Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 3 Phục Sinh C

Thứ Tư

Bài Ðọc I: Cv 8, 1-8

Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria. Còn những người đạo đức lo chôn cất Têphanô; họ than khóc ông rất nhiều. Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh; ông vào nhà này sang nhà nọ, bắt đàn ông lẫn đàn bà và tống ngục họ.

Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa. Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả.

Phúc Âm: Ga 6, 35-40

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Ðấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.

Suy Niệm

Lời Chúa cho thấy 2 bức tranh tương phản, một bức cho thấy cảnh chết chóc, khó khăn thử thách, bách hại dưới bàn tay của Saolô; bức tranh kia là những thành công từ hoạt động rao giảng lời Thiên Chúa của vị tông đồ Philiphê. Điều lạ lùng là dù gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng số lượng tín hữu lại càng gia tăng; và Lời Chúa kết thúc bằng một câu hết sức lạc quan phấn khởi: “Cả thành được vui mừng khôn tả”, kiểu nói “cả thành” muốn nói cho chúng ta thấy sự thành công mỹ mãn trong việc rao giảng Tin Mừng.

Cuộc sống người Kitô hữu ngày nay không còn cảnh bắt bớ bằng gươm giáo gậy gọc, nhưng thay vào đó là những nghi kỵ, những hiểu lầm bắt nguồn từ một thế giới, một xã hội đầy tính thực dụng. Tuần Thánh vừa rồi tôi có dịp thăm viếng và động viên một gia đình có gốc là Công Giáo, khi đề cập đến việc rửa tội cho con cái, chị trả lời thế này: “Rửa tội xong sau này sợ tụi nó khó xin việc làm”. Nghe chị nói mà tôi căm giận một xã hội thối nát, bày trừ tôn giáo, bày trừ Thiên Chúa, đưa con người xa lìa đời sống tâm linh, chỉ chú trọng vào của cải vật chất, vào cái ăn cái mặt, vào danh vọng địa vị. Thực tế cho thấy, một thế giới không có tôn giáo, loại trừ Thiên Chúa, sẽ dẫn đến một thế giới đầy loạn lạc, con người sống ích kỷ, chỉ lo cho bản thân, đòi hỏi sự tự do thái quá, muốn làm gì thì làm.

Tôi chợt nghĩ và hình dung cuộc đời mình sẽ như thế nào nếu khước từ sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời; chắc hẳn cuộc sống sẽ chẳng còn ý nghĩa  gì, bởi vì khước từ Chúa cũng là  khước từ mọi giá trị của cuộc sống, chết là hết; và lẽ dĩ nhiên, tội lỗi chính là hậu quả tất yếu.

Sống trong một thế giới, một xã hội có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa, khinh chê đời sống thiêng liêng, tinh thần, người Kitô hữu đang lội ngược dòng. Sẽ rất vất vã, sẽ rất mệt nhọc; nhưng với ơn Chúa, với sự cộng tác của mỗi người, chắc chắn thế giới và xã hội này sẽ được biến đổi tích cực hơn. Cầu xin Chúa cho mỗi người Kitô hữu ý thức hơn điều này, để giữa bao thử thách trăm chiều của cuộc sống, họ vẫn kiên tâm giữ vững đức tin mà làm chứng cho Chúa giữa đời. Amen!

Chia sẻ Bài này:

Related posts