Huấn Từ Cha Linh Giám Curia Tháng 01-2018

Nhân đức thanh khiết (Mt 1:18,20,23; Lc 1:27, 34, 37) 

Cuộc họp của các Gia đình Thế giới diễn ra tại Dublin, Ireland vào ngày 21-26 tháng 8, ngay trước Hội nghị Thường niên của Thượng Hội đồng Giám mục tại Rome, với trọng điểm “Giới trẻ, đức tin và sự phân biệt nghề nghiệp”. Năm 2018 Giáo hội “đặc biệt chú ý đến người trẻ, đâu là những hy vọng, mục tiêu và thách đố của họ”. Các nhà chức trách ở Vatican cho biết, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn năm 2018 là Năm Giới trẻ và Gia đình. Sau dịp Lễ Giáng Sinh, cách đây 2 tuần, Giáo hội đã cử hành Lễ Thánh Gia, một dịp lễ liên quan đến đời sống gia đình. Trong bối cảnh gia đình nhân loại luôn có sự hiện diện của Con Thiên Chúa làm người. Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự sinh tồn của xã hội.

Là quân binh của Đức Mẹ trong Đạo Binh do Đức Mẹ dẫn đầu, chúng ta luôn hướng về vị Nữ tướng là người đã từng sống trong đời sống gia đình, và cũng từng trải qua nhiều thử thách khó khăn trong mối tương quan vợ chồng, cha mẹ và con cái. Trong 12 tháng của Năm Giới trẻ và Gia đình này, chúng ta sẽ học hỏi về những Nhân Đức của Đức Mẹ. Những nhân đức này đã giúp cho Đức Mẹ chu toàn bổn phận trong gia đình nhân loại và xứng đáng với vị trí quan trọng trong gia đình của Thiên Chúa: là Ái Nữ của Thiên Chúa Cha, là Bạn của Chúa Thánh Thần và là Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Tháng đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về Nhân đức thanh khiết của Đức Mẹ. Chúng ta cùng đọc những câu Kinh Thánh nói về Nhân Đức thanh khiết này.

Chúa Yêsu, Con Ðavít, Emmanuel

18 Ðức Yêsu Kitô sinh ra thế này: Maria, mẹ Ngài đã đính hôn với Yuse; trước khi ông bà phối hợp cùng nhau, thì xảy ra là bà đã có thai do tự Thánh Thần.

20 Sau khi ông đã quyết tâm như vậy, thì này: Thiên Thần Chúa hiện ra cho ông trong mộng bảo rằng: “Yuse, con của Ðavít, chớ sợ lấy Maria vợ ông: thai sinh nơi bà là do tự Thánh Thần;

23 Này, nữ trinh sẽ thụ thai và sinh con và người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, dịch được là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.

Truyền tin cho Ðức Maria

27 Thiên Thần tới cùng một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Yuse, thuộc nhà Ðavít, và tên trinh nữ là Maria.

34 Maria thưa với thiên thần: “Ðiều ấy sẽ làm sao được? vì việc phu thê tôi không nghĩ đến!”

35 Ðáp lại, thiên thần nói với bà: “Thánh thần sẽ đến trên người, và quyến năng Ðấng Tối cao trên người rợp bóng; bởi thế mà trẻ sắp sinh sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa!

37 Vì với Thiên Chúa, nào có gì lại là không có thể!”

 

          Chúng ta cùng chia sẻ hai ý tưởng trong đề tài này: “Ăn cơm trước kẻng” và “Phở chợ ngon hơn cơm nhà”.

  1. “Ăn cơm trước kẻng”. Ý nghĩa của cụm từ này là chưa nghe tiếng gõ kẻng đến giờ cơm đã

vội ăn trước. Hiện tượng này xảy ra khá nhiều cho các bạn trẻ đang chuẩn bị tiến tới đời sống hôn nhân gia đình. Có nghĩa là trước khi trở thành vợ chồng chính thức qua các thủ tục hôn nhân đạo và đời, họ đã “ăn ở” với nhau giống như vợ chồng. Họ không đủ nhẫn nại chờ đợi đến thời gian chính thức thuộc về nhau khi là vợ là chồng. Lúc còn đang là bạn, là tình nhân, họ đã “thử” làm vợ làm chồng. Đến khi trở thành vợ chồng, họ lại sống như tình nhân. Họ viện cớ rằng cần phải thử xem có thích hợp và có “thật lòng yêu thương” nhau không. Đây là một ngụy biện cho sự ham muốn xác thịt và sự gạt gẫm nhau. Điều này không chắc chắn bảo đảm cho tình yêu hôn nhân của họ bền lâu. Sớm muộn rồi cũng có những đổ vỡ trong mối tương quan vợ chồng khi đã sống chung sau này.

Đời sống gia đình của Đức Maria và Thánh Giuse cũng đã gặp trở ngại tương tự trường hợp “ăn cơm trước kẻng”. Thánh Giuse rất đau buồn khi biết chuyện này xảy ra cho người bạn đã đính hôn với mình. Kinh Thánh kể lại rằng, Giuse định tâm lìa bỏ Maria vì đã “ăn cơm trước kẻng”. Chúng ta biết sự việc xảy ra cho Maria là do “quyền năng của Chúa Thánh Thần”. Chỉ có Đức Maria hiểu biết rõ về tình trạng mang thai của mình qua biến cố Truyền Tin. Mẹ để cho Thiên Chúa giải thích cho Giuse hiểu chương trình của Ngài về trẻ Giêsu. Và Thánh Giuse đã đón nhận sự việc sau khi được giải thích tỏ tường. Mọi sự trở nên ổn thỏa, cho dù sau đó, những khó khăn khách quan khác tiếp tục xảy đến cho gia đình Thánh.

Xã hội ngày nay không còn ý thức về giá trị của sự thanh khiết cá nhân, thanh khiết tu trì và thanh khiết gia đình. Các phương tiện tuyền thông tràn ngập những thông tin và hình ảnh khiêu dâm. Những người trẻ, thậm chí, trẻ em cấp tiểu học cũng có những phương tiện truy cập thông tin trên mạng. Và người ta có thể tìm kiếm bất cứ thứ gì họ cần, kể cả những điều nguy hại đến nền tảng đức tin và luân lý. Nhiều người trẻ sống thử và sống thật với nhau không qua truyền thống gia đình, không qua giá trị nền tảng và giao ước của hôn nhân. Sự thanh khiết không có chỗ đứng trong tư tưởng và hành động của họ. Làm sao một người nữ như Đức Maria có thể cưu mang Con Thiên Chúa làm người, với một tâm hồn và thể xác không thanh khiết?. Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh và “Phúc cho ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8) Chỉ có ơn Thiên Chúa và sự cộng tác của Mẹ Maria mới có thể làm cho Mẹ xứng đáng trở nên nơi cho Con Thiên Chúa sinh vào trần gian làm người như Đức Giêsu.

  1. “Phở chợ ngon hơn cơm nhà”. Cụm từ này có lẽ, chưa ai nghe bao giờ!. Nó có ý nghĩa

rằng, vợ hoặc chồng ở trong gia đình, có lúc sẽ không bằng những người tình vụng trộm ở bên ngoài. Nhiều người lớn tuổi, nhất là người Á đông, cho rằng ngoài tuổi sinh con đẻ cái, họ không còn “trách nhiệm quan hệ vợ chồng” nữa. Vì như vậy là tội lỗi!, là không thanh sạch!. Cứ như là họ có vẻ đang sống thanh khiết vậy. Hơn nữa vì lý do sức khỏe, người cao niên nghĩ rằng “chuyện vợ chồng” không còn khả năng, nên tình cảm của hai vợ chồng trở nên hời hợt, không còn mặn nồng như lúc còn trẻ khỏe nữa. Điều này không đúng!. Ngay cả vì lý do sức khỏe đi nữa, họ vẫn nên biểu lộ tình cảm và chăm sóc nhau như trước đây và không nên thay đổi. 

          Về mặt tâm sinh lý, chỉ có sau khi chết, hồn lìa khỏi xác, con người mới hết ham muốn nhục dục. Nên dù ở tuổi thượng thọ như 80, 90 tuổi và hơn nữa, sự ham muốn nhục dục không chấm dứt. Nếu một trong hai người, vợ hoặc chồng từ chối việc quan hệ vợ chồng, sẽ là nguyên nhân thúc đẩy người kia đi… “ăn phở!”. Ngay cả khi vợ hoặc chồng ở gia đình nấu phở rất ngon (phở đúng nghĩa đen) thì người kia vẫn thích “phở” hàng xóm hơn! Bởi vì, cơm nguội lạnh rồi, chẳng còn nóng hổi như trước!. “Cơm chẳng lành mà canh chẳng ngọt” nữa! Nhiều người, kể cả những người còn trẻ tuổi, khi hành động trốn tránh trách nhiệm quan hệ vợ chồng, họ đã vô tình làm cho người phối ngẫu với họ ngoại tình. Đó là một sự thật trong đời sống gia đình hôm nay, kể cả những gia đình công giáo xem ra sống khá đạo đức nhưng cứ cãi nhau cả ngày!

          Sống thanh khiết không phải là điều dễ dàng trong thời đại khoa học kỹ thuật về mặt thông tin bùng nổ như hiện nay. Dù khó khăn, chúng ta vẫn có thể sống thanh khiết và thanh thoát. Chính ơn Chúa giúp chúng ta vượt qua những trở ngại do hoàn cảnh xã hội gây ảnh hưởng và do lối sống của cá nhân không lành mạnh, cũng như thói quen không tốt lành của từng gia đình mà nhiều người chúng ta rơi vào tình trạng đổ vỡ trong đời sống hôn nhân, cũng như trong mối quan hệ vợ chồng. Chị Lucia ở Fatima, khi còn sống đã viết thư gửi cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II: “Cuộc chiến cuối cùng giữa Chúa Giêsu và Satan chính là đời sống gia đình”. Có nghĩa là những giá trị trong đời sống hôn nhân gia đình đang bị hủy hoại, giao ước hôn nhân đang bị phá vỡ. Chuỗi kinh mân côi trong kinh nguyện hằng ngày sẽ là sự nâng đỡ hiệu quả cho chúng ta, nhất là những gia đình đang có manh nha chia rẽ. Đức Maria sẽ giúp chúng ta giữ vững niềm tin và hàn gắn đổ vỡ trong mối quan hệ vợ chồng. Hãy tiếp tục đọc kinh mân côi!

Chia sẻ Bài này:

Related posts