Xin Đừng Vô Cảm

Khi tình yêu vắng bóng, con người ta trở nên tàn nhẫn. Ai cũng cần tình yêu. Bởi không ai sống mà đứng ngoài tình yêu, lại có thể sống được. Biết mình cần tình yêu, biết tình yêu là tặng phẩm quý giá không thể thiếu trong đời người, nhưng oái oăm thay, đã có lúc, con người thể hiện với nhau không bằng tình yêu. Sự tàn nhẫn bởi vắng bóng yêu thương, vì thế, có dịp phát triển, thậm chí hiện nay hình như đang nở rộ trong đời sống cộng đồng. Yêu thương vắng bóng, sự tàn nhẫn lên ngôi, đó là thái độ vô cảm của số đông con người, mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp bất cứ nơi đâu, bất cứ môi trường nào. Đau đớn và mỉa mai tận cùng, bởi con người cần tình yêu, thì chính họ lại vô cảm, lại biến trái tim mình thành tảng băng giá lạnh.

Chạnh lòng trước thái độ vô cảm của con người, chúng ta lại thấy ấm lòng khi chạm phải tình yêu của Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay, cho thấy Chúa Giêsu nêu cao bài học tình yêu ấy với chúng ta. Người không lãnh đạm, không vô cảm trước nỗi đau, sự thống khổ, hay những hình ảnh đáng thương của con người. Chúa đã “chạnh lòng thương” trước cả một đám đông, gồm toàn những con người bơ vơ, bất hạnh.

I. CON NGƯỜI VÔ CẢM.

Chỉ cần nhắc đến thái độ thiếu nhân bản thôi, người ta đã có thể kể cho nhau nghe rất nhiều những trường hợp vô cảm đáng lên án. Chẳng hạn: những cách hành xử vô tâm theo kiểu nhìn cụ già không dám đi qua đường vì xe cộ đông, chẳng những không giúp đỡ, mà lại thích thú cười đùa; một phụ nữ loay hoay mãi không lấy được xe máy từ bãi giữ xe ngay trước những cặp mắt “hồn nhiên” của đám thanh niên qua lại; hay tà áo dài của cô gái bị cuộn vào bánh xe trở thành trò đùa chỉ trỏ nhau của giới trẻ cho đến khi cô ngã đập mặt xuống đường…

Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện thương tâm trên VietNamNet kể về một tai nạn giao thông: Đó là ngày 13.8.2011, một thanh niên  đi xe máy nằm bất động trên đường, do bị  va chạm với một xe máy khác. Kẻ gây ra va chạm ngay lập tức đã bỏ trốn, bỏ mặt nạn nhân giữa phố. Ngay lúc đó, một chiếc xe buýt chở đầy khách may mắn kịp dừng lại trước người bị tai nạn. Nhưng thật lạ lùng, người bị nạn vẫn nằm đó, im lìm, bất động.Tài xế, nhân viên nhà xe thì đứng đó… chờ, còn hành khách ngồi bình thản trong xe. Trên lề đường, người hiếu kỳ tụ tập đứng nhìn ngày càng đông… Khá lâu sau, có ba thanh niên lao đến bên nạn nhân và tìm cách chặn các xe ô tô mong chở nạn nhân đi cấp cứu. Nhưng những chiếc ô tô cũng lướt nhanh qua, “vô cảm”  như những con người đang hiếu kỳ đứng đó chỉ để… xem.

Chúng ta còn chưa quên, dạo tháng 10.2011, báo chí đăng tải hình ảnh bé gái Duyệt Duyệt 2 tuổi, người Trung Quốc, đang lững thững đi ra đường, bị một xe hơi loại bảy chỗ tông phải và cán lên phần gần đầu của bé. Lúc này bé Duyệt Duyệt còn cử động, tài xế cho xe dừng lại vài giây rồi thản nhiên cho xe chạy tiếp và bánh xe sau lại nghiến nát một phần thân thể bé gái. Chỉ vài phút sau, lại thêm một chiếc xe tải nhỏ tiếp tục cán nát đôi chân Duyệt Duyệt. Bé nằm bất động trên vũng máu. Chỉ trong bảy phút ngắn ngủi, có đến mười tám người đi đường nhìn thấy, nhưng thản nhiên bỏ đi một cách vô tâm như không hề có chuyện gì xảy ra. Phải đến người thứ mười chín, bà Trần Hiền Muội, một người nghèo khổ, chuyên đi nhặt rác, mới trở thành người đầu tiên cứu bé Duyệt Duyệt. Bất cứ ai xem đoạn video clip này đều thản thốt, đều nghẹn ngào. Sự vô cảm của con người lớn đến mức kinh hoàng, đến mức nhói đau.

Con người ta ngày càng chai lỳ trước những khổ đau của đồng loại. “Bệnh vô cảm”, dù không hề tìm cách tra tấn ai, không bao giờ có những hình thức bạo động hay khủng bố để hù dọa, nhằm chiếm chỗ đứng trong lòng người. Nhưng nó vẫn có một sức mạnh phi thường lật đổ lương tri, lật đổ tình thương, lật đổ sự cảm thông trong lòng người. Nó đủ sức làm bại liệt lương tâm người đương thời, đến mức người ta dửng dưng trước một cảnh thương tâm; phủi trách nhiệm trước một trọng tội; hối lộ và nhận hối lộ để làm nghiêng cán cân công lý trước những người nghèo, trước những người cô thế, cô thân; chà đạp quyền sống của những người vô tội, những người mang thân phận hèn kém, yếu đuối; cướp đi quyền làm người của những thai nhi vô phương tự vệ; dùng công quyền đánh đập, thậm chí sát hại để cưỡng đoạt của cải, hoặc triệt tiêu niềm tin tôn giáo; dùng phương tiện truyền thông để đổi trắng thay đen, bẻ cong sự thật… mà lòng vẫn bình an như chưa hề có bất cứ chuyện gì xảy ra. “Vô cảm” đã làm cho con người ta độc ác, thậm chí độc ác đến mức đê hèn, đến mức tàn bạo. Và đê hèn, tàn bạo như một kẻ điên không còn tính người, mà chỉ như bản chất của những loài thú hoang.

II. CHÚA GIÊSU “CHẠNH LÒNG THƯƠNG”.

Từ ngàn đời, Thiên Chúa đã thể hiện Người chính là Thiên Chúa giàu tình yêu. Người chạnh lòng xót thương nhân loại, nhưng không phải nhân loại chung chung nào đó, mà là chạnh lòng thương cụ thể từng người, từng người một. Lịch sử cứu độ vẫn còn đó như một bằng chứng hết sức cụ thể, hết sức lớn lao về sự không hề vô cảm, nhưng nghiêng mình xuống của Thiên chúa để thể hiện lòng xót thương trên nhân loại.

Vì chạnh lòng thương, Thiên Chúa tạo dựng con người mang lấy chính dấu ấn hình ảnh của Thiên Chúa, để con người thông chia sự sống, sự thống trị vũ trụ cùng Người. Khi lòng dạ con người bội phản, vì chạnh lòng thương, Thiên Chúa lại trao ban cho con người tình yêu cứu chuộc, mà Con Một của Người là hiện thân để nhân loại tiếp tục được sống. Thiên Chúa chạnh lòng thương đoàn người nô lệ bên Aicập, nên đã giải phóng họ. Cũng vì chạnh lòng xót thương mà Người lãnh đạo họ, rày đây mai đó với họ giữa cảnh hoang địa đầy hiểm nguy, chết chóc. Người chạnh lòng thương nên đã nuôi đoàn dân lữ hành bằng nước và bánh bởi trời suốt bốn mươi năm ròng. Người chạnh lòng thương sự yếu đuối của mỗi thân phận con người, nên đã tha thứ cho dân riêng hết lần này đên lần khác. Chạnh lòng thương, Thiên Chúa gieo niềm vui ơn cứu độ và niềm hy vọng được giải thoát giữa cảnh lưu đày tủi nhục. Chạnh lòng thương đoàn dân lưu đày, Người đã dẫn đưa họ trở về cố hương… Vô cùng những lần Thiên Chúa thể hiện Người là Đấng chạnh lòng thương. Trọn cả dòn lịch sử cứu độ này là trọn cả dòng lịch sử khắc ghi đậm nét tình yêu thương của Thiên Chúa.

Bởi Thiên Chúa từ muôn đời đã không vô cảm, nhưng chạnh lòng thương, vì thế, Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa làm người đã thể hiện mọi nơi, mọi thời tình yêu thương không mệt mỏi của Người. Bài Tin Mừng theo thánh Marcô mà hôm nay Hội Thánh đề nghị chúng ta suy niệm là một trong những bằng chứng về lòng thương cảm của Thiên Chúa. “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.

Bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp theo của bài Tin Mừng tuần trước. Tuần trước các tông đồ được Chúa sai đi thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Và hôm nay các tông đồ trở về, báo cáo thành quả của mình. Chắc các tông đồ cảm thấy ấm lòng khi được Chúa Giêsu quan tâm đến. Chúa như hiểu thấu sự mệt nhọc của các ông, Người nhẹ nhàng bảo: “Chính anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Giữa lúc đám đông vây quanh, chỉ có thể lên thuyền để đi nơi khác mới mong giúp các tông đồ yên thân mà nghỉ ngơi. Thế là Thầy trò ra đi. Nhưng dường như dân chúng đã đoán biết ý định của cả Thầy và trò. Dân chúng đã lũ lượt kéo thao đông đảo. Đến nỗi sau khi thuyền cặp bến, điều đầu tiên sau khi bước ra khỏi thuyền, đó là: “Chúa Giê-su nhìn thấy một đám người rất đông”. Trước tình cảnh của những con người thật đáng thương đang vây quanh, Chúa Giêsu không còn cách nào khác ngoài việc “Người chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”.

Đứng trước nỗi thống khổ của con người, Chúa Giêsu không vô cảm. Người thấy sự mệt mỏi của các tông đồ. Người lo cho các ông. Các ông cần được nghỉ dưỡng để tìm lại sức mạnh của cả tinh thần lẫn thể xác. Còn bây giờ, đứng trước đám đông bơ vơ, tình thương trong Chúa đã thực sự dâng trào. “Người chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”.

Nhiều lần, Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu chạnh lòng thương như thế. Người mời gọi những kẻ nhọc nhằn hãy đến để được Người sớt chia những ưu tư, những thống khổ của họ: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho”. Chúa nhìn thấy sự đói của những người theo Chúa, vì thế, đã hơn một lần, Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ. Chúa cũng đã xót xa trước những cảnh đời sống trong bệnh tật. Người đã chữa lành cho họ, như đã từng chữa lành cho người phụ nữ bị bệnh loạn huyết mười hai năm, chữa cho người mù từ thuở mới sinh… Chúa đã xót xa trước giọt nước mắt đớn đau của người mẹ khóc con, của người chị khóc em, như trường hợp Chúa cho đứa con của bà góa thành Naim hay cho Lazarô sống lại… Người đã từng chạnh lòng trước cái chết của người đầy tớ của ông đội trưởng, hay cái chết của con gái ông trưởng hội đường… Người đã lập tức chữa lành cho tên lính đã từng bị thánh Phêrô chém đứt tai mà không cần bất cứ một điều kiện nào, dù lúc đó, Chúa đang bị người ta lên án và sẽ giết chết Chúa ngay sau đó. Đến giây phút cuối đời, lúc mà Chúa phải chết thảm trên thánh giá, Chúa vẫn chạnh lòng thương đối với người trộm cùng bị đóng đinh với Chúa… Chúng ta không thể kể hết những lần Chúa chạnh lòng thương đối với con người. Chỉ xin được nhìn ngắm bài học chạnh lòng thương của Chúa để chúng ta cũng sống tình người bằng lòng bác ái, vị tha, đón nhận, cảm thông… giữa người cho nhau, vì nhau trong cõi đời này…

III. NGƯỜI KITÔ HỮU CŨNG PHẢI BIẾT CHẠNH LÒNG THƯƠNG.

Có nhiều nguyên nhân được coi là “cha đẻ” của thái độ vô cảm:

– Chẳng hạn nền kinh tế thị trường, mà ở trong đó “mạnh được yếu thua”, con người đánh giá nhau dựa trên giá vật chất, đã làm cho người ta san bằng tình cảm, dần dần không còn một chút nghĩa tình nào, mà trước sau gì vẫn chỉ là lợi nhuận, là đồng tiền đặt trên hàng đầu.

– Người ta cũng đổ lỗi cho ngành giáo dục. Bởi giáo dục mà không nhắm đào tạo con người, không đề cao nhân bản, không dạy cho biết yêu thương, không chỉ cho con người học là để xây dựng đất nước, xây dựng con người, xây dựng tương lai cho sự sống của chính mình và của con cháu mình, lại chỉ nói tới vai trò của cá nhân, nói tới thái độ vô thần, nói tới lợi nhuận khi nắm được một mớ kiến thức hơn người, nói tới một thứ chủ nghĩa duy vật, và một mớ ý thức hệ có lợi cho chủ nghĩa của mình…, sẽ dẫn tới cả một thế hệ con người hung ác, tàn bạo.

– Chính cơ chế quản lý xã hội hiện nay cũng là nguyên nhân làm lây lan sự vô cảm. Một kiểu quản lý xã hội mà phải có tiền bỏ túi cá nhân, thì mọi việc mới được giải quyết, thử hỏi làm sao con người ta không trở nên tàn nhẫn, vô tâm, mất đạo đức!

– Người ta cũng không loại trừ quốc nạn tham nhũng đang biến tướng, ngày càng phức tạp với quy mô rộng lớn hơn, tham lam hơn, xảo quyệt hơn, khéo che đậy hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn. Sự tham nhũng làm cho kẻ có quyền ngày càng nhẫn tâm, miễn là lợi lộc cho bản thân mình càng nhiều càng tốt. Thậm chí nếu treo mạng sống của đồng loại trên đầu sợi tóc, họ vẫn nhắm mắt làm ngơ, miễn là thủ lợi.

– Sự ích kỷ cá nhân cũng là mầm mống sinh ra vô cảm. Bởi khi sống ích kỷ, người ta không còn thấy ai, mà chỉ thấy có bản thân mình.

– Lối sống hưởng thụ và não trạng thực dụng cũng là thủ phạm gây nên vô cảm. Hưởng thụ và thực dụng luôn luôn cám dỗ người ta quay lại với chính mình mà đâu lưng với người khác. Vì thế, nó càng làm cho người ta điên cuồng trong sự ích kỷ, tìm an thân cho mình nhiều hơn.

– Nhiều người cũng đổ lỗi cho nền văn minh hiện đại của nhân loại. Đó là thứ văn minh mà máy móc thay thế sức lao động của con người, thay cả những cuộc gặp gỡ, thay cả những tương quan tưởng chừng như không bao giờ được phép thay thế. Người ta có thể giao dịch, tiếp xúc với chiếc máy tính cả ngày trời một cách “vô tư”, trong khi, chỉ cần giao dịch, tiếp xúc với đồng loại nửa giờ đồng đã thấy khó khăn, đã thấy chán ngán. Con người một khi chỉ biết làm bạn với chiếc máy vô hồn thì còn gì là tình cảm đối với nhau.

– Các phương tiện truyền thông cũng góp phần “tôn tạo” thái độ vô cảm. Bởi những phương tiện truyền thông, bên cạnh những điều tốt, lợi ích, còn có biết bao nhiêu sự bất cập. Chẳng hạn, người ta có thể giải trí suốt ngày, suốt đem với những phương tiện truyền thông, mà không cần có bất cứ người thân nào bên cạnh. Sự cô đơn hóa chính mình đã khiến con bệnh vô cảm thâm nhập vào cõi lòng họ lúc nào không hay.

– Người ta cũng có thể sinh ra vô cảm từ những nhà tù, những trại tập trung. Bởi ở đó, làm gì có tình người giữa người thống trị và kẻ bị trị. Sống với nhau không có tình người, sự vô cảm thể hiện rõ nét không đâu bằng.

– Chúng ta cũng phải nghi ngờ rằng, chính những chủ trương áp bức, bóc lột, cai trị hà khắc của giai cấp thống trị, cũng sẽ sinh ra vô vàn lối sống, lối hành xử bất nhân, bất nghĩa, vô lương tri.

– Người ta cũng không quên thái độ vô thần, và gieo rắc thái độ vô thần ấy khắp nơi, sẽ là một mối nguy hiểm vô cùng lớn, đẩy tình thương giữa người với người xa vắng. vô cảm sẽ lập tức xâm nhập để thay thế tình thương. Bởi loại trừ thần thánh, thì lập tức người ta cũng sẽ loại trừ đồng loại.

– Khi con người làm nô lệ của tham vọng ích kỷ, đặt lợi ích quốc gia dưới lợi ích của phe nhóm, dưới lợi ích của cá nhân; khi con người làm nô lệ của thèm muốn quyền lực, của mua quan bán tước; khi con người làm nô  lệ của chính đồng tiền, nô lệ của sự ham lợi lộc không phải do lao động làm ra, là chính lúc vô cảm được tự do hoành hành, tự do thao túng.

Nói chung, vô cảm có thể hiện diện ở khắp nơi. nó nằm trong đồng tiền mà người cán bộ công quyền thản nhiên đút túi, mỗi khi người dân cần đến cửa quan. Nó nằm trong đồng tiền mà người thầy thuốc thản nhiên đút túi mỗi khi người bệnh cần cứu giúp. Nó nằm trong đồng tiền mà người thầy giáo thản nhiên đút túi mỗi khi học trò, người học cần kiến thức, để vượt qua cửa ải của học vấn… Sự thản nhiên của con người trước nỗi đau đồng loại càng nhiều, sự vô cảm càng nảy nở…

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới hậu quả tai hại trên đây, đó là sự lãng quên Thiên Chúa, coi thường tiếng nói của lương tâm. Thực vậy, khi không tin vào Chúa, thì chẳng có gì ngăn cản người ta làm điều thất đức. Khi không tôn trọng lương tâm thì chẳng có gì giữ họ khỏi những việc làm xấu xa. Thiên Chúa là trọng tài phân định việc tốt việc xấu. Lương tâm là tòa án được thiết lập để nhắc bảo đâu là điều chính nẻo ngay. Nhờ tin có Chúa mà con người tìm đường hướng đi cho cuộc sống. Nhờ lắng nghe lương tâm mà con người nhận ra những chuẩn mực của cuộc đời. Lãng quên Thiên Chúa sẽ làm cho con người mất lý tưởng. Phủ nhận lương tâm sẽ làm luân lý băng hoại suy đồi. lãng quên Thiên Chúa, xóa bỏ lương tâm, vô cảm sẽ là điều rất hiển nhiên.

Chỉ có một điều duy nhất cứu lấy niềm thương cảm, để dần dần loại trừ vô cảm, đó là chúng ta hãy học lấy sự “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu. Người Kitô hữu không bao giờ được phép quên tấm gương hy sinh để sống, chết, sống lại của Chúa Giêsu vì con người. Bắt chước Ch1ua, lòng thương của chúng ta cũng phải dàn trải trên mọi người quanh minh.

Ao ước mỗi chúng ta cũng quyết tâm làm thăng hoa sự chạnh lòng thương trong tâm hồn mình thể hiện qua đời sống yêu thương và tận hiến theo gương Chúa Giêsu. Chúng ta cần dẹp bỏ thói vô tâm, thờ ơ với cuộc sống chung quanh; dẹp thói ích kỷ nhỏ nhen, chỉ muốn an thân cho mình. Chúng ta hãy cho chảy ra ngoài thứ “máu lạnh” bao nhiêu năm tháng tích tụ trong đời mình, để chỉ có một bầu “máu nóng”, thứ máu sẵn sàng hy sinh, tương trợ, dám lên tiếng trước bất công, dám yêu chuộng những vẻ đẹp của tâm hồn, mà đôi khi phải trả giá bằng sự an nguy của chính mình.

Người Kitô hữu phải luôn luôn đinh ninh rằng: Yêu thương là hạnh phúc. Cho đi hay nhận lại, đều là niềm vui. Hãy để cho niềm xót thương luôn ngự trị trong tâm hồn, để tâm hồn bình an. Hãy để cho hạnh phúc của tình yêu lên ngôi trong cõi lòng, để những ai sở hữu nó đều biết nhân rộng, làm cho niềm hạnh phúc do thái độ yêu thương sẽ lớn mãi, lớn mãi trong nhân loại này.

Hãy luôn chạnh lòng thương!

Và hãy xóa tan vô cảm!

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts