- Legio Mariae – Đạo Binh Đức Mẹ - https://daobinh.com -

Trong tay cậu có chú chim

Một linh mục trẻ quyết tâm giảng càng ngày càng hấp dẫn. Ngài mua một chiếc cassette, và thâu băng buổi lễ Chúa Nhật. Tối hôm ấy, ngài ngồi ung dung trên ghế bành để nghe lại. Tất cả xem ra ngon lành, đâu vào đó, ngài tự nhủ… Nhưng khi ngài dụi mắt tỉnh dậy, Lễ đã xong người ta đang ra về bằng an. Thế nhưng khi nghe bài giảng của tiên tri Amos trong Cựu Ước thì không ai có thể ngủ nổi. Vị tiên tri giảng về công bằng xã hội với một bầu nhiệt huyết. Ngài quan tâm đến những thành phần nghèo khổ và bị áp bức. Ngài trừng mắt nhìn những hạng người – đặc biệt là giới kinh doanh – và lớn tiếng, “Các ngươi bóc lột những kẻ túng thiếu, lừa lọc những kẻ làm công cho các ngươi.” Ngài đưa mắt nhìn đám đông làm việc phượng tự và nói, “Thiên Chúa phán thế này, ‘Ta ghê tởm việc phượng tự và tiếng hát om sòm của các ngươi nếu như các ngươi cứ sống như vậy. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn'” (Am 5:21, 23, 24).

Tiên tri Amos chỉ là một trong nhiều vị tiên tri Cựu Ước đã hùng hồn rao giảng truyền thống ấy. Đến thời Chúa Giêsu, Người cũng tiếp nối điều các tiên tri chưa thể hoàn tất. Ngay trong bài giảng đầu tiên tại hội đường, Chúa đã trích dẫn lời các tiên tri: Ta đến loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khổ; giải thoát những người bị áp bức. Chúa Giêsu đã giảng điều ấy nơi người đồng hương, những người mà Chúa đã lớn lên giữa họ. Thế mà giờ đây, Người lại tuyên bố, “Thiên Chúa đã sai Ta đem Tin Mừng đến cho những người nghèo khổ và mang tự do đến cho những người bị áp bức” – và vì thế, người ta đã quyết tâm thanh toán Chúa. Chiều tối hôm ấy, họ đã đưa Người ra ngoài thành và cố đẩy Người xuống triền núi. Trong thời kỳ sứ vụ công khai, Chúa đã quan tâm đến những người nghèo khổ, những người bị chà đạp, những nạn nhân bị bóc lột đến cùng cực. Khi vào Đền Thờ, Chúa đã mạnh mẽ đả phá nạn bóc lột và trích dẫn các tiên tri Cựu Ước khi lật nhào bàn ghế của những kẻ đổi tiền. Chúa Giêsu bị đóng đinh thập giá không phải vì đã biểu lộ tình thương và chữa lành bệnh tật cho nhiều người. Chúa bị đóng đinh vì đã phản kháng và đấu tranh cho công bằng xã hội.

Đối với chúng ta ngày nay, điều ấy mang ý nghĩa gì? Sự trung thành với sứ mệnh Kitô nhiều khi đòi chúng ta phải trả một giá rất đắt; nhiều khi chúng ta phải cam chịu lăng nhục vì dám đứng lên ủng hộ một xã hội công bằng. Cái giá ấy là một cách nói lên việc về phe Chúa Kitô là một hành vi hết sức giá trị. Đó là một phần của hy sinh, một phần của cái giá chúng ta phải trả. Đó là cơ hội thưa lên, “Lạy Chúa, con thực lòng yêu Chúa, và vì Chúa, con sẵn sàng thực hiện điều này điều kia, cho dù không được đa số chấp nhận.” Có người đã nói, “Một người về phe Chúa đã là đa số.”

Khi phải trả giá vì dám tranh đấu cho công bằng xã hội, khi cảm thấy mệt mỏi, bế tắc và sợ hãi, chính là khi chúng ta, với sự yếu đuối của bản thân, gieo mình vào lòng Chúa và thưa lên: “Lạy Chúa, con không xoay xở gì được nữa vì đã quá sức con; con không biết phải giải quyết cách nào. Nhưng này con đây. Con yêu mến Chúa và xin giao phó chuyện này cho Chúa.” Đó là khi sức mạnh sẽ đến phù trì chúng ta có đủ can đảm và sức mạnh để kiên trì dấn thân.

Cha Thomas Merton, đan sĩ dòng Trappist, viết: “Tất cả chúng ta đều cần đến tình yêu của tha nhân và lệ thuộc vào đức ái của tha nhân để có thể sống cuộc sống của mình. Và với ý nghĩ lầm lạc, việc chúng ta từ chối yêu thương, có thể nói, hàm ý một hình thức hạ nhục kín ẩn.”
Chúa Giêsu phán, “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” Sỉ nhục, theo nghĩa sâu xa của Thánh Kinh, là ch?p nhận thực tại lệ thuộc hỗ tương – nhu cầu yêu thương và được yêu thương – là quà tặng cao quí của Thiên Chúa và là nền tảng của hòa bình, công lý và hòa hợp trong trật tự xã hội, trong Giáo Hội, và trong cộng đồng đức tin. Chúa Giêsu thể hiện rõ ràng điều này cho chúng ta qua cuộc sống và sứ vụ của Người. Chúa không những đã tự hạ, theo nghĩa Thánh Kinh, bằng cách đồng hóa với cộng đồng nhân loại, đặc biệt Người tìm đến với những thành phần thấp hèn nhất: những người bị ruồng bỏ, những người anh chị em nhỏ bé.

Một chú thỏ bị con chó hung dữ đuổi chạy thục mạng. Rất đông người chạy theo, khích lệ và an ủi nó. Thỏ nhìn lại và hổn hển nói, “Cháu thực lòng biết ơn những lời khích lệ của quí vị, nhưng xin dủ thương xích con chó lại đi.” Có rất nhiều chú thỏ đang hoảng hốt chạy quanh chúng ta. An ủi và khích lệ là điều tốt. Nhưng nếu chúng ta xích mấy con chó lại thì tốt hơn. Thánh Kinh mời gọi chúng ta hãy làm như vậy. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về điểm này, và đó là một yếu tố thiết yếu để làm môn đệ của Người. Chỉ chìa băng cứu thương và tỏ vẻ quan tâm đến những người đau đớn vẫn chưa đủ để chu toàn sứ mạng vì công lý. Dấn thân vào sứ mạng vì công lý là đi thẳng vào những cội rễ gây ra bất công, dù ở bất cứ nơi đâu: thay đổi những điều kiện, thay đổi những thái độ.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, ngày lễ Hiện Xuống, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại và ban bình an cho tâm hồn các ngài. Chúa phán, “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20:21). (“Để tâm hồn được bình an, để trở nên một con người viên mãn, các con phải làm như Thầy đã làm và bỏ mình hoàn toàn trước thánh ý Thiên Chúa. Duy mình Thiên Chúa là nguồn sức mạnh và can trường mà các con cần đến để vươn lên khỏi đống tro tàn bất lực của các con.”)

Một thanh niên trẻ cố so tài với một cụ già khôn ngoan. Cậu ta chụm hai bàn tay lại rồi nói với cụ già, “Trong tay tôi có một chú chim nhỏ. Cụ là người khôn ngoan, xin cụ cho biết con chim ấy còn sống hay đã chết?” Giả như cụ già nói, “Chết,” anh chàng sẽ mở tay ra và con chim sẽ bay đi. Còn nếu cụ già nói, “Sống,” anh ta sẽ xiết hai bàn tay lại, bóp chết con chim. Trong lúc cụ già đang ngẫm nghĩ, anh chàng sốt ruột, “Còn sống hay chết rồi?” Cụ già khôn ngoan chỉ đáp, “Trong tay của cậu có một chú chim.”

Có những lúc sứ mạng Kitô đòi chúng ta phải đồng hóa với những nạn nhân của xã hội bất công. Có những lúc chú chim ở trong bàn tay của bạn. Chớ gì “lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.”

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ

Chia sẻ Bài này:
[1] [2] [3]