- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Một vị Giáo Hoàng hài hước, pha trò và thư giãn

Đức Thánh Cha Phanxicô
với Cuộc Phỏng Vấn của Nhật Báo Á Căn Đình La Nacion
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

Dẫn nhập của người dịch:

Người phỏng vấn ngài là Elisabetta Piquè. Nhân vật này là nữ phóng viên của tờ nhật báo La Nacion ở Ý và là tác giả cuốn “Phanxicô: Đời sống và Cách mạng” được nhà xuất bản Loyola Press phát hành, người được coi như tiểu sử gia uy tín nhất hiện nay.
Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 50 phút hôm Thứ Năm mùng 4/12/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời những gì được đặt ra liên quan đến Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Ngoại Lệ III – 2014, về thành phần ly dị tái hôn, về Đức Hồng Y Walter và Đức Hồng Y Burke, về việc cải cánh giáo triều Rôma, về viên Chỉ Huy vệ sĩ đoàn của Giáo Hoàng, về việc ngài bị chống đối và về các chuyến tông du trong tương lai v.v.
Có tất cả là 4 bài viết của tác giả phỏng vấn Elisabetta Piquè liên quan đến các câu hỏi của chính đương sự với các câu trả lời của ĐTC Phanxicô mới được tờ nhật báo này phổ biến hôm Chúa Nhật mùng 7/12/2014.

Bài 1: “Một vị Giáo Hoàng hài hước, pha trò và thảnh thơi vào một chiều mưa ở Vatican”;
Bài 2: “Giáo Hoàng Phanxicô: ‘Thiên Chúa đã ban cho tôi một liều lượng vô thức lành mạnh'”;
Bài 3: “Thượng Nghị về gia đình: ‘Thành phần ly dị và tái hôn dường như bị tuyệt thông'”;
Bài 4: “Những thay đổi về Vệ Binh Thụy Sĩ: ‘Nó chỉ là một cuộc đổi mới … nên biết rằng không ai lại cứ tiếp tục làm mãi một việc'”

Bài 1

“Một vị Giáo Hoàng hài hước, pha trò và thư giãn
vào một chiều mưa ở Vatican”

Cuộc hẹn của chúng tôi vào lúc 4 giờ 30 chiều Thứ Năm ngày 4 tháng 12, tại Nhà Trọ Thánh Matta. Trời lại đang mưa. Chẳng có chiếc taxi nào hết, như thường xẩy ra khi có bão và Rôma rơi vào tình trạng suy sụp.

Gerry (chồng của tôi, người sẽ đi với tôi và hy vọng làm thợ chụp hình của tôi) và tôi cố gắng tỏ ra không hoảng hốt.

Chỉ còn cách duy nhất là lấy xe chạy; chúng tôi không thể trễ hẹn. May mắn thay không có quá nhiều giao thông trên đường phố.

Chúng tôi đã đến được Vatican ở Petriano Entrance, phía bên cánh trái của vòng trụ cột Bernini. Bấy giờ trời đã tối. Đang lúc mưa bão và gió mạnh, tôi mở cửa sổ nói với một Vệ Binh đang cầm dù rằng tôi có hẹn với Đức Giáo Hoàng.

“Tôi muốn đi taxi nhưng thời tiết này không thể nào kiếm được taxi”, tôi nói thế và xin lỗi đã phải đến đây bằng xe nhà. Người Vệ Binh mỉm cười trong khi người đồng nghiệp của anh ta thi hành việc kiểm soát bình thường.

Anh ta hỏi: “Xin vào. Bà có biết đường đi không?”. Tôi trả lời: “Tôi biết”.

Tôi đậu chiếc xe nước rút của chúng tôi trước Nhà Trọ Thánh Matta, bên dưới cái vòm Thánh Phêrô uy nghi, một cái vòm được sáng giá bởi những chiếc xe khác với bảng số SCV (Stato Cittá del Vaticano – Quốc Đô Vatican).

Một trong những chiếc xe này là chiếc Ford Focus mầu xanh dương đang được Đức Giáo Hoàng sử dụng. Tôi thèm chụp một bức hình lịch sử chiếc xe Honda Jazz cũ của chúng tôi đậu bên cạnh chiếc Ford Focus của Đức Giáo Hoàng, thế nhưng trời vẫn mưa, vả lại không còn giờ. Giá mà chúng tôi đến đó ít phút trước giờ ấn định thì hay biết mấy.

Bấy giờ là 4 giờ 20, chúng tôi đặt các chiếc dù đẫm nước của chúng tôi nơi một cái dù được dựng ở cửa nhà trọ Vatican cho hàng giáo sĩ này, và thấy rằng Đức Phanxicô, trong bộ áo trắng hằng ngày của ngài (không có băng lụa trắng và cũng chẳng có mũ phủ phía sau đầu) đã đứng ở đó rồi, trong hành lang. Ngài đang tiễn đưa một người nữ lão thành.

Chúng tôi trao những chiếc áo mưa của chúng tôi cho mấy người canh gác mặc y phục mầu xanh dương, những người nhân viên đón đưa chúng tôi một cách dịu dàng. Đức Phanxicô tiến tới, tươi cười chào đón chúng tôi. Ba người chúng tôi đi vào thang máy, lên lầu hai. Trước khi tiến vào phòng của ngài, một Vệ Binh đứng nghiêm chào Đức Giáo Hoàng. Cả 3 chúng tôi đã đặc biệt đáp lại “Buonasera”.

Căn 201 là tổng hành dinh của Đức Giáo Hoàng, văn phòng chính của ngài, phòng ở của ngài. Chìa khóa treo ở gần ổ khóa. Ở gần cửa chúng tôi có thể thấy, trên một cái ghế được bọc bằng một một lớp nhung xanh lá cây nhạt xam xám, có một chiếc áo len đan mầu kem trắng rất mỏng, có thể vừa được giặt xong. Nó giống hệt như chiếc áo tôi có thể thấy lòi ra ở dưới những tay áo của Đức Phanxicô.

Căn hộ này chẳng có gì là xa xỉ sang trọng cả, các bức tường đều trắng và phòng ở thì giản dị; có một bức ảnh Thánh Phanxicô, mấy tượng Thánh Giá, một bức tượng Đức Mẹ Luján và mấy vị trinh nữ khác ở trên mấy chiếc bàn gỗ chẳng trang hoàng gì.

Căn hộ này gồm có một phòng nghỉ ngơi, một phòng làm việc, một phòng ngủ với một cái giường lớn được làm bằng gỗ đen và phòng tắm. Trước khi Đức Jorge Bergoglio đến ở thì căn 201 này được giành cho các vị khách danh tiếng của Vatican.

Nó thực sự là căn đã được Đức Thượng Phụ Constantinople là Bartholomew I thường ở. Với tính hài hước của mình Đức Phanxicô đã nói với vị thượng phụ này sau ngày được bầu chọn làm giáo hoàng rằng: “Tôi xin lỗi vì đã trộm mất căn phòng của ngài”.

“Một con người hăng làm việc”

Như bình thường, Đức Phanxicô đã trải qua một buổi sáng đáng chú ý nhất. Ngài đã tiếp riêng Đức Hồng Y Severino Poletto, vị tổng giám mục hữu trí ở Torino; tiếp Tổng Thống Armando Guebuza ở Mazambique; tiếp Khâm Sứ Tòa Thánh ở Papua New Guinea và Quần Đảo Solomon; tiếp Khâm Sứ Tòa Thánh ở Ba Tây; tiếp vị lãnh sự Á Căn Đình Juan Pablo Cafiero trong chuyến viếng thăm chào biệt của vị này, và tiếp Liên Hiệp Các Tổ Chức Kitô Hữu tình nguyện viên. Ngài vẫn tỏ ra thản nhiên thư giãn.

Như tôi được biết thì ngài thật sự là có các cuộc hẹn khác sau cái hẹn với tôi (ngài đã trở thành một con người hăng say làm việc), tôi hỏi thẳng ngài là tôi được có bao nhiêu thời gian. Ngài liền trấn an tôi rằng: đủ thời gian mà, không cần phải vội vàng.

Đức Phanxicô hơi bị ho sau chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ tuần vừa rồi, nơi ngài đã trải qua những thay đổi bất ngờ về nhiệt độ: lạnh bên ngoài và nóng trong nhà vì sưởi quá ấm.

Trong chuyến đi ấy, như các phỏng viên khác trên chuyến bay của giáo hoàng, Gerry và tôi đã được đặc ân chào ngài. Vào hôm Thứ Ba, mặc dù ở một khoảng cách, chúng tôi cũng đã chào ngài khi chúng tôi được có mặt ở biến cố các vị lãnh đạo tôn giáo khác nhau cùng ký kết lịch sử vào một Bản Tuyên Ngôn Chung chống lại tình trạng nô lệ tân thời, tại Casino Pio IV trong Thành Vatican.

Đó là lý do tại sao, mặc dù tôi sắp phỏng vấn Đức Giáo Hoàng tôi vẫn không cảm thấy hồi hộp. Tôi đã từng chờ đợi giây phút này lâu rồi, có thể đó là lý do tại sao nó tuôn ra.

Tôi đã gặp Đức Jorge Bergoglio vào Tháng 2 năm 2001, ở Rôma, khi tôi cần phải phỏng vấn vị tổng giám mục Buenos Aires bấy giờ cho tờ nhật báo La Nación. Ngài bình thương đã không cho phỏng vấn nhưng đã ngoại lệ cho tôi lần ấy vì ngài sắp được Đức Gioan Phaolô II vinh thăng hồng y.

Từ đó đến nay nhiều sự đã xẩy ra, bao nhiêu năm đã trôi qua, rất nhiều cuộc gặp gỡ. Con người này đã từng được gọi là Cha Jorge giờ đây là Đức Phanxicô, và tôi, tác giả cuốn “Phanxicô: Đời sống và Cách mạng” (“Francisco, vida y revolución”), một trong những cuốn tiểu sử về vị Giáo Hoàng đang làm thay đổi lịch sử của Giáo Hội.

Chúng tôi đã ngồi xuống trong những chiếc ghế tựa tay bọc nhung mầu xanh nhạt ở phòng khách, và Đức Phanxicô đã bắt đầu nói chuyện này nọ, vui cười và thậm chí còn nói về chuyện khi ngài vẫn còn là Cha Jorge.

Ngài đã nói và diễn tả một cách ngắn gọn đường lối đặc biệt làm giáo hoàng của ngài rằng: “Ngay từ đầu tôi đã tự nhủ mình rằng: ‘Này Jorge, không có vấn đề thay đổi đó nghe, việc thay đổi ở vào tuổi của ngươi sẽ làm cho ngươi thành khờ khạo thôi”.

Thời gian qua mau. Cuộc phỏng vấn đã kéo dài 50 phút đồng hồ. Cuộc phỏng vấn xong, chúng tôi đã có giờ trò chuyện, thậm chí quay một đoạn video ngắn bằng chiếc điện thoại di động của tôi về việc ngài chào những học sinh mãn khóa của Trường Alfaracito (một Trường Trung Học do Cha Chifri thiết lập ở khu vực Salta Á Căn Đình).

“Xin cầu cho tôi”

Đến khi giã biệt, Đức Phanxicô đã làm cho chúng tôi ngạc nhiên bằng một cái bao trắng. Bên trong là các quà tặng cho con cái của chúng tôi là Juan Pablo và Carolina “để các cháu chơi”. Ngài đã chọn chúng từ cả trăm quà tặng ngài nhận được từ những cuộc triều kiến hằng ngày của ngài và dùng chúng để cho lại – như ngài đã thường làm lúc ngài còn làm tổng giám mục ở Buenos Aires.

Lúc chúng tôi rời căn 201 thì đã có một Vệ Sĩ đứng sẵn ở hành lang, người này cũng đứng nghiêm chào.

Vị Giáo Hoàng, đang sửa soạn để chào một nhóm giáo sư từ Giáo Hoàng Học Viện Gregory đang đợi ngài ở hành lang, đã tiễn chúng tôi ra cửa. Trước khi khuất bóng sau chiếc cửa tự động, ngài đã từ biệt chúng tôi theo thói quen “xin đừng quên cầu nguyện cho tôi nhé”.Chúng tôi vẫn còn đủ thời gian để ôm hôn giã biệt.

Cảm nhận của người dịch:

Qua bài viết này của người nữ được hân hạnh phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta có thể thấy được vị giáo hoàng đương kim của chúng ta bình dân, phục vụ và dễ thương biết là chừng nào, ở chỗ:

1- Khách tới với ngài không phải được thành phần hầu cận của ngài đón rước đưa vào cho ngài, như các thủ tục ở những văn phòng công quyền thế gian, mà chính ngài đích thân ra đón và cũng chính ngài tiễn đưa ra tận cửa. Trong cuộc phỏng vấn với vị chủ biên tờ La Reppulica Ý quốc ngày 24/9/2013, chính ngài đã đi lấy nước cho nhân vật phỏng vấn theo phiếm thần này uống sau khi tự động hỏi thăm và biết được ông ấy khát nước!

2- Khách đi còn được tặng quà nữa, cho dù không tặng ngài cái gì, như trường hợp nữ nhân phỏng vấn ngài trên đây. Có nghĩa là ngài rất care cho từng người và từng trường hợp. Ngài biết bà có hai đứa con và tặng cho bà những thứ đồ chơi cho 2 đứa con của bà, những món đồ chơi ngài được khách hành hương ở Quảng Trường Thánh Phêrô nghênh đón ngài mỗi Thứ Tư hằng tuần cho buổi triều kiến chung. Ngài bỏ giờ ra xem đồ được tặng, chọn đồ chơi và tìm bao đựng đồ chơi làm quà tặng, trong khi ngài rất bận với đủ mọi thứ đại sự của Giáo Hội và của Tòa Thánh. Ôi, cả là một gương sáng của một vị chủ chiên: “Tôi biết các chiên Tôi và các con chiên biết Tôi!” (Gioan 10:14).

3- Tuy rất bận bịu hằng ngày như thế, thậm chí không cần lấy vacation hằng năm như 2 năm vừa rồi, 2013 và 2014, ngài vẫn tỏ ra thảnh thơi, không vội vàng hấp tấp, làm chủ được chương trình sống của mình là một vị giáo hoàng còn bận hơn cả các giám mục và linh mục, thế mà, trong khi các vị giám mục và linh mục không có giờ cho chiên của mình, thậm chí không có giờ cho nội tâm, cho cầu nguyện, thì vị giáo hoàng Phanxicô của chúng ta vẫn có đủ giờ gặp gỡ đủ mọi hạng người, kể cả một bà già vô danh tiểu tốt (như trong bài cho thấy), vẫn có những tư tưởng thích đáng và đáng nghe để bày tỏ với mọi người. Thật là một vị giáo hoàng nội tâm, luôn làm chủ thời gian trước nhan Chúa, và hoàn toàn sống cho tha nhân. Tạ ơn Chúa đã ban cho riêng Giáo Hội và thế giới một vị giáo hoàng Phanxicô!

Xin chúc mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm hôm nay đến quí độc giả thân yêu!

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]