ đang tìm kiếm Ngài có thể sánh với sự khác biệt giữa một người vợ đang hạnh phúc được bầu bạn với chồng mình và một thiếu nữ đang thao thức không hiểu mình sẽ kiếm được một người chồng không, hoặc có lẽ cô nàng đang cố gắng quyến rũ đàn ông bằng phương cách sai lạc. Những kẻ tìm kiếm lạc thú, danh vọng và của cải đều là đang tìm kiếm TUYỆT ĐỐI, tuy nhiên họ vẫn còn nằm bên ngoài kinh thành VĨNH CỬU. Những kẻ có đức tin đã đi vào nơi trú ngụ đích thực của mình trong lòng Đấng Vô Biên và đã tìm được “sự an bình mà thế gian không thể trao tặng được”. Giống như người ta có thể nhìn thấy một khuôn mặt từ đằng xa nhưng chưa nhận ra đó là người bạn bị thất lạc từ lâu, cũng thế người ta có thể ý thức được nhu cầu về Đấng Vô Biên và niềm ước muốn có được trạng thái ngây ngất bất tận của tình yêu dù vẫn chưa nhận biết đó chính là Thiên Chúa.

Dù cho một tâm hồn có xấu xa mấy đi nữa thì vẫn rõ ràng là không ai không ý thức được sự lệ thuộc và nô lệ của mình khi mình bị khuất phục trước những lạc thú bất chính. Có lẽ đó là lý do tại sao những người nghiện rượu thường là những kẻ nói dối: môi miệng họ từ chối sự nô lệ mà chính cuộc sống của họ rõ ràng đang chấp nhận. Những cá nhân ấy, dù không muốn chấp nhận chính mình đã sai lầm, vẫn từ chối không chịu xác tín về chân lý của Chúa, tuy nhiên sự buồn bã và trống rỗng của họ cuối cùng sẽ lôi họ đến với Thiên Chúa xót thương.

Thế giới bên ngoài của chúng ta hôm nay đang gặp những khó khăn trầm trọng, nhưng thế giới nội tâm con người vẫn chưa rơi vào tuyệt vọng. Thế giới chính trị và kinh tế ì ạch đi sau những phát triển tâm lý của chính con người. Thế giới xa cách Chúa nhưng trái tim con người không thế. Đó là lý do khiến cho sự bình an sẽ đến không phải nhờ vào những thay đổi chính trị cho bằng nơi chính con người; sau khi ẩn núp vào cõi tâm tư của mình xa lánh tiếng ồn ào bên ngoài, con người sẽ được nâng cao hơn chính nó để đến với nguồn hạnh phúc đã được định cho nó.

>> Mục Lục [14]

CÁI TÔI VÀ LỀ LUẬT LUÂN LÝ

Các nhà tâm lý học vĩ đại của mọi thời đều đồng thanh công nhận rằng cội nguồn mọi nỗi bất hạnh là lòng vị kỷ hay còn gọi là lòng ích kỷ. Ích kỷ là từ chối không chịu tuân theo hai giới răn mến Chúa yêu người, đồng thời xác định cái tôi là tiêu chuẩn mọi chân lý và luân lý.

Những kẻ sống đóng kín trong cái ngã của mình thường trải qua ba giai đoạn tâm trí như sau: thứ nhất là giai đoạn tự buông thả. Một khi cái ngã đã tự cho là tuyệt đối thì lúc đó mọi kẻ khác, mọi sự cố sự vật khác đều trở thành một phương tiện để thoả mãn cho nó. Lúc người ta còn trẻ, cái ngã ấy chỉ ước muốn thoả mãn nhục dục riêng mình, chẳng để ý gì đến các nhân cách khác, ở tuổi trung niên, cái ngã ấy khao khát quyền lực và khi con người về già, cái ngã ấy thường biến thành tính biển lận và lòng yêu thích được “an toàn”. Kẻ nào phủ nhận linh hồn bất tử thì hầu như luôn luôn thay thế vào đó sự bất tử của những phương tiện giúp tồn sinh. Ham khoái lạc mà tách lìa Chúa thì rốt cuộc luôn luôn sẽ buông mình theo nhục cảm.

Nhưng bởi vì không thể lúc nào cũng sống theo lối tự buông thả được bởi vì không những người sống buông thả xung đột với những cá thể sống buông thả khác mà còn bởi vì hưởng hoài thì khoái lạc dần dà sẽ giảm sút, nên cuối cùng cái ngã bị rơi xuống trạng thái tâm trí thứ hai là sợ hãi. Sợ hãi chính là lòng tự yêu mình bị thoái hoá. Kẻ nào chỉ biết sống hướng ngoại, chỉ luôn tìm kiếm lạc thú hoàn toàn ngoài bản ngã, thì hầu như thường rơi vào nỗi sợ mất mát bởi vì kẻ ấy đã đặt niềm tin vào những vật ít lệ thuộc vào sự kiểm soát của ý chí mình. Một người càng dựa vào chiếc gậy thuộc về một tay ích kỷ khác thì càng dễ có thể bị ngã té! Sự thất vọng là số phần của những kẻ sống hoàn toàn dựa vào giác quan! Mọi kẻ bi quan đều là những kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc nhưng bị thất bại!

Thất vọng, thừa mứa, chán chường sản sinh ra nỗi sợ. Ích kỷ càng to sợ hãi càng lớn; cá nhân nào càng ích kỷ thì nỗi sợ hãi của hắn càng thê lương. Toàn bộ môi trường chung quanh trở nên đen nghịt kẻ thù: “Mọi người đều chống lại tôi”. Một số người sợ tuổi già, số khác sợ chết, số khác nữa sợ sự tự sát, cho đến khi cuối cùng là nỗi tuyệt vọng ngự trị, cái ngã bị trả về cội nguồn của nó để rồi phải chấp nhận mình chỉ là hư không.

Trạng thái thứ ba là sự ngu dốt. Bởi vì sự ích kỷ cắt đứt mọi liên lạc với Chúa và tha nhân nên đồng thời nó cũng cắt đứt tri thức về cả hai nguồn này, chỉ còn để lại tri thức về nỗi khốn khổ của riêng nó. Cái tôi dần dà trở nên mất ý thức về định mệnh và mục đích sống của mình. Nó có thể thu thập các sự kiện nhưng không thể kết hợp chúng lại với nhau. Tri thức của nó trở nên giống như các giáo trình trong một trường đại học hiện đại, các giáo trình này được thu thập để kiếm một tín chỉ nhưng lại chẳng hề mang lại một triết lý về cuộc sống. Sự ngu dốt càng gia tăng khi một người biết được nhiều điều nhưng lại không ăn khớp với nhau. Người khôn ngoan thì chỉ biết mỗi một điều đó là điều thiện và mọi điều khác đều được kết hiệp trong đó. Còn sự ngu dốt của kẻ ích kỷ khiến hắn chua chát và ngạo đời, thứ nhất là vì hắn không bao giờ có thể thôi ước muốn điều thiện mà Chúa đã trông cậy nơi linh hồn hắn, và thứ hai là vì hắn biết rằng mình không còn năng lực để ước muốn điều ấy nữa.

Những hậu quả bi đát của lòng tự yêu mình không phải là không có thuốc chữa. Kể cũng khá kỳ lạ, Kitô giáo khởi đầu bằng giả định rằng có nhiều người sống ích kỷ. Lệnh Chúa truyền phải yêu mến Chúa và yêu tha nhân như mình hàm chứa giả định là mọi người đều yêu chính mình. Hai từ nho nhỏ chẳng hạn “như mình” cho thấy tất cả lòng tự yêu mình. Chúng cho thấy rõ ràng là con người tự yêu mình biết bao. Luôn luôn phải có điều gì đó lộ cho thấy một người yêu thích chính mình hay điều gì đó cho thấy hắn không bằng lòng chính mình. Chẳng hạn hắn tỏ ra ham sống, khi hắn ngồi ghế xích đu mặc quần áo xịn, trau chuốt xác thân.v.v… Hắn không bằng lòng với mình khi lỡ làm điều rồ dại hoặc lỡ lăng mạ một người bạn. Nói cách khác khi thấy mình giống như tạo vật được dựng theo hình ảnh của Chúa thì hắn cảm thấy yêu mình, còn hắn sẽ không cảm thấy yêu mình khi hắn lỡ làm nhơ bẩn hình tượng ấy. Vì lẽ đó, ta phải yêu tha nhân như yêu một nhân vị dù cả khi đó là một kẻ tội lỗi vì tội nhân dầu sao cũng là một nhân vị. Tuy nhiên không được yêu tội lỗi của hắn vì tội lỗi làm mờ đi chân dung của Chúa. Nói cụ thể hơn, người ta phải yêu những người Cộng sản dù không ưa chế độ Cộng sản.

Chỉ có một lối trốn thoát khỏi lề luật này đó là tranh luận xem ai là “kẻ thân cận” giống người luật sĩ nọ từng làm. Chúa chúng ta đã trả lời rằng “kẻ thân cận” không nhất thiết phải là người sống gần cửa nhà chúng ta. Có thể đó là kẻ mà chúng ta từng xem như kẻ thù. Tuy nhiên, Chúa đã không loại trừ khả năng kẻ thù ấy vẫn có thể sống gần cửa nhà chúng ta đấy!

>> Mục Lục [14]

SIÊU THOÁT

Đối với nhiều người cuộc sống xem ra nhàm chán và tẻ nhạt: họ tự nhủ tại sao mình lại không vươn lên hay duỗi ra, hoặc cải tiến hoặc học hỏi thêm. Họ tin rằng chính họ đã bị rơi vào tình trạng trì trệ. Họ mong muốn biết được cách thức thoát ra khỏi tình trạng này.

Câu trả lời cho vấn nạn này thật đơn giản mặc dù áp dụng nó không phải dễ dàng. Những người như thế cần đến sự siêu thoát.

Siêu thoát là cắt đứt mọi dây ràng buộc cột chúng ta lại mặt đất và như thế cho phép linh hồn được bay lên với Chúa. Như các quả bóng, chúng ta có thể bị trì xuống bằng những sợi cáp thép hoặc bằng những sợi chỉ mỏng như sợi tơ nhện tuy nhiên bao lâu sợi dây ràng chưa bị chặt đứt, chúng ta vẫn chưa được tự do thoát khỏi sự ràng buộc với các sự việc thường nhật dìm kéo chúng ta xuống, bắt chúng ta làm nô lệ cho chúng.

Tâm hồn con người có thể bị lệ thuộc vào một số sự việc tầm thường gây trở ngại ở nơi thế giới bên ngoài. Chúng có thể cứ bám dựa vào một chuỗi khoái cảm liên tục, cứ dựa vào sự kích động, vào những mẩu tin tức hàng giờ, vào những buổi tiệc rượu, đến nỗi cuộc sống nội tâm hầu như không còn thời gian hiện hữu. Bất cứ lúc nào chúng ta bắt đầu cậy dựa vào một sự việc ở bên ngoài đến nỗi chúng ta không thể tìm được hạnh phúc nếu thiếu sự ấy thì lúc đó đời sống nội tâm chúng ta bị giản lược: tất cả mọi thứ “extra” (thừa thãi) mà thân xác cần phải có đè nặng lên tâm hồn chúng ta. Câu nói “Tôi có thể dùng mà cũng có thể không” là một câu rất hay có thể áp dụng cho nhiều sự việc khác ngoài chuyện ăn nhậu: chúng ta nên có thái độ như thế đối với mọi thứ không cần thiết cho hạnh phúc.

Nếu chúng ta “cần” những sự việc ngoại tại, thì hiển nhiên chúng ta sẽ đắm chìm trong đó đến nỗi nhân cách riêng của chúng ta bị phân tán. Chúng ta khác nào một cái giếng bị bơm liên tục đến mức mọi số nước của nó đều bị ống bằng sứ hút hết. Một số người quá dấn thân vào sự vật ngoại tại đến nỗi lỡ có mất đi một số lạc thú hay của cải là họ cảm thấy hầu như không sống nổi. Họ đã học cách định lượng giá trị riêng mình bằng những gì họ có hơn những gì họ là, nếu lỡ có mất đi những gì dành dụm được cũng như của cải thì những tâm hồn này có thể tự vẫn: Sự “trung thành” với sự vật quá lớn đến nỗi họ đánh mất đi mọi tri thức về tương giao đích thực giữa họ với Chúa.

Phương thuốc chữa trị cho trạng thái hiểm nghèo và bất hạnh của sự bám víu là sự nới lỏng dần dần các sợi dây ràng buộc chúng ta với các sự vật ngoại tại. Chúng ta đừng để cho các sự vật ngoại tại chiếm hữu mình nữa, chẳng hạn như rượu, tiếng động, thành công hay lạc thú. Trong vấn đề đơn giản chẳng hạn dùng một điếu thuốc thì chúng ta nên khôn ngoan để cho ý chí nơi con người quyết định nên hay không nên, thay vì để cho sự kích thích sai khiến. Ngay cả những lạc thú hợp pháp và vô hại, thỉnh thoảng chúng ta cũng nên khước từ chúng để chúng ta không lệ thuộc chúng hoặc lệ thuộc vào những ham muốn ích kỷ của chúng ta. Bởi vì kẻ nào chỉ biết sống cho những xung đột của riêng mình thì thường có những giao du rất xấu.

Một số dân bản xứ Úc Châu không biết đếm quá số ba. Họ nói: “1, 2, 3 đủ rồi”. Triết lý của họ về kinh tế đặt một giới hạn cho các sự vật bên ngoài và có lẽ chính triết lý ấy làm cho họ tự do hơn chúng ta là những người đếm tới bạc tỉ.

Người ta sống bằng ước muốn của mình, tuy nhiên chúng ta có thể chọn lựa giữa những ước muốn những sự vật nào thuộc về tinh thần hay thuộc về trần gian. Người nào có thể hồi tâm nhìn lại ngày đã qua của mình và đếm được có đến năm lần mình đã khước từ không chịu chiều theo một đam mê nho nhỏ nào đó, thì người ấy đang ở trên đường tiến bộ nội tâm. Người ấy biết kềm giữ chính mình và khước từ không chịu làm nô lệ cho các sự vật.

Bám víu làm chúng ta hẹp hòi, còn siêu thoát làm chúng ta rộng mở. Nhân cách của người theo duy vật bị hạn hẹp bởi vì người ấy sống trong vũ trụ khép kín, vũ trụ không rộng hơn tầm với bằng các giác quan của hắn. Nhưng người vị kỷ thì sống trong một thế giới còn chật hẹp hơn tức thế giới chỉ gồm căn phòng lót nệm trong viện tâm thần của lòng ích kỷ của hắn. Còn người tín hữu thì được khai phóng anh ta có thể tự do bay tận lên trời ngay từ mặt đất là nơi bản thể anh ta có thể giãn nở ra đến một niềm vui vô tận và tự quên mình.

>> Mục Lục [14]

TRỞ VỀ VỚI HƯ KHÔNG

Chúa đã tạo dựng chúng ta từ hư không… và thật là tuyệt nếu thỉnh thoảng chúng ta nhớ lại sự kiện ấy. Vì được Chúa tạo ra nên chúng ta thật quí báu nhưng bởi vì chúng ta đến từ cõi hoàn toàn hư không nên không bao giờ chúng ta có thể khoe khoang về sự tự đủ của mình. Và bởi vì đến từ Chúa nên chúng ta luôn mang khát vọng khôn nguôi được trở về kết hiệp với sự sống, chân lý và tình yêu nơi Ngài. Tuy nhiên vì chúng ta cũng là con cái của hư không, nên chúng ta cũng lệ thuộc vào Chúa như những tia nắng lệ thuộc vào mặt trời.

Khi nhìn thấy Chúa lần đầu tiên, ý thức về sự hư không này đã khiến Gioan Tẩy Giả thốt lên: “Tôi phải nhỏ xuống còn Ngài phải lớn lên”. Điều này không thể gán cho Gioan là khiêm tốn giả tạo cũng như không được giả định thiếu thực tế rằng hành vi của ông là vô giá trị. Đây chỉ đơn giản như sự thừa nhận là bất cứ ngôi sao chói lọi nào cũng phải mất đi nét rực rỡ của mình khi so với vinh quang đang lên của mặt trời. Gioan tự hạ mình trước mặt Chúa, chúng ta cũng nên làm giống như thế bằng cách thỉnh thoảng nhắc nhớ rằng chúng ta từ hư không mà đến. Chúng ta có thể làm điều này bằng việc thực tập đức khiêm tốn… và nhờ hành động như thế, chúng ta lại được tái tạo. Về mặt tâm lý học, chúng ta trở về với vòm hư không tức bụng mẹ bằng cách giải thoát mình khỏi tất cả những gì không phải là Thiên Chúa và như thế chúng ta trở về với con số không trần trụi mà từ đó Chúa kéo chúng ta ra.

Khi nhìn thẳng vào các sự kiện đích thực trong cuộc hiện sinh của mình, chúng ta hẳn phải thấy rằng Chúa là tất cả và không gì chúng ta có được mà lại không đến từ Ngài. Lúc đó chúng ta sẽ nhận thức được rằng Chúa nắm giữ hiện hữu của chúng ta từng giây từng phút. Chúng ta sẽ bắt đầu ý thức được rằng không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì cả. Thiên Chúa Cứu Độ của chúng ta đã nhắc các môn đệ về sự hư không của họ khi Ngài mô tả thái độ thích hợp của các Kitô hữu nơi một bàn tiệc: họ đừng nên xông ngay tới đầu bàn, liệt mình vào hàng khách quan trọng, họ nên xử sự như thể mình chẳng là gì chứ đừng cố làm ra vẻ ta đây. Sau đó ít lâu, trong khi thi hành sứ vụ Ngài đã trở lại đề tài này và ca ngợi người thu thuế nọ là người đã ẩn mình cuối đền thờ nhìn nhận sự hư không của mình khác với tên biệt phái tự xông mình ra phía trước. Chúa đưa ra lời phán quyết của nước trời: “Hễ ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên”. Tuy nhiên, bảo chúng ta phải khiêm tốn không có nghĩa là bảo chúng ta phải sống suốt cuộc đời trong tâm thức “tự ti mặc cảm”. Chúng ta không được tìm kiếm thung lũng nhục nhằn chỉ để mà co rúm lại ở đó trong bóng tối, mà đúng hơn là để từ thung lũng ấy, chúng ta có thể nhìn thấy núi Chúa và tìm được sự tán dương của chúng ta ở đó. Hướng đi lên từ ý thức về sự bé nhỏ của bản ngã mình đến niềm vui mừng vì sự cao cả của Chúa đã được diễn tả tuyệt vời trong những lời của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu: “Ngài đã đoái thương phận hèn tớ nữ Ngài”. Việc Đức Maria nhận biết sự hư không của mình so với Chúa đã khiến Mẹ tự đánh giá mình thấp hèn hơn mọi người, nhờ thế Mẹ càng được tôn vinh cao cả hơn.

Chúng ta càng chỉ nghĩ đến mình thì chúng ta càng ít nghĩ đến Chúa; mọi kẻ ích kỷ đều chống đối tôn giáo. Điều kiện thiêng liêng để được trông thấy Chúa là chúng ta không được để cho cái bản ngã của mình bị mù loà vì quá kiêu ngạo và kênh kiệu. Chúng ta không được thần thánh hoá cái bản ngã của mình. Chỉ cái gì trống rỗng mới được lấp đầy, chỉ tiêu trừ lòng ích kỷ mới mong được thần thánh hoá. Nước trong không thể nào thêm vào chiếc tách đã đầy bùn; và chỉ tâm hồn khiêm tốn, siêu thoát mới có thể được tràn đầy nước Hằng Sống. Thông thường khi sinh thời chúng ta hay nhét đầy bùn và đá sỏi của lòng vị kỷ vào chiếc tách của chúng ta. Đám bùn này, tức lòng kiêu ngạo giả dối, sự trọng vọng cái ngã quá đáng không đếm xỉa đến Chúa, sẽ làm cho cuộc sống phức tạp và ngăn cản không cho linh hồn kết hiệp với Đấng mà nó đã được tạo dựng nên vì Ngài. Tựa như sương mù ngăn cản ánh mặt trời chiếu dọi vào trái đất thế nào thì bản ngã cũng bị cắt lìa khỏi Chúa như thế nếu nó phủ nhận bản chất hư không của mình. Và như mặt trời vào đúng thời điểm sẽ làm tan sương mù bằng sức nóng của mình thế nào thì có lẽ Chúa cũng sẽ đốt cháy đi niềm kiêu ngạo của chúng ta để đạt đến linh hồn chúng ta y như thế.

Chính Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường khiêm tốn. Ngài đã xuống tận hư không khi tự hạ mình chết nhục nhã sau khi chịu đóng đinh thập tự để rồi trỗi dậy trong vinh quang của mình nhờ vào sức mạnh Thần Linh khôn lường kéo lên. Đối với chúng ta cũng thế, con đường duy nhất đến với Chúa là phải tự tạo thường xây dựng trên bản ngã riêng mình và… thường được kể như một kiến trúc sư tồi. Còn những người được Chúa tạo thì khinh thường bản ngã của mình đến mức không dám dùng nó làm rui nhà hay đá góc và người ấy để cho Chúa tự ý thiết lập nên toà nhà của đời họ.

Họ có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi được như hiện nay là nhờ ơn Chúa”, và rồi tự cảm thấy hạnh phúc trong sự khiêm tốn thẳng thắn của mình.

>> Mục Lục [14]

ĐIỀU BÍ ẨN

Thế giới hiện đại yêu thích đến lạ lùng những điều bí ẩn… bí ẩn của độ sâu, những căn hầm tối của kiếp nhân sinh, bí ẩn trong sự ngụp lặn phân tích những vùng phi nhân trong cuộc sống của chúng ta. Sự lôi cuốn này một phần là phản ứng chống lại một đối cực khác. Cách đây một thế kỷ, người ta tự tin rằng mình đã đạt đến một cấp độ sống mới mẻ và cao hơn. Họ kháo nhau nào là đã tạo được những tiến bộ vững chắc, nào là sẽ chinh phục được cái chết, nào là sẽ biến con người nên thánh nên thần, nào là biến đổi trái đất này thành thiên đàng trần gian.

Giờ đây thì những giả định kiêu kỳ ấy của cha ông chúng ta đã nhường bước cho nỗi tuyệt vọng của con người thời đại chúng ta. Sau khi đạt tới điểm chóp bu trong độ cao không tự nhiên của mình, con người đã rơi vào độ sâu khủng khiếp nhất của nỗi tuyệt vọng. Nhiệt tình hồ hởi quá mức đã nhường bước cho sự ngán ngẩm, niềm hy vọng tìm được sự khoái lạc to tát hơn đã nhường bước cho nỗi chán ngấy, sự tự buông lỏng quá độ trong những niềm hy vọng ngất ngây của thành công nhất thời đã nhường bước cho sự nôn mửa.

Hiện có hai nhóm chuyên gia về điều bí ẩn đang đồng tâm hiệp lực với nhau: một nhóm thì phân tích các công nhân xét dưới khía cạnh là “các nhóm quần chúng”, nhóm kia thì nghiên cứu tiềm thức của con người xét về mặt cá thể. Con người trở nên “quần chúng”, bị một tay độc tài lôi kéo là họ đánh mất ý thức trách nhiệm và sự tự chủ của mình. Trong tình trạng như thế, họ có thể trở thành miếng mồi của các thế lực ngoại bang, bên ngoài, điều này đánh dấu bước yêu cầu thứ nhất của chính thể độc tài. Các nhà Cộng sản và Phát xít nghiên cứu kỹ điều này.

Nhóm chuyên viên thứ hai về điều bí ẩn thì nghiên cứu lãnh vực nằm dưới lý trí, không tự nguyện, chưa đạt tới nhân tính nơi trí khôn của con người tức phần tiềm thức, nơi đây trí năng thường phóng ra những mảnh tư tưởng bị khước từ. Thực ra, tiềm thức có ảnh hưởng trên động thái của con người, tuy rằng nó không phải là tác nhân duy nhất cũng chẳng phải là tác nhân có tầm quyết định cuối cùng. Vết nứt nơi quả sồi từ đó cây sồi sẽ phát sinh có thể cắt nghĩa một phần hình dạng của nó, tuy nhiên ánh sáng, sức nóng cũng như những năng lực vô hình của sự sống cũng góp phần tạo nên hiện trạng của cây sồi.

Hai nhóm đồng nghiên cứu về điều bí ẩn trên đã trao tặng cho chúng ta một mấu chốt nói về thời đại này như sau: con người luôn có khuynh hướng nghĩ hoả ngục là những vùng âm cảnh giống như Virgil từng mô tả; và mặc dù Giáo hội không bao giờ giảng thuyết về một thứ hoả ngục thuộc lãnh vực địa lý, nhưng tưởng tượng thông thường vẫn đặt nó nằm dưới lòng đất. Kết quả là bất cứ lúc nào quan tâm của quần chúng hướng sang một sự gì có tính cách “Tiềm (hoặc bí ẩn)…” thì xét về mặt tâm lý vấn đề hoả ngục lại thường trở về ẩn núp đàng sau tâm trí của cả một thế hệ các nhà tư tưởng lẫn người độc giả.

Những người đang tập trung chú ý vào lãnh vực tiềm thức… những người hy vọng nhờ vào sự nghiên cứu libido (sinh lực) cũng như những bản năng tính dục mà có thể giải quyết các vấn đề cuộc sống của mình… là những người đang tìm kiếm hạnh phúc trong những vùng bí ẩn nơi mà chẳng bao giờ hạnh phúc được tìm thấy. Chỉ nhờ vào việc sử dụng lý trí và ý chí (giống như Chúa) mà con người mới có thể tìm được bình an. Bi kịch của thời đại chúng ta chính là nỗi tuyệt vọng của sự thành tựu. Nói rõ hơn là nỗi khốn khổ không bắt nguồn từ sự thất bại của các kế hoạch mà lại do nơi sự kiện là sau khi thực hiện chúng rồi con người vẫn không tìm được hạnh phúc. Mọi thứ mà họ ao ước có được (chẳng hạn của cải vật chất cũng như vinh thắng nhất thời) sau khi bị chiếm hữu rồi, lại trở thành Hư Không. Và hư không chính là đối cực với Thiên Chúa và sự tạo dựng của Ngài. Hoả ngục chính là cái tôi sau khi chán ngấy với những ước muốn riêng đã được thoả mãn, hiện đang tự vĩnh viễn tiêu hao chính mình mà không hy vọng được buông tha.

Thế giới hôm nay đang trông chờ một sự phục sinh. Đám quần chúng bị các quyền lực độc tài dìm xuống đang mong chờ phá được vòng siết ngõ hầu có thể được tự do hành động theo quyền hành của mình như họ đã làm khi viết ra Hiến pháp của chúng ta. Bởi vì Hiến pháp xác định: “Chúng tôi nhân dân hiệp chủng quốc”, quyết định và thiết lập nên một chính quyền. Tương tự như thế, những tâm hồn cá thể đang bị nhốt trong nỗi cơ cực của những cái ngã tiềm thức… những kẻ đang sinh hoạt ở một cấp độ phi nhân thuộc lối sống bản năng đầy thú tính… Cần có được một cuộc phục sinh để mang họ lên từ nấm mộ mà sự chán ngấy đã đặt họ vào đó. Chính họ cũng đang mong chờ ánh sáng.

Trong cái trứng, có chứa đựng sự sống, nhưng để cho sự sống trồi ra thì phải đập vỡ cái vỏ. Đời sống cũng ẩn tàng nơi đám quần chúng bị hủ hoá cũng như nơi các tâm hồn cá thể bị chôn vùi, bị thất vọng. Tuy nhiên đối với cả hai dạng người trên, cần phải phá vớ cái vỏ bao bọc họ, và phải phá vỡ từ bên ngoài. Chắc hẳn cần phải có một năng lực thần linh, chứ không phải nhân lực, để phá vỡ cái vỏ này.

Mỗi linh hồn cần phải tự hỏi chính mình: Tôi muốn tiếp tục sống trong cái vỏ ấy hay là tôi muốn được mang đến một lò ấp thiêng liêng? Những kẻ ở bên trong các cái vỏ này có thể thoát ra được nếu họ bằng lòng để cho Chúa giải phóng họ bằng cách nghiền nát đi cái vỏ ích kỷ mà trong đó họ bay lượn ra khỏi ánh sáng của Ngài.

Đây là vấn nạn nghiêm trọng cần được trả lời. Và những kẻ từ chối không chịu nghiêm chỉnh suy xét bất cứ vấn đề luân lý và thiêng liêng nào cả thì rốt cuộc sẽ lại trân trọng cái hư không là vùng đất luôn luôn mang chiều kích bí ẩn. Còn nếu chúng ta biết trân trọng linh hồn thì chúng ta có thể đảm đương mọi điều khác một cách khá nhẹ nhàng, và đây là bước đầu đi đến hạnh phúc, ngay ở đây và cả mãi sau này.

>> Mục Lục [14]

CẦN ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN

Nietzsche, một triết gia thế kỷ 19, đã cố gắng diễn tả tính khí thời đại ông trong lời xác nhận: “Thiên Chúa đã chết”, qua đó ông muốn nói rằng vào thời ông con người đã đánh mất đức tin của mình; đồng thời ông cũng phóng một tầm nhìn tiên tri về tương lai và dự báo thế kỷ 20 sẽ là một thế kỷ đầy chiến tranh và cách mạng. Hai xách nhận trên đây của Nietzsche liên kết với nhau nhờ vào một lập luận còn sâu sắc hơn sự khám phá ra triết lý về “siêu nhân” đó là một khi không còn yêu Chúa nữa thì còn lâu con người mới yêu được đồng loại của mình và rồi họ sẽ phải gặp khó khăn cực kỳ trong nỗ lực yêu mến người láng giềng đặc biệt mà hiện đã trở thành kẻ thù của họ.

Thực thế, thế kỷ này là thế kỷ dẫy đầy các cuộc cách mạng. Tuy nhiên ở đây chẳng cần phải đi sâu vào lịch sử các cuộc cách mạng mang tính cách hoàn toàn kinh tế và chính trị; bởi vì chúng ta luôn luôn có khả năng biến thời đại của mình thành thời đại của các cuộc cách mạng quang vinh, cách mạng chính bản thân chúng ta. Một cuộc cách mạng sẽ hình thành bất cứ khi nào một tâm hồn biết truất phế cái bản ngã chỉ đạo nó và đồng thời biết khuất phục cái bản ngã ấy theo nguyên tắc của tình yêu. Một cuộc cách mạng sẽ bùng nổ bất cứ khi nào lòng khiêm tốn thay thế tính kiêu căng nơi chúng ta, khi nào mà chúng ta từ bỏ lòng ham hố cuồng loạn muốn thành công, muốn được tiếng.

Chúa chúng ta đã để lại một kiểu mẫu của loại người biết cách mạng chính mình: ngay đêm trước khi chết để cứu chuộc trần gian, Ngài đã quì gối trước các môn đệ của mình như thể Ngài thấp hèn hơn tất cả bọn họ. Trước đây trong cuộc đời giảng huấn của mình, Ngài vẫn thường bảo họ chớ tìm chỗ nhất nơi bàn tiệc cũng đừng ham được mọi người biết đến. Khi nghe các tông đồ tranh luận với nhau xem ai trong họ là kẻ vĩ đại nhất, Chúa liều kêu gọi họ thực hiện cuộc cách mạng về cách định giá trị của họ. Ngài bảo: “Vua chúa các dân ngoại cai trị dân họ và kẻ cai trị được mang tiếng là người gia ơn. Còn các con thì đừng làm thế, đừng phân biệt giữa người lớn nhất và người bé nhất, giữa các người cai quản và người phục vụ. Hãy nói cho ta biết: ai lớn hơn? Người ngồi ở bàn hay kẻ phục vụ ông ta? Chắc hẳn là người ngồi ở bàn phải không? Và Ta đã hiện diện giữa các con với tư cách một kẻ tôi tớ”.

Trước đây Chúa đã thiết lập cuộc cách mạng của đức khiêm tốn bằng những lời nói; giờ đây, sau bữa tiệc ly, Ngài đưa cuộc cách mạng ấy ra thực hành qua cử chỉ sau: “Ngài cởi áo khoác để qua một bên, lấy một tấm khăn quấn quanh người đoạn đổ nước vào chậu và bắt đầu rửa chân các môn đệ rồi dùng tấm khăn cột quanh người lau chân cho họ”. Vào thời bấy giờ, các bọn nô lệ bị chỉ định phải làm những công việc hèn hạ như thế. Thật là một sự cố đảo lộn có tầm kích vĩ đại khi vị thầy của các thầy, vua của các vua quì gối xuống trước 24 bàn chân chai sạn đẫm mồ hôi và rửa sạch chúng khác nào sự tha tội của Ngài cũng rửa sạch trái tim chai cứng và linh hồn dơ bẩn của chúng ta vậy. Mọi giá trị nhân sinh vĩnh viễn bị đảo lộn qua cuộc cách mạng gây đầy sửng sốt của Đức Kitô trong lời Ngài tuyên bố: “Ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên”.

Ngay khi Chúa Giêsu thốt ra những lời này thì Cesar xem như bị truất ngôi; nguyên lý bóc lột bị phế bỏ, xấc láo kiêu hãnh bị đẩy ra cửa. Kể từ đây, mọi Kitô hữu phải cảnh giác chớ nên xét đoán theo lối thế gian, chớ tìm kiếm cho mình những phần thưởng thế gian có thể trao tặng. Khi giọt nước từ đôi tay Chúa Kitô rơi xuống vào đêm ấy, những hệ thống luân lý cổ xưa liền trở thành lỗi thời và những khái niệm cao đẹp nhất của người xưa trở nên không còn thích hợp với con người nữa. Kể từ đây, điều tồi tệ nhất gây hỗn loạn cho tâm hồn chính là không biết phục vụ tha nhân, là tự xem mình là xứng đáng có đặc quyền đặc lợi… Một lề luật mới đã ra đời: lề luật này mặc khải sự bình đẳng của mọi người trước mặt Chúa đồng thời công bố nét đẹp của lòng khiêm tốn. Đấng tự hạ mình mặc xác phàm giờ đây đang tuôn tràn hồng ân và đang dạy chúng ta bài học bằng việc tự hạ cái vô biên của mình xuống để phục vụ các tôi tớ của mình.

Cuộc cách mạng bên trong tâm hồn là một biến cố của Kitô giáo. Nó đòi buộc chúng ta không được hận thù, không được đòi hỏi quyền lợi cá nhân, danh cao tước cả cũng như không được nói lời dối trá. Trong cuộc cách mạng này, tình yêu ẩn núp từ bên trong và hoạt động như một đạo quân thứ năm luôn tín trung với Chúa ngay giữa những bản ngã rối ren mất trật tự của chúng ta. Cuộc cách mạng như thế sẽ tiêu diệt lòng kiêu ngạo và vị kỷ, sự ganh tỵ ham hố cũng như lòng khát khao dành chỗ “nhất” khiến chúng ta thường thiếu bao dung đối với quyền lợi của tha nhân. Thanh gươm tuốt ra sẽ không nhắm người láng giềng mà nhắm vào sự tự kiêu phi lý của bản ngã chúng ta. Đối với các cuộc cách mạng khác thì quả là dễ dàng giao chiến bởi vì chúng ta chống lại với “kẻ thù xấu xa” bên ngoài. Còn cuộc cách mạng Kitô giáo thật khó khăn vì kẻ thù mà chúng ta giao chiến lại là một phần của chúng ta. Tuy nhiên chỉ có cuộc cách mạng này mới đem lại an bình đích thực: còn những cuộc dấy loạn khác đều sẽ chẳng bao giờ chấm dứt bởi vì chúng chỉ kềm hãm lại đích nhắm của chúng ta mà thôi và luôn luôn để lại lòng căm hận sục sôi trong tâm hồn con người.

Tư duy hiện đại đang hướng về một cuộc cách mạng thế giới bên ngoài, cách mạng của các dân tộc, các giai cấp, các chủng tộc cũng như các đảng phái. Còn Chúa chúng ta thì không dành ưu tiên cho cuộc cách mạng mang tính xã hội. Trước tiên, Ngài muốn tái tạo từng con người bằng một cuộc phục sinh của Ngài, đoạn sau đó, qua việc sai phái Thần Trí Ngài đến với con người, Ngài cải thiện lại xã hội thế giới cổ xưa.

Thánh Augustinô có nói: “Những kẻ muốn xáo động sự an bình mà mình đang sống thì hãy làm điều ấy không phải vì căm ghét mà hãy tỏ ra mình có năng lực biến đổi nó”. Chiến tranh xảy đến khi con người phóng chiếu các xung đột nội tâm của mình ra thế giới bên ngoài. Hoà bình sẽ đến khi nhiều người biết tiến hành cuộc cách mạng nội tâm trong đó lòng kiêu ngạo của họ bị đánh tan kèm theo tham vọng ích của họ bị tiêu huỷ. Hoà bình đi theo một cuộc chiến tinh thần như thế có thể tác động gây lây nhiễm hạnh phúc từ tâm hồn này sang tâm hồn khác và đem lại bình an dương thế cho người thiện tâm.

>> Mục Lục [14]

NIỀM VUI TỪ NỘI TÂM

Mỗi người chúng ta đều tự tạo thời tiết, hoạch định màu sắc cho khung trời vũ trụ cảm xúc trong đó chúng ta sống. Với nỗ lực sáng tạo, chúng ta có thể mang ánh sáng mặt trời đến để làm cho tâm hồn chúng ta rạng rỡ mặc cho bất cứ sự cố gì xảy đến trên đường đi của chúng ta. Mặt khác chúng ta cũng có thể để cho mình ngã quị vào nỗi thất vọng nội tâm sâu xa, hoặc bị ngập tràn nỗi phiền muộn đến mức chỉ những khích động mãnh liệt nhất từ bên ngoài tác động lên các giác quan mới có thể đánh thức chúng ta ra khỏi tình trạng lãnh đạm của mình.

Các triết gia bảo với chúng ta là mỗi người đều phải có khoái cảm. Kẻ nào hoà nhập được nhân cách và bản tính của mình đồng thời định hướng cuộc đời mình cho Chúa thì sẽ cảm nhận được niềm khoái cảm to tát bất khả tiêu diệt mà các thánh gọi là Niềm Vui. Không một sự cố từ bên ngoài nào có thể hăm doạ hoặc làm xuyến xao nổi hạnh phúc của người ấy. Đang khi có nhiều người khác thì ngóng ra bên ngoài để tìm khoái cảm và mong đợi các sự cố trong đời sống sẽ cung cấp niềm hạnh phúc cho họ. Vì chẳng ai có thể bắt cả vũ trụ làm nô lệ cho mình được, nên kẻ nào cứ ngóng ra ngoài để tìm khoái cảm thì chắc chắn sẽ thất vọng. Vui đùa quá mức làm chúng ta chán ngán, một tham vọng được thực hiện sẽ trở nên nhàm chán, một ái tình hứa hẹn đầy viên mãn rồi cũng mất đi vẻ hào nhoáng và phấn khích. Hạnh phúc vĩnh tồn không bao giờ có thể đến từ trần gian. Niềm vui không xuất phát từ những gì chúng ta gặt hái hoặc những người chúng ta gặp gỡ mà phải được linh hồn tạo ra một khi chúng ta biết tự quên mình.

Bí quyết để có một cuộc sống hạnh phúc là biết điều hoà các khoái cảm với nhau để gia tăng niềm vui. Thế nhưng một số phương cách sống hiện nay khiến chúng ta khó đạt nổi điều này. Chẳng hạn một trong những phương cách ấy là loại quảng cáo cố gắng gia tăng thị dục chúng ta để chúng ta mua thêm nhiều hàng hoá hơn. Đi kèm theo phương cách này là cái tâm lý trẻ em bị hư vì nuông chiều nơi con người hiện đại. Tâm lý dụ khị con người rằng họ được quyền kiếm tìm mọi thứ họ muốn, rằng thế gian có đủ mọi thứ thoả mãn thị dục nông nổi của họ. Một khi cái tôi của chúng ta đã trở thành trung tâm bắt mọi sự qui phục thì chúng ta rất dễ bị thương tổn: từ đó bình an của chúng ta có thể giống như bị cơn gió lùa từ cánh cửa sổ trống tiêu huỷ; hoặc chỉ vì chúng ta không đủ khả năng mua được tấm áo choàng lông thú quí hiếm mà chỉ quãng 20 người phụ nữ trên trần gian có thể được mặc, hoặc vì chúng ta không được mời đến dự một buổi ăn trưa, hoặc nặng nề hơn, vì chúng ta không đủ khả năng trả được món thuế lợi tức to lớn nhất trong nước. Cái tôi không bao giờ được no thoả nếu nó nắm quyền chỉ huy. Chẳng sự nuông chiều, chẳng vinh dự gì có thể làm yên ổn khát vọng của nó kể cả “nhạc cuồng rượu mạnh”, kể cả những khoái cảm to tát đến từ các bữa tiệc giao hữu hay từ sự trầm trồ của mọi người.

Những kẻ vị ngã đều xem như mình gặp phải tai hoạ nếu bất cứ khát vọng nào của họ cũng bị chối từ, bởi vì họ muốn làm chủ thế giới quanh họ, muốn nắm sợi dây giật con rối cũng như muốn ép buộc mọi kẻ tuỳ thuộc phải vâng theo ý muốn của mình. Và nếu các ước muốn của những cái ngã ấy bị phế bỏ hay bị cái ngã của kẻ khác kiểm soát thì lập tức chúng sẽ rơi vào nỗi tuyệt vọng ngay. Như thế, những dịp gây ra cho chúng nỗi thất vọng và buồn bực rất dễ xảy ra bởi vì tất cả chúng ta đều luôn luôn bị chối từ một số những điều chúng ta ao ước – và rồi chúng ta có thể chọn lựa hoặc sẽ vui vẻ chấp nhận sự mất mát này hoặc sẽ xem nó như một sự xỉ nhục và lăng mạ đối với chúng ta. Ngày nay có cả hàng triệu người hoàn toàn mất hạnh phúc nếu như họ phải mất đi một số đồ vật mà cha ông họ chẳng bao giờ mơ ước. Sự xa hoa đã trở thành nhu yếu đối với họ. Và con người càng cần có thêm đồ vật mới cảm thấy hạnh phúc thì họ càng có nguy cơ bị hụt hẫng và tuyệt vọng. Ham muốn nông nổi chế ngự họ, những điều vụn vặt trói cột họ, họ không còn tự chủ nữa. Các đồ vật bên ngoài, các món đồ chơi hào nhoáng làm chủ họ.

Trong khảo luận mang tựa đề “Republic” (nền Cộng hoà), Platon có viết về một người suốt đời chạy theo những đam mê điên cuồng đầy nông nổi, bài văn ấy được viết ra cách đây 2300 năm thế mà đến hôm nay vẫn còn chính xác: “Anh ta thường khoái lao vào chính trị, vừa đi vừa nhảy, vừa làm vừa nói bất cứ điều gì hiện ra trong óc; hễ khâm phục một vị tướng là mọi chú tâm anh ta hướng về chiến tranh, còn nếu hâm mộ nhà thương gia thì lập tức anh ta đổi chiều theo cùng hàng ngũ với ông này. Anh ta chẳng hề biết đến trật tự và nhu yếu trong cuộc sống, chẳng thèm nghe bất cứ người nào nói cho anh ta biết rằng một số khoái lạc là phần thưởng của những ước muốn cao đẹp tốt lành, một số khác phát xuất từ những ước muốn xấu xa. Vì thế nên kiếm tìm và khuyến khích số tốt cũng như kiềm chế số xấu. Nghe nói thế, anh ta chỉ biết lắc đầu và nói rằng mọi khoái cảm đều giống nhau và đều đáng được quan tâm y như nhau”.

Thực ra, mọi khoái cảm đều phải được sắp xếp theo thứ bậc nếu chúng ta muốn có được sự thoả mãn to tát nhất về cuộc sống. Các niềm vui bền bỉ và mãnh liệt nhất chỉ có thể đến với những kẻ sẵn sàng thực hành sự tự chế, sẵn sàng chịu đựng sự nhàm chán trong việc tuân thủ một kỷ luật sơ đẳng. Quang cảnh đẹp nhất là được nhìn từ đỉnh núi, nhưng lên được đến đó có lẽ phải chịu lắm gian truân. Không ai từng cảm thấy thú vị khi đọc Honace nếu trước đó không từng trui rèn với các mẫu chia văn phạm của sách ấy. Niềm hạnh phúc tràn đầy chỉ được cảm nhận đối với kẻ nào biết tự khước từ một số lạc thú chính đáng ngõ hầu đạt được những niềm vui kéo theo sau đó. Kẻ nào “tự buông thả” thì sẽ thành bệ rạc hoặc điên khùng. Chính Đấng Cứu Độ trần gian đã bảo chúng ta rằng những niềm vui lớn nhất chỉ có thể đến với chúng ta một khi chúng ta đã mua chúng bằng lời cầu nguyện và việc chay tịnh: trước hết chúng ta phải cho đi những đồng xu của mình vì lòng yêu mến Ngài và rồi Ngài sẽ trả lại cho chúng ta những đồng tiền vàng lẫn niềm vui và niềm cực lạc.

>> Mục Lục [14]

TÌNH YÊU VÔ BIÊN

Có sự khác biệt sâu xa về chất lượng giữa những sở hững chúng ta cần, chúng ta dùng, chúng ta thực sự hưởng dụng và sự tích luỹ những đồ vật vô dụng do lòng phô trương, ham hố hoặc để chơi trội hơn kẻ khác. Loại sở hữu thứ nhất là một phương tiện kéo dài nhân cách của chúng ta một cách hợp lý: những vật chúng ta dùng thường xuyên được tình yêu của chúng ta phong phú hoá lên, biến chúng thành những vật dụng thân thiết với chúng ta. Chúng ta có thể học được hai loại quyền sở hữu nơi bất cứ nhà trẻ nào: một đứa bé chỉ có một món đồ chơi thì sẽ làm sung mãn món đồ chơi ấy bằng tình yêu của nó; còn đứa trẻ được nuông chiều thì vì số đồ chơi dành cho nó rất nhiều, nên nó sớm trở thành chán ngán và chẳng còn khoái chơi một món não nữa hết. Chất lượng của tình yêu giảm dần theo số lượng đồ vật được trao tặng vì người ta yêu nó… khác nào một dòng sông càng thiếu độ sâu khi càng tràn ra các thảo nguyên.

Khi thăm viếng một toà nhà rộng mà chỉ có hai người cư ngụ, chúng ta thường cảm thấy căn nhà ấy lạnh lẽo và quá rộng lớn không thể làm nơi dành cho tình yêu của con người. Bằng sự hiện diện của mình, mỗi người chúng ta có thể tô điểm cho một khoảng không gian… nhưng không hơn đâu nhé. Càng rán tậu cho được quá số đồ vật mà người ta không thể dùng để làm tăng nhân cách và tình yêu của mình thì người ta sẽ gặp phải chán nản, buồn phiền và ngán ngẩm. Ấy thế mà người ta luôn luôn gắng tăng số của cải vượt quá giới hạn sự hưởng dụng rất xa. Điều này là do niềm tin sai lầm rằng nỗi đói khát vô biên của họ có thể được thoả mãn nhờ vào sự dư giả các đồ vật vật chất: thế nhưng điều họ thực sự ước muốn lại là sự vô tận của tình yêu nơi Thiên Chúa.

Tưởng tượng của chúng ta dễ bị dẫn lạc vào niềm ước muốn một sự vô biên giả tạo một khi chúng ta bắt đầu khát mong “của cải”. Bởi vì “của cải” và “tiền bạc’ là những điều khêu gợi trí tưởng tượng, là cái chả bao giờ no thoả trong các mơ ước của mình. Những nhu cầu thực sự, chẳng hạn những thứ mà thân xác chúng ta cần thì lại khác bởi vì luôn có một giới hạn chặt chẽ đối với số lượng thức ăn cần cho bao tử chúng ta và một khi đã no rồi thì ta không còn muốn ăn thêm nữa. Chúa đã thết đãi năm ngàn người trong hoang địa bằng bánh, cá và tất cả đều no đủ. Nhưng giả sử thay vào đó Ngài cho họ 20 ngàn đô la chiếu phí thì sẽ chẳng ma nào nói rằng “một đô là đủ cho tôi!”

Chẳng bao giờ có giới hạn cho các tài khoản tín dụng, cổ phần, tài khoản tồn quỹ ở ngân hàng… vì chẳng bao giờ chúng ta nói: “Thôi đủ rồi”. Những thứ này tự thân mang nơi chúng sự vô tận đầy nét biếm hoạ khiến người ta sử dụng chúng như những thứ tôn giáo “dỏm” thay thế cho sự vô biên đích thực của Thiên Chúa. Giống như tiền bạc, ái tình và quyền lực có thể trở thành những thứ “nguỵ tôn giáo”, những kẻ đeo đuổi chúng như là cùng đích sẽ chẳng bao giờ tìm được sự thoả mãn. Những người như thế thực ra đều đang theo đuổi việc tìm kiếm Thiên Chúa nhưng họ chẳng biết được tên Ngài mà cũng chẳng biết tìm Ngài ở đâu.

Bởi vì mỗi sự gia tăng về số lượng những thứ chúng ta yêu mến thường mang lại sự giảm suy về phẩm chất tình yêu, cho nên cần sử dụng hai phương thế hy vọng sẽ giúp chúng ta giữ được lòng yêu mến tinh tuyền. Thứ nhất là biết cho đi tuỳ theo tỷ lệ chúng ta nhận được: thói quen này nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta chỉ là những quản gia tài sản của Chúa chứ không phải là các chủ nhân có thực quyền. Dầu vậy có ít người mạo hiểm làm điều này bởi vì họ sợ phải đụng đến “vốn liếng” của họ, và mỗi xu họ góp thêm vào “vốn liếng” ấy trở thành một phần của cái đống linh thiêng không được quấy rầy đến. Họ từ từ đồng hoá mình với những gì họ yêu mến và nếu đó là của cải thì chắc chắn họ không thể nào chịu nổi việc phải từ bỏ đi bất cứ phần nào trong đống của cải đã được tích luỹ đó.

Phương thế thứ hai để giữ chúng ta khỏi lòng ham hố không chính đáng là một phương thế anh hùng… đòi hỏi sự siêu thoát hoàn toàn khỏi của cải như hành vi của thánh Phaxicô Assissi cũng như tất cả những kẻ khấn giữ đức khó nghèo. Quả là có sự nghịch lý trong sự khước từ như thế bởi vì kẻ đã từ bỏ chính niềm hy vọng “đảm bảo” cho mình lại là kẻ giàu có nhất trên trần gian, là kẻ an toàn hơn hết thảy chúng ta, vì kẻ ấy chẳng thiếu thốn thứ gì hết… và đó là điều chẳng nhà triệu phú nào có thể làm nổi. Quyền năng khước từ nơi mỗi người đều mạnh mẽ hơn quyền năng chiếm hữu bởi vì chẳng người nào có thể chiếm hữu trái đất nhưng bất cứ ai cũng đều có thể khước từ nó.

Kẻ keo kiệt có thể lấp đầy ví mà chẳng bao giờ lấp đầy trái tim bởi vì họ không thể đạt được tất cả của cải mà họ có thể tưởng tượng và ao ước. Tuy nhiên những kẻ nghèo khó trong tâm hồn lại là những kẻ giàu có về hạnh phúc. Chúa đã ban cho chúng ta đủ tình yêu để chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài ngõ hầu chúng ta có thể tìm ra Đấng vô biên ở đó chứ, Ngài có cho chúng ta dư tình yêu để tàng trữ đâu!

>> Mục Lục [14]

TRIẾT LÝ VỀ LẠC THÚ

Mọi người chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Chúng ta nên sống theo nhận thức khôn ngoan sau đây. Nó bao gồm ba quy luật về lạc thú mà nếu tuân theo chúng, người ta sẽ dễ dàng đạt được hạnh phúc hơn.

Luật thứ nhất: nếu lúc nào bạn cũng phải chơi đùa thoả thích thì chẳng thể nào bạn sắp xếp cuộc sống bạn cho có thêm được thứ gì khác ngoài những vui đùa thoả thích. Lạc thú cũng như sắc đẹp vậy, nó bị điều kiện hoá bởi sự tương phản. Một phụ nữ muốn phô bày chiếc áo đầm nhung đen của mình thì nếu chị ta khôn ngoan, chị ta sẽ không đứng vào tấm màn làm phông màu đen mà là đứng vào tấm màn màu trắng. Chị cần có sự tương phản. Pháo bông sẽ chẳng làm chúng ta khoái chí nếu chúng được bắn lên bức phông màu lửa hoặc trong ánh nắng rực nồng giữa trưa. Chúng cần được bắn lên trong màn đêm tăm tối. Hoa sen mang cho chúng ta sự thích thú đặc biệt, vì những cánh hoa của nó mọc lên diệu kỳ biết bao trên vũng nước ao hồ dơ bẩn. Sự tương phản là cần thiết để giúp chúng ta nhìn thấy mỗi sự vật hiển lộ ra một cách sống động.

Cũng theo nguyên tắc ấy, người ta sẽ hưởng được lạc thú trọn vẹn nhất khi mà lạc thú ấy đến với chúng ta như là một “thú vị bất ngờ” tương phản với những kinh nghiệm vốn thường là xoàng xĩnh. Sẽ lầm lẫn kinh khủng nếu đêm nào chúng ta cũng mở dạ tiệc. Chẳng ai còn vui thú gì dịp lễ Giáng sinh nữa nếu tối nào cũng ăn tiệc vào nửa đêm. Đêm giao thừa sẽ chẳng còn làm chúng ta cảm khoái nữa nếu như đêm nào ta cũng nghe pháo nổ tưng bừng.

Sự khôi hài cũng dựa trên tính cách tương phản. Và để có vui nhộn trước một tình cảnh khôi hài thì cũng đòi hỏi sự tương phản. Nếu một vị Giám mục đội chiếc mũ lệch qua một phía đầu do sai lầm của trưởng ban lễ nghi thì ắt hẳn chúng ta sẽ bật cười ngay; tuy nhiên nếu mọi Giám mục đều đội mũ lệch y như thế thì chúng ta sẽ chẳng cảm thấy buồn cười nữa.

Niềm vui sống của chúng ta sẽ gia tăng mãnh liệt nếu chúng ta biết tuân theo mệnh lệnh thiêng liêng này là biết tự chế, biết hãm mình và từ bỏ mình trong cuộc sống. Thực hành được điều này sẽ giúp chúng ta khỏi bị mệt nhoài, sẽ bảo tồn được hương vị và niềm vui sống.

Biết tự kỷ luật với bản thân sẽ giúp chúng ta tìm lại sự hào hứng của tuổi thơ, nghĩa là biết hưởng vui thú một cách chừng mực sau khi đã cố gắng làm việc. Tương tự như chúng ta ăn tráng miệng vào cuối bữa chứ chẳng bao giờ vào đầu bữa ăn.

Luật thứ hai: lạc thú càng sâu sắc và tươi tốt hơn khi nó đã trải qua một khoảnh khắc nhàm chán hay đau đớn: luật này giúp chúng ta làm cho những lạc thú quý giá của mình được kéo dài mãi suốt cuộc đời. Để được như thế, chúng ta phải bền gan với bất cứ điều gì mình làm cho đến khi chúng ta có được cơn gió thuận. Chúng ta càng hưởng được niềm vui của việc leo núi nếu trước đó đã phải sống những phút giây kiệt sức đến ngã lòng. Người ta sẽ càng chú tâm đến một công việc sau khi đã vượt qua được khó khăn bước đầu của nó.

Cũng tương tự như thế, các cuộc hôn nhân sẽ trở nên bền vững chỉ sau khi chấm dứt những mộng mơ thiếu thực tế của thời mới bắt đầu cuộc hôn nhân. Giá trị lớn lao của lời hứa hôn nhân là vẫn giữ được đôi bạn bên nhau trong cuộc cãi cọ đầu tiên: nó trợ giúp họ lướt qua thời kỳ ân hận lúc mới đầu cho đến khi họ gặp được cơn gió thứ hai đem lại niềm hạnh phúc được sống bên nhau. Những niềm vui hôn nhân, cũng giống như mọi niềm vui to tát khác, đều được sinh ra từ nỗi đớn đau nào đó. Chúng ta đã phải tách cái hạt để hút chất ngọt thế nào thì trong đời sống thiêng liêng thánh giá cũng phải là khúc dạo đầu của triều thiên vinh thắng như thế.

Luật thứ ba: lạc thú là một sản phẩm phụ, thứ chẳng phải là một mục đích. Hạnh phúc là nàng phù dâu chứ không phải là cô dâu của chúng ta. Nhiều người đã lầm lẫn rất lớn khi nhắm đến lạc thú như là mục đích trực tiếp; họ quên mất là lạc thú chỉ đến do sự chu toàn một bổn phận hay sự vâng giữ một lề luật – bởi vì con người đã được tạo dựng để vâng theo những luật lệ của bản thân mình một cách tất yếu giống như người ấy phải tuân theo luật trọng lực vậy. Một đứa bé cảm thấy khoái khi ăn kem bởi vì nó đang thi hành một trong những “phận vụ” của bản năng con người là phải ăn. Tuy nhiên nếu cậu ta ăn kem quá mức giới hạn mà xác thân cậu cho phép thì cậu sẽ không còn có được lạc thú cậu tìm kiếm nữa mà sẽ bị đau bao tử. Tìm lạc thú mà bất chấp lề luật tức là đánh mất nó.

Chúng ta nên khởi đầu hay nên kết thúc bằng lạc thú? Có hai câu trả lời cho câu hỏi này: đó là câu của người Kitô hữu và câu trả lời của người vô tín ngưỡng. Người Kitô hữu thì nói: “Hãy bắt đầu bằng chay tịnh và kết thúc bằng tiệc tùng, như thế bạn sẽ thực sự hưởng nếm được nó. Còn người vô tín ngưỡng sẽ nói: “Hãy bắt đầu bằng bữa tiệc và kết thúc với cơn nhức đầu sáng hôm sau”.

>> Mục Lục [14]

Chia sẻ Bài này:
[15] [16] [17]