- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 27 TN C

Lm. Giuse Nguyễn

 

THỨ HAI – Trang 1

THỨ BA – Trang 2

THỨ TƯ – Trang 3

THỨ NĂM – Trang 4

THỨ SÁU 07/10

Lễ Đức Mẹ Mân Côi  – Trang 6

THỨ BẢY – Trang 7

– o O o –

THỨ HAI

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 1, 6-12

Anh em thân mến, tôi ngạc nhiên thấy anh em thay lòng đổi dạ chóng như thế đối với Ðấng đã kêu gọi anh em thông phần vào ân sủng của Ðức Kitô, để anh em quay sang một tin mừng khác: Tin mừng khác làm gì có, chỉ có những kẻ phá rối anh em và muốn anh em đảo lộn Tin Mừng của Ðức Kitô. Nhưng cho dù chúng tôi, hay một thiên thần nào từ trời đến giảng tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người đó bị chúc dữ. Như chúng tôi đã nói trước, và giờ đây tôi xin nói lại rằng: Nếu ai trong anh em rao giảng cho anh em Tin Mừng khác hơn điều anh em đã lãnh nhận, thì người đó bị chúc dữ.

Giờ đây, tôi phải làm vừa lòng người ta hay là Thiên Chúa? Nào có phải tôi tìm cách làm vừa lòng người ta sao? Nếu tôi còn làm vừa lòng thiên hạ, thì tôi không phải là đầy tớ của Ðức Kitô.

Anh em thân mến, tôi cho anh em biết rằng Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, vì tôi không nhận cũng không học với loài người, nhưng là do Ðức Giêsu Kitô mạc khải.

 

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: “Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông”.

“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

 

Suy Niệm

Trong chuyến truyền giáo thứ hai, thánh Phaolô đã thiết lập giáo đoàn Galata ở nội địa vùng Tiểu Á. Giáo đoàn này có nhiều kitô hữu gốc lương dân, nhưng cũng có một số kitô hữu gốc Do thái giáo.

Chính những kitô hữu gốc Do thái giáo đã làm lung lạc đức tin non nớt của những kitô gốc lương dân. Họ đã không nghiêm túc sống theo Tin Mừng của Đức Giêsu, mà còn pha trộn những hình thức bên ngoài của Do thái giáo. Thánh Phaolô gọi đó là “Tin mừng khác”.

Thánh Phaolô muốn cho họ biết Tin mừng tinh tuyền là việc mặc khải về ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sự Phục sinh của Người… Nhưng một số người gốc Do thái đã nhắc lại và bắt những người gốc lương dân phải sống theo lề luật cũ, trong đó có việc cắt bì.

Những người đó, thánh Phaolô mạnh mẽ “xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy”. Kiểu nói này dành cho những người không trung tín với Thiên Chúa, nói cách khác là những người đã rao giảng thứ “Tin mừng khác”.

Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu đã cho người thông luật biết điều cốt yếu của Tin mừng là sống tình yêu thương một cách cụ thể giống người Samari dù anh ta không có đạo, chứ đừng nệ vào luật lệ như ông tư tế và trợ tế là những người lãnh đạo tôn giáo.

Sống đạo là sống theo Tin mừng của Đức Giêsu, vì Người “là đường, là  sự thật và là sự sống”.Tin mừng đó chính là tình yêu muốn cứu độ nhân loại chúng ta. Tin mừng đó được thể hiện cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô “là họa ảnh của lòng thương xót”. Tin mừng đó được diễn tả trong chính cuộc đời của người môn đệ Đức Giêsu.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra được sứ điệp chính yếu trong Tin mừng của Đức Giêsu là con được Chúa yêu thương. Từ đó mời gọi con hãy trở nên giống Đức Giêsu trong tình yêu thương cụ thể, biết hạ mình xuống để đến với mọi người, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh. Xin đừng để bất cứ điều gì cản trở bước đường yêu thương của con.

THỨ BA

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 1, 13-24

Anh em thân mến, anh em nghe nói về đời sống của tôi trước kia, khi theo đạo Do-thái: tôi đã bắt bớ và phá hoại Hội Thánh của Thiên Chúa thái quá. Trong đạo Do-thái, tôi đã vượt hẳn nhiều bạn đồng giống nòi, đồng tuổi với tôi, và tôi nhiệt thành hơn bất cứ ai đối với truyền thống của cha ông tôi.

Nhưng khi Ðấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ, và dùng ơn Người mà kêu gọi tôi, để tôi rao giảng Người trong các dân ngoại, thì không lúc nào tôi bàn hỏi người xác thịt máu huyết, và tôi không lên Giêrusalem để gặp các vị làm tông đồ trước tôi, nhưng tôi đi ngay đến Arabia, rồi lại trở về Ðamas. Ðoạn ba năm sau, tôi mới lên Giêrusalem để gặp Phêrô, và lưu lại với ông mười lăm ngày. Tôi không gặp một tông đồ nào khác, ngoài Giacôbê, anh em của Chúa. Những điều này tôi viết cho anh em, đây trước mặt Thiên Chúa, tôi không nói dối.

Thế rồi tôi đã đi về miền Syria và Cilicia. Nhưng các giáo đoàn của Ðức Kitô ở xứ Giuđêa chưa biết mặt tôi, họ chỉ nghe đồn rằng: “Người xưa kia bắt bớ chúng ta, giờ đây lại rao giảng đức tin mà thuở trước ông muốn bài trừ”, và vì tôi, họ ngợi khen Thiên Chúa.

 

Phúc Âm: Lc 10, 38-42

Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với”.

Nhưng Chúa đáp: “Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

 

Suy niệm

Những Kitô hữu gốc Do Thái đã làm hoang mang cho những Kitô hữu gốc dân ngoại về sứ mạng của ông Phaolô, chính vì vậy mà ông phải biện hộ cho mình. Thánh Phaolô cho mọi người thấy ngài là một kitô hữu gốc Do Thái, nhiệt thành trong công việc rao giảng truyền thống, luật lệ của Môsê. Ông không ngần ngại nói về quá khứ của mình, cho thấy ông là một con người rất chân thành. Nhưng từ “khi Ðấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ, và dùng ơn Người mà kêu gọi tôi, để tôi rao giảng Người trong các dân ngoại”, thì ông đã hoàn toàn vâng phục theo Tin Mừng của Đức Giêsu, Đấng đã chọn gọi ông làm Tông đồ để rao giảng cho dân ngoại.

Thánh Phaolô biện minh cho mình để những kitô hữu kể cả gốc Do Thái và gốc dân ngoại thấy rằng Tin Mừng mà họ đang được nghe rao giảng mới là Tin Mừng đem lại hạnh phúc đích thực cho họ.

Vì thế, thái độ khao khát được nghe, thôi thúc được thực hiện những lời Đức Giêsu là thái độ tốt nhất của Kitô hữu. Thái độ đó được Đức Giêsu đề cao qua tấm gương của Maria trong bài Tin mừng hôm nay.

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa cho con được biết Đức Giêsu. Con xin Chúa cho con được yêu mến những lời Ngài giảng dạy. Con tha thiết được dành mọi ưu tiên trong cuộc đời cho đối tượng duy nhất của lòng con. Con xin Chúa bảo vệ con, đừng để những xáo trộn bên ngoài làm con xa cách Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Ngài!

THỨ TƯ

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 2, 1-2. 7-14

Anh em thân mến, mười bốn năm sau, tôi lại lên Giêrusalem cùng với Barnaba và có đem Titô theo. Tôi đã theo ơn mạc khải mà lên đó, và tôi đã trình bày với các đấng đó về Tin Mừng mà tôi rao giảng nơi các dân ngoại, tôi bàn hỏi riêng với những bậc vị vọng, vì e rằng mình đang bôn tẩu hoặc đã bôn tẩu luống công chăng.

Trái lại, khi các đấng ấy thấy rằng tôi được uỷ nhiệm rao giảng Tin Mừng cho người không chịu cắt bì, cũng như đã uỷ nhiệm cho Phêrô rao giảng cho những người đã chịu cắt bì, (vì Ðấng đã ban cho Phêrô làm Tông đồ cho những người đã chịu cắt bì, cũng đã ban cho tôi làm Tông đồ lo cho các dân ngoại), và khi đã nhận biết ơn đã ban cho tôi, thì Giacôbê, Kêpha và Gioan, là những vị được kể như cột trụ, đã bắt tay tôi và Barnaba, tỏ tình thông hảo. Thế là chúng tôi đi sang các dân ngoại, còn các đấng thì đi đến với những người đã chịu cắt bì. Bấy giờ chúng tôi chỉ còn phải nhớ đến những người nghèo khổ, và đó là chính điều tôi đã định tâm thi hành.

Nhưng khi Kêpha đến Antiôkia, tôi đã phản đối ông ngay trước mặt, vì ông làm điều không phải. Vì chưng trước khi mấy người bên Giacôbê đến, thì ông vẫn dùng bữa với những người dân ngoại, nhưng khi những người ấy đến, thì ông lẩn lút và tự lánh mặt đi, bởi sợ những người thuộc giới cắt bì. Những người Do-thái khác đều giả hình như ông, thậm chí cả Barnaba cũng bị lôi cuốn theo sự giả hình của họ. Nhưng khi thấy họ không thẳng thắn sống theo chân lý Tin Mừng, tôi đã nói với Kêpha trước mặt mọi người rằng: “Nếu ông là Do-thái, mà còn sống theo thói người dân ngoại, chứ không theo thói người Do-thái, thì lẽ nào ông bắt ép người dân ngoại phải theo thói người Do-thái sao?

 

Phúc Âm: Lc 11, 1-4

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói:

“Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

 

Suy niệm

Trong bài đọc thứ nhất, thánh Phaolô tường thuật lại đại hội truyền giáo tại Giêrusalem. Trong đại hội này, Phaolô với tư cách là Tông đồ dân ngoại đã đem theo ông Titô là một người gốc dân ngoại không chịu phép cắt bì để minh chứng cho đường hướng truyền giáo của Phaolô, là đức tin mới đem đến ơn cứu độ chứ không phải tuân giữ những luật lệ khắt khe (cắt bì). Còn về phía Giáo hội mà đại diện là 3 môn đệ thân tín của Đức Giêsu: Kêpha (Phêrô), Giacôbê và Gioan được Chúa Thánh Thần soi sáng “đã bắt tay tôi và Barnaba, tỏ tình thông hảo”. Nghĩa là họ đồng ý đường hướng truyền giáo cho dân ngoại của Phaolô.

Tuy nhiên sau đó có sự kiện: “khi Kêpha đến Antiôkia, tôi đã phản đối ông ngay trước mặt, vì ông làm điều không phải. Vì chưng trước khi mấy người bên Giacôbê đến, thì ông vẫn dùng bữa với những người dân ngoại, nhưng khi những người ấy đến, thì ông lẩn lút và tự lánh mặt đi, bởi sợ những người thuộc giới cắt bì” . Thực sự ra Phêrô chỉ vì muốn tránh gương mù, gương xấu cho những Kitô hữu gốc Do thái thôi. Còn Phaolô cũng vì quá nhiệt thành lo cho những Kitô hữu gốc dân ngoại nên đã lên án mạnh mẽ vị đứng đầu Giáo hội.

Tất cả môn đệ Đức Giêsu đều được mời gọi nhằm làm cho “Danh Cha cả sáng”. Chính vì thế nhiệt thành trong công việc truyền giáo là rất tốt, nhưng phải làm sao để người ta nhận ra “Danh Cha” trong từng lời nói, việc làm của mình kẻo như chính lời của thánh Phaolô  đã nói: “E rằng mình đang bôn tẩu hoặc đã bôn tẩu luống công chăng”

Lạy Chúa, xin cho con ý thức ơn gọi của con là làm sáng Danh Chúa trong chính cuộc đời của con. Sáng Danh Chúa vì con được Chúa yêu thương nên đã chọn gọi, thanh tẩy và thánh hiến con để con được làm con Chúa. Sáng Danh Chúa vì qua chính đời sống con mọi người sẽ nhận ra được tình yêu thương của Chúa. Xin cho con biết dẹp qua sự sợ hãi, đồng lõa với những sai trái của xã hội hôm nay để mạnh dạn sống theo thánh ý Chúa. Xin cho con tránh óc bè phái trong công tác tông đồ, để hình ảnh Đức Giêsu được giới thiệu một cách trong sáng hơn. Xin cho con nhớ rằng, tất cả đều quy về Đức Giêsu, để cùng nhau hợp tác trong công việc Truyền giáo.

THỨ NĂM

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 3, 1-5

Ôi những người Galata vô tâm trí, ai đã mê hoặc anh em bất phục chân lý tỏ bày Ðức Giêsu Kitô trước mặt anh em, Ðấng chịu đóng đinh vào thập giá trong anh em? Tôi chỉ muốn anh em cho biết một điều này: là anh em đã lãnh nhận Thánh Thần bởi giữ luật hay bởi vâng phục đức tin? Chớ thì anh em vô tâm trí đến nỗi anh em đã khởi công theo tinh thần, để rồi giờ đây kết thúc theo xác thịt sao? Anh em đã chịu đựng bao nhiêu chuyện như thế luống công sao, nếu có thể nói là luống công? Vậy Ðấng ban Thánh Thần cho anh em và làm những việc lạ lùng nơi anh em, có phải Người hành động bởi anh em giữ luật hay bởi anh em vâng phục đức tin?

 

Phúc Âm: Lc 11, 5-13

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai trong các con có người bạn, giữa đêm khuya đến nói với người ấy rằng: “Anh ơi, xin cho tôi vay ba chiếc bánh, vì tôi có anh bạn đi đường ghé lại nhà tôi, mà tôi không có gì thết đãi anh ấy”. Và từ trong nhà có tiếng người ấy đáp: “Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi, tôi không thể chỗi dậy lấy bánh cho anh được”. Thầy bảo các con, dù người đó không dậy vì tình bạn để lấy bánh cho người bạn, người đó cũng sẽ dậy, ít nữa là vì sự quấy rầy của người kia mà cho anh ta tất cả những gì anh ta cần.

“Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho. Người cha nào trong các con có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá ư? Hay nó xin cá lại cho nó con rắn thay vì cá sao? Hay nó xin quả trứng, lại cho nó con bọ cạp ư? Vậy nếu các con là những kẻ gian ác, còn biết cho con cái mình những của tốt, phương chi Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người”.

 

Suy niệm

Trong phần giáo huấn của mình, thánh Phaolô đã thay đổi não trạng của những kitô hữu gốc Do Thái, bắt những kitô gốc lương dân phải giữ luật cắt bì. Thánh nhân cho họ biết việc nên công chính không phải là do giữ lề luật, mà do tin vào Đức Giêsu Kitô. Nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô,  nhờ được Thánh Thần hướng dẫn nên họ được tự do. Thái độ tự do là không bị lệ thuộc bởi những luật lệ, những hình thức bên ngoài. Thánh nhân muốn các kitô hữu của mình phải đi sâu vào sự hiệp thông với tình yêu của Đức Giêsu,  chính tình yêu  này thôi thúc để họ sẵn sàng làm những điều Đức Giêsu muốn, chứ không phải muốn Đức Giêsu ghi nhận những việc họ làm.

Đó chính là thái độ tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa  mà thánh Luca nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Người con phải tin cha mình sẽ làm những việc tốt đẹp cho mình, để họ ngoan ngoãn làm theo những gì người cha hướng dẫn. Ngược lại, những người con cố gắng “ghi điểm” trong mắt cha mình, sẽ rất mệt mỏi để chú trọng làm sao cho cha mình ghi nhận những thành quả của mình.

Lạy Chúa, sống với Chúa trong mối tình cha con sẽ giúp con trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, không còn quan tâm đến những luật lệ; nhưng chính tình yêu đó sẽ hun đúc để  con cố gắng mỗi ngày sao cho đẹp lòng Chúa hơn. Sự cố gắng này đôi khi cũng gặp thất bại, nhưng không vì thế mà con cho rằng mình Chúa đã hết thương mình vì mình không giữ luật của Chúa. Con vẫn luôn tin tưởng Chúa tiếp tục thương con để mời gọi con sửa đổi những sai trái, phát huy những điều tốt, vì Chúa không quan tâm đến việc con làm được gì, nhưng Chúa  muốn con bước đi theo  Chúa mỗi ngày.

THỨ SÁU 07/10

Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Bài Đọc I: Cv 1, 12-14

Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát.13 Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê.14 Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

 

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

 

Suy niệm

Ngay khi đứng dưới chân thập giá, Đức Giêsu đã trao Giáo Hội (đại diện là thánh Gioan) cho Đức Mẹ. Vì vậy Mẹ luôn luôn hiện diện trong lòng của Giáo hội. Sách Công vụ Tông đồ kể lại ngay khi Đức Giêsu về trời, các Tông đồ đã quy tụ quanh Đức Maria để cùng với Mẹ chuyên cần cầu nguyện. Sự hiện diện của Mẹ là để Giáo hội “đồng tâm nhất trí với nhau, chuyên cần cầu nguyện”.

Chính nhờ việc cầu nguyện đó đã giúp Mẹ nhận ra được  thánh ý của Chúa qua lời truyền tin của sứ thần Gabriel. Cũng nhờ việc cầu nguyện đó đã giúp Mẹ can trường hơn trong những thử thách, đau thương của  cuộc đời.

Việc cầu nguyện cũng chính là điều mà Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ của Ngài, để họ có thể nối kết với Thiên Chúa, với những tại cao quý ở trên trời.

Tháng Mân Côi là thời gian để nhắc nhở chúng ta về việc cầu nguyện. Chúng ta cùng cầu nguyện với Mẹ để dâng lên Chúa những tâm tình của chúng ta. Tâm tình đó chính là những bông hoa hồng có khi đã trãi qua những đau thương đẫm máu. Chúng ta cùng cùng nguyện với Mẹ để Mẹ sẽ giúp chúng ta can trường trong đời sống đức tin, vì Mẹ đã từng trãi qua những thử thách, đau thương của cuộc đời. Chúng ta cùng cầu nguyện với Mẹ, để nhờ Mẹ chúng ta sẽ dễ đến với Chúa hơn.

Lạy Mẹ Maria, mỗi khi cặp môi con thốt nên lời “kính mừng Maria đầy ơn phúc”, là mỗi lần Mẹ ở bên con, biến lời kinh của con thành bông hoa hồng để Mẹ dâng lên Chúa. Mỗi khi con cầu nguyện: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con” là Mẹ sẽ đưa tay để nâng đỡ, chở che con khỏi thế lực của ác thù. Xin cho tin tưởng vào sự bầu cử đắc lực của Mẹ, để con biết quây quần xung quanh Mẹ  để tìm được sự bình an, vì Mẹ là Nữ vương ban sự bình an.

 

THỨ BẢY

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 3, 22-29

Anh em thân mến, Thánh Kinh đã giam giữ mọi loài dưới ách tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô mà lời hứa được ban tặng cho những kẻ tin.

Nhưng trước khi đức tin chưa đến, thì chúng ta bị giam giữ dưới ách lề luật, để mong chờ đức tin sẽ được tỏ hiện. Bởi thế, lề luật là thầy dạy đưa chúng ta đến cùng Ðức Kitô, để nhờ đức tin, chúng ta được công chính hoá. Nhưng một khi đức tin đã đến, chúng ta không còn ở dưới quyền thầy dạy nữa. Bởi chưng, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Vì chưng, tất cả anh em đã chịu phép rửa tội trong Ðức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Ðức Kitô. Nay không còn phân biệt người Do-thái và Hy-lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ: vì tất cả anh em là một trong Ðức Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh em thuộc về Ðức Kitô, thì anh em là dòng dõi Abraham, những kẻ thừa tự như lời đã hứa.

 

Phúc Âm: Lc 11, 27-28

Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Nhưng Người phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.

 

Suy niệm

Trong Bài Đọc thứ nhất, thánh Phaolô cho các kitô hữu thành Galata biết thời của đức tin đã đến. Quả thật, luật cũ trói buộc cuộc người, làm cho họ trở thành nô lệ cho lề luật. Nhưng từ khi Đức Giêsu đến, Ngài đã giải  thoát nhân loại, để những ai tin vào Ngài sẽ không còn làm nô lệ nữa, mà trở thành những con người tự do đích thực. Điều cốt yếu mà thánh Phaolô muốn cho các Kitô hữu thành Galata biết là một khi đã tin vào Đức Giêsu rồi, thì không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà nữa, mà tất cả đều được tình yêu của Đức Kitô biến đổi thành con người mới.

Những con người mới đó được gia nhập vào đại gia đình của Đức Giêsu bằng việc “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”, chứ không phải bằng việc cắt bì hay không cắt bì, có liên hệ huyết thống hay không huyết thống.

Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã cho con gia  nhập vào gia đình của Chúa qua Bí tích rửa tội. Xin cho con cố gắng sống trong gia đình này bằng một tình yêu chân thành, hiệp thông và xây dựng. Xin giúp con sống hòa thuận với anh chị em mình, đừng phân biệt đối xử theo bất cứ tiêu chuẩn nào, vì tất cả chúng con đều được Máu của Đức Kitô cứu độ.

Gp. Cần Thơ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]