Cà phê Công giáo thu hút cộng đồng tín hữu Seoul

Vào thế kỷ 16, Giáo hội Công giáo liệt cà phê vào loại thức uống của ma quỷ.

Ngày nay ở Hàn Quốc, các giáo xứ đã chuyển sang dùng cà phê sữa để giúp đưa người ta đến với Thánh lễ.

Không lâu sau khi được bổ nhiệm coi sóc Giáo xứ Heukseok ở phía nam sông Hàn của thành phố, Linh mục Lee Kyung-hun đã mở một quán cà phê trong khuôn viên nhà thờ năm 2009 để sánh bước cùng văn hoá uống cà phê ở quán phổ biến tại thủ đô Hàn Quốc.

“Giáo dân, đặc biệt là những người trẻ, đã đáp lại một cách nồng nhiệt” – cha cho biết – “Cà phê trở thành kênh liên kết những người tín hữu với nhau và quán cà phê của chúng tôi trở thành một điểm nhộn nhịp”.

Theo thống kê gần đây, khoảng 60% người được rửa tội trong giáo xứ của cha ở độ tuổi 30 và 40, một sự tương phản với các giáo xứ khác có đa số là người lớn tuổi, Cha Lee so sánh.

“Số người tham dự Thánh lễ hằng ngày cũng tăng lên” – vị linh mục nói thêm.

Trước đây, giáo dân của ngài thường ra về ngay sau Thánh lễ nhưng giờ đây sự hấp dẫn của ly cà phê mới pha làm cho nhiều người nán lại.

“Tôi ngạc nhiên khi được phục vụ một ly cà phê bởi chính cha xứ. Hầu hết mọi người đều được như vậy và giá rất rẻ”, Rosa Yoo Seung-a, một giáo dân 37 tuổi, hồ hởi nói.

Trong khi cà phê của các hãng lớn như Starbuck có giá từ 4.000-5.000 won (4-5 đôla Mỹ) cho một ly cà phê nóng không sữa – giá cà phê ở Hàn Quốc nằm ở mức cao so với các nước khác trên thế giới – thì cà phê ở nhà thờ của Cha Lee chỉ tốn 2.000 won.

Luật kinh tế cà phê ở Hàn Quốc không đơn giản về cung và cầu, tuy nhiên, nghiên cứu thị trường cho thấy khi các cơ sở kinh doanh lớn ở thủ đô Hàn Quốc hạ giá sản phẩm của họ, thì thường là do giảm sút về số khách hàng.

Các quán cà phê ở Seoul là nơi dành cho những người trẻ hiếu động đến đó để nhìn và được nhìn, đây là một điểm chú ý của ca sĩ Psy khi anh nói về những gì hình thành nên điệu nhảy Gangnam Style trong tiết mục biểu diễn cùng tên gần đây của anh đứng đầu bảng xếp hạng.

Lập luận này không biết có đúng cho Giáo hội được không mặc dù kết quả vẫn còn chưa rõ ràng.

“Khác với những quán cà phê khác, chúng tôi không phải trả tiền thuê mặt bằng hay lương cho nhân viên, vì vậy chúng tôi có thể phục vụ cà phê chất lượng cao với giá thành thấp” – Cha Lee giải thích.

Tuy nhiên, lợi nhuận mang lại được dùng để tài trợ các sinh viên nghèo, giúp các nhà truyền giáo nước ngoài và sửa chữa nhà cửa của người nghèo trong khu vực.

Trong khi đó, mô hình cà phê giáo xứ đã bắt đầu lan rộng. Khoảng 200 thợ pha chế cà phê đã được đào tạo dưới sự giám sát của Cha Lee, người đã thành lập Hiệp hội Thợ pha cà phê Công giáo đang được nhân rộng ra các giáo xứ khác.

Trong số 226 giáo xứ ở Seoul, 10 nơi có quán cà phê riêng và khuynh hướng này đang lan rộng ra ngoài thủ đô. Các giáo xứ đang xây nhà thờ mới ở Suwon, thành phố cách Seoul 32km về phía nam, được mời kết hợp quán cà phê theo đúng tiêu chuẩn tạo nên cảm giác riêng trong một đất nước có đến 20.000 quán cà phê, hầu hết phát triển mạnh và được xếp hạng là nhà nhập khẩu cà phê hạt lớn thứ 11 trên thế giới.

“Hương vị của cà phê có thể vươn tới tâm trí con người, xuyên qua các bức tường ngăn cách. Tôi hy vọng có thêm nhiều giáo xứ thu hút giáo dân bằng hương vị cà phê” – Cha Lee ước ao.

John Choi từ Seoul, Hàn Quốc

Nguồn: UCANews

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment