Bài đọc và Suy niệm Lời Chúa Tuần 11 Thường Niên C

 

THỨ NĂM

BÀI ĐỌC I: Hc 48, 1-14

Bấy giờ tiên tri Êlia như lửa hồng xuất hiện, lời ông nóng bỏng như ngọn đuốc cháy phừng. Ông đem cho họ một mùa đói khát, và số người ghét ông đã hao đi, vì chúng chẳng giữ được giới răn Chúa. Do lời Chúa phán, ông đóng cửa trời và ba lần khiến lửa trời xuống. Êlia được vinh quang nhờ các việc lạ lùng đã làm, và ai có thể tự hào được vinh quang như người? Bởi lời Chúa là Thiên Chúa, người cứu kẻ chết ra khỏi âm phủ, khỏi quyền sự chết. Người triệt hạ các vua xuống cảnh điêu tàn, bẻ gãy dễ dàng quyền thế của họ, xô kẻ sang trọng rớt khỏi giường nằm. Trên núi Sinai, người đã nghe lời xét xử, và trên núi Horeb, người đã nghe án quyết phục thù. Người xức dầu các vua để báo oán và đặt các tiên tri để nối nghiệp mình. Người đã được cất đi trong bầu lửa, trong xe ngựa kéo đi. Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Giacóp. Phúc cho những ai đã thấy người, và được hân hạnh thiết nghĩa với người: Vì chúng tôi chỉ được sống trong cuộc sống này, sau giờ chết, danh tiếng của chúng tôi sẽ được như thế. Êlia được che khuất trong gió cuốn, và Êlisê được trọn vẹn thần trí của người. Trong đời người, người không sợ vương tướng, và không quyền lực nào thắng được người, cũng không ai vượt người trong lời nói, và khi người chết rồi, xác người vẫn nói tiên tri. Khi còn sống, người đã làm những phép lạ, và khi đã qua đời, người đã làm những việc kỳ diệu.

TIN MỪNG: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

“Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

“Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

SUY NIỆM

Hôm qua Chúa nói đến 3 hành động của một người đạo đức: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Hôm nay Chúa muốn nói cách riêng đến việc cầu nguyện.

Ngay từ đầu Chúa đã cảnh báo: “Khi cầu nguyện anh em đừng lải nhải như dân ngoại” (Mt 5, 7a). Tại sao họ lại “lải nhải”? Thưa bởi vì: “Họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhậm lời” (Mt 5, 7b). “Dân ngoại” tưởng rằng Chúa không biết gì nên phải nói nhiều, thật nhiều, càng nhiều càng tốt thì Chúa mới biết, Chúa mới nhận lời, Chúa mới ban ơn cho. Còn Chúa thì nói rằng: “Đừng bắt chước họ vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 5,8). Vì vậy điều quan trọng trong việc cầu nguyện trước tiên phải là việc nhận biết sự thật về Thiên Chúa.

Tiếp đến Chúa dạy cho các môn đệ lời kinh Lạy Cha. Đây là một điều hết sức đặc biệt vì chính Chúa dạy cho chúng con phải cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa. Từ lời kinh này Chúa muốn cho chúng con một cách thức cầu nguyện. Khởi đầu của việc cầu nguyện phải là việc chúc tụng ngợi khen Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt5, 9). Kế đến là lời cầu nguyện xin ơn, xin cho những nhu cầu vật chất: “Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt5, 11). Sau nữa là xin lỗi: “Xin tha tội cho chúng con” (Mt5,12). Cuối cùng là xin Chúa gìn giữ cho các môn đệ khỏi phải sa vào những cám dỗ của trần gian. Đây có thể được xem là lời nguyện thánh hiến: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt5,13).

Từ lời Chúa hôm nay cho con thấy rằng việc nhận biết Chúa là căn nguyên cho đời sống đức tin của con. Vì con nhận biết Chúa thế nào con sẽ sống và cầu nguyện như vậy. Nếu con nhận biết Chúa là Đấng quyền năng, là chủ tể muôn vật muôn loài, là Cha yêu thương của con thì con sẽ sống trong sự tin tưởng phó thác. Và việc cầu nguyện của con sẽ là hành động của một đứa con chạy đến với vòng tay yêu thương của Cha mình. Còn nếu con chỉ nhìn ra Chúa như một trong số những thần minh của dân ngoại, thì cách sống của con sẽ là chạy tới chạy lui, lăng xăng để tìm cho mình một vì thần nào có thể đem đến lợi ích cho mình. Từ đó thái độ cầu nguyện của con sẽ là nói nhiều cho Chúa biết những nhu cầu của con để Chúa có thể cạnh tranh với những thần minh khác.

Nếu con nhận ra Chúa là Chúa chân thật và duy nhất, Thiên Chúa yêu thương, thì thái độ cầu nguyện của con sẽ theo sự chỉ dạy của Chúa. Trước hết là chúc tụng ngợi khen Chúa vì  Chúa là Đấng đáng chúc tụng, sau nữa là xin lỗi về cách sống bất xứng của con; cũng như hứa sẽ tha thứ những lỗi lầm cho người khác xúc phạm đến con. Sau cùng là xin những ơn lành cần thiết cho đời sống tâm linh cũng như vật chất, nhưng quan trọng nhất là xin cho phần hồn, phần rỗi của con.

Khi con nói lên những điều đó không phải để cho Chúa biết, nhưng để con y thức con cần đến Chúa, để con biết chạy đến Chúa thường xuyên, để con biết mở lòng mình ra mà đón nhận ơn Chúa; vì nếu con cứ khép kín lòng mình lại thì ơn Chúa trở nên vô ích cho con.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự thật về Chúa để con có thể an tâm phó thác cuộc đời mình trong vòng tay yêu thương của Chúa. Và xin cho con biết cách cầu nguyện sao cho đẹp lòng Chúa. Nhưng trên hết mọi sự, xin cho con biết làm theo thánh ý Chúa.

Chia sẻ Bài này:

Related posts