Legio Mariæ và các linh hồn nơi luyện ngục

Anh chị Legio rất thân mến,
Đạo lý về Nhiệm Thể Chúa Ki-tô là điểm cốt yếu trong linh đạo của Legio Mariæ. Hay nói cách khác, đạo lý Nhiệm Thể Chúa Ki-tô là nền tảng căn cốt mà hội viên Legio sống trong từng giây phút cuộc đời. Chính Chúa Ki-tô sống và hoạt động qua mỗi hội viên Legio, cũng như qua những thành viên khác trong Nhiệm Thể của Người, tức là Giáo hội. Vì thế, “bất cứ điều gì chúng ta làm cho những người bé mọn nhất, là chúng ta đang làm cho chính Chúa” (Mt 25,40). Chúng ta không chỉ yêu thương những người xung quanh vì Chúa đã từng hiện diện trong họ, nhưng còn vì chính Chúa vẫn đang, và thật sự luôn hiện diện trong họ.Một số tác giả về đời sống tâm linh đã nói về sự hiện diện cách “bí tích” của Chúa Ki-tô trong những người xung quanh chúng ta. Và dĩ nhiên, Đức Ma-ri-a chính là Mẹ của toàn Nhiệm Thể của Con Mẹ. Chúng ta, những hội viên Legio, được mời gọi hãy thường xuyên và tích cực chia sẻ sự chăm sóc đầy tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a đối với Nhiệm thể Chúa Ki-tô. Đó là một phần quan trọng trong việc thực hành lòng sùng kính Đức Mẹ.Suốt tháng 11 này, chúng ta được nhắc nhớ về tất cả các thành viên của Nhiệm thể Chúa Ki-tô. Chúng ta vui mừng vì được hiệp thông với các thánh, mà đôi khi chúng ta gọi là Giáo hội khải hoàn. Đó là một niềm khích lệ lớn lao, vì biết rằng có một số rất đông các thánh hằng kết hợp một cách hữu cơ với chúng ta trong Chúa Ki-tô, và rằng các thánh đang cầu nguyện, gìn giữ chúng ta trong mọi khoảnh khắc cuộc sống. Hơn nhữa, chúng ta còn có một mối liên hệ thân hữu với các thánh bảo trợ của Legio Mariæ: thánh Giu-se, thánh Gio-an Tẩy giả, thánh Phê-rô và thánh Phao-lô, thánh Gio-an tác giả sách Tin mừng thứ tư và thánh Louis Marie De Monfort. Thủ Bản nói cho chúng ta biết lý do vì sao những vị thánh đặc biệt này lại gần gũi với các hội viên Legio Mariæ như vậy.

Một dịp khác chúng ta sẽ trở lại với đạo lý về Các Thánh cùng thông công và Legio Mariæ. Qủa thực, đạo lý này rất có ý nghĩa đối với Legio Mariæ, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, chán nản, và trong những nơi mà hoạt động của Legio Mariæ chưa gặt hái được thành công. Các thánh là hậu phương, hỗ trợ đắc lực cho chúng ta trong cuộc chiến đấu với các thế lực Ác thần, với những kẻ chống đối Tin mừng và chống đối Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Các thánh là những người bạn hân hoan, là những người đồng hành, gắn bó luôn mãi với chúng ta. Lần này, tôi chỉ xin chia sẻ đôi điều về Legio Mariæ và những linh hồn thánh thiện đang ở chốn luyện hình. Họ cũng là những thành viên của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô và vì thế, những hội viên Legio Mariæ chúng ta phải có sự quan tâm đúng mức và tình liên đới với họ.

Tôi cho rằng, nếu được chết như một hội viên chính thức, hoặc như một hội viên tán trợ của Legio Mariæ, dường như đó là một đặc ân lớn lao. Bởi vì, trong tháng Mười Một hàng năm, mỗi Præsidium trên thế giới sẽ có một Thánh Lễ cầu nguyện cho các hội viên đã qua đời (x. TB 17,188). Điều đó có nghĩa là toàn thể các hội viên Legio Mariæ sẽ cầu nguyện cho các anh chị ấy, ít nhất là mỗi tháng Mười Một hàng năm.

Đó không chỉ là một lời thành khẩn đơn lẻ mà mỗi Præsidium trên thế giới cầu nguyện cho các hội viên, nhưng còn là chính lời khẩn nguyện của Chúa Ki-tô trên Thập giá, Đấng đang hiện diện với tất cả quyền năng cứu chuộc trong Hy Lễ Thánh Thể, và được trao hiến cho anh chị em. Đó chính là món qùa quý giá nhất mà Legio Mariæ có thể trao tặng cho các hội viên trong giờ phút lâm chung. Tất nhiên, mỗi khi họp mặt nguyện kinh Tessera, chúng ta cũng cầu xin cho những những hội viên đã qua đời. Trách nhiệm của Legio Mariæ với các linh hồn nơi luyện ngục là một phần trong sự sùng kính đối với Đức Ma-ri-a, Đấng mà Thủ Bản đã gọi là Nữ vương của các linh hồn nơi luyện ngục (x. TB 17, 188).

Như chúng ta đã biết, các linh hồn không thể tự giúp chính mình bởi vì thời gian thưởng phạt công trạng đã qua đi. Tuy nhiên, chúng ta có thể giúp họ, một sự giúp đỡ rất hữu ích và cần thiết. Đôi khi chúng ta bắt gặp có ai đó cười nhạo ý tưởng về các ân xá dành cho các linh hồn, nhưng đấy thực sự là một phần có trong giáo huấn và thừa tác vụ của Giáo hội. Khi lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, thì tội lỗi được xóa bỏ hoàn toàn, vì thế không có hình phạt vĩnh viễn cho người qua đời trong tình trạng ân sủng. Nhưng còn vạ, tức là hậu quả của tội, thì vẫn còn đó, do vậy sẽ có hình phạt tạm thời trong luyện ngục hoặc có sự thanh tẩy cần thiết trước khi vào diện kiến Thánh Nhan Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Ma-ri-a, và tất cả các thánh trên Thiên Quốc.

Ngoài Thiên đàng ra thì không có nơi nào hạnh phúc như ở trong luyện ngục, bởi vì các linh hồn tin chắc rằng cuối cùng họ sẽ được vào Thiên đàng. Nhưng cũng không có đau khổ nào trên trần gian có thể so sánh được với những đau khổ trong luyện ngục, bởi vì các linh hồn thấy được thực chất của tội lỗi và những cách thức mà con người đã xúc phạm đến tình yêu vô biên của Thiên Chúa khi còn ở dương thế.

Nhờ lời chuyển cầu và những việc lành thánh, chúng ta có thể giúp các linh hồn trong luyện ngục sớm được về Thiên đàng. Điều này hoàn toàn đúng, qua sức mạnh của quyền tha tội, Giáo hội ban ơn Đại xá và Tiểu xá cho những lời cầu nguyện và những việc lành chúng ta làm.

Ơn Đại xá là ơn tha hết những hình phạt tạm và vì thế Linh Hồn được vào thiên đàng ngay lập tức. Tôi xin nhắc lại một số việc làm, mà qua đó Giáo hội thông ban ơn Đại xá: Chầu Thánh Thể ít nhất là nửa giờ; Đi đàng Thánh Giá; lần hạt Mân côi trong nhà nguyện, nhà thờ, trong gia đình, trong một nhóm cầu nguyện hay trong giờ Kinh Mân côi của cuộc họp Præsidium v..v…

Cũng có Ơn Tiểu xá khi chúng ta kêu cầu Thánh danh Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a, trong niềm tin yêu, tín thác. Các Linh Hồn trong Luyện ngục sẽ biết ơn chúng ta dường nào, khi họ được vào Thiên đàng nhờ lời cầu nguyện và những việc lành thánh của chúng ta. Các ngài sẽ dành một tình yêu rất đặc biệt và một sự quan tâm sâu sắc đến chúng ta, những kẻ còn đang lữ hành trên dương thế.

“Luyện ngục là một phần trong vương quốc của Đức Ma-ri-a, và các linh hồn cũng là con cái của Mẹ. Họ đang được thanh tẩy, và đang chờ đợi để được tái sinh trong vinh quang bất diệt. Thánh Vinh Sơn Phê-ri-ê, thánh Béc-na-đi-nô thành Siê-na, thánh Louis de Blois, cũng như những vị thánh khác đã tuyên bố Đức Ma-ri-a là Nữ vương các linh hồn nơi luyện ngục; Thánh Louis de Monfort mời gọi hết thảy chúng ta hãy suy gẫm và hành động theo niềm tin đó. Thánh nhân mong muốn chúng ta đặt trọn vào tay Mẹ Ma-ri-a từ ái tất cả những lời cầu khẩn và ước nguyện của chúng ta. Thánh nhân đoan chắc rằng, các linh hồn gần gũi và thân thuộc với chúng ta, sẽ được an ủi rất nhiều, nếu chúng ta cầu nguyện trực tiếp cho họ” (TB 17, 188).

Fr. Bede McGregore O.P.
Linh Giám HĐ/Concilium – Legio
Mariæ
Học Viện Đa-minh chuyển ng
gửi riêng cho Legio
Mariæ tại Việt Nam

THÁNH GIÁO HOÀNG GIO-AN PHAO-LÔ II & LEGIO MARIÆ

http://www.songtinmungtinhyeu.org/uploads/News/chanphucgiaohoang.jpg

Anh chị Legio rất thân mến,

Tháng trước tôi có nhắc đến thánh giáo hoàng Gio-an XXIII và cũng đề cập đến những điều mà ngài đã nói về Legio Mariæ, hay nói với Legio Mariæ.

Lần này, tôi xin nhắc đến thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II và sự khích lệ lớn lao ngài dành cho Legio Mariæ theo nhiều cách khác nhau. Nhưng lý do sâu xa nhất tại sao tôi lại chọn nói về hai vị giáo hoàng trong bài chia sẻ, là để nhắc nhớ toàn thể qúy anh chị Legio một chân lý vĩ đại, nói cách cụ thể, một trong những nguồn ân sủng dồi dào nhất dành cho Legio Mariæ là ơn trung thành kiên vững đối với Quyền Giáo huấn của Hội Thánh. Điều này chắc chắn ở giây phút hiện tại cũng như trong tương lai của Legio Mariæ.

Trong thế giới ngày nay, khi lý trí và tinh thần của khá nhiều người bị tác động bởi các phương tiện thông tin xã hội, mà những phương tiện  này lại rất xa với sứ điệp Tin mừng và đôi khi còn công khai hay tinh tế chống lại đạo Công giáo, thì ơn trung thành là hồng ân đầy sức mạnh mà Legio Mariæ được bám chặt lấy Giáo huấn của Hội Thánh. Đây đâu chỉ là qúa trình trưởng thành, nhưng còn là sự tồn tại đích thực của Legio Mariæ sẽ phải luôn dựa vào lòng hân hoan trung thành đối với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Trong bài huấn từ sau cùng trước khi qua đời, ngài Frank Duff bắt đầu với những lời như sau: “Đôi khi, Lòng sùng kính đích thực được xem như một sở thích quái gở; Đúng là có người nói như thế. Tôi nghĩ cái quan niệm sai lầm này được chăm bón bởi ngôn từ của một sự nhiệt tâm quá mức, đấy là nét đặc biệt của thánh Louis Marie Grignion de Montfort. Thỉnh thoảng thánh nhân thích nói qúa như thế, nhưng điều cốt yếu chúng ta thấy rằng quan niệm đó của thánh Montfort vẫn không sai phạm thần học. Một sự thật đáng để chúng ta lưu tâm là Đức tân giáo hoàng, khi khởi đầu triều đại, đã công bố rằng chính ngài có chủ trương sống đời dâng hiến như thế, và điều đó đủ nói lên rằng quan niệm của thánh Louis Marie Grignion de Montfort là không sai lạc.”

Nay, lòng sùng kính đích thực đối với Mẹ Ma-ri-a theo gương thánh Montfort đã trở thành trọng tâm linh đạo của Legio Mariæ. Điều đó khích lệ chúng ta học biết rằng: Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II có nhiều lần viết và nói một cách hùng hồn về lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a, cũng như vai trò của lòng sùng kính ấy trong đời sống nội tâm của ngài. Trong quyển “Hồng Ân và Huyền Nhiệm”, ra đời nhân kỷ niệm Kim khánh Linh mục, Đức Thánh Cha viết: “Chính tôi trong những năm còn trẻ, nhận thấy việc đọc quyển sách này như một động lực lớn. Ở đó, tôi tìm được lời đáp cho những câu hỏi của bản thân, về một điểm tôi hơi e ngại, liệu lòng sùng kính của tôi dành cho Mẹ Ma-ri-a có trở thành qúa khích, biết đâu nó sẽ làm giảm giá trị việc thờ phượng chỉ dành cho Chúa Ki-tô. Dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của thánh Montfort, tôi nhận thấy rằng nếu ai đó sống mầu nhiệm Đức Ma-ri-a trong Chúa Ki-tô, điều e ngại ấy sẽ không xuất hiện. Thực thế, tư tưởng Thánh Mẫu học của thánh Montfort. được bắt nguồn trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và trong chân lý Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.”

