- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 24 TN C

Lm. Dominico dmp

Thứ Hai – Trang 1

Thứ Ba – Trang 2

Thứ Tư – Trang 3

Thứ Năm – Trang 4

Thứ Sáu – Trang 5

Thứ Bảy – Trang 6

 – o O o –

Thứ Hai

Bài Ðọc I: 1 Cr 11, 17-26

Anh em thân mến, tôi truyền dạy điều này: tôi chẳng khen anh em, vì anh em hội nhau, không phải để được ích lợi hơn, nhưng là để ra tệ hơn. Trước tiên, tôi nghe đồn rằng: khi anh em họp nhau trong cộng đoàn, thì có sự chia rẽ giữa anh em, và tôi cũng tin phần nào. Vì cần phải có phe phái, để những người đã được thử thách, được tỏ rõ giữa anh em. Vậy khi anh em họp nhau lại thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa, vì mỗi người đều lo đem bữa ăn riêng của mình đến để ăn. Vì thế người thì đói, người khác lại say sưa. Chớ thì anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay là anh em khinh miệt Cộng Ðoàn Thiên Chúa, và làm nhục những kẻ không có gì? Tôi phải nói thế nào với anh em? Khen anh em ư? Về điều này, tôi chẳng khen anh em. Vì chưng, phần tôi, tôi đã lãnh nhận nơi Chúa điều mà tôi đã truyền lại cho anh em, là Chúa Giêsu trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: “Các con hãy lãnh nhận mà ăn, này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: “Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Vì mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa lại đến. Vậy hỡi anh em, khi anh em họp nhau để dùng bữa, anh em hãy chờ đợi nhau.

 

Phúc Âm: Lc 7, 1-10

Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”. Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dânIsrael, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.

 

SUY NIỆM

MỘT MẪU GƯƠNG

Tôi cảm thấy ngưỡng mộ người sĩ quan trong đoạn Tin mừng hôm nay vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, ông là một người lãnh đạo có trách nhiệm với người dưới quyền, ông đã quan tâm đến người khác, cụ thể qua việc ông đến xin Đức Giêsu chữa bệnh cho người đầy tớ của ông.

Thứ hai, ông là người có quyền, nhưng ông khiêm tốn đến cầu xin Đức Giêsu. Ông có một đức tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu và quyền năng của Thiên Chúa như Đức Giêsu đã nói về ông: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”.

Trong cuộc sống thường ngày, tôi muốn được người khác quan tâm, muốn được người khác phục, muốn được hưởng quyền lợi, muốn được người khác tôn trọng. Vì lo cho mình và lo cho nhưng lợi ích cá nhân mà tôi quên đi bổn phận của mình đối với tha nhân, không chu toàn trách nhiệm đối với những người dưới quyền tôi, những người đang ở cạnh bên tôi.

Trong cuộc sống của mình, khi đứng trước khó khăn thử thách tôi dễ bị chao đảo và mất niềm tin vào Chúa. Hay khi thành công, tôi dễ tự hào về bản thân của mình, tin vào mình hơn là tin vào quyền năng của Chúa.

Người sĩ quan trong đoạn Tin mừn hôm nay là một mẫu gương cho tôi về việc quan tâm đến những nhu cầu của tha nhân và phục vụ tha nhân. Ông cũng là một mẫu gương cho tôi về sự tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết quan tâm đến tha nhân và những nhu cầu của tha nhân để con trở nên nhân chứng cho Tin mừng của Chúa qua việc phục vụ và đem lại niềm vui cho người khác. Xin cho con biết tin tưởng vào quyền năng của Chúa và phó thác vào Chúa trong mọi sự. Amen.

Thứ Ba

 

Bài Ðọc I: 1 Cr 12, 12-14. 27-31a

Anh em thân mến, như thân xác là một, mà có nhiều chi thể, và tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người theo phận sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là các Tông đồ, thứ đến là các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng. Vậy tất cả mọi người là Tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư? Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư? Anh em hãy cần mẫn sao cho được những ân điển cao trọng hơn.

 

Phúc Âm: Lc 7, 11-17

Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim. Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà goá kia và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa động lòng thương và bảo bà rằng: “Ðừng khóc nữa”. Ðoạn tiến lại gần, Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán: “Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy”. Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó. Mọi người đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người”. Và việc này đã loan truyền danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận.

 

SUY NIỆM

CẢM THÔNG

Việc Chúa Giêsu “động lòng thương” trước một sự kiện đau thương trong cuộc sống con người đã gợi lên cho tôi một hình ảnh Thiên Chúa rất gần gũi với con người. Thật vậy, Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã hiện diện và ở với con người. Ngài đã cảm thông, chia sẻ với con người trong mọi hoàn cảnh sống, cụ thể là trước cái chết của đứa con bà góa được diễn tả trong đoạn Tin mừng này. Và khi có sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa, con người đón nhận được niềm vui, bình an và hạnh phúc.

Trong cuộc sống mỗi ngày, tôi cũng đối diện với những vui buồn, những mệt mỏi và gánh nặng, những đau thương mất mát. Tôi cũng nhìn thấy tha nhân chung quanh tôi đang sống trong cảnh bất hạnh đau khổ.

Sự hiện diện và hành động của Đức Giêsu trong đoạn Tin mừng hôm nay gợi lên cho tôi những suy nghĩ sau đây:

Thiên Chúa luôn gần gũi với tôi, luôn nhìn thấy tôi trong cuộc sống mỗi ngày và đồng hành với tôi trong mọi hoàn cảnh sống. Ngài cũng thấu hiểu và cảm thông với tôi trong mọi sự. Vì thế, khi nhận ra điều này, tôi sẽ sống bình an trong mọi sự kiện của cuộc sống, vì có Chúa luôn ở với tôi.

Đức Giêsu cũng là một mẫu gương cho tôi và mời gọi tôi biết thông cảm và chia sẻ với tha nhân, nhất là những người đang gặp những khủng hoảng hay bất an trong cuộc sống. Thông cảm với tha nhân là tôi đang sống trong tình liên đới và hiệp thông với tha nhân trong một “Thân Thể Đức Kitô”.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự hiện diện và quan phòng của Chúa trong cuộc sống. Xin cho con cũng biết cảm thông và chia sẻ với tha nhân trong mọi hoàn cảnh để con sống trong niềm vui và bình an của Chúa và chia sẻ niềm vui và bình an cho tha nhân. Amen.

Thứ Tư

Bài Ðọc I:1 Cr 12, 31 – 13, 13

Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát hết gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi. Bác ái thì kiên tâm, nhân hậu. Bác ái không đố kỵ, không khoác lác, không kiêu hãnh, không ích kỷ, không nổi giận, không suy tưởng điều xấu, không vui mừng trước bất công, nhưng chia vui cùng chân lý. Bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, trông cậy tất cả, chịu đựng tất cả. Bác ái không khi nào qua đi, ơn tiên tri sẽ bị huỷ diệt, ơn ngôn ngữ sẽ chấm dứt, ơn thông minh sẽ biến mất. Vì chưng chúng ta hiểu biết có giới hạn, chúng ta nói tiên tri có giới hạn, nhưng khi điều vẹn toàn đến, thì điều có giới hạn sẽ biến đi. Khi còn bé nhỏ, tôi nói như trẻ nhỏ, suy tưởng như trẻ nhỏ, lý luận như trẻ nhỏ; nhưng khi tôi đã trưởng thành, tôi loại bỏ những gì là trẻ nhỏ. Hiện giờ, chúng ta thấy mờ mịt qua tấm gương, nhưng lúc bấy giờ, diện đối diện. Hiện giờ, tôi biết có giới hạn, nhưng lúc bấy giờ, tôi sẽ biết như tôi được biết. Hiện giờ, đức tin, đức cậy, đức mến, tất cả ba đều tồn tại, nhưng trong ba nhân đức, đức mến là trọng hơn cả.

 

Phúc Âm: Lc 7, 31-35

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Ta sẽ phải nói những người của thế hệ này giống ai đây? Họ giống ai? Họ giống như những đứa trẻ ngồi ngoài đường phố gọi và nói với nhau rằng:

“Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa.

“Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc”.

Bởi vì khi Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ngươi bảo: “Người bị quỷ ám”. Khi Con Người đến có ăn có uống, thì các ngươi lại nói: “Kìa con người mê ăn tham uống, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Nhưng sự khôn ngoan đã được minh chính bởi tất cả con cái mình”.

 

SUY NIỆM

PHÙ HỢP

Trong mỗi giai đoạn của lịch sử cứu độ, hay trong mỗi thời đại khác nhau thì có những ngôn sứ hay những chứng nhân khác nhau để giới thiệu Thiên Chúa cho con người hay kêu gọi con người sống phù hợp với lời mời gọi của Thiên Chúa và đưa con người đến với Thiên Chúa.

Ông Gioan tẩy giả là một ngôn sứ và ông đã kêu gọi con người trong thời đại của ông chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế đến. Chính vì thế Gioan và các môn đệ của ông sống với tâm tình sám hối, dọn đường và chờ đợi.

Chúa Giêsu, chính là Đấng Cứu Thế đã đến, đã hiện diện và đã sống với con người để cứu vớt con người, đưa con người trở về với Thiên Chúa. Vì thế các môn đệ của Chúa sống trong tâm tình vui tươi phấn khởi vì có Chúa đang ở cùng.

Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở tôi cần có một đời sống phù hợp. Đó là phù hợp với đức tin, phù hợp với bổn phận, phù hợp với ơn gọi, phù hợp với môi trường, phù hợp với lời mời gọi của Chúa trong cuộc sống hiện tại.

Lời Chúa cũng là một lời nhắc nhở và mời gọi tôi sám hối và đổi mới đời sống mỗi ngày, để tôi sống xứng đáng là người con của Chúa và xứng đáng với ơn gọi và bổn phận của mình một cách trung thực. Chúa cũng buồn và trách tôi nếu tôi không nhận ra sự hiện diện của Chúa và không sử dụng đúng  những ơn Chúa ban để mang lại ích lợi cho mình và cho người khác.

Lạy Chúa, xin cho con có một đức tin vững mạnh để con nhận ra Chúa qua những dấu chỉ trong cuộc sống, và xin cho con biết sống tinh thần sám hối mỗi ngày để con sửa đổi bản thân, bỏ đi những tính hư nết xấu và sống xứng đáng là người con của Chúa hơn. Amen.

Thứ Năm

Bài Ðọc I: 1 Cr 15, 1-11

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không, anh em đã tin cách vô ích. Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như đứa con sinh non. Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các đấng: song không phải tôi, mà là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy.

 

Phúc Âm: Lc 7, 36-50

Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!” Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”. “Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Simon đáp: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông đã xét đoán đúng”. Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”. Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà: “Ðức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”.

 

SUY NIỆM

TÌNH YÊU XÓA BỎ KHOẢNG CÁCH VÀ TỘI LỖI

Khi đọc đoạn Tin mừng này, qua sự kiện người phụ nữ tội lỗi đến rửa chân và lấy tóc lau chân Chúa Giêsu, xức dầu thơm và hôn chân Chúa Giêsu, tôi nhận ra rằng sức mạnh của tình yêu đã xóa bỏ tội lỗi, xóa bỏ những rào cản, những khoảng cách giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau:

-Tình yêu đã làm cho Thiên Chúa ở lại với con người để trao ban tình thương và hạnh phúc cho con người. Tình yêu dã làm cho con người ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa để  sống trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

-Nhờ tình yêu mà con người đến với Thiên Chúa, được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, được trở nên bạn hữu với Thiên Chúa, và được hưởng sự sống thần linh với Thiên Chúa.

-Vì tình yêu mà Thiên Chúa sẵn sàng chết cho con người để cho con người được sống trong ơn nghĩa với Chúa.

Từng ngày từng giờ và trong mọi nơi mọi lúc, Thiên Chúa mời gọi tôi đáp lại tình yêu của Ngài dành cho tôi. Ngài muốn tôi xóa bỏ những khoảng cách để sống yêu Ngài và yêu thương tha nhân.

Lời Chúa hôm nay cũng là lời nhắc nhở tôi xóa bỏ những khoảng cách với tha nhân, xóa bỏ con người nhỏ nhen ích kỉ của tôi, xóa bỏ đi trái tim chai đá của tôi, xóa bỏ đi những hận thù chia rẽ…để tôi sống yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu tôi.

Lạy Chúa, xin cho con một trái tim yêu thương để mỗi ngày con sống yêu thương như Chúa mời gọi, và xin cho con biết diễn tả tình thương của Chúa cho tha nhân trong đời sống thường ngày. Amen.

Thứ Sáu

Bài Ðọc I: 1 Cr 15, 12-20

Anh em thân mến, nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, làm sao trong anh em lại có người dám nói: không có vấn đề kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời giảng của chúng tôi sẽ nên trống rỗng, và Ðức Tin của anh em cũng ra trống rỗng. Vì chưng nếu kẻ chết không sống lại, thì chúng tôi bị coi là những chứng nhân giả dối về Thiên Chúa, vì lẽ chúng tôi đã làm chứng nghịch với Thiên Chúa rằng: Chúa đã phục sinh Ðức Kitô, khi mà Chúa đã không làm cho Ngýời sống lại. Bởi chýng nếu những kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Và nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì đức tin của anh em cũng vô giá trị, vì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi. Vậy ngay cả những người đã an giấc trong Ðức Kitô cũng hư vong. Nếu chúng ta chỉ hy vọng vào Ðức Kitô trong đời sống hiện tại mà thôi, thì chúng ta là những người đáng thương hại nhất. Nhưng kỳ thực Ðức Kitô đã sống lại, Người là đầu mùa những người đã an giấc ngàn thu.

 

Phúc Âm: Lc 8, 1-3

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.

 

SUY NIỆM

CỘNG TÁC

Bài trích sách Tông đồ công vụ hôm nay ghi nhận sự hiện diện và cộng tác của các môn đệ và những người đi theo Chúa. Tôi nhận thấy đây là một hình ảnh rất đẹp trong việc rao giảng tin mừng. Chúa Giêsu và các tông đồ có những cộng sự viên, những người cộng tác với Chúa rao giảng Tin mừng Nước Chúa cho mọi người.

Ngày hôm nay, trong các cộng đoàn, trong các xứ đạo, trong các công việc rao giảng Tin mừng cũng cần tôi cộng tác và góp công góp sức đem Chúa đến cho tha nhân.

Ngày hôm nay, Chúa cũng mời gọi tôi cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ của Ngài qua việc làm bổn phận và qua đời sống của tôi.

Lạy Chúa, xin cho con đáp lại lời mời gọi của những người có trách nhiệm, xin cho con đáp lại lời mời gọi của Chúa để con sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa và cộng tác với tha nhân trong việc rao giảng Tin mừng và đem Chúa đến cho mọi người. Amen.

Thứ Bảy

Bài Ðọc I: 1 Cr 15, 35-37. 42-49

Anh em thân mến, có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.

Và nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như lời chép rằng: “Ađam cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước, không phải thuộc tinh thần, song là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy”. Bởi thế, như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc như vậy.

 

Phúc Âm: Lc 8, 4-15

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: “Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”. Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: “Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

 

SUY NIỆM

SỨ MẠNG

Câu chuyện mà Chúa Giêsu kể trong đoạn tin mừng nghe rất dễ hiểu và dễ nhớ. Chúa cũng gieo vào cuộc đời của tôi hạt giống lời Chúa. Và cuộc sống của tôi là mảnh đất cho lời Chúa nảy mầm và sinh hoa kết quả. Đó là chỗ ở, là môi trường sống là những bổn phận mà Chúa muốn tôi sử dụng và hiện diện để đem lại ích lợi thiêng liêng  cho mình và cho người khác. Khi đọc đoạn Tin mừng này tôi tự hỏi mình: tôi đã sống như Chúa dạy chưa? Cuộc sống của tôi đang là mảnh đất như thế nào?

Trong cuộc sống của mình, tôi cũng những công việc, có ơn gọi, có những bổn phận và cũng có sứ mạng mà tôi phải chu toàn. Thế nhưng, nhiều lần vì những cám dỗ mà tôi đã bỏ quên bổn phận của mình, vì những khó khăn cản trở mà tôi đã không chu toàn bổn phận của mình, hay vì những thất bại, những điều trái ý mà tôi đã thất vọng, than van trách móc, thậm chí tôi còn đánh mất niềm tin vào Chúa, vào tha nhân và chính bản bản thân mình. Những lúc như thế, cuộc sống của tôi trở nên mảnh đất khô cằn làm cho hạt giống lời Chúa không sinh hoa kết quả.

Lạy Chúa, xin cho cho biết sử dụng nhưng ơn Chúa ban để con chu toàn bổn phận  với tinh thần vâng phục, khiêm tốn và phục vụ, để cuộc sống của con là mảnh đất tốt sinh nhiều hoa quả của đức tin. Amen.

 

Gp. Cần Thơ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]