- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Chương 2. Nói Về Một Trái Tim

“Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới,
sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.
Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi,
và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.”

(Ed 36, 26)

Tháng sáu, tháng của những cơn nắng chói chang, của những trận mưa ngập đường xá, nhưng cũng là tháng của bầu trời mở rộng cho những cuộc du hành. Tháng sáu, tháng gặp gỡ bạn bè, tháng hẹn hò tình nhân, tháng của những trái tim, “tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa…”

Đối với chúng ta, tháng sáu là tháng mình nói chuyện với nhau về một trái tim: TRÁI TIM GIÊSU.

Trong cuộc đời, bạn đã gặp biết bao trái tim rồi, tháng sáu này, chúng ta sẽ được nghe nói đến một trái tim nữa: Trái Tim Giêsu.

Thực sự bạn và tôi, cũng như mọi tín hữu khác, chúng ta đã nghe nói đến trái tim ấy nhiều lắm rồi. Thế mà Trái Tim Giêsu ấy dường như vẫn xa lạ cách nào ấy đối với chúng ta hôm nay. Cứ nhìn mà xem, những buổi kinh lễ trong nhà thờ vào những ngày trong tháng sáu (tháng Trái Tim Chúa Giêsu) số người tham dự chẳng đông gì hơn những tháng khác, có phần còn ít hơn tháng hoa nữa là khác !

Tại sao vậy nhỉ?

Bạn có nghĩ rằng ở trên đời này, những sự gì, những con người nào không liên quan đến chúng ta, thì mình ít để tâm để ý đến không?

Có phải những cái ta phải để tâm đến hôm nay, không gì khác hơn là cơm ăn áo mặc, xe cộ, nhà ở, sức khỏe, công ăn việc làm; là xây cất sửa sang nhà thờ cung thánh, tháp chuông, nhà xứ, phòng giáo lý không?

Trong tất cả những cái âu lo cấp thiết và hợp lý ấy, Trái Tim Giêsu vẫn như một người khách lạ đứng bên ngoài cuộc đời tôi.
Có người nói (với tôi): “Chúng tôi bù đầu kiếm gạo tối ngày, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, không rảnh rang gì để bàn đến chuyện trái tim!” Người khác chán nản thốt lên rằng: “Có Ngài thì tôi cũng phải lo từng ấy việc, mà không có Ngài thì cũng từng ấy việc tôi phải lo, có khác gì đâu?”

Có lẽ người ta cho rằng: Trái Tim Đức Giêsu cao trọng, phải được tôn thờ trên tòa cao trong gia đình hoặc nơi thánh đường, như vậy mới xứng đáng! Nhưng trớ trêu thay, cái người ta nghĩ thì người ta lại không làm. Khi có thì giờ đến nhà thờ, người ta lại hay đến trước tòa Đức Mẹ hoặc các thánh thì thầm khấn vái, còn trước Thánh Tâm và Thánh Thể thì vắng lặng. Có lẽ vì thế mà trong các thánh đường, trước tòa Chúa và Thánh Thể không thấy đặt hòm tiền?

Có phải vì Đức Maria và một số vị thánh có liên quan đến công ăn việc làm của người ta hơn Đức Giêsu không? Nếu (đây chỉ là giả thuyết), nếu cha sở nào đó, trong một ngày nào đó, âm thầm cất hết Mình Thánh Chúa ở nhà chầu vào trong phòng thánh, rồi cửa nhà tạm mở toang ra, trống không, thì có lẽ kinh sách vẫn râm ran, nghi lễ vẫn linh đình, chẳng mấy ai để ý đến có sự mất mát trống vắng lớn lao trong ngôi nhà thờ đó.

Điều này cũng dễ hiểu, vì có những người tín hữu suốt đời họ không cần đến Chúa Giêsu Thánh Thể. Nếu một năm họ có rước lễ một lần, chẳng qua là vì luật buộc thôi, chứ không phải do lòng thiết tha của họ. Nhưng đối với Hội Thánh, thật đau đớn biết chừng nào!

Tin Mừng theo thánh Gioan nói: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” Kinh Thánh nói tiếp:“Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1, 10-12)

Hôm nay người ta có muốn làm con Thiên Chúa nữa không?

Đức Giêsu nói với Tôma: “Chính Thầy là con đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14, 6). Chúng ta là những người đau khổ, ở trong bế tắc, vì chúng ta đang đi tìm một đường lối giải quyết mọi việc cho hồn xác bằng khả năng sức lực riêng của mình, cho nên chúng ta thường đụng đầu vào ngõ cụt.

Chỉ có một cách duy nhất cho chúng ta và cho mọi người trên thế giới hôm nay là: đặt tất cả vận mệnh của từng người vào trong bàn tay của một Con Người. Con Người ấy đã chết, đã phục sinh, và hiện nay vẫn đang sống giữa chúng ta. Chỉ có một Con Người ấy mới thực sự là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống cho thế giới. Con Người ấy là Giêsu, Đấng Thiên Chúa có trái tim thể lý như mọi người, nhưng khác trái tim mọi người về bản chất, là vì trái tim ấy là trái tim của tình yêu.

Trái Tim ấy đang là Con Đường cho chúng ta phải đặt cuộc sống mình suốt đời trên con đường ấy. Là Sự Thật, vì chỉ nơi trái tim ấy mới tỏ hiện được sự thật nhãn tiền này là: hôm nay Thiên Chúa đang có mặt giữa loài người, và nhất quyết cứu loài người. Và tất cả sự thật đều phải phát xuất từ Con Người này. Là Sự Sống, vì những ai ở ngoài Đức Giêsu là những kẻ ở trong sự chết.

Chính Con Người Giêsu ấy hôm nay có mặt, đang cầm vận mệnh của lịch sử nhân loại cũng như của từng người, và có quyền năng làm cho cuộc đời của từng người thoát ra khỏi mọi bế tắc.

Chúng ta khổ vì chúng ta không gặp được Con Người Giêsu ấy, hoặc có gặp rồi thì cũng chỉ gặp được một Giêsu giả, một người nào đó giống như Ngài mà không phải Ngài,vì người ta không giới thiệu Ngài cho chúng ta như “Chính là Ngài”. Chính vì thế mà đi đạo Chúa Kitô tôi thấy mình vẫn khổ như hoặc khổ hơn những kẻ không đi đạo. Vì, nếu nói theo xác thịt, thì những người kia không bị một lề luật nào ràng buộc cuộc sống họ, không bị ám ảnh bởi hình phạt của hỏa ngục như tôi, không bị đe dọa “cắt phép thông công” nếu có ý kiến khác hoặc đi ngược lại “các đấng các bậc”. Họ không phải vất vả để cố chiếm cho được nước Thiên Đàng (như tôi), một nước ở cõi xa xăm mơ hồ nào đó mà không bao giờ tôi có thể tưởng tượng ra nó như thế nào.

Từ bế tắc này đến bế tắc kia, tôi không muốn đến nhà thờ nữa. Sự thể bi đát như vậy vì tôi đã đi theo một tôn giáo, mà không đi theo một Con Người (Ga 3, 16; 4, 42; 14,1). Tôi đã đi theo một tôn giáo “có qua có lại”, xin ơn rồi tạ ơn. Ơn lớn lễ tạ lớn, ơn nhỏ lễ tạ nhỏ. Cúng lớn, bằng ân nhân lớn, cúng nhỏ bằng ân nhân nhỏ. Nhưng nếu rủi tôi sinh ra kiếp nhà nghèo, không phải là “đại gia” hay “doanh nghiệp”, hai bàn tay đen suốt ngày lam lũ, không đủ làm đầy cái miệng, thì lấy gì mà “lễ lạt”, mà “có đi có lại”, mà có bia đá tri ân? Lúc ấy cái cơ khổ của tôi không thần thánh nào đoái hoài tới hay sao?

Cái khổ của tôi là do chính tôi tự đặt ra cho mình một thứ tôn giáo, rồi “suy bụng ta ra bụng… các Đấng”! Như vậy, tôi đã tự chất trên đôi vai tôi những gánh nặng mới, làm khổ thêm cho tôi, và còn làm đau lòng Đức Mẹ và các thánh nữa. Đau lòng hơn cả là Con Người Giêsu, Đấng có một Trái Tim chỉ biết yêu. Bởi khi nào Người không yêu tôi, thì Người không còn là Giêsu Kitô nữa.

Nói một cách khác, khi nào Trái Tim Đức Giêsu không thổn thức trên những khổ đau đời tôi, thì Ngài không còn là Ngài nữa, vì Ngài là thiên Chúa tình yêu mà! (1Ga 1, 7; Rm 8, 35)

Kinh Thánh quả quyết: “Chính người đã mang lấy các bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53,4). Ngài đến trong thế gian chỉ có một mục đích đó thôi: yêu thương, mang vác tất cả tội lỗi của tôi, chữa lành, cho ăn no nê, khoác tôi lên vai và đưa tôi về. Tất cả mọi biến cố lớn nhỏ trong đời tôi, như như một sợi tóc trên đầu rớt xuống, cũng đều rơi vào trong tình yêu Giêsu. “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi.” (Gr 1, 4). Nên chú ý chữ “biết” trong Kinh Thánh. Thiên Chúa biết ta thiếu thốn mọi sự, và Ngài đã sắm sẵn tất cả để đặt ta trong tình yêu của Ngài.

Chỉ một giây thôi, cuộc đời tôi không có sự “biết” của Giêsu, lúc ấy tôi chẳng còn là tôi nữa, tôi trở thành một tạo vật tối tăm, vô cùng khốn đốn, vì “đã bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3, 23), và đã bị văng ra khỏi quỹ đạo tình yêu rồi.

Thưa bạn, vì lòng mến Đức Giêsu Kitô, tôi xin bạn đừng nhìn vào những đạo đức mà bạn đã lao công khổ sức luyện tập, mà chỉ nhìn vào Trái Tim Giêsu với lòng thành tín đón nhận tất cả những gì Ngài muốn trao ban, bạn sẽ thấy.

Bạn và tôi đau khổ, chán chường, nghi ngờ mọi sự, chẳng còn biết tin vào ai trên đời này. Những cái đó là có thật, nhưng đó không phải là sự thật mà bạn và tôi phải chịu như thế, vì đã có một người gánh chịu cho chúng ta, xin bạn hãy đọc những lời này: “Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5, 7). Xin bạn nhớ cho, Kinh Thánh nói “hãy trút cả”, chứ không nói “trút một phần”.

Có cha mẹ nào nói với con cái mình như thế không? Có người yêu nào dám nói câu đó với nhau không? Chỉ có Giêsu mới có tình yêu ấy, chỉ có mình Ngài mới thương bạn và tôi đến như thế, nên Ngài lo đến bạn và lo cho tôi.

Trái Tim Đức Giêsu liên quan mật thiết đến cuộc đời mọi người và từng người. Nếu tôi thật lòng ký thác đời tôi cho Ngài làm chủ, thì những lo âu, bệnh hoạn, những bế tắc cùng đường, những cô đơn sầu tủi của tôi là của Ngài. Những lo toan cơm ăn áo mặc, sức khỏe, nhà xứ nhà thờ của tôi là của Ngài. Chính Ngài đã nói với tôi: “Đừng sợ, hỡi đoàn chiên nhỏ bé” (Lc 12, 32) “Trong Thầy, anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó” (Ga 16, 33).

Muốn biết người chồng thế nào thì hỏi người vợ.

Muốn biết Đức Giêsu thế nào thì hỏi Hội Thánh, vì Hội thánh là hiền thê Đức Giêsu Kitô.

Bây giờ chúng ta đặt vấn đề với nhau. Nếu có người đến yêu cầu: “xin nói về tấm lòng Đức Giêsu cho chúng tôi nghe”, lúc ấy chúng ta sẽ nói thế nào?

Trong công nghị Do thái, Gioan va Phêrô nói thế này: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi không thể không nói ra.” (Cv 4, 20)

Muốn nói về Trái Tim Giêsu, phải đụng vào con người ấy. Phải ngỡ ngàng: “Quả thật, Con Người ấy hôm nay có thật trong cuộc đời tôi!”Phải nghe được tiếng của Ngài trong chính con tim của tôi. Khi ấy Thánh Thần sẽ thôi thúc tôi nói. SứcThánh Thần mạnh đến nỗi Phêrô và Gioan phải thốt lên: “Chúng tôi không thể không nói.”
Bạn có nghĩ rằng giáo dân chán ngán Đạo, và những người ngoài Hội Thánh không thích Đạo vì chưa bao giờ họ được nghe nói về Con Người Giêsu đích thực, và về Trái Tim Yêu Thương của Ngài không?

Vậy bây giờ tôi phải làm gì (Cv 2, 37)? Chúng ta chẳng có khả năng để làm gì cả. Nếu chúng ta có được khả năng làm cho mình và người khác yêu mến Trái Tim Chúa Giêsu, thì quả thật trái tim ấy nghèo nàn và không hấp dẫn bao nhiêu. Kinh Thánh nói: “Ai yêu thì biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 7). Muốn biết Thiên Chúa, muốn biết Trái Tim Chúa Giêsu thì phải yêu. Học giả, tiến sĩ, khoa học kỹ thuật không thể nào biết Trái Tim Giêsu. Yêu thì biết, vì “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 8).

Vậy chúng tôi có khả năng yêu không? Nếu nói là không thì bạn không hài lòng. Vì sống trên đời này, phàm là con người thì phải biết yêu. Ai không yêu đó là một quái vật. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, tình yêu của loài người đã méo mó lệch lạc vì bị nhuốm tội rồi.

Muốn yêu Thiên Chúa thì phải yêu bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Muốn nhìn thấy Thiên Chúa thì phải nhìn trong ánh sáng của Ngài. Kinh Thánh nói: “Vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5)

Đức Giêsu có tài năng, không liên quan gì đến tôi. Đức Giêsu là Thiên Chúa, không liên quan gì đến tôi. Tấm lòng của Ngài thế nào? Ngài có yêu tôi không? Biết được tấm lòng của Ngài, tôi mới trao thân gởi phận cho Ngài.

Muốn biết được Đức Giêsu thì phải nhìn kỹ, chiêm ngắm hằng ngày trong chính đời tôi mới thấy được tấm lòng của Ngài. Làm được như vậy, phải cậy nhờ Thánh Thần bằng cầu nguyện.

Lạy Trái Tim Giêsu, tình yêu điên dại của đời con, Ngài đã ban tất cả mạng sống Ngài cho con, mà chỉ nhận được một trái tim đen đủi vô ơn lạnh nhạt của con. Xin thương xót con.

Ôi Trái Tim Giêsu đáng yêu, đáng mến, con yêu mến Ngài.

Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]