Cần những mục tử khiêm nhường thật sự

Giáo hội Hàn Quốc cũng muốn có những linh mục nhân lành, tốt bụng

Tháng 12 vừa rồi, một tuần báo Công giáo có bài viết về một cha xứ phục vụ giáo dân bằng tinh thần khiêm nhường. Bài báo thu hút nhiều phản hồi sôi nổi từ các tín hữu địa phương.

Tác giả bài báo cho biết kể từ khi câu chuyện cảm động đó được xuất bản, mỗi ngày anh ta nhận vài cuộc điện thoại từ những người Công giáo muốn được gặp vị linh mục. “Các tín hữu địa phương thật sự mong ước có được những linh mục yêu thương họ như vậy” – anh nói.

Tuy nhiên, vị ký giả đã không thể giúp họ vì cha xứ đó không muốn tiết lộ danh tánh và giáo xứ.

Câu chuyện đó làm tôi suy nghĩ về một lời than phiền của một thành viên trong giáo xứ của tôi, người gần đây tham dự Thánh lễ ở một nhà thờ gần bên.

Anh ta không vui bởi vì cha xứ xem giáo dân như đối tượng cần phải sửa trị, la mắng trong bài giảng, cản trở các hoạt động của giáo dân và đưa ra những quyết định độc đoán mà không lắng nghe họ.

Thực tế, tôi có thể thấy số lượng người tham dự Lễ Chúa Nhật trong giáo xứ của tôi giảm đi rõ rệt.

Vị linh mục khiêm nhường trong câu chuyện trên mang dép, không mang vớ ngay cả khi thời thiết lạnh buốt của mùa đông, khi mà nhiệt độ xuống dưới 0oC. Trước đó ngài đã từng sống và làm mục vụ tại Trung Quốc trong khoảng một thập niên.

Cách đây 2 năm, cha trở về Hàn Quốc. Ngài thường xúc động đến rơi lệ khi dâng lễ bởi ở Trung Quốc, ngài không được phép cử hành Thánh lễ với giáo dân mà phải dâng lễ trong tư thế quay mặt vô tường.

Ở Hàn Quốc, ngài thường xuyên thăm viếng giáo dân và rửa chân cho họ bất cứ khi nào ngài đến nhà thăm họ.

“Khi giáo dân cảm thấy được tôn trọng, họ có thể được khích lệ chỉ đơn thuần bằng một nụ cười của linh mục” – ngài chia sẻ.

Ngài hoàn toàn đúng. Mặc dù cách phục vụ của ngài không phải là độc nhất, nhưng sao ngài lại phục vụ tận tâm như vậy?

Tôi có một vài suy nghĩ sau khi nói chuyện với phóng viên, tác giả của bài báo.

“Các tín hữu địa phương thật sự mong ước có được những linh mục yêu thương họ” – theo phóng viên.

Tôi nghĩ có nhiều giáo dân cảm thấy bị cha xứ của họ bỏ bê hoặc bị loại ra ngoài bởi những cách cư xử quá độc tài.

Một vài cuộc thăm dò trong Giáo hội cho thấy việc tham dự các Bí tích – cốt lõi của đời sống đức tin – đã suy giảm vì cách hành xử như thế và lý do chính mà người ta rời bỏ Giáo hội là kết quả của “sự thất vọng về cung cách hách dịch và lộng quyền của các linh mục và tu sĩ”.

Theo cuộc khảo sát do giáo phận Suwon thực hiện năm 2007, câu trả lời phổ biến thứ nhì cho lý do người ta bỏ đạo là vì thái độ độc đoán của cha xứ, đứng đầu là câu trả lời vì “cảm thấy nặng nề do buộc phải xưng tội”.

Các con số của Giáo hội cũng cho thấy số lượng người Công giáo thường xuyên tham dự Thánh lễ đã liên tục giảm trong thập niên qua.

Từ những thông tin trên, chúng ta có thể nói được rằng các tín hữu muốn cha xứ của họ là mục tử chăm sóc họ bằng sự khiêm nhường chứ không phải bằng quyền lực.

Từ “humility” có nghĩa là thấp bé hoặc tùng phục. Nó bắt nguồn từ chữ humilitas trong tiếng Latinh với gốc là humus mang ý nghĩa mặt đất phía dưới chúng ta, theo Từ điển Công giáo Bách khoa Toàn thư.

Mặt đất ôm lấy tất cả, cả những thứ dơ bẩn, rác rưởi. Nhưng mỉa mai thay, đất càng đón nhận những thứ như vậy, thì càng trở nên màu mỡ.

Trong cuốn Đạo Đức Kinh của mình, Lão Tử, triết gia Trung Hoa cổ đại, đã nói: “Dạng thức cao nhất của sự tốt lành giống như nước. Nó nằm ở những nơi thấp mà mọi người đều không ưa thích. Vì vậy, nó gần gũi với Đạo (con đường, sự thật)”.

Điều đó làm cho tôi nhớ đến Đức cố Hồng y Stêphanô Kim Sou-hwan, người nổi danh vì sống yêu thương giữa những người nghèo.

“Mất 70 năm để tình yêu đó đi từ đầu đến trái tim tôi” do “tôi từng được đối xử ưu đãi như một quý tộc chỉ vì tôi là linh mục” – ngài nói.

Điều này giải thích tại sao nhiều người Hàn Quốc xem Đức Hồng y Kim là nhân vật xã hội được kính trọng nhất nước này ngay cả khi ngài đã qua đời.

Khiêm nhu bắt đầu từ việc tự nhận xét – khả năng nhận thấy được chính mình phản chiếu qua tấm gương lương tâm.

Tôi cho rằng sự khiêm nhường mà các tín hữu muốn thấy nơi các linh mục không phải là cái gì to tát.

Trong cuộc khảo sát của giáo phận Suwon, 91,9% số người được hỏi trả lời rằng “những linh mục hiểu và quan tâm đến hoàn cảnh của giáo dân là được mong đợi nhất”.

Giáo dân muốn linh mục chỉ cần chào hoặc mỉm cười với họ, dễ dàng gặp gỡ và sẵn sàng lắng nghe những khó khăn của họ.

Tương tự như vậy, những độc giả muốn gặp vị linh mục được nói đến ở trên có thể đã mong ước một linh mục hiền lành như đất và dịu dàng như nước.

“Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta học theo gương khiêm nhường của Ngài.

Stephen Hong từ Seoul, Hàn Quốc

Nguồn: UCANews

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment