Tường thuật ngày đầu tiên ĐTC Phanxicô công du Kenya

Hoạt động với sự toàn vẹn và trong sáng cho công ích, thăng tiến một tinh thần liên đới trên mọi bình diện xã hội, ân cần lo lắng cho các nhu cầu của người nghèo, cho các khát vọng của giới trẻ và cho một việc phân chia công bằng các tài nguyên nhân lực và thiên nhiên, giúp chung xây một đất nước công bằng huynh đệ và phồn thịnh hơn.

ĐTC Phanxicô đã khích lệ các vị lãnh đạo chính trị, dân sự, kinh tế và văn hóa Kenya như trên trong cuộc gặp gỡ tại Dinh quốc gia trong thủ đô Nairobi chiều 25 tháng 11 vừa qua.

Bắt đầu từ ngày 25-11 ĐTC đã lên đường viếng thăm ba nước Phi châu, là Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Chặng đầu tiên là Kenya.

Lúc 7 giờ 15 phút sáng ĐTC đã đi xe đến phi trường quốc tế Fiumicino, cách Vaticăng 29 cây số, để lấy máy bay đi Kenya. Tại nhà trọ Santa Marta có một nhóm gồm 11 phụ nữ và 6 trẻ em thuộc một nhà trú ẩn dành cho các nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn buôn phụ nữ mại dâm do một cộng đoàn dòng tu trông coi trong vùng Lazio, đã đến chào ĐTC. Họ thuộc các nước Italia, Nigeria và Rumania.

Chào đón và tiễn chân ĐTC tại phi trường có ĐC Gino Reali, Giám Mục giáo phận Porto-Santa Rufina, bao gồm phi trường Fiumicino. Chiếc A330 của hãng hàng không Alitalia đã cất cánh lúc 7 giờ 45 và phải bay mất 7 tiếng  vượt đoạn đường dài 5.389 cây số để đến phi trường quốc tế Jomo Kenyatta của thủ đô Nairobi.

Kenya rộng hơn 580 ngàn cây số vuông nằm ở mạn Đông Phi châu quay ra Ấn Độ dương và giáp giới với các nước: Nam Sudan, Ethiopia, Somalia, Tanzania và Uganda. Kenya có 43 triệu dân, 32,4% theo Công Giáo, 47,7% theo Tin Lành và 20% theo các tôn giáo khác. Giáo Hội Công giáo có 38 Giám Mục cai quản 28 giáo phận, với 925 giáo xứ và 6.542 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 2.744 linh mục trong đó có 1.830 linh mục giáo phận, 914 linh mục dòng, 794 tu huynh, 5.505 nữ tu, 1.463 đại chủng sinh và 11.343 giáo lý viên. Giáo Hội điểu khiển 12.195 cơ sở giáo dục và 2.748 trung tâm bác ái xã hội.

Lịch sử Giáo Hội Công giáo Kenya đã bắt đầu hồi thế kỷ XV, chính xác là vào năm 1498, khi người Bồ Đào Nha ghé Kenya trên đường đến Ấn  Độ để mua bán hàng hoá, đặc biệt là các thứ gia vị. Tuy nhiên, sự hiện diện của Kitô giáo đã không đâm rễ sâu. Chứng tích của biến cố này là cây Thánh Giá bằng đá trồng trên một cây cột do nhà thám hiểm Vasco de Gama cho dựng trên núi Malindi vẫn còn tồn tại cho tới nay. Vào cuối thế kỷ XVI các thừa sai dòng thánh Agostino đến rao giảng Tin Mừng cho dân chúng sống dọc vùng duyên hải. Năm 1631 Sultan Mombasa theo Kitô giáo tên là Jeronimo Chingulia bắt đầu bách hại các cộng đoàn kitô. Ngày 21 tháng 8 năm đó có 150 kitô hữu bị giết vì đạo: đó là các vị tử đạo Mombasa, hiện đang có án phong chân phước cho các vị. Việc loan truyền Tin Mừng lan rộng vào hậu bán thế kỷ XIX với các cha dòng Chúa Thánh Thần, cùng một Giám Mục của dòng đến sống trên đảo Zanzibar bên Tanzania.

Năm 1860 Giáo quận tông toà Zanzibar được thành lập bao gồm Kenya, và năm 1863 được giao cho các tu sĩ dòng Chúa Thánh Thần trông coi. Giữa các năm 1889-1892 các cha dòng Chúa Thánh Thần mở các cứ điểm truyền giáo tại Bura và Mombasa trên sông Tana. Năm 1899 các thừa sai dòng thánh Agostino và dòng Thánh Gia mở các cứ điểm truyền giáo tại Nairobi. Năm 1902 các cha dòng Đức Bà An Ủi mở một cứ điểm truyền giáo tại Tuthu và Muran’a trong vùng Kikuyu. Năm 1903 các cha dòng Mill Hill mở một cứ điểm truyền giáo tại Kisumu trong vùng Luo.

Năm 1929 Tòa Thánh cho thành lập các Giám quản tông toà Nyeri, Kisumu, Zanzibar và giáo quận tông toà Meru. Năm 1927 hai linh mục bản xứ Kenya đầu tiên được thụ phong. Năm 1953 Toà Thánh cho thành lập Hàng Giáo Phẩm công giáo Kenya với các giáo phận đầu tiên là Nairobi, Nyeri, Kisumu và Meru. Năm 1957 Giám Mục tiên khởi người Kenya được tấn phong là ĐC Maurice Otunga, sau này cũng là Hồng Y tiên khởi người Kenya năm 1973. Kenya đã được Đức Gioan Phaolô II viếng thăm ba lần: lần đầu tiên năm 1980, lần thứ hai năm 1985 nhân Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50, và lần thứ ba năm 1995 nhân dịp công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Giáo Hội tại Phi châu”.

Năm 1989 Giáo Hội Kenya đã mừng kỷ niệm 100 năm đón nhận hạt giống Tin Mừng. Năm 1990 Tòa Thánh nâng các giáo phận Kisumu, Mombasa và Nyeri lên hàng Tổng Giáo Phận.

Tên gọi của cộng hòa Kenya bắt nguồn từ tên ngọn núi Kenya. Trong cả ba thứ tiếng Kikuyu, Embu và Kamba núi này được gọi là Kirinyaga, Kirenyaa và Kiinyaa có nghĩa là “Chỗ nghỉ ngơi của Thiên  Chúa”. Người Anh đọc là Keenya. Vào thế kỷ XIX nhà thám hiểm người Đức là Johann Ludwig Krapf sống với người Bantu Kamba cho biết khi hỏi tên núi dân chúng trả lời là “ Ki-Nyaa” hay “Kiima-Kiinyaa”, có lẽ vì mầu đen của đá và mầu trắng của tuyết phủ trên đỉnh núi nhắc cho họ nhớ tới con đà điểu.

Kenya là vùng đất đã có người sinh sống từ hàng triệu năm trước công nguyên. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy gần hồ Turkana các bộ xuơng người “Homo habilis” Người khéo léo sống trong khoảng thời gian giữa 1,8 tới 2,5 triệu năm, và “Homo erectus” Người đứng thẳng sống giữa 1,8 triệu tới 350.000 năm trước công nguyên. Có thể họ đã là tổ tiên của “Homo sapiens” người khôn ngoan. Đặc biệt các cuộc đào bới năm 1984 đã đưa ra ánh sáng bộ xương của một chú bé sống vào khoảng thời gian 1,6 triệu năm trước công nguyên thuộc nhóm “Homo erectus”.

 

Các người đầu tiên sống tại Kenya là các nhóm chuyên về nghề săn bắn, bà con với chủng tộc Khoisan. Sau đó họ được thay thế bởi các nhóm Cush. Vào khoảng năm 500 trước công nguyên có các nhóm du mục gốc sông Nilo di cư từ miền Nam Sudan sang Kenya, trong đó có các nhóm Samburu, Luo, Turkana và Maasai. Vào ngàn năm thứ nhất có các nhóm nông dân Bantu đến từ mạn Tây Phi châu, tức Đông Nigeria và Tây Camerun ngày nay. Nhóm này bao gồm các chủng tộc Kikuyu, Lyhya, Kamba, Kisii, Meru, Aembu, Ambeere, Wadawida-Watuweta, Wapokomo và Mijikenda.

Vùng duyên hải có các cộng đoàn chuyên nghề thợ rẻn, và các nhóm Bantu sống về nghề nông, săn bắn và đánh cá. Nhiều thành phố vùng duyên hải đã do người A rập thành lập bao gồm Mombasa, Malindi và Zanzibar. Và từ thế kỷ XII người Arập buôn bán với các nhóm thổ dân. Từ sự gặp gỡ này nảy sinh ra nền văn hóa Swahili, bao gồm hai yếu tố hiệp nhất: đó là tiếng Kiswahili và Hồi giáo. Người dân sống tại đây là các nông dân Kikuyu thuộc chủng tộc Bantu và người Masai là dân tộc gốc vùng sông Nilo di cư sang Kenya vào thế kỷ XVII.  Hồi đó người Bồ Đào Nha chiếm đóng vài vùng trên bờ duyên hải, nhưng họ bị lấn át bởi các Sultan hồi Oman vùng Zanzibar. Sự hiện diện của các người âu châu khác đã chỉ bắt đầu gia tăng vào cuối thế kỷ XIX, khi Kenya trở thành thuộc địa của Anh quốc.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến người Kikuyu bắt đầu cuộc chiến dành độc lập, và ngày 12 tháng 12 năm 1963 Kenya thoát ách thống trị của Anh quốc. Các cuộc bầu cử đưa ông Jomo Kenyatta, một trong các lãnh tụ phong trào độc lập, lên làm tổng thống đầu tiên của Kenya. Ông Kenyatta thăng tiến một đường lối chính trị tân tiến và theo Âu châu, bằng cách thực hiện các cuộc cải cách kinh tế chính trị hiện đại và kỹ nghệ hóa đất nước, duy trì các bang giáo tốt với Anh quốc và các nước láng giềng.

Năm 1978 sau khi ông Kenyatta qua đời, ông Daniel Arap Moi được bầu làm tổng thống. Ông vẫn duy trì đường lối chính trị của vị tiền nhiệm. Nhưng năm 1982 nhân một cuộc đảo chánh hụt của quân đội ông củng cố quyền lực và đưa ra chế độ độc đảng. Sau thời chiến tranh lạnh chấm dứt, cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc tổng thống Arap Moi phải trở lại chế độ đa đảng. Nhưng phe đối lập không tìm ra người đại diện, nên ông Arap Moi được tái cử liên tiếp trong các cuộc bầu cử năm 1992, và 1997. Vì tổng thống Arap Moi không đuợc ra tranh cử lần thứ ba theo luật của Hiến pháp năm 2002 ông Mwai Kibaki được bầu làm tổng thống. Năm 2008 bạo lực chủng tộc bùng nổ trong cuộc tổng tuyển cử, nhưng nhờ sự can thiệp và trung gian của

Máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã bay ngang qua không phận các nước Italia, Hy Lạp, Ai Cập, Sudan và Etiopia và Kenya. ĐTC đã gửi điện tín chào thăm tổng thống và nhân dân các nước này. Trong điện tín gửi ông Sergio Mattarella, Tổng thống Italia,  ĐTC viết: Trong khi tôi bắt đầu chuyến tông du Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi, được thúc đẩy bởi ước mong gặp gỡ các anh chị em trong đức tin và dân chúng của các quốc gia này, tôi xin gửi tổng thống lời chào trân quý và các lời cầu nguyện sốt mến cho thiện ích và sự thịnh vượng của toàn dân Italia.

Trong điện tín trả lời tống thống Matarella đã cám ơn các lời chào và cầu chúc của ĐTC. Tổng thống viết trong điện tín: “Italia và cộng đồng quốc tế rất chú ý tới chuyến viếng thăm đầu tiên của ĐTC tại Phi châu, đang bị chiến tranh, bất ổn chính trị, nghèo túng và các bất bình đẳng xã hội ngăn cản tiềm năng lớn lên và phát triển. Sự hiện diện của ĐTC sẽ là một nâng đỡ và khích lệ các cộng đoàn kitô địa phương và sẽ là một dấu hiệu quan trọng của hòa bình, tình huynh đệ và đối thoại cho các nước được viếng thăm và toàn đại lục.” Tổng thống Matarella đã nhân dịp này tái bầy tỏ lòng quý trọng và ngưỡng mộ sâu xa đối với ĐTC.

ĐTC cũng gửi lời chào đến tổng thống Hy Lạp ông Prokopis Pavlopoulos và khẩn cầu phước lành của Thiên Chúa trên dân nước Hy Lạp và xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành cho mọi người với sự bình an và thịnh vượng.

Trong điện tín chào thăm tổng thống  Abdel Fattah Al Sisi và toàn dân Ai Cập, cũng như  tổng thống Omar Al-Bashir và nhân dân Sudan, ĐTC khẩn nài phước lành của Đấng Tối Cao trên hai nước và xin Người ban hoà bình và thịnh vượng cho Ai Cập và Sudan.

ĐTC cũng gửi điện tín chào thăm tổng thống Mulatu Teshome và nhân dân của cộng hòa dân chủ liên bang Etiopia. Ngài cầu xin Thiên Chúa ban an bình thịnh vượng và chúc lành cho dân nước Etiopia.

Khi máy bay vào không phận Kenya ĐTC đã gửi điện tín chào thăm tổng thống Uhuru Kenyatta và dân nước Kenya. Ngài bầy tỏ niềm vui lớn lao được viếng thăm Kenya và khẩn nài Thiên Chúa chúc lành cho dân nước Kenya.

Sau 7 giờ  bay chiếc A330 chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã đến phi trường quốc tế Jomo Kenyatta của thủ đô Nairobi lúc 17 giờ chiều giờ Kenya. ĐTGM Daniel Charles Balvo, Sứ Thần Toà Thánh, đã cùng vị Trưởng nghi lễ lên máy bay chào ĐTC. Tổng thống Kenyatta đã đón ĐTC tại chân thang máy bay. Hiện diện tại phi trường để tiếp đón ĐTC cũng có vài giới chức chính  quyền, ĐHY John Njue, TGM Nairobi, ĐC Philip Anyolo, Chủ tịch HĐGM Kenya, vài Giám Mục và một nhóm tín hữu với một ca đoàn và một đoàn vũ ca hát chào mừng ĐTC.

ĐTC Phanxicô bắt tay chào các giới chức đạo đời, rồi đàm đạo với tổng thống trong phòng khách của phi trường. ĐTC ký tên vào sổ lưu niệm. Sau đó ngài lên xe đến Tòa nhà quốc gia, tức dinh tổng thống, cách đó 19 cây số, là nơi diễn ra lễ nghi chào đón chính thức.

Thủ đô Nairobi trong tiếng Masai có nghĩa là “Nơi của nước lạnh”, có 4,5 triệu dân và là thành phố lớn nhất miền Đông Phi châu. Trước khi người Anh tới đây, vùng này là nơi sình lầy không có người ở. Vào cuối thế kỷ XIX nó được khai hoang với đường xe lửa nối liền Kenya với Uganda. Ban đầu chỉ là kho tiếp tế rồi từ từ Nairobi trở thành tình nhỏ. Vào đầu thế kỷ XX thành phố bị đốt để ngăn chận dịch hạch lan tràn. Nairobi dần dần hồi sinh và năm 1905 trở thành thủ đô của miền Đông Phi châu của Anh. Từ năm 1963 tới nay Nairobi phát triển mạnh với các xây cất hạ tầng cơ sở. Mạn bắc là núi Kenya, mạn đông nam là núi Kilimangiaro cao 5.895 mét, có tuyết phủ quanh năm, và là ngọn núi riêng rẽ cao nhất thế giới. Mạn bắc còn có một khu rừng già là rừng Karura. Trung tâm thành phố có nhiều nhà chọc trời, nhưng trong các khu ngoại ô có tới 2 triệu người sinh sống. Khu ngoại ô lớn nhất là khu Kibera với 1 triệu dân cư. Trong khi khu ngoại ô nghèo nhất là Mitumba, nơi có tới 60% dân nghiện xì ke ma túy, chỉ có 5% trẻ em học hết bậc tiểu học và người dân sống dưới mức nghèo đói, với 60 xu mỗi ngày. Tuy nhiên Nairobi cũng là một trong các trung tâm thương mại và tài chánh của Phi châu có trụ sở của nhiều công ty đa quốc và trụ sở của Liên Hiệp Quốc, cũng như có nhiều đại học. Ngoài ra còn có nhà thương Aga Khan, là nhà thương đại học duy nhất của toàn vùng Đông Phi châu.

Tổng giáo phận Nairobi được thành lập năm 1953 có hơn 2,9 triệu tín hữu công giáo, tức chiếm 57% trên tổng số hơn 5,1 triệu dân. Giáo phận có 106 giáo xứ và 16 cứ điểm truyền giáo, 168 linh mục giáo phận, 460 linh mục dòng, 1.384 tu huynh, 1.592 nữ tu, 67 đại chủng sinh. Giáo Hội cũng điều khiển 336 cơ sở giáo dục và 153 trung tâm bác ái xã hội.

Lễ nghi chào đón chính thức ĐTC đã diễn ra tại Tòa nhà quốc gia lúc 18 giờ. Ban quân nhạc đã cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Kenya, trong khi ĐTC và tổng thống duyệt qua hàng chào danh dự, đại bác đã bắn 21 phát đúng theo lễ nghi tiếp đón các vị quốc trưởng. Tiếp đến hai bên đã giới thiệu phái đoàn.

Sau đó ĐTC và tổng thống đã vào bên trong và được tổng thống phu nhân tiếp đón. ĐTC ký tên trong sổ Vàng rồi vào thư phòng đàm đạo riêng với tổng thống. Trong khi đó ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và các ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, Peter Turkson Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, John Njue, TGM Nairobi, và các ĐTGM Giovanni Angelo Becciu, Phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Daniel Charles Balvo, Sứ Thần Tỏa Thánh,  và Philip Anyolo, Chủ tịch HĐGM Kenya,  gặp gỡ thủ tướng và phái đoàn chính quyền Kenya.

Sau cuộc gặp gỡ riêng tống thống đã giới thiệu phu nhân và ba con với ĐTC. Hai bên đã trao đổi quà tặng và chụp hình lưu niệm.

Tổng thống Uhuru Kenyatta sinh năm 1961 là con của cố tổng thống Jomo Kenyatta được coi như người cha của tổ quốc Kenya. Ông đã từng du học và đậu tiến sĩ kinh tế chính trị tại đại học Amberst tại tiểu bang Massachusetts bên Hòa Kỳ. Vào thập niên 1990 ông đã  tham gia chính trị và giữ nhiều chức vụ quan trong chính quyền.

Vào lúc 18 giờ 30 ĐTC đã gặp gỡ chính quyền, các giới chức của thế giới chính trị, kinh tế, văn hóa và ngoại giao đoàn trong vườn của dinh tổng thống dưới một lều lớn có chỗ cho 3.000 người.

Đáp lại lời chào mừng của tổng thống Kenya ĐTC bầy tỏ lòng biết ơn của ngài vì sự đón tiếp nồng hậu dành cho ngài trong chuyến viếng thăm Phi châu đầu tiên này. Kenya là một quốc gia trẻ và mạnh mẽ, một cộng đoàn với nhiều khác biệt và nắm giữ một vai trò ý nghĩa  trong vùng.  Kinh nghiệm của Kenya nhào nặn một nền dân chủ cũng được nhiều quốc gia khác của Phi châu chia sẻ. Giống như Kenya họ cũng đang làm việc để xây dựng một xã hội đa chủng tộc thực sự hài hòa, công bằng và bao gồm, dựa trên các nền tảng vững chắc của lòng tôn trọng lẫn nhau, sự đối thoại và cộng tác.

Tiếp tục diễn văn ĐTC ca ngọi Kenya là một quốc gia trẻ trung. Trong các ngày này ngài chờ đợi gặp gỡ nhiều người trẻ, nói chuyện với họ và khích lệ các hy vọng và chờ đợi của họ đối với tương lai. ĐTC nhấn mạnh như sau:

Giới trẻ là tài nguyên quý báu nhất của mọi quốc gia. Che chở người trẻ, đầu tư cho người trẻ và cống hiến cho họ một bàn tay trợ giúp là phương thế tốt nhất chúng ta có thể bảo đảm cho một tương lai xứng đáng với sự khôn ngoan và các giá trị tinh thần thân thiết đối với các người cao niên của họ, các giá trị làm thành con tim và linh hồn của một dân tộc.

Kenya đã được chúc phúc không phải chỉ với vẻ đẹp mênh mông, trong các núi non, sông hồ, rừng già, rừng tranh và bán sa mạc, nhưng còn có tràn đầy cả các tài nguyên thiên nhiên nữa. Người dân Kenya rất quý trọng các kho tàng mà Thiên Chúa đã ban tặng cho và nổi tiếng vì nền văn hóa bảo trì khiến cho họ được vinh dự. Cuộc khủng hoảng môi sinh trầm trọng mà thế giới chúng ta đang phải đương đầu đòi hỏi chúng ta phải có một sự nhậy cảm luôn luôn lớn lao hơn đối với tương quan giữa con người và thiên nhiên. Chúng ta có một trách nhiệm trong việc thông truyền lại cho các thế hệ tương lai vẻ đẹp của thiên nhiên trong sự toàn vẹn của nó, và chúng ta có bổn phận quản lý các món quà đã nhận được một cách đúng đắn. Các giá trị này đâm rễ sâu trong tâm hồn người dân Phi châu. Trong một thế giới tiếp tục khai thác hơn là bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, các giá trị ấy phải gợi hứng cho các nỗ lực của hàng lãnh đạo thăng tiến các mô thức phát triển kinh tế có trách nhiệm.

Tiếp tục diễn văn nói trước giớí lãnh đạo chính trị dân sự và ngoại giao đoàn tại Kenya ĐTC khẳng định rằng có một mối dây tỏ tường giữa việc bảo vệ thiên nhiên và xây dựng một trật tự xã hội công bằng và bình đẳng. Không thể có sự canh tân tương quan của chúng ta với thiên nhiên mà không có sự canh tân chính nhân loại (x. Laudato si’, 118). Cho tới khi nào các xã hội của chúng ta còn sống kinh nghiệm các chia rẽ, dù đó là các chia rẽ chủng tộc, tôn giáo hay kinh tế, thì mọi người nam nữ thiện chí được mời gọi hoạt động cho hòa giải và hòa bình, cho sự tha thứ và chữa lành các con tim. ĐTC quảng diễn thêm như sau:

Trong việc xây dựng một trật tự dân chủ vững vàng, củng cố sự kết hợp chặt chẽ và sáp nhập, khoan nhượng và tôn trọng tha nhân, việc theo đuổi công ích phải là mục đích đầu tiên. Kinh nghiệm cho thấy rằng bạo lực, xung khắc và khủng bố được dưõng nuôi với sự sợ hãi, mất tin tưởng và tuyệt vọng nảy sinh từ nghèo túng và bị tước đoạt. Phân tích cho cùng, việc chiến đấu chống lại  các kẻ thù này của hòa bình và sự thịnh vượng phải được tiếp tục bởi những người nam nữ, không sợ hãi, tin tưỏng nơi các giá trị tinh thần và chính trị lớn lao đã gợi hứng cho việc khai sinh ra quốc gia và làm chứng cho các giá trị đó.

Kính thưa quý vị, việc thăng tiến và bảo trì các giá trị lớn lao đó được tín thác một cách đặc biệt cho quý vị, đang hướng dẫn cuộc sống chính trị, văn hóa và kinh tế của quý quốc. Đây là một trách nhiệm to lớn, một ơn gọi đích thật phục vụ toàn dân Kenya. Tin Mừng nói với chúng ta rằng đối với những người được cho nhiều thì, cũng bị đòi hỏi nhiều (x. Lc 12,48). Và ĐTC đưa ra lời khích lệ giới lãnh đạo Kenya như sau:

Trong tinh thần ấy tôi khích lệ quý vị hoạt động với sự toàn vẹn và trong sáng cho công ích và thăng tiến một tinh thần liên đới trên mọi bình diện xã hội. Tôi đặc biệt xin quý vị ân cần lo lắng cho các nhu cầu của người nghèo, cho các khát vọng của giới trẻ và cho một việc phân chia công bằng các tài nguyên nhân lực và thiên nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã ban tặng cho quý quốc. Tôi bảo đảm với quý vị dấn thân liên lỉ của cộng đoàn công giáo, qua các cơ cấu giáo dục và bác ái nhằm cống hiến phần đóng góp đặc thù của nó cho các lãnh vực ấy.

Các bạn thân mến, người ta đã nói với tôi rằng tại Kenya có truyền thống là các học sinh trồng cây cho hậu thế. Ước chi dấu chỉ hùng hồn này của niềm hy vọng nơi tương lai và tin tưởng nơi sự lớn lên mà Thiên Chúa đã ban cho, nâng đỡ các bạn trong các nỗ lực vun trồng một xã hội liên đới, công bằng và hòa bình trên đất của quốc gia này và trên toàn đại lục Phi châu. Một lần nữa tôi xin cám ơn sự tiếp đón nồng hậu của quý bạn và tôi khẩn nài Thiên Chúa tuôn đổ dồi dào phước lành trên quý bạn, gia đình quý bạn và trên toàn dân Kenya yêu dấu. Mungu abariki Kenya. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Kenya.”

Sau khi từ giã mọi người ĐTC đã đi xe vè Tòa Sứ Thần Toà Thánh cách đó 7 cây số để dùng bữa tối kết thúc ngày đầu tiên viếng thăm Kenya.

Kenya

Linh Tiến Khải

Nguồn: RV

Chia sẻ Bài này:

Related posts