Cuộc sống không có công ăn việc làm là cuộc sống vô nhân

Phỏng vấn Đức Cha Giancarlo Bregantini, Chủ tịch Ủy ban vấn đề xã hội và lao động của Hội Đồng Giám Mục Italia, và ông Santino Scirè, Phó chủ tịch Hiệp hội công nhân công giáo Italia

Mùng 1-5-2014 là Ngày Lao Động Quốc Tế. Đó đây trên thế giới đã có các cuộc biểu tình và tuần hành của giới công nhân đòi quyền lợi của mình, trong đó trước tiên là quyền có công ăn việc làm. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh kéo dài từ năm 2008 tới nay đã khiến cho mấy chục triệu người tại Âu châu không có công việc làm. Tình trạng thất nghiệp đặc biệt nghiêm trọng tại vài nước như Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Hàng chục triệu người đã mất việc làm, vì các hàng xưởng bị phá sản phải đóng cửa, hay di chuyển ra nước ngoài. Hàng triệu người trẻ đã học xong, ra trường với nhiều mảnh bằng khác nhau kể cả bằng tiến sĩ, nhưng không tìm ra công ăn việc làm. Một số đã tìm di cư ra nước ngoài, nhưng đa số cam chịu cảnh thất nghiệp và bị bó buộc phải sống nhờ cha mẹ.

Trong sứ điệp gửi Ngày Lao Động Quốc Tế 2014 các Giám Mục Italia đã mạnh mẽ khẳng định rằng một cuộc sống không có công ăn việc làm là một cuộc sống vô nhân. Các Giám Mục kêu gọi chính quyền chiến đấu chống lại nạn thất nghiệp, nhất là nạn thất nghiệp của giới trẻ. Các vị khích lệ dân chúng duy trì niềm hy vọng, cả trong tình trạng xã hội bấp bênh hiện nay.

Sau đậy chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Giancarlo Bregantini, Chủ tịch Ủy ban vấn đề xã hội và lao động của Hội Đồng Giám Mục Italia, và ông Santino Scirè, Phó chủ tịch Hiệp hội công nhân công giáo Italia, về vấn đề này.

Hỏi: Thưa Đức Cha Brigantini, Đức Cha nghĩ gì về tệ nạn thất nghiệp hiện nay tại Âu châu, cách riếng tại Italia?

Đáp: Nếu chúng ta chờ đợi một huyền thoại của một tình trạng sống có hệ thống một cách hoàn hảo trong thế giới ngày nay, chúng ta sẽ không bao giờ có được điều gì chắc chắn cả. Trái lại, trong cái bất ổn tôi đặt ra các dấu chỉ chắc chắn, can đảm, tin tưởng, tôi nhận ra rằng Chúa mở ra cho tôi các con đường và trợ giúp tôi một tay. Nghĩa là cả trong tình trạng tạm bợ cũng có thể sống một chiều kích hy vọng mạnh mẽ hơn chính sự bấp bênh. Bạn đã có thể sống một cách khác với kiểu sống cho tới nay: không phải với một con tim của sự tạm bợ, nhưng với con tim của người có bên trong mình một cảm hứng lớn, một sức mạnh lớn và biết bao hy vọng.

Hỏi: Theo Đức Cha, các cơ cấu quốc gia có thể và phải làm hơn nữa để loại trừ các tình trạng khó khăn này cho người dân. Có phải vậy không?

Đáp: Vâng, các cơ cấu chính quyền có thể làm rất nhiều. Tôi xin đề nghị ba điều. Trước hết là một luật lệ ít nghiêm ngặt hơn đối với công việc, làm sao để cả công việc nhỏ bấp bênh hai ngày một tuần cũng có thể làm. Ngày nay một doanh nhân lo sợ mọi sự. Nếu chúng ta thành công trong việc tạo điều kiện thuận tiện cho họ… Có đúng thật là đã có nhiều điều được làm, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa, liên quan tới việc phục hồi công ăn việc làm thường ngày, cho phép từ từ hợp thức hóa để công việc làm trở thành hợp pháp, chứ không phải là làm việc lậu. Thế rồi cần phải trợ giúp giới trẻ và vì thế phải trợ giúp các hãng xưởng, với một quy chế tập việc ít đòi buộc hơn. Cần phải khiến cho nó trở thành dễ dàng hơn, có điều kiện thuận tiện hơn, cả với một trợ giúp kinh tế từ phía Văn phòng xã hội cho các tháng đầu tiên… Nghĩa là làm sao để tạo dễ đãi tột độ cho việc dẫn nhập vào công việc làm, được trợ giúp với sự uyển chuyển cần thiềt, đồng thời cùng với khả năng thực sự học đươc một nghề tới nơi tới chốn. Thứ ba là phải hỏi xem có nên tu chính lại luật Fornero hay không, bởi vì luật này đã bắt công nhân tới tuổi về hưu phải làm việc thêm, và như thế là ngăn chặn công ăn việc làm của người trẻ đang kiếm việc làm mà không ra.

Tôi tự hỏi không biết trong tổng thể việc cải cách này có tạo ra sự mất quân bình sức nặng toàn xã hội hay không, vì nó loại trừ người trẻ khỏi công ăn việc làm. Tôi tin rằng phải có các bước tiến khác. Đó là ba điểm tôi muốn nêu lên: khả thể làm việc hàng ngày, sự tập việc và một sự uyển chuyển khác liên quan tới tuổi về hưu của các công nhân.

** Tiếp theo đây là một số nhận định của ông Santino Scirè, Phó chủ tịch Hiệp hội công nhân công giáo Italia.

Hỏi: Thưa ông, trong sứ điệp tưạ đề ”Niềm hy vọng trong sự bấp bênh” phổ biến nhân Ngày Lao ĐỘng Quốc Tế mùng 1 tháng 5 vừa qua, các Giám Mục Italia đã yêu cầu tất cả mọi người, trước tiên là chính quyền, cộng tác với nhau, không lùi bước, kể cả dám liều lĩnh đầu tư nhất là cho giới trẻ. Theo con số của Sở thống kê quốc gia, hiện nay có 4 triệu 393 ngàn người trẻ thất nghiệp. Ông nghĩ vì về lời các Giám Mục Italia kêu gọi đầu tư để tạọ công ăn việc làm cho người trẻ?

Đáp: Đây là việc đầu tư cho quốc gia. Thật thế, chúng tôi cho rằng ngày mùng 1 tháng 5 vừa qua là một ngày đặc biệt, nó vừa là ngày lễ vừa là ngày cầu nguyện. Chúng tôi xã xin các giáo xứ cử hành một vài thánh lễ và nêu bật đề tài lao động.

Hỏi: Nhưng thật là khó mà nói tới niềm hy vọng trước con số những vụ tự tử vì thiếu công ăn việc làm, và cảnh các hãng xưởng đóng cửa. Điển hình như trường hợp hãng Piombino…

Đáp: Vâng, đó là điều ai cũng thấy. Một hãng xưởng, nhất là một hãng xưởng nhỏ có tính cách gia đình, hằng ngày nếu không nghĩ tới việc đóng cửa, thì cũng nghĩ tới chuyện duyệt xét lại và giảm số nhân công. Liên quan tới các số thống kê chúng tôi có được, ít nhất có một trên bốn hãng xưỡng phải đóng cửa. Cần phải xem lại con số này, vì chúng gắn liền với các biện pháp của chính quyền, cả trong việc suy tư và hướng nhìn về các cuộc bầu cử Âu châu. Chúng ta hãy tưởng tượng ra một chiến thuật mới trên bình diện Âu châu đặt để công ăn viêc làm vào trung tâm các lo lắng của mình.

Hỏi: Dự luật lao động do Bộ trưởng Poletto đề ra đã bắt đầu lộ trình thảo luận trong quốc hội với các trò chơi thử sức bên trong đa số, thí dụ như đề tài canh tân các hợp đồng hữu hạn. Cũng có các biện pháp khác như Luật lao động, nghị quyết bảo đảm việc làm cho người trẻ, có đang tiến hành theo đúng hướng không thưa ông?

Đáp: Theo tôi thấy biện pháp này đã tạo ra một lay động và người ta bắt đầu đặc biệt chú ý tới giới trẻ. Chúng tôi thích kiểu định hướng việc làm cho người trẻ và nữ giới. Vì thế chúng tôi cầu mong rằng có một biện pháp nào đó tạo ra một lay động tại những vùng nạn thất nghiệp của giới trẻ đặc biệt cao.

Hỏi: Thưa ông tỷ lệ thất nghiệp tại Itaia hiện nay là 12,7%. Theo con số của sở thống kê quốc gia chưa bao giờ có nhiều người không có công ăn việc làm như thế: 4 triệu 393 ngàn người. Đó lại không phải là con số báo động sao?

Đáp: Từ ít lâu nay các dữ kiện thị trường cho việc và nạn thất nghiệp đã luôn luôn ở trong tình trạng đèn đỏ báo động, đặc biệt là tại miền nam Italia, nhưng mà không phải chỉ có miền nam Italia mà thôi. Chúng tôi đã phát động phong trào bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 5 gọi là ”sức mạnh của lao động giúp thắng vượt nghèo túng và bất bình đẳng”, bởi vì thất nghiệp tạo ra nghèo túng và bất bình đẳng, đặc biệt nơi giới trẻ. Hãy ít phung phí hơn, phải đối thoại giữa các lực lượng xã hội, đề ra một đường lối chính trị kinh tế hướng tới chỗ tạo ra các khả thể làm việc mới có phẩm chất, và như thế cũng là tạo ra một phát triển kinh tế mới.

Hỏi: Để ra khỏi tình trạng khủng hoảng viêc làm cần phải có sự đào tạo, lòng can đảm và tình liên đới với nhau. Đó là công thức mà Hội Đồng Giám Mục Italia đã đề ra. Có thể làm nhiều trong nghĩa này hay không thưa ông, đặc biệt là trong lãnh vực đào tạo?

Đáp: Các từ nòng cốt nói trên chúng tôi không chỉ đồng ý mà cũng đã lấy làm của chúng tôi. Thật thế góp phần vào một công việc tự do, sáng tạo, có tham dự, liên đới có thể là con đường đúng đắn giúp tái đầu tư. Thật không dúng, khi nói rằng không thể tạo ra một công việc làm cả trong bối cảnh phức tạp và khó khăn như bối cảnh mà chúng ta đang sống.

(RG 1-5-2014)

Linh Tiến Khải

Nguồn: RV

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment