Khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam

<< Nhiều gia đình phải sống trên đò vì không có đất dựng nhà

Khoảng cách thu nhập giữa người giàu và nghèo đã tăng từ 8,9 lần năm 2008 lên 9,2 lần năm 2011

2 thập niên xây dựng quan hệ với phương Tây và Đông Á giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng đáng khen và đưa hơn 28 triệu người thoát nghèo, giảm tỷ lệ đói nghèo từ 58% năm 1993 xuống 12% trong năm 2011.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là trong khi chuyển sang kinh tế thị trường, khoảng cách thu nhập ngày càng tăng đang biến Việt Nam thành một đất nước với 2 thế giới tách biệt.

Chỉ số Gini-coefficient của Việt Nam, mặc dù thấp hơn một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan nhưng có dấu hiệu tăng đều qua các năm qua kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế của Đại học Liên Hiệp Quốc (UNU-WIDER).

Chỉ số này được sử dụng để đo khoảng cách giàu nghèo ở mỗi nước, với phạm vi từ 0 đến 1.

Chỉ số Gini-coefficient gần đây nhất của Việt Nam được công bố là vào năm 2010, ở mức 0,43.

Tổng Cục Thống kê Việt Nam (GSO) cho biết, chỉ số Gini-coefficient trên 0,4 được xem là báo động ở mức nguy hiểm đối với khoảng cách thu nhập tại một quốc gia.

Báo cáo của Cục thống kê Quốc gia Việt Nam cho thấy, khoảng cách thu nhập giữa người giàu và nghèo tại Việt Nam đã tăng từ 8,9 lần trong năm 2008 lên 9,2 lần trong năm 2011.

Thu nhập trung bình của khu vực thành thị như thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2012 cao hơn gần gấp 10 lần thu nhập trung bình của nhóm thu nhập thấp.

Khảo sát của GSO cũng cho thấy chi tiêu giáo dục của tầng lớp giàu có tại Việt Nam cao hơn 6 lần, khoản chi tiêu cho y tế cao hơn 3,8 lần và các khoản chi tiêu vào giải trí, thể thao, văn hoá cao hơn đến 131 lần so với tầng lớp thu nhập thấp.

Khu vực nông thôn luôn phải chịu những bất cập về nguồn nước sạch, giáo dục, cơ sở hạ tầng và diện tích đất canh tác cũng như việc làm ngày càng bị thu hẹp trong quá trình công nghiệp hoá.

Thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội nói Việt Nam những năm qua đã mất khoảng 200.000 ha đất cho các dự án công nghiệp, sân golf, căn hộ, biệt thự.

Điều này có nghĩa là gần 2,5 triệu lao động mất việc làm và người nông dân có tới 3-4 tháng nông nhàn mỗi năm.

Nông dân sau khi mất đất cũng không được giải quyết việc làm triệt để.

Một ví dụ ở Vinh cho thấy trong tổng số hơn 3.000 lao động nông nghiệp được giải quyết việc làm, chỉ có khoảng 1/10 được vào làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp với mức thu nhập từ 1,8 triệu đến 2,5 triệu đồng.

Lao động nông thôn ra thành thị làm bị trả công rẻ mạt và thường xuyên phải làm việc trong điều kiện rất kém.

Những tấm hình chụp những người tàn tật, già cả hay những em bé hành khất trên những con đường sầm uất, cạnh những toà cao ốc hiện đại của các thành phố lớn ở Việt Nam có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu trên mạng.

Và cũng không phải là khó để tìm thấy hình ảnh con cái hoặc những người có quan hệ thân cận với những quan chức cấp cao trong hàng ngũ Đảng Cộng sản trong những bộ cánh sang trọng, những bữa tiệc, họp báo hay khảo sát một công trình của công ty mà họ được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo ở độ tuổi còn rất trẻ.

Giới phân tích nhận xét suốt những năm qua, tăng trưởng Việt Nam cũng đã dựa vào lực lượng lao động trẻ dồi dào với giá rẻ mạt.

Sự thao túng của Nhà nước trong chính sách kinh tế, xã hội, chính trị đang gần như không cho người dân một sự lựa chọn.

Phó Thủ tướng Đức, ông Philipp Roesler, trong chuyến thăm Việt Nam đã phát biểu tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân ngày 18-9 rằng “với những người không được tự do để chọn cho mình cách suy nghĩ và hành động độc lập, thì sẽ không có kinh doanh, và thiếu tự do kinh tế cũng sẽ không có tự do xã hội”.

“Một đứa trẻ mồ côi thời chiến tại Việt Nam được nhận làm con nuôi (ông Philipp Roesler nói về mình) mà có cơ hội vươn lên trong một xã hội dân chủ như vậy, và gánh vác trách nhiệm lớn thì đó là bằng chứng nền dân chủ có thể tạo ra sức mạnh như thế nào”, ông Roesler nói thêm.

Nhà báo Thomas Fuller có lẽ cùng đồng ý với những ý kiến trên khi kết bài viết về khoảng cách giàu nghèo trên tờ New York Times trong tháng Chín bằng câu ca dao Việt Nam:

“Con vua thì lại làm vua,
Con sãi ở chùa lại quét lá đa,
Khi nào dân nổi can qua,
Con Vua thất thế lại ra quét chùa.”

(Tổng hợp từ: bbcvietnamese.com)

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment