Bài đọc và Suy Niệm Lời Chúa Tuần IV Thường Niên C

Thứ bảy

 

Bài đọc 1

1 V 3, 4-13

Trong những ngày ấy, Salomon đến Gabaon để dâng hy lễ, vì đây là nơi cao rộng nhất. Salomon dâng trên bàn thờ này một ngàn lễ vật toàn thiêu. Tại Gabaon ban đêm, Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng, và phán rằng: “Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Salomon thưa: “Chúa đã tỏ lòng rất nhân hậu đối với cha con là Ðavít, tôi tớ Chúa, vì người đã sống trước tôn nhan Chúa trong chân lý và công bình, đã ăn ở ngay thẳng đối với Chúa. Chúa đã dành cho người một lòng nhân hậu lớn lao, đã ban cho người đứa con trai hiện đang ngồi trên ngôi báu của người. Và giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Ðavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn, một dân đông đảo không thể đếm và ước lượng được. Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn ngoan ngoãn để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ, vì ai có thể xét xử dân này, một dân của Chúa đông đảo thế này”.

Ðiều Salomon kêu xin như trên đã làm đẹp lòng Chúa, nên Chúa phán cùng Salomon rằng: “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho ngươi được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống như ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi. Cả những điều ngươi không xin, như giàu có và vinh quang đến nỗi từ trước đến giờ, trong các vua, không vua nào được như ngươi, Ta cũng ban cho ngươi.

 

Tin mừng

Mc 6, 30-34

Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Vì lúc ấy dân chúng đến tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài. Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Suy niệm 1

Cuộc sống trần gian làm cho chúng ta phải bận tâm nhiều thứ, nhưng lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết đâu mới là mối bận tâm hàng đầu mà Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta.

Bài đọc 1, Chúa đã khen ngợi vua Salômôn bởi những lời cầu xin của ông. Qua những lời nguyện xin của vua Salômôn, ta thấy 2 mối bận tâm lớn nhất của ông là:

1. Làm đẹp ý Chúa: Ước mong làm đẹp ý Thiên Chúa, ông đã chọn một địa điểm tốt nhất là Ghípon để dâng lễ tạ ơn cùng với những lễ vật toàn thiêu được chuẩn bị chu đáo nhất để dâng lên Chúa. Với bận tâm mong muốn được làm đẹp lòng Chúa, ông thiết tha ở bên Chúa để lắng nghe lời chỉ dạy của Người.

2. Phục vụ lợi ích cho con người: Trong lời cầu xin của vua Salômôn, ta nhận ra ông rất bận tâm làm sao để phục vụ con dân được tốt nhất. Nên ông không xin Chúa ban cho cá nhân ông sang giàu, sống lâu, nhiều của cải, hay sức mạnh tiêu diệt kẻ thù. Trái lại điều ông lưu tâm là: “cho tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái. Chẳng vậy mà ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế”. Kết quả những tâm tình ấy đã đẹp lòng Thiên Chúa nên đang đêm, Chúa hiện ra và phán bảo Salomon: “ Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho”.

– Còn bài Tin mừng hôm nay cho ta biết mối bận tâm của Chúa Giêsu là thể hiện khuôn mặt của lòng thương xót của Chúa.

Để thể hiện khuôn mặt của lòng thương xót Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương trước sự bơ vơ của đám đông dân chúng và đã sẵn sàng hy sinh sức khỏe, thời gian và ăn uống để giảng dạy và phục vụ nhu cầu thiết yếu của họ. Đồng thời Ngài cũng quan tâm đến sức khỏe và sống tinh thần của các môn đệ nên kêu gọi các ông tìm nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút, sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả.

– Còn ta bận tâm ưu tiên là gì? Phải chăng là sang giàu, sống lâu, được kính nể và thống trị trên mọi người? hay bắt Chúa phải làm theo ý ta hơn là chúng ta phải làm theo thánh ý Chúa?

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta ơn khôn ngoan để ta biết phân biệt đâu là đúng-sai, đâu là tốt-xấu, đâu là chính-phụ và đâu là trước-sau mà chọn lựa cho đúng ý Chúa để rồi nỗ lực thi hành cách tốt hầu mang lại nhiều lợi ích cho phần rỗi linh hồn ta và cho người khác.

Suy niệm 2

Ðức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Lòng Thương Xót là tên gọi thứ hai của tình thương“. (thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 7).

Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa làm người. Vì thế Ngài chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Lòng Thương Xót đó của Chúa Giêsu được thể hiện cách cụ qua bài tin mừng hôm nay, bằng cách:

– Quan tâm đến các Tông đồ: Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả, các Tông đồ trở về phấn khởi thuật lại cho Đức Giêsu nghe những thành quả vàng son của mình. Ngoài việc lắng nghe và đồng cảm với những thành công ấy, Chúa Giêsu còn nhìn thấy điều cần thiết và quan trọng hơn đối với các Tông đồ lúc này, ở đây đó là nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau… Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống. Nên Ngài khuyên các ông: “Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31)Với sự quan tâm này cho biết: Chúa Giêsu coi trọng con người hơn công việc.

– Quan tâm đến dân chúng: Mặc dù Đức Giêsu muốn cùng các Tông đồ tách biệt khỏi đám đông ồn ào, tìm nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng khi thấy dân chúng tấp nập tuôn đến, “Ngài chạnh lòng thương vì họ đang bơ vơ như đàn chiên không có người chăn”. Ngài quên cả mệt nhọc, sẵn sàng hy sinh thời giờ nghỉ ngơi để ban phát Lời Chúa và đáp ứng những nhu cầu chính đáng của họ. Hành động này cho biết: Đức Giêsu không nghĩ đến mình, Ngài chỉ quan tâm đến người khác.

Mỗi người chúng ta có đời sống riêng tư, được sắp xếp theo ngăn nắp, hợp lý, chúng ta có quyền bảo vệ sự quân bình ấy, nhưng nếu có đôi lúc phải hy sinh cái lợi ích riêng tư ấy vì hạnh phúc của người khác, chúng ta hãy coi đó là một nhiệm vụ.

Xin Chúa cho chúng ta có được cái nhìn của Chúa, để chúng ta nhận ra những nhu cầu cần thiết nơi tha nhân. Và xin cho chúng ta có được tấm lòng thương xót như Chúa để chúng ta không cảm thấy mệt nhọc khi hy sinh phục vụ hạnh phúc cho con người.

Chia sẻ Bài này:

Related posts