Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 4 Phục Sinh C

Thứ Ba

Bài Ðọc I: Cv 11, 19-26

Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu.

 

Phúc Âm: Ga 10, 22-30

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.

Suy Niệm

            Đoạn sách Tông Đồ Công Vụ trên đây trình bày về việc thành lập Hội Thánh tại Antiôkia. Đây là một bước tiến lịch sử của Giáo Hội. Chính tại nơi đây mà những người theo Chúa Giêsu được gọi là Kitô hữu. Nhưng có một điểm đặc biệt ở đây là những người rao giảng Tin Mừng cho những người dân ngoại (ở đây là người Hy – Lạp) lại không phải là các Tông đồ, mà là những tín hữu giáo dân. Tên họ là gì, bao nhiêu tuổi… không ai biết, chỉ biết họ quê ở Cyprô và Xyrênê. Tên tuổi của họ không được ghi vào sổ sách, nhưng chắc chắn những người ấy đã được vĩnh viễn ghi vào sách sự sống của Chúa. Họ đã đi vào lịch sử với tư cách là những người tiền phong vô danh của Đức Kitô.

Theo tâm lý tự nhiên của con người, khi ta làm được một việc gì đáng kể thì ta luôn muốn được người ta chú ý và xưng danh mình. Còn nếu không được ai khen ngợi, ca tụng… ta thường có thái độ buồn phiền, chán nản, có khi bất mãn không cộng tác nữa. Đây là thái độ thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp nơi các Họ đạo.

Đức Giêsu khi đi rao rảng Ngài cũng chẳng xưng danh mình. Việc Người làm là “để Chúa Cha được tôn vinh”. Chính vì thế mà người Do-thái luôn thắc mắc về Người : “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”.

Lạy Chúa Giêsu, “Chúa vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2, 6 – 7). Xin cho con biết sống khiêm hạ như Chúa, không mỏng mỏi điều gì cho mình, mà chỉ mong cho Danh Chúa được cả sáng. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts