- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Huấn từ tháng 7-2016

LEGIO MARIAE – CURIA ĐỨC MARIA MẸ GIÁO HỘI

HUẤN ĐỨC – NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT 2015 – 2016

THÁNG 7, 2016

14 MỐI THƯƠNG NGƯỜI

Thương linh hồn 7 mối.

Thứ ba: an ủi kẻ âu lo. (2Cr 1:3-7)

 

3 Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Ðức Yê-su Ki-tô, Cha đầy lòng thương xót và là Thiên Chúa mọi niềm an ủi,

4 Đấng an ủi chúng ta trong mọi nỗi gian truân, để nhờ sự an ủi chúng ta được nơi Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể an ủi những người lâm vào bất cứ cảnh gian truân nào.

5 Vì chưng các sự thống khổ của Đức Ki-tô tràn đến trên chúng ta thế nào, thì nhờ Đức Ki-tô, sự an ủi chúng ta cũng được tràn đầy thể ấy.

6 Dù chúng ta lâm phải gian truân, ấy là để anh chị em được an ủi, được cứu thoát; dù chúng ta được an ủi, ấy vẫn là để anh chị em được ủi an, (một sự ủi an) nên kiến hiệu trong sự chịu đựng những nỗi thống khổ như chính chúng ta cũng hằng chịu.

7 Và mối hy vọng của chúng ta về anh chị em thật là vững chắc, bởi biết rằng anh chị em đã thông phần thống khổ thế nào, thì cũng (được thông phần) an ủi thể ấy.

 

Trong tháng này, chúng ta tìm hiểu mối thứ ba trong 7 mối thương linh hồn.

B. Thiên Chúa an ủi mỗi người chúng ta.

Thánh Phao-lô trải nghiệm qua nhiều nỗi khổ đau ngài đã chịu vì lòng trung thành của ngài đối với Chúa Ki-tô, nhưng qua đau khổ, ngài cũng nhận biết một sự bình an nội tâm to lớn đến từ Thiên Chúa. Vào đầu thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô, ngài cảm tạ Thiên Chúa về điều này (2Cr 1:3-4).

Nếu trong thời đại của chúng ta đầy rẫy những nỗi đau buồn xảy ra hàng ngày ở khắp mọi nơi, thì chúng ta càng cần tìm đến sự an ủi của Thiên Chúa đang quan tâm đến tình trạng nhân loại chúng ta. Thiên Chúa cho phép xảy ra mọi điều, mọi hoàn cảnh, mọi nơi chốn, mọi cá nhân, mọi tập thể… Ngài cũng sẽ cất đi những khổ đau mà chúng ta phải đương đầu, chúng ta sẽ đón nhận được sự ủi an và có thể cảm thông với những người đang quằn quại trong đau khổ đê nâng đỡ họ.

Chúng ta có thể hồi tưởng lại sự kiện Chúa Giê-su thương gia đình 3 chị em ở Bê-ta-nia như thế nào khi đứng trước phần mộ của La-za-rô chết đã 4 ngày. Ngài cảm thông và chia sẻ sự mất mát đối với 2 chị em Mat-tha và Ma-ri-a. Ngài cũng hành động tương tự như vậy ở nhiều trường hợp khác: đối với những người tội lỗi, góa bụa, côi cút, bệnh tật, khổ đau… những người bị gạt ra bên ngoài xã hội.

B. Chúng ta an ủi những ai đang buồn phiền mà chúng ta gặp.

Người ta nói rằng, tình bạn làm niềm vui gia tăng gấp đôi và làm nỗi buồn giảm đi một nửa. Đó là sự thật: tin vui sẽ trở nên vui hơn khi chúng ta có thể chia sẻ nó, và gánh nặng của nỗi buồn sẽ nhẹ hơn khi có nhiều hơn một người để cùng chịu đựng nó. Đây là lời khuyên của Thánh Phao-lô: “Vui với người vui, khóc với người khóc!” (Rm 12:15).

Hầu hết chúng ta cảm thấy khó đón nhận và khó giải quyết khi đối diện trước nỗi đau khổ của chúng ta, thậm chí càng khó hơn trước nỗi khổ của người khác. Chúng ta sợ rằng mình có thể hành động sai hoặc nói lời gì sai khi cố gắng thoát ra khỏi nỗi khổ mình đang gánh chịu và càng lúng túng trước nỗi khổ của người khác.

Thường xảy ra tình huống khi chúng ta muốn tránh né: “Rất tiếc! tôi không biết phải làm gì để giúp cho bạn lúc này.” Khi đối diện với hoàn cảnh khó khăn như vậy, tốt nhất chúng ta không cần nói gì hết, nhưng chỉ cần hiện diện ở đó, bên cạnh người bạn đang đau buồn của chúng ta. Không có lời kỳ diệu nào làm cho cơn đau biến mất, nhưng có sự hiện diện và sự cảm thông, nó mang một ý nghĩa là: “Bạn không đơn độc trong nỗi khổ đau.”

Như với các tình huống đa đạng của lòng thương xót, cũng vậy, giống các loại thức ăn khác nhau thích hợp cho riêng mỗi người. Mỗi người mang nỗi buồn đau khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, không có công thức chung, đơn giản và thống nhất cho tất cả mọi hoàn cảnh. Một gợi ý rất thực tế là, khi một người thân của chúng ta đang trải nghiệm một nỗi đau buồn hoặc một sự mất mát nào đó về của cải vật chất hoặc về tinh thần, bạn ghi vào tập sách riêng của bạn, thời gian bạn có thể thăm viếng và giữ sự liên lạc với người ấy trong một tháng hoặc lâu hơn, để theo dõi tình trạng họ đang đối diện trong đời sống của họ.

Đặc biệt trong những hậu quả của một cái chết hoặc một vài sự kiện thảm khốc do thiên tai… những người đau khổ không chỉ phải đối phó với những nỗi đau của họ, nhưng họ còn liên hệ tới trách nhiệm của họ khi quản lý doanh nghiệp, nhà ở, chăm lo cho con cái, nhân viên… Một bàn tay giúp đỡ của chúng ta có thể đem lại cho họ sự bình an và vững vàng tiếp tục đối diện với những vấn đề khó giải quyết hiện tại cả hai phương diện tinh thần và vật chất.

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của lòng thương xót, người chia sẻ sự khổ đau của chúng ta, ngài nâng đỡ chúng ta trong tất cả mọi nỗi gian truân khốn khó. Ngài mời gọi chúng ta hành động như ngài đã hành động vì lòng thương xót.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]