- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Hạt Giống Nẩy Mầm – Mùa Quanh Năm – Tuần 1

Lm Carôlô

“Có những hạt rơi vào đất tốt.

Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :

hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,

hạt thì được một trăm” (Mc 4,8) 

 

Thứ Hai – Trang 1

Thứ Ba – Trang 2

Thứ Tư – Trang 3

Thứ Năm – Trang 4

Thứ Sáu – Trang 5

Thứ Bảy – Trang 6

 – o O o –

Thứ Hai

Mc 1,14-20

 

A. Hạt giống…

Bài Tin Mừng này gồm 2 đoạn :

a. Tóm lược nội dung lời rao giảng của Chúa Giêsu : Ngài nói “Nước Thiên Chúa đã đến gần” ; Ngài cho biết điều kiện để được vào Nước ấy là “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

b. Ơn gọi của những môn đệ đầu tiên. Qua đó ta biết được những điểm chính yếu của một ơn gọi :

– Chúa Giêsu “thấy” (động từ đầu tiên của cả 2 bài tường thuật) : ơn gọi xuất phát từ sáng kiến của Chúa.

– “Hãy theo tôi” : được gọi tức là được mời đi theo Chúa Giêsu để Ở Với Ngài, học với Ngài, noi gương Ngài và chia xẻ sứ mạng của Ngài.

– “Lập tức” : mau mắn đáp trả lời Chúa gọi.

– “Hai ông bỏ (bài đầu “Bỏ chài lưới” ; bài sau “bỏ cha và những người làm công”) mà đi theo Ngài” : theo ơn gọi thì phải từ bỏ, kể cả tất cả những gì thân thiết nhất.

 

B…. nẩy mầm.

1. Sám hối : Satan phàn nàn với Chúa : “Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời.” Chúa nói : “Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa ?”. (Góp nhặt)

2. Paddy đang hồi phục sau ca mổ, ba bạn thân ghé thăm để khích lệ anh. Ngoài chuyện thăm hỏi, họ kể cho anh về những ca mổ họ nghe biết.

Một người nói : “Tôi nghe có một ca mổ họ để quên cái gạc trong bụng bệnh nhân và phải mổ để lấy ra”.

Người khác kể về ca mổ bác sĩ để quên kéo bên trong và bệnh nhân phải mổ lần nữa để lấy ra. Vừa nói xong, bác sĩ thực hiện ca mổ cho Paddy thò đầu vào cửa gọi lớn : “Có ai thấy mũ của tôi không ?” Và Paddy ngất đi.

Một lần xưng thú không chân thành giống như một ca mổ tồi tệ. Một vài thứ bị để quên và phải thực hiện một ca mổ khác để lấy ra. (Góp nhặt)

3. Người ta thường hiểu ơn gọi theo nghĩa hẹp là ơn gọi làm Linh mục, Tu sĩ. Nhưng thực ra mọi kitô hữu cũng đều được Chúa gọi để làm kitô hữu xứng đáng trong bậc sống của mình.

4. Khi Chúa gọi ai, việc đầu tiên là Ngài bảo người đó từ bỏ. Ơn gọi đầu tiên trong Cựu Ước là như thế : Thiên Chúa nói với Abraham “Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi nhà cha ngươi…” (St 12,1). Ơn gọi đầu tiên trong Tân Ước cũng như thế : 4 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu “lập tức bỏ chài lưới (bỏ thuyền, bỏ cha mẹ lại) mà theo Ngài” (Mt 4,20.22). Tất cả những ơn gọi khác cũng phải như thế thôi.

5. Hai người giáo dân đứng ngoài chợ nói chuyện với nhau :

– Anh nghĩ xem chúng ta có cần tiếp tay với Cha xứ để lo việc họ đạo không ? Người thứ nhất hỏi.

– Tôi cũng thường nghĩ đến điều đó. Nhưng khi tôi thấy chung quanh cha chỉ có một nhóm nhỏ những người thân tín thì tôi không muốn gia nhập nhóm nhỏ ấy nữa.

Nảy giờ đứng bên cạnh đã nghe hết, anh chen vào :

– Đúng thế, chung quanh cha xứ chỉ có một nhóm nhỏ thôi. Nhưng các anh có biết tại sao không ?

– Tại sao ? Tại sao ? Xin cho chúng tôi biết với.

– Hồi cha mới đến xứ đạo, cha đã kêu mời mọi người cộng tác. Nhưng sau đó chỉ có một ít người đáp lời thôi. Đó là những người biết nói “VÂNG”. (Góp nhặt)

6. Mầm khác :

Thứ Ba

Mc 1,21-28

 

A. Hạt giống…

1. Đoạn Tin Mừng này mở đầu cho một đơn vị văn chương trải dài từ câu 21 đến c 34, được gọi là “Một ngày ở Caphácnaum”, trong đó Marcô liệt kê và mô tả những việc làm tiêu biểu của Chúa Giêsu trong một ngày. Việc thứ nhất là giảng dạy, việc thứ hai là trừ quỷ. Đáng chú ý là Chúa Giêsu làm cả hai việc một cách rất uy quyền.

2. “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” : Khi giảng dạy, các rabbi do thái phải dựa theo truyền thống cha ông chứ không dám có ý kiến riêng ; còn Chúa Giêsu thì lấy chính sứ điệp của mình ra giảng dạy, và Ngài dạy một cách xác tín trong tư cách là Đấng Messia.

3. Và cũng bằng uy quyền đặc biệt ấy, Chúa Giêsu làm một hành động phi thường, là buộc quỷ xuất khỏi một người bị nó ám.

4. Phản ứng của dân chúng : “Mọi người sửng sốt và hỏi nhau thế nghĩa là gì” : Họ hỏi nhau về nét mới mẻ trong lời giảng của Ngài và về uy quyền đặc biệt của Ngài trên cả tà thần. Câu hỏi này cũng tương đương với câu hỏi “Ông là ai ?”, là câu hỏi sẽ được lập đi lập lại mãi trong tác phẩm.

 

B…. nẩy mầm.

1. Mở đầu hoạt động công khai của mình, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là nhằm thuyết phục người ta tin tưởng vào quyền năng của Ngài, quyền năng trong lời giảng dạy và trong hoạt động. Thái độ đầu tiên ta phải có đối với Chúa Giêsu cũng là phải tin tưởng vào quyền năng của Ngài.

2. Nhưng tin tưởng không phải chỉ là tin suông mà còn phải dám phó thác vào Ngài, đừng như câu chuyện sau :

Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông : Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế là lấy hết sức lực, người vô thần la lớn : “Lạy Chúa”. Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một  lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn : “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa.” Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao : “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế.” “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.” Tiếng ấy trả lời : “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.”  Người vô thần thất vọng thốt lên : “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao !”  (Trích “Món quà giáng sinh”)

3. Một bé trai hỏi bố :

– Quỉ lớn hơn con không ?

– Lớn hơn.

– Quỉ lớn hơn bố không ?

– Lớn hơn.

– Quỉ lớn hơn Chúa Giêsu không ?

– Không con ạ. Chúa Giêsu lớn hơn quỉ.

Chú bé thinh lặng, rồi mỉm cười : “Vậy con không sợ quỉ.” (Góp nhặt)

4. “Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau : ‘Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1,27)

Vào đại học, tôi cảm thấy mọi cái đều xa lạ. Tôi náo nức chờ buổi học đầu tiên. Ngay buổi đầu, với phương pháp giảng giải, thầy đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi thấy thầy thật vĩ đại. Tôi nghĩ : Thầy quả là đường dẫn tôi vào đời. Còn Chúa, Đấng đã dựng nên cả tôi và mọi người xung quanh. Chúa cho tôi tự do, dạy tôi biết yêu thương, biết cho đi và hy sinh vì anh em. Sao tôi lại có thể dửng dưng trước tình yêu và quyền năng của Chúa ?

Lạy Chúa, xin cho con biết ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu Chúa đã và đang làm cho con cũng như hết mọi người mỗi ngày. (Epphata)

5. Mầm khác :

Thứ Tư

Mc 1,29-39

 

A. Hạt giống…

Chuyện này cũng diễn ra trong khung cảnh một ngày ở Capharnaum và tiếp liền chuyện hôm qua. Sau khi làm một cuộc trừ tà ở Hội đường, Chúa Giêsu đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon. Chúa Giêsu không nói lời nào, chỉ làm một cử chỉ nhỏ là đến gần cầm tay bà nâng dậy. Việc khỏi bệnh xảy ra tức thì. Bà hết bệnh và lo tiếp đãi các ngài.

Người Do thái quen coi bệnh tật là do ma quỷ gây nên. Đặc biệt bệnh sốt là dấu chỉ Thiên Chúa trừng phạt tội bất trung (x. Lv 26,15-16 Đnl 28,22). Vì người ta coi bệnh này là do ma quỷ gây nên, do đó việc Chúa Giêsu cứu chữa bệnh này cũng là một việc trừ tà (Lc 4,39), cho thấy Chúa Giêsu là Đấng đến giải thoát con người khỏi xiềng xích của sự dữ và sự chết.

Kết thúc một ngày làm việc : “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy, đi ra một nơi hoàng vắng và cầu nguyện”.

 

B…. nẩy mầm.

1. Nhìn lại một ngày làm việc của Chúa Giêsu, ta thấy Ngài rất bận : giảng ở Hội đường (câu 21) ; giảng xong, chữa một người bị quỷ ám (cc 23-28) ; rời hội đường, Ngài đi chữa bệnh cho nhạc mẫu của Simon Phêrô (cc 29-32) ; chiều đến chưa kịp nghỉ ngơi người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa (cc 32-34) ; Sáng sớm hôm sau khi trời còn tối mịt, Ngài thức dậy sớm đi đến một nơi hoàng vắng để cầu nguyện (c 35), và bắt đầu một ngày mới cũng rất bận rộn. Dù rất bận rộn, nhưng Chúa Giêsu vẫn dành thời giờ đề cầu nguyện ; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giêsu vẫn có cách tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện.

2. Nhìn lại cuộc sống đã qua, một nhà hiền triết thú nhận : Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng hái của tuổi trẻ, tôi thường xin Chúa cho tôi sức mạnh biến đổi thế giới này nên tốt hơn. Khi được nửa đời người, tôi ý thức mình chưa làm gì được cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào, tôi liền đổi lại lời cầu nguyện cho thiết thực hơn : Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con khả năng thay đổi cuộc sống của những người con tiếp xúc hằng ngày thôi”. Nhưng rồi khi tuổi đời sắp hết, tôi thấy rằng mình quá cao vọng và ảo tưởng, tôi lại thay đổi lời cầu nguyện như sau : “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính đời sống của con”. Nếu từ tuổi thanh xuân tôi đã cầu nguyện như thế thì có lẻ tôi không phải hối tiếc vì đã sống một cuộc đời vô ích” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)

3. “Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ. Nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai” (Mc 1,34)

“Tại sao Con Thiên Chúa không muốn làm vua Do thái hở mẹ ? Những điều kỳ diệu của Người khiến con kinh ngạc. Chỉ cần một hơi thở của Người đủ huỷ diệt sức mạnh của Rôma. Thế mà Người lại từ chối sự trợ giúp của các binh đoàn, khiến bao gian lao khó nhọc đã trở thành vô ích ? Chúng ta lại phải rên siết dưới sự bảo hộ của Rôma và để vũ khí mà ta khổ công đúc rèn phải rỉ sét ư ?”

Ben Hur đã thốt lên lời ấy trong thất vọng, chán chường. Anh cũng như những người do thái khác đã thất vọng về Con Thiên Chúa. Họ chờ đợi Đấng Messia như một người có thể đem lại cho họ phồn vinh và công lý trong trần thế. Họ chỉ muốn thấy vinh quang Thiên Chúa trừng phạt đế quốc La mã.

Phải chăng vì thế mà Chúa Giêsu không cho quỷ nói Người là ai ? Con đường cứu độ không dẫn Người đến ngai vàng và vương miện trần gian. Người đến để mặc khải tình yêu của Cha, và để mặc khải được trọn vẹn, Người đã chết thay cho mọi người, những kẻ đã dửng dưng để cho máu của Người đổ trên đầu mình.

Lạy Chúa Giêsu, giờ đây công cuộc cứu chuộc của Người đã hoàn tất. Xin cho con luôn biết đón nhận con đường của Người, con đường đưa đến sự sống đời đời. (Epphata)

4. Mầm khác :

Thứ Năm

Mc 1,40-45

 

A. Hạt giống…

Chúa Giêsu chữa một người phong cùi :

– Việc chữa người phong cùi làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia về Đấng Messia, chứng minh Chúa Giêsu chính là Đấng Messia.

– Thái độ của người cùi chứng tỏ người này tin Ngài là Messia : anh “sấp mặt xuống” kêu xin ; anh nói “Nếu ngài muốn, ngài có thể làm cho tôi được sạch” (thời đó, phong cùi được coi là chứng nan y vô phương chữa trị).

– Thái độ của Chúa Giêsu biểu lộ một sự ưu ái đặc biệt : “Ngài giơ tay đụng vào anh” (không ai khác dám đụng người cùi, vì sợ lây bệnh và lây sự ô uế).

– Lời Ngài bảo anh đi trình diện tư tế và dâng của lễ chứng tỏ Chúa Giêsu tôn trọng luật lệ đạo do thái.

 

B…. nẩy mầm.

1. Chúa Giêsu không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn đưa tay đụng anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh ; Ngài còn dạy anh đi trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được hội nhập vào xã hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm. Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi bệnh tật tâm hồn. Sự quan tâm của ta với những người nghèo khổ có được toàn diện như thế chưa ?

2. Cái nghèo cũng là một thứ “tội đầu”, vì nghèo nên khổ (như người ta quen nói “nghèo khổ”), vì nghèo khổ nên bị coi khinh và xua đuổi (như người ta quen nói “nghèo hèn”).

3. Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy, đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy tiền cho nhưng không tìm được đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc : ” Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng đem theo gì”.

Mặt người ăn xin sáng lên và nói : “Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà rất lớn rồi !” (Góp nhặt).

Việc giúp đỡ người nghèo khổ chưa chắc có giá trị bằng thái độ tôn trọng của ta đối với họ.

4. “Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót, giơ tay đụng vào anh và bảo : ‘Ta muốn, anh sạch đi’. Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh và anh được sạch” (Mc 1,41-42)

Trong chương trình phóng sự về việc giúp đỡ đồng bào lũ lụt của Đài Truyền hình Thành phố, có một em bé đã gởi một cái quần kèm theo 5000 đồng trong túi để giúp người bị nạn. Cô bé đã nói : “Món quà này con tặng cho bạn nào bằng con để đi học”. Chắc rằng hình ảnh của những con người bất hạnh đã tạo cho cô bé một lòng thương cảm sâu sắc, và hành vi quảng đại ấy đã phần nào làm vơi bớt nỗi khổ của người bạn chẳng may.

Chúa Giêsu cũng chạnh lòng thương xót. Nhưng Ngài không chỉ làm vơi đi hoặc xóa đi bất hạnh của người bệnh bằng cách chữa lành cho anh, nhưng còn cất đi nỗi bất hạnh lớn lao của cả nhân loại là tội lỗi và cái chết, bằng cái chết trên Thập giá và sự phục sinh của Ngài.

Lạy Chúa, xin Ngài đập vỡ quả tim chai đá trong con và đặt trong con quả tim biết yêu thương. (Epphata)

5. Mầm khác :

Thứ Sáu

Mc 2,1-12

 

A. Hạt giống…

Văn thể của đoạn này là “câu nói trong khung”, nghĩa là tác giả tuy kể một câu chuyện nhưng chuyện đó chỉ là một cái khung để làm nổi bật một câu nói của Chúa Giêsu. Câu nói quan trọng đó là c.5 “Tội của con đã được tha”. Chính câu nói này và cuộc tranh luận về nó mới là trọng tâm. Chuyện chữa người bất toại chỉ là một cơ hội, một cái khung.

Hai chi tiết văn phạm đáng chú ý : 1/ Động từ ở thể thụ động (được tha), hiểu ngầm kẻ tha tội là Thiên Chúa. Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa ; 2/ Động từ còn ở thì quá khứ (đã) nghĩa là Thiên Chúa đã tha tội rồi, trước khi anh này phải dâng lễ theo luật buộc (Lv 6,17-23).

Quyền tha tội là độc quyền của Thiên Chúa. Bởi vậy các thông giáo phản ứng ngay “Ông này phạm thượng”. Chú ý họ dùng động từ “phạm thượng” y như lời cáo trạng trước Thượng Hội Đồng Do thái (14,63-64).

 

B…. nẩy mầm.

1. Người ta khiêng anh bất toại đến để mong Chúa Giêsu chữa bệnh cho anh. Nhưng Chúa Giêsu tha tội trước rồi sau đó mới chữa bệnh. Tội là thứ bệnh của linh hồn, nguy hiểm hơn bệnh thể xác. Nhưng chúng ta thường làm ngược với Chúa Giêsu : khi mang bệnh thể xác thì chúng ta lo lắng chạy chữa mau lẹ, còn khi mang tội chúng ta lại không lo.

2. Thân nhân của người bất toại rất tích cực lo cho anh khỏi bệnh : khiêng đến nơi Chúa Giêsu đang giảng, chen lấn, leo lên mái nhà, gở mái, thòng dây xuống… Ước gì ai cũng biết tích cực lo chữa bệnh linh hồn cho thân nhân mình như vậy.

3. Ngày kia thánh Phanxicô Salêsiô cho một người xưng tội. Người này xưng rất thành thật, khiêm nhượng và hết lòng ăn năn. Thánh nhân cảm động lắm. Sau khi xưng tội xong, người ấy hỏi :

– Bây giờ cha biết tất cả những sự xấu xa của con rồi. Cha nghĩ thế nào về con ?

– Bây giờ cha nhìn con như một đấng thánh.

– Chắc cha phải nói ngược lại mới được.

– Không. Cha nói theo lương tâm của cha. Con bây giờ hoàn toàn khác  trước rồi.

– Nhưng tội lỗi con đã phạm thì luôn luôn ở với con mà.

– Không phải thế đâu con ạ. Khi bà Mađalêna đã ăn năn trở lại, Chúa xem bà như một đấng thánh. Chỉ có bọn Pharisêu giả hình cứ coi bà là kẻ tội lỗi.

– Nhưng đối với cha, con muốn biết cha nghĩ thế nào về quá khứ của con ?

– Cha không nghĩ thế nào cả. Điều gì không có trước mặt Chúa thì cha không nghĩ đến. Cha chỉ biết ngợi khen Chúa và vui mừng vì con đã trở lại với Chúa. Cha muốn cùng các thánh trên trời vui mừng với con.

Nói xong, thánh nhân khóc. Người kia bỡ ngỡ hỏi :

– Cha khóc à ? Chắc cha khóc vì thấy con phạm nhiều tội quá ?

– Cha khóc vì thấy con đã sống lại với Chúa.

Thánh nhân biết rõ phép Giải tội không phải là che dấu tội ta đã phạm, nhưng là rửa sạch hết mọi tội ta đã khiêm nhường xưng ra.  (Trích “Phúc”)

4. “Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo người bại liệt : Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5)

Căn nhà bỗng nhiên bị bốc cháy. Ông bố nghe tin liền chạy về. Về đến nơi, ông thấy đám cháy đã bốc cao và nghe có tiếng kêu thất thanh ‘Ba ơi cứu con’. Khi thấy bóng đứa con út trên tầng cao, ông đã nhờ đội cứu hoả giăng lưới bảo hộ để cho cậu nhảy xuống. Nhưng cậu vẫn do dự và sợ hãi. Lúc ấy ông la lên : “Ba đây, đừng sợ. Nhảy xuống đi”. Nhận ra tiếng của cha và thấy bóng ông qua khói lửa, cậu đã thu hết can đảm nhảy xuống. Mở mắt ra, cậu đã nằm trong vòng tay của cha. Niềm tin đã cứu sống cậu.

Tương tự như thế, niềm tin vào Chúa khiến người bại liệt được chữa lành. Niềm tin cũng đem lại ơn tha thứ cho biết bao tội nhân. Vâng niềm tin đã làm cho cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc hơn.

Lạy Chúa, xin cho con luôn tin tưởng phó thác vào tình yêu của Chúa. Xin cho con biết gieo mình vào bàn tay Ngài giữa cuộc sống bao nỗi băn khoăn khắc khoải, để cuộc sống được an vui và hạnh phúc hơn. (Epphata)

5. Mầm khác :

Thứ Bảy

Mc 2,13-17

 

A. Hạt giống…

1. Chúa Giêsu kêu gọi Lêvi làm môn đệ Ngài :

– Lêvi là một người tội lỗi công khai (làm nghề thu thuế). Trong khi mọi người khinh dễ anh, khai trừ anh và tránh xa anh, thì Chúa Giêsu không chê anh mà còn chọn anh làm môn đệ Ngài.

– Chính Chúa Giêsu đến với anh để chọn anh chứ không phải anh đến với Chúa để xin đi theo Ngài.

– Khi được Chúa Giêsu gọi, Lêvi đã mau mắn bỏ mọi sự để theo : “Ngài bảo ông ‘Hãy theo Ta’. Ông liền đứng dậy theo Ngài”.

2. Việc Chúa Giêsu chọn một người thu thuế như Lêvi làm môn đệ đã đem lại sự vui mừng sung sướng chẳng những cho chính Lêvi mà còn cho những người thu thuế khác. Vì thế họ dọn một bữa tiệc để ăn mừng. Xưa nay họ chỉ thấy mới có một mình Chúa Giêsu không chê họ mà còn chọn một người trong bọn họ.

3. Nhân dịp có mấy người biệt phái chỉ trích thái độ Chúa Giêsu thân thiện với những người tội lỗi, Ngài cho biết thêm Ngài chính là “Thầy thuốc” đến trần gian để cứu chữa những người tội lỗi.

 

B…. nẩy mầm.

1. Lêvi nào dám đến với Chúa Giêsu, vì ông ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình. Chúa Giêsu biết mặc cảm đó nên đã tự động đến tìm ông. Đối với những người tội lỗi, chúng ta đừng chờ họ đến với mình mà phải chủ động tìm đến với họ.

2. Chính vì Lêvi ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình cho nên anh rất mừng khi được Chúa gọi, và quảng đại bỏ tất cả để theo Ngài. Chúng ta càng ý thức thận phận bất xứng của mình thì càng nhận biết ơn gọi của mình là một hồng ân và càng sẵn sàng từ bỏ mọi sự để theo Chúa.

3. “Ta không đến để kêu gọi người công chính mà kêu gọi những người tội lỗi”. Đó là lập trường của Chúa Giêsu. Nếu tôi tự coi là công chính thì không bao giờ tôi được Ngài đến gọi tôi.

4. “Chúa Giêsu nói : ‘Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)

Chỉ vì ham mê cờ bạc mà anh hàng xóm của tôi, sau khi tiêu hết tài sản của gia đình, đã dùng những viên thuốc ngủ để kết thúc cuộc đời, ngay trong lúc đứa con thứ hai của anh chào đời. Thế nhưng anh đã không chết.

Sau khi từ bệnh việc trở về, tôi thấy anh sống trong im lặng, lầm lũi như một kẻ độc hành, lòng mang nặng mặc cảm tội lỗi, yếu hèn.

Sau một thoáng suy nghĩ và do dự, tôi quyết định đến thăm anh, và chỉ sau mấy lời tôi hỏi thăm, anh đã bật khóc.

Tôi đã quyết định đúng và đã bước đến với anh khi anh đang cần chia sẻ và cảm thông. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm được như vậy, trong khi có biết bao người đang cần đến nụ cười thông cảm của tôi.

Lạy Chúa, Chúa đã không kết án người tội lỗi. Xin cho con biết thông cảm và đừng bao giờ xét đoán hay lên án anh em. (Epphata)

5. Mầm khác :

Gp. Cần Thơ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]