- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bài đọc và Suy niệm Tuần 30 TN C

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Chiến

THỨ HAI – Trang 1

THỨ BA – Trang 2

THỨ TƯ – Trang 3

THỨ NĂM – Trang 4

THỨ SÁU – THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ – Trang 5

THỨ BẢY – Trang 6

– o O o –

THỨ HAI

Bài Ðọc I: Ep 4, 32 – 5, 8

Anh em thân mến, anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô.

Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Còn như tội tà dâm và mọi thứ tội ô uế hay là gian tham, thì dù nhắc đến tên chúng cũng đừng nói tới nơi anh em, như thế mới xứng hợp với các thánh. Cả những chuyện hoa tình, tục tĩu và giễu cợt, tất cả những cái đó đều bất xứng. Tốt hơn là hãy nói những lời cảm tạ Chúa.

Bởi chưng anh em hãy biết rõ điều này là: tất cả những kẻ tà dâm, ô uế hay tham lam, là một thứ nô lệ thần tượng, đều không được hưởng phần gia nghiệp trong nước của Ðức Kitô và Thiên Chúa. Ðừng để ai lấy hão huyền mà phỉnh gạt anh em, vì những điều ấy mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đổ xuống trên những con cái ngỗ nghịch. Vậy anh em chớ thông đồng với những kẻ ấy. Xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng hiện nay anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con cái sự sáng.

 

Phúc Âm: Lc 13, 10-17

Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa.

Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”.

Chúa trả lời và bảo ông ta rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao?”

Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.

 

SUY NIỆM

           

“Anh em hãy sống trong tình thương như Ðức Kitô”.

Thánh Phaolô chỉ ra những thái độ sống rất rõ ràng cụ thể, điều nào là tốt, điều nào là xấu; điều nào cân xứng, điều nào bất xứng,…tất cả những điều đó được dọi chiếu, được soi sáng bởi hình ảnh Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Đấng mà mỗi người Kitô hữu phải coi là gương mẫu sống động nhất.

Liên kết với bài Tin Mừng hôm nay, vì tình yêu thương, Chúa Giêsu đã cứu chữa cho người đàn bà bị quỷ ám làm cho khòm lưng suốt 18 năm; điều đáng buồn là điều này lại gây khó chịu cho ông viên trưởng hội đường, người đóng vai trò hướng dẫn, lãnh đạo tôn giáo.

Người Kitô hữu vô cùng may mắn khi sở hữu một nguồn giáo lý phong phú và tuyệt vời; những lời giáo huấn, những sự hướng dẫn giúp đưa người Kitô hữu vào tương quan sống động với Thiên Chúa, dường như lúc nào cũng sẵn có. Thế nhưng, vấn đề quan trọng vẫn là đời sống thực hành, nên có người nhận xét chua cay rằng: “Lý thuyết Đạo Công Giáo thì không ai bằng, nhưng thực hành thì không bằng ai”; đọc nghe thì cũng hay hay, nhưng mà ngậm đắng nuốt cay thế nào! Chắn hẳn đó chỉ là một nhận xét như bao nhận xét, nhưng cũng nói lên phần nào một thực tế là có một sự thiếu vắng đời sống thực hành nghiêm trọng nơi người Kitô hữu; hoặc nếu có thì cũng chỉ là những hình thức bề ngoài, chưa toát lên được thái độ, tâm tình yêu mến bên trong, như Chúa và Giáo Hội mong muốn.

Do đó, Giáo Hội đang rất cần những nhân chứng sống động trong thời đại này, và những nhân chứng sống động đó chính là mỗi người trong chúng ta, mong rằng đây không phải là một lời nói suông, nhưng là một mệnh lệnh rất cụ thể và cũng có thể nói là khẩn thiết nữa.

Lạy Chúa, con người thời nay cần những chứng nhân hơn là thầy dạy, chúng con cũng biết điều đó, nhưng chúng con vẫn chưa thực là những chứng nhân của Chúa; xin Chúa tha thứ cho chúng con, và tiếp tục nâng đỡ chúng con, ban ơn can đảm để chúng con có thể cao rao tuyên xưng Chúa trước mặt mọi người qua đời sống thường ngày của chúng con. Amen!

THỨ BA

 

Bài Ðọc I: Ep 5, 21-33

Anh em thân mến, anh em hãy phục tùng nhau trong sự kính sợ Ðức Kitô. Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa: vì chồng là đầu người vợ, như Ðức Kitô là đầu Hội Thánh: chính Người là Ðấng Cứu Chuộc thân thể mình. Nhưng như Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô thể nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy.

Hỡi những người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh, khi Người dùng nước và lời hằng sống rửa sạch Hội Thánh, ngõ hầu bày tỏ cho mình một Hội Thánh vinh quang, không vết nhơ, không nhăn nheo, hay phải điều gì khác tương tự, nhưng thánh thiện và vẹn tuyền.

Cũng thế, người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình. Ai yêu thương vợ mình, là yêu thương chính mình. Vì không ai ghét thân xác mình bao giờ, nhưng nuôi dưỡng và nâng niu nó, như Ðức Kitô đối với Hội Thánh: vì chúng ta là chi thể của thân xác Người, do xương thịt Người. “Bởi thế, người ta lìa bỏ cha mẹ mình mà kết hợp với vợ mình: và cả hai nên một thân xác”. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh. Dù sao, mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như bản thân mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.

 

Phúc Âm: Lc 13, 18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó”.

Người lại phán rằng: “Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men”.

 

SUY NIỆM

 

Suy niệm Lời Chúa hôm nay, tôi nghĩ đến những người đã, đang và sẽ sống trong bậc sống hôn nhân gia đình, cách riêng là những người đang trong giai đoạn chuẩn bị bước vào; ước mong rằng lời Chúa hôm nay phải được coi là kim chỉ nam, là mẫu mực cho đời sống của họ.

Thánh Phaolô đưa ra những lời giáo huấn rất hay và rất thiết thực, cũng cần nhắc lại đôi nét: “Người vợ hãy phục tùng chồng mình, như đối với Chúa”, “người làm chồng, hãy yêu thương vợ mình, như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và phó mình vì Hội Thánh để thánh hoá Hội Thánh”; như vậy, Đức Kitô vẫn luôn là nền tảng căn bản, Ngài yêu thương Hội Thánh; qua đó, những người làm chồng làm vợ nhìn vào mà xây dựng đời sống gia đình họ; và nếu một gia đình có Chúa là căn bản, là nền tảng, là điểm quy chiếu, thì chắc chắn gia đình đó sẽ hạnh phúc.

Đó có thể nói là khuôn mẫu, là thước đo. Nhưng thử hỏi hiện nay có được bao nhiêu cặp vợ chồng đã và đang sống theo khuôn mẫu đó, tức là đang sống theo những gì mà họ được dạy dỗ, được hướng dẫn? Vẫn còn những người chồng độc tài, lối sống trưởng giả, trọng nam khinh nữ, hở chút là động tay động chân; bên cạnh đó, vẫn còn những người vợ đòi quyền lợi cách thái hóa, những người vợ suốt ngày chỉ biết trau chuốt bên ngoài,… điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc của cá nhân họ, nhưng còn ảnh hưởng đến cả thế hệ con cháu, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Thế giới phát triển, xã hội tân tiến,… đặt ra nhiều vấn nạn và thách đố cho đời sống con người; ai ai cũng đòi quyền lợi cho mình, thiếu vắng sự chịu đựng hy sinh, thiếu vắng sự quan tâm và tình yêu thương; là những người Kitô hữu, chúng ta cần phải có thái độ dứt khoát thật sự, không những cho chính bản thân chúng ta, mà còn cho những người chung quanh qua đời sống làm chứng tá.

Lạy Chúa, thế giới ngày càng phát triển về những thứ bên ngoài, thì lại đi xuống về những thứ thuộc về bên trong, về tinh thần; dần dà con người sống không còn sống cho Chúa, cho tha nhân, nhưng chỉ sống cho chính mình. Đó không phải là một thế giới mà Chúa mong muốn! Xin cho chúng con, những người Kitô hữu, trở thành những chứng nhân thực sự bằng chính đời sống mình, bằng chính ơn gọi của mình, đặc biệt trong vai trò làm chồng, làm vợ trong gia đình. Amen!

THỨ TƯ

 

Bài Ðọc I: Ep 6, 1-9

Hỡi những kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa: đó là lẽ phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa rằng “để ngươi được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu”.

Còn phần anh em là những kẻ làm cha mẹ, anh em chớ làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa.

Hỡi những kẻ làm nô lệ, hãy vâng phục các chủ nhân, với lòng tôn sợ, kính nể, và chân thành như vâng phục Ðức Kitô: không phải vâng phục chiếu lệ trước mắt, như để lấy lòng người ta, nhưng như những tôi tớ của Ðức Kitô, tận tâm vâng theo thánh ý Thiên Chúa, hãy chí thú phục vụ, như phục vụ Thiên Chúa, chớ không phải loài người: vì biết rằng hễ ai làm điều gì lành, sẽ được Chúa ban trả sự lành, dầu kẻ ấy là nô lệ hay tự do. Phần anh em là những chủ nhân, anh em hãy cư xử như vậy đối với họ, chớ doạ nạt, vì biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em ngự trên trời: Người không tây vị một ai.

 

Phúc Âm: Lc 13, 22-30

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?” Nhưng Người phán cùng họ rằng: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: “Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu tới”. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: “Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi”. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: “Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta”.

Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết”.

 

SUY NIỆM

 

“Chúa của họ cũng là Chúa của anh em ngự trên trời: Người không tây vị một ai.”

Nối tiếp bài đọc I hôm qua, Thánh Phaolô tiếp tục đưa ra những giáo huấn, cũng như những lời khuyên bảo rất thiết thực dành cho những người làm Cha mẹ, những người làm con cái, người làm người nô lệ và những người làm chủ.

Cụ thể, “Làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa”, “Làm cha mẹ, anh em chớ làm cho con cái anh em tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng theo lời dạy bảo và khuyên răn của Chúa.”, “Làm nô lệ, hãy vâng phục các chủ nhân, với lòng tôn sợ, kính nể, và chân thành như vâng phục Ðức Kitô”, “Chủ nhân, anh em hãy cư xử như vậy đối với họ, chớ doạ nạt, vì biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em ngự trên trời: Người không tây vị một ai.”.

Rõ ràng, đây là những lời giáo huấn rất cần thiết cho con người mọi thời, trong mối tương quan qua lại giữa người trên và người dưới, làm sao phải có thái độ và cư xử một cách hài hòa; và điểm mấu chốt vẫn là  phục vụ nhau trong Chúa Kitô. Hay nói cách khác, trong mọi tương quan, trong mọi bậc sống, chúng ta hãy lấy Đức Kitô làm gương mẫu cho cung cách sống của mình.

Người Kitô hữu có được một quyền lợi rất đặc biệt, đời sống họ luôn được sự nâng đỡ, hướng dẫn của Chúa qua Hội Thánh, để khi họ biết trở về với Chúa, với Hội Thánh, họ tìm thấy sự ủi an; Lời Chúa, giáo huấn của Hội Thánh như một bản vẽ mà kiến trúc sư chính là Thiên Chúa, việc của người Kitô hữu là nhìn vào bản vẽ đó mà xây dựng tòa nhà đời mình; càng theo sát bản vẽ, càng xây giống bản vẽ, thì tòa nhà chắc chắn sẽ vững, sẽ đẹp; và ngược lại, càng khác bản vẽ, càng xa bản vẽ, thì tòa nhà sẽ không giống ai và cũng sẽ sụp đỗ bất cứ lúc nào; thay vì phải luôn tìm ý Chúa trong mọi sự, thì chúng ta hay có khuynh hướng đi tìm ý mình, thỏa mãn ý mình và làm theo ý mình. Điều này rất huy hại cho đời sống đức tin mỗi người.

Lạy Chúa, “Lời Chúa là ngọn đèn cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi”, đó là điều mà chúng con đã biết, thậm chí đã xác tín; nhưng nhìn lại đời sống mình, không ít lần chúng con lãng quên Lời Chúa, thờ ơ với Lời Chúa, tránh né Lời Chúa, để đi tìm theo lời ai khác hay lời của chính mình. Chúng con xin lỗi Chúa và xin Chúa thương giúp chúng con ý thức lại và quay về với Chúa luôn. Amen!

THỨ NĂM

 

Bài Ðọc I: Ep 6, 10-20

Anh em thân mến, về tương lai, anh em hãy can đảm trong Chúa, và trong quyền năng sức mạnh của Người. Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để anh em có thể chống lại được với những mưu chước ma quỷ. Bởi vì chúng ta không những chiến đấu với huyết nhục, mà còn chiến đấu với kẻ chấp chính và quyền thế, với kẻ cai quản thế giới u minh này, và những ác thần trên không gian. Bởi đó, anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để có thể kháng cự được trong ngày đen tối, và đứng vững sau khi bình định được tất cả. Vậy anh em hãy đứng vững, thắt đai lưng chân lý, mặc áo giáp công chính, và chân mang giày để sẵn sàng truyền bá Tin Mừng hoà bình. Anh em hãy luôn luôn mang khiên thuẫn đức tin, nhờ đó anh em dập tắt được mọi tên lửa kẻ cực ác. Anh em hãy nhận lấy mũ chiến cứu độ và cầm gươm của Thánh Thần, (tức là lời của Thiên Chúa).

Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó, và cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh. Hãy cầu nguyện cho cả tôi nữa, để tôi được lợi khẩu khi mở miệng, và can đảm rao giảng mầu nhiệm Tin Mừng mà tôi là sứ giả ngay trong lúc phải mang xiềng xích, hầu khi rao giảng, tôi mạnh dạn nói năng như tôi phải nói.

 

Phúc Âm: Lc 13, 31-35

Trong ngày ấy, có mấy người biệt phái đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy lên đường và đi khỏi đây, vì Hêrôđê toan giết Thầy”. Người trả lời: “Các ông hãy đi nói với con cáo đó rằng: “Ðây Ta trừ quỷ và chữa lành bệnh tật hôm nay và ngày mai, rồi ngày thứ ba Ta hoàn tất cuộc đời. Nhưng hôm nay, ngày mai và ngày hôm sau nữa, Ta còn phải đi đường, vì không lẽ một tiên tri bị giết chết ngoài thành Giêrusalem”.

“Ôi Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết hại các tiên tri và ném đá những người đã được sai đến cùng ngươi. Ðã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi, như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh, thế mà ngươi đã không muốn. Thì đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang vu. Nhưng Ta bảo cho các ngươi hay: Các ngươi sẽ không còn xem thấy Ta, cho đến khi các ngươi sẽ nói rằng: “Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến!”

 

SUY NIỆM

 

“Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa”

Thánh Phaolô dùng hình ảnh của một chiến binh với bộ áo giáp chắc chắn, để nói lên hình ảnh một người Kitô hữu phải có, phải trở nên trong thế giới này, đặc biệt trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, “Anh em hãy đứng vững, thắt đai lưng chân lý, mặc áo giáp công chính, và chân mang giày,…,mang khiên thuẫn đức tin,…,hãy nhận lấy mũ chiến cứu độ và cầm gươm của Thánh Thần,”

Bộ áo giáp có thể nói đó là Lời Chúa, là giáo huấn của Hội Thánh, là ơn Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện. Đó thực sự là những vũ khí rất cần thiết trong một xã hội mà sự tục hóa đang ngày càng gia tăng.

Thực vậy, sống giữa xã hội ngày nay, người Kitô hữu đang phải lội ngược dòng, việc phải sắm sửa cho mình một chiếc áo giáp như Thánh Phaolô nói tới là hết sức cần thiết, nhờ đó mà người Kitô hữu có thể chiến đấu chống lại những cám dỗ của ma quỷ, những cám dỗ bên ngoài cũng như bên trong.

Lạy Chúa, dẫu biết rằng sẽ gặp rất nhiều thử thách khó khăn khi phải sống theo Lời Chúa dạy, nhưng chúng con tin rằng, với ơn Chúa thì không có gì là không thể. Xin cho chúng con luôn ý thức chạy đến với Chúa mỗi ngày trong cầu nguyện, trong suy tư, trong Thánh Thể, để nơi đó chúng con kín múc được tròn đầy ơn thánh Chúa. Amen!

THỨ SÁU – THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA TÔNG ĐỒ

 

Bài Ðọc I: Ep 2, 19-22

Anh em thân mến, anh em không còn là khách trọ và là khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ và Tiên tri, và chính Ðức Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.

 

Phúc Âm: Lc 6, 12-19

Trong những ngày ấy Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là tông đồ: Ðó là Simon mà Người đặt tên là Phêrô và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là nhiệt thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội. Người đi xuống với các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi ngườì.

 

SUY NIỆM

           

“Anh em đã được xây dựng trên nền tảng các tông đồ và các tiên tri”.

Thánh Simon sinh tại Cana, còn được gọi là Simon nhiệt thành. Thánh Giuđa, có biệt danh là Tađêô, con của Giacôbê, anh em với Chúa Giêsu. Thánh Simon đi rao giảng Tin Mừng tại Ai Cập, thánh Giuđa tại Mésopotamia. Hai thánh tông đồ đã gặt hái được rất nhiều kết quả trong việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đã đem được nhiều người quay trở về với Chúa Giêsu, với Giáo Hội. Được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, với lòng nhiệt tình truyền giáo, thánh Simon và thánh Giuđa đã ra đi loan báo Tin Mừng tại Ba Tư. Tại xứ sở Ba Tư, vì ghen ghét các Ngài, các Ngài đã như mọi tông đồ khác được phúc tử vì đạo để làm chứng cho Chúa Kitô.

Theo Thánh Truyền, thánh Giuđa đã cương quyết chống lại những nhà thông thái, trí thức chống báng Tin Mừng của Chúa Kitô. Ngài không hề sợ đau khổ, không hề sợ chết, với ơn Chúa ban, Ngài đã chiến thắng các người trí thức luôn khích bác Tin Mừng và Giáo Hội Chúa Kitô. Thánh Simon luôn trung thành với Giáo lý chân chính của Chúa Kitô. Vì sự cương quyết, lòng can đảm của hai tông đồ Simon và Giuđa, người ta đã âm mưu ám hại hai Ngài. Họ đã bắt bớ, đánh đòn và làm cho hai Ngài phải chết. Thánh Simon và Thánh Giuđa đã can đảm đổ máu mình ra để tô điểm Giáo Hội. Chính dòng máu của các Ngài đã làm cho nền tảng Giáo Hội Chúa Kitô vững chắc ở trần gian này. Hai thánh Simon và Giuđa đã hân hạnh được lãnh nhận triều thiên nước trời.

Mỗi lần kính nhớ một vị thánh tông đồ phải được xem là cơ hội để được nhìn lại hành trình đức tin của mình. Nhìn lại để tạ ơn vì những chặng đường Chúa đã dẫn mình đi qua; để rồi ý thức rằng, mình cần phải đáp trả thế nào cho cân xứng.

Đức Tin là một ân ban, là một quà tặng của Thiên Chúa; là quà tặng thì chúng ta cần phải biết trân trọng và gìn giữ, nếu không nó sẽ mất đi. Và cách gìn giữ, cách đáp trả tích cực nhất, đẹp lòng Chúa nhất, đó chính là sự dứt khoát trung thành với những bổn phận trong bậc sống của mình.

Lạy Chúa, cám tạ Chúa đã ban cho chúng con những gương mẫu sống động là các Tông đồ, nhờ được ở bên Chúa, đi theo Chúa, lắng nghe Lời Chúa và thực  hành lời Chúa, mà các ngài đã can đảm làm chứng cho Chúa. Xin cho chúng con cũng biết noi gương các ngài mà dấn thân theo Chúa trọn đời. Amen!

THỨ BẢY

 

Bài Ðọc I: Pl 1, 18b-26

Anh em thân mến, miễn là Ðức Kitô vẫn được rao giảng, đó là điều làm tôi vui mừng, và tôi sẽ còn vui mừng mãi. Vì chưng tôi biết rằng nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ ơn Thánh Thần của Ðức Giêsu Kitô giúp sức, điều đó sẽ đưa tôi đến ơn cứu độ, theo sự tôi chờ đợi và hy vọng, tôi sẽ không hổ thẹn chút nào, trái lại tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng như mọi khi, và giờ đây, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi.

Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em.

Một khi tin tưởng điều đó, tôi biết rằng tôi sẽ còn ở lại và sẽ lưu lại với tất cả anh em, để anh em được tấn tới và được hân hoan trong niềm tin, ngõ hầu anh em vì tôi mà được tràn đầy hiên ngang trong Ðức Kitô, bởi tôi trở lại với anh em một lần nữa.

 

Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-11

Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: “Xin ông nhường chỗ cho người này”, bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: “Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên”, bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc.

“Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

 

SUY NIỆM

 

“Miễn là Ðức Kitô vẫn được rao giảng”

Thánh Phaolô đưa ra những lời lẽ thật cảm động và ý nghĩa, cho thấy lòng nhiệt thành của Ngài thật lớn lao; mỗi người mỗi bậc sống, dù là ai, dù làm gì, thậm chí là dù sống hay chết, miễn làm sao Đức Kitô được rao giảng. Đó là điều làm nên ý nghĩa cho cuộc sống người Kitô hữu.

Ý thức điều đó để mỗi người luôn đặt mình ở tâm thế sẵn sàng trước mọi hoàn cảnh sống, bởi chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là sống cho Chúa. Và cụ thể hơn là trong mọi cung cách sống của mình, trong từng cử chỉ lời nói và việc làm, làm sao cũng luôn là những lời rao giảng Đức Kitô.

Thật vậy, chúng ta vẫn thường nghe nói nhiều đến phương pháp truyền giáo, hữu hiệu nhất vẫn là phương pháp truyền giáo bằng chính đời sống của mình. Điều đó rất đúng, một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay, vì “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”con người luôn muốn nhìn thấy những bằng chứng cụ thể hơn là lý thuyết, đúng như lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: “Con người ngày nay cần những chứng nhân hơn thầy dạy”.

Lạy Chúa, những chứng nhân cho Tin Mừng ngày càng ít  thấy trong thế giới ngày nay; thực sự đó không phải là điều gì khó khăn lắm, chỉ cần một đời sống đơn sơ, khiêm nhường, một tấm lòng bác ai yêu thương, một cử chỉ đẹp, cũng là những chứng nhân của Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta ngày càng ý thức hơn trong việc sửa đổi đời sống mình hằng ngày bằng những công việc hy sinh, những việc làm bác ái, hầu trở thành những chứng nhân sống động của Chúa trước mặt mọi người. Amen!

Gp. Cần Thơ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]