- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 7 Phục Sinh C

Lm. Giuse Nguyễn

THỨ HAI – Trang 1

THỨ BA – Trang 2

THỨ TƯ – Trang 3

THỨ NĂM – Trang 4

THỨ SÁU – Trang 5

THỨ BẢY – Trang 6

14/05: Thánh Matthia Tông Đồ – Trang 7

– o O o –

THỨ HAI

Bài Ðọc I: Cv 19, 1-8

Xảy ra là khi Apollô ở Côrintô, thì Phaolô đi miền thượng du, rồi đến Êphêxô gặp một số môn đồ, và ngài hỏi họ: “Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?” Họ trả lời: “Nguyên việc có Thánh Thần hay không, chúng tôi cũng chưa nghe nói”. Ngài lại hỏi: “Vậy các ngươi đã chịu phép rửa của ai?” Họ thưa: “Phép rửa của Gioan”. Phaolô liền bảo: “Gioan thanh tẩy dân chúng bằng phép rửa sám hối mà rằng: Hãy tin vào Ðấng sẽ đến sau ông, tức là Ðức Giêsu”. Nghe vậy, họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần đến ngự xuống trên họ, họ liền nói được nhiều thứ tiếng và nói tiên tri. Tất cả đàn ông chừng mười hai người.

Ngài vào hội đường, và trong suốt ba tháng, Ngài mạnh dạn rao giảng, tranh luận và thuyết phục về nước Thiên Chúa.

 

Phúc Âm: Ga 16, 29-33

Khi ấy, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Ðúng thế, bây giờ Thầy nói rõ ràng, và không dùng dụ ngôn nữa. Bây giờ chúng con biết rằng Thầy biết mọi sự, không cần có ai hỏi Thầy nữa. Bởi đó chúng con tin Thầy bởi Thiên Chúa mà ra”. Chúa Giêsu đáp lại các ông: “Bây giờ các con mới tin ư? Này đến giờ, và đã đến rồi, các con sẽ tản mát mỗi người một ngả, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy. Thầy nói với các con những điều đó để các con được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

 

Suy niệm

Những lời Đức Giêsu nói hôm nay nằm trong bối cảnh bữa tiệc Vượt qua trước lúc Ngài bị bắt và bị kết án. Bữa tiệc này vừa dạt dào cảm xúc của con người, nhưng cũng tràn đầy niềm hy vọng của người con Chúa, vì con đường Chúa đi không phải là con đường cùng. Hơn nữa Chúa cũng cho các môn đệ biết trước con đường mà các ông phải đi, hậu quả các ông phải chịu và phần thưởng mà các ông sẽ được.

“Này đến giờ, và giờ ấy đã đến” (Ga16,32a) Chúa muốn nói đến giờ Ngài phải bước lên thập giá. Đối với loài người đó là một sự thất bại ê chề. Còn với Chúa đó là giờ phút vinh quang, là niềm vui tột đỉnh, vì chính giờ phút đó “Con Người được tôn vinh”. Ai tôn vinh Chúa trong lúc này đây? Chẳng lẽ các môn đệ? Họ bỏ Thầy mình mà chạy trốn hết. Chẳng lẽ các biệt phái và kinh sư? Chính họ đã kết án Chúa. Chẳng lẽ quân lính? Họ đã đóng đinh Chúa… Không ai hết mà chính Chúa Cha: “Thầy không cô độc đâu vì Chúa Cha ở với Thầy” (Ga16,32b).

Chúa Giêsu nói điều đó để các môn đệ khỏi ngã lòng trước cái chết của Ngài: “Thầy nói với anh em những điều đó để trong Thầy anh em được bình an” (Ga16,33a). Đó cũng là tiên báo con đường mà các ông phải đi vì: “môn đệ không hơn thầy”“Trong thế gian anh em sẽ phải gian nan khốn khó” (Ga16,33b). Tuy nhiên sau đó là một lời mạnh mẽ của Chúa Giêsu: “Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga16,33c).

Lời Chúa hôm nay cho con biết rằng theo Chúa không phải là đi trên con đường trải thảm nhưng đi trên con đường thập giá. Chính Chúa đã đi trên con đường thập giá, thì con là môn đệ của Ngài con cũng phải vác thập giá mỗi ngày mà theo. Điều đó giúp con nhìn lại cuộc sống của mình. Con cứ tìm kiếm những sung sướng, những hưởng thụ cho bản thân. Mỗi khi gặp vất vả một chút thì con kêu than. Mỗi khi gặp trái ngang trong đời thì con bấn loạn lên.

Nếu con ý thức được con đường mình phải đi và đi trong Chúa thì con sẽ được bình an. Đôi khi con vác thập giá, chịu đựng những gian nan, những thử thách trong đời nhưng con không được bình an, vì nơi thập giá đó không có Chúa Giêsu, trong gian nan thử thách đó không có tình yêu của Chúa. Những lúc đó, quả thật con đang tự sức mình vũng vẫy giữa đầm lẫy, đang cố bơi giữa đại dương mênh mông, đang cố độc giữa dòng đời tấp nập.

Lạy Chúa xin cho con ý thức được theo Chúa là con phải vác thập giá mỗi ngày. Nhất là cho con biết cần đến Chúa để luôn chạy đến với Chúa. Vì nếu không có Chúa con không làm gì được đâu. Amen.


THỨ BA

Bài Ðọc I: Cv 20, 17-27

Trong những ngày ấy, từ Milê, Phaolô sai người đi Êphêxô mời các trưởng giáo đoàn đến. Khi họ đến với ngài và hội họp, ngài nói với họ: “Các ông biết ngay tự ngày đầu khi tôi vào đất Tiểu Á, tôi đã cư xử thế nào với các ông trong suốt thời gian đó, tôi hết lòng khiêm nhường phụng sự Chúa, phải khóc lóc và thử thách do người Do-thái âm mưu hại tôi. Các ông biết tôi không từ chối làm một điều gì hữu ích cho các ông, tôi đã rao giảng và dạy dỗ các ông nơi công cộng và tại tư gia, minh chứng cho người Do-thái và dân ngoại biết phải hối cải trở về với Thiên Chúa, phải tin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Và giờ đây được Thánh Thần bắt buộc đi Giêrusalem mà không biết ở đó có những gì xảy đến cho tôi, chỉ biết là từ thành này qua thành khác, Thánh Thần báo trước cho tôi rằng: xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem. Nhưng tôi không sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu là làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa. Và giờ đây, tôi biết rằng hết thảy các ông là những người được tôi ghé qua rao giảng nước Thiên Chúa, các ông sẽ chẳng còn thấy mặt tôi nữa. Vì thế hôm nay tôi quả quyết với các ông rằng: tôi trong sạch không dính máu người nào cả. Vì chưng, tôi không trốn tránh, khi phải rao giảng cho các ông mọi ý định của Thiên Chúa”.

 

Phúc Âm: Ga 17, 1-11a

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Ðấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.

“Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con.

“Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha”.

 

Suy niệm

Đoạn Tin Mừng hôm nay là khởi đầu cho Kinh Nguyện Tư Tế, là những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong tư cách một tư tế. Lời cầu nguyện này có ba đối tượng Chúa Giêsu nhắm đến: Bản thân Ngài, các môn đệ và sau cùng là Giáo Hội của Ngài. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay là lời cầu nguyện cho chính Chúa và các môn đệ của Chúa.

“Lạy Cha, giờ Cha đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha”(Ga17,1).Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tôn vinh Ngài. Tôn vinh Ngài có nghĩa là làm cho người ta biết về Ngài nhiều hơn. Biết về Chúa Giêsu đây không phải là nhằm vinh danh Ngài, nhưng như là một người “con yêu dấu” của Chúa Cha, một người đã thi hành ý Cha, đã hoàn thành những việc Chúa Cha giao phó. Để qua việc được Cha tôn vinh, Chúa Giêsu càng làm vinh danh Chúa Cha. Vì một khi người ta biết rõ về Chúa Giêsu, thì người ta sẽ càng biết rõ về Chúa Cha hơn: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga14,9).

“Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha” (Ga17,9). Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài điều gì? “Xin gìn giữ họ trong Danh Cha”(Ga17,11b). Danh của Chúa được người ta biết đến chính là tình yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vì vậy Chúa Giêsu xin Chúa Cha cho các môn đệ luôn nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu và luôn biết sống tình yêu thương trong cuộc đời. Ngài cũng xin cho họ tuy sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian: “Con không còn ở thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian” (Ga17,11a).

Lạy Chúa, từ Lời Chúa hôm nay xin cho con biết bắt chước Chúa Giêsu để luôn chu toàn thánh ý của Chúa. Khi con biết làm theo những điều Chúa dạy là con đang làm cho Danh Chúa được cả sáng. Và cũng xin cho con biết luôn nhận ra tình yêu của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời, để con thể hiện tình yêu đó dù khi buồn vui, hạnh phúc, đau thương hay thử thách. Chúa không xin Chúa Cha cho con ra khỏi thế gian, nhưng xin cho con dù ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Vì vậy con biết những cám dỗ là không thể tránh khỏi, nhưng xin cho con biết can trường vượt qua những cám dỗ đó để có thể sống thực tại Nước Trời ngay tại trần gian này. Amen.

THỨ TƯ

Bài Ðọc I: Cv 20, 28-38

Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: “Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.”

Nói xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng, và ôm cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ không còn thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu.

 

Phúc Âm: Ga 17, 11b-19

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng.

“Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

 

Suy niệm

Lời Chúa hôm nay cho con thấy được tình yêu của Chúa dành cho những người thuộc về Chúa. Trong bối cảnh chia ly, từ biệt, những lời nói của một người thể hiện điều họ đang quan tâm, thao thức. Trước khi bước vào con đường chịu nạn chịu chết, tình yêu của Chúa đã dành cách riêng cho các môn đệ và từ các môn đệ cho những kẻ tin vào Ngài: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha” (Ga17,11b).

Điều mà Chúa quan tâm là cho họ được hiệp nhất với nhau và từ đó hiệp thông với Chúa. Hay nói một cách ngắn gọn hơn là cho họ biết sống tình yêu thương với Chúa, với anh chị em của mình: “Lạy Cha, xin cho họ nên một như chúng ta” (Ga17,11b).

Chúa muốn các môn đệ của Chúa phải là những con người của tình yêu. Tình yêu nơi gia đình, tình yêu nơi lối xóm, tình yêu nơi công sở, tình yêu trong họ đạo… Để nhờ tình yêu đó các môn đệ của Chúa có thể hiệp nhất với những người mà họ gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày.

Vì vậy các môn đệ phải tránh mọi mối bất hòa chia rẽ xảy ra trong gia đình của mình, trong khu xóm, nơi làm việc, ngoài xã hội và nhất là trong họ đạo. Không có điều gì phản chứng về Chúa cho bằng sự chia rẻ trong cộng đoàn, trong họ đạo. Tôi thuộc về phe cha này, tôi thuộc về phe cha kia; tôi trong hội đoàn này nên tôi không liên hệ gì đến hội đoàn kia mà tôi còn tìm cách cho hội đoàn kia tan rã… Đó là những cách thức nguy hiểm trong đời sống đạo của những môn đệ Chúa.

Từ việc chúng con yêu thương, hiệp nhất với nhau, Chúa muốn dẫn chúng con đến sự hiệp thông với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, vì tình yêu của Ba Ngôi là nền tảng và mẫu mực cho mọi tình yêu thương. Do đó việc sống tình yêu thương không phải đơn thuần là tình cảm của con người, mà nó còn là thể hiện tình yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, từ lời Chúa hôm nay cho con nhìn lại cách sống của con. Chúa đã yêu thương và luôn thao thức cho cuộc sống của con, vậy mà con nhiều khi vô tình lãng quên hoặc có lúc cố tình quên lãng tình yêu đó. Chình vì không nhận ra tình yêu của Chúa nên con cũng không biết yêu thương những người xung quanh con. Do đó con không thể sống sự hiệp nhất trong gia đình, trong khu xóm, trong họ đạo của con. Lạy Chúa, xin ban thêm tình yêu cho con.

 

THỨ NĂM

Bài Ðọc I: Cv 22, 30; 23, 6-11

Trong những ngày ấy, toà án muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: “Thưa anh em, tôi là biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại của những người đã chết”. Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các người Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần linh; còn các người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy người biệt phái đứng lên bênh vực rằng: “Chúng tôi không thấy người này có tội gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao?” Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn.

Ðêm sau, Chúa hiện đến cùng ngài và phán: “Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy”.

 

Phúc Âm: Ga 17, 20-26

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.

 

Suy niệm

Lạy Chúa Giêsu, lời Chúa hôm nay tiếp tục là những lời cầu nguyện tha thiết của Ngài. Lời cầu nguyện hôm nay Ngài muốn hướng đến Giáo Hội của Chúa. Giáo Hội là tất cả những người nhờ nghe lời rao giảng của các Tông Đồ mà tin vào Chúa: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con” (Ga17,20).

Qua lời cầu nguyện này con thấy được Chúa luôn luôn ở bên cạnh Giáo Hội, và Giáo Hội muốn là dân của Chúa thì cũng phải đi theo con đường của Đức Kitô: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga17,24). Ở với Chúa, đi theo con đường của Chúa, từ trước tới giờ con cứ nghĩ đó chỉ là con đường thập giá, nhưng không chỉ có thế, mà ở với Chúa, theo con đường của Chúa còn có cả vinh quang nữa: “Để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho con” (Ga17,24).

Chính vì vậy điệp khúc đau khổ-vinh quang luôn vang lên trong lòng Giáo Hội cũng như chính cuộc đời con. Những lúc Giáo Hội phát triển mạnh mẽ về đức tin, đức cậy, đức mến là những lúc Giáo Hội vinh quang. Những lúc Giáo Hội bị khủng hoảng là những lúc Giáo Hội đau khổ. Bản thân con cũng có những lúc được thành công, được tán dương, được khen thưởng, hoặc chính bản thân cảm nhận được sự bình an trong Chúa… thì những lúc đó quả thật là vinh quang. Nhưng cũng không ít lần trong cuộc đời phải nếm trãi đau thương, thất bại, thử thách, hiểu lầm, hoặc tâm hồn con cảm thấy hoang mang lo sợ… thì những lúc đó quả thật là thập giá nặng nề.

Lạy Chúa, Lời Chúa ngày hôm nay cho con thấy đó là con đường mà Giáo Hội và chính bản thân con phải đi. Con đường đó không phải chỉ có thập giá, nhưng cũng có vinh quang để con nếm trải trước vinh quang nước Chúa; để con không chán nản mà bỏ cuộc; để con không thất vọng mà buông xuôi “Nhưng can đảm lên vì, vì Thầy đã thắng thế gian” (Ga16,33).

 

THỨ SÁU

Bài Ðọc I: Cv 25, 13-21

Trong những ngày ấy, vua Agrippa và Berni xuống Cêsarêa chào Phestô. Vì hai người lưu lại đó nhiều ngày, nên Phestô đem chuyện Phaolô trình nhà vua rằng: “Ở đây có một người tù Phêlixê để lại. Lúc tôi ở Giêrusalem, các thượng tế và kỳ lão Do-thái đã đến xin tôi lên án hắn. Tôi đã trả lời với họ rằng: “Người Rôma không có thói quen lên án người nào trước khi bị cáo đối diện với nguyên cáo, và có cơ hội bào chữa để thanh minh tội mình”. Vậy họ liền đến đây, ngày hôm sau tôi ngồi toà án, truyền điệu bị cáo đến. Các nguyên cáo đều có mặt, nhưng không đưa ra một tội trạng nào, như tôi đã ngờ trước; họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Ðang phân vân về vấn đề ấy, tôi hỏi hắn có muốn đi Giêrusalem để được xét xử tại đó về các điều ấy không. Nhưng Phaolô nại đến thẩm quyền của hoàng đế Augustô, nên tôi đã truyền giữ hắn lại để nạp cho hoàng đế”.

 

Phúc Âm: Ga 21, 15-19

Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.

      

Suy niệm

Lời Chúa hôm nay khiến tâm hồn con như mảnh đất khô cằn được cơn mưa tưới gội; như một người khao khát bấy lâu nay được thỏa nỗi mong chờ; như sự thờ ơ của con bây giờ được khỏa lấp… Con xúc động khi nghe cuộc đối thoại giữa Chúa và Phêrô. Con hình dung Phêrô đang là người đại diện cho con để thưa chuyện với Chúa.

Khác hẳn với một Phêrô nông nỗi, bốc đồng, nóng tính… hôm nay ông như trầm hẵn xuống thể hiện một con người nội tâm sâu sắc, một con người vừa trãi qua một biến cố làm thay đổi lòng người. Từng lời nói của Chúa như rót vào tai ông, như mũi tên nhọn đâm vào trái tim ông, làm ông thêm thổn thức. Ba lần Chúa hỏi về lòng mến của ông dành cho Chúa, dường như Chúa muốn cho ông có dịp chuộc lại lỗi lầm vì ba lần chối Chúa. Mỗi lần cường độ của câu hỏi mạnh hơn thể hiện một sự dứt khoát: “Này anh Simon con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga21,15). Đó là một bài trắc nghiệm để Chúa có thể trao trách nhiệm cho Phêrô. Muốn lãnh trách nhiệm thì phải có lòng mến. Vì Chúa muốn Phêrô thay mặt Ngài để lãnh đạo dân Chúa nên lòng mến của ông càng phải mạnh mẽ, vững vàng và nhiều hơn ngừơi khác.

Con hình dung ra sự ngượng ngùng của Phêrô khi ngồi đồng bàn với Thầy mình hôm nay, vì ông nhớ lại cách đây không lâu mình đã chối thầy mình. Ông mang mặc cảm của một con người phản bội. Và có lẽ khi nghe Chúa hỏi “Simon, con có yêu mến Thầy không” (Ga21,15) thì thế nào cũng có những anh em xầm xì với nhau về quá khứ của Phêrô.

Cho đến khi cảm xúc bùng vỡ, Phêrô nhìn Chúa một cách chân thành, tha thiết, và hình như có giọt lệ chực trào trong khóe mắt ông. Ông gật đầu và thốt lên trong sự nghẹn ngào, lời nói đứt quãng đối lập với những lời chối Chúa mạnh mẽ: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga21,20). Thầy biết hết rồi, sao Thầy còn hỏi con làm chi cho đau lòng vậy Thầy.

Lạy Chúa, đoạn Tin Mừng dạt dào cảm xúc hôm nay như một sự an ủi cho bản thân con. Dù cho người đời có hiểu lầm, có bỏ rơi, thậm chí có loại trừ con đi nữa, nhưng vẫn còn có Chúa hiểu con, miễn là con còn lòng yêu Chúa. Tương lai của con đã được được Chúa tiên báo như nói trước về cái chết của Phêrô: “Anh sẽ dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến những nơi anh chẳng muốn” (Ga21,18). Có nghĩa là con không thể tự định đoạt cho cuộc đời của mình mà là “người khác”. Người khác ở đây có khi là anh em, bạn bè, những người thân yêu, có thể có những lúc sẽ “quay gót đạp con”. Chúa chấp nhận cả những điều đó. Nhưng “người khác” quan trọng nhất là chính Chúa. Cuộc đời con là của Chúa. Dù cuộc đời có giăng mắc những chông gai, dù tình đời có nhạt phai theo năm tháng, dù con người có phụ bạc hay lỗi nghĩa quên ơn, thì Chúa vẫn là Đấng trung thành. Điều quan trọng nhất là: “Hãy theo Thầy” (Ga21,19).

 

THỨ BẢY

Bài Ðọc I: Cv 28, 16-20. 30-31

Khi chúng tôi đến Rôma, Phaolô được phép ở nhà riêng với người lính canh. Sau ba hôm, ngài mời các đầu mục người Do-thái đến. Khi họ đến, ngài nói với họ: “Thưa anh em, dầu tôi đây không làm điều gì phạm đến dân tộc hay tục lệ tổ tiên, mà tôi đã bị bắt tại Giêrusa-lem và bị nộp trong tay người Rôma. Khi đã điều tra, họ muốn thả tôi vì tôi không có tội gì đáng chết. Nhưng người Do-thái chống lại, nên tôi buộc lòng phải nại đến hoàng đế, nhưng không phải là tôi có gì kiện cáo dân tôi. Do đó tôi đã xin gặp anh em và nói chuyện: Chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này”.

Suốt hai năm, ngài trú tại ngôi nhà đã thuê, tiếp nhận tất cả những ai đến gặp ngài, ngài rao giảng nước Thiên Chúa và dạy dỗ những điều về Chúa Giêsu Kitô một cách dạn dĩ, không có ai ngăn cấm.

 

Phúc Âm: Ga 21, 20-25

Khi ấy, Phêrô quay lại, thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến theo sau, cũng là người nằm sát ngực Chúa trong bữa ăn tối và hỏi “Thưa Thầy, ai là người sẽ nộp Thầy?” Vậy khi thấy môn đệ đó, Phêrô hỏi Chúa Giêsu rằng: “Còn người này thì sao?” Chúa Giêsu đáp: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con? Phần con, cứ theo Thầy”. Vì thế, có tiếng đồn trong anh em là môn đệ này sẽ không chết. Nhưng Chúa Giêsu không nói với Phêrô: “Nó sẽ không chết”, mà Người chỉ nói: “Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con”.

Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra, và chúng tôi biết lời chứng của người ấy xác thật. Còn nhiều việc khác Chúa Giêsu đã làm, nếu chép lại từng việc một thì tôi thiết tưởng cả thế giới cũng không thể chứa hết các sách viết ra.

 

Suy Niệm

Lời Chúa hôm nay cho con chiêm ngắm về người môn đệ được Chúa thương mến.

Ông là người đã “nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối” (Ga21,20). Điều này thể hiện ông rất yêu mến Chúa nên hiểu Chúa. “Nghiêng đầu vào ngực” có nghĩa là ông đã đụng chạm đến con tim của Chúa.

Ông là người làm chứng cho Chúa một cách xác thực: “Chính môn đệ này làm chứng về điều đó và đã viết raChúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực” (Ga21,24). Lời chứng về Chúa một cách xác thực là lời chứng về tình yêu của Chúa, vì chính Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu”. Sở dĩ ông có thể làm chứng về tình yêu một cách xác thực là bởi vì ông đã yêu mến Chúa.

Nhưng sự thật khó hiểu nhất về Gioan chính là việc: “Do đó, có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết” (Ga21,23). Có phải là Gioan có khả năng bất tử không? Tin Mừng hôm nay cũng giải thích điều đó: “Đức Giêsu không nói với Phêrô là “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh” (Ga21,23).Như vậy rõ ràng Gioan chỉ “ở lại” thôi chứ không phải là không chết. “Ở lại” là gì? “Ở lại” không phải là thân xác, mà là những lời làm chứng, những sách vở và nhất là quyển Tin Mừng thứ Tư của Gioan.

Từ đoạn Tin Mừng hôm nay cho con những cảm nghiệm sau đây:

1/ Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là con cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa và đáp trả lại tình yêu thương đó bằng những hành động cụ thể.  Hành động cụ thể của tình yêu thương là: “Mến Chúa và Yêu Người”. Tình yêu của con đáp trả lại tình yêu thương của Chúa là việc giữ những lời dạy bảo của Ngài, cụ thể qua việc con tuân giữ những điều răn của Ngài. Tình yêu của con dành cho anh chị em con thể hiện qua việc tôn trọng, giúp đỡ và không làm hại họ. Tình yêu thương đó lan tỏa ra trong cuộc sống của con, để những ai tiếp xúc với con có thể cảm nhận được sự bình an, thanh thản và một sự an ủi.

2/ Chính cách sống yêu thương của con sẽ là lời làm chứng về Chúa một cách đắc lực nhất. Con không cần rao giảng những mầu nhiệm cao siêu về Chúa, nhưng con chỉ cần minh chứng về một Thiên Chúa yêu thương qua cuộc sống của mình.

3/ Những cảm nghiệm về một Thiên Chúa yêu thương không thể giữ lại cho riêng cõi lòng con, mà còn phải được san sẻ cho nhiều người bằng nhiều cách, tùy theo khả năng mọi người.

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và sống tình yêu đó một cách cụ thể trong cuộc sống của mình.


14/05: Thánh Matthia Tông Đồ

Cv 1, 15-17.20-26 ; Ga 15,9-17

Thánh Matthia đã được chọn để thay thế Giuđa là người phản bội. Điều kiện thứ nhất để ông được chọn thay thế Giuđa là: “Đi theo Chúa Giêsu”, suốt thời gian Người còn sống. Điều kiện thứ hai là “phải làm chứng rằng Người đã phục sinh”.

Đức Giêsu đã yêu thương và làm chứng cho Chúa Cha bằng đời sống gắn bó với Chúa Cha và yêu thương phục vụ mọi người: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Từ đó Ngài mời gọi chúng ta: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. “Ở lại trong tình thương của Thầy” là đi theo và làm chứng về Đức Giêsu Phục sinh. Đó cũng là điều kiện để chúng ta trở thành môn đệ của Ngài.

Đi theo và làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh trước hết phải là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Như vậy Đức Giêsu khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu”, thế cho nên làm chứng cho Thiên Chúa là sống cho tình yêu.

Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa vì đã xây dựng nền tảng đức tin cho chúng con trên nền tảng các Tông Đồ. Từ đó mời gọi chúng con cũng phải thông truyền đức tin người khác bằng đời sống yêu thương, phục vụ giống như Đức Giêsu. Xin cho chúng con biết “ở lại với Chúa” nhiều hơn trong cầu nguyện, thánh lễ và các bí tích để cảm nhận tình yêu Chúa sâu sắc hơn. Có như vậy con mới có thể làm chứng cho tình yêu của Chúa bằng chính đời sống yêu thương của chúng con.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]