- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 31 TN C

Lm. Giuse Nguyễn

THỨ HAI – Trang 1

THỨ BA: 01/11 – Trang 2

THỨ TƯ: 02/11 – Trang 3

THỨ NĂM – Trang 4

THỨ SÁU – Trang 5

THỨ BẢY – Trang 6

 – o O o –

THỨ HAI

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 2, 1-4

“Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau; chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh, hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình; mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác”.

Phúc Âm: Lc 14, 12-14

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với thủ lãnh các người biệt phái đã mời Người rằng: “Khi ông dọn tiệc trưa hay tiệc tối, ông chớ mời các bạn hữu, anh em, bà con và những người láng giềng giàu có, kẻo chính họ sẽ mời lại ông mà trả ơn cho ông. Nhưng khi ông dọn tiệc, ông hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù, thì ông sẽ được phúc, bởi họ không có gì đền ơn cho ông: vì chưng, khi những người công chính sống lại, ông sẽ được đền ơn”.

Suy niệm:

Trong lúc Phaolô bị cầm tù, thì giáo đoàn Philipphê có những chia rẽ, đại loại như: “Rao giảng Đức Kitô vì tính ưa tranh giành” (Pl 1, 17); làm việc mà vẫn kêu ca, phản kháng… (x Pl 2, 14); hay sự bất bình giữa những người phụ nữ… (Pl 2, 4). Vì vậy Phaolô đã viết đoạn này với tất cả nỗi lòng để kêu gọi sự hiệp nhất trong cộng đoàn Philipphê: “Nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau”. Để có được sự hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần, thánh nhân đã dạy : “Chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh, hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình; mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác”.

Cũng với ý hướng hiệp nhất, Đức Giêsu đã dạy cho những người biệt phái cách thức mời thực khách trong một bữa tiệc. Ý của Đức Giêsu là làm sao cho “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù”, nói chung là những người thấp kém, có được sự quan tâm, rằng họ cũng có một vị trí nào đó trong cuộc sống này, người ta không khinh chê, loại trừ họ. Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài đón nhận tất cả mọi người vào trong mối tương quan với Ngài, nhưng sự ưu ái Ngài luôn dành cho những hạng người thấp kém.

Trong cách nói năng, hành xử hằng ngày, nhiều khi con chưa được khiêm tốn để xem trọng những người không có quyền lực, những người “có vẻ nghèo khổ”, những người “có thể gây phiền phức cho con” , những người con không thích… Ngược lại con đối xử rất tử tế với những người có chút quyền lực, những người có chút vật chất, những người có chút danh giá, và những người “thuộc về phe của con”.

Lạy Chúa, con cúi đầu tự thấy xấu hổ về điều đó, vì rõ rang con đã không hành xử giống Đức Giêsu, con đã gây chia rẽ trong Giáo Hội của Chúa. Xin Chúa tha thứ và ban cho con sự khiêm tốn, hạ mình để có thể hiệp nhất với mọi người. Và hãy bắt chước Chúa để đặc biệt yêu thương những hạng người dễ bị loại trừ trong xã hội.

THỨ BA: 01/11

CÁC THÁNH NAM NỮ

Bài Ðọc I: Kh 7, 2-4, 9-14

Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh tàn phá đất và biển mà rằng: “Chớ có tàn phá đất, biển và cây cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”. Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel.

Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”.

Rồi tất cả các thiên thần đến đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: “Amen! Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen”. Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?” Tôi đáp lại rằng: “Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”. Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-3

Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh.

 

Phúc Âm: Mt 5, 1-12a

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

“Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.

 

Suy niệm:

Tác giả sách Khải Huyền trong bài đọc thứ nhất đã nhìn thấy “Đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng”. Những người này được xác nhận “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.

Thánh Gioan trong thư thứ nhất đã quả quyết: “Bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh”.

Như vậy “đoàn người đông đảo” trong sách Khải Huyền cũng là những người biết đặt niềm hy vọng vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Thánh của Chúa Cha.

Nhờ niềm hy vọng đó mà họ không màng chi đến những “mối phúc” theo kiểu thế gian, mà họ hoàn toàn buông mình theo những mối phúc của Tin mừng: “ tinh thần nghèo khó, hiền lành, đau buồn, đói khát điều công chính, thương xót người, có lòng trong sạch, ăn ở thuận hòa, bị bách hại vì  lẽ công chính”.

Thánh nhân là những người thuộc về Chúa. Họ chấp nhận thanh tẩy mình khỏi mọi thứ rang buộc của thế gian để chỉ thuộc về Đức Giêsu  mà thôi.

Nhưng lạy Chúa, hơn bao giờ hết, xã hội hôm nay đang rất cần những vị thánh, nghĩa là những con người dám làm chứng nhân cho sự từ bỏ những lôi kéo thuộc về thế gian này để chỉ hướng về Chúa mà thôi. Chắc chắn sự từ bỏ đó sẽ gây nên những “đau khổ” cho chúng con. Nhưng nếu chúng con biết “đặt niềm hy vọng nơi Người” thì chắc chắn chúng con sẽ đủ sức mạnh vượt qua những gì thuộc về thế gian.

Xin các thánh là những người đến từ đau khổ, đã trãi qua đau khổ cầu bầu cùng cho chúng con, vì chúng con rất yếu đuối.

THỨ TƯ: 02/11

CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI

Lễ Nhất

Bài Ðọc I: Rm 6, 3-9

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.

Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.

 

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

 

Suy niệm:

Phép rửa mà thánh Phaolô nói đến trong bài đọc thứ nhất chính là việc Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết, nhờ đó làm cho những ai lien kết với Người trong Bí tích Thánh tẩy cũng sẽ được giải phóng khỏi những tội lỗi để bước vào sự sống mới.

Còn trong bài Tin mừng, Đức Giêsu hứa cho những ai ăn thịt và uống máu Ngài có được sự sống đời đời. Sự sống này không phải là sự trường sinh bất tử, nhưng chính là đời sống mới trong hạnh phúc mai sau.

Như vậy, những ai liên kết với Đức Giêsu bằng Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể nơi cuộc sống trần gian này sẽ được hứa cho sự sống đời đời ở cuộc sống mai sau.

Bí tích rửa tội đó đòi hỏi Kitô hữu phải đoạn tuyệt với tội lỗi, với những điều bất xứng theo đòi hỏi của Tin Mừng. Bí tích Thánh Thể đòi hỏi những ai lãnh nhận phải có một tâm hồn trong sạch để đón tiếp Chúa Giêsu vào nhà…

Tuy nhiên, với thân phận yếu đuối của con người, các tín hữu đã qua đời, trong đó có người thân của chúng ta khi còn sống đã vướng mắc những tội lỗi, đã chưa xứng đáng để đón rước Chúa, vì vậy họ còn phải chịu thanh luyện nơi luyện ngục. Chính những lời cầu nguyện, những việc lành và nhất là Thánh Lễ chúng ta dâng hằng ngày sẽ góp phần thanh luyện các linh hồn đó.

Từ việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời nhắc nhở mỗi người chúng ta cũng hãy lo đoạn tuyệt với tội lỗi và hiệp thông với Đức Giêsu nơi Thánh Thể Chúa để chúng ta được bảo đảm sự sống đời đời.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sang ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Xin các linh hồn cầu nguyện cho chúng con, để chúng con ý thức về cái chết của mình mà lo chuẩn bị cho sự sống mai sau.

THỨ NĂM

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 3, 3-8

Anh em thân mến, chính chúng ta là những người chịu cắt bì, chúng ta phụng thờ Thiên Chúa theo thần trí, và khoe mình trong Ðức Giêsu Kitô, chứ không tin tưởng vào xác thịt, mặc dầu chính tôi cũng có thể ỷ lại vào xác thịt. Nếu có ai khác nghĩ mình có lý để ỷ lại vào xác thịt, thì tôi còn có lý hơn: tôi đã chịu cắt bì từ ngày thứ tám, là người chủng tộc Israel, thuộc chi họ Bengiamin, là người Do-thái sinh bởi người Do-thái, là người biệt phái chiếu theo lề luật. Bởi lòng đạo đức nhiệt thành, tôi đã bách hại Hội Thánh Thiên Chúa, chiếu theo đức công chính do lề luật công bố, tôi được coi là người không có gì đáng trách.

Nhưng những điều xưa kia được kể là ích lợi cho tôi, thì nay vì Ðức Kitô tôi coi là bất lợi. Vả lại tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón cả, để lợi được Ðức Kitô.

 

Phúc Âm: Lc 15, 1-10

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!” Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

“Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: “Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất”. Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.

 

Suy niệm:

Trong bài đọc thứ nhất, thánh Phaolô không ngần ngại kể về quá khứ của mình. Đối với ông, quá khứ “chịu cắt bì từ ngày thứ tám, là người chủng tộc Israel, thuộc chi họ Bengiamin, là người Do-thái sinh bởi người Do-thái, là người biệt phái chiếu theo lề luật. Bởi lòng đạo đức nhiệt thành, tôi đã bách hại Hội Thánh Thiên Chúa, chiếu theo đức công chính do lề luật công bố, tôi được coi là người không có gì đáng trách” là điều đáng cho ông tự hào. Nhưng từ khi biết Đức Giêsu, ông xem những thứ đó là bất lợi. Và vì Đức Giêsu, ông sẵn sang hy sinh tất cả để có được Ngài.

Qua hai dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền bị đánh mất, Đức Giêsu muốn nói đến niềm vui đích thực của lòng thương xót là tìm thấy những gì đã mất.

Ai cũng có quá khứ, có khi là tốt đẹp, nhưng cũng có khi rất xấu. Có người tự hào về quá khứ của mình, nhưng cũng có kẻ mặc cảm về quá khứ tội lỗi đó.

Thái độ đúng đắn là dám nhìn ra sự thật nơi bản thân của mình, để không tự hào về những điều tốt mình làm được, cũng không mặc cảm về những điều sai lỗi, nhưng biết rằng, trong hiện tại tôi đã nhận ra tình yêu của Đức Giêsu và tôi quyết tâm sống chết cho tình yêu đó.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống chân thành với Chúa, vì Chúa không đánh giá con bằng những công phúc hay tội lỗi, mà Chúa luôn mong giây phút hiện tại của con được tốt đẹp. Từ đó con sẽ cố gắng để từ bỏ những giá trị ảo mà con theo đuổi bấy lâu nay để quyết chí tìm kiếm những giá trị thuộc về Đức Giêsu. Đồng thời xin cho con biết nhìn người khác bằng cặp mắt nhân từ giống như Chúa, để không đóng cửa quá khứ của họ, mà mở ra một tương lai tốt đẹp để hy vọng họ sẽ sống tốt hơn.

THỨ SÁU

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 3, 17 – 4, 1

Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi chưng như tôi đã thường nói với anh em, và bây giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Chuộc là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật suy phục Người.

Bởi thế, anh em thân mến và quý yêu, anh em là niềm hoan lạc và triều thiên của tôi. Anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa.

 

Phúc Âm: Lc 16, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: “Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa”. Người quản lý thầm nghĩ rằng: “Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ”.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: “Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi”. Rồi anh hỏi người khác rằng: “Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm giạ lúa miến”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi”.

“Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

 

Suy niệm:

Thánh Phaolô đã không ngần ngại nhiều lần kêu gọi người khác bắt chước mình. Hôm nay một lần nữa ông lại mạnh dạn kêu gọi các tín hữu thành Philipphê: “Anh em hãy bắt chước tôi”. Không phải ông kiêu ngạo, khoe khoang, vì ông cũng chỉ bắt chước Đức Giêsu mà thôi.

Ông bắt chước Đức Giêsu để chọn lựa những gì thế gian khinh bị, loại trừ… và đó là con đường thập giá của Ngài. Chính ông cũng đã bị người ta khinh bỉ, loại trừ khi tin vào Đức Giêsu.

Từ đó ông làm gương cho những người “sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô”, những người  mà “chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này… hãy biết tìm kiếm những giá trị cao cả ở trên trời.

Đó cũng là hình ảnh người đầy tớ khôn ngoan dám từ bỏ những lợi nhuận cho riêng mình để được bảo đảm sự sống đời đời.

Lạy Chúa, con vẫn muốn hạnh phúc đời đời, nhưng con chưa đủ sức mạnh để từ bỏ những quyến rũ ở thế gian này. Trong tháng 11 này, xin Chúa giúp con nhớ rằng, mọi sự đều chỉ là phù vân, và kiếp người rất mong manh đẻ con biết dứt khoát với những lôi kéo, những hấp dẫn của thế gian này mà bước đi trên con đường thập giá của Đức Kitô.

THỨ BẢY

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 4, 10-19

Anh em thân mến, tôi rất vui mừng trong Chúa vì sự săn sóc của anh em đối với tôi đã sinh hoa kết quả: anh em đã nghĩ tới vấn đề đó từ lâu rồi nhưng anh em không có dịp tỏ bày ra. Tôi nói thế không phải vì sự túng thiếu của tôi, vì chưng tôi đã học tập để tự túc trong mọi hoàn cảnh. Tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi.

Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ mọi quẫn bách của tôi. Này anh em, người thành Philipphê, anh em cũng đã thừa biết là ngay lúc bắt đầu rao giảng Tin Mừng, khi tôi rời bỏ Macêđônia, không một giáo đoàn nào đã đóng góp vào sổ chi tiêu của tôi, trừ một mình anh em mà thôi: vì một đôi lần, anh em đã gửi đồ về thành Thêxalônica cho tôi dùng. Không phải tôi cầu ơn cầu nghĩa gì, nhưng tôi cầu cho vốn liếng anh em được sinh hoa kết quả dồi dào. Hiện tôi có đủ mọi sự và có dư thừa: tôi đã được đầy đủ sau khi nhận lãnh những tặng vật anh em nhờ Êpaphrôđitô gửi đến, là hương thơm ngạt ngào, là lễ vật được Thiên Chúa vui lòng chấp nhận.

Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh quang của Người, trong Ðức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa là Cha chúng ta muôn đời. Amen.

 

Phúc Âm: Lc 16, 9-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con.

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”. Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. Vậy Người bảo các ông rằng: “Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa”.

 

Suy niệm:

Bằng những lời lẽ chân thành, thánh Phaolô bày tỏ sự xúc động trước thái độ của những giáo dân thành Philipphê, vì họ đã quyên góp để giúp đỡ cho ngài trên hành trình truyền giáo. Ngài cũng cho họ biết thực sự ngài không cần những điều đó, nhưng vì tình cảm sâu sắc giữa ngài với giáo đoàn này nên ngài sẵn sàng đón nhận như món quà của tình yêu thương. Tuy nhiên, ngài cho họ họ thấy thái độ cao cả của lòng tin. Đó chính là sự tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”. Từ đó ngài hướng họ đến sự tìm kiếm giá trị vĩnh cửu, chứ đừng tìm kiếm những giá trị vật chất chóng qua theo gương của ngài.

Đức Giêsu thì dạy cho các môn đệ của Ngài: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời”. Tiền của gian dối mà Đức Giêsu nói đến ở đây không phải là đồng tiền kiếm được bằng sự gian dối, nhưng tính chất của đồng tiền nếu không đề phòng sẽ trở thành dụng cụ của ma quỷ để lừa gạt con cái Thiên Chúa.

Tất cả những gì có được từ sự lao động chân chính đều là ân ban của Thiên Chúa. Tiền bạc, vật chất cũng không ngoại lệ. Nhưng điều Đức Giêsu lưu ý cho các môn đệ của Ngài là cách thức sử dụng đồng tiền đó.

Giá trị thực sự của đồng tiền ở chỗ biết cho đi. Sự cho đi chính là tình yêu thương, muốn san sẻ với người khác giống như Đức Giêsu cho đi cả mạng sống của mình. Khi bắt chước Đức Giêsu để biết cho đi chính là biết thao thức, biết tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu.

Lạy Chúa, con còn sống cho riêng mình, con bắt người khác phục vụ mình, con buồn khi người khác không lo lắng cho con… nhưng sâu xa chính là việc con chưa biết quan tâm đến tình yêu thương, con chỉ tìm kiếm những thứ chóng qua. Xin cho con biết bắt chước Đức Giêsu để biết cho đi tất cả, lo lắng cho tất cả và quên đi tất cả để chỉ còn nhớ một điều, đó là tình yêu thương của Chúa.

Gp. Cần Thơ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]