- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 22 TN C

Lm. Vinh Sơn

Thứ Hai 29 tháng 8 – Trang 1

Thứ Ba – Trang 2

Thứ Tư – Trang 3

Thứ Năm – Trang 4

Thứ Sáu – Trang 5

Thứ Bảy – Trang 6

 – o O o –

Thứ Hai – Ngày 29 tháng 8

Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết

Lễ Nhớ

Bài Ðọc I : Gr 1, 17-19

Trong những ngày ấy, lời Chúa phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Ðừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cây cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.

Tin Mừng : Mc 6, 17-29

Khi ấy, Hêrôđê đã sai đi bắt Gioan và giam ông trong ngục: nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan bảo Hêrôđê: “Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ anh mình”. Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.

Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: “Con muốn gì, cứ xin, trẫm sẽ cho”, và vua thề rằng: “Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho”. Cô ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì?” Mẹ cô đáp: “Xin đầu Gio-an Tẩy Giả”. Cô liền vội vàng trở vào xin vua: “Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa”. Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ.

Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.

Suy Niệm

Thánh Gioan Tẩy Giả là vị tiền hô của Chúa Giêsu. Vào năm thứ 15 đời hoàng đế Tibêriô, tức năm 27 sau công nguyên, ngài đi khắp vùng sông Giordan rao giảng, kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế đến. Ngài được mọi người mến phục, tưởng ngài là Đấng Cứu Thế, nhưng ngài khiêm nhường bảo cho họ biết ngài chỉ là người đi trước dọn đường cho Chúa Giêsu. Cuối cùng, ngài đã bị Hêrôđê bắt giam và bị chém đầu.

Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng quở trách Hêrôđê khi ông này cưới vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Hêrôđê đã bắt Gioan tống ngục, còn Hêrôđia muốn giết ông. Nhân dịp sinh nhật Hêrôđê, cô con gái của Hêrôđia nhảy múa làm ông thích thú, nên hứa cho cô bất cứ điều gì cô muốn. Tận dụng cơ hội, bà xúi con gái xin cái đầu của Gioan Tẩy Giả.

Như thế, vì làm chứng cho sự thật, chống lại hành động loạn luân của Hêrôđê và Hêrôđia, Gio-an Tẩy Giả đã phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc đời ngôn sứ của mình: cái chết.

Bài học nào cho ta qua cái chết của Gioan Tẩy Giả? Thời đại nào cũng thế, sai trái, gian dối từ những người lãnh đạo, những người có thế, có quyền… người Kitô hữu không được bao che, lấp liếm, mà phải mạnh dạn lên tiếng để nói lên sự thật. Thực vậy, chúng ta phải trung thành với các chân lý : Đừng bao giờ bóp méo chân lý, đừng bao giờ giải thích vòng vo để biện hộ cho những điều sai trái. Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống như thế, ngài đứng về phía chân lý, bênh vực cho chân lý, sẵn sàng chết vì chân lý. Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta luôn phải đứng về phía sự thật, tình thương và công bằng, đừng vì cái lợi trước mắt mà gian dối, quanh co, đừng vào hùa với người khác để đoán xét, dèm pha, kết án ai. Tóm lại, chúng ta hãy lấy những lời trong bài hát “Kinh Hòa bình” làm tiêu chuẩn cho mọi hành động của chúng ta: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương bắt chước Thánh Gioan Tẩy Giả, là can đảm nói lên sự thật và làm chứng cho sự thật dù có phải trả giá bằng cái chết. Vì chỉ khi sống như vậy, chúng con mới thực sự là con cái Chúa và đáng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Amen.

Thứ Ba

Bài Ðọc I : 1 Cr 2, 10b-16

Anh em thân mến, Thánh Thần thấu suốt mọi sự, cả những điều thâm sâu của Thiên Chúa. Vì ai trong loài người biết được những sự thuộc về con người, nếu không phải là thần trí của con người ở trong người ấy? Cũng vậy, không ai biết được những sự thuộc về Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa? Phần chúng ta, chúng ta đã không nhận lãnh tinh thần thế tục, nhưng nhận lãnh Thánh Thần bởi Thiên Chúa, để chúng ta nhận biết những sự Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Những điều đó, chúng tôi giảng dạy không phải bằng những lời khôn ngoan của loài người, nhưng bằng giáo lý của Thánh Thần, giãi bày những điều thiêng liêng cho những người thiêng liêng. Con người xác thịt không hiểu được những sự thuộc về Thánh Thần của Thiên Chúa, bởi nó cho là điên rồ và không thể hiểu biết được, vì điều đó phải được xét đoán theo cách thiêng liêng. Còn con người thiêng liêng đoán xét được mọi sự, và kẻ ấy không bị ai đoán xét. Vì nào ai biết được tư tưởng của Chúa, để dạy dỗ Người? Nhưng phần chúng ta, chúng ta có tư tưởng của Ðức Kitô.

Tin Mừng : Lc 4, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thành Capharnaum, xứ Galilêa, và ở đó Người giảng dạy họ trong các ngày Sabbat. Người ta bỡ ngỡ về giáo lý của Người, vì lời giảng dạy của Người có uy quyền. Bấy giờ trong hội đường, có một người bị quỷ ô uế ám, thét to lên rằng: “Hỡi Giêsu Nadarét, giữa chúng tôi và Ngài có chuyện chi đâu? Ngài đến tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai rồi, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Nhưng Chúa Giêsu trách mắng nó rằng: “Hãy câm đi và ra khỏi người này”. Và quỷ vật ngã người đó giữa hội đường và xuất khỏi nó, mà không làm hại gì nó. Mọi người kinh hãi và bảo nhau rằng: “Lời gì mà lạ lùng vậy? Vì Người dùng quyền năng mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất ra”. Danh tiếng Người đồn ra khắp nơi trong xứ.

Suy Niệm

Qua đoạn thư Côrintô trên đây, Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh rằng nguồn mạch khôn ngoan là Thánh Thần. Chỉ những ai đã lãnh nhận Thánh Thần mới truyền thụ sự khôn ngoan. Thánh Thần giúp họ thông hiểu sự khôn ngoan. Không có Thánh Thần, sự khôn ngoan đối với họ chỉ là điên rồ.

Thật vậy, sự khôn ngoan do Thánh Thần ban cho, là một sự khôn ngoan nhiệm mầu, khác hẳn sự khôn ngoan của người đời, vì cách Thiên Chúa hành động không giống với cách con người hành động. Hãy xem cách hành động của Thiên Chúa nơi Thập giá. Nó đi ngược lại những tiêu chuẩn thông thường do sự khôn ngoan của người đời đặt ra, đến nỗi trước mắt họ, Thập giá chỉ là một sự điên rồ, không hơn không kém (x.1Cr 1,23-25).

Một khi có Thánh Thần rồi, ta có thể nhận định bất cứ thực tại nào. Đó là vì ta nhận định theo Thánh Thần. Thánh Thần dò thấu sự sâu thẳm của Thiên Chúa, nên cho ta biết sự khôn ngoan sâu thẳm của Thiên Chúa ẩn tàng nơi ý định của Thiên Chúa, nơi chương trình của Thiên Chúa. Nhờ Thánh Thần, ta suy nghĩ theo cách suy nghĩ của Thiên Chúa, hành động theo cách hành động của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, trong cuộc sống ta lại ít chú ý đến sự khôn ngoan của Thánh Thần mà chỉ loay hoay với sự khôn ngoan của người đời : lo hưởng thụ, thỏa mãn bản thân mà chẳng để ý gì đến tha nhân; lo thu góp của cải vật chất và xem đó như cứu cánh tối hậu cho cuộc đời mình mà chẳng nghĩ gì đến sự sống đời đời; chỉ biết sự sống đời này mà chẳng hiểu những gì thuộc về Thiên Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con biết từ bỏ sự khôn ngoan của người đời để đón nhận sự khôn ngoan của Chúa, vì sự khôn ngoan của người đời chỉ là hư ảo, phù phiếm; còn sự khôn ngoan của Chúa giúp con nhận định, phán đoán những thực tại cuộc sống này đúng theo ý Chúa. Chỉ như vậy con mới được hưởng hạnh phúc đời đời. Amen.

Thứ Tư

Bài Ðọc I : 1 Cr 3, 1-9

Anh em thân mến, tôi không thể nói với anh em như với những người thiêng liêng, nhưng với những người xác thịt, những trẻ nhỏ trong Ðức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa, chứ không cho của ăn, vì bấy giờ anh em chưa ăn được, nhưng cả bây giờ, anh em cũng chưa ăn được, vì hãy còn là người xác thịt. Bởi chưng ở giữa anh em, có sự ghen tương và tranh giành, thì anh em không phải là xác thịt, và sống như người phàm đó sao? Vì khi còn có người nói rằng: “Tôi thuộc về Phaolô”. Kẻ khác nói: “Tôi thuộc về Apollô”, thì anh em không phải là người phàm đó sao?

Vậy Apollô là gì? Phaolô là gì? Tất cả chỉ là những người giúp việc, mỗi người tuỳ theo ơn Chúa đã ban, nhờ họ mà anh em đã tin. Tôi trồng, Apollô tưới, nhưng Thiên Chúa cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng chẳng là gì cả, người tưới cũng chẳng là gì cả, nhưng chỉ Thiên Chúa, Ðấng làm cho mọc lên, mới đáng kể. Kẻ gieo và người tưới đều là một. Mỗi người sẽ lãnh công theo sự khó nhọc của mình. Vì chúng tôi là những người phụ tá của Thiên Chúa: còn anh em là cánh đồng của Thiên Chúa và là toà nhà của Thiên Chúa.

Tin Mừng : Lc 4, 38-44

Khi ấy, Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi hội đường, Người đến nhà Simon. Nhạc mẫu ông Simon phải cơn sốt nặng, và người ta xin Người chữa bà ấy. Người đứng bên bà, truyền lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến khỏi bà. Tức thì bà chỗi dậy, và dọn bữa hầu các ngài. Khi mặt trời lặn, mọi người có bệnh nhân đau những chứng bệnh khác nhau, đều dẫn họ đến cùng Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân, và chữa họ lành. Các quỷ xuất khỏi nhiều người và kêu lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa”. Nhưng Người quát bảo không cho chúng nói, vì chúng biết chính Người là Ðức Kitô.

Ðến sáng ngày (hôm sau), Người ra đi vào hoang địa, dân chúng liền đi tìm đến cùng Người, họ cố cầm giữ Người lại, kẻo Người rời bỏ họ. Người bảo họ rằng: “Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác, bởi chính vì thế mà Ta đã được sai đến”. Và Người giảng dạy trong các hội đường xứ Giuđêa.

Suy Niệm

Thánh Thần được ban cho con người qua Bí tích rửa tội, luôn đòi buộc con người phải lớn lên và trưởng thành để có đủ khả năng đón nhận sự viên mãn của Thiên Chúa. Mặc dù các Kitô hữu ở Côrintô đã được “thánh hiến trong Đức Kitô Giêsu” (1,2)  nhưng họ chưa đủ lớn về mặt thiêng liêng để nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi cộng đoàn, họ vẫn dựa vào uy thế của người này người kia. Chính vì thế mà có sự ghen tương tranh giành trong cộng đoàn. Nhân cơ hội này Phaolô đã nói cho họ biết về chức phận của người Tông đồ.

Tông đồ là cộng sự viên của Chúa, là người phục vụ cộng đoàn, ngoài ra không còn gì khác nữa. Vì vậy chỉ có Thiên Chúa mới đáng kể, chỉ có Thiên Chúa mới là nơi cho ta cậy dựa. Cộng đoàn phải đứng giữa Tin Mừng về Thập giá Đức Giêsu Kitô, chứ không được phép dựa vào uy thế của bất cứ người nào. Các tông đồ và các nhà truyền giáo phải hết sức ý thức điều này và cộng đoàn cũng phải nắm rõ điều đó.

Hãy tự hỏi cộng đoàn giáo xứ của tôi có tình trạng chia rẽ, tranh giành như ở giáo đoàn Côrintô này không? Có phe cha sở, phe cha phó, phe bà phước…không? Nếu tình trạng này còn tồn tại có nghĩa là đức tin của ta còn quá non nớt hoặc đã sai lạc, tin ai đó chứ không phải tin Chúa, cậy dựa vào con người chứ không phải cậy dựa vào chính Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, trong đời sống đạo đôi khi chúng con chọn việc của Chúa mà nghĩ rằng mình chọn Chúa; chọn những người của Chúa mà quên mất Chúa. Đây chính là nguyên nhân gây chia rẽ và bất hòa trong cộng đoàn. Xin giúp chúng con lớn lên mỗi ngày trong đời sống đức tin, để trong mọi ý hướng, trong mọi hành động, chúng con biết đặt trọng tâm vào chính Chúa, để chúng con luôn là cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương. Amen.

Thứ Năm

Bài Ðọc I : 1 Cr 3, 18-23

Anh em thân mến, đừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: “Chính Người bắt chợt những người khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ”. Lại có lời khác rằng: “Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền”. Vậy đừng có ai còn tự phô trương nơi loài người. Vì tất cả là của anh em, dù là Phaolô hay Apollô, hoặc Kêpha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất cả là của anh em; nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa.

Tin Mừng : Lc 5, 1-11

Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.

Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.

Suy Niệm

Một lần nữa Thánh Phaolô nhắc lại nạn bè phái dựa vào kiến thức khôn ngoan của thế gian. Bằng một câu sống động, Phaolô khuyên ai muốn trở nên khôn ngoan ở đời này, phải làm người điên dại. Bởi vì những thứ mà thế gian coi là khôn ngoan,  tức thứ khôn ngoan mà các phe phái đang dựa vào để tranh cãi nhau, chỉ là một thứ khôn ngoan giả trá và gây chia rẽ. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy xa lánh khôn ngoan thế gian để học lấy sự khôn ngoan của Chúa, tức khôn ngoan của Thập giá – sự khôn ngoan mang lại ơn cứu độ cho con người.

Ở đời ta khó tránh khỏi kiểu khôn ngoan của thế gian, nếu không muốn nói là thích dùng sự khôn ngoan của thế gian để cư xử với nhau. Nhưng tiếc thay! cậy dựa vào khôn ngoan thế gian rất dễ làm ta trở thành kẻ kiêu ngạo. Ta dễ coi thường người khác, khó chấp nhận họ khi họ có những ý kiến ngược với ý của mình, ta chẳng bao giờ nhận mình sai, cũng không bao giờ khiêm tốn đủ để học hỏi và rất khó hợp tác vời người khác…

Như vậy, chỉ khi ta biết đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nghĩa là quy chiếu tất cả vào Đức Kitô mới làm cho cộng đoàn hiệp nhất, mới làm cho cộng đoàn nên “thánh”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học biết sự khôn ngoan của Chúa – khôn ngoan của thập giá – là biểu hiện của tha thứ và tình thương. Nhờ đó chúng con mới có thể xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương như Chúa muốn. Amen.

Thứ Sáu

Bài Ðọc I : 1 Cr 4, 1-5

Anh em thân mến, như vậy người ta coi chúng tôi như những thừa tác viên của Ðức Kitô, và những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Do đó, người ta đòi hỏi nơi những người phân phát các mầu nhiệm là mỗi người phải trung tín. Phần tôi, tôi không lấy làm quan trọng khi bị anh em hay toà án nhân loại đoán xét; nhưng tôi cũng không đoán xét chính mình tôi. Vì chưng, mặc dầu lương tâm không trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi đã được công chính hoá. Ðấng đoán xét tôi chính là Chúa. Vì thế, anh em đừng đoán xét trước thời gian cho đến khi Chúa đến, Người sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối và phơi bày những ý định của tâm hồn, và bấy giờ Thiên Chúa sẽ ban khen tương xứng cho mỗi người.

Tin Mừng : Lc 5, 33-39

Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?” Người đáp lại rằng: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy”.

Người còn nói với họ thí dụ này rằng: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: ‘Rượu cũ thì ngon hơn’ “.

Suy Niệm

Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Côrintô đừng xem các Tông đồ là lãnh tụ của nhóm này nhóm kia, nhưng hãy xem tất cả là tôi tớ của Đức Kitô. Ngài gọi Tông đồ là người phục vụ và quản lý mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vị tông đồ được đặt lên để phân phát và tiếp tục trao lại các mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người, đó là chân lý và tình yêu của Thiên Chúa. Nhiệm vụ này đòi hởi các ngài phải trung tín, nghĩa là dù là người quản lý, người có quyền ban phát hay có chức quyền gì lớn lao trong Hội Thánh…người ấy vẫn là tôi tớ của Đức Kitô.

Như chúng ta đã biết các tín hữu Côrintô chia rẽ nhau vì những người lãnh đạo cộng đoàn. Họ thích người này hơn người kia, dựa vào người này người kia, từ đó nảy sinh sự xét đoán và phê phán lẫn nhau. Vì thế Phaolô đề cập đến vấn đề xét đoán ở đây. Ngài nói việc xét xử là việc của Chúa chứ không phải của con người. Bởi vì ta chỉ thấy cái bên ngoài mà không thấy cái bên trong; thấy việc làm mà không thấy được động cơ thúc đẩy…Chỉ Thiên Chúa mới thấy hết mọi sự, “Ngài sẽ đưa ra ánh sáng những gì còn khuất trong bóng tối”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7, 1). Thế nhưng trong đời sống cộng đoàn, chúng con hay tự đặt mình làm thẩm phán để phán xét và kết án một hành vi, một thái độ hay đời sống của người khác theo cái nhìn của mình. Xin cho chúng con đừng bao giờ quên Lời Chúa dạy là sống bao dung, thương xót mọi người, để rồi chúng con cũng được Thiên Chúa xót thương. Amen.

Thứ Bảy

Bài Ðọc I : 1 Cr 4, 6-15 (hoặc 9-15)

Thưa anh em, tôi đã áp dụng các điều đó cho tôi và anh A-pô-lô, vì lợi ích của anh em, để anh em theo gương chúng tôi mà học cho biết “đừng có đi ra ngoài những gì đã viết”, kẻo sinh ra kiêu ngạo, theo người này mà chống người khác. Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu ? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh ?  Anh em đã no nê rồi, đã giàu có rồi ! Không có chúng tôi, anh em đã làm vua rồi ! Phải chi anh em làm vua, để chúng tôi cũng được làm vua với anh em !  Thật vậy, tôi thiết nghĩ : Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người ! Chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Ki-tô ; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi. Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt ; chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành ; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu ; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người.

Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi. Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.

Tin Mừng : Lc 6, 1-5

Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các ông chưa đọc điều Ðavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi”. Và Người bảo họ rằng: “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”.

Suy Niệm

Phaolô và Apollo đã phục vụ sứ vụ tông đồ truyền giáo và có nhiều ảnh hưởng trên cộng đoàn Côrintô, nhưng cũng vì hai ông mà cộng đoàn đâm ra chia rẽ (x.1Cr 3, 4). Vì thế Phaolô nói với họ: “Hãy theo gương chúng tôi”, chúng tôi cũng chỉ coi mình là đầy tớ của Đức Kitô và của anh em. Vì thế anh em cũng phải sống khiêm nhường như chúng tôi vậy.

Để khuyên bảo các tín hữu Côrintô sống khiêm tốn, Thánh Phaolô đã cho họ thấy tất cả là ân ban của Chúa : “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh ?”. Thật ra chẳng ai có thể nhận biết Thiên Chúa nếu không được ngài tỏ ra cho; chẳng ai có thể tự cứu mình nếu Thiên Chúa không ra tay. Cho nên những gì ta làm được cho mình so với những gì Chúa làm cho ta chẳng là gì cả. Vậy đừng bao giờ vênh vang tự đắc mà hãy biết nhận ra hồng ân của Chúa để sống khiêm tốn hơn và tri ân Ngài luôn mãi.

Lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô cho cộng đoàn Côrintô cũng là lời nhắn nhủ cho mỗi người chúng ta hôm nay. Trong đời sống cộng đoàn giáo xứ, có khi ta cũng làm được việc này việc kia và coi đó là hoàn toàn công sức của mình. Từ đó dễ dàng dẫn ta đến thái độ kiêu ngạo, vô ơn.

Lạy Chúa, dù cho con là ai, tài đức hay chức vụ gì, làm được việc gì…thì xin cho con luôn biết nhận ra rằng : tất cả là do Chúa ban, để con biết tạ ơn Chúa luôn mãi và sống khiêm tốn với mọi người. Amen.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]