- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Thăm viện dưỡng lão Tình Thương Suối Tiên

          Đã  hai năm rồi praesidium Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc Giáo Xứ Trà Cổ mới lại có dịp đến thăm Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên. Tuy có sửa sang, làm thêm vài công trình phụ nhưng nói chung  toàn cảnh vẫn vậy, vẫn xanh mát nên thơ với hàng cau kiểng thẳng tắp  ven theo con đường  nhựa  sạch sẽ  ôm quanh những bờ ao thoai thoải. Vẫn  bình yên với những ao cá  khoảng khoát dưới nắng chiều dìu dịu. Tâm vui thì cảnh vui, tâm trạng những người con của Mẹ làm sao không vui cho được khi đến thăm những chi thể Chúa Ki Tô ?

 

Gọi là …viện thì cũng đúng thôi vì cái quy mô hiện nay của nó. Thế nhưng nếu dõi cái nhìn vào thuở ban đầu mới thấy sự hình thành ấy khó khăn biết chừng nào. Cách nay hơn hai chục năm dì Catarina Mai Toàn trong một lần đi thăm  xóm làng; khi đó dân cư còn rất thưa thớt hiu quạnh rồi gặp một bà lão nằm co ro trong một túp lều xiêu vẹo trống trải không người săn sóc. Dì đem bà về nuôi ở chung trong một  mái nhà tranh đơn nghèo lụp xụp bên lề đường Trảng Bom Cây Gáo. Ít ngày sau  có thêm mấy bà nữa đến ở và tính đến năm 2006 tức 13 năm sau nơi này đã tiếp nhận 15 bà ở thường xuyên trong số có 04 người tâm thần nhẹ ba người mù. Những người còn lại thì cũng cùng cảnh ngộ nghĩa là họ đều đói khổ bơ vơ không nơi nương tựa….

Cũng vào năm 2006 đó dì Mai Toàn được Chúa gọi về và bà nguyên bề trên  tổng quyền, dì Isabella Trần Thị Kim Hường đã được bài sai của Dòng cử đến tiếp nối công trình Tình Thương của Chúa. Không biết tên Suối Tiên có từ bao giờ nhưng để cho nó được…xứng với cái tên thơ mộng ấy thì dì Isabella đã cùng với vài ba dì khác ngày nào cũng phải lặn lội dưới lòng suối tối tăm chật  trội mình mẩy lấm lem bùn đất  để  vớt các bao bị rác rến có khi có cả xác heo thối rữa để cho dòng nước được khai thông.

Có thể nói nhờ có Suối Tiên mà đã tạo cho Viện Dưỡng Lão ngày nay một khung cảnh đầy sức sống. Cây cối xanh tươi lan toả bóng mát khắp nơi. Các ao lớn  được liên hoàn với nhau  bằng các cống ngầm để cho nước có thể luân chuyển  oxy  cho cá. Để sống thì con người cũng như vạn vật đều cần phải có oxy để thở. Thiếu hay không có oxy  đời sống không thể tồn tại và phát triển được. Đối với đời sống xác thân đã vậy còn về phần tâm linh cũng thế, con người sống không chỉ bằng cơm bánh nhưng còn nhờ mọi  Lời Thiên Chúa  phán ra “ ( Mt 4, 4 ).Câu trả lời của Chúa Giê Su với Sa Tan ngày ấy  cũng đúng cho mọi thời mọi nơi cho cả người có đạo cũng như không có đạo. Nhân loại hơn bao giờ hết rất cần phải sống với lương tâm mình. Đức  cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi giám mục giáo phận Phan Thiết có nói một câu chí lý “ Một xã hội nghèo có thể làm nên giàu, dốt có thể làm nên giỏi. Nhưng một xã hội mà lương tâm bị băng hoại thì không làm chi được.!!!

Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên đúng là hồng ân Chúa ban. Tuy nhiên cũng như lương tâm con người, hồng ân Chúa cũng cần phải khai mở và bồi dưỡng thì nó mới có thể…lớn lên được. Hiện nay viện có 98 cụ bà được phân chia thành ba khu vực liền kề nhau cùng một dãy nhà. Khu thứ nhất đặt cạnh nhà bếp và nhà kho là các bà còn tương đối khoẻ mạnh trí óc còn phần nào minh mẫn. Những bà ở khu này được các dì giao cho những việc nhẹ như nhặt rau rửa bát quét nhà mở cổng ( điện tử ) mỗi khi có xe khách viếng thăm. Khu thứ hai gồm những bà còn có thể đi  ra đi vào. Họ còn có thể tự chăm sóc bản thân, tắm rửa vệ sinh v.v..Khu thứ ba là những người  liệt cần có người chăm sóc.

Ở khu nào thì các bà cũng mỗi người một giường ( Inox ) chăn gối được xếp dọn hết sức gọn gàng sạch sẽ, nền nhà  được các bà bệnh lau chùi sáng bóng. Các hàng ghế đá xếp dọc  các hành lang rộng để các bà có thể  ngồi ngắm cảnh hoặc lần  chuỗi Mân Côi cách nhàn tản tự tại. Khi thấy đời sống trong viện tốt đẹp như thế  có chị trong đoàn buột miệng  nói – Các bà ở đây sướng thật, còn hơn ở nhà khỏi cần phải lo lắng chi nữa.

Lời nói này xét ra cũng là đúng thôi bởi vì ở nhà thì dù muốn hay không cũng phải lo nhiều thứ. Nào con cái cháu chắt dứa thế này đứa thế nọ. Nào xóm giềng nhà cửa đất đai nhiều khi không thể  không bận tâm v.v..Dù giàu hay nghèo thì người già cũng có những nỗi khổ tâm của người già và nỗi buồn phiền lớn nhất của họ là sự chăm sóc của con cái.  Sự chăm sóc ấy phần nhiều chỉ vì bổn phận chứ không phải vì tình thương thật sự. Trái lại ở nơi đây Viện Dưỡng Lão Suối Tiên này các bà được chăm nom săn sóc không chỉ ở nơi tình người nhưng là Tình Chúa.

Tình người thì còn  lúc có lúc không, lúc đậm lúc nhạt. Còn Tình Chúa thì luôn sâu đậm không bao giờ phai lạt. Cũng chính vì  Tình Chúa sâu đậm như vậy mà có nhiều bà đã có lần được gia đình đón về nhưng chỉ sau ít ngày lại trở về  như trường hợp của bà Võ Thị Đành còn gọi là bà Tám. Nhờ bài báo của tuần san Tiền Phong, gia đình đã biết được chỗ ở của bà hiện nay sau 50 năm thất lạc và đã đến xin đón. Thế nhưng chỉ ít ngày sau bà đã trở lại và xin được ở đến chết với các dì.

Cái gì cũng có nguyên nhân của nó và nguyên nhân sâu xa khiến cho các bà ngày càng đến với viện để rồi nguyện sống chết ở đó là vì  ngoài sự chăm nom về thể xác các bà con được dưỡng nuôi bằng của ăn tâm linh. Hàng ngày ở nơi  đây  đều có  tổ chức bốn giờ cầu nguyện cùng với các dì = Lúc sáng sớm khi vừa thức giấc, buổi trưa trước khi ăn, buổi chiều lúc 03 giờ có giờ Lòng Thương Xót Chúa và buổi tối trước khi ngủ. Bà nào còn đi lại được thì lên nhà nguyện, bà nào ốm liệt thì ở tại phòng  có loa phóng thanh để cùng nhau hướng tâm cầu nguyện. Mỗi tuần vào tối thứ ba và thứ bảy vẫn  có cha đến dâng Thánh Lễ  để các bà  có của ăn nuôi dưỡng  nuôi phần linh hồn. Có thể nói các bà cứ muốn ở với viện bởi vì chỉ ở nơi đây mới có Tình Thương của Chúa thực sự.

Tình thương của Chúa mặc dầu vẫn luôn có đó chẳng bao giờ vơi. Thế nhnưng nó cần phải  có những con người cố gắng thể hiện nó ra hầu đem đến cho người khác. Sự thể hiện ấy không bao giờ mang tính ép buộc mà phải hoàn toàn tự do và nếu có sự ép buộc thì đó chỉ là do sự thúc bách của Chúa Ki Tô vì Ngài đã hiến mạng sống mình vì ta ( 1Ga 3, 16 ). Một khi đã được Chúa Ki Tô thúc bách thì những công việc phục vụ chăm sóc chứa đầy sự khó khăn nhọc mệt  bất nhẫn ấy lại đã trở thành niềm vui. Sống đạo thực sự là sống trong niềm vui bất tận bởi chưng Đạo chẳng ở đâu xa ngoài mình “ Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân bất khả dĩ vi Đạo” ( Đạo không xa cái bản tính của người. Nếu theo Đạo để cho xa cái bản tính của người thì đó chẳng phải là Đạo “ ( Trung Dung )./.

 

Phùng  Văn  Hoá

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]