Bài đọc và Suy Niệm Lời Chúa Tuần III Thường Niên C

THỨ HAI – Trang 1

THỨ BA – Trang 2

THỨ TƯ – Trang 3

THỨ NĂM – Trang 4

THỨ SÁU – Trang 5

THỨ BẢY – Trang 6

 

THỨ HAI

Ngày 25 tháng 01

THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI

 

Bài Ðọc I

Cv 22,3-16

Ngày ấy, Phaolô nói với dân chúng: “Tôi là người Do-thái, sinh tại Tarsê xứ Cilicia, đã được nuôi nấng trong thành này, đã được đào tạo theo chân lý lề luật cha ông dưới chân ông Gamaliêl. Tôi nhiệt thành với lề luật cũng như hết thảy quý vị hôm nay. Tôi đã bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà. Như thầy thượng tế và toàn thể hội đồng kỳ lão đã làm chứng điều đó. Các ngài đã trao cho tôi chứng minh thư để tôi đến kiếm anh em ở Ðamas, bắt trói họ và điệu về Giêrusalem để trừng phạt.

Xảy đến lúc đó khoảng trưa, tôi đang trên đường gần đến Ðamas, thình lình một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe tiếng phán bảo tôi: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?” Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người trả lời: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Và những người cùng ở đó với tôi lúc ấy, cũng thấy ánh sáng, nhưng không nghe tiếng Ðấng nói với tôi. Tôi hỏi: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” Chúa liền nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, vào thành Ðamas, ở đó sẽ nói cho ngươi tất cả những gì ngươi phải làm”. Nhưng vì ánh sáng chói loà kia, tôi không còn thấy được, nên các bạn tôi cầm tay dẫn tôi vào thành Ðamas. Có một người kia tên là Anania, người đạo đức, sống theo Lề luật, và được mọi người Do-thái ở đó kính phục, đến tìm tôi và đứng gần tôi mà nói: “Hỡi anh Saolô, anh hãy nhìn!” Ngay lúc đó tôi nhìn thấy ông.

Và ông nói: “Thiên Chúa cha ông chúng ta đã tiền định cho anh biết thánh ý Người, thấy Ðấng Công Chính và nghe tiếng Người nói. Vậy anh phải làm chứng cho Người trước mặt mọi người về điều anh đã thấy và đã nghe. Và bây giờ, anh còn chần chừ gì nữa? Hãy chỗi dậy và cầu khẩn danh Người mà chịu thanh tẩy và gột rửa mình cho sạch tội lỗi”. 

 

Phúc Âm

Mc 16,15-18

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”. 

SUY NIỆM

Hôm nay là ngày kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất, Hội Thánh muốn tôi chiêm ngắm hình ảnh một con người – một tông đồ, một người suốt đời phục vụ cho sự hiệp nhất các dân tộc và nhiệt tâm rao giảng Đức Kitô để muôn dân đón nhận Tin Mừng hiệp nhất. Tôi tìm nơi Ngài hai bài học về sự hiệp nhất.

Hiệp nhất là gắn bó với lề luật. Phaolô tự nhận ngài là con người nhiệt thành với lề luật. Hễ ai làm trái luật là ngài không chịu được. Khi nghe rao giảng về một đạo lý trái với truyền thống tiền nhân, lòng đạo đức sôi sục, ngài đã “bắt bớ giết chóc đạo này, xiềng xích và bỏ tù cả đàn ông lẫn đàn bà”. Luật lệ là nền tảng cho sự hiệp nhất, khi gắn bó với lề luật, người ta có một điểm tựa để duy trì tình trạng hiệp nhất.

Hiệp nhất là nên một trong đức tin. Để có thể tạo nên sự hiệp nhất này, Phaolô đã phải bôn ba rao giảng Tin Mừng, kêu gọi người ta sám hối, tin vào Đức Kitô để tất cả cùng nên một trong cộng đoàn Giáo Hội. Và ngài đã rao giảng “lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện” dù được thành quả tốt đẹp hay tính mạng hiểm nguy vẫn không sờn: “miễn là Đức Kitô được rao giảng”.

Lạy Chúa, mỗi lần dâng lễ là chúng con cử hành Bí tích hiệp nhất; nhưng cách sống chưa hiệp thông nên chúng con chưa đủ sức lôi kéo toàn thể anh chị em về trong Giáo Hội, có khi chúng con còn gây chia rẻ nữa. Ước mong mẫu gương của thánh Phaolô làm chúng con thức tỉnh để suốt đời sống và hoạt động cho sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts