Blogger bị cầm tù: Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến

Các nhóm nhân quyền nói có hàng trăm người bị cầm tù nhưng chính quyền phủ nhận

Các nhà hoạt động blogger nói họ bị đối xử giống như những kẻ khủng bố quốc tế, bị bí mật chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác, bị biệt giam, còn gia đình thì không ngừng bị quấy rối.

Trong khi Việt Nam khẳng định nước này không có tù nhân chính trị, và vì vậy sẽ không bình luận về vấn đề này, các nhóm nhân quyền ước tính có hàng trăm nhà hoạt động bị bỏ tù vì lên tiếng chống chế độ Cộng sản độc đảng, trong đó có ít nhất 46 người bị bỏ tù trong năm nay.

Các nhà hoạt động nói trong khi tội phạm bình thường đã gặp những điều kiện khó khăn rồi, các tù nhân lương tâm còn chịu cảnh đối xử đặc biệt tàn nhẫn trong tù.

Các nhà tù có khu dành riêng cho tù nhân chính trị và ở đó “bất kỳ chuyện gì cũng có thể xảy ra và không một ai biết”, theo Nguyễn Trí Dũng, con trai của blogger nổi tiếng Điếu Cày, người đang thụ án 12 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước.

Giống như nhiều nhà bất đồng chính kiến khác, Điếu Cày, có tên thật là Nguyễn Văn Hải, từ chối nhận tội.

Hiện nay, người thân của anh tin rằng anh đang bị phạt tù vì thái độ công khai kháng cự này.

Từ khi bị giam vào năm 2008 vì tội trốn thuế, Điếu Cày được chuyển tù 10 lần, theo gia đình anh, nhưng gia đình chưa bao giờ được báo trước.

Nhà bất đồng chính kiến bị cầm tù này, trường hợp của anh đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu lên, liên tục bị ép ký giấy nhận tội cũng như bị hạn chế lượt khách viếng thăm, người thân của anh kể.

Con trai anh cho biết cũng đã nhiều lần bị chính quyền bắt giam, lúc nào cũng dưới 24 tiếng đồng hồ, làm anh bị gián đoạn việc học hành và bỏ thi.

Dùng những lời buộc tội mập mờ và vu cáo là cách mà chính quyền dùng để cảnh báo các nhà hoạt động cần từ bỏ vận động, các chuyên gia nói.

Một blogger nổi tiếng nữa là Luật sư Công giáo Lê Quốc Quân bị xét xử hôm thứ tư vì tội trốn thuế.

“Rõ ràng Lê Quốc Quân bị kết tội là vì anh là một người chỉ trích chính quyền Việt Nam có ảnh hưởng trong công chúng”, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), có trụ sở đặt ở New York, nói hôm thứ ba, trong khi kêu gọi trả tự do cho luật sư 41 tuổi này.

Ở trong tù, chính quyền Việt Nam luôn bất khoan dung với các tù nhân không nhận tội, theo một nhà hoạt động bị cầm tù 5 năm trước đây.

“Chính quyền sợ họ sẽ tác động đến các tù nhân khác và gây chuyện”, anh nói.

Tù nhân chính trị và hình sự bị giam riêng và bị đối xử khác nhau”, anh nói với điều kiện giấu tên.

“Tù nhân hình sự trong các nhà tù Việt Nam có thể mua bất cứ thứ gì từ thức ăn đến thuốc lá và cả hêrôin”, anh cho biết, nhưng tù nhân chính trị thường không được phép mua sách hay giấy viết và bị giam trong phòng riêng.

Chính quyền độc tài Việt Nam không cho phép thanh tra độc lập các nhà tù.

Nhưng các chuyên gia nói thời gian biệt giam tuỳ hứng, một biện pháp được dành cho các tù nhân chính trị, có thể là hình thức tra tấn theo Công ước Chống Tra tấn được Việt Nam nói sẽ thông qua trong năm nay.

“Theo các báo cáo chúng tôi nhận được cho thấy đây là việc làm thường gặp và quyết định biệt giam một người nào đó là tuỳ hứng, dựa theo quyết định của giám thị cai tù”, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW Phil Robertson nói.

‘Cô lập các nhà hoạt động’

Các cựu tù nhân chính trị và người thân của họ được phỏng miêu tả cảnh gia đình bị quấy rối dữ dội: từ việc ép bạn bè cắt đứt liên lạc đến từ chối cấp giấy phép kinh doanh dùng để kiếm sống.

Làm như thế là để “cô lập các nhà hoạt động chính trị… và đe doạ gia đình và bạn bè”, nhà hoạt động từng bị giam trước đây nói.

“Họ tìm nhiều cách khác để kiểm soát, thuyết phục hay làm mất uy tín của các nhà hoạt động”, họ nói.

Áp lực dành cho gia đình và bạn bè khiến cho nhiều nhà bất đồng chính kiến rốt cuộc bị tách ly khỏi cuộc sống bình thường ở Việt Nam, và việc này vốn thường làm họ quyết tâm hơn.

“Những người khó khăn là những người sẵn sàng kháng cự và rồi bị khai trừ và lúc đó họ sẽ hành động còn kiên quyết hơn”, Bill Hayton, tác giả cuốn Rising Dragon bị cấm tại Việt Nam, nói.

Phản ứng thái quá của chính quyền phản tác dụng, theo Hương Nguyễn, sinh viên Việt Nam sống lưu vong tại Mỹ.

“Gia đình của các nhà hoạt động biết nhiều về bản chất của chế độ chính trị này”, chị nói và thêm rằng nhiều người thân tự “bất đồng”.

Nguyễn có chồng chưa cưới bị bỏ tù năm 2010, nói lãnh sự quán Việt Nam ở Washington từ chối đổi hộ chiếu cho chị trừ khi chị hứa từ bỏ “các hoạt động phản đối”.

Chị đã từ chối và đã được cấp phép tị nạn chính trị gần đây.

Đấu tranh từ trong tù

Được Tổ chức Reporters Without Borders cho là “kẻ thù của Internet”, Việt Nam cấm các phương tiện truyền thông tư nhân và tất cả báo chí và kênh truyền hình đều do nhà nước quản lý.

Tuy nhiên, Internet và phương tiện truyền thông xã hội đang thay đổi bản chất của cuộc chiến này. Facebook thỉnh thoảng bị chặn nhưng rất phổ biến nơi người dùng Việt Nam.

“Kết nối mạng xã hội và các mạng lưới nhà hoạt động có kinh nghiệm và rộng lớn đang đảm bảo tiếng nói từ các nhà tù được truyền ra ngoài và lan rộng khắp”, Robertson của HRW nói.

Hồi tháng 6, sau khi chính quyền từ chối trả lời đơn kiện và cố tình biệt giam anh trong 3 tháng, Điếu Cày liền tuyệt thực.

“Bố tôi đáng cố thắp sáng số phận thực sự của các tù nhân chính trị Việt Nam, vốn đang nằm trong bóng tối”, con trai anh nói.

Hồi tháng 5, nhà hoạt động bị cầm tù Cù Huy Hà Vũ, con trai của một lãnh tụ cách mạng, cũng nhịn ăn trong 25 ngày.

Cuối cùng, cả hai người bị cầm tù này cũng chấm dứt tuyệt thực sau khi có được sự nhượng bộ, một chiến thuật được một số người xem là một trong những chiến lược xử lý vấn đề bất đồng chính kiến của các nhà cầm quyền Cộng sản.

“Trung Quốc và Nga thanh trừng tàn nhẫn các đối thủ, giết hại nhiều người, đày ải họ”, nhà hoạt động bị giam trước đây nói.

“Đảng Cộng sản Việt Nam xảo quyệt và ma lanh, họ không xem giết chết hay giam tù là giải pháp tốt nhất mà là phương kế cuối cùng. Vì thế, họ có thể nắm quyền lâu hơn.”

 Catherine Barton từ Hà Nội

Nguồn: UCANews/AFP

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment