Tháng Kính Trái Tim Chúa Giêsu


Ngày 27.
Cái gai thứ 1 đâm Trái Tim Chúa Giêsu : phạm tội trọng

Linh hồn kẻ lành thánh sạch tội được nên như Đền Thờ cho Đức Chúa Trời ngự. Linh hồn những kẻ chịu lễ nên, lại còn là nơi Chúa Giêsu ưa ngự cách riêng nữa. Như lời thánh Phaolô đã nói : “Không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Giêsu sống trong mình tôi”. Chúa Giêsu yêu thích được sống trong mình kẻ sạch tội, kẻ Rước lễ nên. Người muốn được ở đấy mãi mãi. Những ai dám phạm tội trọng, là họ đuổi Chúa Giêsu ra khỏi linh hồn, để rồi rước a quỉ vào đấy cai trị thay vì Chúa .

Ma quỉ một khi đã nhập vào linh hồn nào thì nó trói buộc cai tri và bắt linh hồn ấy làm nô lệ nó. Còn Chúa Giêsu thì đứng chực ngoài cửa lòng họ và dùng lời nhân từ êm dịu mà trách họ: “Ở con, nào còn có sự gì có thế làm để thương con mà Cha đã bỏ chưa làm? Con như cây nho Cha vun trồng chăm sóc mà con chỉ sinh cho Cha những quả chua chát đắng cay. Cha đã đổ hết máu để chuộc tội con mà con đã làm cho công nghiệp Máu Thánh Cha ra vô ích cho con.

Cha đã lấy Mình thánh Cha nuôi linh hồn con mà con đã bạc đãi Cha, nộp Cha cho ma quỉ. Hỡi những kẻ qua đường thế gian, hãy dừng chân đứng lại mà xem. Nào có sự đau đớn nào bằng sự đau đớn của Cha chăng? Hỡi những kẻ mê theo đường tội lỗi, hãy nhận biết những ơn Ta ban cho các ngươi. Hãy nhìn nhận lòng nhân từ thương xót của Cha đối với những kẻ có lòng thanh sạch mà rước Cha vào ngự trong linh hồn họ là thế nào?

Đáng lẽ kẻ có tội khi nghe lời Chúa Giêsu than trách thì phải động lòng ăn năn trở lại mới phải, nhưng trái lại chúng vẫn ưa thích theo tính xác thịt hơn làm con cái Chúa Giêsu.

Cứ lời thánh Phaolô dạy, kẻ phạm tội trọng đóng đinh Chúa Giêsu như quân Dothái xưa. Họ không đóng đinh bề ngoài nhưng họ đóng đinh Người trong lòng. Thật vậy, vì có một lần Chúa Giêsu hiện đến với bà thánh Magarita đầu đội vành gai, cả mình đầy máu chảy ra và phán bảo bà rằng: “Những kẻ phạm tội trọng làm khốn Cha thế này đây”.

Vậy ta thấy kẻ phạm tội trọng làm khốn cực cho Chúa Giêsu như thế, thì ta phải gắng sức an ủi và kính mến Người hết lòng, và đền bù những tội lỗi người ta thường phạm cực lòng Chúa. Ta phải lấy lời cầu nguyện, việc dự lễ, rước lễ và các việc lành phúc đức dâng cho Chúa Giêsu, để xin cho kẻ có tội được ăn năn sửa mình lại.

Xưa bà thánh Têrêsa hằng cầu nguyện cho kẻ có tội. Một lần bà sốt sắng kêu van hết sức làm động lòng Chúa Giêsu , Chúa nghe lời bà và Chúa cứu 6 ngàn người được ơn ăn năn trở lại, sửa mình và được rỗi linh hồn.

Lạy Chúa , biết bao kẻ có đạo hằng phụ ơn, lỗi giới răn của Chúa và Hội thánh, hằng phạm tội trọng mất lòng Chúa, mà họ cứ khinh thường, không lo ăn năn trở lại. Con nài xin Chúa soi lòng cho họ được trở về cùng Chúa, xin Chúa tha tội cho họ, vì công nghiệp vô cùng Trái Tim Chúa . Amen.

Thánh tích:

Xưa có một người rất dữ tợn hung ác, đã phạm mọi giống tội. Khi đã già 60 tuổi, ông ta bị bệnh nặng, các y sĩ đều chê. Anh em bà con thấy thế khuyên ông ta lo việc linh hồn. Ông ta không nghe lời khuyên bảo, không lo xưng tội, mà còn chửi bới nói phạm đến Chúa.

Nhưng Chúa thương xót vô cùng, Người hiện ra phán rằng:

” Ta là Giêsu đã chết cho con, dù tội con nặng đến đâu, đừng sợ, hãy ăn năn thực lòng, Ta sẽ tha hết, vì Ta nhân từ thương xót vô cùng”.

Ông ta thưa: Tôi sắp mất linh hồn rồi, cần gì ăn năn làm gì nữa.

Lúc ấy Chúa Giêsu mở áo cho ông ta xem các dấu tích trên mình Người và nói:

“Ta đã chịu khổ cực thế này để cứu linh hồn con, hãy thật lòng ghét tội, Ta sẽ cứu con khỏi sa hỏa ngục”.

Ôi ghê thay, lão ấy chẳng những không biết ơn Chúa Giêsu đã thương hắn mà hối cải, nó còn xung lên nói phạm đến lòng nhân lành Chúa. Chúa Giêsu thấy hắn cứng lòng cố chấp như vậy thì Người lấy mấy giọt máu bên sườn nhỏ xuống trán hắn, nói rằng:

“Đến ngày phán xét, máu này sẽ làm chứng cho thiên hạ biết ngươi đã khinh chê lòng thương xót Ta, ngươi hư đi là tại chính ngươi mà chớ”.

Suy tích này ta biết tội trọng là sự gớm ghiếc phạm đến Đức Chúa Trời và làm hại linh hồn người ta ngần nào. Hãy hạ mình xuống cầu xin Ðức Mẹ thương xem, chớ để mình ra cứng lòng…

(Theo sách Tháng Trái Tim Chúa Giêsu, Hiện tại xb, Sài gòn, 1969)

Chia sẻ Bài này:

Related posts