Hội đồng Senatus Việt Nam Tĩnh Huấn 2015

SAIGON – Mùa Chay là thời gian để điều chỉnh lại đời sống của các bạn, để đến gần hơn với Chúa. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Lễ sáng ngày (18/03/2014) tại Nguyện Đường Casa Santa Marta.


Trong tâm tình đó và để chuẩn bị sốt sắng mừng Đại lễ Phục Sinh 2015, Hội đồng Senatus Việt Nam tổ chức ngày Tĩnh huấn 2015, từ ngày thứ Hai 16 đến hết ngày thứ Ba 17 tháng 3, tại Nhà Mục Vụ thuộc Tu đoàn Tông đồ Giáo sĩ Nhà Chúa TGP. Sài Gòn.

Tham dự ngày Tĩnh huấn có 6 anh chị ủy viên Legio Mariæ trong Ban quản trị và 17 Thông tín viên trong Ban thường trực Hội đồng Senatus Việt Nam.

Đến chia sẻ trong ngày Tĩnh huấn năm nay có cha An-tôn Đoàn Văn Vinh, SDD – Tổng Phụ Trách Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa, cha Phêrô G.M. Hà Thiên Trúc – P. Linh giám Hội đồng Senatus Việt Nam và cha Giuse Phạm An Ninh, Linh giám Hội đồng Curia Gia Định II.

Trong ngày Tĩnh huấn đầu tiên, các ủy viên được sống trong bầu khí gia đình, yêu thương, trao đổi kinh nghiệm mục vụ tông đồ truyền giáo. Lắng nghe những huấn từ quý báu của các cha An-tôn, Phêrô G.M. và Giuse, những báo cáo mục vụ tông đồ truyền giáo của các ủy viên khi đi thăm viếng các Hội đồng Comitia.

Phần lớn thời gian trình bày và thảo luận các chủ đề lớn trong Hệ thống Legio Mariæ“Legio Mariæ và Đời sống Thánh hiến; Hội viên Legio Mariæ với Buổi họp; Nhiệm vụ Trưởng và Phó Præsidium; Nhiệm vụ Thư ký; Viện trợ vật chất; Thư ký và Thủ quỹ Præsidium; Đặc tính công tác của Legio Mariæ; Hệ thống cố định của Legio Mariæ; Tuyển mộ hội viên Legio Mariæ và Quản trị và điều hành cấp Hội đồng.  

Chủ đề: “Legio Mariæ và Đời sống Thánh hiến”do cha Antôn trình bày. Qua đó cho thấy khi nói đến ơn Thiên triệu, đa phần đều cho rằng đó là ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Thực ra, ơn Thiên triệu là nói chung tất cả các ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa (Thiên: Trời – Thiên Chúa; Triệu: mời gọi). Đó là những  ân sủng Thiên Chúa ban cho con người: Ơn gọi Ki-tô hữu (Phép Rửa – Mt 28, 19-20); Ơn gọi lập gia đình (Hôn phối – Mt 19, 4-7); Ơn gọi Tu trì (Thánh hiến – Mt 19, 10-12; Lc 20, 35-36)…

Nói chung, toàn thể Giáo hội đều được thánh hiến từ căn bản là bí tích Rửa Tội và Thêm Sức; sau đó sự thánh hiến được nâng tầm cao hơn tùy theo bí tích hoặc lời tuyên khấn do cá nhân hay cộng đoàn Ki-tô hữu tự chọn. Thực vậy, “Sứ mạng của các giáo dân, những người “có nhiệm vụ tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo kế hoạch Thiên Chúa”, đặt nền tảng trên sự thánh hiến do bí tích Rửa tội và Thêm sức, chung cho tất cả các thành phần của Dân Thiên Chúa. Ngoài sự thánh hiến căn bản ấy, các giáo sĩ được thánh hiến bằng bí tích Truyền chức thánh để nối tiếp sứ vụ tông đồ qua dòng thời gian. Những người tận hiến cam kết sống các lời khuyên Phúc Âm, được thánh hiến một cách mới mẻ và đặc biệt; sự thánh hiến này, tuy không mang tính bí tích, nhưng ràng buộc khiến họ chấp nhận lối sống độc thân, khó nghèo, vâng phục đã được Đức Giê-su đích thân thể hiện và đề nghị cho các môn đệ. Cho dù cả ba bậc sống khác nhau đều biểu lộ mầu nhiệm duy nhất của Đức Ki-tô, nhưng các giáo dân thì có đặc tính riêng biệt tuy không độc hữu là sinh hoạt giữa trần thế; còn các mục tử thì mang trách nhiệm về tác vụ, còn những người tận hiến thì cố gắng nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục” (Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến – Vita Consecrata”, số 31).

Bên cạnh những hình thức khác nhau của đời thánh hiến, có các hiệp hội tông đồ. Trong các hiệp hội này có Legio Mariæ, các hội viên tuy không có lời khấn dòng, nhưng theo đuổi nhiệm vụ tông đồ riêng của hội và bằng đời sống chung trong tình huynh đệ; họ hướng tới Đức Ái hoàn hảo theo nếp sống riêng của họ nhờ việc tuyên giữ hiến chương của hội.

Legio Mariæ với Đời sống Thánh hiến:

Legio Mariæ đã có một nhận thức rất đúng đắn về ơn gọi Đời sống Thánh hiến: “Nhiệm vụ lớn lao của Legio Mariæ là loan truyền ý thức về ơn gọi của giáo dân. Bởi tin chắc về ơn gọi riêng, ta sẽ có tinh thần tông đồ. Với khát vọng chuyên cần việc Chúa Ki-tô, mong mỏi nên Chúa Ki-tô khác, và phụng sự Chúa Ki-tô trong anh em nhỏ nhất của Người, thế là Legio Mariæ như một nhà dòng cho tín hữu, Legio Mariæ là lý tưởng thánh thiện trọn lành chuyển sang đời sống giáo dân. Legio Mariæ là nước Chúa Ki-tô thâm nhập vào lớp người sống giữa thế giới ngày nay” (Đức cha Alfred O’Rahilly – Thủ Bản, số lề 122; xc thêm số lề 151, 165, 362, 363, 382, 383. Đồng thời đọc thêm bài “Legio Mariæ và Đời sống Thánh hiến” của Lm. Bede MacGregor, O.P. trong TLHT Senatus VN tháng 3/2015).

Và để hoạt động đạt hiệu quả tối đa, “Legio Mariæ quyết tôn kính, vâng lời vị Linh mục như bề trên chính thức, và còn hơn thế nữa. Đó là ý kiến quan trọng của việc tông đồ trong Legio Mariæ. Dầu đại đa số hội viên là giáo hữu, Legio Mariæ vẫn hành động liên kết mật thiết với các Linh mục, dưới quyền hướng dẫn của Người, và vì quyền lợi cao quý của hai bên. Vì thế, Legio Mariæ hết lòng giúp Linh mục trong nhiệm vụ của Người, và làm cho Người chiếm một chỗ rộng hơn trong đời sống nhân loại, vì tiếp đón Linh mục là tiếp đón chính Đấng đã sai Người đến (“Quả thật, quả thật, Ta cho hay, ai đã đón tiếp người mà Ta đã cử đến, là tiếp Ta; ai tiếp Ta, tức là tiếp Đấng đã cử Ta đến” – Ga 13, 20). (TB số lề 124; xc thêm 121, 122, 123, 125, 126, 127, 129, 130, 166, 173, 176, 183, 236, 280, 290, 308, 320, 322, 370, 382, 389, 447, 526, 552, 554, 555)..

Những dấu chỉ của ơn gọi

Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ítcác conhãy xin chủ ruộng sai thợ gặtđến” (Lc 10,2). Cha Antôn cũng mời gọi Legio Mariæ cầu nguyện và có ý thức cộng tác để vun trồng các mầm ơn gọi trong gia đình và trong giáo xứ. Mỗi người cần biết cổ võ ơn gọi và nâng đỡ các chương trình mục vụ ơn gọi trong Giáo hội để càng ngày Giáo hội có nhiều người trẻ dám quảng đại dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin mừng. Đồng thời ngài đưa những dấu chỉ để giúp phân định và vun trồng ơn gọi trong Năm Phúc-âm-hóa Giáo xứ và Cộng đoàn Thánh hiến.

Có hai dấu hiệu cho thấy một người có ơn gọi tiến tới đời sống linh mục và tu sĩ: đó là có ý hướng ngay lành và những phẩm chất phù hợp.

Ý hướng ngay lành:

Ý hướng ngay lành liên quan tới ơn gọi linh mục hoặc thánh hiến bao gồm những nội dung sau đây: Khát khao phụng sự Chúa Kitô vì tình yêu mến chính Ngài và có lòng yêu mến Giáo Hội, yêu mến giáo huấn Giáo Hội, yêu mến đời sống đạo đức, có tinh thần hy sinh chịu khó; khát khao đi tu để phục vụ người khác và muốn dẫn đưa các linh hồn về cho Chúa. Đó là dấu hiệu cho thấy ý hướng ngay lành. Trái với ý hướng ngay là ý hướng lệch lạc: đi tu vì những động cơ nhân loại như để mưu cầu danh dư, đặc ân đặc quyền, thích được trọng vọng và để thoát đời…

Những phẩm chất phù hợp:

Dấu hiệu thứ hai của ơn gọi tu trì là có những phẩm chất phù hợp đó là phẩm chất đạo đức, trí thức, thể lý, tâm sinh lý và hoàn cảnh gia đình.

Trước hết là khả năng về đạo đức: ai muốn đi tu trước hết phải là người có khả năng sống đời sống nội tâm hay tâm linh. Phẩm chất này bao hàm không chỉ khả năng sống khiết tịnh suốt đời mà còn bao hàm các nhân đức khác nữa như khiêm tốn, vâng phục, tự chủ, nhân hậu, quảng đại, vị tha, cẩn trọng, yêu mến sự thật, thẳng thắn, có lòng đạo hạnh, có đời sống luân lý tốt… Tóm lại: là người có lòng yêu mến Chúa và tha nhân.

Khả năng tri thức: đi tu phải có những phẩm chất trí năng cần thiết để thi hành sứ vụ tông đồ.

Phẩm chất về thể lý và tâm sinh lý: đi tu phải là người khỏe mạnh và bình thường về thể lý và tâm lý. Đây là phẩm chất cần thiết để hoàn thành các bổn phận của người theo Chúa. Ứng sinh phải không bị vướng mắc những bệnh nan y, rối loạn thần kinh và rối loạn chức năng vốn là biểu hiện của một tình trạng “lệch lạc” hoặc bệnh hoạn về tâm lý trong phán đoán, thái độ và hành động.

Sự phù hợp về gia đình – Ứng viên phải xuất phát từ một gia đình có cha mẹ đàng hoàng, có tiếng tốt. Khi xem xét để trao tác vụ linh mục, yếu tố danh thơm tiếng tốt của ứng viên trong cộng đồng cần phải được cân nhắc như giáo luật đòi hỏi. Một ứng viên xuất thân từ một hoàn cảnh gia đình phù hợp thì sẽ là sự thuận lợi cho đời sống và sứ vụ linh mục sau này..

Cao điểm của ngày Tĩnh huấn hôm nay, là thánh lễ do cha Linh giám Giuse chủ tế. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng qua các bài đọc, lời ca của Phụng Vụ thứ Hai sau Chúa nhật IV mùa Chay.

Chủ đề thứ 5 của ngày Tĩnh huấn: “Sứ vụ của Legio Mariæ” (x. TB SL.7-16) được cha chủ tế chia sẻ. Trong bài giảng ngài đã nhấn mạnh Ơn gọi cao cả của Legio Mariæ là làm việc tông đồ mở mang Nước Chúa. Cha điểm lại chương trình cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa kể từ khi tổ tông loài người sa ngã. Thiên Chúa cứu chuộc loài người một cách vô cùng lạ lùng mà trì óc con người vô phương hiểu thấu. Người chưa biết Chúa sẽ không thể biết Chúa nếu không có người nói cho họ biết, Hội viên Legio Mariæ chính là người nói cho họ biết Chúa. Vậy người Legio Mariæ thực thi sứ vụ Chúa trao phó như thế nào? Điều tiên quyết là trông cậy vào Ơn Chúa vì không có Ơn Chúa thì không thể làm gì được (x. Ga 15,5), muốn có Ơn Chúa thì phải kiên trì cầu nguyện. Về phương diện tự nhiên thì hội viên Legio Mariæ phải có 5 phẩm chất của của chiến binh Rô-ma: Trung kiên, Can đảm, Kỷ luật, Nhẫn nại và Phục tùng.

Cha cho biết thêm, trong 47 năm linh mục thì cha đã làm việc cho Legio Mariæ 45 năm và cha thấy Legio Mariae là hội đoàn rất có kỷ luật. Cha nhấn mạnh Sứ vụ của Legio Mariæ vô cùng cao cả và vượt quá sức của loài người, vì vậy đòi buộc hội viên Legio Mariæ phải có Ơn Chúa. “Sứ vụ đó là khôi phục Nước Thiên Chúa trong lòng nhân loại và đem hạnh phúc vĩnh cửu đến cho mọi người. Để thực thi sứ vụ chúng ta phải tín thác hoàn toàn vào tình thương vạn năng của Chúa”. Cha nói.

Kết thúc 2 ngày tĩnh huấn, anh trưởng Hội đồng Senatus đã chân thành cảm ơn quý cha đã đến tham dự và hướng dẫn các đề tài, cảm ơn mọi người đã tích cực tham dự và đóng góp nhiều ý kiến xây dựng cho 2 ngày làm việc đạt kết quả tốt đẹp. Nhân dịp này anh cũng giới thiệu thêm 5 Thông Tín Viên gia nhập vào Ban Thường Trực Hội đồng Senatus Việt Nam gồm các anh chị: Giuse M. Bùi Trung Hiếu, Gioan Bt. Trần Ngọc Quang, Đa-minh Đỗ Duy Chung, Antôn Lê Tuấn Tân và Bùi Thị Hoa.

Chầu Thánh Thể

 

Chương trình tĩnh huấn kết thúc bằng giờ Chầu Thánh Thể theo phương pháp Taize do cha Linh giám Hội đồng Curia Gia Định II, Giuse Phạm An Ninh chủ sự; cha Phêrô G.M. Hà Thiên Trúc – P. Linh giám Hội đồng Senatus cùng chầu chung với mọi người và phát biểu bế mạc 2 ngày tĩnh huấn.

Nhân dịp lễ thánh Giuse, bổn mạng cha P. Linh giám Phêrô và Giuse, thay mặt cho Hội đồng Senatus, anh trưởng Đa-minh Đỗ Ngọc Phác đã chúc mừng 2 cha, anh mong muốn quý cha sẽ tiếp tục đồng hành và giúp đỡ cho Legio Mariae.

Cha Giuse đã ngỏ lời cảm ơn các anh chị Legio đã nhớ tới thánh bổn mạng Giuse và cầu nguyện cho quý cha. Cha đã kể lại một vài hình ảnh gần gũi và giản dị của ĐTC. Phanxicô trong dịp lễ thánh Giuse năm 2013, vào lúc mà cha đang ở Rô-ma. Kết  thúc ngày Tĩnh huấn, các ủy viên cùng thống nhất những quyết định dự thảo kế hoạch chung thực hiện mục vụ tông đồ truyền giáo tại Đại hội Legio Mariæ vào tháng 5 sắp tới ở các giáo phận, giáo tỉnh trong cả nước năm 2015.

Kế đó, cha Phêrô cảm ơn các anh chị Legio đã nhớ tới thánh bổn mạng Giuse và xin mọi người cầu nguyện cho quý cha linh giám..

Qua ngày Tĩnh huấn đã giúp cho các các ủy viên thấm nhuần giá trị Tin Mừng đi đến với con người hôm nay. Làm mục vụ tông đồ truyền giáo, mọi người đều ghi nhớ lời của thánh Gioan Tiền Hô “Chúa phải lớn lên, tôi phải nhỏ lại” (x. Ga 3,30).

Chúa Giêsu trong sự liên kết mật thiết với Chúa Cha và luôn thể hiện ý muốn của Chúa Cha trong khi thực thi sứ vụ của mình, Ngài biểu tỏ năng lực bên trong, những lời Ngài nói luôn đi đôi vời việc làm, đi đôi với cuộc sống. Vì thế “Những người Legio Mariæ phải là những người biết bám rễ sâu nơi Đức Kitô và đam mê rao giảng Tin mừng”.

Click xem thêm hình 
 
Bài và ảnh: BTT. HĐ. Senatus VN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment