Năm Đức Tin, cuộc hành hương trong những sa mạc của thế giới

Bài giảng của ĐGH Biển Đức XVI trong Thánh Lễ khai mạc:
Năm Đức Tin, cuộc hành hương trong những sa mạc của thế giới

Rôma, ngày 11.10.2012 (ZENIT.org) – Năm Đức Tin có thể ví như một cuộc “hành hương” trong những sa mạc của thế giới, ĐGH Biển Đức XVI tuyên bố. Ngài mô tả hành trang hữu ích và hiệu quả của khách hành hương trong khuôn khổ này bao gồm “Phúc Âm và Đức Tin của Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng đã có bài giảng trong lễ khai mạc Năm Thánh sáng ngày 11.10.2012, trên quảng trường Thánh Phêrô, ở Rôma, với 400 vị đồng tế, trong đó có các giám mục tham dự công nghị (từ ngày 07 đến 28.10.2012). Đây cũng là lễ kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Vaticanô II, với sự hiện diện của Đức giáo chủ đại kết Bartholomaios Đệ Nhất và của Đức giám mục Anh giáo Rowan Williams, cùng với 12 trong 69 vị trưởng lão của Công Đồng Vaticanô II còn sống đến nay.

Cuộc hành hương trong những sa mạc của thế giới

“Những thập niên gần đây đã chứng kiến  một sự “sa mạc hóa” tinh thần: “không gian trống rỗng đang lan rộng”, ĐGH Biển Đức XVI nhận xét. Nhưng ngài không dừng lại ở điều nhận xét bi quan này: “chính từ sự trải nghiệm về cái sa mạc này, cái khoảng không này, mà chúng ta có thể khám phá lại niềm vui được tin tưởng, sự quan trọng sinh tử của nó đối với chúng ta, nam cũng như nữ”, ngài xác định.

Thật vậy, ngài tiếp, “trong sa mạc người ta tái khám phá ra được giá trị của cái gì là cốt yếu để sống”. Trong viễn cảnh này, Đức Giáo Hoàng nhận xét, thế giới đương đại cũng là một cơ hội để canh tân, bởi vì “những dấu chỉ của sự khao khát Thiên Chúa, theo ý nghĩa thầm kính của đời sống”, thì “vô số kể dù rằng thường khi được biểu lộ một cách hàm ẩn hay phủ định”.

Do đó, ngài đề nghị tiếp cận Năm Đức Tin này như là “một cuộc hành hương trong những sa mạc của thế giới ngày nay”.

Trong sa mạc, ngài xác định, “cần nhất phải có những con người có Đức Tin, với tấm gương đời sống của họ, để chỉ đường đến Đất Hứa” và như vậy “giữ cho niềm hy vọng luôn tỉnh thức” bởi vì Đức Tin “giải phóng khỏi chủ nghĩa bi quan”.

“Ngày nay hơn bao giờ hết, Phúc Âm hóa có nghĩa là làm chứng cho một cuộc đời mới, được Thiên Chúa biến đổi, và như vậy có thể chỉ đường”, Đức Giáo Hoàng đánh giá.

Hành trang của khách hành hương Năm Đức Tin

Suốt “cuộc hành hương này trong những sa mạc của thế giới ngày nay”, ĐGH Biển Đức XVI  khuyên nên mang theo “chỉ cái gì là cốt yếu”, cũng như Đức Kitô từng yêu cầu các môn đệ của Ngài: “không gậy, không bị, không lương, không tiền và cũng không cần hai tấm áo” (Lc 9, 3).

Cái cốt yếu cho sứ mạng này là gì? “Phúc Âm và Đức Tin của Giáo Hội”, mà những tài liệu của Công Đồng Vaticanô II và cuốn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo là “sự biểu hiện sáng lạn”, Đức Giáo Hoàng trả lời.

Cuộc hành trình là một “ẩn dụ của cuộc đời”, ĐGH Biển Đức XVI ngoài ra đã nhấn mạnh: ngài bộc lộ “đôi điều của ý nghĩa con người trên đời”. Trên chiều hướng này, “người lữ khách khôn ngoan” là người đã “học nghệ thuật sống” và “có khả năng chia sẻ với các anh em”.

Quay trở lại với Đức Kitô

Nhưng trước khi đi thi hành sứ mạng, phải tìm lại được Đức Tin: nếu các Nghị Phụ Công Đồng “đã mở ra trong tin tưởng với sự đối thoại với thế giới hiện đại” chính là “bởi vì họ chắc chắn về Đức Tin của họ, về sự vững chãi như đá tảng trên đó họ dựa vào”, Đức Giáo Hoàng nhận xét.

Vì vậy người tín hữu phải quay trở lại với đích thân Chúa Giêsu Kitô, Ngài “không chỉ là chủ đề của Đức Tin” nhưng Ngài cũng là “chủ thể đích thực và hằng hữu của Phúc Âm hóa”

“Chính Thiên Chúa là chủ thể chính của Phúc Âm hóa thế giới, qua Đức Giêsu Kitô”, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, nhưng “Giáo Hội là khí cụ đầu tiên và cần thiết cho công trình của Đức Kitô bởi vì Giáo Hội hợp nhất với Ngài như thân thể với cái đầu của mình”.

Như vậy, ĐGH Biển Đức XVI nói thêm, Đức Kitô tiếp tục trao cho Giáo Hội sứ mạng của mình “đến ngày tận thế bằng cách trải ban Chúa Thánh Linh trên các môn đệ”, để họ đi “công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” và “công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19).

Tác giả Anne Kurian
Mạc Khải
phỏng dịch từ http://www.zenit.org/article-32140?l=french

Nguồn: Truyền thông GHXHCG

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment