2 triệu người thiểu số ở Việt Nam thiếu đất

Báo cáo của chính phủ cho biết có khoảng 2 triệu người thiểu số thiếu đất ở và sản xuất và vấn đề này không thể giải quyết một cách triệt để

Báo điện tử Vietnamnet dẫn báo cáo của chính phủ hôm 13-9 rằng từ nay đến năm 2016 có 326.909 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tương đương 2 triệu người, “cần được hỗ trợ về đất ở và đất sản xuất”.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: “Đây cũng là khó khăn lớn nhất, vùng nào cũng gặp phải”. Ông nói thêm rằng “có những vùng nghiêm trọng đến nỗi không có nguồn đất như các vùng núi đá ở Cao Bằng, Hà Giang…”.

“Trong khi ở đồng bằng sông Cửu Long, đất tốt thì nhiều nhưng đều đã có chủ, muốn lấy lại để cấp cho đồng bào có lẽ tốn rất nhiều tiền”.

Nguyên nhân được báo cáo nêu ra là do “nhiều nơi, đất khai hoang để cấp cho đồng bào không còn hoặc còn nhưng rất ít”.

Những nơi có thể khai hoang được thì theo chính phủ phải đầu tư nhiều kinh phí; hoặc đất phân tán, rải rác ở xa nơi ở, và thường là đất xấu, nhiều sỏi đá hoặc thiếu nước, sản xuất khó khăn, kém hiệu quả.

“Có nơi giá đất quá cao, với mức hỗ trợ và thêm cả phần vốn vay theo quy định hiện hành cũng không đủ để thực hiện”, báo cáo nói.

Một nguyên nhân khác là do “công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng ảnh hưởng nhiều đến đất sản xuất, đất ở của đồng bào, việc di dời tái định cư cho đồng bào để giao đất xây dựng công trình, chưa tính đến văn hoá, phong tục tập quán, điều kiện sản xuất của đồng bào, khiến đồng bào không ổn định sinh sống và sản xuất được ở nơi định cư mới”.

Và do “việc quản lý không hiệu quả”, báo cáo nêu trường hợp đồng bào được giao đất nhưng lại bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp…, dẫn đến tình trạng “tái thiếu đất”.

Tình trạng tách hộ ở các địa phương cũng là một nguyên nhân được báo cáo nêu ra.

Giải pháp quy hoạch, phân bố lại đất đai, đặc biệt ra soát các nông lâm trường quốc doanh để chuyển những diện tích hoang hoá hoặc sử dụng không hiệu quả, sai mục đích cho đồng bào sản xuất; hoặc mua lại đất để giao cho đồng bào được Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ra.

Tuy nhiên, theo ông Giàng Seo Phử – Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc – thì để giải quyết vấn đề này “không những không thể trong một sớm một chiều và có lẽ không bao giờ kết thúc”.

Hồi đầu năm nay, một nhóm người thiểu số M’Nông từ Đăk Nông ra thủ đô khiếu kiện nhiều ngày liên quan đến vấn đề đất đai.

Chính vì thế, ông Phước cho rằng tìm hướng giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số “là vấn đề hết sức quan trọng, bởi các vùng dân tộc thiểu số đều có ý nghĩa trọng yếu về quốc phòng, an ninh”.

* Dân làng phong Hoà Vân khốn đốn vì bị kỳ thị

Cuộc sống của người phong gặp nhiều khó khăn khi sống tại nơi ở mới

Ông Lê Đình Lưu với cái lưng gù đã rảo quanh 4 cơ sở xây dựng tư nhân ở thành phố Đà Nẵng trong suốt 5 ngày trời với hy vọng tìm được chân phụ nề, nhưng rốt cuộc ông chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối.

Thất vọng, ông Lưu tìm đến đại lý vé số nhận 50 tờ vé số để bán nhưng rong ruổi cả ngày cũng chỉ bán được 20 vé.

“Tôi đã chịu những cái nhìn soi mói, lắc đầu từ chối của mọi người khi tôi mời họ mua vé số” – người đàn ông 47 tuổi than thở.

Ông Lưu, xuất thân từ làng phong Hoà Vân ở Đà Nẵng, kể rằng nhiều người gọi ông là “dân hủi”, “người đến từ ốc đảo Hansen”, thậm chí có người còn nói thẳng thừng: “Về đi, ban sáng chúng tôi chưa bán mở hàng”.

Trước kia, khi còn sống tại làng phong Hoà Vân, vợ chồng ông làm ruộng, đánh cá và chăn nuôi gia cầm, đủ nuôi 3 đứa con ăn học.

Cuối tháng 8 vừa qua, gia đình ông và 142 hộ gia đình người phong khác phải di dời đến nơi ở mới cách chỗ cũ khoảng 20 cây số.

Nhà nước giải toả làng phong rộng 50 hecta này để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng. Dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành.

Ông Lưu được nhà nước bồi thường 20 triệu đồng và cấp một căn nhà rộng 75 mét vuông gồm một phòng khách, một phòng ngủ và nhà bếp. Tuy nhiên, mỗi tháng ông phải trả góp 2 triệu đồng tiền nhà trong vòng 2 năm.

“Tôi phải tìm việc làm ngay vì cần phải chi trả tiền điện nước, gas, tiền ăn và tiền học cho con. Nhiều người khuyên tôi nên đi vào các chợ để xin bố thí. Tôi biết việc này nhẹ hơn đi bán vé số nhưng tôi cần lao động tự mình kiếm sống” – ông nói.

Còn bà Trần Thị Hoạt, người cùng làng với ông Lưu, thì kể rằng một lần đi xin phụ bếp cho một quán cơm bình dân, chủ quán xem chứng minh thư của bà rồi quay đi, tay phải che mũi còn tay trái xua bà Hoạt ra khỏi quán.

Bằng giọng khinh bỉ, chủ quán la to: “Cho dù chị có lành bệnh cũng không ai dám nhận chị vào làm”, bà kể.

Bà cố tìm việc để có tiền nuôi mẹ già 86 tuổi đang bị liệt. Khi còn ở làng phong, bà làm nghề nông và vào rừng đốn mây và củi để sống.

May mắn hơn ông Lưu, hiện tại bà Hoạt kiếm được 70.000 đồng mỗi ngày từ việc bốc vác 1 tấn muối từ ruộng muối lên xe ở Quảng Nam.

“Tôi đang lo lắng vì mùa mưa tới sẽ không có việc làm”, bà Hoạt nói.

Nguồn: UCANews

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment