Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố từ nhiệm: Phản ứng của thế giới

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bất ngờ công bố việc ngài từ chức vào hôm 11-2 đã gây sốc cho người Công giáo và toàn thế giới. Ngài sẽ chính thức từ nhiệm vào lúc 20 giờ (giờ Roma) ngày 28-2-2013 (tức rạng sáng ngày 1-3 giờ Việt Nam) sắp tới do không đủ sức khoẻ để đảm đương công việc. Trong thông điệp bằng tiếng Latinh, Đức Giáo hoàng khẳng định là “sau nhiều lần tự vấn lương tâm trước Chúa, tôi đã đi đến sự xác tín rằng năng lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để cáng đáng đầy đủ sứ vụ Giáo hoàng”. Các nhà lãnh đạo thế giới và các nhân vật hàng đầu của Giáo hội Công giáo và các cộng đồng tôn giáo khác đã vinh danh vị Giáo hoàng 85 tuổi. Cùng với những lời ca ngợi sự thành tựu của ngài, nhiều người đã ca ngợi quyết định thoái nhiệm vì sức khoẻ ngày càng yếu kém của ngài. Dưới đây là một số phản ứng từ khắp nơi trên thế giới.

Thủ tướng Ý Mario Monti: “Tôi rất tôn trọng quyết định của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, một cách cao cả và bất ngờ như thế. Tôi chắc chắn rằng quyết định này đã được lấy cảm hứng từ ý chí phục vụ Giáo Hội đến tận cùng và để đảm bảo rằng Giáo Hội sẽ được hướng dẫn kiên định như vậy trong tương lai. Tôi sẽ trân trọng ghi nhớ khoảnh khắc cảm động về cuộc đối thoại cá nhân và gần gũi mà Đức Thánh Cha đã đồng ý để hỗ trợ cam kết của tôi với chính phủ.”

Chưởng ấn Angela Merkel của Đức: “Nếu chính Đức Giáo hoàng, sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, đã đi đến quyết định rằng ngài không còn sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ của ngài, thì tôi hoàn toàn tôn trọng việc này. Ngài là và vẫn là một trong những nhà tư tưởng tôn giáo quan trọng nhất của thời đại chúng ta.”

Thủ tướng Anh David Cameron: “Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã làm việc không mệt mỏi để tăng cường mối quan hệ của nước Anh với Toà Thánh. Chuyến thăm của ngài đến Anh quốc vào năm 2010 được nhớ đến với sự kính trọng và tình cảm. Ngài sẽ được ghi nhớ như là một nhà lãnh đạo tinh thần cho hàng triệu người.”

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Edwin Lacierda: “Quyết định của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI là quyết định lịch sử, cùng với sự khiêm tốn và cách thực hành mục vụ mà ngài đặt làm cốt lõi trong việc phục vụ của ngài trên cương vị Giáo hoàng. Cầu chúc ngài có được thời gian nghỉ ngơi, sự bình an và toại nguyện trong việc nghỉ hưu tại đan viện.”

Lm. phát ngôn viên Vatican Federico Lombardi: “Chắc chắn bạn sẽ có nhiều câu hỏi nhưng tôi tin rằng chúng tôi sẽ cần ít ngày để lấy lại quân bình vì thông báo này đã làm tất cả chúng tôi hết sức kinh ngạc.”

Đức Tổng Giám mục Westminster Vincent Nichols: “Công bố của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI ngày hôm nay đã gây sốc và ngạc nhiên cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng nhiều người sẽ nhận ra đó là một quyết định can đảm tuyệt vời và rõ nét đặc trưng trong tâm trí và hành động. Tôi cảm phục lòng dũng cảm và quyết định của ngài.”

Đức Hồng y Timothy Dolan, Tổng Giám mục New York (Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ): “Đức Thánh Cha đã mang trái tim dịu dàng của một mục tử, một khối óc sắc bén của một học giả và sự tự tin từ một tâm hồn kết hợp với Thiên Chúa trong tất cả những gì ngài đã thực hiện. Việc từ chức của ngài là một dấu hiệu của sự chăm sóc tuyệt vời của ngài dành cho Giáo Hội. Chúng ta buồn vì ngài từ chức nhưng biết ơn đối với 8 năm lãnh đạo đầy vị tha của người kế vị Thánh Phêrô.”

Đức Hồng y Peter Turkson Ghana: “Mọi người đều tự do để suy đoán và mọi người được tự do có nhận định riêng, và tôi cho rằng việc đó nhắm đến việc tìm vị lãnh đạo kế nhiệm. Tôi nghĩ rằng điều chúng ta cần làm là cầu nguyện với Thiên Chúa, là Đấng lãnh đạo và làm chủ Giáo Hội này, xin Ngài ban cho chúng ta một nhà lãnh đạo phù hợp để dẫn dắt Giáo Hội vào thời điểm này trong thời gian và trong lịch sử này. Vì vậy, đối với tôi, tôi nghĩ rằng đây là thời gian để cầu nguyện nhiều hơn là cứ dự đoán.”

Đức Hồng y Keith O’Brien của Scotland: “Cũng như nhiều người trên khắp thế giới, tôi đã bị sốc và đau buồn khi nghe quyết định từ chức của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI. Tôi biết rằng quyết định của ngài đã được cân nhắc cẩn thận nhất và quyết định đó đã đến sau nhiều cầu nguyện và suy tư”.

Đức Tổng Giám mục William Slattery của Pretoria (phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Công giáo Nam Phi): “Quyết định này gợi lên trong chúng ta một số nỗi buồn nhất định nào đó, nhưng chúng ta đón nhận quyết định này như là quyết định tốt nhất cho cả Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và cho cả Giáo Hội. Chúng tôi muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ của chúng tôi cho sứ vụ và lòng can đảm của ngài phải khi đối mặt với những hạn chế vì tuổi tác. Chúng tôi cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và cam đoan rằng những lời cầu nguyện cho Giáo hội giúp chúng ta thấy rõ ý muốn của Chúa Thánh Thần cho sự lãnh đạo liên tục của Giáo hội.”

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ John Boehner của Đảng Cộng hoà: Quyết định của Ðức Giáo hoàng “chứng tỏ sự khiêm tốn đặc biệt và tình yêu của ngài dành cho Giáo Hội.”

Austin Ivereigh của Tổ chức Truyền thông Catholic Voices: “Đức Giáo hoàng đã thiết lập một tiền lệ từ việc ngài công bố hôm nay, tôi nghĩ rằng sẽ rất khó cho vị Giáo hoàng có thể nói, như Đức Gioan Phaolô II đã nói: ‘Tôi phải kiên vững cho đến phút cuối’. Tôi nghĩ ngài đã thấy sự phát triển của y học hiện đại giúp các triều đại giáo hoàng được kéo dài và tôi nghĩ là ngài đã nghĩ rằng lợi ích cho Giáo Hội là một vị Giáo hoàng không nên phục vụ, không nên nắm chức vụ, khi thấy sức khoẻ mình yếu kém. Tôi nghĩ chính việc suy nghĩ này đã là một điều phi thường.”

Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby của Canterbury: “Việc này làm trái tim chúng ta nặng trĩu nhưng hoàn toàn hiểu được từ việc chúng ta học được sáng nay về lời công bố quyết định từ nhiệm chức vụ Giám mục Roma, một chức vụ mà Đức Giáo hoàng đã lãnh đạo với cái nhìn sâu sắc tuyệt vời, cũng như nhân phẩm và lòng can đảm của ngài. Trong chuyến thăm Vương quốc Anh, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã cho chúng ta thấy ơn gọi của vị Thủ Lãnh Rôma một cách thực tế – một nhân chứng phổ quát của Tin Mừng và một sứ giả của niềm hy vọng vào một thời điểm khi mà đức tin Kitô giáo đang là vấn đề.”

Phát ngôn viên của Giáo trưởng Do Thái Rabbi Yona Metzger: “Tôi nghĩ ngài xứng đáng được ghi công trong việc thúc đẩy sự liên kết giữa các tôn giáo trên toàn thế giới giữa Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Triều đại Giáo hoàng của ngài đã có mối quan hệ tốt nhất chưa từng có giữa Giáo Hội và Giáo Trưởng Đoàn (Do Thái) và chúng tôi hy vọng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục.”

Phát ngôn viên của Giáo hội Chính thống Nga Dimitriy Sizonenko: “Không có cơ sở để hy vọng rằng sẽ có bất kỳ thay đổi mạnh mẽ nào trong chính sách của Vatican. Trong quan hệ với Giáo hội Chính thống, Giáo hội Công giáo La Mã luôn luôn đảm bảo sự liên tục giữa các vị giáo hoàng.”

Thủ tướng – Tổng thống của Bavaria Horst Seehofer: “Với uy tín và sự làm việc không biết mệt mỏi vì lợi ích của Giáo Hội, vị Giáo hoàng đến từ miền Bavaria đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới.”

Christine Boutin của Đảng Dân chủ Kitô giáo của Pháp: “Việc này thực sự gây sốc, rất gây sốc, chưa từng nghe đối với những người Công giáo và chắc chắn là toàn thế giới cũng vậy.”

Ezio Mauro, chủ bút của tờ báo Ý La Repubblica: “Chưa từng có trong kỷ nguyên hiện đại một vị Giáo hoàng từ nhiệm vì sức khoẻ yếu kém, cũng như việc bầu chọn một Giáo hoàng mới trong khi người tiền nhiệm vẫn còn sống.”

Đức Hồng y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo hoàng ngày 19-4-2005, người thứ 265 kế vị Thánh Phêrô, đại diện Chúa Kitô tại thế, với danh hiệu Bênêđictô XVI. Sau gần 8 năm trên cương vị giáo hoàng, ngài đã chính thức từ chức vì lý do sức khoẻ vào sáng ngày 11-2-2013, và chính thức có hiệu lực từ 20 giờ ngày 28-2-2013. Lịch sử Giáo hội đã có một giáo hoàng tự nguyện từ chức vào năm 1294, đó là ĐGH Celestine V.

Trong lịch sử Giáo Hội, vị giáo hoàng đầu tiên từ chức là Thánh GH Pontianô (230-235), lên ngôi giáo hoàng khi Giáo Hội đang gặp nạn phân tán bởi ảnh hưởng của Hippôlytô và chịu bách hại dữ dội. Ngài từ chức khi bị lưu đày qua Sardinia. Tại đây, ngài hoà giải với Lm. Hippôlytô và cả hai đều được phúc tử đạo.

Thứ hai là Đức Celestine V (1294) lên ngôi kế vị ÐGH Nicôla IV. Lúc đó, Giáo Hội trống ngôi trong 2 năm và 3 tháng. Biết tiếng thánh thiện của ngài, Hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng, lúc ấy đã 84 tuổi vào tháng 7-1294. Ngài là vị giáo hoàng thứ 192 của Giáo hội Công giáo. Ngài từ chức giáo hoàng tại Caltelmovo vào ngày 24-12-1294 khi nhận ra mình chỉ là dụng cụ trong tay các lãnh chúa. Ngài quỳ gối và xin lỗi Hồng y đoàn vì đã không thể chu toàn sứ vụ giáo hoàng. Hậu quả của việc từ chức là ngài bị giam tại Fumone và qua đời năm 1296. Ngài được Ðức Clementê V phong thánh tại Avignon (Pháp) ngày 3-5-1313.

Thứ ba là ĐGH Gregory XII (1406-1415), kế vị ĐGH Innocent VII và lên ngôi giáo hoàng ngày 30-11-1406. Ngài từ chức vì lợi ích của Giáo Hội trong cuộc Đại Ly giáo Tây phương. Thời đó, có hai giáo hoàng đều tuyên bố mình là giáo hoàng hợp pháp. Ngài đồng ý tuân theo quyết định của Công đồng Constance với điều kiện là ngài được chính thức triệu tập công đồng. Công đồng chọn ĐGH Martino V lên kế vị.

Và nay là ĐGH Bênêđictô XVI (2005-2013) từ chức vì lý do tuổi già sức yếu.

 

 Mai Trang

Nguồn: emty

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment