Hạnh Phúc – Chương 1

TÍNH HAY BẰNG LÒNG

Tính hay bằng lòng chẳng phải là một nhân đức bẩm sinh. Người ta sở dĩ có được nó là nhờ sự chuyên cần dốc quyết to lớn trong việc chế ngự những ước muốn hỗn loạn; vì thế đây quả là một nghệ thuật mà ít người chịu học hỏi. Bởi vì có đến cả hàng triệu tâm hồn bất mãn trong thế giới hôm nay cho nên việc phân tích bốn nguyên nhân chính gây ra bất mãn cũng như đề ra những phương cách đem lại sự bằng lòng quả là hữu ích cho họ.

Nguyên nhân căn bản thường gây ra sự bất mãn là tính vị kỷ hay còn gọi là ích kỷ tức là đặt cái ngã của mình vào trung tâm điểm và bắt mọi kẻ khác quay vòng chung quanh. Nguyên nhân kế tiếp gây bất mãn là lòng ganh tị. Tính xấu này khiến chúng ta nhìn của cải và tài năng của kẻ khác như thể là họ ăn cắp của chúng ta vậy. Nguyên nhân thứ ba là lòng ham muốn hay còn gọi là ước muốn không chừng mực trong việc đòi cho có thêm nữa nhằm bù đắp sự trống rỗng nơi tâm hồn. Nguyên nhân thứ tư gây bất mãn là lòng ghen tuông, khi thì biểu lộ qua sự sầu muộn, khi thì qua sự căm ghét những người có được những cái chúng ta ao ước cho chính mình.

Một trong những lầm lẫn to tát nhất là nghĩ rằng sự bằng lòng phát xuất từ một sự việc gì đó bên ngoài chúng ta chứ không do từ một đặc tính nơi tâm hồn. Một chú bé nọ từng chỉ ước muốn có được một viên bi, khi đã có viên bi rồi chú lại mong ước một quả banh, khi có banh rồi chú lại mong ước một con quay, có con quay rồi lại mong ước một cái diều và sau khi đã có được viên bi, quả banh, con quay và cái diều, chú bé cũng vẫn chưa cảm thấy hạnh phúc. Cố gắng làm cho một kẻ luôn bất mãn được hạnh phúc khác nào cố gắng đổ đầy nước vào một cái rổ. Dù đổ cho nhiều mấy vào đó thì nó cũng chạy tuốt hết đừng hòng giữ lại được.

Cũng không phải hễ thay đổi nơi chốn là có được sự bằng lòng. Có một số người tin rằng giả như họ ở vào một nơi chốn khác trên mặt đất hẳn họ sẽ có được sự bình an tâm hồn nhiều hơn. Vào một ngày oi bức nọ, chú cá vàng trong bầu nước và chị hoàng yến trong lồng bắt đầu chuyện vãn. Chú cá vàng nói: “Hoàng yến ơi! Ước gì tôi biết bay như chị, ước gì tôi được lên ở trên chiếc lồng ấy”. Còn chị hoàng yến nọ thì nói: “Cá ôi! Được dìm mình trong làn nước mát lạnh như chú thì thú vị biết bao! Này chú cá, hãy lên ở trên chiếc lồng này đi”. Lập tức chúng thay đổi vị trí cho nhau nhưng rồi cả hai đều không hạnh phúc vì tự nguồn căn, Thiên Chúa đã ban cho mỗi con vật một vị trí tuỳ theo khả năng của từng con, phù hợp nhất với bản chất riêng của chúng.

Điều kiện để giúp chúng ta có được sự bằng lòng là chúng ta phải biết kiềm chế, biết nhận thức được các giới hạn. Bất cứ điều gì nằm bên trong tầm giới hạn thì chắc chắn được yên tĩnh. Một khu vườn có tường chắc hẳn là một trong những chỗ yên tĩnh nhất trên trần gian; thế giới bên ngoài bị đóng lại, và xuyên qua các cánh cổng, người ta có thể nhìn ra thế gian với lòng trìu mến có khoảng cách, dù vẫn say mê nó. Cũng thế, nếu người ta biết giữ tâm hồn mình nằm trong các giới hạn (nghĩa là không tham lam, ham hố, không vượt quá tầm tay hoặc ích kỷ) thì tâm hồn con người cũng sẽ được đóng khung trong sự bằng lòng an tĩnh, vui tươi. Con người biết bằng lòng thì dù bị giới hạn cũng như bị vây bọc bởi các hoàn cảnh, người ấy cũng sẽ làm cho những giới hạn này trở thành liều thuốc chữa trị cho sự áy náy âu lo của mình. Điều quan trọng chẳng phải là khu vườn rộng một hay ba mẫu, có tường rào hay không, mà điều quan trọng là chúng ta biết sống bên trong vòng đai của nó, dù vòng đai này rộng hay hẹp ngõ hầu chúng ta có thể có được một tinh thần an tĩnh và một trái tim hạnh phúc.

Vì thế, sự bằng lòng một phần đến do đức tin – nghĩa là do sự nhận biết được mục đích của đời sống và xác tín rằng dù cho những thử thách có thế nào đi nữa thì chúng cũng đều phát xuất từ bàn tay của người Cha Từ Ái. Thứ đến, để có được sự bằng lòng người ta cũng cần phải có một lương tâm tốt lành. Nếu bản ngã nội tâm không hạnh phúc vì những vấp ngã thuộc bình diện đạo đức cũng như vì lỗi lầm chưa được đền bù, thì lúc đó không một sự vật ngoại tại nào có thể đem lại an tĩnh cho tinh thần được. Điều cần thiết thứ ba và cũng là sau cùng chính là biết hãm dẹp các ước muốn, biết giới hạn các khoái cảm. Cái gì chúng ta say đắm quá, thì thường chúng ta sẽ phải lắm luỵ phiền. Sự bằng lòng làm gia tăng niềm thích thú đồng thời làm giảm nhẹ nỗi cơ cực của chúng ta. Mọi truân chuyên sẽ nhẹ bớt nếu chúng ta biết kiên nhẫn chịu đựng chúng và những ân huệ to tát nhất cũng có thể bị tổn thương do lòng bất mãn. Những cơ cực của cuộc sống cũng đủ sâu, đủ mạnh rồi cần gì chúng ta lại góp phần gia tăng một cách không cần thiết như thế!

Bằng lòng với điều kiện hiện tại của chúng ta không có nghĩa là cứ khăng khăng không muốn cải tiến. Đối với những người nghèo khổ nhất, Kitô Giáo không chỉ bảo họ hãy bằng lòng mà còn bảo phải siêng năng làm việc. Tuy nhiên phải biết bằng lòng ngay trong tình trạng hiện tại của mình, nghĩa là ngày hôm nay bị nghèo khổ, thì trong khoảng thời gian này đức tin truyền bảo ta hãy biết hài lòng; tuy nhiên điều tốt nhất cho ngày hôm sau là ta phải rán giải phóng mình ra khỏi cái nghèo và vì thế ta sẽ cố làm việc để gia tăng sự thịnh vượng cho mình. Có thể ta sẽ không gặp được thành công, tuy vậy nếu qua thêm ngày nữa mà vẫn còn nghèo khổ, thì ta vẫn cứ chấp nhận nó và rồi cố gắng thêm cho đến khi nào đỡ khổ hơn. Như thế, sự bằng lòng liên hệ đến tình trạng hiện thời của chúng ta chứ không tuyệt đối liên quan đến toàn bộ các nhu cầu thuộc bản thể chúng ta. Một con người biết bằng lòng thì không bao giờ nghèo dù anh ta có rất ít ỏi. Còn người luôn bất mãn thì chẳng bao giờ giàu cả dù cho anh ta có rất nhiều…

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment