Bài đọc và Suy Niệm Lời Chúa Tuần IV Thường Niên C

Thứ tư 

Bài đọc 1

2 Sm 24, 2. 9-17

Trong những ngày ấy, vua Ðavít nói với Gioáp tư lệnh quân đội rằng: “Ngươi hãy đi kinh lý khắp các chi tộc Israel, từ Ðan đến Bersabê, và kiểm tra dân chúng, để ta biết dân số”.

Gioáp nạp sổ kiểm tra dân chúng cho vua. Trong dân Israel có tám trăm ngàn dũng sĩ biết xử dụng gươm, còn phía Giuđa có năm trăm ngàn người thiện chiến.

Sau khi kiểm tra dân số, Ðavít hồi hộp và thưa cùng Chúa rằng: “Con đã phạm tội nặng nề trong việc con đã làm. Nhưng, lạy Chúa, xin xoá tội ác cho tôi tớ Chúa, vì con đã hành động quá dại dột”. Sáng hôm sau, khi Ðavít thức dậy, có lời Chúa phán cùng ông Gad, vị tiên tri và thị kiến của Ðavít rằng: “Ngươi hãy đi nói với Ðavít: Ðây Chúa phán: Ta cho ngươi ba điều, ngươi hãy chọn điều nào ngươi muốn, rồi Ta sẽ thi hành”. Gad đến cùng Ðavít và tâu rằng: “Hoặc ngài phải chịu bảy năm đói kém trong nước ngài, hoặc trong ba tháng, ngài phải lẩn trốn quân thù tìm bắt bớ ngài, hoặc là trong nước ngài phải chịu dịch tả suốt ba ngày, giờ đây ngài hãy suy nghĩ đắn đo và chịu điều nào đi để tôi thưa lại cùng Ðấng đã sai tôi”. Ðavít trả lời cho Gad rằng: “Tôi khổ quá! Nhưng thà rơi vào tay Chúa còn hơn là rơi vào tay người phàm, vì Chúa rất nhân từ”.

Chúa đã giáng cơn dịch tả xuống Israel từ sáng hôm ấy cho đến thời gian đã định. Từ Ðan tới Bersabê, có đến bảy mươi ngàn người đàn ông trong dân phải chết. Ðang lúc thiên thần Chúa giơ tay để tàn phá Giêrusalem, thì Chúa hối tiếc trước sự đau khổ, nên phán bảo thiên thần đang giết phạt dân chúng rằng: “Thôi đủ rồi! Giờ đây hãy dừng tay lại”. Bấy giờ thiên thần Chúa đang ở gần sân lúa của Aruna người Giêbusa. Khi thấy thiên thần sát phạt dân chúng, Ðavít thưa cùng Chúa rằng: “Chính con là kẻ đã phạm tội, chính con đã làm điều gian ác; nhưng những người này là những con chiên, họ có làm gì đâu? Vậy xin tay Chúa đè nặng trên con và trên nhà cha con”. 

Tin mừng

Mc 6,1-6

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người.

Ðến ngày Sabát, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sủng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông nầy được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông nầy chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?”

Và họ vấp phạm vì Người.

Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị kinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”.

Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.

Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

Suy niệm 1

Theo cái nhìn tự nhiên thì phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy có nhiều điều lạ bất ngờ:

– Điều lạ I : Tại sao sau khi vua Đavít ra lệnh kiểm tra dân số xong, thì ông lại hối hận và xin Thiên Chúa trừng phạt?

– Điều lạ II: Sao Chúa không trừng phạt cá nhân vua Đavít mà lại ra những hình phạt mang tính tập thể?

– Điều lạ III: Tại sao những người đồng hương với Chúa Giêsu lại không tin nhận Chúa Giêsu?

Tất cả những điều lạ ấy cho biết rằng: Có thể chúng ta chưa có được cái nhìn của Chúa. Chính vì thế mà Chúa Giêsu cũng có thể lấy làm lạ đối với chúng ta như Chúa đã từng lấy làm ngạc nhiên đối với những người đồng hương với Chúa trong bài Tin mừng hôm nay.

– Người lấy làm lạ bởi vì nhiều khi chúng ta cũng giống như vua Đavít, dám cả gan tước đoạt quyền của Thiên Chúa là vua duy nhất và tối cao, để ta tùy tiện làm theo ý mình bất chấp ý Chúa, như thể thế giới này là của riêng ta vậy.

– Người lấy làm lạ bởi vì chúng ta không hiểu rằng bất cứ một hành động nào của người lãnh đạo cũng đều gây ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực trên dân chúng thuộc quyền mình. Bởi lẽ tội lỗi không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn liên hệ đến tha nhân nữa. Thánh Phaolô đã xác quyết:“Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính”. (Rm 5,19)

– Người cũng lấy làm lạ bởi vì nhiều khi chúng ta cũng giống như những người đồng hương với Chúa. Thay vì vui mừng và hãnh diện về những gì mà người anh em mình làm được, thì trái lại ta muốn tìm mọi cách để phủ nhận, chống đối và hạ bệ.

Xin cho mỗi người chúng ta biết chấn chỉnh lại đời sống mình cho phù hợp ý Chúa, để Chúa Giêsu không còn phải lấy làm lạ về những quan niệm và việc làm sai lạc của ta. Trái lại Ngài sẽ vui mừng về cách ứng xử và đời tốt lành của chúng ta.

 

Suy niệm 2

Bài đọc 1 cho biết Đavít đã ra lệnh kiểm tra dân số. Thật ra việc kiểm tra dân số là việc bình thường ngoài xã hội cũng như trong tôn giáo.

Nhưng nó trở nên bất thường khi Đavít muốn tước đoạt quyền làm vua của Thiên Chúa để chứng tỏ tài năng và sức mạnh của mình trong việc lãnh đạo đất nước. Nên ông phải nhận lấy sự trừng phạt của Thiên Chúa.

Cũng vậy, chính thái độ kiêu căng tự mãn mà những người đồng hương với Chúa Giêsu trở nên mù quáng, không nhận ra căn tính của đích thực của Chúa Giêsu. Nên họ đã khinh bỉ, loại trừ và manh tâm giết hại Chúa Giêsu.

Xin cho chúng ta biết can đảm loại bỏ tính kiêu căng tự mãn nơi chính mình để mặc lấy tinh thần khiêm tốn chân thành, hầu dễ dàng nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống mà theo đuổi.

Suy niệm 3

Sau một thời gian thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu gây được nhiều tiếng vang và được dân chúng đó đây rất ngưỡng mộ về giáo lý và những phép lạ Ngài làm.

Tuy nhiên, hôm nay khi trở về quê hương xứ sở để thi hành sứ vụ, thì Chúa Giêsu lại bị những người đồng hương Nadarét khước từ và đối xử tệ bạc. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thái độ khước từ và hành xử tệ bạc ấy của dân làng Nadarét? Xét cho cùng cũng bởi hai chữ “tại vì”.

–  Tại vì Chúa Giêsu không có bằng cử nhân, tiến sĩ trong tay nên khi hành nghề giảng dạy thánh kinh, Giáo lý, hay giáo luật…nên đã bị làng Nadarét xem thường và phản đối. Phải chi Chúa Giêsu giảng dạy về kỹ thuật đóng bàn ghế, cất nhà… thì còn dễ chấp nhận.

– Tại vì Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong một gia đình quá nghèo. Con của bác thợ mộc Giuse và cô Maria quê mùa không nghề nghiệp trong tay, không của hồi môn nên làm sao có của dư của để. Giá như Chúa Giêsu là con của một đại gia, thì đâu nổi bị dân làng xúc phạm.

– Tại vì Chúa Giêsu không có bà con thân thuộc làm chức cao quyền trọng nên làm sao được ngưỡng mộ. Bà con họ hàng của Ngài chỉ là những người chân lấm tay bùn. Chẳng có ai giàu sang quyền quý. Giá như Chúa Giêsu là con ông cháu cha (CÔCC), thì tiếng vỗ tay, tét đùi tán thưởng của dân làng Nadarét sẽ vang dậy không ngừng trước những lời hay ý đẹp được thốt ra từ miệng Ngài hôm ấy rồi!

Tắt một lời, “tại vì” họ biết rất rõ về lý lịch trích ngang của Chúa Giêsu, một lý lịch được xếp vào “hạng tồi”, nên không lạ gì họ chối từ, không tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế.

Ngày nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị coi thường, hất hủi, loại trừ nơi những người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền; nơi những người thấp cổ bé miệng, không có địa vị gì trong xã hội, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay. Khi mà mọi thứ đều được đánh giá dựa trên đồng tiền, trên tiện nghi vật chất, thì Chúa Giêsu nơi những người nghèo hèn vẫn còn bị coi rẻ.

Khi mà người ta quá coi trọng địa vị bằng cấp, thì Chúa Giêsu nơi những người kém cõi ít học vẫn bị khinh thường. Khi mà xã hội quá đề cao thân thế chức quyền, thì Chúa Giêsu nơi những người cô thân cô thế vẫn còn bị hất hủi chà đạp.

Đâu là những tiêu chuẩn tôi thường dựa vào để đánh giá người khác? Tôi có thường bị óc thành kiến, ác cảm chi phối mà đánh giá người khác một cách bất công không? Thái độ của tôi thế nào đối với những người nghèo khổ bệnh tật bất hạnh?

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta gạt bỏ cái nhìn hẹp hòi và trần tục, để mặc lấy cái nhìn đức tin, cái nhìn siêu nhiên: cái nhìn giúp ta nhận ra Chúa Kitô nơi những nghèo khổ, thấp hèn, bệnh tật, khổ đau… để biết tôn trọng và đón nhận họ như đón nhận chính Chúa. Amen.

Suy niệm 4

Thái độ khước từ Chúa Giêsu của dân làng Nadarét xưa nhắc nhở chúng ta cần phải duyệt xét lại thái độ sống đạo hôm nay.

Có những anh chị em tân tòng nhưng đời sống đạo của họ rất tốt. Trái lại, có những người vỗ ngực xưng mình là đạo dòng, thì lại có đời sống đức tin hết sức là yếu kém. Phải chăng “sống lâu lên lão làng?

Có những giáo dân gần gũi nhà thờ, được dễ dàng lãnh nhận các bí tích, nhưng lại thờ ơ. Trái lại có những giáo dân ở xa nhà thờ lại siêng năng, chuyên chăm tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Phải chăng “quen quá hóa nhàm?

Có những giáo dân miệng luôn ca ngợi việc làm của cha này, cha kia. Trong khi đó lại xem thường những việc làm của cha sở mình, để rồi không hề góp phần cộng tác xây dựng họ đạo nhà. Phải chăng “gần chùa gọi bụt bằng anh?

Có những người chỉ thích đi khấn vái nơi này nơi kia, nhưng chính nhà thờ của mình thì chẳng bao giờ xem trọng. Vì thế ít khi thấy bén mảng tới để cầu nguyện, khấn xin. Phải chăng “bụt nhà không thiêng?”.

Nếu có những thái độ và những biểu hiện như thế là chúng ta lại đi vào vết xe cũ của dân làng Nadarét xưa.

Thành kiến có thể làm cho chúng ta mù quáng không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm cho chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi anh em.

Xin Chúa cho chúng ta biết can đảm dẹp bỏ những thành kiến để nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Nhất là nhận ra những mặt tích cực và cao đẹp nơi những người anh em bé nhỏ. Amen

Chia sẻ Bài này:

Related posts