- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 28 TN C

Lm. Gs. NTH

Thứ Hai – Trang 1

Thứ Ba – Trang 2

Thứ Tư – Trang 3

Thứ Năm – Trang 4

Thứ Sáu – Trang 5

Thứ Bảy – Trang 6

– o O o –

Thứ Hai

Bài Ðọc I:  Gl 4, 22-24. 26-27. 31 – 5, 1

Anh em thân mến, có lời chép rằng: Abraham có hai người con trai: một sinh bởi người nữ tỳ, và một sinh bởi người vợ tự do. Nhưng con sinh bởi nữ tỳ, thì đã sinh ra theo lối xác thịt, còn con sinh bởi người vợ tự do, đã sinh ra bởi lời hứa. Những sự ấy đã được nói cách bóng bảy, vì hai người vợ tiêu biểu cho hai giao ước: một bởi núi Sanai, sinh con cái làm nô lệ, đó là Agar. Còn Giêrusalem ở trên cao thì được tự do, đó là mẹ chúng ta, vì có lời chép rằng: “Hỡi người son sẻ, chẳng sinh con, hãy hân hoan! Hỡi người không sinh sản, hãy vui reo và hò lên! Vì con cái của người vợ bị ruồng bỏ, lại đông hơn con của gái có chồng”.

Bởi đó, anh em thân mến, chúng ta không phải là con của nữ tỳ, nhưng là con của người vợ tự do; chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa.

Phúc Âm: Lc 11, 29-32

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa”.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay nghe có vẻ nặng nề. Chúa Giêsu phán đoán về những người cùng thời với Ngài bằng lời khiển trách: Dòng giống này là dòng giống gian ác”.

Lý do của lời phán xét nặng nề này nằm ở chỗ các thính giả của Chúa Giêsu không tin vào lời rao giảng của Ngài. Từ việc không tin nên họ không sám hối, thay đổi đời sống, kết quả là họ vẫn đắm mình theo thói xấu và làm việc gian ác. Chẳng những không thay đổi lối sống gian ác, mà họ còn thách thức Thiên Chúa khi đòi các điềm lạ.

Chúa Giêsu từ chối thực thi các điềm lạ vì Ngài thừa biết có làm bao nhiêu nữa họ cũng chẳng tin. Thực vậy, khi nhốt mình trong định kiến xấu về một người nào đó thì ta chẳng hề nhận thấy điều gì hay nơi họ nữa. Chân lý bị che khuất bởi thái độ đóng kín trong chính mình và rốt cuộc tội lỗi vẫn thống trị nơi người đó.

Đời sống đạo mỗi ngày của tôi phải luôn mở lòng ra trước những biến chuyển của thời đại, trước những hướng dẫn của Chúa và Hội Thánh, nhằm thay đổi cuộc đời nên tốt hơn. Thái độ khép kín trong chính mình vô tình làm cho chúng ta bị nô lệ:“chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa”.

Lạy Chúa Giêsu, một hồ nước nếu không thông thương với bên ngoài thì chỉ là ao tù hôi hám. Xin Chúa dạy con luôn biết mở lòng mình ra trước lời mời gọi của Chúa; của Hội Thánh để nhờ đức tin đời sống con nên tốt hơn mỗi ngày; để con được hưởng tự do mà Chúa đã trao ban bằng Máu Chúa. Amen.

Thứ Ba

Bài Ðọc I: Gl 4, 31b – 5, 6

Anh em thân mến, chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta. Anh em hãy đứng vững, đừng để bị đặt dưới ách nô lệ một lần nữa. Chính tôi đây, Phaolô, tuyên bố cho anh em rằng: Nếu anh em chịu cắt bì, thì Ðức Kitô chẳng làm nên công trạng gì cho anh em. Tôi chứng thực một lần nữa với mọi người nào chịu cắt bì rằng: họ bị bắt buộc phải giữ trọn cả lề luật. Anh em muốn công chính hoá bởi lề luật, thì anh em tự tách biệt khỏi Ðức Kitô, và đã mất ân sủng rồi. Về phần chúng tôi, nhờ Thánh Thần và nại vào đức tin, chúng tôi mong chờ trông cậy sự công chính. Bởi chưng trong Ðức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến.

Phúc Âm: Lc 11, 37-41

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa. Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: “Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

SUY NIỆM

Phụng vụ lời Chúa hôm nay nêu bật mối liên hệ giữa ân sủng và lề luật. Giữa việc cắt bì và không cắt bì; việc rửa tay và dùng bữa với tay không rửa.

Chúa Giêsu làm thực khách trong nhà người biệt phái, và người ta dò xét về thái độ của Ngài với luật lệ tiền nhân: rửa tay trước khi ăn. Việc không giữ luật làm người biệt phái ngạc nhiên trong lòng. Chúa thấu hiểu tư tưởng của ông và dạy rằng sự sạch sẽ không hệ tại bên ngoài mà ở tấm lòng: Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Ðấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông”.

Nhờ Thánh Thần và đức tin, Thánh Phaolô đã kiên quyết khẳng định con người được công chính nhờ đức tin, chứ không phải do giữ luật: Anh em muốn công chính hoá bởi lề luật, thì anh em tự tách biệt khỏi Ðức Kitô, và đã mất ân sủng rồi” “trong Ðức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều vô giá trị, nhưng chỉ có đức tin hoạt động bởi đức mến”.Nói như thế có phải thánh Phaolô coi nhẹ việc giữ luật? Thưa không. Nhưng Ngài muốn dành chỗ ưu tiên cho đức tin trong việc công chính hóa. Vì nếu không có đức tin hướng dẫn thì mọi việc giữ luật chỉ là hình thức bên ngoài, hời hợt và vô hiệu.

Lạy Chúa Giêsu, đôi khi con hay nại vào công kia việc nọ mình làm mà khoe khoang về công đức và sự thánh thiện của mình. Khi làm như thế là con “tự tách biệt khỏi Ngài, và đã mất ân sủng rồi”. Xin Chúa lôi kéo con đến với Chúa. Xin đức tin vào Chúa chỉ đường để con biết làm đẹp ý Chúa. Amen.

Thứ Tư

Bài Ðọc I: Gl 5, 18-25

Anh em thân mến, nếu anh em được Thánh Thần hướng dẫn, anh em không còn ở dưới chế độ lề luật nữa. Vả chăng người ta thừa hiểu sự nghiệp của xác thịt là: tà dâm, ô uế, phóng đãng, buông tuồng, thờ lạy thần tượng, phù phép, thù hằn, kình địch, ghen tương, giận dữ, cãi lẫy, bất bình, bè phái, giết người, say sưa, mê ăn uống, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng nói rằng: hễ những ai phạm các điều lỗi đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.

Còn hoa quả của Thánh Thần là: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết. Lề luật không chống lại các điều ấy. Vả chăng, những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và đam mê vào thập giá. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, chúng ta cũng hãy ăn ở theo Thánh Thần. 

Phúc Âm: Lc 11, 42-46

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!” Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”.

SUY NIỆM

Lời Chúa hôm nay cho tôi thấy có 2 lối sống. Lối sống theo xác thịt và theo Thánh Thần. Hai lối sống này đối nghịch và loại trừ nhau.

Lối sống theo xác thịt với sự nghiệp là: “tà dâm, ô uế, phóng đãng, buông tuồng, thờ lạy thần tượng, phù phép, thù hằn, kình địch, ghen tương, giận dữ, cãi lẫy, bất bình, bè phái, giết người, say sưa, mê ăn uống, và những điều khác giống như vậy”. Kết quả của lối sống này là sự hư mất đời đời: “hễ những ai phạm các điều lỗi đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”.

Đối nghịch với lối sống trên là sống theo hướng dẫn của Thánh Thần, với hoa quả đi kèm là: “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết”.

Những người biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay là hình ảnh cụ thể của lối sống theo xác thịt: “các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia”. Chính vì lối sống này cản bước mà họ không thể đón nhận Tin Mừng do Đức Kitô mang đến.

Chỉ có lối sống theo Thánh Thần mới là lối sống thuộc về Chúa Kitô “những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và đam mê vào thập giá”.

Lạy Chúa Kitô, con mang danh là Kitô hữu, người có Chúa Kitô, thuộc về Chúa Kitô. Xin Chúa ban ơn để con không chỉ thuộc về Chúa trên danh nghĩa mà còn thật sự trong cách sống của con. Amen.

Thứ Năm

Bài Ðọc I:  Ep 1, 1-10

Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô bởi ý định của Thiên Chúa, kính gửi các thánh ở Êphêxô và (là) các tín hữu trong Ðức Giêsu Kitô. (Nguyện chúc) ân sủng và bình an cho anh em do tự Thiên Chúa, Cha chúng ta, và Chúa Giêsu Kitô.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài.

Trong Người, chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.

Phúc Âm: Lc 11, 47-54

Khi ấy, Chúa phán: “Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại”. Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.

SUY NIỆM

Kết thúc bài Tin Mừng hôm nay, tôi thấy một phản ứng tiêu cực khi được sửa dạy. “Khi Người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng”. Phản ứng tiêu cực dẫn đến ba hành động:

Trước hết là ác cảm đến từ con tim: Oán ghét một cách ghê gớm.

Thứ hai từ ác cảm dẫn đến lời nói: chất vấn Người về nhiều vấn đề.

Cuối cùng là đi đến hành động: cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng”.

Phản ứng tiêu cực dẫn đến ba hành động trên nhắc tôi biết thế nào là tội. Tội là một suy nghĩ, lời nói hay hành vi lỗi luật của Chúa và Hội Thánh. Lối sống của biệt phái và luật sĩ khác biệt với giáo huấn của Chúa, đã dẫn họ tới tội thù ghét và loại trừ Ngài.

Lối phản ứng tội lỗi trên cũng có nới cách sống của tôi. Thích nghe những lời bùi tai, ngon ngọt, và phản ứng xấu khi bị sửa dạy, khiển trách. Nếu tôi càng có quyền hành thì phản ứng xấu càng lớn và tội càng nhiều.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa vì sự thật mà phải thiệt thân. Còn con vì sự thật mà ác cảm và ghét bỏ người góp ý chân thật với con. Lối sống của con khác xa giáo huấn của Chúa. Xin cho con đủ khiêm nhường, dừng lại suy xét bản thân trước những lời sửa dạy của anh em. Amen.

Thứ Sáu

Bài Ðọc I: Ep 1, 11-14

Anh em thân mến, trong Ðức Kitô, chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, và anh em (là con cái Israel) cũng được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô. Trong Người, cả anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em, anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần gia nghiệp chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, được ca ngợi vinh quang Ngài.

Phúc Âm: Lc 12, 1-7

Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: “Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.

“Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy. “Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ”.

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng ngày hôm qua kết thúc với một âm điệu mà người nghe có thể cảm nhận sự nguy hiểm cho Chúa Giêsu: “các biệt phái và tiến sĩ luật bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng”.

Ngược lại, bài Tin Mừng hôm nay cho tôi thấy giáo huấn và thái độ và của Chúa Giêsu trước nguy hiểm này.

Đầu tiên, Ngài dạy các môn đệ đừng ngã trên vết xe đổ của biệt phái luật sĩ:  “Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình”. Nghĩa là đừng sợ phải sống theo sự thật. Vì không có sự giả dối, giả hình nào tồn tại lâu dài: “Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được”.

Kế đến là đừng sợ bị bách hại vì sống sự thật. Kẻ bách hại người lành chỉ giết được thân xác “các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa”. Điều quan trọng là giữ cho linh hồn được sống. Để linh hồn được sống đòi hỏi phải chỉ sợ Thiên Chúa – Đấng là Sự Thật.

Cuối cùng là phó thác đời mình cho Chúa. Chúa không quên loài chim sẻ kém giá trị, chắc chắn Chúa sẽ không quên những ai suốt đời sống và hy sinh vì Sự Thật.

Chính thái độ này đã dẫn Chúa Giêsu bước vào cuộc Tử Nạn trong sự can đảm và phó thác vào Thiên Chúa.

Lạy Chúa, Chúa dạy con phải sống và làm chứng cho sự thật. Trong một xã hội điên đảo thị phi, lời chứng cho sự thật càng phải vang dội. Khốn nỗi con chưa đủ mạnh để sống như Chúa muốn. Con còn sợ thiệt thòi khi làm chứng cho sự thật. Xin Chúa ban thêm ơn can đảm và khôn ngoan để con biết sợ chỉ một mình Chúa thôi. Amen.

Thứ Bảy

Bài Ðọc I: Ep 1, 15-23

Anh em thân mến, khi nghe biết lòng tin của anh em đối với Chúa Giêsu, và lòng mến của anh em đối với hết thảy các thánh, tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em, khi nhớ đến anh em trong kinh nguyện. Xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người. Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.

Phúc Âm: Lc 12, 8-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha. “Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.

SUY NIỆM

Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh đến việc phải sống và làm chứng cho Chúa – Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”.

Tính chất quyết định của việc trung thành với Thiên Chúa đi đôi với số phận đời đời của con người. “Nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”.

Việc phủ nhận mối tương quan của mình với Đức Kitô, đặc biệt là khi bị bách hại; đồng nghĩa với việc phạm đến Thánh Thần, tội này sẽ không được tha. Đây là tội cứng lòng, “tội chống lại Thánh Thần”(x. Cv 7,51 ) nên không thể đón nhận sự tha thứ bởi Thiên Chúa.

Ngược lại, ai can đảm sống theo sự thật thì sẽ được Thần Chân Lý bảo trợ: “Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào”.

Đời sống mỗi ngày, luôn đặt ra trước mặt tôi những cơ hội để làm chứng cho sự thật. Có nói có, không nói không trước một sự kiện. Hay đơn giản chỉ là làm dấu Thánh giá trước khi ăn nơi quán ăn công công… những khi ấy tôi có tuyên xưng Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đường là Sự thật và là sự sống. Khi sống theo Sự thật, con sẽ tìm được con Đường dẫn tới Sự sống. Con tin Chúa nhưng có khi còn sống xa đường lối Chúa. Xin Chúa nâng đỡ đức tin yếu kém của con; để trong mọi hoàn cảnh con mạnh mẽ làm chứng cho Chúa trước người đời. Amen.

Gp. Cần Thơ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]