Đại diện Toà Thánh thăm giáo dân tỉnh Điện Biên, Sơn La

Vị Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam vừa có chuyến thăm mục vụ đặc biệt đầu tiên tới các cộng đoàn Công giáo xa xôi chưa được chính quyền địa phương công nhận ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Dù mưa lớn gây ngập lụt và sạt lở nhiều đoạn trên đường dài 500km từ Hoà Bình lên Điện Biên, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đức cha Gioan Vũ Tất của GP. Hưng Hoá và 8 linh mục đã viếng thăm 7 cộng đoàn Công giáo ở Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La, thành phố Sơn La, Mường Ảng, Tủa Chùa và thành phố Điện Biên.

Tại 4 nhà nguyện ở tỉnh Sơn La và 1 ở tỉnh Điện Biên, các ngài ban Bí tích Thêm Sức cho khoảng 300 người H’mông và 200 người Kinh. Thánh lễ và bài giảng bằng tiếng Latinh và tiếng Anh được dịch ra tiếng Việt và H’mông.

Các nhà nguyện có diện tích từ 100-200m2, nên không đủ sức chứa lượng người ước tính từ 500-1.500 người tham dự mỗi nơi, bà con phải ngồi tràn ra cả sân và ven đường tham dự lễ qua màn hình lớn. Người H’mông phải đi từ 40-200km mới tới được nơi có lễ và phải thuê xe khách đi từ hôm trước.

Bà con xếp hàng cả tiếng trước nhà nguyện tay cầm cờ vàng trắng chờ đón đoàn và hô vang “Viva Papa”, “Đức Thánh Cha trường thọ”, “Hoan hô Đức Tổng Đại diện Toà Thánh tới viếng thăm”.

“Cha thấy các con rất vui vẻ và hạnh phúc mặc dù các con đang phải trải qua nhiều gian nan thử thách trong đời sống đức tin. Ở nơi các con một lòng sống đạo can đảm làm chứng cho Chúa” – Đức cha Girelli nói với cộng đoàn.

Ngài động viên họ “trở nên người Công giáo tốt và người công dân tốt, xin Chúa chúc lành, nâng đỡ và bảo vệ cho các con, ban thêm sức mạnh để các con trở thành những nhà truyền giáo đem ánh sáng Tin Mừng đến cánh đồng truyền giáo mênh mông này”.

Còn tại hai cộng đoàn Mường Ảng và Tủa Chùa, phái đoàn chỉ đến thăm, nghe báo cáo tình hình và ban phép lành cho giáo dân, vì chính quyền hai huyện này không cho phép đoàn cử hành Thánh lễ.

Tại những nơi đoàn đến thăm, nhân viên an ninh mặc thường phục rất đông đến đợi sẵn, quay phim chụp hình nhưng không ngăn cản ra mặt.

“Việc an ninh theo dõi chặt chẽ tại các nhà nguyện là một điều tốt, vì điều đó sẽ giúp cho chính quyền hiểu rõ hơn sinh hoạt tôn giáo của người Công giáo” – Linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình, quản nhiệm các cộng đoàn ở tỉnh Điện Biên, nhận xét.

Cha Bình cho biết Toà Giám mục Hưng Hoá sắp xếp chuyến thăm này và đã gửi thông báo tới chính quyền các tỉnh trước 1 tháng.

Cha nói chính quyền tỉnh Điện Biên đã gặp gỡ phái đoàn đến thăm và còn hứa sẽ sớm công nhận chính thức các cộng đoàn ở Điện Biên, nhưng không thể công nhận một lúc mà phải dần dần từng bước cho từng cộng đoàn một. “Điều này đã làm cho linh mục và giáo dân ở đây vui mừng và thêm nhiều hy vọng” – ngài nói thêm.

“Chuyến thăm này là rất đặc biệt ghi dấu ấn lịch sử, tuy có một vài khó khăn ngăn cản nhưng không lớn lắm, điều quan trọng là người Công giáo đã được gặp gỡ vị Đại diện Đức Thánh Cha, con cái họ được nhận Bí tích Thêm Sức. Điều này giúp họ có thêm lòng tin, dũng cảm vượt thử thách và hy vọng lớn vào tương lai sẽ tốt đẹp hơn”, Cha Bình nhận xét.

Cha kể các cộng đoàn này đã đăng ký với chính quyền địa phương để được công nhận hợp pháp từ năm 2005 nhưng chính quyền vẫn chưa trả lời. Chưa có một nhà thờ nào được phép xây dựng và linh mục chưa được phép tới ở tại chỗ.

“Tuy nhiên, chính quyền cũng làm ngơ để sinh hoạt tôn giáo diễn ra trong các nhà nguyện quanh năm và cũng bớt theo dõi”, ngài nói thêm.

Ông Trịnh Xuân Thuỷ, người dâng ngôi nhà của mình làm nhà nguyện cho cộng đoàn ở thành phố Sơn La, cho biết giáo dân ở đây đã nhiều năm sống đức tin âm thầm, rồi bán công khai. Ông hy vọng với những chuyến thăm cấp cao như vậy, tình hình sinh hoạt tôn giáo sẽ được cải thiện.

“Hy vọng Đức Tổng Girelli sẽ báo cáo, đề đạt lên chính quyền trung ương để cộng đoàn chúng tôi sớm được công nhận, xây nhà thờ và có linh mục sở tại” – ông nói.

Ông Thuỷ nói Cha Giuse Nguyễn Trung Thoại coi sóc các cộng đoàn ở tỉnh Sơn La từ năm 2005 đến nay, nhưng mỗi lần đi lên làm mục vụ mất cả tuần và phải đi xa vòng quanh cả ngàn kilômét. Ở Lai Châu và Điện Biên, Cha Bình cũng phải đi cả ngàn cây số từ Sa Pa sang làm mục vụ rất khó khăn.

Nguồn: UCANews

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment