- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 18 Thường Niên C

Lm. Giuse Nguyễn 

THỨ HAI – Trang 1

THỨ BA – Trang 2

THỨ TƯ – Trang 3

THỨ NĂM – Trang 4

THỨ SÁU – Trang 5

THỨ BẢY – Trang 6

CHÚA HIỂN DUNG – Trang  7

 – o O o –

THỨ HAI

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 28, 1-17

Năm ấy, vào đầu triều đại Sêđêcia, vua Giuđa, tháng năm, năm thứ tư, có tiên tri Hanania, con của Azur, quê ở Gabaon, nói với Giêrêmia trong Ðền thờ Chúa, trước mặt các tư tế và toàn dân rằng: “Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán thế này: “Ta đã bỏ ách của vua Babylon. Còn hai năm nữa thì tất cả những đồ dùng trong Ðền thờ Chúa, mà Nabucôđônosor, vua Babylon, đã đoạt đem qua Babylon, Ta sẽ đem về nơi này. Giêcônia, con Gioakim, vua Giuđa, cùng tất cả những người Giuđa bị lưu đày đi Babylon, Ta cũng sẽ đem về nơi này: vì Ta bỏ ách vua Babylon. Chúa phán như thế”.

Bấy giờ tiên tri Giêrêmia trả lời tiên tri Hanania trước mặt các tư tế và toàn dân đang đứng trong Ðền thờ Chúa. Tiên tri Giêrêmia nói: “Ðược, Chúa cứ làm như vậy. Chúa cứ thực hiện những lời anh đã nói tiên tri. Ngài cứ đem các đồ dùng trong Ðền thờ Chúa và mọi người lưu đày từ Babylon về nơi này. Nhưng anh hãy nghe lời tôi nói cho anh và toàn dân nghe: Các tiên tri trước anh và tôi, đã nói tiên tri từ lâu, cho nhiều xứ và vương quốc vĩ đại biết có chiến tranh, cơ cực và đói khát. Nhưng tiên tri nào nói tiên tri cho biết có hoà bình, khi ứng nghiệm lời mình nói, thì mới được nhận là tiên tri thật Chúa sai đến”.

Bấy giờ tiên tri Hanania giật cái ách nơi cổ của tiên tri Giêrêmia mà bẻ đi. Rồi Hanania nói trước mặt toàn dân rằng: “Chúa phán thế này: Hai năm nữa, Ta sẽ bẻ ách của Nabucôđô-nosor, vua Babylon, nơi cổ mọi dân tộc như thế đó”. Và tiên tri Giêrêmia bỏ đi. Nhưng sau khi tiên tri Hanania giật cái ách nơi cổ tiên tri Giêrêmia mà bẻ đi, thì có lời Thiên Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: “Hãy đi nói với Hanania rằng: Chúa phán thế này: “Ngươi đã bẻ ách gỗ, thì Ta sẽ lấy ách sắt thay vào”. Vì Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán: “Ta đã đặt ách sắt vào cổ mọi dân tộc này, để chúng làm tôi Nabucô-đônosor, vua Babylon. Chúng sẽ làm tôi vua ấy, và cả đến thú vật ngoài đồng, Ta cũng nạp cho vua ấy”.

Tiên tri Giêrêmia liền nói với tiên tri Hanania rằng: “Hỡi Hanania, hãy nghe đây: Chúa không hề sai anh. Anh đã làm cho dân này tin tưởng sự giả dối. Vì vậy, Chúa phán thế này: ‘Ðây Ta sẽ cất ngươi khỏi mặt đất: năm nay ngươi sẽ chết, vì ngươi đã nói chống lại Chúa’ “. Và tiên tri Hanania đã chết trong tháng bảy năm ấy.

 

Phúc Âm: Mt 14, 13-21

Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.

Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”.

Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.

Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

 

SUY NIỆM

Thiên Chúa là Tình Yêu”. “Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, đấng giàu lòng thương xót”. Chính vì vậy mọi hành động của Đức Giêsu đều là Tình Yêu. Hôm nay Ngài thấy đám đông theo mình, cũng “chạnh lòng thương”. Thế mới thấy cái nhìn, cảm xúc của Chúa Giêsu cũng vượt xa cái nhìn và cảm xúc của con người.

Nếu là một con người bình thường, khi thấy người ta kéo đến với mình, mình sẽ tự hào, sung sướng vì được nhiều người ủng hộ, nhiều người thần tượng mình. Nhưng Chúa Giêsu thì vượt cao hơn. Ngài thấy được cái đói, cái khát, nhất là đói khát về phần thiêng liêng của dân chúng, nên thay vì tự hào khi dân chúng kéo đến với mình, thì Ngài lại “chạnh lòng thương” họ.

Nếu con người có “chạnh lòng thương” thì cũng chỉ là những người trong phe, trong nhóm của mình, những người mình có cảm tình. Sau khi nhận lệnh từ Chúa Giêsu: “chính anh em hãy cho họ ăn”. Các môn đệ đã nói lên suy nghĩ của mình: “Ở đây chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Đã đành là các ông có ít, nhưng sâu xa là “chúng con đã để phần cho Thầy và chúng con rồi, làm sao cho đám dân đó ăn đủ”. Tinh thần cục bộ, khuynh hướng phe nhóm luôn có trong con người.

Nếu con người có chạnh lòng thương, có thương nhiều người, không phân biệt, không loại trừ thì cũng chỉ dừng lại trong khả năng của mình chứ không thể làm thêm được nữa. Cho năm ngàn người ăn cùng một lúc thì các môn đệ đành “bó tay”. Thế nhưng với quyền năng của Chúa Giêsu “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ”. Kết quả là “Ai nấy đều ăn và được no nê”. Thế mới khen Chúa hay!

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho con kiểm điểm lại bản thân mình. Con đã phục vụ những người chung quanh con, đã nhìn thấy cái thiếu thốn của họ chưa hay ngược lại còn muốn người ta kéo đến để làm tăng danh tiếng cho mình? Con đã biết quan tâm đến phần hồn phần rỗi của người khác chưa hay chỉ quan tâm để mình được lợi gì khi có nhiều người quen biết?

Con cũng xét lại tinh thần cục bộ, óc bè phái trong khi phục vụ. Thấy quyền lợi của mình có nguy cơ bị ảnh hưởng, là con lập tức tìm cách để diệt trừ. Nhà con có tiệm thuốc tây, nhà bên chuẩn bị mở tiệm bán thuốc, là con sẽ đi thưa chính quyền, không phải vì chuyện nó bán thuốc tây, nhưng vì chuyện nó cất nhà không giấy phép. Con phân bì với những người cùng phục vụ với con. Tại sao anh được quyền lợi nhiều hơn tôi? Có khi nào con phân bì tại sao anh phục vụ nhiều hơn tôi không? Chắc có lẽ không! Phục vụ thì không muốn phục vụ, hoặc không chu toàn, nhưng chỉ muốn tìm kiếm thêm cho thật nhiều quyền lợi của mình.

Con cũng phải biết giới hạn của mình. Dù con có làm được thật nhiều việc thì cũng không bao giờ là đủ, là đáng. Để con không buồn phiền với những đòi hỏi của người khác mà mình không đáp ứng được; cũng không tự mãn với những gì mình đã làm cho xã hội, cho Giáo Hội.

Tất cả đều xuất phát từ việc: “Chạnh lòng thương”.

 

THỨ BA

Bài Đọc I: Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22

Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: “Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: Ngươi hãy chép vào sách mọi lời Ta đã phán với ngươi”.

Vì Thiên Chúa phán rằng: “Nơi giập gãy của ngươi đã bất trị, thương tích ngươi làm độc quá đỗi. Không ai đoái thương băng bó cho ngươi: không có thuốc hay chữa ngươi bình phục. Mọi kẻ yêu ngươi đã bỏ quên ngươi, không tìm kiếm ngươi nữa, vì Ta đã đánh ngươi bị thương như kẻ thù sửa phạt ngươi nặng nề, vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, tội lỗi của ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy”.

Chúa phán thế này: “Ðây Ta đem những kẻ trong nhà xếp Giacóp bị bắt trở về gia cư họ, Ta sẽ xót thương. Thành sẽ được xây lại trên nơi cao của nó, đền thờ sẽ được trùng tu theo trật tự của nó. Thế là sẽ vang lên lời ca tụng và tiếng reo mừng. Ta sẽ làm cho nó thêm nhiều, và nó sẽ không bị hạ nhục. Con cái nó sẽ được như xưa; trước mặt Ta, cộng đồng nó sẽ đứng vững. Ta sẽ hỏi thăm mọi người áp bức nó. Thủ lãnh nó sẽ bởi nó mà ra; vua chúa nó sẽ từ trong nó mà lên. Ta sẽ cho nó triều yết và nó sẽ đến gần Ta, vì thật ra có ai dám liều mạng đến gần Ta? – Chúa phán như thế -. Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi”.

 

Phúc Âm: Mt 14, 22-36

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa” và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến”. Phêrô xuống khỏi thuyền bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao lại nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa!”

(Khi đã sang qua biển hồ, các ngài lên bộ và ghé vào Ghênêsarét. Nhận ra Ngài, dân địa phương liền loan tin đi khắp cả vùng xung quanh, và người ta đem đến cho Ngài hết mọi kẻ ốm đau. Họ nài xin Ngài cho họ rờ đến tua áo choàng của Ngài thôi, và ai đã rờ đến thì đều được chữa lành).

 

SUY NIỆM

Mt 15, 1-2.10-14

“Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” (Mt 15,14). Chúa đã nói về những Pharisêu như vậy, mặc dù họ là những người hiểu biết rành rẽ về kinh thánh và luật lệ. Chính họ vừa mới chỉnh Chúa vì môn đệ của Chúa không giữ luật rửa tay trước khi ăn… Con biết Chúa muốn nói họ là những người lãnh đạo “mù”. Lãnh đạo mà không biết dắt người khác đi đâu, thậm chí còn dắt người khác đến chỗ sai lầm nữa chứ.

Trước hết, họ mù vì họ nghĩ rằng mình “sáng”. Họ tưởng sự hiểu biết lề luật, kinh thánh của họ bao nhiêu đó là đủ rồi. Vì vậy mà họ bám víu vào những luật lệ đó, để chứng tỏ cho người khác thấy mình xứng đáng là người lãnh đạo, mình đạo đức thánh thiện.

Họ mù vì họ bắt người khác phải giống họ, dù thực tế họ có chu toàn hết những lề luật đâu. Họ lấy chính bản thân họ làm thước đo người khác. Nhưng sâu xa là ở tính kiêu ngạo. Họ muốn nói với người khác nhìn vào bản thân tôi mà noi theo nè!

Họ mù vì họ nghĩ rằng đạo của Chúa chỉ nằm trong luật lệ. Vì vậy đối với họ biết luật là biết Chúa, giữ luật là giữ những điều Chúa truyền. Điều đó không sai, nhưng không phải chỉ có thế, vì đạo của Chúa muốn dạy cho người khác là đạo tình yêu. Người ta giữ luật là vì yêu thương chứ không phải giữ luật vì luật.

Họ mù vì họ tưởng rằng mình là người được Thiên Chúa sai đến. Trong khi đó Chúa nói rất rõ: “Cây nào mà Cha của Thầy không trồng thì sẽ bị nhổ đi”  (Mt 15,13). Rõ ràng họ là một cây dại, cây hoang tự mọc lên chứ không phải được Thiên Chúa gieo trồng, vì tinh thần của họ không giống với tinh thần của Chúa. Nơi họ có một sự sáng kiến cho riêng bản thân chứ không quy hướng về Chúa.

Lạy Chúa, nhìn vào tấm gương của những người biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay, rõ ràng có những lúc con cũng là một người mù.

Con mù vì con nghĩ rằng sự hiểu biết về Chúa của con đã đủ rồi. Con dựa vào sự hiểu biết chút đỉnh về Chúa của bản thân con để khẳng định với người khác “tôi biết Chúa nhiều lắm, anh phải nghe tôi!”

Con mù vì nhiều lúc con lấy mình ra làm tiêu chuẩn cho người khác. Vì vậy mà con dễ bực bội khi ai không sống giống như con.

Con mù vì có những lúc con giữ luật một cách máy móc quá. Khi đã giữ được những điều đó, con tưởng rằng con ngon lành. Trong khi đó con không hề có một chút tình yêu nào đổ vào trong những luật lệ con đang giữ.

Con mù vì con tưởng rằng Chúa trao cho mình trách nhiệm phải dẫn dắt người khác, trong khi chính bản thân mình chưa được gì cả. Vì vậy, con cũng là loài cây dại mà tưởng mình là loài qu‎‎ý giá.

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay cho con nhìn thấy chỉ có Chúa mới thực sự là một vị Thầy cao cả nhất, chỉ có Chúa mới xứng đáng với tư cách là người chỉ đạo. Vì chỉ có Chúa là con đường, chỉ có Chúa là ánh sáng. Từ đó con phải khiêm tốn để không bắt người khác phải sống như mình, dù thực sự đời sống của con có tốt lành thánh thiện đến mức nào đi nữa. Nhưng Chúa đã cho mỗi người một con đường cứu độ khác nhau. Con phải tôn trọng họ. Xin cho con sự khiêm tốn chân thành để vượt qua những luật lệ những giới răn mà sống tình yêu thương với Chúa. Amen.

 

THỨ TƯ

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 31, 1-7

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Ta sẽ là Thiên Chúa của mọi chi tộc Israel, và chúng sẽ là dân Ta”.

Chúa phán thế này: “Dân thoát khỏi tay gươm, đã được nghĩa trong rừng vắng: Israel sẽ đi vào nơi an nghỉ của mình. Từ xa Chúa đã hiện ra với ta mà phán rằng: “Ta yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, bởi đó Ta đã xót thương dắt ngươi đến. Rồi Ta lại kiến thiết ngươi, hỡi trinh nữ Israel, ngươi sẽ được tái thiết. Ngươi lại mang những trống cơm, sẽ bước đi với hội hát vui mừng. Ngươi lại trồng nho trên các núi đồi Samaria; kẻ vun trồng cứ vun trồng và sẽ không hái trái nho khi chưa đến mùa. Vì sẽ đến ngày những người canh gác trên núi Ephraim sẽ kêu lên: “Hãy chỗi dậy, chúng ta đi lên Sion, đến cùng Chúa là Thiên Chúa chúng ta”.

Vì Chúa phán thế này: “Hỡi Giacóp, hãy nhảy mừng, hãy hét to vào đầu dân ngoại; hãy nói cho người ta nghe; hãy ca hát và nói lên rằng: ‘Lạy Chúa, xin cứu dân Chúa; những kẻ còn sót lại trong Israel”.

 

Phúc Âm: Mt 15, 21-28

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”.

Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”.

Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”.

Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

 

SUY NIỆM

Lạy Chúa, bài Tin Mừng hôm nay diễn ra sau phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn (x.Mt 14,13-21). Vì vậy ít nhiều người ta đã biết về danh tiếng của Chúa. Có người xem Chúa như một người có khả năng làm phép lạ, thế thôi. Có người muốn Chúa làm lãnh đạo của họ, để họ khỏi phải lo chuyện cơm ăn áo mặc. Nhưng cũng có người tin nhận Ngài là Đấng Messia, còn tuyên xưng điều đó nữa.  Đó chính là người đàn bà Canaan. Bà ta đã tuyên xưng: “Lạy Ngài là con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi” (Mt 15, 22). Người đàn bà này là nhân vật làm nổi bật lên đức tin của người Kittô hữu, vì vậy con quyết định tìm hiểu về bà.

Bà là một người đàn bà ngoại giáo, bị người Do Thái xếp vào hạng ô uế. “Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđon. Thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra” (Mt 15, 21-22).Matthêu viết rất rõ ràng, người đàn bà này ở “miền ấy đi ra”. Có nghĩa là bà ta đã mạnh dạn ra khỏi lãnh thổ dân ngoại để đến với Chúa.

Sau khi van xin Chúa đến cứu đứa con gái của mình bị quỷ ám, chẳng những Chúa không cho mà còn nói một điều như thể xúc phạm đến bà ta: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15, 26). Tưởng đâu bà sẽ tự ái mà bỏ cuộc. Nhưng không, bà đã nói một điều khiến Chúa Giêsu hết sức ngỡ ngàng: “Lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt 15, 27). Với câu nói này chứng tỏ mặc dù bà ta là người đàn bà ngoại giáo nhưng rất am hiểu Thánh Kinh. Theo Thánh Kinh thì đúng là Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho tổ phụ Apraham, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, mà còn từ đó ban cho muôn dân. Vì vậy, bà ta ý thức mình không phải là con cháu tổ phụ Apraham, nhưng ít ra cũng được “hưởng ké” ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Chúa đã phải “đầu hàng” trước lòng tin mạnh mẽ của người đàn bà này chứ không phải sự kiên trì của bà ta. Nói như vậy không phải Chúa miễn cưỡng làm phép lạ cho con gái bà ta được khỏi bệnh, nhưng đó là một sự vui mừng, một sự bất ngờ vì có người đón nhận ơn cứu độ của Chúa một cách xứng đáng như vậy: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào sẽ được như vậy” (Mt15,28).

Nhìn lại bản thân con, con cũng là “dân ngoại” được Chúa yêu thương ban ơn cứu độ. Nhưng đòi hỏi con phải biết “ra khỏi” bóng đêm tội lỗi, ra khỏi những sự bất chính của con người con mới có thể đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Người phụ nữ hôm nay đã mạnh dan ra khỏi ranh giới của mình để đón gặp Chúa, thì con cũng hãy biết bắt chước bà để “ra khỏi” con người cũ của con.

Bà là người ngoại giáo nhưng rất am hiểu Thánh Kinh, chính nhờ Thánh Kinh mà bà đã biết được chương trình cứu độ của Chúa. Con đã xem Thánh Kinh như kim chỉ nam cho cuộc đời của mình chưa? Lạy Chúa, con thực sự chưa yêu mến Thánh Kinh, vì thử hỏi một ngày con dành bao nhiêu thời gian cho Thánh Kinh? Thật xấu hổ vì có những ngày con không có giây phút nào để tiếp cận với Thánh Kinh hết, hoặc khi con đi tham dự thánh lễ thì con có dịp nghe qua vậy thôi.

Lạy Chúa, chính lòng tin của người đàn bà xứ Canaan đã cứu con gái của bà. Lòng tin đó được soi sáng nhờ bà biết yêu mến Thánh Kinh. Xin cho con biết năng đọc, học hỏi, lắng nghe và đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống của mình, để nhờ đó, con biết sống theo thánh ý của Chúa luôn luôn. Amen.

 

THỨ NĂM

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 31, 31-34

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: ‘Ngươi hãy nhìn biết Chúa’, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

 

Phúc Âm: Mt 16, 13-23

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

SUY NIỆM

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay cho con thấy một điều: Thánh thiện và tội lỗi, cao cả và yếu hèn, siêu nhiên và tự nhiên… là hai thế lực luôn đan xen giữa cuộc đời của con. Phêrô mới tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt16, 16), ngay sau đó đã cản bước Chúa: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 16, 22)

Với câu hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt16,13), không phải Chúa Giêsu muốn được nghe những lời khen ngợi của người khác dành cho mình. Hơn ai hết Chúa Giêsu biết mình là ai. Nhưng con nhận thấy những đoạn Tin Mừng phía trước Chúa mặc khải về mầu nhiệm Nước Trời, và bắt đầu từ đây, Chúa muốn mặc khải về bản thân mình cho người khác biết. Phải chăng Chúa muốn xem “trình độ” của các mộn đệ đến đâu để có thể xây dựng Giáo Hội của Chúa? Sau khi nghe Phêrô tuyên xưng đức tin, Chúa đã quyết định thành lập Giáo Hội, nhưng là chuyện trong tương lai, còn chuyện bây giờ là phải đi trên con đường thập giá: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt16, 18).

Những câu trả lời của  các môn đệ là lập trường của quần chúng: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16, 14), là cách nói của tự nhiên. Chúa muốn các ông có cái nhìn siêu nhiên vượt qua những giới hạn của tự nhiên. Phêrô đã đại diện cho anh em mình để nói lên: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Chúa cho Phêrô biết sở dĩ ông nói được điều đó là nhờ Thiên Chúa Cha. Như vậy, rõ ràng không phải Chúa muốn biết các môn đệ có xứng đáng để Chúa trao nhiệm vụ dẫn dắt đoàn chiên của Chúa hay không, mà Chúa muốn biết thánh ý Chúa Cha, Chúa muốn xem Chúa Cha có muốn Ngài thiết lập Giáo Hội hay chưa. Qua lời tuyên xưng của Phêrô hôm nay, rõ ràng Chúa Cha đã muốn Ngài trao nhiệm vụ cho các môn đệ, nếu không Ngài đã không cho Phêrô khả năng tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Qua đó cho con thấy, khả năng nhận biết thực tại siêu nhiên, sự thánh thiện, sự cao cả không phải là khả năng của con người, mà là ân ban của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, không phải lúc nào con người của con cũng sống theo những sự cao siêu ở trên trời đâu. Phêrô vừa mới tuyên xưng Chúa thì ngay lập tức đã cản lối Chúa: “Xin Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt16, 22). Câu nói này cho con nhớ lại câu nói của con rắn trong sách Sáng Thế: “ Điều ấy sẽ không xảy đến cho bà đâu” (St 3,5). Vì vậy Matthêu ngụ ý Phêrô cũng đang cám dỗ Chúa như con rắn cám dỗ bà Eva năm xưa. Với câu nói này, Phêrô đã bị Chúa gọi là: “Satan, lui lại đàng sau Thầy” (Mt 16, 23). Sở dĩ Chúa nói nặng như vậy không phải Chúa ghét bỏ gì Phêrô đâu, nhưng Chúa đang “trừ quỷ” cho Phêrô, Chúa muốn Phêrô thức tỉnh để thấy những việc sai trái của mình. Việc sai trái của Phêrô là muốn đi “trước Chúa”, muốn dẫn đường chỉ lối cho Chúa,  muốn Chúa phải theo ông. Vì vậy để thức tỉnh ông, Chúa đã kêu ông: “Lui lại đàng sau Thầy!”, theo sự hướng dẫn của Thầy…

Lạy Chúa, với lời Chúa ngày hôm nay, xin cho con ý thức những điều tốt đẹp con làm được là do ân ban của Thiên Chúa, để con tránh thói kiêu ngạo, và nhất là để con tỉnh táo đề phòng trước những âm mưu của ma quỷ. Điều quan trọng là con ý thức mình là môn đệ của Chúa, mình đi theo Chúa chứ không phải là thầy cảu Chúa, không phải bắt Chúa làm theo những gì mình muốn. Amen.

 

THỨ SÁU

Bài Ðọc I: (Năm II) Nk 1, 15; 2, 2; 3, 1-3. 6-7

Kìa xem, trên núi có người đưa tin mừng chạy đến. Hỡi Giuđa, hãy mừng các ngày lễ trọng của ngươi, hãy thi hành lời ngươi khấn nguyện. Vì Bêlial từ nay sẽ không còn đi qua đất ngươi: nó đã bị hoàn toàn tận diệt.

Vì Chúa sẽ trồng lại cây nho Giacóp, cũng như cây nho Israel, bởi quân phá phách đã tàn phá chúng và đã bẻ cành chúng.

Khốn cho thành khát máu, tràn đầy gian dối, hung bạo, người ta không ngừng cướp phá ngươi. Hãy nghe tiếng roi quất, tiếng bánh xe lăn, ngựa hí, xe phóng nhanh, quân kỵ binh xông đến, gươm lấp lánh, giáo sáng ngời, nhiều người bị giết, tàn phá nặng nề, xác chết vô vàn, ngã quỵ trên nhau.

Ta sẽ vứt đồ ô uế trên mình ngươi, làm nhục ngươi, bêu xấu ngươi. Lúc bấy giờ, hễ ai thấy ngươi cũng ngoảnh mặt mà nói: “Ninivê thật tiêu điều! Ai thương được ngươi? Tìm đâu ra người an ủi ngươi”.

 

Phúc Âm: Mt 16, 24-28

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?

“Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người”.

 

SUY NIỆM

Sau khi đã quở mắng Phêrô ngăn cản không cho Chúa đi trên con đường thập giá, Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Qua đó cho thấy Chúa đã quyết liệt từ chối con đường Phêrô vạch ra cho Chúa, và khẳng định con đường mà Chúa và những ai muốn làm môn đệ Ngài phải theo là con đường thập giá.

Tiếp sau đó Chúa đưa ra sự lựa chọn giữa hai mạng sống mà mới đọc qua con không hiểu gì cả. Nào là “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy , thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 25). Sao kỳ vậy? Muốn cứu thì lại mất, ngược lại, thà để mất thì được cứu. Mạng sống Chúa muốn nói đến ở đây có hai nghĩa: mạng sống thứ nhất là mạng sống tự nhiên, tạm thời. Mạng sống thứ hai là mạng sống siêu nhiên, vĩnh cửu. Những ai đi tìm mạng sống tự nhiên thì sẽ mất mạng sống siêu nhiên. Ngược lại, những ai liều mất mạng sống tự nhiên vì Chúa thì sẽ được mạng sống siêu nhiên.

Những điều Chúa nói: “Nếu được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì” (Mt 16, 26) là để mời gọi con đi trên con đường thập giá mà Chúa đã vạch ra. Tại sao Chúa lại mời gọi con đi trên con đường thập giá? Thưa vì đó là sự chọn lựa tìm kiếm mạng sống tự nhiên hay mạng sống siêu nhiên. Nếu tìm kiếm mạng sống tự nhiên thì sẽ đi trên con đường thoải mái, dễ chịu, khỏi vác thập giá. Còn nếu tìm mạng sống siêu nhiên thì phải chấp nhận đi trên con đường thập giá. Tuy nhiên Chúa đã nói thẳng: “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 116,27): những ai chọn con đường thập giá thì sẽ được thưởng, còn những ai chọn con đường thoải mái dễ chịu thì sẽ bị phạt.

Lạy Chúa, lời Chúa hôm nay cho con một sứ điêp rõ ràng: Con đường Chúa đi là con đường thập giá. Chúa là Thầy của con đã đi trên con đường thập giá, thì đương nhiên con là môn đệ của Ngài, con cũng phải đi trên con đường thập giá. Đây không phải là một lời mời gọi, nhưng đây là một mệnh lệnh, là con đường duy nhất để theo Chúa. Vì vậy con phải chọn lựa, sự chọn lựa này là duy nhất.

Thập giá ở đây Chúa nói rõ ràng: “thập giá mình mỗi ngày” chứ không phải thập giá người khác và một lần cho cả đời. Vì vậy, từng ngày sống của con phải là từng giây phút vác thập giá liên lỉ theo Chúa.

Với con thập giá chính là sự chọn lựa. Mỗi sự kiện, mỗi biến cố đều đòi hỏi con phải chọn lựa theo Chúa. Nếu không có sự chọn lựa, thì chắc chắn con sẽ làm theo sở thích của riêng con. Mà sở thích của con đâu khi nào là những đau khổ, những hy sinh, những vất vả…

Lạy Chúa, con xin hát lên bài ca “Từng Ngày Theo Chúa” của Linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên như một lời cầu nguyện: “Từng ngày qua đời con vui dấn thân,  trong tình yêu vươn lên để hiến dâng. Ngày tháng qua Chúa đã biết rồi, sống cho Ngài vẫn là một điều khó, thuộc về Ngài là thách đố cho con. Có nhiều phen sức con đã mỏi mòn, nhưng Chúa đòi con dâng cho Ngài tất cả, để chẳng có gì còn lại ở trong con”. Amen.

 

THỨ BẢY

Bài Ðọc I: (Năm II) Kb 1, 12 – 2, 4

Chớ thì ngàn xưa Chúa chẳng phải là Thiên Chúa, Chúa của tôi, là Ðấng Thánh của tôi? Vậy là chúng tôi không sao chết được. Lạy Chúa, Chúa đã đặt nó lên để xét xử, làm cho nó vững mạnh để trừng phạt. Mắt Chúa tinh sạch, không thể nhìn sự dữ, không thể xem sự gian ác. Tại sao Chúa lại nhìn những kẻ gian ác, và kẻ bất lương nuốt người công chính hơn nó, sao Chúa vẫn làm thinh?

Chúa để loài người như cá biển, như sâu bọ không có vua quan. Nó lấy lưỡi câu mà bắt hết, lấy chài mà kéo mọi sự, lấy lưới mà thu lượm: bởi thế nó hớn hở vui mừng. Vì vậy, nó cúng tế cho chài, nó dâng lễ vật cho lưới, vì bởi đấy nó được phần béo tốt và món ăn ngon. Lẽ nào nó cứ thả lưới không ngừng và luôn luôn tàn nhẫn sát hại các dân?

Tôi sẽ đứng ở vọng canh của tôi, đứng yên nơi thành lũy của tôi, tôi chờ xem Chúa dạy tôi thế nào, và trả lời ra sao cho điều tôi biện bạch? Chúa đáp lại tôi rằng: “Hãy chép điều ngươi thấy, hãy khắc nó vào tấm bảng để đọc được dễ dàng. Bởi hình lạ còn xa, nó sẽ xuất hiện trong thời sau hết và sẽ chẳng hư không. Nó kết duyên với ngươi, hãy chờ đợi nó, vì nó sẽ đến không trì hoãn. Chắc chắn nó sẽ đến, không sai. Người không có lòng ngay thì ngã gục, nhưng người công chính sẽ sống nhờ trung tín”.

 

Phúc Âm: Mt 17, 14-19

Khi ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: “Lạy Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng: nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được”. Chúa Giêsu đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta”. Chúa Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy. Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: “Tại sao chúng con không thể trừ quỷ ấy được?” Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được”.

 

SUY NIỆM

Bối cảnh của đoạn Tin Mừng này diễn ra khi Chúa Giêsu dắt ba môn đệ  Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi để cho các ông thấy dung nhan của Chúa. Trong khi đó, dưới chân núi, các môn đệ còn lại cũng bày đặt trổ tài trừ quỷ. Người cha này rất chân thành, kể rõ bệnh tình của đứa con, những đau đớn cho nó và những phiền phức cho những người xung quanh: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước” (Mt 17, 15). Ông này cũng cho Chúa biết rõ: “Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài, nhưng các ông không chữa được” (Mt 17, 16). Sau khi than trách về lòng tin của họ: “Ôi, thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà!” (Mt 17, 17). Con thấy Matthêu đâu nói gì về sự kém lòng tin của người này đâu. Biết đâu ông ta tin, chính vì tin nên ông ta mới chạy đến với Chúa. Người ta chạy đến với mình là mừng rồi, ở đó còn rầy la người ta nữa. Nhưng qua đó con mới thấy, những việc Chúa làm đều với mục đích là củng cố đức tin cho người ta.

Nhiều người vất vả về vụ này, cha mẹ đứa bé chắc chắn rất đau khổ, chạy thầy, chạy thuốc cho nó. Các môn đệ cũng đã điên đầu vì cứ trừ tới trừ lui hoài mà quỷ không chịu xuất ra, có lẽ các ông cũng bị chạm tự ái vì mình là môn đệ của một người nỗi tiếng như vậy mà trừ quỷ không được. Sự can đảm các ông có được chắc chắn bởi vì uy tín của Chúa lúc đó. Thế nhưng với Chúa thì rất dễ dàng: “Đức Giêsu quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó” (Mt17, 18). Con nhớ lại lời thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ: “Đối với Chúa không gì là không thể làm được”. Con tin Chúa làm được tất cả mọi chuyện.

Thấy Chúa hành động một cách dễ dàng như vậy nên các môn đệ mon men lại gần hỏi riêng Chúa chứ không dám hỏi công khai vì mắc cỡ: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” (Mt 17, 19). Chúa cũng trả lời một cách đơn giản hết sức: “Tại anh em kém tin” (Mt 17, 20). Từ suy nghĩ, lời nói, việc làm của Chúa, con thấy mọi chuyện đối với Chúa rất nhẹ nhàng và bình thản, bởi vì Chúa biết rõ mình có quyền năng trên những điều đó.

Qua lời Chúa hôm nay trước hết cho con thấy rằng chỉ có Chúa là Đấng quyền năng. Vì vậy con đừng “tài khôn” như các môn đệ để đòi làm những chuyện lớn lao, phi thường. Chúa biết sức của mỗi người qua đức tin của họ để trao phó cho họ những nhiệm vụ tương xứng. Kế đến con tha thiết nài xin Chúa ban thêm đức tin cho con, vì đức tin là một ân ban của Chúa dành cho những tâm hồn tha thiết sống đức tin. Khi có đức tin con sẽ được bình an trước những nghịch cảnh sóng gió của cuộc đời, những tai ương bấp bênh của cuộc sống, vì giống như Chúa, con biết rằng những thứ đó không làm gì được con. Amen.

 

06/08

CHÚA HIỂN DUNG

Phúc Âm: Lc 9, 28b-36

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

 

SUY NIỆM

Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc cầu nguyện dung mạo người đổi khác”. Khi gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, con người sẽ được biến đổi. Thực sự ra biến đổi ở đây không phải giống như một phép màu hoặc ảo thuật, nhưng là tình trạng con người được lột trần, được ánh sáng Thiên Chúa phơi bày cho đến tận cốt cõi; và trong Thiên Chúa, con người ở tình trạng tốt đẹp nhất.

Biến cố biến hình diễn ra sau khi Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất. Tại đỉnh núi Tabor này, Chúa Giêsu được Chúa Cha xác nhận: “Đây là Con Ta”. Nhớ lại lúc khởi đầu sứ mạng, Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, ở đây Ngài được Chúa Cha tấn phong làm Đấng Messia, và cũng xác quyết: “Con là Con của Cha”. Nối kết hai biến cố này, chúng ta thấy Đấng Messia là một vị tôi tớ đau khổ, phải đi trên con đường thập giá. Chỉ khi Đức Giêsu Kitô chấp nhận đi theo hoạch định của Chúa Cha, Ngài mới đươc vinh quang, mới được xác nhận là “Con của Cha”.

Lạy Chúa, phụng vụ lời Chúa ngày hôm nay củng cố niềm tin cho con, rằng Chúa là Đấng quyền năng, sáng láng. Vinh quang Chúa luôn luôn tỏa hiện. Hành trình đức tin của con luôn được ánh sáng Chúa soi dọi.

Thế nhưng cuộc sống con vẫn còn nhiều tối tăm, mê muội. Con nhớ đến biến cố biến hình ngày hôm nay và con biết rằng mình chưa dành “Một cõi riêng tư” cho Chúa. Con cứ bị dòng đời cuốn trôi vào những nghiệt ngã, không biết bám víu vào ánh sáng lời Chúa nên con cứ múa may quay cuồng. Chỉ khi con biết bình tĩnh dừng lại dành “một cõi rất riêng tư” cho Giêsu thì con sẽ thấy những suy nghĩ của con chưa thoát khỏi những toan tính của kiếp người, những lời nói của con còn trần tục nhiều quá, và nhất là những hành động của con cũng chỉ dừng lại ở một cái tôi ích kỷ. Khi con thấy được những điều đó là rõ ràng con đang được ánh sáng Chúa soi dọi vào tận cốt lõi, được quyền năng Chúa lột trần những xấu xa… Và con đang biến hình.

Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, con được Chúa Cha xác nhận: “Đây là con yêu dấu của Cha”. Thế nhưng con có giữ vững danh hiệu đó chưa? Chắc chắn có những lúc con quên mình là“con yêu dấu của Cha”. Lời Chúa ngày hôm nay cho con thấy rằng những khi mình còn sống theo ý riêng, những khi mình còn tìm lợi ích riêng tư trong phục vụ… thì con chưa xứng đáng là “con yêu dấu của Cha”. Vì chỉ khi nào con chấp nhận sống theo thánh ý Chúa Cha, đi trên con đường thập giá thì con mới là con của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết dành một cõi riêng tư cho Chúa, ở đó Chúa với con, con với Chúa. Một ngày với biết bao những suy nghĩ, lời nói, hành động, chỉ trong ánh sáng riêng tư với Chúa, con mới nhìn thấy được đâu là điều đúng, đâu là điều sai. Và cũng xin cho con luôn nhớ mình là con Chúa, để biết sống theo những gì Chúa chỉ dạy, chứ đừng chỉ dạy Chúa phải làm gì.

Vinh quang Chúa chỉ chiếu dọi trên những người con Chúa.

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]