Đức Maria trong phụng vụ Hội Thánh

ALLOCUTIO THÁNG 9-10/2014

 

Chân dung Đức Maria trong Thủ Bản của Legio bắt nguồn từ Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền, quyền Giáo huấn của Hội Thánh. Chân dung ấy cũng được gợi hứng từ rất nhiều văn phẩm của các vị thánh, đặc biệt là của thánh Louis Marie de Montfort, vị Bảo trợ của Legio, và của thánh Bênađô, một trong những bậc thầy có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của thánh Louis de Montfort. Nhưng còn có một nguồn cảm hứng khác về linh đạo cũng như đời sống của Mẹ Maria đối với Legio, đó là Phụng Vụ của Hội Thánh. 


Chúng ta biết đến và mừng kính các mầu nhiệm Đức Maria qua các ngày lễ kính Đức Mẹ suốt năm Phụng Vụ. Cách thức Giáo hội cầu nguyện là một cách thức vững chắc để chúng ta biết về điều Giáo hội tin nhận. “Luật cầu nguyện là luật tin tưởng” hay nói một cách đơn giản hơn, đời sống cầu nguyện của toàn thể Giáo hội dựa trên điều Giáo hội tin nhận. Phụng Vụ là cách thức căn bản và vững chắc, qua đó người tín hữu đón nhận điều Thiên Chúa mặc khải về Đức Maria. Đấy là lý do tại sao tất cả những ngày lễ kính Đức Trinh Nữ Maria trong Phụng Vụ đều có ý nghĩa quan trọng đối với hội viên Legio.

Vậy, nhân dịp Ngày Họp Bạn trong tháng 9 này (x. TB 30,295), tôi muốn dừng lại một chút về ba ngày lễ kính Đức Mẹ trong tháng.

Trước tiên là lễ Sinh Nhật Đức Maria. Không phải ngẫu nhiên nhưng đúng là có sự quan phòng nào đó của Thiên Chúa khi ngày thành lập hội Legio trùng với dịp lễ vọng mừng kính Sinh Nhật Đức Maria. Vì thế, tinh thần của Legio phải là tinh thần của ngày lễ kính này. Vậy thử hỏi, tinh thần của ngày lễ này là gì? Điệp ca Tin Mừng của giờ Kinh Sáng đã nói lên tinh thần ấy một cách súc tích: “Lạy Trinh Nữ Đức Mẹ Chúa Trời, ngày sinh của Mẹ đem Tin Mừng cho cả trần gian.” Niềm vui phải là đặc tính của bất cứ ai sống và hoạt động trong sự hiệp nhất với Mẹ Maria, bởi Mẹ đã làm nên kỷ nguyên mới của ân sủng và cứu độ.

Thánh Âu-tinh đã tóm kết điều này như sau: “Với niềm hân hoan khôn tả, địa cầu chúng ta hãy nhảy mừng trong ngày sinh của một Trinh Nữ như thế. Eva khiến cho nhân loại phải khóc lóc; còn Đức Maria mang đến niềm vui. Eva làm thương tổn bản tính nhân loại; còn Mẹ Maria lại chữa lành; Lòng tin của Mẹ Maria đền bồi lại sự bất tín của Eva thuở xưa. Eva khiến cho trần gian phải khổ sầu, Mẹ Maria mang lại niềm hân hoan ca mừng – “linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.” Nếu Legio vốn được xem là sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Maria ở bất cứ nơi nào  hội có mặt, thì tất cả hội viên phải thấm đượm tinh thần vui mừng và biết trao chuyển ân sủng cũng như ơn cứu độ cho mọi người.

Thánh Gioan Đamaseno cũng nói về điều này như sau: “Từng người và hết thảy mọi người hãy đến – chúng ta cùng hân hoan cử hành ngày sinh ra niềm vui cho toàn thể thế giới. Ngày hôm nay là khởi đầu ơn cứu độ cho trần gian. Mẹ Maria là cánh cửa trinh khiết, từ đó và qua đó, Thiên Chúa làm nên sự hiện diện hữu hình của Ngài với một thân thể trên trần gian.”

Ngày lễ thứ hai là ngày kính Danh Thánh Đức Maria. Danh thánh Đức Maria là đề tài đặc sắc nhất của thánh Louis Marie de Montfort. Thánh nhân viết: “Chính vì ơn cứu độ của thế giới bắt đầu với lời chào ‘kính mừng Maria’, nên ơn cứu độ đối với mỗi người cũng được liên kết với lời chào ấy. Vì lời tuyên xưng danh thánh Đức Maria mang đến cho thế gian khô khan và cằn cỗi này hoa quả của sự sống, nên việc kêu xin không ngừng danh thánh Đức Maria trong khi cầu nguyện sẽ làm cho Ngôi Lời bén rễ sâu trong linh hồn và làm trổ sinh hoa quả sự sống là chính Đức Giêsu. Lời chào ‘kính mừng Maria’ tựa như giọt sương thiên quốc thẫm ướt mảnh đất linh hồn chúng ta và trổ sinh hoa quả đúng mùa.” Không ngừng tuyên xưng danh thánh Đức Maria là một trong những lý do tại sao Kinh Mân Côi trở nên lời cầu nguyện rất cao quý đối với Legio.

Ngày kính Đức Mẹ thứ ba trong tháng này là lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Trải qua nhiều thế kỷ, đã có những bản văn khác nhau liệt kê những sự đau khổ của Đức Maria. Nhưng nỗi phiền muộn và khổ đau lớn nhất của Mẹ được diễn tả bằng những lời súc tích trong Tin Mừng Gioan:“Đứng kề dưới chân thập giá Đức Giêsu có Mẹ của Người” (Ga 19,25) Khổ đau của Mẹ gắn liền với khổ nạn của Chúa. Ơn cứu chuộc xuất phát từ một nguồn duy nhất là Đức Giêsu Kitô, nhưng qua lòng quảng đại vô ngần của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể góp phần cộng tác trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa tuỳ theo ý định riêng của Người. Chẳng phải là tông đồ thì bao gồm cả các giáo sĩ lẫn giáo dân đó sao – cùng góp phần vào chương trình cứu chuộc của Đức Kitô. Nhưng dĩ nhiên sự thông phần của Mẹ Maria trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa thật là cao cả và không thể thiếu. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc và đây là chủ đề thấm đượm trong ngày lễ kính Đức Mẹ Sầu bi. Và chúng ta cũng nhớ lại ngài Frank Duff đã có lòng sùng mộ đặc biệt đối với Kinh Bảy Sự thương khó Đức Mẹ và các chặng Đàng Thánh Giá.

Đôi khi chúng ta bắt gặp một vài người nào đó, thậm chí là những tín hữu Công giáo nhiệt thành, cảm thấy không thoải mái với những ngôn từ mà Giáo hội và hội Legio sử dụng để nói về Đức Maria và lòng sùng mộ chúng ta dành cho Mẹ. Đúng thực rằng ngôn từ đôi khi nghe có vẻ kỹ thuật và phức tạp, nhưng thực tại và chân lý mà các ngôn từ ấy diễn đạt thì hoàn toàn đơn giản và dễ hiểu. Tôi đã đọc qua những lời sau đây của tiến sĩ Mark Miravalle có thể giúp chúng ta giải quyết điều khó khăn này. Ngài viết: “Kinh Thánh mặc khải rõ ràng vai trò Mẹ diễm phúc của chúng ta như là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Tại biến cố Truyền Tin, khi Đức Maria ‘ưng thuận’ trước lời của sứ thần rồi cất lên ‘fiat’ (xin vâng), Mẹ trao cho Đấng Cứu Chuộc phương tiện để thực hiện việc cứu chuộc, đó là thân xác của Người. 
 
Trong một lần tôi bàn thảo với Mẹ Têrêsa Calcutta về định tín long trọng của Đức giáo hoàng đối với vai trò đồng công cứu chuộc của Đức Maria, chỉ trong hai phút đầu tiên của cuộc hội thảo, Mẹ nói: ‘Dĩ nhiên Đức Maria là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, dĩ nhiên là thế. Mẹ đã trao cho Đức Giêsu thân xác và thân xác Đức Giêsu là phương tiện cứu độ chúng ta.” “Đó là sự khác biệt giữa thánh nhân và nhà thần học. Mẹ chỉ nói trong hai phút điều mà các nhà thần học phải tốn đến ba tập giấy để viết ra.”

Thưa anh chị Legio,

Trong bài chia sẻ lần này tôi vừa mới điểm qua ba ngày lễ kính Đức Mẹ trong tháng 09, nhưng tôi thiết nghĩ, nếu thực sự mặc lấy tinh thần của tất cả những ngày lễ kính Đức Mẹ suốt cả năm Phụng Vụ, chúng ta sẽ dần hiểu biết sâu sắc hơn mầu nhiệm Đức Maria và sẽ ngày một thăng tiến hơn trong đời tận hiến cho Mẹ. Anh chị hãy hết lòng quý trọng tất cả những ngày lễ kính này cùng với đại gia đình Legio của chúng ta.

Fr. Bede McGregore O.P.
Linh Giám HĐ/Concilium – Legio 
Mariæ
Học Viện Đa-minh chuyển ng
 gửi riêng cho Legio 
Mariæ tại Việt Nam  

Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII và Legio Mariæ 


Kính qúy cha linh giám và qúy anh chị Legio thuộc các cấp Hội đồng,

Vào ngày Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót 2014 vừa qua, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã tuyên hai Vị Giáo hoàng Gio-an XXIII và Gio-an Phao-lô II lên bậc hiển thánh. Đây là một sự kiện vui mừng cho toàn thể Giáo hội hoàn vũ và cách riêng đối với Legio Mariæ trên toàn thế giới.

Mới đây, thể theo quyết định của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Đức hồng y Cañizares Lovera, Tổng trưởng Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã ấn ký Sắc lệnh ngày 26/5/2014,… về việc ghi tên hai thánh giáo hoàng Gio-an XXIII và Gio-an Phao-lô II vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội cùng với các bản văn phụng vụ của Lễ nhớ hai thánh giáo hoàng, và ấn định bậc “lễ nhớ không buộc” (gra­du memoriae ad libitum) dành cho hai vị thánh này.

Lễ nhớ thánh giáo hoàng Gio-an XXIII mừng vào ngày 11 tháng Mười vì là ngày kỷ niệm Đức Gio-an XXIII khai mạc Công đồng chung Vatican II (năm 1962) tại Đền thờ thánh Phê-rô. Công đồng này là công trình vĩ đại và gây nhiều ngạc nhiên của một giáo hoàng chỉ mới bắt đầu thừa tác vụ Phê-rô vào 4 năm trước đó, khi đã gần 77 tuổi.

Lễ nhớ thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II mừng vào ngày 22 tháng Mười, ngày kỷ niệm lễ khai mạc Sứ vụ mục tử toàn thể Hội Thánh (năm 1978 – Ngày 16/10/1978, được bầu làm giáo hoàng). Ngày này đã được ấn định từ khi Đức Bê-nê-đic-tô  XVI tuyên Chân phước cho ngài vào ngày 1/5/2011.

Trong bài chia sẻ lần này, tôi muốn tập trung vào thánh giáo hoàng Gioan XXIII và tầm quan trọng của ngài đối với Hội Legio Mariæ.

Lập tức chúng ta nghĩ đến việc thánh giáo hoàng Gio-an XXIII là người đã triệu tập Công đồng Vatican II. Công đồng này là hồng ân vĩ đại Thiên Chúa ban cho toàn thể Giáo hội ở một thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ và lịch sử thế giới. Chính trong thời điểm này mà linh hồn đích thực của rất nhiều quốc gia trên thế giới bị tổn thương sâu sắc bởi những biến động văn hóa, chính trị và tôn giáo. Thế giới đã chứng thực mức ảnh hưởng của Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Phát xít. Chúng ta còn chứng kiến mức độ phá hủy, thiệt hại ghê ghớm từ hai cuộc chiến tranh thế giới và từ những cuộc chiến tranh đẫm máu giành độc lập của nhiều quốc gia châu Phi, châu Á, và thậm chí cả ở Ai-len, nơi Legio Mariæ được thành lập.

Chúng ta thấy có những nỗ lực đi đầu độc suy nghĩ của con người thông qua các dạng thức khác nhau của Chủ nghĩa Nhân bản Vô thần, rồi những hậu quả của cái được gọi là trào lưu Ánh sáng vẫn còn tác động đến thời đại hôm nay, và thực sự cả cuộc cách mạng Pháp cũng để lại những hệ quả tai hại của nó. Tôi chỉ đề cập đến một vài sự kiện và trào lưu tư tưởng đã làm băng hoại thế giới, đúng theo nghĩa cụ thể nhất của ngôn từ. Thế giới chúng ta trong thế kỷ XIX và XX đã đánh mất nền tảng đạo đức của nó và phải chịu những hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy nảy sinh một câu hỏi căn bản, không thể tránh là: Giáo hội phải rao giảng Tin mừng cho thế giới hiện đại này như thế nào?

Lời giải đáp của thánh giáo hoàng Gio-an XXIII là phải triệu tập Công đồng Vatican II. Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chia sẻ như sau: “Qua việc hiệu triệu Công đồng, thánh giáo hoàng Gio-an XXIII đã biểu lộ một sự thuận theo ý Chúa Thánh Thần. Chính ngài đã để cho mình được dẫn dắt và ngài, vị mục tử của Giáo hội, người tôi tớ phục vụ, đã được Thánh Thần hướng dẫn. Triệu tập Công đồng là sự tận tâm phục vụ của ngài đối với Giáo hội; và đây là lý do để tôi nghĩ rằng, ngài đúng là vị giáo hoàng vâng theo ý Chúa Thánh Thần.”

Dĩ nhiên, vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần phải là lời cam kết đầu tiên trong những lời tuyên hứa của Legio Mariæ và phải là tinh thần của toàn bộ hoạt động rao giảng Tin mừng cho các linh hồn. Không thể nghi ngờ, Công đồng trước hết là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không đơn thuần chỉ là hoạch định của con người. Nhưng, một câu hỏi được đặt ra là Legio Mariæ nhập cuộc ở đâu trong thời kỳ làm nên viễn cảnh này?

Trước hết chúng ta hãy nhớ rằng ngài Frank Duff, Đấng sáng lập Mariæ, đã được Đức giáo hoàng Phao-lô VI mời tham dự phiên họp cuối cùng của Công đồng, với tư cách là dự thính viên giáo dân. Tự nó điều này đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò của Legio trong sứ vụ của Giáo hội.

Chúng ta cần nhớ lại những lời vẫn thường được trích dẫn của Đức hồng y Suenens: “Lúc Đức hồng y Heenan, Tổng giám mục Westminster, nói với các cử tọa, thì ngài Frank Duff xuất hiện. Nhìn thấy ngài bước vào, Đức hồng y công khai tuyên bố sự hiện diện chính thức của Hội Legio Mariæ. 2.500 Giám mục đã tỏ thái độ nồng ấm và nhiệt liệt hoan hô. Đó là giây phút không thể quên: lòng biết ơn của toàn thể Giáo hội dành cho người tiên phong trong Tông đồ giáo dân.”

Việc ngài Frank Duff tham dự Công đồng cũng xác minh rõ ràng đặc sủng của Hội Legio Mariæ. Nhưng, một điều còn sâu xa hơn cả việc hàng Giám mục hoàn vũ tuyên nhận ngài Frank Duff và Hội Legio Mariæ, là sự tương hợp tuyệt vời giữa các văn bản của Công đồng với rất nhiều trang trong Thủ Bản và với nhiều bài viết của ngài Frank Duff.

Ở đây, tôi đề cập đến những sự kiện này, bởi vì đôi khi có những anh chị Legio hội viên hỏi tôi, liệu họ có thể nói gì khi có cá biệt vài linh mục tranh luận rằng Công đồng Vatican II đã biến Legio trở thành cổ xưa, lỗi thời. Dường như, đối với tôi, phải nói đấy là một quan niệm hết sức lầm lạc, sai trái..

Thế nhưng, Công đồng Vatican II đã không chỉ chấp thuận sự xuất hiện của Legio Mariæ, mà còn gửi đến cho Legio Mariæ một thách thức to lớn. Legio có vai trò rất quan trọng trong việc hoàn thiện các giáo huấn và quan điểm của Công đồng. Chúng ta không thể chỉ đứng bên ngoài rồi nhìn vào hàng ngũ các hội viên Legio tại các xứ đạo ở nông thôn hay đô thị, mà hiện tại các xứ đạo ấy vẫn chưa được tiếp nhận nhiều giá trị và hoa trái mà Công đồng mang lại, như Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo và giáo huấn của các Đức giáo hoàng sau Công đồng.

Một cách đặc biệt, Legio Mariæ được mời gọi hãy làm sáng tỏ vai trò của người giáo dân trong sứ mạng của Giáo hội. Legio Mariæ được đặc ân hiện thực hóa ơn gọi nên thánh và sứ mạng tông đồ có tính phổ quát, dành cho mọi Ki-tô hữu. Legio trợ lực cho giáo dân nam nữ thể hiện vai trò chính yếu trong công cuộc tân phúc âm hóa.

Ngài Frank Duff đã được Thiên Chúa nâng lên, trở thành một trong những người tiên phong bảo vệ phẩm giá và vai trò của người giáo dân trong Giáo hội. Thật phấn khởi khi chúng ta đọc lại cuộc nói chuyện đáng nhớ của ngài Frank Duff ở Maynooth, tôi cũng được vinh dự hiện diện trong cuộc nói chuyện này, tựa đề là “Tư cách hội viên tiềm năng của chúng ta là thành phần Công giáo không bị ràng buộc”. Những lời này đơn thuần làm vọng lại lời mời của Công đồng Vatican II đối với Legio Mariæ.

Chúng ta vừa mới tóm kết tầm ảnh hưởng của thánh giáo hoàng Gio-an XXIII đối với Hội Legio Mariæ bằng cách nhắc lại Công đồng, nhưng thực ra thánh giáo hoàng còn có nhiều hướng dẫn khác và nhiều mối liên lạc khác với Hội Legio Mariæ. Thánh giáo hoàng nói với chúng ta điều ngài nghĩ về Legio và đặc sủng của Legio Mariæ. Chẳng hạn như, trong một cuộc đàm thoại với Eleanor Butler, Nữ Bá tước vùng Wicklow, khi Đức Gio-an XXIII còn là Khâm sứ Tòa thánh tại Pháp, ngài nói: “Phẩm trật của Pháp được phân chia theo ý của một hội viên Legio. Tôi không được phân chia. Tôi hoàn toàn vui mừng với điều đó. Phương pháp hoàn toàn đúng. Nó nhắm đến cá nhân trong tinh thần đức tin và tình yêu thương, và đi tới trọng tâm của vấn đề. Một vị thẩm quyền Giáo hội mà từ chối sử dụng Legio là đang phản bội lại lợi ích của các linh hồn thuộc quyền coi sóc của vị ấy.”

Như Đức giáo hoàng đã nói với một nhóm hội viên Legio ở Pháp ngày 13/7/1960: “Legio Mariæ đại diện cho khuôn mặt đích thực của Giáo hội Công giáo”  (TB 1, 4). Những lời này dường như tóm gọn lại điều Thủ Bản đã ghi: “Legio phải loan truyền mọi điều của Giáo hội Công giáo” (xc. TB ch.10). Thủ Bản cũng trích dẫn câu nói súc tích khác của Đức Gio-an XXIII, khi ngài xác nhận cách đơn giản: Hệ thống Legio Mariæ là một hệ thống đẹp nhất (TB 20, 244). Có những mối liên lạc quan trọng khác giữa Đức Gio-an XXIII và Legio, đặc biệt việc Đức giáo hoàng đã tiếp kiến cá nhân với ngài Frank Duff và hai vị Đại diện của Legio Mariæ.

Tôi hy vọng mình đã đủ lời để chỉ ra niềm vui khôn tả mà Hội Legio Mariæ trải nghiệm qua việc Giáo hội tuyên thánh cho Đức giáo hoàng Gio-an XXIII. Ngài đã khích lệ Legio Mariæ rất nhiều và mang đến cho chúng ta một thách thức lớn.

Nguyện xin thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII chuyển cầu cùng Chúa, để chúng ta có thể hoàn tất ơn gọi trong sứ mạng của Giáo hội.

Fr. Bede McGregore O.P.
Linh Giám HĐ/Concilium – Legio 
Mariæ
Học Viện Đa-minh chuyển ng
 gửi riêng cho Legio 
Mariæ tại Việt Nam

Nguồn: Senatus VN

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment