Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 18 Thường Niên C

Lm. Giuse Nguyễn 

THỨ HAI – Trang 1

THỨ BA – Trang 2

THỨ TƯ – Trang 3

THỨ NĂM – Trang 4

THỨ SÁU – Trang 5

THỨ BẢY – Trang 6

CHÚA HIỂN DUNG – Trang  7

 – o O o –

THỨ HAI

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 28, 1-17

Năm ấy, vào đầu triều đại Sêđêcia, vua Giuđa, tháng năm, năm thứ tư, có tiên tri Hanania, con của Azur, quê ở Gabaon, nói với Giêrêmia trong Ðền thờ Chúa, trước mặt các tư tế và toàn dân rằng: “Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán thế này: “Ta đã bỏ ách của vua Babylon. Còn hai năm nữa thì tất cả những đồ dùng trong Ðền thờ Chúa, mà Nabucôđônosor, vua Babylon, đã đoạt đem qua Babylon, Ta sẽ đem về nơi này. Giêcônia, con Gioakim, vua Giuđa, cùng tất cả những người Giuđa bị lưu đày đi Babylon, Ta cũng sẽ đem về nơi này: vì Ta bỏ ách vua Babylon. Chúa phán như thế”.

Bấy giờ tiên tri Giêrêmia trả lời tiên tri Hanania trước mặt các tư tế và toàn dân đang đứng trong Ðền thờ Chúa. Tiên tri Giêrêmia nói: “Ðược, Chúa cứ làm như vậy. Chúa cứ thực hiện những lời anh đã nói tiên tri. Ngài cứ đem các đồ dùng trong Ðền thờ Chúa và mọi người lưu đày từ Babylon về nơi này. Nhưng anh hãy nghe lời tôi nói cho anh và toàn dân nghe: Các tiên tri trước anh và tôi, đã nói tiên tri từ lâu, cho nhiều xứ và vương quốc vĩ đại biết có chiến tranh, cơ cực và đói khát. Nhưng tiên tri nào nói tiên tri cho biết có hoà bình, khi ứng nghiệm lời mình nói, thì mới được nhận là tiên tri thật Chúa sai đến”.

Bấy giờ tiên tri Hanania giật cái ách nơi cổ của tiên tri Giêrêmia mà bẻ đi. Rồi Hanania nói trước mặt toàn dân rằng: “Chúa phán thế này: Hai năm nữa, Ta sẽ bẻ ách của Nabucôđô-nosor, vua Babylon, nơi cổ mọi dân tộc như thế đó”. Và tiên tri Giêrêmia bỏ đi. Nhưng sau khi tiên tri Hanania giật cái ách nơi cổ tiên tri Giêrêmia mà bẻ đi, thì có lời Thiên Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: “Hãy đi nói với Hanania rằng: Chúa phán thế này: “Ngươi đã bẻ ách gỗ, thì Ta sẽ lấy ách sắt thay vào”. Vì Chúa các đạo binh, Thiên Chúa Israel phán: “Ta đã đặt ách sắt vào cổ mọi dân tộc này, để chúng làm tôi Nabucô-đônosor, vua Babylon. Chúng sẽ làm tôi vua ấy, và cả đến thú vật ngoài đồng, Ta cũng nạp cho vua ấy”.

Tiên tri Giêrêmia liền nói với tiên tri Hanania rằng: “Hỡi Hanania, hãy nghe đây: Chúa không hề sai anh. Anh đã làm cho dân này tin tưởng sự giả dối. Vì vậy, Chúa phán thế này: ‘Ðây Ta sẽ cất ngươi khỏi mặt đất: năm nay ngươi sẽ chết, vì ngươi đã nói chống lại Chúa’ “. Và tiên tri Hanania đã chết trong tháng bảy năm ấy.

 

Phúc Âm: Mt 14, 13-21

Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ và chữa những người bệnh tật trong họ.

Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi: xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”.

Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.

Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

 

SUY NIỆM

Thiên Chúa là Tình Yêu”. “Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, đấng giàu lòng thương xót”. Chính vì vậy mọi hành động của Đức Giêsu đều là Tình Yêu. Hôm nay Ngài thấy đám đông theo mình, cũng “chạnh lòng thương”. Thế mới thấy cái nhìn, cảm xúc của Chúa Giêsu cũng vượt xa cái nhìn và cảm xúc của con người.

Nếu là một con người bình thường, khi thấy người ta kéo đến với mình, mình sẽ tự hào, sung sướng vì được nhiều người ủng hộ, nhiều người thần tượng mình. Nhưng Chúa Giêsu thì vượt cao hơn. Ngài thấy được cái đói, cái khát, nhất là đói khát về phần thiêng liêng của dân chúng, nên thay vì tự hào khi dân chúng kéo đến với mình, thì Ngài lại “chạnh lòng thương” họ.

Nếu con người có “chạnh lòng thương” thì cũng chỉ là những người trong phe, trong nhóm của mình, những người mình có cảm tình. Sau khi nhận lệnh từ Chúa Giêsu: “chính anh em hãy cho họ ăn”. Các môn đệ đã nói lên suy nghĩ của mình: “Ở đây chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Đã đành là các ông có ít, nhưng sâu xa là “chúng con đã để phần cho Thầy và chúng con rồi, làm sao cho đám dân đó ăn đủ”. Tinh thần cục bộ, khuynh hướng phe nhóm luôn có trong con người.

Nếu con người có chạnh lòng thương, có thương nhiều người, không phân biệt, không loại trừ thì cũng chỉ dừng lại trong khả năng của mình chứ không thể làm thêm được nữa. Cho năm ngàn người ăn cùng một lúc thì các môn đệ đành “bó tay”. Thế nhưng với quyền năng của Chúa Giêsu “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho các môn đệ”. Kết quả là “Ai nấy đều ăn và được no nê”. Thế mới khen Chúa hay!

Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho con kiểm điểm lại bản thân mình. Con đã phục vụ những người chung quanh con, đã nhìn thấy cái thiếu thốn của họ chưa hay ngược lại còn muốn người ta kéo đến để làm tăng danh tiếng cho mình? Con đã biết quan tâm đến phần hồn phần rỗi của người khác chưa hay chỉ quan tâm để mình được lợi gì khi có nhiều người quen biết?

Con cũng xét lại tinh thần cục bộ, óc bè phái trong khi phục vụ. Thấy quyền lợi của mình có nguy cơ bị ảnh hưởng, là con lập tức tìm cách để diệt trừ. Nhà con có tiệm thuốc tây, nhà bên chuẩn bị mở tiệm bán thuốc, là con sẽ đi thưa chính quyền, không phải vì chuyện nó bán thuốc tây, nhưng vì chuyện nó cất nhà không giấy phép. Con phân bì với những người cùng phục vụ với con. Tại sao anh được quyền lợi nhiều hơn tôi? Có khi nào con phân bì tại sao anh phục vụ nhiều hơn tôi không? Chắc có lẽ không! Phục vụ thì không muốn phục vụ, hoặc không chu toàn, nhưng chỉ muốn tìm kiếm thêm cho thật nhiều quyền lợi của mình.

Con cũng phải biết giới hạn của mình. Dù con có làm được thật nhiều việc thì cũng không bao giờ là đủ, là đáng. Để con không buồn phiền với những đòi hỏi của người khác mà mình không đáp ứng được; cũng không tự mãn với những gì mình đã làm cho xã hội, cho Giáo Hội.

Tất cả đều xuất phát từ việc: “Chạnh lòng thương”.

Chia sẻ Bài này:

Related posts