- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa tuần 5 Phục Sinh C

Lm. Gs. Phạm Thành Công

(Viết theo “Lương Thực Hằng Ngày”)

Thứ Hai – Trang 1

Thứ Ba – Trang 2

Thứ Tư – Trang 3

Thứ Năm – Trang 4

Thứ Sáu – Trang 5

Thứ Bảy – Trang 6

 

Thứ Hai

 

Bài Ðọc I: Cv 14, 5-17

“Trong những ngày ấy, tại Icônia có phong trào người dân ngoại và người Do-thái cùng các thủ lãnh của họ định ngược đãi và ném đá Phaolô và Barnaba. Biết thế, hai ngài trốn sang các thành thuộc Lycaonia là Lystra, Ðerbê và khắp vùng phụ cận, và rao giảng Tin Mừng ở đó.

Lúc ấy tại Lystra có người bại chân từ lòng mẹ, anh chỉ ngồi và không hề đi được. Anh nghe Phaolô giảng dạy. Phaolô chăm chú nhìn anh, thấy anh có lòng tin để được cứu chữa, nên nói lớn tiếng rằng: “Hãy chỗi dậy và đứng thẳng chân lên”. Anh liền nhảy lên và bước đi. Dân chúng thấy việc Phaolô làm, thì la to bằng tiếng Lycaonia rằng: “Các vị thần mặc lớp người phàm đã xuống với chúng ta”. Họ gọi Barnaba là thần Giupitê và Phaolô là thần Mercuriô, vì chính ngài giảng. Thầy sãi thần Giupitê ở ngoại thành, mang bò và vòng hoa đến trước cửa: ông toan hợp cùng dân tế thần.

Nghe tin ấy, các tông đồ Barnaba và Phaolô liền xé áo mình ra, xông vào đám dân chúng mà la lên rằng: “Hỡi các ngươi, các ngươi làm gì thế? Chúng tôi cũng là loài hay chết, là người như các ngươi, là những kẻ rao giảng cho các người bỏ các thần này mà trở về với Thiên Chúa hằng sống, Ðấng tạo thành trời đất, biển cả và mọi vật trong đó. Trong các thế hệ trước đây, Người đã để mặc cho mọi dân tộc đi theo đường lối riêng mình; dầu vậy, Người không hề để thiếu sót những dấu chứng về Người, Người ban phát muôn ơn lành, cho mưa từ trời xuống cho các ngươi và mùa màng hoa trái, cho các ngươi được no lòng phỉ dạ”. Dầu nói thế, các ngài cũng phải vất vả lắm mới ngăn cản được dân chúng khỏi tế các ngài.” 

 

Phúc Âm: Ga 14, 21-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai nghe các giới răn Thầy truyền và tuân giữ, người ấy là kẻ yêu mến Thầy, và ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy cũng yêu mến và tỏ mình ra cho người ấy”.

Ông Giuđa, không phải Giuđa Iscariô, thưa Người rằng: “Lạy Thầy, tại sao Thầy sẽ tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ cho thế gian?” Chúa Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời mà các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”.

 

Suy Niệm:

Tình yêu chân thật có những giới răn của nó.

      Chúa Giêsu khai mạc một kỷ nguyên mới và Ngài mời gọi con người tham dự vào kinh nghiệm thiêng liêng làm nên vận mạng của họ, đó là sống đời sống Chúa Cha qua Chúa Con. Kinh nghiệm này chỉ có thể trung thực khi nó đâm rễ sâu vào trong việc tuân giữ các “giới răn của Chúa Giêsu”. Giới răn của Chúa Giêsu được hiểu trong bối cảnh tình yêu và sự hiệp thông.

Khi nói về mình, Chúa Giêsu nói: Ngài thích nghi đời sống Ngài với điều làm đẹp lòng Chúa Cha. Môn đệ nào yêu Chúa Giêsu cũng phải thích nghi đời sống mình với điều kiện làm đẹp lòng Chúa Giêsu, họ giữ các giới răn của Chúa Giêsu. Nhờ đó họ minh chứng tình yêu của họ. “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Sự quyết tâm theo sát Chúa Giêsu được đo lường bằng sự trung tín với Lời Ngài: “ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”. Bước theo Chúa Giêsu sẽ không còn chỗ cho sự đóng kịch, dàn cảnh. Kẻ yêu mến Đức Kitô thì được cả chính Đức Kitô và chúa Cha yêu mến. Nhờ tình yêu và sự hiệp thông trong Thiên Chúa mà cuộc sống của người Kitô hữu mỗi ngày được rõ nét và đúng nghĩa hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần đến uốn nắn sự cứng cõi trong tâm hồn chúng con, để chúng con biết yêu mên Chúa và anh em chúng con nhiều hơn. Amen.

25/04: Thánh Maccô

Lm. Giuse Trực

Đức Giêsu Phục Sinh không chỉ đem niềm vui đến cho các môn đệ, mà còn muốn từ các ông đến khắp tứ phương thiên hạ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ đưuọc cứu độ” (Mc 16, 15).

Để làm bằng chứng cho những lời rao giảng của các môn đệ, Đức Giêsu hứa ban cho các ông quyền năng: “Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16,17-18).

Quyền năng đó không chỉ dành cho các môn đệ ngày xưa, nhưng vẫn được ưu ái dành cho các môn đệ của Đức Giêsu ngày hôm nay, khi họ biết “nhân danh Đức Giêsu” để loan báo Tin Mừng.

Họ vẫn trừ được quỷ, nghĩa là đánh đuổi được những mưu mô cám dỗ về điều ác.

Họ nói tiếng lạ, nghĩa là nói lời chân lý, lời sự thật trong cuộc sống hôm nay.

Họ không sợ rắn và thuốc độc, nghĩa là những thứ nguy hiểm sẽ không thấm nhập được vào người của họ, vì họ có sức mạnh của Đức Giêsu.

Ngày xưa các môn đệ đặt tay chữa bệnh cho người khác, thì hôm nay môn đệ của Đức Giêsu vẫn đặt tay để chữa người ta lành bằng tình yêu thương của họ, khi họ dám đụng chạm đến những mảnh đời bất hạnh.

Lạy Chúa, thánh Maccô đã được Chúa soi sáng, hướng dẫn để viết lên lời Chúa trong Tin mừng của Ngài, cho muôn dân nhận biết Chúa. Đó cũng là sứ mạng của mỗi người chúng con, để chúng con cũng biết loan báo Tin mừng của Chúa bằng chính cuộc đời của con. Xin Chúa giúp chúng con luôn ý thức sứ mạng của mình, để sống gắn bó với Chúa, hầu có thể kể về Chúa cho người khác.

Thứ Ba

 

Bài Ðọc I: Cv 14, 18-27

Trong những ngày ấy, có mấy người Do-thái từ Antiôkia và Icôniô đến xúi giục dân chúng. Họ ném đá Phaolô, và tưởng rằng Phaolô đã chết, nên kéo ngài ra bỏ ngoài thành. Nhưng đang khi các môn đồ đứng xung quanh ngài, ngài liền chỗi dậy đi vào thành, và hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Ðerbê. Khi đã rao giảng Tin Mừng cho thành này và dạy dỗ được nhiều người, các ngài trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Ðấng họ tin theo.

Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin. Các ngài còn ở lại đó với môn đồ trong một thời gian lâu dài.

 

Phúc Âm: Ga 14, 27-31a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy. Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền dạy”.

 

Suy Niệm:

Đức Giêsu Kitô, bình an của chúng ta.

      Theo phong tục của người Do thái, câu nói thông thường nhất khi gặp nhau là: Shalom. Nhưng ở đây Chúa Giêsu vượt lên trên phong tục bình thường đó. Đối với con người là một lời chúc còn đối với Chúa Giêsu là một tặng phẩm. Ngài không nói “Ta chúc bình an”, nhưng Ngài nói: “Ta ban bình an của Ta cho các con”.

Chúa Giêsu ban bình an của Ngài cho các môn đệ vì Ngài thấy họ đang lo lắng. Trong khi chờ đợi mầu nhiệm xảy ra mà các ông chưa hiểu, Chúa ban cho các ông hạt giống bình an để trong đức tin họ sẽ nhận ra Chúa Giêsu hiện diện với họ cách khác nhưng thật sâu đậm

Thứ bình an Chúa Giêsu ban cho chúng ta là gì? Đó là đời sống Chúa Cha ban cho. Nó thể hiện bằng sự hòa hợp nội tâm giữa các điều lành, kết quả của các ước muốn chính đáng. Bình an chúng ta khao khát không phải là sự yên tĩnh thiếu vắng ước muốn, cũng không phải là giấc ngủ, nhưng nó là một bình an chuyển động, sống động và vui tươi, một bước tiến vượt trội để đến với Chúa Cha. Đức Kitô, sự bình an của chúng ta, là Đấng sẽ dẫn đưa tất cả chúng ta cùng về với Chúa Cha

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con sự bình an đích thực trong tâm hồn. Ðể cuộc sống của chúng con không bị chao đảo, xao xuyến trước những thử thách khó khăn. Xin cho gia đình, khu xóm, giáo xứ của chúng con cũng được sống trong sự bình an của Chúa. Chúng con biết hòa hợp yêu thương nhau, biết tha thứ, bỏ qua những khuyết điểm của nhau và biết tích cực xây đắp một cuộc sống an hòa, đoàn kết, yêu thương giữa cộng đoàn của chúng con. Amen.

Thứ Tư

 

Bài Ðọc I: Cv 15, 1-6

Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.

Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng: “Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật Môsê”. Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này.

 

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.

“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

 

Suy Niệm:

Sự hiệp nhất

Chúa Giêsu trước khi dạy các môn đệ sống hiệp nhất với nhau, đã dùng những lời nói mạnh mẽ và quyết liệt này. Hiệp nhất không phải là sự kết hợp của sự đồng ý về tư tưởng, về mục đích nhắm tới, về cách sống. Hiệp nhất chính là luật của sự sống. Cũng như định luật đòi buộc cành nho, nếu muốn sống, phải lưu lại tháp vào thân nho; cũng vậy mỗi một môn đệ phải lưu lại tháp vào Chúa Kitô. Cái đòi hỏi thứ nhất không thể không có được là sống kết hợp với Chúa Kitô, sống nhờ vào nhựa lấy từ thân nho, các nhánh nho thể hiện giữa họ một thứ hiệp nhất do sự liên kết, nhưng do cùng một nguyên lý sự sống và cùng một vận mạng. “Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”. Cành nho chỉ có thể sinh hoa trái nếu kết hợp với thân nho. Chúng ta có thể suy gẫm lời của Chúa Giêsu trên hai bình diện: bình diện cá nhân và bình diện tông đồ cho dẫu cuộc sống vẫn là một.

Trên bình diện cá nhân người ta không thể sống nếu không lưu lại trong Đức Kitô bằng đức tin, bằng Thánh Thể, bằng các bí tích, là những gặp gỡ sống động mà Chúa Giêsu xếp đặt cho chúng ta qua thừa tác vụ của Giáo Hội. Trên bình diện tông đồ, người môn đệ nếu muốn được kết quả phải dâng cho loài người những chùm nho căng tròn nhựa sống Đức Kitô, nghĩa là đem đến cho họ lời giảng dạy, một chứng tá, một hành động thấm nhuần sự thật và sự sống của Đức Kitô.

 Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con là cành nho luôn ý thức để luôn sống kết hiệp với Đức Kitô là thân nho đích thực, để chúng con đón nhận nguồn sức sống nơi Ngài và qua đó chúng con sinh nhiều hoa trái trong cuộc sống của chúng con. Amen.

Thứ Năm

 

Bài Ðọc I: Cv 15, 7-21

Trong những ngày ấy, khi đã cứu xét kỹ càng, Phêrô đứng lên nói: “Hỡi anh em, anh em biết rằng từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi để dân ngoại được nghe lời Phúc Âm do miệng tôi và tin. Thiên Chúa đã thấu biết các tâm hồn và đã minh chứng bằng cách ban Thánh Thần cho họ, như đã ban cho chúng ta; Người không phân biệt chúng ta với họ, vì dùng đức tin thanh tẩy tâm hồn họ. Vậy giờ đây sao anh em thách thức Thiên Chúa khi anh em đặt lên cổ các môn đồ cái ách mà cả tổ phụ chúng ta lẫn chúng ta không sao mang nổi? Nhưng chúng ta tin rằng nhờ ơn của Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta được cứu độ cùng một thể thức như họ”. Tất cả đám đông đều im lặng, rồi họ nghe Barnaba và Phaolô kể lại bao nhiêu phép lạ, và việc kỳ diệu Thiên Chúa đã nhờ các ngài mà thực hiện giữa các dân ngoại.

Khi hai ngài dứt lời, Giacôbê lên tiếng nói rằng: “Hỡi anh em, hãy nghe tôi. Simon đã thuật lại cách thức Thiên Chúa trước tiên đã thương chọn cho danh Người một dân giữa chư dân. Lời các tiên tri cũng phù hợp như vậy, như đã chép rằng: “Sau đó Ta sẽ trở lại và tái thiết lều của Ðavít đã sụp đổ. Ta sẽ tu bổ những chỗ hư hại và sẽ dựng nó lên, để các kẻ còn lại và tất cả dân ngoại kêu cầu danh Ta, sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán và thực hành các việc đó. Từ đời đời Chúa biết các việc Chúa làm”. Vì vậy, tôi xét là không nên làm khó dễ các người dân ngoại trở về với Thiên Chúa, nhưng truyền cho họ kiêng những ô uế của tượng thần, đừng gian dâm, và kiêng thịt các con vật chết ngạt và kiêng máu. Vì chưng từ thời xưa người ta đã rao giảng Môsê trong mỗi thành, họ đọc sách của người mọi ngày Sabbat trong các hội đường”.

 

Phúc Âm: Ga 15, 9-11

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn”.

 

Suy Niệm:

Mối tương quan sâu đậm nhất và thành công nhất giữa hai nhân vị đó là “tình yêu”. Ơn gọi quan trọng nhất của con người là được nên một, tương quan tình yêu với Ba Ngôi Thiên Chúa. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, nghĩa là trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ý nghĩa căn bản mà bài Tin Mừng hôm nay dẫn đưa chúng ta đến, đó là con người được dựng nên cho một tương quan tình yêu, tự do và có trách nhiệm, với Thiên Chúa. Các giới răn chỉ là những lời nhắc nhở về sự tự do và trách nhiệm này: “ Nếu các con tuân giữ lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người”.

Lạy Chúa Giêsu, Mến Chúa – Yêu người là điều Chúa mong muốn cho chúng con cần phải ý thức giữ và sống, xin Chúa Giúp chúng con để trong cuộc sống mỗi giây phút hiện tại chúng con luôn ý thức và thực hành điều này. Amen.

Thứ Sáu

 

Bài Ðọc I: Cv 15, 22-31

Trong những ngày ấy, các Tông đồ, kỳ lão cùng toàn thể Hội Thánh, chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thư viết như sau: “Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Ðức Giêsu, Chúa chúng tôi. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó, là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an”.

Các ngài giã từ và đi xuống Antiôkia, triệu tập dân chúng lại và trao cho họ bức thư. Ðọc thư xong, họ vui mừng vì được an ủi.

Phúc Âm: Ga 15, 12-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau”.

 

Suy Niệm:

Tình yêu phải có bằng chứng

Qua câu Kinh Thánh:  “Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền”. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Ngài sống kinh nghiệm yêu thương của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu đã yêu thương thế nào? Ngài đã cố ý để qua Ngài, tình yêu của thiên Chúa Cha được thể hiện cho nhân loại. Theo ngôn ngữ của Chúa Giêsu, lệnh truyền yêu thương là việc tự hiến. Không phải là phân phát một thứ gì: hoạt động, giảng dạy, đảm trách các việc nọ việc kia… nhưng là việc tự hiến đời sống mình.

Chỉ có một nơi mà hai tình yêu thể hiện rõ nét: tình yêu Chúa và tình yêu người liên kết với nhau thành một: đó là Thập Giá, nghĩa là sự tự hiến cho đến cùng. Được Chúa Giêsu chọn lựa để sống tình yêu này, chúng ta đừng sợ vì đó là nguồn mạch những niềm vui cao cả. Những thập giá nhỏ mọn hằng ngày của chúng ta sẽ trở thành Thánh giá của Đức Kitô phục sinh, nếu chúng ta biết gánh vác chúng với sức mạnh của cùng một tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương chúng con, coi chúng con như bạn hữu và hy sinh cả mạng sống vì chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương tình yêu vô vị lợi, sẵn sàng tự hiến vì tình yêu mến với Chúa Cha và con người. Amen.

Thứ Bảy

 

Bài Ðọc I: Cv 16, 1-10

Trong những ngày ấy, Phaolô đến Ðerbê và Lystra. Ở đó có một môn đồ tên là Timôthêô, con của một bà Do-thái đã tin đạo, còn cha là người dân ngoại. Các anh em ở Lystra và Icôniô chứng nhận anh là người tốt. Phaolô muốn anh đi theo mình, vì nể người Do-thái ở trong vùng ấy, nên Phaolô đã đem anh đi cắt bì, vì mọi người biết cha anh là người dân ngoại. Khi hai ngài đi ngang qua các thành phố, hai ngài truyền lại cho họ tuân giữ những giáo lý do các tông đồ và kỳ lão tại Giêrusalem đã quyết định. Nhờ vậy, các giáo đoàn được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày càng tăng thêm đông số.

Các ngài đi qua Phrygia và vùng Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng lời Chúa tại Tiểu Á. Khi đến Mysia, các ngài tìm cách đi Bithynia; nhưng Thánh Thần của Chúa Giêsu không cho phép. Vậy các ngài đi sang Mysia, xuống Trôa, và ban đêm Phaolô được thị kiến thấy một người Macêđô đứng đó và van xin ngài rằng: “Xin đi sang Macêđônia mà cứu giúp chúng tôi”.

Vừa thấy vậy, chúng tôi liền tìm cách đi sang Macêđônia, tin chắc rằng Thiên Chúa đã kêu gọi chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho họ.

 

Phúc Âm: Ga 15, 18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy”.

 

Suy Niệm:

Bài phúc âm này phản ảnh cho chúng ta thực tế của một hiện trạng mà Thiên Chúa nhắc nhở cần phải ý thức và cảnh giác. “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước”. Câu nói của Chúa không chỉ gởi đến các môn đệ, mà còn cho Giáo hội của Chúa nữa; nghĩa là Giáo Hội sẽ phải cùng chung số phận với các vị thủ lãnh của mình. Giáo Hội luôn luôn là đối tượng cho thế gian ghét. Giáo Hội luôn là một Giáo Hội bị đóng đinh. Nơi nào mà thế gian chiếm đoạt được Giáo Hội, khi Giáo Hội bắt đầu thuộc về thế gian, lúc bấy giờ thế gian sẽ không còn bắt bớ Giáo Hội nữa. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó. Điều này đặt ra cho Giáo Hội câu hỏi Giáo Hội sẽ được gì? …Chúng ta là những người sống giữa thế nhan, nhưng Chúa nói các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, muốn giữ vững điều này chúng ta phải luôn tháp nhập vào Chúa Kitô là thân cây nho đích thực cụ thể qua việc học hỏi Thánh Kinh, siêng năng tham dự Thánh Lễ, lãnh các bí tích…

Lạy Chúa Giêsu, Chúng con biết chúng con vẫn là con người yếu đuối dễ bị sa ngã trước những nhu cầu và sự hấp dẫn của thế gian. Xin cho chúng con luôn vững tin vào Chúa, hy vọng nơi Chúa và trung thành yêu mến Chúa. Amen.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]