Anh chị Legio rất thân mến,

Một khi nhận ra tầm ảnh hưởng của lòng sùng kính đích thực dành cho Mẹ Ma-ri-a đối với tuổi trẻ của thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II, chúng ta sẽ không ngần ngại giới thiệu việc tận hiến ấy cho các bạn trẻ hôm nay.

Thánh Gio-an Phao-lô II đã nhiều lần giải thích ý nghĩa châm ngôn Giám mục và Giáo hoàng của ngài. Ngài viết: “Châm ngôn tất cả là của Mẹ (The motto, Totus Tuus) được truyền hứng bởi Giáo huấn của thánh Montfort. Những ngôn từ này diễn tả việc hoàn toàn  thuộc về Chúa Giê-su qua Mẹ Ma-ri-a. ‘Toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ.’ Thánh Louis Marie Grignion de Montfort viết và diễn giải lời ấy: ‘Lạy Chúa, toàn thân con là của Ngài, và tất cả những gì con có là của Ngài, ôi Giê-su chí ái và Mẹ Ma-ri-a, Mẹ chí thánh của Ngài.’ Đấy là đích điểm suốt cả cuộc đời của mỗi hội viên Legio Mariæ: hoàn toàn thuộc về Mẹ Ma-ri-a, để hoàn toàn thuộc về Chúa Giê-su.

Trong những kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, hàng triệu bạn trẻ vây quanh Đức Gio-an Phao-lô II, nhưng đôi khi tôi tự hỏi: có bạn trẻ nào thực sự biết khám phá ra một trong những bí mật lớn nhất cuộc đời ngài là sự tận hiến cho Mẹ Ma-ri-a không? Đây là một hồng ân lớn lao mà Legio Mariæ phải mang đến cho giới trẻ thế giới. Mẹ Ma-ri-a là hiền mẫu của họ, bởi thế chắc chắn họ sẽ đáp trả tình thương của Mẹ, nhưng trước tiên họ phải được tiếp cận với Mẹ.

Ngoài những bài viết về lời dạy của thánh Montfort, thánh giáo hoàng còn có những bài viết quan trọng khác về Đức Ma-ri-a và vai trò của Mẹ trong mầu nhiệm Chúa Ki-tô và Hội Thánh. Nội dung của các văn phẩm này sẽ là nguồn bổ túc dồi dào cho linh đạo của Legio Mariæ.

Nói cách khác, Legio Mariæ sẽ trở nên nghèo nàn nếu các hội viên không nâng cao Thần học về Đức Ma-ri-a trong Giáo huấn của Công đồng Vatican II và trong Giáo huấn của Đức thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II. Mối dây đặc biệt giữa Legio Mariæ và thánh giáo hoàng là chúng ta có cùng một Vị Bảo Trợ là thánh Louis Marie Grignion de Montfort:

‘Trước tiên bằng việc quan sát, các anh chị Legio sẽ cảm nghiệm được Mẹ Ma-ri-a kết hợp hoàn toàn với Chúa Ki-tô và nhờ Chúa Ki-tô, Mẹ kết hợp với Ba Ngôi diễm phúc’; ‘Chẳng bao giờ chúng ta nghĩ về Mẹ, mà Mẹ lại không chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta. Chẳng bao giờ chúng ta tán dương và tôn vinh Mẹ, mà Mẹ lại không tán dương và tôn vinh Chúa cùng với chúng ta. Mẹ luôn luôn gắn kết với Chúa, thực sự tôi có thể nói: mối tương quan của Mẹ với Thiên Chúa thật tuyệt vời. Mẹ chỉ hiện hữu với sự kết hợp cùng Chúa. Mẹ là âm vọng của Thiên Chúa khi Người chẳng lên tiếng, Mẹ không lặp điều gì khác ngoài những điều Chúa nói. Nếu chúng ta nói với Mẹ, Mẹ sẽ nói với Chúa.

Bà Ê-li-sa-bét đã ngợi khen và ca mừng Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ đã tin vào Thiên Chúa. Mẹ Ma-ri-a, âm vọng trung thành của Thiên Chúa, khi ấy Mẹ cất lên: linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa (x. Lc 1,46). Điều Mẹ Ma-ri-a đã làm, thì giờ đây Mẹ vẫn đang làm. Khi chúng ta tán dương Mẹ, yêu mến Mẹ, tôn vinh Mẹ hay dâng tiếng lên Mẹ, thì chính Thiên Chúa đang được ca ngợi, được yêu mến, được tôn vinh và được dành tặng những điều chúng ta dâng tiến, thông qua Mẹ và trong Mẹ.’

Ngoài những lần tình cờ gặp gỡ thánh giáo hoàng trong những chuyến tông du của ngài trên thế giới, các hội viên Legio Mariæ còn trò chuyện với ngài trong hai cuộc gặp gỡ quan trọng khác nữa. Vậy, thưa các anh chị Legio, tôi xin được kết thúc bài chia sẻ lần này bằng việc nhắc lại cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên với Đức giáo hoàng.

Cuộc gặp ấy diễn ra vào năm 1970 khi ngài còn là Đức hồng y Wojtyla, Tổng giám mục Kracow. Ngài gặp gỡ vài hội viên Legio trong chương trình “lữ hành theo Đức Ki-tô”, cả hai bên đã có một cuộc đàm thoại dài về Hội Legio Mariæ và về kinh nghiệm hoạt động trong giáo phận của ngài.

Điều thứ nhất, khi xem lướt qua Thủ Bản, Đức hồng y hỏi về danh xưng Gia đình thánh Louis de Montfort:

– Xin anh chị Legio nói cho tôi nghe, danh xưng này quan trọng chứ?

Các anh chị Legio giải thích với ngài rằng:

– Linh đạo của Hội Legio Mariæ đặt trên nền tảng việc tận hiến đích thực cho Mẹ Ma-ri-a như thánh Montfort đã dạy.

Thế rồi, Đức hồng y nói:

– Tuyệt vời! Điều đó làm nên những khác biệt nơi chúng ta.

Rõ ràng, Đức hồng y rất vui với thông tin này. Đến cuối cuộc gặp gỡ, ngài lại hỏi một câu khác:

– Chính nhờ nơi các linh mục, người dân Ba Lan ngày càng hiểu biết tốt hơn về lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a. Vậy, Hội Legio Mariæ sẽ làm điều gì hơn nữa cho chúng tôi?

– Sứ mạng tông đồ, thưa Đức hồng y”.

Anh chị hội viên Legio đã trả lời như vậy. Thế rồi vị giáo hoàng tương lai nói:

– Đúng vậy, ý thức cá nhân về Sứ mạng tông đồ của mỗi người, sẽ giữ vai trò hết sức quan trọng ở Ba Lan này.

Anh chị Legio rất thân mến,

Đối với tôi, qua những lời này, dường như thánh giáo hoàng đã đi đến điều trọng yếu của Legio Mariæ, sứ mạng tông đồ Legio không chỉ quan trọng ở Ba Lan, mà còn ở mọi giáo phận trên toàn thế giới. Hoạt động tông đồ là một trong những đặc tính của ngài Frank Duff và của Hội Legio Mariæ, mà chính thánh giáo hoàng đã đề cập đến trong một bức điện tín gởi cho toàn thể Legio Mariæ chúng ta vào ngày Vị sáng lập qua đời: “Hội đoàn Legio Mariæ mà ngài Frank Duff thành lập đã giúp cho vô vàn giáo dân Công giáo hiểu biết về vai trò quan trọng của họ trong việc rao giảng Tin mừng và thánh hóa bản thân, đồng thời Legio Mariæ cũng có thể giúp cho họ hoàn tất vai trò ấy cách nhiệt thành và hiệu quả”.

Fr. Bede McGregore O.P.
Linh Giám HĐ/Concilium – Legio
Mariæ
Học Viện Đa-minh chuyển ng
gửi riêng cho Legio
Mariæ tại Việt Nam

Nguồn: Senatus VN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment