Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 3 Phục Sinh C

Thứ Bảy

Bài Ðọc I: Cv 9, 31-42

Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: “Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi”. Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.

Tại Gióp-pê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióp-pê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: “Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi”. Phêrô chỗi dậy đi với họ. Ðến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: “Tabitha, hãy chỗi dậy”. Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióp-pê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióp-pê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da.

Phúc Âm: Ga 6, 61-70

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa”.

Suy Niệm

Suy niệm Lời Chúa hôm nay đem lại cho tôi một sự bình an lạ lùng. “Hội Thánh được bình an”, hoạt động rao giảng của các tông đồ gặp nhiều thuận lợi, rất nhiều người tin theo; bên cạnh đó, phép lạ làm cho người chết sống lại của thánh Phêrô càng làm cho lòng tin của mọi người được củng cố và gia tăng thêm  nhiều. Có lẽ đây là những điều mà ai trong chúng ta cũng mong ước!

Tôi muốn nói về sự bình an trong cuộc sống, đây có thể nói là ơn mà mỗi người cần nhất trong thế giới này; sự bình an trong tâm hồn. Khác với sự bình an theo kiểu thế gian, đó là sự yên thân, một cuộc sống không có khó khăn thử thách, một cuộc sống yên ổn không có chiến tranh; và có khi đó là một cuộc sống tội lỗi nữa; ví dụ như sau khi thực hiện một vụ trộm trót lọt, người ta cũng gọi đó là bình an,… Dĩ nhiên, ai cũng biết đó là sự bình an giả tạo, và sớm muộn gì cũng sẽ mất đi.

Sự bình an mà chúng ta cần, đó chính là sự bình an Chúa ban, sự bình an của một con người thấy thanh thản trong thân xác và nhẹ nhàng trong tâm hồn; sự bình an của những người được tha thứ tất cả; sự bình an của một con người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn mình; sự bình an bất chấp những khó khăn thử thách.

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.

Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình… Bình an thật sự. Thế là nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này!

Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Và đó mới chính là sự bình an đúng nghĩa.

Lẽ dĩ nhiên, khi đứng trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống, ít ai có khả năng đón nhận một cách thoải mái như không có gì. Chắc chắn tâm hồn chúng ta bị chao đão, bị xáo trộn; nhưng điều quan trọng và cần thiết mà chúng ta cần phải cầu nguyện cho nhau, đó chính là làm sao trải qua những khó khăn thử thách ấy, những chao đão, những xáo trộn ấy, chúng ta mau chóng tìm lại sự quân bình và và bình an; và phương thế hữu hiệu nhất đó chính là niềm tin tưởng phó thác vào Chúa, Ngài có thể biến tất cả mọi sự nên tốt cho chúng ta, kể cả những điều xấu, như lời Thánh Phaolô khẳng định “Thiên Chúa làm cho mọi sự sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28)

Lạy Chúa! Sống giữa một thế giới đầy náo động, con người chúng con dễ bị chao đão, xin cho chúng con luôn biết gắn kết đời sống mình với Ngài qua những lời kinh, những Thánh Lễ, những việc đạo đức, những việc làm bác ái; để nhờ sự gắn kết đó mà chúng con tìm thấy sự bình an của Ngài. Amen!

Chia sẻ Bài này:

Related posts