Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Việt Nam (1)

I. ĐỨC BIỂN ĐỨC TUYÊN BỐ TỪ NHIỆM

Lúc 11 giờ ngày 11.02.2012, Công nghị Hồng y được Đức Thánh Cha triệu tập với nghị trình nguyên thủy là thảo luận về 3 cuộc phong thánh. Nhưng trong Diễn từ, Người đã tuyên bố rời bỏ sứ vụ Giám mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có nghị lực cả thể xác lẫn tâm hồn, nghị lực mà trong những tháng gần đây bị suy giảm nơi tôi đến độ tôi phải nhìn nhận mình không có khả năng thi hành tốt sứ mạng đã được trao phó. Từ ngày 28.02.2013 lúc 20 giờ, Tòa Thánh Phêrô sẽ trống và những ai có thẩm quyền cần phải triệu tập Mật Nghị Hồng y để bầu vị Giáo Hoàng mới.

Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa toàn năng, với Lý trí siêu việt, đã hoàn tất tiến trình tác thành trời đất và tạo dựng nên nhân loại. Người có Tự do toàn quyền trao ban sự hiện hữu và sự sống cho con người chúng ta. Chính vì vậy, mọi người nam hay người nữ đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26-27), được mời gọi hãy trở thành dấu chỉ hữu hình và là dụng cụ hữu hiệu để tỏ lộ hành vi tặng không của Thiên Chúa khi đặt họ vào vườn để canh tác và trông coi các công trình sáng tạo khác (x. số 26 Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo). Vì giống Thiên Chúa, con người cũng có Lý trí và sự Tự do. Do đó, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói : « Sau khi nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi tới sự chắc chắn rằng sức lực của tôi… » và « Vì thế, với ý thức rõ ràng về hành vi hệ trọng này, với tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố từ bỏ…», phù hợp với Giáo luật điều 332 khoản 2: « Nếu Giáo Hoàng Rôma từ nhiệm, muốn cho hợp lệ thì việc từ nhiệm này phải được thực hiện cách tự do và phải được bầy tỏ đúng cách, chứ không cần được bất cứ ai chấp nhận ».

Sau đó, Đức Hồng y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, nói với Đức Thánh Cha : « Sứ điệp cảm động của Ngài đã vang lên trong Hội trường này như một tiếng sấm giữa trời thanh quang. Chúng con ngỡ ngàng khi nghe sứ điệp, như thể không tin được. Trong những lời Đức Thánh Cha, chúng con nhận thấy có lòng yêu mến nồng nhiệt của Ngài đối với Hội thánh Chúa, Giáo hội mà Ngài yêu mến dường nào… Nhân danh Hồng y đoàn, những cộng sự viên quí mến của Đức Thánh Cha, để nói rằng chúng con gần gũi với Ngài hơn bao giờ hết như đã gần gũi với Ngài tám năm rạng ngời triều đại Giáo Hoàng của Ngài… »

Lúc 17 giờ ngày 13.02.2013, Đức Biển Đức 16 đã cử hành Lễ Tro và cũng là Thánh Lễ cuối cùng trước sự hiện diện đông đảo tín hữu, trong tư cách Giáo Hoàng. Đồng tế với Đức Thánh Cha có lối 60 Đức Hồng y và Đức cha. Nhiều vị trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh tham dự Thánh Lễ với đông đảo giáo hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha cho biết truyền thống rất cổ kính cử hành chặng thứ I Mùa Chay tại Vương cung thánh đường thánh Sabina trên đồi Avventino, nhưng do hoàn cảnh đặc biệt, để nhiều người có thể tham dự cùng cầu xin sự cầu bầu thánh Phêrô với Vị Mục Tử Tối Cao là Chúa Kitô, nên được dời về đây. Đức Thánh Cha nói: « Đối với tôi, đây là cơ hội thuận tiện để cám ơn tất cả mọi người, nhất là các tín hữu thuộc giáo phận Roma, trong lúc tôi sắp kết thúc sứ vụ Phêrô, và tôi xin mọi người đặc biệt nhớ đến tôi trong kinh nguyện ».

Các lãnh đạo tôn giáo và chính trị khắp thế giới đều bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng tôn kính, trước tin Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tuyên bố từ nhiệm vì lý do sức khoẻ. Thủ tướng Đức, quê hương Đức Thánh Cha, Angela Merkel cho biết bà vô cùng tôn kính quyết định khó khăn đó của Đức Giáo Hoàng, và nói rằng Người là một trong những nhà tôn giáo vĩ đại nhất thời đại chúng ta. Phát ngôn nhân ngoại vụ Giáo hội Chính thống Nga nhận xét sẽ không có đổi thay nhiều trong chính sách Toà Thánh Vatican sau khi Đức Giáo Hoàng từ chức. Trưởng Giáo sĩ Do thái Yona Metzger ca ngợi Đức Giáo Hoàng trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa Do thái giáo và Công giáo vốn giúp làm giảm tình trạng bài Do thái trên toàn cầu.

Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc (Strasbourg, Pháp) : « Thán phục bởi lẽ thứ nhất quyết định này cách đây 600 năm mới xảy ra. Thứ hai vì đây là cái mới mẻ. Người ta chờ đợi nơi Ngài là một vị Giáo Hoàng luôn luôn tuân thủ cái truyền thống đã 600 năm. Bây giờ thấy cái cử chỉ của Ngài lần này tỏ ra Ngài là người có can đảm: trung thành với quan điểm Ngài, đồng thời tuân phục luật của Giáo hội nên người ta rất thán phục. »

Trước những trào lưu tục hóa Tôn giáo, lập trường bảo vệ Tín lý Công giáo của Đức Thánh Cha thật vững vàng và sáng ngời. Luận án Tiến sĩ của Ngài là về Thánh Augustin, một vị Thánh lớn của Giáo Hội, Giám mục Tiến sĩ. Đức Biển Đức đã thông suốt đời sống thế tục hiện sinh của vị Thánh này. Do đó, Ngài sẳn sàng đối đáp với những trào lưu tấn công vào Giáo hội Công giáo. Lập trường của Ngài rất rõ rệt về những vấn đề của thời đại: Gia đình, được xây dựng bởi hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là nền tảng của xã hội, trường học về đạo và đời, nơi sự sống con người bắt đầu từ khi thụ thai và chết một cách tự nhiên.

Đức Thánh Cha luôn vững tin nơi mình và sẵn sàng tìm hiểu vấn đề để giải quyết. Trong những thập niên 60, 70 và 80 thế kỷ trước, Phong trào Thần học Giải phóng nổi lên tại Nam Mỹ châu do ảnh hưởng của chủ thuyết cộng sản đang thịnh hành, nhằm tấn công vào Vatican còn mạnh hơn những vấn đề thời nay. Đức Hồng y Giuse Ratzinger, Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức Tin, đã quyết tâm chống lại Phong trào này và, ngày nay, Thần học Giải phóng gần như không còn được nghe đến nữa. Khi làm việc tại Roma, nhất là về việc bảo vệ Đức Tin, người ta nhận thấy nơi Ngài hình ảnh của con người Giáo điều, được mệnh danh là con người bảo thủ. Nhưng với sự từ nhiệm này, Ngài đã làm một hành động cách mạng, xứng đáng là một bài học cho những lãnh đạo tôn giáo và chính trị khi nhận biết sự vô năng của mình và tự do quyết định.

Thời gian gần tám năm thi hành trách vụ Giáo Hoàng, với tấm lòng thương yêu Dân tộc Việt, Ngài luôn ước muốn mọi công dân đất Việt được hưởng sự Tự đo, Dân chủ như Dân tộc các quốc gia khác trên thế giới. Nhà nước cộng sản không thể giam cầm đồng bào trái luật, xúc phạm thân thể và đánh chết người dân. Bởi thế, Đức Biển Đức XVI đã vui lòng tiếp đón các Lãnh đạo Việt Nam, kể cả ông Nguyễn Phú Trọng, người mà, gần đây, chính phủ Ba Tây từ chối tiếp vì ông chỉ là Tổng thư ký đảng cộng sản.

II. ĐỨC BIỂN ĐỨC TIẾP CÁC GIỚI CHỨC CẦM QUYỀN

Trong buổi triều yết ngày 27.04.2005, Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa niên hiệu Biển Đức XVI : « Tôi chọn niên hiệu Biển Đức để nhớ đến Đức Biển Đức XV đã lèo lái con thuyền Giáo hội trải qua thời buổi nhiễu nhương Thế chiến thứ I. Theo chân Ngài, tôi muốn làm hòa và tạo sự hòa hợp giữa con người với nhau và giữa các dân tộc. Danh hiệu Biển Đức còn là tên thánh lập dòng Biển Đức chiêm niệm nữa ».

1.- Đáp lời mời của Chủ tịch Hội đồng Tổng trưởng Ý Romano Prodi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm nước này và ngày 25.01.2007, đã hội kiến với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI. Đa số dư luận trong nước ‘hồ hởi’ cho rằng ‘chắc chính phủ Việt Nam muốn có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican, như một bước tiếp theo logic của những nỗ lực hội nhập của mình vào cộng đồng thế giới’ vì ‘Việt Nam chứng tỏ đầy đủ khả năng để thực hiện cuộc hội nhập vào cộng đồng quốc tế, uy tín của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng hơn nữa, sau khi Việt Nam vừa mới được trở thành thành viên thứ 150 của WTO hôm 07.11.2006, tổ chức thành công Hội nghị APEC 12-19.11.2006. Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã đưa nước này ra khỏi danh sách những nước đáng quan tâm về mặt tự do tôn giáo hồi tháng 11/2006. Kết quả, Sự Thật không như vậy do suy luận dựa trên những lý do không thật : Việt Nam chỉ được chấp nhận vào WTO sau khi Trung cộng đã là thành viên của tổ chức thương mại này và Hoa kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước đáng quan tâm về mặt tự do tôn giáo vì khi cần phiếu cử tri gốc Việt để Tổng thống Bush ‘con’ có nhiệm kỳ hai và bỏ khi cần có một quà để Bush tặng cho Việt Nam khi đến dự Hội nghị APEC.

Quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh không thấy thiết lập và, cuối năm 2007, chỉ thấy việc cướp đất tại Tòa Khâm sứ cũ. Sáng ngày 30.12.2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Tòa Tổng Giám mục Hà nội để gặp và trao đổi với Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô quang Kiệt về những gì đang xảy ra xung quanh vụ việc Toà Khâm Sứ trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, Đức Tổng Giám mục và Thủ tướng đã sang quan sát hiện trường và nghe Đức Cha giải thích. Thủ tướng cũng thấy những người đang cầu nguyện và ký tên vào kiến nghị yêu cầu trả nhà đất Toà Khâm sứ… Điều chắc chắn là cuộc cầu nguyện và hát ‘Kinh Hòa Bình’ không là một hành vi phạm pháp vì chẳng lẽ Thủ tướng lại đến thăm viếng một nơi đang xảy ra những diễn tiến bất hợp pháp ? Ngày 01.02.2008, hãng tin AsiaNews cho biết, theo nguồn tin từ Giáo hội Công giáo Việt Nam, nhà cầm quyền đã quyết định để cho người Công giáo sử dụng cơ sở nói trên mà theo nguyên văn bài báo AsiaNews là ‘để tỏ thiện chí và sự kính trọng của nhà cầm quyền đối với Đức Thánh Cha’.

Sau đó, thư của Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh gửi Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, được công bố. Theo đó, Ngài bày tỏ sự khâm phục đối với giáo dân Hà nội và những cuộc biểu dương ôn hòa của họ, đồng thời Ngài cũng bày tỏ mối quan ngại về cuộc biểu dương có thể vượt khỏi sự kiểm soát. Vì lý do này Đức Hồng y thúc giục mọi người trở về tình trạng bình thường. Nhân danh Đức Thánh Cha, Ngài thường xuyên được báo cáo về những diễn biến đang xảy ra, Đức Hồng y xin Đức cha vui lòng can thiệp, để tránh được những hành động có thể gây mất trật tự công và để có thể tái lập cuộc đối thoại với giới Cầm quyền hầu tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề tế nhị này. Đức Hồng y đoan chắc rằng Tòa Thánh, như vẫn làm từ trước tới nay, sẽ luôn chuyển đạt những nguyện vọng chính đáng của người công giáo Việt Nam lên Chính phủ nước của Đức cha. Cuối cùng, Tòa Khâm sứ cũ và, sau đó, một phần đất Giáo xứ Thái Hà đều biến thành những ‘vườn hoa công cộng’.

2.- Sáng ngày 11.12.2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến Chủ tịch Nhà nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết trong 35 phút. Sau đó, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm vào gặp Đức Thánh Cha trước khi 9 vị khác trong đoàn tùy tùng được mời vào chào Ngài. Tiếp theo, ông Nguyễn Minh Triết đã gặp Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Ngoại trưởng. Phái đoàn rời Vatican lúc 12 giờ 10, sau hơn một giờ viếng thăm và hội kiến.

Cũng như khi Đức Thánh Cha tiếp Thủ tướng Việt Nam, trước cuộc gặp gỡ, đã có nhiều sự đồn đoán. Có người cho rằng đây là một bước đi thiện chí phía Nhà nước Việt nam trên bước đường hội nhập quốc tế. Có người cho rằng đây là thiện chí của Vatican trên con đường hòa hợp, hòa giải để mưu cầu những điều kiện tốt hơn cho nhân dân Việt nam nói chung, nhất là đối với giáo dân. Trước khi đặt chân đến điện Vatican, ông Nguyễn Minh Triết đã nói: « Chúng tôi đang tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh ». Sau cuộc gặp gỡ, Vatican đã đánh giá là có tiến bộ mới trên bước đường quan hệ giữa hai bên.

3. Sáng ngày 22.01.2013, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp kiến Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, khi ông hướng dẫn phái đoàn cấp cao Đảng và Nhà nước công du Tây Âu. Sau khi hội kiến chừng 30 phút, Đức Thánh Cha đã chào gặp chung 10 người trong đoàn tháp tùng. Tiếp theo, họ đã gặp gỡ và hội kiến với Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, với sự hiện diện của Đức cha Dominique Mamberti, Ngoại trưởng, và các viên chức cao cấp Bộ ngoại giao Tòa Thánh. Khi nói chuyện, Tòa Thánh ước muốn những vấn đề còn tồn động sớm được sớm được giải quyết và sự cộng tác phong phú hiện nay cần được củng cố.

Giới quan sát nhận định Đức Thánh Cha thường không tiếp ai vào ngày thứ ba và, rất hiếm, Ngài tiếp riêng các chính khách không phải là nguyên thủ quốc gia hay Thủ tướng chính phủ. Nhưng Đức Thánh Cha, Người của Hòa bình, không ngần ngại ‘phá lệ’ để tiếp một lãnh tụ cộng sản vì Hạnh phúc cho người dân một nước độc đảng và nhà nước độc tài. Một điểm khác, hành động này của Ngài vô tình tạo sự quân bình về ngoại giao giữa Tổng Bí thư Đảng và Thủ tướng đang tranh chấp từ sau Hội nghị Trung ương Đảng từ ngày 01 đến 15.10.2012. Người ta cũng lưu ý về việc phái đoàn ông Trọng cũng đã đi vào Vatican qua ngõ Quảng trường Thánh Phêrô, một đặc ân chỉ dành cho nguyên thủ các quốc gia hay lãnh đạo chính phủ. Không như tại các quốc gia dân chủ, tại Việt Nam, trước ông Trọng, các Tổng Bí thư Đảng đầy quyền lực, được gọi là nhân vật số 1. Chuyến đi của ông tới Vatican ít được báo chí nhà nước nhắc tới như các chuyến đi của hai ông Dũng và Triết.

Ngoài ra, nhân dịp Đoàn đại biểu Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Trung tướng Phạm Dũng dẫn đầu tham dự khóa họp lần thứ 81 Interpol (Cảnh sát quốc tế) diễn ra tại Roma. Ngày 07.11.2012, khi phái đoàn đang họp với Đức Tổng Giám mục Savio Hàn Đại Huy, Tổng thư ký Bộ Phúc âm hóa các dân tộc (Bộ Truyền giáo), có sự hiện diện của Đức Giám quản Giáo phận Rôma và ông Saverio Ruperto, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ý, trên đường đến dự buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã dừng lại chào một số thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam.

(Còn tiếp một kỳ)

Hà Minh Thảo

VietCatholic News

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment